lundi 24 mai 2010

«Reng reng reng» (Nguyễn Anh Phi)

Reng reng reng

Giờ học đến rồi

Hãy chạy mau lên

Thầy đang đi trước

Bước sau nửa bước

Thầy cũng không cho

Vòng vo kiếm kế

Xô ngã xe Thầy

Để Thầy loay hoay

Dựng ngay xe lại

Chúng em thoát nạn

Vừa thở vừa cười

Ôi đẹp làm sao

Cái tuổi học trò

Với Thầy kính yêu

Đong đầy kỷ niệm...



* * * * * * * * * * * * * * * *

Message du 22/03/10 à 02h53

De : "dong lekhac"

A : "Anh Nga Pham"

Objet : Fw: Kinh thua Thay


Anh Nga thân mến,

Chú gởi bài thơ này cho con.

Chú Dòng


----- Forwarded Message ----

From: Anh Phi Nguyen

To: donglekhac@yahoo.com.au

Sent: Mon, 22 March, 2010 10:26:03 AM

Subject: Kinh thua Thay


Con xin nho Thay chuyen bai tho ngau hung nay cho chi Nga, ai nu cua Thay Au. Con xin cam on Thay.

nay kinh Anh phi


vendredi 21 mai 2010

Pélican V

Lettre de Papa à GN (6 Septembre 1988) - Extraits





mardi 11 mai 2010

«Đằng sau một số phận» (Quỳnh Anh)


Đoàn tàu E1 lao vun vút trong màn đêm, nhịp rung nhè nhẹ đưa hành khách trên tàu dần vào giấc ngủ. Riêng tôi vẫn trằn trọc không tài nào chợp mắt được, dù thường ngày tôi đặt lưng xuống là ngủ được ngay - các con hay trêu tôi: mẹ vẫn đang còn tuổi ăn, tuổi ngủ mà! Tôi bâng khuâng nhớ lại buổi nói chuyện sáng nay với Ba của tôi, tức ông ngoại của các cháu: tuần trước, khi biết tôi sẽ phải vào Huế (để làm việc với giáo sư phản biện cho luận án tiến sĩ tôi sắp bảo vệ), Ba ngập ngừng mấy phút rồi dặn tôi hôm nào trước khi đi, nhớ đến gặp để Ba nhờ một việc - có lẽ là việc quan trọng, vì hơn ba mươi năm nay, tôi chưa thấy Ba quay về nơi đã sống suốt thời niên thiếu…

Sáng nay, khi đã sắp xong hành lý, tôi tìm đến căn gác lửng nhà cậu em - nơi Ba đã sống như kẻ ẩn cư, từ ngày Mẹ mất sau cơn bạo bệnh. Khi tôi bước vào phòng, hình như Ba vừa thắp hương cho Mẹ xong, mắt Ba như còn vương ít sương khói. Ba pha một ấm trà móc câu đậm chát, chậm rãi kể lại cho tôi nghe chuyện đời xưa, qua đó tôi mới biết mối quan hệ phức tạp của Ba với đất Huế.

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, đang là một học sinh sáng giá của Trường Quốc Học, hội đủ các tiêu chuẩn về người chồng lý tưởng của các tiểu thư xứ Huế: đẹp dzai, con nhà dzầu, học dzỏi, Ba lại nhắm đến Minh Trân, một cô con gái nhà nghèo - cha làm trợ giáo, mẹ nội trợ - học ở Trường Đồng Khánh bên cạnh. Theo nhiều người nhận xét, hồi đó cô này chẳng có gì lôi cuốn, ngoài cái nết hiền thục và chăm học – nét đặc trưng của con gái xứ Huế. Ba tin chắc thế nào cũng đạt được mục tiêu mong muốn, tâm sự với gia đình, bạn bè biết bao ước mơ đã xây dựng, cho đến ngày chính cô Minh Trân, sau nhiều lần từ chối lời tỏ tình của Ba (em còn nhỏ, còn lo học), chính thức khẳng định tình cảm với một thầy giáo người Nam bộ, khá lớn tuổi, nghe nói đã có một đời vợ rồi! Chỉ hai tháng nữa thôi, bên nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi theo đúng phong tục xứ Huế…

