BẢN NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ
(Dành cho Cán bộ phản biện)
Tên đề tài: ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ALLER” TRONG TIẾNG PHÁP VÀ CÁCH CHUYỂN DỊCH SANG TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC Mã số: 60.22.01
Học viên thực hiện: ĐOÀN THỊ KIM LOAN
Họ và tên, chức danh khoa học, học vị của người phản biện: PGS.TS. PHẠM THỊ ANH NGA
NỘI DUNG NHẬN XÉT
1. Về hình thức của luận văn
Luận văn thạc sĩ của học viên Đoàn Thị Kim Loan gồm 98 trang (không kể phần Phụ lục), với Phần mở đầu (4 trang), Phần kết luận (3 trang). Nội dung chính (85 trang) được phân bố tương đối hợp lý cho 3 chương. Nhìn chung, luận văn được trình bày và phân bố mạch lạc, đúng qui định. Câu cú khá chặt chẽ, ý tưởng diễn đạt rõ ràng.
Một số chi tiết lẽ ra có thể làm tốt hơn:
- Khi trích, dẫn ngữ liệu (tiếng Việt và đặc biệt là tiếng Pháp), cần in nghiêng, đậm, in hoa hoặc sử dụng dấu ngoặc kép (VD: tr. 35-38, 76).
- Sau những trích dẫn về lý thuyết (khá dài) đã dịch sang tiếng Việt của các tác giả Pháp, nếu muốn chèn thêm nguyên văn tiếng nước ngoài, thì nên đưa xuống phần chú thích dưới trang, để mạch đọc của người đọc không bị gián đoạn. (VD: tr.6,20,21,24). Có chỗ trích dẫn thiếu chính xác (đầu tr.23).
- Trong chương 3, khi so sánh ngữ liệu tiếng Pháp và tiếng Việt, nên chia nội dung thành 2 cột hay sử dụng bảng đối chiếu.
- Trong thư mục tham khảo: (1) cần phân biệt giữa tài liệu tham khảo và ngữ liệu (từ điển được xếp vào mục Tài liệu tham khảo nhưng trong luận văn lại được khai thác như ngữ liệu), (2) cần ghi rõ trong các sách sách nào là sách song ngữ (VD: Les étoiles et autres contes…), (3) cần thống nhất cách ghi tác giả, tên sách, tên người dịch… (đặc biệt tr. 98, TL 80: ai dịch?).
- Một số sai sót về chính tả và diễn đạt trong tiếng Việt và tiếng Pháp (2 trường hợp cần nêu nhất: tr.42, 98, tên tác phẩm “Toutes les choses qu’on ne s’est pas dites” (viết là “n’est pas…”), tr.19, 21, tên tác giả Marianne Lederer (được viết thành Ledeler).
- Mục lục của Luận văn (ở những trang đầu) không nêu được một số đề mục nhỏ được đánh số trong luận văn (VD: 1.1.2.1.). Nên chăng có thêm 1 mục lục chi tiết ở cuối luận văn, ở đó tất cả các đề mục nhỏ nhất đều được liệt kê đủ, như cách làm của một số cơ sở đào tạo thạc sĩ nước ngoài mà chúng ta có học tập và áp dụng ở một số chuyên ngành đào tạo trong nước.
2. Về tính thời sự, ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận văn
Đề tài nằm ở vị trí giao thoa giữa một số chuyên ngành tiệm cận thuộc ngôn ngữ học (từ vựng học, ngữ nghĩa học, ngữ dụng học, ngôn ngữ học đối chiếu…), và một phần của từ điển học và lý thuyết dịch.
Luận văn góp phần giải quyết một khía cạnh hay, thú vị, chưa được khai thác trong nghiên cứu và đối chiếu ngôn ngữ. Nếu thực hiện tốt, luận văn có thể đóng góp vào việc nghiên cứu và đối chiếu những từ tương đương giữa các ngôn ngữ khác nhau, trong những ngữ cảnh và tình huống sinh động, đồng thời gợi mở những cách tiếp cận hiệu quả trong dạy và học tiếng Pháp.
