Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

lundi 19 novembre 2012

Thầy Âu : « Tôi sống giản dị, chết cũng sẽ giản dị… »


(BẢN GỐC BẰNG TIẾNG PHÁP, TỰ CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG VIỆT)


« Tôi sống giản dị, chết cũng sẽ giản dị ; nhưng nếu tôi có thể để lại trong tâm trí các trò những ý tưởng ngay thật và bao dung, thì với tôi đó sẽ là phần thưởng êm ái nhất và là điều vinh quang đẹp đẽ nhất. […]  » (Guyau, Thầy và trò)


Bài viết này cố gắng phác thảo chân dung người cha quá cố của tôi, Thầy Phạm Kiêm Âu, theo sự “đặt hàng” của một công trình nghiên cứu về « Giáo dục nữ sinh và sự hình thành tầng lớp trí thức sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam từ năm 1920 đến năm 1945 »[1]. Bài viết được thực hiện dựa trên nhiều nguồn thông tin : những câu trả lời cho bộ câu hỏi được biên soạn nhằm thu thập những lời chứng, những thư điện tử trao đổi với / giữa các học trò cũ và / hay các đồng nghiệp cũ của Thầy Âu, những truyện kề hay thư từ có sẵn liên quan đến Thầy …, và không quên một nguồn tư liệu phong phú và ít nhiều bị phân tán của gia đình chúng tôi. Bài viết đặt trọng tâm vào hình ảnh của Thầy Âu trong mắt các cựu nữ sinh, và một vài nét trọng yếu của những giai đoạn chính trong cuộc đời Thầy.

1. Thầy Âu và các ‘học trò ruột’ hay ‘học trò nuôi

Thuở sinh thời cũng như sau mười lăm năm … mười sáu năm … và sắp tới đây là mười bảy năm … kể từ khi Thầy giã từ cõi dương để về cõi âm, đối với các cựu học sinh của Thầy, và nhất là các cựu nữ sinh (họ nhiều hơn hẳn so với các cựu nam sinh), Thầy Âu vẫn là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của một Người Thầy thực thụ, đúng theo truyền thống Nho Giáo của xã hội Việt Nam, một truyền thống có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều thế hệ. 

Thư pháp chữ “Nghĩa” tượng trưng cho một trong những nguyên tắc sống của Thầy Âu
(Nghĩa là một từ Hán-Việt không thể dịch trọn vẹn sang tiếng Pháp.
Một vài từ tương đương là: loyauté, fidélité, humanité, attaches…)

Thực ra không phải tất cả các cô gái Huế học trường trung học Đồng Khánh (ĐK) ở Huế (nơi Thầy Âu dạy học vào giai đoạn quan trọng nhất của cả sự nghiệp nhà giáo của mình) đều là học trò của Thầy. Nói theo kiểu mà các nữ sinh ĐK những thập niên 50 đến 70 của thế kỷ trước tự nhận và gọi nhau (tùy theo họ có là học sinh các lớp Thầy dạy hay không), thì họ là ‘học trò ruột’ hay ‘học trò nuôicủa Thầy Âu. Nhưng ngày nay họ cùng nhau hội tụ để ghi nhận những công lao ngày nào của Thầy. Sau đây là cách các ‘học trò nuôi’ của Thầy nhớ về Thầy :
« Thanh Minh không được hân hạnh học Pháp văn với Thầy Phạm Kiêm Âu, nhưng khi nghe đến tên của Thầy thì tất cả học sinh ĐK đều kính nể và kính phục Thầy trong phương pháp giảng dạy của Thầy, đã đem lại nhiều kết quả rất đáng kể. » (Tôn Nữ Thanh Minh @ 21.3.2010) – « Cúc không được học với Thầy Âu, ngược lại chị ruột của Cúc, tên là Như Tùng có được học với Thầy, Cúc thường nghe chị nói là Thầy dạy rất giỏi và rất nghiêm, nhất là trong việc chấm điểm. » (Từ Thị Kim Cúc, trích thư Nguyễn Thanh Trí @ 23.3.2010) – « Mình không có may mắn học với Thầy Âu nên không biết nhiều về Thầy, tuy nhiên lúc nào mình cũng xem Thầy như Thầy của mình vì gần như ngày nào mình cũng chào Thầy trên hành lang trường Đồng Khánh những ngày mình học ở đó. » (Kim Thanh, trích thư Nguyễn Thanh Trí @ 26.3.2010) – « Em rất ngưỡng mộ Thầy Âu và thực sự tiếc là không được học với Thầy. » (Kiều Hạnh @ 11.4.2010) – « Cũng giống như Kiều Hạnh, em không học với Thầy vì thuộc thế hệ sau nhưng mấy chị em thì có… Hình ảnh của Thầy mà em nhớ rõ nhất là tại sân bay Phú Bài… Khi đó cả nhà vừa mới chạy về năm 72… Huế nắng gay gắt, tụi em đang lơ ngơ chờ xe đến đón. Thầy kêu đến dang rộng hai tay để cho ba đứa nhỏ trong đó có em đứng núp nắng trong áo khoác của Thầy… Cho đến bây giờ em và em gái của em vẫn còn nhớ bóng dáng to lớn và giọng nói che chở của Thầy khi đó... » (Tăng Bảo Hương @ 18.4.2010).
Thuở xa xưa
(Một thời Đồng Khánh 2007)

Về phía mình, các ‘học trò ruột’ của Thầy Âu tỏ ra rất hài lòng và tự hào vì đã lưu giữ cho đến ngày nay một tấm ảnh lớp được chính Thầy thực hiện (Nam Trân, Diệu Phương…), hay một cuốn học bạ có nhưng lời phê và chữ ký của Thầy (Trương Thị Huệ), hoặc những bức thư dài được chính Thầy viết với nét chữ gần như không ai có thể đọc ra (Nguyễn Thị Hoà, Nam Trân)... Giờ đây, qua thư điện tử, họ chia sẻ với nhau những tiếc nhớ và niềm vui thích khi được cùng nhau xem lại những tấm ảnh lớp, là đặc ân dành riêng cho những cựu nam sinh và cựu nữ sinh của Thầy Âu : chính Thầy đã chịu khó thu thập ảnh của học trò từng lớp, sắp xếp vào một tờ giấy khổ lớn dựa trên chỗ ngồi của mỗi người trong giờ học của Thầy, rồi mang ra tiệm chụp hình để có được tấm ảnh « chung » cho mỗi lớp, và sau đó Thầy nhân bản và phân phát… Cũng nên nhớ rằng vào thời đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số và ảnh chỉ được in tráng từ âm bản và phim.

Một vài trường hợp “tái hiện” những ảnh lớp của Thầy Âu – Đồng Khánh
Trên : (trái) Lớp 2A1, 1959-1960 (Lá Thư Phượng Vỹ 2008) – (phải) Lớp 2C1 1962-1963 (Đồng Khánh Mái trường xưa 1997)
Dưới : (trái) Lớp Đệ Nhất C1(1968-1969) (Trích từ một power-point của các cựu nữ sinh ĐK 2010) – (phải) Lớp 12A2 (Pháp văn sinh ngữ 2), 1974-1975

2. Kỷ niệm ngày xưa với Thầy Âu

Những kỷ niệm thuở xưa được « khơi dậy từ đống tro tàn » cứ xô nhau ùa về … sau mỗi một lời gợi nhớ. Ở đây tôi chỉ xin kể lại những kỷ niệm được tái hiện trong các thư điện tử, còn những kỷ niệm được nêu ra trong các câu trả lời cho bộ câu hỏi thăm dò thì tôi xin dành cho một dịp khác, sẽ phân tích một cách hệ thống hơn.
Một trong số các nữ sinh nhớ lại : « THẦY luôn gọi mình bằng vingt-sept (27 là số thứ tự của mình trong lớp) » (Trương Thị Huệ @ 26.3.2010). Và nếu như Thanh Trí (thuộc một khóa học rất xưa, khoảng năm 1951, nay là họa sĩ ở Hoa Kỳ) hài lòng khi ký họa bức chân dung rất có thần về người Thầy ‘đứng tuổi’ của mình với nụ cười thanh thoát của một cụ ông luống tuổi, và viết một truyện kể ngắn tường thuật một giai thoại về Thầy thời ‘trẻ’ (xem Phụ lục 2), thì Anh Phi (thuộc về những thế hệ trẻ nhất, khoảng 1974, hiện ở Úc) đã cố gợi lại những kỷ niệm với Thầy trong một bài thơ ngắn (xem Phụ lục 2). Nam Trân hào hứng kể : « Thầy Âu có cho học trò Đồng Khánh  một định nghĩa rất vui và không thể quên : “Vào lớp sau thầy, tức là đi học trễ” (sẽ không được vào lớp hoặc bị trừ điểm). Vì vậy học trò rất sợ, có học sinh xô ngã xe Thầy (như Anh Phi), có học sinh nghịch ngợm “chui” giữa … 2 chân Thầy để giành vào lớp trước Thầy nữa!!! » (Nam Trân @ 22.3.2010). Diệu Phương, lớp 12C2 mà Thầy Âu là giáo sư hướng dẫn, thừa nhận bài thơ của Anh Phi cũng chính là « hình ảnh ngỗ nghịch của tụi con mỗi khi chuông reng, đến giờ học Pháp văn của Thầy là phải kiếm cách chạy thật nhanh vào lớp trước Thầy » (Diệu Phương @ 22.3.2010). Về phần mình, Minh Phương chia sẻ : « Đã gần 40 năm cho nên mình không nhớ nhiều chi tiết, nhưng mình chỉ nhớ là mình rất thích giờ Pháp văn vì Thầy rất là năng động, và luôn đòi hỏi học trò phải phát biểu, trả lời những câu hỏi của Thầy. Nếu không sửa soạn trước, Thầy biết liền, chỉ cần đưa mắt nhìn qua một lần, là Thầy gọi ngay không trốn được. Thầy có một luật lệ là không được đi tr giờ thầy, cho nên có lần Diệm Hoa (giờ đang ở Thụy Điển) phải chun dưới chân Thầy để chạy lẹ vô lớp trước Thầy. Hắn vẫn còn nhắc lại khi mình gặp hắn năm ngoái. Khi học những bài văn ngắn, Thầy hay hỏi những câu hỏi đòi hỏi học trò phải dùng trí tưởng tượng của mình, không thể học "gạo" mà trả lời như mấy môn khác. Có nhiều đứa trả lời mặc dù không đúng ý Thầy hay ý của nhà văn, nhưng mà nếu câu trả lời "lạ", làm Thầy và cả lớp cười thì được Thầy "tha thứ", còn câu tr lời thì được Thầy "ghi vô sổ" riêng của Thầy để mai mốt Thầy đọc lại mà nhớ mấy con ma cũ. […] Riêng mình thì mình nhớ có một lần trong giờ Thầy, mình với Thái Tuyết (giờ ở SG) đang nói chuyện thì bị Thầy bắt gặp, Thầy gọi TT rồi nói TT phân tích một câu chuyện ngắn - của Balzac thì phải - TT run quá, ngó lại cái bài đọc rồi thay vì "thú tội", cô nàng ngẩng mặt lên, rất tự tin, trả lời bằng tiếng Pháp với Thầy : "Bài viết này nói về tình yêu giữa một người con trai và con gái, mà tình yêu thì không ai có thể ... cắt nghĩa hay phân tích được ..." Thầy phá lên cười vì Thầy biết là TT đang "ba xạo", nhưng Thầy "tha" cho cả hai đứa, rồi cúi xuống ... Thầy chép vô sổ câu nói "bất hủ" của đứa học trò "lắm mồm" của Thầy. » (Minh Phương @ 3.5.2010)
Nhưng … thực ra trong cái gọi là cuốn sổ đó có thể có cái gì? Trong bài viết cảm động  « Trường xưa phượng đỏ » (xem Phụ lục 2), Nguyễn Thị Hoà đã chịu khó ghi lại thật chi tiết một đoạn trích từ trong cuốn sổ, có liên quan đến chị và bạn bè cùng lớp (năm học 1970-1971), những chi tiết mà chính Thầy cung cấp cho chị trong một lá thư gửi chị rất nhiều năm sau đó (1982). 