Với lòng tự trọng của kẻ sĩ phu, Ba đã dàn xếp một buổi nói chuyện tay đôi với đối thủ của mình. Ba chấp nhận là kẻ thua cuộc (dù thực sự Ba đã vào cuộc đâu?), vì quyền quyết định cuối cùng là của cô Minh Trân. Tuy nhiên, Ba vẫn tỏ ý nghi ngờ sự thành đạt của gia đình cô Minh Trân trong tương lai, vì đối thủ của Ba chỉ bắt đầu sự nghiệp từ một con số không: là giáo viên còn tập sự ở miền Nam, do tham gia hoạt động chính trị nên bị Pháp đày an trí tại miền Trung, đến nay mới được bố trí dạy giờ ở vài trường trung học. Hoàn cảnh như thế, làm sao bảo bọc cho gia đình đầy đủ bằng Ba - thuộc dòng giống danh gia vọng tộc, cháu nội một Đốc học tiếng tăm, con một nhà kinh doanh lớn trong khu vực?

Đúng phong cách quân tử Tàu - nước sông không phạm vào nước giếng, Ba rời đất Huế, nơi đã gây cho Ba vết thương lòng đầy chua xót, ghi tên học tại Trường Y Hà Nội (thời đó chỉ cần ghi danh, Nhà trường căn cứ theo bảng điểm thời trung học để xét tuyển, Ba được nhận vào ngay), tự nhủ chỉ quay trở lại Huế khi thực tế đã chứng minh sự sai lầm trong lựa chọn của cô Minh Trân. Ba còn hạ quyết tâm sẽ dạy dỗ con cái học hành, công tác thành đạt, để sau này có thể so sánh với gia đình cô Minh Trân, và minh chứng cho nhận định của mình.

Suy nghĩ nông nổi ấy phai nhạt dần khi Ba gặp Mẹ, và dần dần cuộc sống gia đình của chúng tôi đã chứng tỏ chân lý: đằng sau sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng người đàn bà! Ngay bây giờ, khi đã về hưu, Ba vẫn có tiếng là một phẫu thuật viên tài hoa của Bệnh viện đầu ngành Ngoại; tôi tuy là gái cũng đã giữ cương vị một Tổ trưởng Đại Số của khoa Toán trong một trường đại học lớn của thủ đô, còn em trai tôi đã lần lượt tốt nghiệp trung cấp, rồi đại học xây dựng, cuối năm ngoái vừa được đề bạt làm quản đốc của một Xí nghiệp Xây lắp ở Hà Nội, trước đây đã nhiều lần đoạt giải nhất cuộc thi tay nghề xây dựng của Thủ đô. Mẹ tôi - một dược sĩ trung cấp, khi nhắm mắt xuôi tay sau một cơn đột quỵ, ắt hẳn có thể yên lòng vì đã hậu thuẫn tích cực cho sự thành công của ba cha con chúng tôi.