3. Về phương pháp nghiên cứu, độ chính xác của các tính toán, độ tin cậy của các số liệu
Nhìn chung, hướng tiếp cận và giải quyết nhiệm vụ đề ra của luận văn là thoả đáng, khi cố gắng vận dụng cơ sở lý thuyết về từ vựng - ngữ nghĩa, các thao tác và qui trình biên dịch để khai thác ngữ liệu và rút ra những đặc trưng ngữ nghĩa của động từ “aller” trong tiếng Pháp và phân tích cách chuyển dịch ra tiếng Việt. Đó là hướng đi đúng, đáng ghi nhận và nên đánh giá cao.
Ngoài các phương pháp đã liệt kê, còn có thể kể thêm phương pháp tổng hợp và phương pháp so sánh, đối chiếu là những phương pháp được tác giả thực sự vận dụng trong luận văn này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tác giả có một số lựa chọn chưa thực xác đáng ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, cụ thể là:
- Từ điển wikipedia trên internet chỉ nên là một đường dẫn, từ đó người nghiên cứu cần tiếp cận với những tư liệu đáng tin cậy hơn. Trong thư mục tham khảo, hơn một nửa số tư liệu tham khảo trên internet được nêu là từ wikipedia.
- Về cơ sở lý luận, tác giả hơi sa đà vào những nội dung ít liên quan đến nhiệm vụ của luận văn, trong khi không đề cập hoặc chỉ đề cập sơ sài đến một số nội dung khác. Chẳng hạn nên tập trung trình bày các phạm trù rất đặc trưng liên quan đến động từ “aller” trong tiếng Pháp, cần thiết cho một người không biết hoặc biết ít về tiếng Pháp, hơn là bỏ nhiều công để luận giải về định nghĩa của từ, cụm từ cố định, cụm từ tự do. Hoặc về lý thuyết dịch, nên đặt trọng tâm vào các thao tác và quy trình dịch, cách phân loại các kiểu dịch thuật, còn lịch sử dịch thuật (tr.21) thì so với vấn đề cần giải quyết lại không mấy liên quan. Nhu thế mới tránh được sự dàn trải.
- Khi phân tích đặc điểm ngữ nghĩa của động từ “aller” trong chương 2, tác giả chưa khai thác được nguồn thông tin đáng tin cậy của các mục từ trong Từ điển, đặc biệt là Từ điển đơn ngữ “Le Nouveau Petit Robert” (PR) của tiếng Pháp, là từ điển có độ tin cậy rất cao trong lĩnh vực ngôn ngữ học, xứng đáng có vai trò là tài liệu tham khảo chứ không chỉ là ngữ liệu. Các từ điển khác thì có thể tham khảo thêm, chứ không thể dàn đều các từ điển như nhau như trong luận văn. Trong từ điển PR này, các nghĩa của “aller” được đưa ra trong mục từ không phải là 28 nghĩa như trong luận văn (tr.31-32), mà được sắp xếp theo tầng bậc, tuỳ theo cấu trúc, như sau: nghĩa I – “aller” như nội động từ, nghĩa II – “aller” như trợ động từ, III – động từ phản thân “s’en aller”. Nội động từ “aller” gồm các nghĩa A, B, C, nghĩa A gồm 6 trường hợp, mỗi trường hợp là 1 cấu trúc riêng biệt; tương tự như thế nghĩa B cũng gồm 8 trường hợp hay cấu trúc… Tất cả các nghĩa này đều được xác lập dựa trên cấu trúc, ngữ cảnh xuất hiện của động từ “aller”. Tóm lại, con số 32 nghĩa của động từ “aller” như được xác định trong luận văn (tr.30, 64) là không ổn.