   Sổ dạy học (di vật) tại nhà Thầy Âu
(Phòng làm việc của Thầy, đã được sắp xếp hơi khác trước)

Chị Quỳnh Hoa (nay đã thất thập) thu thập gửi cho tôi những trích đoạn sau đây, là những trao đổi qua thư điện tử giữa chị và các chị bạn cùng lớp ngày xưa (Quỳnh Hoa @ 11.5.2010): « Mỗi lần đi học sớm, cả bọn đứng ở cửa sổ nhìn xuống trường để chờ giáo sư. Có lần Thầy Âu đi vào bằng xe mô-bi-lét màu cà phê sữa, đàng sau có đeo một cái xách hơi bị lệch, sà xuống, thế là tất cả bèn đồng thanh la lên rằng: Thầy mang trứng lộn [2] nặng quá, nên xách bị lệch, rồi ồ lên cười. Thật là nghịch ngợm của tuổi thanh xuân. » (Lê Thị Châu) – « Giờ Thầy Âu thì hồi hộp, « né » Thầy cho ăn trứng vịt lộn. Mình thì nằm « thương bệnh binh » của Thầy rồi, nên lì nằm đó luôn, đi về sợ bệnh tái phát nữa ! » (Tôn Nữ Cẩm Quỳ) – « Thầy dạy Toán thì ra luật là trò nào bước vào lớp dù sau Thầy một bước cũng kể là đi trễ, nên mới có chuyện xảy ra là học trò kéo Thầy xô lui để vào trước. Có lần Thầy té khiến cả bọn xanh mặt, nhưng rồi Thầy cũng xuề xòa vì cái luật của Thầy » (Nguyễn Cửu Thị Việt).
Ngày nay, đọc một bài viết của chị Nam Trân gửi Thầy Âu sau khi Thầy qua đời[3], Thư Trì nhớ lại « dáng dấp cao lớn nhưng mảnh khảnh của Thầy, mái tóc chải cao với vầng trán rộng, cặp kính dày cộm, dáng đi lững thng với cái cặp to đùng bất ly thân và tưởng chừng như em còn nghe giọng cười hào sảng của Thầy vang to trong lớp khi bắt gặp một "faute" ngộ nghĩnh nào đó của học trò ». Thư Trì thú nhận : « Em may mắn được học tiếp với Thầy những năm ở đại học, được tiếp thu thêm một số kiến thức, một mớ kinh nghiệm để củng cố thêm cho cái vốn Pháp văn ít ỏi của mình nên trong lòng em luôn dành cho Thầy một niềm yêu thương và kính trọng đặc biệt. [...] Bây giờ Thầy không còn nữa nhưng những kỷ niệm về Thầy cũng như hành trang chữ nghĩa Thầy đã trang bị cho mỗi một học trò để làm vốn trong cuộc sống vẫn còn đây nên hình ảnh của Thầy không bao giờ phai nhạt trong lòng những đứa con tinh thần. » (Thư Trì @ 2.4.2010)




Thầy Âu  và học trò
Lớp Đệ tam (1956-1957) – ĐK (Quốc Học-Đồng Khánh 2007)

Kể cả những « tai nạn », « trục trặc » giữa Thầy Âu và học trò cũng được gợi lại với nhiều tình tiết khúc mắc : « Thầy là một trong những giáo sư có nhiều ảnh hưởng tốt cho các học sinh và để lại cho chị nhiều kỷ niệm nhất, nhất là Thầy. Làm sao chị quên được khi chị bị Thầy đuổi ra khỏi lớp (năm Đệ Ngũ) vì quá ngỗ nghịch trong lớp. Bị đưa xuống văn phòng Hiệu Trưởng và hôm sau phải đến nhà Thầy xin lỗi... » (Quỳnh Hoa @ 28.3.2010) – « Thầy bảo chị: "Conjuguez le verbe Aimer - mode impératif", chị trả lời tỉnh queo: "Il n'y a pas le mode impératif du verbe aimer, monsieur !". Cả lớp im lặng, Thầy cũng quá ngạc nhiên. Thầy không nói tiếng Pháp nữa, Thầy la chị bằng tiếng Việt: Giỡn mặt hả? trò giỡn với tui hả? tại sao?; chị cũng trả lời bằng tiếng Việt (mà Thầy không “bắt bẻ” Parlez en français nữa): Thưa Thầy thương hay ghét là tự trong lòng người ta, mình không thể ra lệnh cho người ta được, dù là ông vua hay ông tổng thống! Thầy có vẻ suy nghĩ, không phạt chị, không ghi sổ 00 mà chỉ nói “Được rồi, hiểu rồi!”, sau đó Thầy hỏi riêng chị tại sao, bất mãn cái gì với Thầy mà cứng đầu cứng cổ vậy v.v., tại sao không nói riêng với Thầy mà nói ở giữa lớp. Chị cũng đã hối hận rồi nên nói: Thưa thầy, con xin lỗi Thầy, con biết con sai rồi! » (Vương Thuý Nga @ 25.3.2010).
Họ không phải là những kẻ mù quáng xem Thầy mình là một thánh nhân, một bậc toàn bích không chút tì vết, tuy nhiên với mỗi một chị, Thầy Âu vẫn mãi mãi là biểu tượng của lòng tận tụy vô bờ, của tài năng, hiệu quả và cuộc sống mẫu mực. Điều đó được thể hiện trong nhiều trích đoạn thư điện tử, chẳng hạn như : « Thầy Phạm Kiêm Âu là một giáo sư tận tụy với học sinh, và cũng rất nghiêm khắc với học sinh. Ai cũng sợ và kính mến Thầy. » (Quỳnh Hoa @ 11.5.2010) – « Khi học với Thầy chị cũng thấy Thầy có cái sai – theo quan điểm của chị – nhưng cốt tủy là do Thầy muốn tốt cho học trò, nên chị không phê phán Thầy, ngoài ra khi hết học với Thầy rồi là chị quên hết những cái mình nghĩ là “khuyết điểm” của Thầy, chỉ nghĩ đến những cái hay, tốt, dễ thương của Thầy thôi. » (Vương Thuý Nga @ 30.3.2010). Về phía mình, Thanh Trí cho rằng chị đã nhận ra ở Thầy « chân dung người thầy, một nhà mô phạm tài đức và có tâm hồn nghệ sĩ […] vì Thầy nhạy cảm (hay khóc […]) […] ».
Quả vậy, khi trả lời các câu hỏi được đặt ra nhằm thu thập thông tin về Thầy Âu, những từ được các cựu nữ sinh dùng nhiều nhất để nói lên đặc điểm của Thầy là (xếp theo tần số xuất hiện) : “tận tâm (tận tụy)”, “đạo đức”, “nghiêm túc ”, “gương mẫu”, “vui tính”, “thương yêu”, “hy sinh”, “ tưởng”, “công bằng”, “hiền lành”, “bình dị”, “sáng tạo”, “lương tâm”, “yêu đời, yêu người”, “giỏi”, “đáng kính”, “nhân nghĩa”, “có óc tổ chức ”, “kỷ luật”, “khó”.