Ba những tưởng đã chôn vùi mọi việc vào dĩ vãng, nhưng dịp công tác vào Huế của tôi đã gợi lại cho ông những kỷ niệm ngày xưa. Dù đã biết rằng gia đình bên nào cũng đã yên phận rồi, Ba vẫn muốn nhờ tôi tìm hiểu thông tin về gia đình cô Minh Trân mà đã bao lâu nay, Ba tránh không nhắc tới, dù đôi lần Mẹ có gợi ý hỏi đến. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã cắt đứt dòng thông tin từ bạn bè cũ của Ba ở Huế, sau ngày giải phóng miền Nam Ba cứ bận bịu nhiều công việc chuyên môn, và Ba cũng tránh không gợi lên những cơn sóng tình cảm ngày nào, sợ Mẹ không vui. Ba chỉ biết loáng thoáng là chồng cô Minh Trân đã mất hơn 10 năm nay, cô bị bệnh nặng từ lâu, không đi lại được. Cô cũng đã sinh nở khá nhiều lần, con cái chẳng biết học hành công tác đến đâu. Lần này, cân nhắc mãi, hầu như sáng nào Ba cũng thắp hương nói chuyện với Mẹ, mong Mẹ thể tất cho Ba khi nhờ tôi nối lại dòng thông tin đã bị cắt đứt trong một thời gian dài. Trong sâu thẳm tiềm thức của Ba, vẫn tồn tại ý định so sánh sự thành đạt của các con Ba và các con cô Minh Trân, để bảo vệ nhận định ngày nào của mình!

Tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh của Ba để phân tích. Các gia đình miền Nam trước đây có thói quen đo lường hạnh phúc gia đình bằng số con sinh ra, gia đình cô Minh Trân đông con, chồng cô là dân ngụ cư, nay đã mất – ví như cột trụ gia đình đã xiêu, e rằng các con của Cô khó học hành, công tác đến đầu, đến đũa như những gia đình miền Bắc - chỉ có đúng 2 con như quy định của Nhà nước, với một người mẹ tuyệt vời như Mẹ chúng tôi. Không cần phân tích nhiều hơn, tôi đã có thể ước tính kết quả để làm trọng tài cho cuộc chiến so sánh thầm lặng ngày xưa rồi.

Tôi nhẹ nhàng trở mình trên chiếc giường hẹp của toa tàu, hướng suy nghĩ về công việc của mình. Nội dung luận án của tôi tuy chưa thật hoàn chỉnh, nhưng xét về thời gian tính, chỉ còn gần 2 tháng nữa là tròn thời hạn 5 năm nghiên cứu sinh. Thầy Huỳnh, giáo sư hướng dẫn đề nghị tôi thu gọn phạm vi (trên lớp phổ nhỏ hơn, với n chẵn) để kết thúc luận án, nhưng tôi vẫn cứ tâm huyết với việc phát triển theo số n lẻ, cuối cùng thầy đề nghị tôi tìm gặp để hỏi ý kiến thầy Anh, một chuyên gia về Đối Đồng Điều, đang công tác ở Đại học Khoa học Huế. Tôi hy vọng thầy Anh sẽ giúp tôi giải quyết được vấn đề mà tôi quan tâm, vì trước đây chính thầy đã dày công nghiên cứu về lớp nhóm quá-đặc-biệt, là cơ sở chính của habilitation mà thầy vừa bảo vệ ở Pháp - dịch thoáng chữ habilitation là bằng chứng nhận chưởng môn nhân (nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp Kim Dung), tức là có khả năng hình thành một trường phái mới. Thầy Huỳnh dự kiến sẽ mời thầy Anh tham gia Hội đồng Chấm Luận án Tiến Sĩ của tôi với tư cách người nhận xét thứ nhất, vì thầy Anh có thể nắm sâu sắc bản chất những kết quả đối đồng điều của tôi như chính người hướng dẫn…

* * *

Ở Huế, tôi chưa vội lo chuyện Ba tôi nhờ mà phải tranh thủ lo chuyện mình trước, vì nghe nói thầy Anh chuẩn bị đi dạy học ở châu Âu, chắc thầy sẽ bận lắm.