- Tác giả luận văn đã không phân biệt được giữa nghĩa của động từ “aller” và nghĩa của các cụm từ hay ngữ, như “aller contre” (đi ngược lại), “aller de soi” (hiển nhiên), “aller droit au cœur” (đi thẳng vào tim, làm cảm động)…, thậm chí “s’en aller” (ra đi), “laisser aller” (lơ là, chễnh mảng), “se laisser aller” (buông xuôi)… Bản thân “aller” thì không thể có những nghĩa đó. Ngoài ra, trong luận văn đã không thấy rõ sự khác nhau giữa nghĩa của từ (có tính quy ước trong một ngôn ngữ) và cách chuyển dịch qua một ngôn ngữ khác (thuộc một quy ước khác, trong một ngôn ngữ khác) (VD: tr.53-63). Từ những nhầm lẫn đó các bảng tổng hợp, kết quả nghiên cứu, kết luận đã không tránh được những sai lệch đáng tiếc. Lẽ ra, xuất phát từ nghĩa của các cụm từ được cấu tạo với “aller”, và từ những cách chuyển dịch khác nhau trong tiếng Việt của động từ “aller” và các cụm từ đó, tác giả có thể tìm hiểu và rút ra những đặc trưng ngữ nghĩa của động từ “aller” (chẳng hạn nghĩa biểu niệm hay nghĩa hệ thống của “aller”, hoặc trường nghĩa (champ sémique) của nó.
4. Về kết quả nghiên cứu và đóng góp của luận văn
Đây là một luận văn được dụng công rất nhiều, thu thập được nhiều ngữ liệu dồi dào, phong phú. Có lẽ do quá tham vọng và ôm đồm, cũng như có những định hướng chưa đúng mà kết quả đạt được chưa thật cao. Theo tôi, lẽ ra tác giả nên toàn tâm vào nhiệm vụ chính, không quá dàn trải với những chi tiết không thật sự cần thiết. Chẳng hạn việc xác định tỷ lệ xuất hiện của từng cách chuyển dịch từ tr.66, sau đó có chỗ lại thiếu, chỉ ghi “%” mà không có con số đi kèm (tr.77). Nhiều trích dẫn tài liệu tham khảo (TLTK) và ngữ liệu cũng chỉ ghi số trang, nhưng không ghi là TLTK hay ngữ liệu nào (VD: tr.2, 61, 62, 71, 76…).
Nên phối hợp các kết quả nghiên cứu về đặc trưng ngữ nghĩa của “aller” qua từ điển và qua văn bản thành một bảng tổng hợp chung, có thể kết hợp cả các cách chuyển dịch ra tiếng Việt. Ở bảng đó cần phân biệt rõ giữa từ và cụm từ, nếu là cụm từ thì ghi rõ từng cụm từ và nghĩa của nó, kèm thí dụ, và từ ngữ tương đương tiếng Việt.
Trong ba chương, theo đánh giá của tôi thì chương 3 là nổi trội nhất và có tính thuyết phục nhất, cũng như có thể xem là có đóng góp đáng ghi nhận nhất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung trùng lặp giữa chương 2 và chương 3, đặc biệt giữa phần 2.2. (Đặc điểm của động từ “aller” trong các văn bản) và chương 3.
Cũng tiếc là một đặc điểm ngữ nghĩa rất thú vị của “aller” gắn với vai trò của người phát ngôn (nói hay viết) đã không được khai thác trong luận văn: đó là “aller” trong thế đối lập với “venir” (đến). Chẳng hạn khi ta muốn bảo một người nào đó đến địa điểm A thì có 2 cái nói : “Viens.” (dùng ĐT “venir”) nếu ta đang ở địa điểm A đó, chỉ khi ta ở 1 nơi khác thì mới nói “Vas-y.” (dùng ĐT “aller”). Cũng như khi chuyển dịch “aller” thành “vào”, “ra”, “về”, “sang”… (tr.73…), chính là do người dịch đã vận dụng những thông tin từ trong ngữ cảnh, tình huống… mà thêm vào cho nghĩa của động từ “aller”. Cũng những trường hợp đó, nếu chuyện dịch ngược trở lại từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, thì hoàn toàn có khả năng sẽ không còn là động từ “aller” nữa, mà là “entrer” (vào), “sortir” (ra), “revenir” (về)…
Khá nhiều nội dung chưa chính xác, tôi chỉ nêu vài trường hợp:
- tr.49, bảng 2.5 (và phần triển khai sau đó) ® các cấu trúc 3 và 4 thật ra chỉ là 1, trong cấu trúc 15 không phải là “participe présent” (hiện tại phân từ) mà là “gérondif” (en + participe présent).