3. Những gì còn lại…

3.1. Những điều giáo huấn
Thử xem những cựu nữ sinh kể gì về những điều giáo huấn của Thầy Âu khi trả lời câu hỏi thăm dò sau : « Theo Chị, ngoài những kiến thức liên quan đến các môn Thầy dạy, Thầy có truyền đạt thêm cho Chị và các bạn những bài học nào khác về cuộc đời không ? ».
« Thầy không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy Luân Lý, triết lý sống v.v. nữa » (Vương Thuý Nga) – « Thầy là tấm gương sáng cho tôi không những chỉ như một người Thầy giáo, nhưng còn là một con người đầy lương tâm, lòng tận tụy, hy sinh và yêu thương. » (Vương Thuý Loan) – « Thầy dạy chúng tôi một bài học tốt về phuơng pháp vận dụng trí tuệ, cách ghi nhớ các sự việc... Theo tôi Thầy là một trong những giáo sư giỏi nhất và tâm huyết nhất mà sau này khó tìm lại được. » (Trần Thuỳ Mai) – « Thầy đã cho tôi những bài học quý báu về tình thầy trò và lòng yêu nghề mến trẻ.Tôi nghĩ đối với Thầy, dạy học là tất cả, không những tâm huyết mà cả tâm hồn. Tôi thấy Thầy vui buồn với những kỷ niệm đối với từng cá nhân học sinh, không phân biệt học sinh giỏi hay học sinh yếu, ngoan hay không ngoan. […] Tôi trân trọng cách làm việc của Thầy, dù đôi lúc Thầy hơi quá tỉ mỉ. Nhưng chính sự tỉ mỉ đó là tính cách độc đáo của Thầy, là biểu lộ của lòng yêu nghề và sự quan tâm theo dõi bước tiến triển của từng cá nhân học sinh […]. » (Đoàn Phương Mai). – « Chỉ riêng về tư cách của Thầy thôi là đủ dạy cho mình một tấm gương phải noi theo. Đó là sự nghiêm túc trong mọi sự việc mình theo đuổi; là chừng mực trong lời nói, việc làm; là quan tâm đến mọi người, mọi việc chung quanh, là nhiệt tâm  làm đẹp những thế hệ đi sau mình. » (Đặng Ngọc Lệ Khánh) – « Chính bản thân và cuộc sống của Thầy đã là một bài học cho chúng tôi về cách làm người đó là phải biết sống đạo đức, nhân nghĩa; biết yêu thương và hy sinh. » (Trương Thị Huệ) – « Cho riêng tôi thì nhiều. Thầy dạy cho tôi lòng tự trọng, sự trung thực, lòng dũng cảm, sự thông cảm, bao dung với người khác, lòng trắc ẩn, tâm tình chia xẻ với người gặp hoạn nạn, đau khổ. Thầy dạy bằng cả tấm lòng của mình nên những bài học của Thầy thấm sâu trong tôi. » (Nguyễn Thị Thuý Loan) – « Thầy bảo : Phải gắng học, nếu không thì sau này phải hít bụi xe ô-tô của bạn bè. » (Hồng Hạnh Luguern).
Được hỏi hồi đó Thầy có phát biểu gì về vấn đề nam – nữ và sự bình đẳng hay bất bình đẳng giới hay không, những cựu nữ sinh khẳng định họ không nhận thấy điều gì đặc biệt. Hồng Hạnh Luguern xác nhận : « Không bao giờ ». Vương Thuý Nga thì khẳng định : « Có thể nói Thầy rất bình đẳng trong lãnh vực này »,. Đối với Đặng Ngọc Lệ Khánh, « Thầy cũng không bao giờ phân biệt nam hay nữ. Với thầy, chỉ có học trò mà thôi ». Trương Thị Huệ và Trần Thuỳ Mai thú nhận rằng các chị chưa hoặc không có dịp nghe Thầy nói về những vấn đề đó. Nguyễn Thị Thuý Loan thì có một nhận xét rất độc đáo : « Không hề. Tôi không hiểu câu hỏi này. Tôi thấy mình là nữ giới nhưng tôi có chủ quan nghĩ rằng tôi được Thầy quan tâm đặc biệt. Có lẽ vì tôi học giỏi chăng ? ».

3.2. Viên gạch nhỏ góp vào sự nghiệp lớn
Sinh thời Thầy Âu tự nhận một cách rất khiêm tốn mình là « một con đom đóm nhỏ ». Trong số những câu văn hay của các tác giả lớn thực sự gần gũi với Thầy, có trích đoạn của Guyau, mà phần đầu đã được dùng làm lời phi lộ cho bài viết này về chân dung của Thầy, và độc giả sẽ thấy trích đoạn này ở đoạn dưới trong phần 4 « Một góc khuất ít người biết đến ».
Nhưng thôi, hãy thực thi công lý đi thôi! Các cựu nữ sinh đã nói những gì? Chúng ta hãy thử xem xem.
Với các câu hỏi « Theo Chị, đối với nền giáo dục của nước nhà Thầy có phần đóng góp nào đáng được ghi nhận không ? Có điều gì của Thầy có thể được xem là giá trị cuộc sống để làm gương cho các thế hệ sau không ? », một số chị đã trả lời như sau:
« Chị thấy rằng tất cả các nhà giáo không nhiều thì ít, đều là những nhà giáo dục vì đã đào tạo ra những con người có ích cho xã hội. Thầy giáo Trung Học chỉ phụ trách 1 vài môn nên sự thành công hay thất bại của học sinh không thể kể là của riêng ai được. Tuy nhiên mỗi vị Thầy / Cô đều có ảnh hưởng nhiu hay ít lên học sinh của mình. Riêng Thầy PKÂ là vị Thầy có nhiều đức tính nên đã là tấm gương sáng cho học sinh noi theo (nhiều ngưòi nói 1 đàng làm 1 ngã thì học sinh không thể noi theo được) Thầy giáo dục học sinh bằng chính bản thân mình. Ngày đầu tiên học với Thầy chị đã đưọc nghe chuyện Thầy “bị đày” ra Huế / Quảng Trị vì tham gia phong trào Trần Văn Ơn nên chung quanh con người của Thầy đã có nhiều huyền thoại, được học với Thầy cũng là 1 vinh dự trong đời học sinh. » (Vương Thuý Nga) – « Chắc chắn là có. Thầy đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ, và chắc chắn rất nhiều người trong số học trò của Thầy trở thành cô giáo, thầy giáo, đều là admire Thầy và muốn giống Thầy, đi theo con đường của Thầy. » (Vương Thuý Loan) – « Dĩ nhiên theo ý tôi, đối với nền giáo dục nước nhà Thầy đã đóng góp rất nhiều khi tạo nên những thế hệ nối tiếp nhau thành nhân và thành danh […]. Cuộc sống đạo đức của Thầy luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi gương. » (Mai Băng Thanh) – « Thầy giỏi về chuyên môn, dạy hết mình, cả đời vì sự nghiệp giáo dục. Theo tôi Thầy là một con người rất ấn tượng, một “nghệ sĩ” trong ngành giáo dục. Cách dạy và cách sống của Thầy rất độc sáng, không ai có thể giống Thầy. » (Trần Thuỳ Mai)« Thầy rất nổi tiếng, điều đó được khẳng định bởi rất nhiều học sinh cũ của Thầy. Lý do là Thầy dạy giỏi nhưng cũng có thể Thầy là gương mặt tiêu biểu cho các thầy giáo tận tụy hết mình vì học sinh. » (Công Huyền Tôn Nữ Thu Quỳ) – « Theo tôi, Thầy đóng góp rất đáng kể vào giáo dục nước nhà, không cần phải có những việc làm to tát, chính cuộc sống của Thầy, chính những bài giảng và sinh họat trong lớp của Thầy đã tạo nên những cá nhân xuất sắc cả về đạo đức lẫn khả năng. Sự trung thực được đánh giá cao nhất trong giờ học của Thầy. » (Kiều Hạnh) – « Hết lòng truyền dạy với tất cả khả năng của thầy mong học sinh đạt được kết quả tốt đẹp. » (Nguyễn Anh Phi) – « Có chứ. Thầy đã tạo ra được những thế hệ trẻ biết yêu trường học, có giáo dục, có nhân tâm. Với một số khác gần gũi thầy hơn, có lẽ có thêm lòng yêu nước đậm đà. » (Đặng Ngọc Lệ Khánh) – « Đối với tôi, ngoài việc đào tạo những thế hệ học sinh có năng lực, tri thức khoa học, thầy còn là tấm gương sáng về đức nghĩa, về lòng nhân ái bao la. » (Trương Thị Huệ) – « Những đóng góp của Thầy cho nền giáo dục của nước nhà là rất lớn. Giá trị cuộc sống lớn nhất mà Thầy để lại chính là Thầy, tấm gương không tì vết của lương tâm chức nghiệp, đạo đức làm người và đạo đức nhà giáo, của lòng nhân hậu, chung thủy, của tình người, tình thầy trò. » (Nguyễn Thị Thuý Loan) « Không biết là Thầy đóng góp như thế nào cho nền giáo dục nước nhà, nhưng trên lĩnh vực văn học Pháp Thầy đã giúp cho học sinh rất nhiều. Một cô gái ở kháng chiến về, chỉ học với Thầy có vài năm mà đã có 1 kiến thức khá quan trọng về văn học Pháp. » (Hồng Hạnh Luguern).

Các thầy cô trường Đồng Khánh (1973-1974)
Thủ bút của Thầy Âu, phía dưới ảnh : « Trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế / Niên khoá 1973-1974 / 5 giờ chiều thứ ba 15 tháng 1 năm 1974 / (23 tháng chạp năm Quý-Sửu) / Dãy nhà phía trái / (từ ngoài đi vào) »
(Đồng Khánh Mái trường xưa 1997)


4. Một góc khuất ít người biết đến

4.1. « Tôi sống giản dị, chết cũng sẽ giản dị » (Guyau)
Trường trung học Đồng Khánh nơi Thầy Âu dạy học hơn hai mươi năm không phải là ngôi trường duy nhất ở đó Thầy thực hiện thiên chức thầy giáo. Nhiệm sở đầu tiên của Thầy là trường Lycéum Bassac ở Cần Thơ (1944). Sau đó, Thầy giảng dạy tại một số trường ở Sài Gòn, rồi trường Chơn Phước Phượng ở Đồng Hới, trước khi Thầy vào Huế và định cư ở đó cho đến cuối đời.