Tôi gặp được thầy Anh đúng 2 lần. Lần đầu, hỏi được địa chỉ nhà thầy ở Đại học Khoa học Huế, biết thầy đang ở nhà, tôi vội gọi taxi đến nhà thầy ở ngoại ô thành phố, không quên món quà miền Bắc - một can rượu Làng Vân chính hiệu, loại mà thầy rất thích - theo lời mách nước của thầy Huỳnh. Đứng ở cổng nhìn vào, gặp một cậu thanh niên mặc quần soóc, áo đông xuân đang tưới hoa trong vườn, tôi gọi với: chú gì ơi, giáo sư Anh có ở nhà không, chú cho chị vào gặp, chú nói chị có cầm thư của giáo sư Huỳnh. Câu trả lời làm tôi muốn bật ngửa: mời chị vào, tôi là Anh đây, thầy Huỳnh có gọi điện cho tôi rồi. Tôi ngượng chín cả người, có ngờ đâu thầy Anh còn trẻ thế, rồi tự an ủi khi chợt nhớ lại chuyện sứ giả của Napoléon ngỡ ngàng khi tìm gặp được Pierre Đại Đế trong trang phục anh thợ rèn đang quai búa…

Trong 45 phút làm việc, trong trang phục áo pull, quần jean đơn giản, thầy Anh đã cho thấy một nội dung hoàn toàn khác hẳn với hình thức xuất hiện ban đầu (thầy gọi chị, xưng tôi, vì thực sự thầy nhỏ tuổi hơn tôi, còn tôi vẫn gọi thầy, xưng em như quy định, dù Thầy đã nhắc nhở: chị gọi như thế thì tôi tổn thọ mất!). Đề cập đến đề tài tôi đang làm, Thầy đã gợi ý cho tôi một vài hướng giải quyết, chủ yếu là tạo từ lớp n lẻ một lớp con tương thích, mà công cụ xây dựng được rút ra từ lớp nhóm quá-đặc-biệt của Thầy. Tôi say sưa uống từng câu hướng dẫn, cho đến khi Thầy ngừng lại, đề nghị tôi 3 ngày sau gặp lại, để tôi có thời gian chuẩn bị đề xuất hướng triển khai cụ thể, tôi mới xin phép đứng dậy ra về…

Trong một khách sạn nhỏ tạm trú trong thời gian ở Huế, tôi làm việc cật lực suốt 3 ngày, hay nói đúng ra là gần 72 tiếng đồng hồ, trừ mấy tiếng đồng hồ ngủ nghỉ, ăn uống, còn ngoài ra tôi căng óc ra suy nghĩ và soạn thảo trên chiếc laptop mang theo, gõ phím, sửa xoá, sao chép, thỉnh thoảng lại lảm nhảm như người phát rồ. Tôi cố gắng hệ thống lại các ý tưởng thầy Anh đưa ra đang quay cuồng mãi trong đầu, và đến ngày thứ ba, ngày cuối cùng, tôi mừng rỡ gần như phát điên lên khi thấy mình đã tìm ra cách giải quyết vấn đề theo hướng thầy Anh đề xuất. Tôi gọi điện thoại tham khảo ý kiến thầy Huỳnh – dù sao vẫn gần gủi với tôi hơn, trình bày kết quả tìm được được và nhận được những lời khen ngợi, khích lệ rất kịp thời. Mấy tiếng đồng hồ còn lại chỉ đủ cho tôi hệ thống lại kết quả của mình thành một bài báo khoảng 3 trang A4, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi ghi tên thầy Anh cùng với tên tôi, đồng tác giả.
Lần thứ hai, thầy Anh làm việc với tôi cũng ngắn gọn, chỉ khoảng 60 phút: 15 phút đầu để đọc báo tâm huyết của tôi với sửa chữa duy nhất, ngoài mấy lỗi chính tả: thầy gạch tên mình khỏi mục tác giả, thay vào đó chỉ đơn giản là lời cảm ơn của tôi đối với Thầy; 45 phút sau, Thầy trao đổi với tôi về vài thay đổi trong cấu trúc các chương của luận án, đưa một vài gợi ý để tôi hoàn chỉnh lại dựa trên kết quả cuối cùng. Câu nói cuối cùng mà tôi nói với Thầy, rất chân tình mà nghe thật khách sáo: Cảm ơn Giáo sư đã giúp tôi hoàn thành bài báo này, dù luận án vẫn còn để ngỏ… Thầy mỉm cười, sao nụ cười trông ngây thơ như con trẻ mà lời lẽ đầy ý nghĩa: Tôi đã từng là học trò của thầy Huỳnh nên học theo tính thầy: giúp người khác làm khoa học, chứ không giúp làm luận án…