- tr.51, 2.2.2.9. Cấu trúc 9: Sujet (êtres vivants) + aller + avec / sans verbe, với thí dụ là … “…cela ne va pas donc?” ® sujet là “cela”, không phải “êtres vivants” (người).
- tr.52, 2.2.2.14. Cấu trúc 14: Sujet (êtres vivants) + aller + nom, với thí dụ “…de peur de faire en aller mon rêve” ® kỳ thực ở đây là cụm từ “faire aller”, và trong thí dụ thì “en” bị thừa (hoặc thiếu “s’” (s’en aller).
- tr.59, Nghĩa: marcher – Đi, bước đi, với thí dụ: “Elle ne sait marcher qu’à l’âge de 3 ans. Ba tuổi cô bé mới biết đi” ® hoàn toàn không có “aller” trong thí dụ này !
- tr.79, Chuyển dịch là Cút đi, xéo đi, với thí dụ : … “Va t’en! – Cút đi!” ® ở đây không còn là “aller” mà là động từ phản thân “s’en aller” (ra đi, bỏ đi), và phải ở thể mệnh lệnh (impératif), ngôi 2, mới có nghĩa là “đi đi” hoặc nặng hơn là “cút đi, xéo đi”.
5. Về khả năng ứng dụng và hướng phát triển của đề tài
Nếu được chỉnh sửa và bổ sung hợp lý, kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được ứng dụng trong nghiên cứu, đối chiếu các từ tương đương trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, về mặt ngữ nghĩa, cấu trúc, và đặc biệt có thể ứng dụng trong giảng dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam cũng như để đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Pháp với người nước ngoài, chẳng hạn trong khối Cộng đồng Pháp ngữ. Các hướng phát triển của đề tài mà luận văn có đề cập cũng tỏ ra khả thi và hợp lý.
6. Về nội dung và khối lượng của luận văn có đáp ứng được yêu cầu của một luận văn thạc sĩ hay không
Khối lượng công việc theo tôi là quá nhiều, quá nặng cho một luận văn Thạc sĩ, tác giả khó lòng giải quyết hết một cách thoả đáng. Nếu được chỉnh sửa và bổ sung những thiếu sót và sai lệch như đã phân tích ở trên, luận văn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với một luận văn thạc sĩ.
7. Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho học viên bảo vệ
Với những ý kiến và đánh giá như trên, tôi đồng ý để học viên bảo vệ luận văn của mình, và sau bảo vệ tiến hành chỉnh sửa và bổ sung những gì cần thiết.
Kính mong Hội đồng đánh giá luận văn Thạc sĩ đồng ý.
Huế, ngày 12 tháng 11 năm 2011
Người nhận xét
PGS.TS. Phạm Thị Anh Nga
Câu hỏi dành cho tác giả luận văn:
1. Trong phần Tư liệu (trang 97-98), danh mục các tư liệu được sắp xếp theo thứ tự nào? Các cuốn luận Pháp văn ở đây có vai trò gì, được khai thác ra sao?
2. So với những luận văn được thực hiện những năm trước và năm nay về loại đề tài này (Đặc điểm ngữ nghĩa của ĐT … trong tiếng Anh / Nga / Trung… và cách chuyển dịch sang tiếng Việt), tác giả LV tự đánh giá ra sao? Về cơ sở lý luận phải chăng là chỉ lấy lại cái đã có sẵn, và đem ứng dụng cho tiếng Pháp và cho động từ “aller”? Tác giả tự nhận thấy mình có đóng góp gì mới không?