   Thầy Âu ở Đồng Hới
Trái : Tại trường Chơn-Phước-Phượng
– Phải : Với thủ bút của Thầy Âu : « Non sông nào phải buổi bình thời » (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Chỉ tính riêng ở Huế thôi (từ 1954 đến 1982), cũng có thể kể tên nhiều ngôi trường nơi Thầy dạy học : các trường trung học (Trung học Đệ nhất hay Đệ nhị cấp) như Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Du, Nông Lâm Súc, Bồ Đề, Bán Công, Jeanne d’Arc[4], và ở đại học như Đại học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm, là những trường thành viên của Viện Đại Học Huế… Năm 1982, ở tuổi 63, Thầy kết thúc sự nghiệp thầy giáo của mình ở Trường Đại học Sư Phạm Huế.
Ở các trường trung học, thường Thầy Âu dạy Pháp văn, nhưng cũng có khi Thầy dạy Toán và Vật lý (ít hơn và chủ yếu là trong thời gian đầu, vào những năm 50 của thế kỷ 20). Ở đại học, trong các phân khoa Pháp văn đào tạo giáo viên và những cử nhân Pháp văn, Thầy đảm nhận nhiều chuyên đề : Đọc tác phẩm, Nghiên cứu tác phẩm, Ngữ pháp thực hành, Văn học Pháp, Phương pháp giảng dạy (Thực hành sư phạm)…
Một khía cạnh đầu tiên của góc khuất (hay ẩn kín) này có thể giải thích vì sao Thầy đã hết lòng tận tụy với học trò như thế. Khía cạnh đó liên quan đến bài viết sau đây của Guyau, được Thầy xem như phương châm của riêng mình, đó cũng là gia sản tinh thần mà sau này Thầy truyền lại cho thế hệ thầy cô giáo thứ hai trong gia đình :
« Modeste je vis, modeste je mourrai ; mais si je puis laisser dans vos esprits les idées vraies et généreuses, ce sera pour moi la plus douce des récompenses et la plus belle des gloires. Lorsque je ne serai plus, lorsque devenus grands, vous aurez peut-être oublié le maître de votre jeunesse, quelque chose de lui restera en vous sans que vous y songiez. Quand vous lirez, celui qui aujourd'hui vous apprend à lire sera encore à moitié avec vous ; quand vous écrirez, celui qui le premier a guidé votre main sera encore de moitié dans votre travail ; quand vous penserez à vos devoirs, à votre patrie qui attend de vous votre bonheur, votre maître aura sa part dans ces pensées généreuses qu'il vous a inspirées dès l'enfance. Non, je ne mourrai pas tout entier, car je revivrai en vous.
Enfants, votre maître vous aime, il vous aimera toujours. Que vous demande-t-il en échange ? Rien qu'un peu d'attention à ses paroles, un peu de respect pour ses leçons, et, si vous avez du cœur, un peu d'affection pour lui. »
Guyau, « Le maître et l’élève »
Trích đoạn đó có thể tạm dịch sang tiếng Việt như sau :
« Tôi sống giản dị, chết cũng sẽ giản dị ; nhưng nếu tôi có thể để lại trong tâm trí các trò những ý tưởng ngay thật và bao dung, thì với tôi đó sẽ là phần thưởng êm ái nhất và là điều vinh quang đẹp đẽ nhất. Khi thầy không còn nữa, khi các trò đã khôn lớn, có lẽ các trò sẽ quên đi người thầy thời trẻ, nhưng có điều gì đó của thầy vẫn còn lại trong các trò mà các trò không nghĩ đến. Khi các trò đọc, kẻ ngày nay dạy cho các trò đọc sẽ còn tồn tại một nửa với các trò ; khi các trò viết, người đầu tiên cầm tay các trò dạy viết sẽ còn lại một nửa trong việc các trò làm ; khi các trò nghĩ đến bổn phận của mình, đến tổ quốc của các trò đang mong chờ các trò hạnh phúc, thầy giáo của các trò sẽ có phần mình trong những ý tưởng độ lượng đó, những ý tưởng mà thầy đã gợi cho các trò ngay từ thời thơ ấu. Không, thầy không chết hoàn toàn đâu, bởi vì thầy sẽ sống trong các trò.
Các trò ơi, thầy của các trò yêu thương các trò, thầy sẽ yêu thương các trò mãi mãi. Đổi lại thầy đòi hỏi điều gì ? Chẳng có gì khác hơn là một chút quan tâm đến những lời thầy nói, một chút tôn trọng đối với những bài học của thầy, và nếu các trò có lòng, thì một chút mến thương dành cho thầy. »
Guyau, « Thầy và trò »
Mỗi năm Thầy Âu có một cuốn sổ dạy, ở đó Thầy ghi cho mỗi lớp danh sách học sinh, sơ đồ lớp với ảnh chụp của từng cô cậu học trò, những chi tiết liên quan đến mỗi người : sơ lược lý lịch, kết quả đạt được, những kỷ niệm đáng nhớ…Ngay trang đầu cuốn sổ, có một câu khẩu hiệu (bằng tiếng Việt, với những chữ in hoa được tự tay Thầy kẻ thật đẹp), có khi còn kèm cả hình vẽ một cái lư hương, tất cả được sắp xếp trân trọng như được bày biện trên bàn thờ : « TỔ QUỐC TRÊN HẾT – TẤT CẢ CHO TỔ QUỐC – VÌ TỔ QUỐC, CHỈ VÌ TỔ QUỐC ». Thầy là người không có mảy may chút năng khiếu nào về nghệ thuật đồ họa … thế mà hiệu ứng đã rất trực tiếp đối với con bé con là tôi thời đó.
Phải đến một tuổi nào đó tôi mới bắt đầu khám phá dần dần về con người là bố của mình.   
Và tôi được biết là từ ấu thơ, ngay khi mới chào đời, vận mệnh đã giáng xuống Thầy một đòn nặng nề, thậm chí nghiệt ngã. Được cụ thân sinh đặt tên là “Kim Âu”, nhưng chưa bao giờ Thầy nhận được cái tên thiêng liêng đó vì chẳng bao lâu sau Thầy đã bị mất nó.
Ở đây tôi xin mở một dấu ngoặc đơn cho nghĩa của từ “kim âu”. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam xưa, từ phức Hán-Việt “kim âu” được dùng để chỉ một cái âu hoặc cái bồn làm bằng vàng (hay đồng), là biểu tượng của một giang sơn toàn vẹn và vững bền. Về sau, nó trở thành một từ thường được dùng để chỉ cơ đồ của một nước. Cũng từ đó hiện diện trong bài thơ nổi tiếng « Chiêu Dương mộ bạc » (Chiều đậu thuyền ở bến Chương Dương)[5] của danh sĩ Việt Nam Ninh Tốn (1734-1790) thời Tây Sơn. Một giai thoại khác về “kim âu” là : theo huyền thoại xa xưa, sau khi nước ta đại thắng quân Nguyên xâm lược, một hôm người ta thấy chân những con ngựa đá trước lăng vua Trần Thái Tông đều lấm bùn, nên đồn rằng các con ngựa đá (là những vật vô tri) đều đã thực sự ra trận. Tiếng đồn đến tai vua Trần Nhân Tông. Vua phấn khích ứng khẩu ngâm hai câu thơ : « Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu » (Xã tắc hai phen bon ngựa đá / Non sông nghìn thuở vững âu vàng)[6]. Tên đặt như thế quả là ý nghĩa. Tuy nhiên do cách phát âm “lệch chuẩn” của phương ngữ Sa-đéc (sinh quán của Thầy Âu) không phân biệt giữa “im” và “iêm”, “kim” và “kiêm”, và do người bà con có nhiệm vụ đi làm giấy khai sinh cho Thầy lại … mù chữ, cho nên tờ khai sinh của cậu bé Âu đã được đăng ký với họ tên đầy đủ là Phạm Kiêm Âu (thay vì Phạm Kim Âu), là họ tên mà từ đó Thầy phải mang cho đến tận cuối đời.
Sinh năm 1919, là con út trong một gia đình nghèo, cậu bé Phạm Kiêm Âu đã được giáo dục thật kỹ càng, từ một người mẹ rất hiền lành, kín đáo, và nhất là từ một người cha làm nghề thợ bạc, đã cật lực làm lụng để nuôi cả gia đình. Cậu bé Âu thừa hưởng của cha mình những đức tính mà sau này sẽ quyết tâm truyền lại cho các con của mình : những đức tính cương trực, trung thực, hiếu hạnh, trung thành, và danh dự. Cũng như ông cụ thân sinh, Thầy Âu đã sống trong sạch và vẫn sống trong sạch suốt đời mình.

Trái : Thầy Âu năm 1948 ở Sài Gòn – Phải : Thầy Âu với cụ thân sinh (ngồi), Cô và những người con đầu tại Saigon, khoảng 1961