Sáng mai, tôi sẽ phải có mặt ở Hà Nội để dự buổi báo cáo luận văn tốt nghiệp của sinh viên do tôi hướng dẫn. Thành quả thu lượm được ở Huế cho phép tôi tiêu hoang một tí: trả lại vé tàu E2 đã mua khứ hồi để mua vé máy bay chuyến 19 giờ tối. Buổi chiều còn lại được dành để thực hiện việc Ba tôi nhờ, nhưng thời gian hạn chế chỉ cho phép tôi tìm đến nhà cô Minh Trân (thông qua địa chỉ ngôi nhà cha mẹ Cô trước đây, từ đó hỏi ra địa chỉ hiện tại của Cô), nhưng khi tôi đến nhà Cô thì đúng lúc mọi người đi vắng cả - các con cháu của Cô đang tổ chức cho Cô đi chơi thuyền rồng cả ngày và theo kế hoạch, khi mọi người về đến nhà thì tôi đã phải vào phòng cách ly ở sân bay Phú Bài rồi. Tôi đành gỡ gạc bằng cách hỏi thăm thông tin về gia đình Cô từ Nhật, người bán hàng đang thuê phòng mặt tiền nhà Cô để bán tơ lụa (nói chuyện với người không quen biết, tôi càng dễ phịa chuyện hơn, thật tình tôi thấy hơi khó nếu phải tự giới thiệu với các con của Cô là tôi có quan hệ như thế nào với Cô)…

Theo Nhật kể lại, Cô bị biến chứng của tai biến mạch máu não từ năm 1991, tính đến năm đã gần 15 năm rồi. Ban đầu tưởng không qua khỏi, sau đó nhờ tích cực điều trị, chăm sóc chu đáo nên Cô đã gượng đi lại được trong nhà. Đến 1997 bị tai biến lại lần thứ hai, Cô không đứng dậy được nữa. Chồng của Cô đã mất năm 1994, các anh chị con của Cô đều đã lập gia đình, làm việc ở nhiều nơi, xa nhất là miền Tây Nam Bộ. Hôm nay, các anh chị ở Huế tổ chức cho Cô đi thuyền rồng thăm lăng Minh Mạng, điện Hoà Chén, chùa Thiên Mụ, dĩ nhiên Cô chỉ ngồi trên thuyền chơi vì đi lại rất khó khăn, ngay cả chuyện đưa Cô xuống thuyền là cả vấn đề, các con Cô đã phải bế Cô xuống thuyền như bế trẻ con…

Câu chuyện cứ bị rời rạc vì khách nước ngoài thỉnh thoảng lại đến mua hàng, Nhật phải ngừng nói chuyện để tiếp khách… Đến khi thấy khách đông quá, tôi xin phép Nhật cho tôi vào nhà trong thắp cho chồng của Cô nén hương, sẵn ít hoa quả định mang biếu Cô, tôi đặt cả lên bàn thờ. Ảnh thờ chồng của Cô trông thật trang trọng, đúng là ảnh của nhà giáo. Trông cách bài trí phòng thờ thật đơn giản, tự nhiên tôi cứ thấy quen quen, không biết đã thấy ở đâu rồi? Có lẽ trước đây, Ba tôi đã mang phong cách bài trí từ xứ Huế ra Hà Nội chăng?