Những giá trị mà Thầy đã truyền lại cho con cháu (có tôi trong đó) có thể tóm gọn trong nhiều câu tục ngữ, châm ngôn… xưa kia đã là phương châm sống của Thầy, và về sau cũng trở thành khẩu hiệu của bản thân tôi :
« Ne t’attends qu’à toi seul. » (Chỉ nên trông chờ ở chính mình.)– « Nos plus sûrs protecteurs sont nos talents. » (Những kẻ bảo vệ ta vững chắc nhất là những tài năng của ta.) – « Travaillez, prenez de la peine, c’est le fonds qui manque le moins. » (Hãy làm việc và chịu khó nhọc, tiền bạc là thứ ta ít thiếu nhất)  (La Fontaine) – « Un frère est un ami qui nous a été donné par la nature. » (Anh hay em trai là một người bạn mà tự nhiên đã ban tặng cho ta.)– « L’union des enfants fait le bonheur de la famille. » (Con cái đoàn kết tạo ra hạnh phúc gia đình.) « Aimez-vous bien les uns les autres. » (Hãy yêu thương lẫn nhau thật nhiều.) – « L’homme n’est ni ange ni bête, et le malheur fait que qui veut faire l’ange fait la bête. » (Người không là thánh cũng không là thú, không may kẻ nào muốn làm thánh hóa ra lại làm thú.) (Pascal) – « Mieux vaut avoir affaire à Dieu qu’à ses saints. » (Tính chuyện với Chúa hơn là với các thánh của ngài.) – « Exiger la reconnaissance, c’est presque mériter l’ingratitude. » (Đòi hỏi sự hàm ơn là gần như xứng đáng nhận chịu sự vô ơn.) – « L'accomplissement du devoir, voilà, jeunes élèves, et le véritable but de la vie et le véritable bien. » (Hỡi các học trò trẻ tuổi của tôi, làm tròn bổn phận, đó vừa là mục đích thực sự của cuộc đời, vừa là của cải thực sự.)
… có khi được lấy từ ca dao Việt Nam :
« Người ta đi cấy lấy công / Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề » « Ai ơi chí giữ cho bền / Dù ai xoay hướng xoay chiều mặc ai » « Cát bay vàng lại ra vàng. / Những người quân tử dạ càng đinh ninh » « Dù ai nói ngả nói nghiêng, / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân »
… hoặc nữa là trong những câu văn của các tác giả, nhất là của Victor Hugo, trích từ « Les Misérables » (Những người khốn khổ), mà Thầy đã chép lại trong những lá thư gửi cho các con của mình (tháng 3-4 1994), ít lâu trước khi Thầy ra đi vĩnh viễn (tháng 9 1994) :
« Mes enfants, voici que je ne vois plus très clair, j’avais encore des choses à dire, mais c’est égal. Pensez un peu à moi. »« Mes enfants, ne pleurez pas. Je ne vais pas très loin. Je vous verrai de là. Vous n’aurez qu’à regarder quand il fera nuit, vous me verrez sourire. […] Je vais donc m’en aller, mes enfants. Aimez-vous bien toujours. Il n’y a guère autre chose que cela dans le monde : s’aimer. Vous penserez quelquefois au pauvre qui est mort ici. » (Victor Hugo, Les Misérables).[7]
Sau một lần bệnh lao tái phát mà Thầy đã dũng cảm chiến đấu nhưng sức tàn lực kiệt đã không còn đủ nữa, Thầy trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10 tháng 9 năm 1994, ở tuổi 75.
Các nữ sinh cũ định cư ở nước ngoài đã góp tiền và đề nghị gia đình Thầy xây cho Thầy một lăng tẩm xứng với Thầy, nhưng vợ con Thầy đã lựa chọn cách hành xử nhằm thực hiện mong ước của Thầy (luôn khiêm tốn, giản dị, khi sống cũng như khi chết), và xây cho Thầy một ngôi mộ đơn sơ, giản dị, trong nghĩa trang gia đình bên vợ của Thầy. Ở đó nơi an nghỉ cuối cùng của Thầy (hoàn toàn giống các ngôi mộ của bố mẹ vợ của Thầy cũng như những người quá cố khác trong gia đình) vẫn là đơn sơ, giản dị. Và rồi với sự đồng ý của các cựu nữ sinh, số tiền dự định dùng xây lăng cho Thầy đã được dành để làm học bổng hàng năm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đạt kết quả học tốt. Xem như Thầy Âu vẫn có thể chăm lo cho những thế hệ sau, như những ngày Thầy còn sống.
Ngoài ra, tinh thần giúp đỡ các em trong học tập cũng đã được nhân rộng : bên cạnh Học bổng Phạm Kiêm Âu, một mặt, một người con của Thầy, Phạm Anh Tuấn, đã cùng một số người thiện nguyện khác tổ chức và duy trì một quỹ HHF (Hope for Hue Foundation, Tổ Chức Hy vọng cho Huế), để hỗ trợ từ nhiều năm nay các bệnh nhân đượ
angc điều trị ở Bệnh viện Trung Ương Huế, và giúp các em học sinh khó khăn có thể đến trường. Mặt khác, từ hai năm nay, Tố Phượng, một người con dâu của Thầy, đã phối hợp với các Khoa Toán của các trường Đại Học Khoa học và Đại Học Sư Phạm thuộc Đại Học Huế, và nhất là với trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, để phát phần thưởng cho các sinh viên và học sinh đạt kết quả xuất sắc về Toán, nhân danh « Quỹ Khuyến học Phạm Anh Minh ». Tố Phượng là vợ của Phạm Anh Minh (người con trai của Thầy đã qua đời năm 2004, 10 năm sau khi Thầy mất, khi mới 44 tuổi !). Sinh thời Phạm Anh Minh thực sự là một nhà toán học trẻ đã tự khẳng định được mình về lĩnh vực Tô-pô, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
                                                                
Tinh thần hỗ trợ việc học, xưa và nay …
Trái : Biên nhận của trường Hai Bà Trưng (Huế) về Học bổng Phạm Kiêm Âu, năm 1995-1996
– Phải : Giấy chứng nhận khen thưởng các học sinh giỏi toán (Trường THCS Nguyễn Tri Phương, & Quỹ Khuyến học Phạm Anh Minh), từ năm 2009

4.2. Lòng ái quốc và quan hệ với “Kẻ Khác”
Nhưng có lẽ khía cạnh ít được biết nhất về đời Thầy Âu là khía cạnh gắn liền với các hoạt động thời trẻ của Thầy ở phía Nam đất nước, là Nam Bộ. Quả vậy, Thầy tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, thuộc đơn vị của các nhà giáo Hà Huy Giáp và Tam Ích. Thầy đã từng bị bắt, rồi bị giam cầm. Khi quân đội thực dân tái chiếm Nam Bộ, Thầy tiếp tục tham gia kháng chiến giữa lòng Sài Gòn. Sau cuộc biểu tình rộng lớn để đòi thả tự do cho học sinh Trần Văn Ơn, Thầy lại bị bắt rồi bị buộc phải rời Nam Bộ vào năm 1950. Bị an trí tại Đồng Hới (Quảng Bình), Thầy dạy học đến năm 1953. Do không được phép trở về miền Nam Việt Nam, năm 1954 Thầy định cư ở Huế và tiếp tục dạy học.
Ông Phạm Văn Bạch, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, (trước kia là thầy giáo của Thầy Âu và là lãnh đạo Phong trào Kháng chiến ở Nam Bộ), đã ký vào khoảng năm 1985 một giấy chứng nhận về quá trình hoạt động ái quốc của Thầy Âu như sau (trích đoạn) :
 « - Khi CM 8/45 bùng nổ, anh tự nguyện gia nhập TNTP[8] tại Cần Thơ Nam Bộ, lãnh tụ TNTP Nam Bộ bấy giờ là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
- Sau đó, anh được tuyển làm Ban Tuyên Truyền Cơ quan Việt Minh Tỉnh bộ Sóc Trăng Nam Bộ.
- Từ 46, sau khi tôi lìa Saigon[9], anh lẻn được về đó, để hoạt động.
- Năm 50, anh bị Mật Thám Pháp và tay sai bắt giam 1 tháng. Sau đó Phòng Nhì Nhà Binh Pháp bắt làm tù binh, bảo vì anh đã tham gia TNTP, đã cầm tầm vông vạt nhọn[10] chống Pháp.
4 tháng sau, mãn án, anh được phóng thích. Nhưng 3 hôm sau, Mật Thám địch bắt lại.
Dù địch dọa, hành hạ và cám dỗ, anh vẫn cương quyết giữ vững lập trường nên Pháp và tay sai đày anh, bắt anh an trí tại Đồng Hới (Quảng Bình).
Mãi đến cuối cuộc Kháng Chiến chống Pháp, anh mới được phóng thích. […] »[11]
Tất cả những chi tiết trên có lẽ đã giải thích rõ về câu khẩu hiệu của Thầy Âu : « Tổ Quốc trên hết – Tất cả cho Tổ Quốc – Vì Tổ Quốc, chỉ vì Tổ Quốc »[12], nhưng không vì thế mà nó giúp cho Thầy … phục hồi được lương hưu của mình, hay đúng hơn là những món tiền “trợ cấp xã hội”, trước nghị định  236/HĐBT ký ngày 18.9.1985, theo đó mọi tiền trợ cấp đều bị cắt đối với những người chưa đủ 15 năm liên tục hành nghề (những năm công tác trước 1975 thì không được tính). Dù thực sự khiêm tốn, nhưng ít ra thì món tiền “trợ cấp xã hội” đó, nói cho cùng, cũng thể hiện một chút hàm ơn tối thiểu … Sự thể tàn bạo và cay đắng đó Thầy thật khó lòng nhận chịu, sau biết bao năm tháng tận tụy…    
        
Những năm cuối đời
Trái: Cựu nữ sinh ĐK với các Thầy Cao Xuân Duẫn et Phạm Kiêm Âu, ngày 20.11.1993 (Đồng Khánh Mái trường xưa, 1994) – Phải (từ tr.sang ph.): Các Thầy Nguyễn Hứa Thảo, Phạm Kiêm Âu, anh Nguyễn Văn Minh, Thầy Nguyễn Đình Hàm, khoảng 1993.
Cuối cùng, với tinh thần minh triết và lạc quan, Thầy đã tâm sự như sau với con rể của mình :
 « BA thấy cũng cần nói với NAM : Phần thưởng của BA, về việc này, vẫn như bấy lâu, là :
- BA không thẹn khi nhìn bất cứ ai : con, rể, dâu, cháu, bà con, bạn bè, xã hội…
- vì BA đã làm tròn BỔN PHẬN BA, đã lấy hết sức khỏe, trí óc, tấm lòng phụng sự TỔ QUỐC.
BA chỉ ân hận một điều là hoàn cảnh đã không cho BA làm hơn được »[11]

      Đám tang Thầy Âu (tháng 9 / 1994)
Trên : (trái) Các đồng nghiệp cũ tập trung trước trường Đồng Khánh-Hai Bà Trưng để đưa tiễn Thầy (Lá Thư Phượng Vỹ 1995) – (phải) Một cựu nữ sinh (Hoàng Hương) để tang Thầy.
Dưới: (trái) Đồng nghiệp và học trò cũ trường ĐK tại nghĩa trang (ĐK Mái trường xưa 1997) – (phải) Cô và các con của Thầy Cô (ngày mở cửa mả) (Quốc Học-Đồng Khánh, Xuân Ất Hợi 1995)