Trước khi gọi taxi ra sân bay, tôi nhờ Nhật thưa lại với Cô, tôi là con người bạn cũ của Cô, ghé lại thăm gia đình, tiếc là mọi người đi vắng cả. Nhật hỏi tên Ba tôi, rồi chặc lưỡi: chưa chắc Cô đã nhớ, bây giờ Cô đã già rồi, lại bệnh tật, đôi khi ngay với con cái, Cô cũng còn không nhớ mặt nữa…

* * *

Chưa bao giờ bài báo khoa học tôi gởi đăng lại được phản hồi nhanh như thế! Hỏi thầy Huỳnh mới biết, thầy Anh thuộc Ban Biên tập của Acta Mathematica, lại thuộc lĩnh vực Đại số Đồng điều nên được chọn để nhận xét bài báo tôi gởi. Không những đồng ý nhận đăng, Thầy còn nhận xét rất tốt về kết quả mới của tôi - thực hình tôi tự hào thấy mình xứng đáng với lời nhận xét đó, khi nhớ lại 3 ngày làm việc như một con điên sau khi được Thầy gợi ý. Không phải ngẫu nhiên mà mấy ngày sau đó, đề tài nghiên cứu cấp Nhà Nước do tôi đăng ký về lĩnh vực Đại số Đồng điều khá mới mẻ được thông qua dễ dàng, nhiều người còn nói với tôi: lão Anh, chuyên gia về lĩnh vực Đại số Đồng điều đã OK rồi thì còn mấy ai phản đối nữa.

Ba tôi nghe kể chi tiết chuyện ở Huế của tôi, ngoài những lời động viên học tập, ông không có ý kiến gì, nhưng tôi biết chắc ông không vừa lòng với mẫu thông tin sơ sài về cô Minh Trân mà tôi mang về. Tôi tự nhủ thầm trong lòng sẽ dành trọn một ngày để nói chuyện với Cô, với các con của Cô trong lần tôi vào Huế sắp tới – gởi giấy chính thức mời thầy Anh làm người nhận xét số 1 trong Hội đồng Chấm Luận án – và kể lại đầy đủ cho Ba tôi từng chi tiết một, nếu cần tôi sẽ thu băng hoặc thậm chí quay phim cho Ba tôi xem.

Một tuần sau khi tôi gởi luận án đã hoàn chỉnh xong vào cho thầy Anh đọc, thầy có gọi điện ra trao đổi với thầy Huỳnh, nội dung không rõ nhưng tôi thấy thầy Huỳnh vui ra mặt, chỉ thông báo với tôi mọi chuyện đều suôn sẻ…

Nguồn tin ập đến như sét đánh ngang tai. Ngày chủ nhật, tôi đang nắn nót soạn Lời Cảm Ơn trong luận án thì thầy Huỳnh điện thoại đến, giọng nghẹn ngào như khóc: thầy Anh đi rồi! Tôi sửng sốt: Thầy ấy đi đâu? Thầy còn hẹn em vào Huế để làm việc chuyên môn mà! Giọng thầy Huỳnh rõ ràng đang nén một tiếng nấc: Thầy Anh mất rồi, bị nhồi máu cơ tim. Ngày mai tôi vào Huế, ngày kia di quan rồi! Đau lòng nhất, thầy Anh ra đi trong lúc đang làm Toán sau mấy tiết giảng buổi chiều: khi người nhà mang Thầy đi cấp cứu, trên màn hình chiếc máy Dell vẫn còn dở dang mấy trang Toán đang soạn theo kiểu AMSTeX, với bộ font lấy ra từ lệnh input pam.tex (do chính Thầy sáng tạo) để kết nối TeX với các bộ font thông dụng.

Tôi dẹp phắt mọi thứ sang một bên, gọi điện báo cơ quan xin nghỉ phép đột xuất 3 ngày, dặn cậu bạn làm việc ở Hàng Không Việt Nam lấy cho tôi một vé máy bay cùng chuyến với thầy Huỳnh. Tôi điện tiếp cho chồng tôi rồi Ba tôi, báo tin phải vào Huế ngay để phúng điếu thầy Anh - mà tôi xem như người thầy hướng dẫn thứ hai của mình, không quên hứa với Ba tôi sẽ tranh thủ tìm hiểu thông tin về cô Minh Trân để bổ sung cho lần khiếm khuyết vừa rồi.