Sáu năm sau khi Thầy Âu qua đời, ở một nơi xa xứ, và với độ lùi tôi đã nhận ra tầm ảnh hưởng lớn lao của Thầy (người mà với tôi vừa là bố lại vừa là thầy) đối với những ý tưởng, những suy nghĩ của tôi, những gì tôi đã lựa chọn trong cuộc sống và trong nghiên cứu của mình. Bài thuyết trình của tôi hôm bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại Học Rouen (Pháp) đã bắt đầu như sau (ở đây xin tạm dịch sang tiếng Việt) :
Luận án mà tôi trình bày và bảo vệ hôm nay có tựa đề là “Những tương tác không hiển nhiên”. Nghiên cứu về giải trình siêu giao tiếp về những cuộc gặp giữa người Pháp và người VN trong những tiểu thuyết và truyển kể viết bằng tiếng Pháp.
Việc lựa chọn một đề tài nghiên cứu như thế bắt nguồn từ những gì khá xa xưa trong cuộc đời tôi, và chỉ một cỗ máy đi ngược thời gian mới cho phép khơi dậy được ký ức và làm rõ những lý do sâu xa nhất của việc lựa chọn này. Tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh trong số những khía cạnh mang tính riêng tư đã đưa đẩy tôi đến với đề tài này:
- Khía cạnh thứ nhất liên quan đến kinh nghiệm mà Ba tôi đã trải qua khi ông còn sống. Hoàn cảnh lịch sử của thời Pháp thuộc đã đưa đẩy Ba tôi, cũng như nhiều người Việt Nam khác, lao vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho nước Việt Nam, và ông đã bị Pháp bắt giam. Một hôm người canh ngục bắt gặp ông đang ngâm nga những câu thơ “Le ciel est, par-dessus le toit...” của Verlaine. Ông liền bị Trưởng nhà giam gọi lên, và ông đã giải thích rằng: ông đã hành động hoàn toàn giống như người Pháp đối với tổ quốc họ, khi bị Đức xâm lược. Nhưng không vì thế mà nuôi hận thù đối với văn hoá và thi ca Pháp. Quả thật, tất cả những đứa con của ông sau này đều được ông cho theo học trong các trường Pháp thời đó, và, với cương vị là thầy giáo Pháp văn và văn học Pháp, ông đã khiến cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam yêu mến ngôn ngữ của Voltaire. Ông lại không phải là người Việt Nam duy nhất có thái độ như vậy đối với người Pháp và văn hoá Pháp. Mặc dù không biết gì về những nghiên cứu sẽ được thực hiện rất nhiều sau này về những tiếp xúc giữa những người không cùng văn hoá, nhiều người Việt Nam thời đó đã có một cách hành xử khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Dường như có thể có hạnh phúcsự gặp nhau trong quan hệ với người khác và một nền văn hoá khác, mặc dù đang có chiến tranh, và cùng với chiến tranh.
[…] »
Mới đây, ngày 19.03.2011, đã diễn ra Ngày Hội thường niên của cựu nữ sinh ĐK ở Huế. Tôi đã có mặt ở đó với tư cách là thành viên của ĐKG và cũng bởi chị Nguyễn Khoa Diệu Huyền, đại diện cho ĐKG ở Huế, đã dặn kỹ tôi phải đến. Trong buổi lễ, tôi đã nghe Thầy Châu Trọng Ngô phát biểu nhân danh các cựu giáo viên, và tên của Thầy Âu đã được nhắc đến một cách trân trọng, cùng với tên của các Thầy Cô khác… Cũng như ở các hàng ghế, một số cựu nữ sinh ĐK đã chuyền tay nhau một tấm ảnh lớp, tấm ảnh đã một thời làm nên “đặc quyền” của những học sinh cũ của Thầy Âu.
Dù thế nào chăng nữa, thì đó cũng là một sự “hiện diện”, dù không có mặt, sau bao nhiêu năm tháng…

Ảnh lớp ngày xưa
(Họp mặt thường niên của cựu nữ sinh ĐK 2011)


Và để không phải kết thúc …

Nếu tôi có thể xây dựng bức chân dung trên đây của Thầy Âu với nhiều chi tiết phong phú và những trải nghiệm của Thầy, chính là nhờ có sự giúp đỡ lớn lao của nhiều người. Trước tiên là thầy Lê Khắc Dòng, một đồng nghiệp cũ của Ba tôi, người đã gợi ý để tôi tham gia vào nhóm ĐKG (Đồng Khánh Group) hầu có thể thu thập thông tin từ những thư từ trao đổi giữa các học trò cũ có đề cập đến Thầy Âu của họ. Sau đó phải kể đến nhiều người trong số các nữ sinh cũ của trường trung học Đồng Khánh. Không những các chị đã chịu khó trả lời cho bản câu hỏi thăm dò mà tôi soạn thảo hoặc cung cấp những tư liệu có ý nghĩa cho công việc tôi đang thực hiện (hình ảnh thời xưa, truyện hay thơ, tập san hay tuyển tập đã xuất bản…), mà các chị còn cố gắng chuyển tiếp thư điện tử của tôi cho những chị em khác, hoặc in ra giấy và photocopy bản câu hỏi để đưa cho nhiều người hơn nữa. Do đó tôi cần gửi đến những người kể trên lời tri ân chân thành. Tôi cũng xin cảm ơn các đồng nghiệp cũ của Ba tôi (các thầy Võ Đăng Nam, Lê Quân Thụy, Nguyễn Hứa Thảo, và đặc biệt là cô Nguyễn Thị Hạnh Phước) đã động viên và nhiều lần hỗ trợ cho tôi, và lần hồi cung cấp cho tôi nhiều tư liệu, hình ảnh …. Tôi cũng không quên cảm ơn chị Thái Thị Ngọc Dư, cũng là cựu nữ sinh trường trung học Đồng Khánh, và là người đại diện cho Nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên Đại học Pháp và Việt Nam, những người đã có ý tưởng là cần xây dựng “chân dung” của Thầy Âu.
Trong khuôn khổ của bài viết này, cho dù nó có cô đọng đến chừng nào đi nữa, tôi cũng không thể kể hết mọi thứ về Thầy Âu. Do đó tôi xin cáo lỗi, nhưng đồng thời cũng hứa sẽ tiếp tục việc này vào một thời điểm không xa. Trước mắt, nhân dịp tập trung được đông đủ các cựu nữ sinh có nêu tên trong bài này, tôi xin thử làm “trung gian” để “chuyển giao” đến Thầy Âu của các chị những thông điệp mà một số các chị mong muốn gửi Thầy. Như một nén hương thiêng liêng và huyền diệu, có khả năng nối kết trần gian này với thế giới bên kia :
 « 1) Giả thử bây giờ đuợc gặp và nói chuyện với Thầy , chị sẽ xin lỗi Thầy về tất cả những điều gì mà ngày xưa Thầy la nhưng chị cãi lại _ gần như cái gì cũng không đồng ý với Thầy cho đến khi ra dạy cùng trường với Thầy mới vâng lời Thầy gần như 100% […] 2) Chị còn muốn nói thêm với Thầy là Thầy có những ngừơi con thật tuyệt vời mà chị đã được hân hạnh quen biết hay chưa quen mà đã nghe tiếng rồi! » (Vương Thuý Nga) – « Tôi sẽ nói “Thầy ơi, con thương Thầy. Con cám ơn Thầy đã làm cho con muốn chọn nghề đi dạy giống như Thầy. Lúc nào con cũng cố gắng noi gương Thầy để thương yêu và tận tụy với học trò của con » (Vương Thuý Loan) – « Tôi rất muốn gặp lại Thầy để nói với Thầy lời biết ơn sâu sắc của tấm lòng tôi đối với những công lao dạy dỗ của Thầy, điều mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn chưa kịp nói. Và tôi cũng muốn nói với Thầy rằng : Thầy ơi, chúng con luôn thương yêu và kính trọng Thầy. » (Mai Băng Thanh) – « Cám ơn Thầy đã dạy dỗ các con. » (Công Huyền Tôn Nữ Thu Quỳ) – « Thưa Thầy, con tiếc rằng hồi đó con còn quá nhỏ không hề biết nói một lời cám ơn Thầy. » (Đoàn Phương Mai) – « Tôi sẽ nói rằng tôi cảm ơn Thầy rất nhiều. Vi Thầy đã là tấm gương sáng cho chúng tôi, các thế hệ có diễm phúc được học với Thầy. Và mặc dù Thầy đã đi xa nhưng Thầy vẫn cứ là tấm gương sáng cho các con tôi, nhưng đứa trẻ được sinh ra sau giải phóng, hiểu và sống sao cho xứng đáng là con dân đất Việt. » (Nguyễn Thị Kiều Hạnh) – « Cám ơn Thầy đã hướng dẫn học trò một cách tốt đẹp. » (Nguyễn Anh Phi) – « Tôi sẽ cám ơn thầy đã cho tôi những ngày đáng nhớ. Đối với một cô học trò đãng trí, hay nhìn ra ngoài cửa sổ hơn chú ý đến những gì đang diễn ra trong lớp học, tôi gần như không giữ mấy kỷ niệm về các giờ học khác, nhưng tôi nhớ Thầy nhiều hơn cả. Tôi tiếc rằng trong những năm tháng thầy lận đận ở quê nhà, tôi không có dịp được giúp thầy đôi chút, dù rằng ở quê người mình cũng long đong có khác chi, nhưng chắc chắn dễ thở hơn thầy nhiều lắm. » (Đặng Ngọc Lệ Khánh) – « Con ân hận đã không thường xuyên đến thăm thầy trong những ngày cuối cuộc đời thầy. Những điều thầy đã dạy con, con sẽ tiếp nối truyền đạt lại cho lớp trẻ sau này. Xin thầy tha lỗi cho con. » (Trương Thị Huệ) – « Giả định tôi được gặp và nói chuyện với Thầy, thì tôi sẽ bảo Thầy thế này : Thầy ơi, Thầy ra đi để lại một khoảng trống không gì che lấp được. Con đã buồn vì sự mất mát ấy nhưng càng sống con càng thấy không chừng Thầy ra đi như vậy mà lại hay hơn, vì như thế Thầy không phải chứng kiến những sự nhiễu nhương lũng đoạn suy thoái khắp mọi lãnh vực trong xã hội, cả trong môi trường giáo dục nơi Thầy đã ươm mầm cho không biết bao nhiêu thế hệ. Nếu còn trên cõi đời này có lẽ Thầy sẽ thất vọng và đau khổ nhiều. Càng sống con càng thấy những điều Thầy dạy con sao mà đúng quá Thầy ạ, chẳng hạn như Thầy hay nói cuộc đời không dành phần tốt đẹp nhất cho người xứng đáng nhất đâu. Rằng phải cố mà bước qua cửa hẹp, vì con đường rộng dẫn đến hư hao mất mát. Gide bảo thế, Thầy cũng khuyên con thế, nhưng mười người thì đến chín người vẫn chọn con đường thênh thang Thầy ạ. Dễ đi hơn, mà cũng dễ hòa đồng hơn. Qua cửa hẹp thì thui thủi một mình. Nhưng đó là số phận do con chọn, vì con muốn mình được là mình, như lời Thầy vẫn khuyên con xưa kia. Hãy là chính mình. » (Nguyễn Thị Thuý Loan) – « Chị chỉ biết nói là cám ơn Thầy. Số phận đã xui chị qua Pháp, và nhờ Thầy mà mọi người trong gia đình chồng đều kính trọng chị (vì sự hiểu biết về văn học Pháp). Và vì vậy việc đầu tiên khi qua Paris, chị xin được đi thăm Château de Combourg để nằm trên thảm cỏ nhìn mây bay để nhớ đến Chateaubriand và lẽ cố nhiên là để nhớ đến Thầy. Chị gởi hình về, Thầy quá đỗi ngạc nhiên. » (Hồng Hạnh Luguern)


    Thiếp chúc Tết của chị Ngô Vũ Quỳnh Dung gửi Phu nhân Thầy Phạm Kiêm Âu
(đầu năm 2001, hơn 6 năm sau khi Thầy qua đời)


Viết xong bản tiếng Pháp ngày 20.05.2011 tại Huế (Việt Nam)
Tự chuyển ngữ sang tiếng Việt tháng 8 – 11 năm 2012
Phạm thị Anh Nga
Bản gốc tiếng Pháp và bản dịch (Hoàng My) :
Bản tin " Trung tâm Giới và Xã hội ", Đại Học Hoa Sen,Số 5, Tháng 9 2011



PHỤ LỤC

Phụ lục 1:
Dánh sách (chưa đầy đủ) những truyện ký, truyện ngắn, thơ… đã xuất bản liên quan đến Thầy Âu …

  toàn bài:
-        Hoàng Phủ Ngọc Tường, Điếu văn của môn sinh, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.
-        Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thầy tôi, báo Xuân Khuyến học và Dân Trí, 2005 & Lời tạ từ gửi một dòng sông, NXB Trẻ 2011.
-        Hồ Thị Nam Trân, Thầy tôi, Nội san Quốc Học-Đồng Khánh, Tập 2, NXB Đà Nẵng, 2000.
-        Lê Thị Hàn, Chi chi cũng tương đối, Lá Thư Phượng Vỹ, 1995
-        Nguyễn Hữu Thứ, Huế! “Tôi chọn nơi này làm quê hương!”, Lá Thư Phượng Vỹ, 1995.
-        Nguyễn Thị An Tâm, Khóc thầy, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.
-        Nguyễn Thị Thu, Lời từ biệt, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.
-        Phạm Thị Anh Nga, Mười lăm năm, thơ, Nhật Nguyệt Dấu Yêu, NXB Thuận Hoá 2010.
-        Phan Mộng Hoàn, Thầy Phạm Kiêm Âu, Quốc Học-Đồng Khánh, Đặc san Xuân Ất Hợi 1995 & Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.
-        Quế Hương, Khoảnh khắc bên ngưỡng lớp, Bài dự cuộc thi viết ngắn “Ơn Thầy”, Tuổi trẻ Chủ nhật, số 39-2002, ngày 6-10-2002.
-        Trần Lạc Thư, Con đom đóm nhỏ.
-        Trần Nguyên Vấn, Một lá thư đầy tình nghĩa, Đặc san kỷ niệm 105 năm Trường Quốc Học Huế (1896-2001), 2001
-        Vương Thuý Nga, Thư của Nga, Lá Thư Phượng Vỹ, 1995.

trích đoạn:
-        Hoàng Mộng, Thư từ Bắc Cali, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.
-        Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hai đoá hoa quỳnh, Tuyển tập Áo Trắng.
-        Lê Bá Vận, Thầy Âu, Thầy Thứ, Lá Thư Phượng Vỹ 2008.
-        Minh Lệ, Nhớ các Thầy Cô, thơ, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.
-        Ngô Thị Ấn, Thương nhớ Thầy Cô, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.
-        Ngô Vũ Quỳnh Dung, Ơn thầy, nghĩa bạn, Nội san Quốc Học-Đồng Khánh, Tập 2, NXB Đà Nẵng, 2000.
-        Nguyễn Thị An Tâm, Ơn thầy, Đồng Khánh Mái trường xưa, Đặc san kỷ niệm 77 năm thành lập trường, 1994.
-        Quỳnh Anh, Đằng sau một số phận, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.
-        Trần Thị Mỹ Nhật, Thầy…, Quốc Học-Đồng Khánh, Đặc san Xuân Ất Hợi 1995.
-        Trần Thuỳ Mai, Ngày xưa Đồng Khánh, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.
-        Vương Thuý Nga, Trong ký ức mù sương, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.


Phụ lục 2:

Một vài bài được viết về thầy Âu thời gian gần đây:


(1) Nguyễn Thanh Trí

    Đôi nét về thầy Phạm Kiêm Âu


Hôm nay nhận được email của em Phạm Anh Nga (ái nữ của thầy Phạm Kiêm Âu), em có ý muốn nhờ chúng tôi ghi lai hình ảnh Thầy Phạm Kiêm Âu  trong ký ức của chúng tôi, học trò cũ của thầy. Người thầy mà tôi rất kính, rất thương và cũng rất sợ, mặc dù thầy chỉ dạy tôi môn toán năm Đệ Tứ. Bạn học cùng lớp với tôi năm đó, lên Đệ Tam, Đệ Nhị học với thầy môn Pháp văn, Toán, Lý và Hóa, sẽ viết rất đầy đủ chi tiết những đức tính của nhà mô phạm Phạm Kiêm Âu thầy tôi.

Riêng tôi, xin kể lại một chuyện, tạm lấy đầu đề là "Già cười tươi khóc" vì tôi vừa cười lại vừa khóc, đã xảy ra chớp nhoáng trong lớp Đệ Tứ B1. Hình ảnh thầy còn rõ mồn một trong ký ức, như mới ngày nào thôi. Thế mà nhẩm tính đã hơn nữa thế kỷ 56 hay 57 năm trôi qua.
                                                 
Tôi còn nhớ ngày ấy, nữ sinh các lớp từ Đệ Tứ B1 đến Đệ Tứ B4 mỗi sáng, mỗi chiều đều sắp hàng ngay thẳng ngoài hiên lớp học. Nghe trống điểm thùng ba tiếng, mới bước vào lớp. Vào chỗ ngồi yên, lấy sách vở môn mình sẽ học để trên bàn, im lặng đợi thầy cô giáo đến, đứng dậy chào, thầy cô giáo cho phép ngồi, mới được ngồi. Người bạn ngồi  bàn đầu gần cửa lớn ra vào là Lê thị Phương Lan, học giỏi, giỏi nhất là môn toán, rất chăm chỉ. Vào lớp là cặm cụi ôn bài, đôi lúc quên cả đang ngồi trong lớp, quên cả hai cái giò đang duỗi thẳng ra đằng trước khỏi bàn. Tôi cũng đã bị một lần vấp phải xém té, xém bắt ếch trước lớp, trước mặt các bạn thật là dị!!!

Lần này người vấp phải cái chân duỗi ra ấy lại là thầy Phạm Kiêm Âu. Tiếng cười rộ lên từ các bàn phía trên trong đó có tôi. Nhưng rồi chúng tôi im phăng phắc ngay, vì nhìn thấy thầy giận đỏ cả mặt mày, còn Lan sợ tái xanh. Trong lòng mỗi chúng tôi đều thầm nghĩ: thầy thường đi rất nhanh, bước vào lớp quá nhẹ nhàng, nên Lan không kịp thu lại cái giò để đứng dậy chào thầy mới nên nông nỗi này! May thay, thầy không té, chi hơi chao đảo vài bước như người say thôi.

Một thoáng trôi qua. Thầy bước lên bục, miệng không mỉm cười như thường ngày. Đôi mắt trong sáng sau lớp kính cận thị, nghiêm khắc nhìn khắp lớp học. Rồi thầy gọi Lan và bảo "con gái phải có ý tứ, lần sau không được ngồi  duỗi thẳng chân ra đằng trước như vậy nữa", có lẽ thấy Lan sợ, thầy thương cảm mà không nỡ lòng la nhiều hay phạt. Nhưng thầy lại nhìn qua hướng tôi và gọi “Thanh Trí đứng lại bị phạt vì tội cười". Rồi thầy cho cả lớp ngồi xuông, mở vở ra chép bài. Vài bạn ngồi bàn trước ngạc nhiên quay lại nhìn, thì quả thực Thanh Trí đang cố ngậm miệng để giấu đi cái cười còn dai dẳng chưa muốn rời khuôn mặt ...(nghịch thầm)!!!