* * *

Thầy Huỳnh đến trước bàn thờ, nhẹ nhàng mở chiếc hộp vuông vắn mà Thầy ôm khư khư từ khi lên máy bay đến giờ, lấy ra một tấm bia đá in rõ tên Thầy Anh với lời ghi chú: nhà toán học Huế đã có những đóng góp quý giá trong Tôpô Đại số (chỉ có các đại gia như thầy Huỳnh mới đủ thẩm quyền nhận xét như vậy), trân trọng đặt bên cạnh di ảnh. Các học trò của thầy Huỳnh, hầu hết những người làm Toán đang có mặt đều thành kính chắp tay tưởng niệm người đã khuất. Sau đó mỗi người lần lượt rót ra chén ít rượu từ chai Whisky Scotch black label mà thầy Huỳnh vừa đặt trên bàn thờ, chạm với chiếc chén đầy rượu đặt cạnh ảnh thờ, uống cạn rồi trao chén cho người tiếp theo. Đó là thủ tục tưởng nhớ thầy Anh, con người yêu Toán như yêu rượu, thay vì thắp một nén hương như thủ tục thông thường…

Riêng tôi, sau khi nói mấy lời chia buồn với vợ con của Thầy Anh (tội nghiệp, cậu con trai duy nhất của Thầy mới 16, cứ ngơ ngác không tin rằng Ba của mình đã ra đi vĩnh viễn!), đã nhập luôn vào đám đông anh chị em, con cháu đang làm tề tựu trước bàn thờ để làm Lễ Triệu Điện, theo đúng nghi lễ Phật giáo. Có tiếng xì xào: Tội nghiệp, mẹ ổng đang đau liệt giường nên không ai dám cho hay cả, bà cứ tưởng con mình đang đi công tác ở xa. Đầu óc tôi đang trống rỗng nên nghe thấy mà chẳng suy nghĩ gì, cứ theo thủ tục hưng, bái như mọi người. Mãi đến khi đứng trước bàn thờ vọng ba ruột của Thầy, tôi mới bàng hoàng nhận ra người ở trong ảnh đã thấy ở đâu đó rồi: chính là chồng của cô Minh Trân, mà tôi đã thắp hương viếng đợt vào Huế lần trước. Như một tia chớp sáng loá trong bóng đêm, tôi nhận ra chữ Nghĩa viết thật bay bướm lồng trong khung kính treo đối diện bàn thờ - tôi đã học ít nhiều chữ Hán để nhận ra lối viết tĩnh hoạch của các cụ đồ Nho, cũng giống y như chữ Nghĩa mà tôi đã thấy ở nhà cô Minh Trân (chắc ở đây là bản photocopy), thảo nào tôi nhớ khung cảnh bài trí ở đó thấy quen quen. Các sự kiện lần lượt quay lại trong ký ức tôi như đoạn phim quay chậm, thầy Anh chính là con của cô Minh Trân - đúng ra tôi phải gọi là bà Minh Trân mới đúng. Không cần phải bàn cãi gì về sự thành đạt của Thầy nữa, những lời điếu của thầy Huỳnh cứ vang vọng mãi trong đầu óc tôi: Chúng tôi xem như em không đi đâu xa cả, em chỉ đi đến một nơi nào đó để tiếp tục làm Toán, và chúng tôi chờ những kết quả em gởi về để cùng trao đổi…

Tôi bấm máy điện thoại nhắn tin ra cho Ba tôi, vì không hơi sức để nói được nữa: Ba ơi, chờ con ra sẽ kể chuyện thật chi tiết về gia đình cô Minh Trân. Con của Cô lại là thầy của con, Ba ạ!

Quỳnh Anh
(viết nhân ngày giỗ đầu của em)