Sau một hồi bị phạt đứng thẳng tại chỗ, tôi đã hết cười, nhưng đôi mắt bắt đầu giọt ngắn, giọt dài. Bỗng thầy nhìn xuống thấy tôi khóc, thầy cho ngồi. Và thầy phán một câu: "con gái mà ... mà ... mà cái gì cũng cười, bị phạt cũng cười thật là … là ... là ...", rồi thầy quay lên bảng viết tiếp. Tôi mừng húm, biết thầy đã hết giận, và thầm cám ơn thầy. Thầy đã mà...mà..., là...là... rồi thầy bỏ lửng lơ câu nói có ý tha cho mấy chữ "vô duyên hay già cười tươi khóc" như mẹ thường hay la, mỗi khi tôi cười giòn mà các chị thì không ai dám cười lớn. Thật tình mà xét xử thì oan cho tôi lắm, chỉ vì cái tánh hay cười, cười rồi khó ngưng lại được như các bạn. Như Thu Sương ngồi cạnh tôi có biệt tài kể chuyện rất có duyên … ai nghe cũng phải cười, nhưng mặt Sương tỉnh bơ, Sương lại biết tánh tôi hay cười, thế là... nhất quỷ nhì ma, có một hôm cô giáo vào lớp trễ, Sương kể nho nhỏ bên tai tôi chuyện gì đó, tôi bật cười ha ha … tôi bị trưởng lớp ghi vào sổ “Thanh Tri làm ồn”! oan ơi là oan mà không sao thanh minh thanh nga dược !

Những năm sau đó, tôi không còn gặp được thầy Phạm Kiêm Âu cũng không còn gặp bạn. Tôi đã xa trường vào Nam học, rồi về học Cao Đẳng Mỹ Thuât Huế. Tốt nghiệp xong, lai tiếp tục học khoa Sư Phạm Hội Họa tại Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Tốt nghiệp khoa này, tôi đi lấy chồng, vào Nha Trang dạy. Rồi biển đổi sao dời... Năm 1975 tôi vào Sài Gòn dạy tiếp. Thời điểm này cũng là lúc tôi trở lại với Hội Họa, với Nghệ Thuật duyên nghiêp của tôi. Cuộc đời vẫn tiếp tục nổi trôi theo vận nước, vận nhà, tôi qua Thái Lan đến Phi Luât Tân vào Bataan, năm 1987 đến định cư tại Mỹ. Nhưng dù ở nơi mô tôi cũng nhớ chuyện xảy ra ngày xưa ấy, để rồi ... nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ nụ cười thơ ngây vô tội hay vô tình của tôi của một thời son trẻ ít nhiều đã làm buồn lòng Thầy tôi! Và tôi không khỏi nở nụ cười giòn trên môi để thầm xin thầy tha lỗi.

Ôi, bao hình ảnh thân thương của quí thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt chúng tôi không những về văn hóa mà còn về đạo đức, từ thuở thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Cho chúng tôi một hành trang quí giá trên đường đời. Qui thầy cô là gương sáng cho tôi soi bóng trong suốt 24 năm đi dạy. Ôi, bao kỷ niệm của một thời trên ghế nhà trường còn đậm nét trong tâm hồn tôi. Giờ đây thầy Phạm Kiêm Âu cũng như một số quí thầy cô khác đã về cõi vĩnh hằng. Tôi xin thành kính đốt nén hương lòng nguyện cầu hương linh quí thầy cô viễn du Tiên Cảnh.

Thanh Trí, Sacramento,CA- USA 3/22/2010


(2) Nguyễn Anh Phi

Reng reng reng

Giờ học đến rồi
Hãy chạy mau lên 
Thầy đang đi trước
Bước sau nửa bước
Thầy cũng không cho
Vòng vo kiếm kế
Xô ngã xe Thầy
Để Thầy loay hoay
Dựng ngay xe lại
Chúng em thoát nạn
Vừa thở vừa cười
Ôi đẹp làm sao
Cái tuổi học trò
Với Thầy kính yêu
Đong đầy kỷ niệm...





                                                         


(3) Nguyễn Thị Hoà

Trường Xưa Phượng Đỏ 
- Lớp Đệ Nhất A1
(trích đoạn)

...Môn Pháp văn tôi học thầy Phạm Kiêm Âu. Thầy Âu có phương pháp lưu trữ tư liệu về học trò cũ rất độc đáo. Học trò đã ra trường mấy chục năm trở về vẫn còn dấu tích thầy đang cất giữ. Đầu năm thầy xin mỗi đứa một tấm ảnh 4 × 6 và yêu cầu điền một phiếu điều tra về lý lịch, sở thích và nguyện vọng cá nhân, trong năm học ai có điều gì đặc biệt thầy đều ghi chép và lưu lại. Năm 1982 tôi viết một lá thư thăm thầy và thầy đã hồi âm cho tôi một lá thư dài 12 trang giấy viết tay. Đọc thư thầy tôi xúc động thấy lại một thời tuổi nhỏ, tôi và bạn bè cả lớp qua ghi chép tỉ mỉ của thầy, không thiếu một ai:
   “Cô học tôi năm 1970 – 1971, ngồi bàn đầu phía lối đi, bên tay phải. Cô ghi thích văn Nguyễn thị Hoàng nhạc Trịnh Công Sơn. Ý thích: ngồi một mình trong phòng và không nói không làm gì cả. Nếu có thể thì thành một bác sĩ, nhưng có lẽ chỉ là mơ! Đệ nhất lục cá nguyệt thầy phê: Giỏi Chăm Cố gắng.” Đê nhị lục cá nguyêt thầy phê: Giỏi – Chăm – Cố gắng. Cô miệng mồm lanh lắm, đáng lẽ thành luật sư mới đúng. (Bởi một lần thầy giận lớp không dạy, tôi thay mặt lớp xin lỗi và năn nỉ hết lời, vả lại tôi là đứa sơ mi Triết của lớp mà!).”
  Đây là tư  liệu của các bạn tôi trong sổ, thầy chép lại vào thư:
“ Diệu Ái: Đầu hàng lại để ;
“ Minh Chi: Sáng 3/4/71 cùng với Thí dùng một cây viết . Thầy rầy, hỏi ra mới biết là viết của Diệu Hương
“ Bích Huê: Sáng 16/5/71: Béo , ngồi chịu đựng lâu không thấu gục cằm lên bàn.
“ Ngày 3/4/71 Viết La dame n’est pas l’home (dĩ nhiên rồi) .
“ Thanh Hương trong bài có vẽ thêm  O  để chơi, thầy trừ 1 điểm.
“ Minh Mão: 12/11/70 Viết Répondez. Nhờ thầy đừng gởi thư về mét.
“ Thuý Nga: 22 /12/70 thi, bạn nhắc: elle se dit bèn viết est ce dit.
“ Quảng: 22/12/70 làm analyse logique câu khác câu gs cho.
“ Nguyễn Thị Thanh: 29/12/70 nói với gs: Thầy giả vờ cho nghỉ một bữa. Ngày 6/4/71 giờ SV thực tập trò cắm lên tóc hoa hồng ( màu vàng) thật đẹp.
“ Hồ thị Thạnh: Đi lờ đờ suýt bị gs tung xe.
“ Mỹ Thiện: 9/3/71 Ghi lý do dài dòng thầy trừ 1 điểm.
“ Đỗ Thị Thí: 15/5/71: Trò nói xàm mãi. Gs hỏi: Thí điên hử? Trò đáp: Nắng quá, nắng quá! Nên điên!
“ Trương Thị Mỹ: Hứa cho thầy một con mèo con.
“ Đặng thị Thương: 9/1/71. Đang nói đúng, thấy gs nhìn, trò khựng lại, nói tại gs nhìn. Theo trò thà mất lòng thầy hơn là mất lòng bạn...”
 Tôi nhìn lá thư giấy đã ngả màu vàng ố, di bút của thầy còn đây nhưng đâu còn thầy nữa! Tôi vẫn còn nhớ câu cửa miệng của thầy “Quên vẹc (verbe) thầy quẹt" và nghe chừng như vẫn văng vẳng đâu đây giọng thầy đang dịch Eugénie Grandet, vẫn thấy như mới năm trước, tháng trước đây dáng thầy cao lớn xách cái cặp to đùng bước vào lớp. Trong cái cặp ấy là cả cửa hàng bách hoá, không thiếu thứ gì cho một người cẩn thận khi ra khỏi nhà!...





[1] Đại Học HOA SEN (TP.HCM), Dự án VALOFRASE, Khoa Pháp trường ĐHSP TP.HCM, INALCO (Paris)
[2] Ý nói những « điểm không » mà học sinh thời đó rất e sợ.
[3] « Thầy tôi » của Hồ Thị Nam Trân, đã được in ấn trong nhiều nội san và tuyển tập, và được đưa lên 1 số trang mạng internet.
[4] Vào năm 1973 : Theo như một trong những nữ sinh cũ của Thầy (Thu Quỳ) đã nhắc lại (trong khi tôi không nhớ gì về chi tiết này).
[5] “[…].Nguyên binh tự phong vũ / Tức Mặc kim âu thương […]” (Quân Nguyên như gió bão ập sang / Âu vàng Tức Mặc bị thương tổn).
[7] « Này các con, giờ này đây ta không còn nhìn thấy thật rõ nữa, mà ta còn nhiều điều cần nói với các con, nhưng thôi cũng thế thôi. Hãy nhớ đến ta đôi chút. » - « Các con ơi, các con đừng khóc. Ta không đi xa lắm đâu. Từ nơi ấy ta sẽ nhìn thấy các con. Các con chỉ cần nhìn khi trời tối là sẽ thấy ta mỉm cười. […] Ta sắp đi dây các con ạ. Hãy luôn yêu thương nhau thật nhiều nhé. Trên đời này hầu như chẳng có gì khác hơn là yêu thương nhau đâu. Thỉnh thoảng các con hãy nhớ đến con người đáng thương đã chết ở đây. » (Victor Hugo, Những người khốn khổ)
[8] Thanh Niên Xung phong
[9] Ông Phạm Văn Bạch vẫn chỉ huy phong trào yêu nước ở Saigon.
[10] tầm vông vạt nhọn’, vũ khí thô sơ thông dụng của TNTP thời đó
[11] Trích thư Thầy Âu viết ngày 06.09.1988 gửi cho một người con rể của Thầy, tên Bửu Nam.
[12] Sinh thời Thầy Âu không hề tham gia một đảng phái chính trị nào. 

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú