mardi 30 avril 2013

« Đoạn ghi mừng Mai Châu bày tranh tại Liễu Quán - Huế » (Đinh Cường)


L’ Art est avant tout un moyen d’ expression,
une création de notre esprit… ( Maurice Denis )
Hội họa là phương tiện biểu lộ nội tâm,
một sự sáng tạo của tinh thần…
                                           

Từ 27 tháng 4 đến 4 tháng 5, 2013
triển lãm mang tên Ước mơ xanh của Mai Châu [1]
tại trung tâm Phật Giáo Liễu Quán - Huế
Mai Châu cái tên cứ làm tôi nhớ
hai câu thơ Quang Dũng :
Nhớ ơi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Mai Châu này họa sĩ ở Kim Long - Huế
trước 75 dạy Đồng Khánh
những ngày gian khó sau 75
vẽ tranh bán cho du khách trên Chùa Linh Mụ
tôi nhớ thời gian này còn có Nguyễn Hữu Ngô
vẽ rất hay, hai người không học ai cả
mà vẽ rất thơ mộng, rất sương khói Huế

Cám ơn Anh Nga [2] chụp gởi cho mấy tấm hình
mừng anh Mai Châu hạnh phúc trong phòng tranh
ở xa tôi như nghe âm vang tiếng đàn violon của anh
tiếng đàn vĩ cầm anh say mê như hội họa
nên chi tranh anh đầy phiếm dương cầm
như trong Dạ khúc như Nguyễn Đình Niên ghi:[3]
lắng nghe sao vỡ trăng chìm
lắng nghe năm ngón tay tìm người yêu

Người yêu nào hay ước mơ xanh
người yêu nào hay tâm hồn an nhiên
xem tranh anh như bắt gặp an nhiên tự tại
bắt gặp om mani padmé hum
câu đại thần chú của  Đức Quan Thế Âm
tôi hằng tụng niệm để nhớ Bửu Chỉ
nhắc hoài cùng tụng câu đó
khi Trịnh Công Sơn lâm trọng bệnh nằm ở Chợ Rẫy 
bây giờ thì Sơn đã mất Bửu Chỉ đã mất …

Còn lại những giọt sương trong tranh Mai Châu
còn lại trong tôi tiếng chuông chùa sâu lắng xa xăm…

Virginia, Apr. 29, 2013
Đinh Cường

[1] Mai Châu tên thật Mai Quang Châu
Sinh năm 1935 tại Huế. Trước 1975 giáo sư trường Nữ trung học Đồng Khánh - Huế
Từ 1980 : vẽ tranh

2] Tiến sĩ Phạm Thị Anh Nga, Khoa tiếng Pháp – Đại học Ngoại ngữ Huế

[3] Nguyễn Đình Niên, nguyên giáo sư Việt văn trung học Võ Tánh - Nha Trang
Nữ trung học Đồng Khánh - Huế 

 Mai Châu - Anh Nga tại phòng bày tranh Liễu Quán - Huế 4-2013 








Tranh Mai Châu ở triển lãm "Ước mơ xanh", 
Liễu Quán - Huế, tháng 4-5 / 2013
(Photo P.T.A.N.)


mercredi 3 avril 2013

« Đoạn ghi cho chiếc ghế gỗ hằng bao nhiêu năm » (Đinh Cường)


Ảnh P.T.A.N.


*  gởi Nam Nga đọc (ĐC)

Đoạn ghi cho chiếc ghế gỗ
hằng bao nhiêu năm


Ôi chiếc ghế gỗ mun đen lên nước
qua bao nhiêu vật đổi sao dời
cả nửa thế kỷ chứ ít sao
vậy mà chiều nay tôi nhìn thấy lại
nhân ngày khai trương Gác Trịnh ở Huế [1]
hồi trước là 11 / 3 Nguyễn Trường Tộ
nơi Sơn đi xa hay gởi thư về nhờ Thúy, em gái đầu
đưa qua cho Dao Ánh, nhà bên kia cầu Phú Cam

nay là khu tập thể 203/ 19 tầng 2
dãy nhà C đường Nguyễn Trường Tộ.

Cám ơn Anh Nga đã gởi cho xem
mấy tấm hình qua e- mail
Camille Huyền ngồi hát trên chiếc ghế đó,
Camille Huyền tôi có gặp ở Paris .
Bửu Ý ngồi ghi sổ lưu niệm ở phòng sau
cũng trên  chiếc ghế đó
Bửu Ý là bạn thân, chúng tôi luôn quý trọng
Siphani khi nào cũng gọi Prince …

Có lần nhớ chiếc ghế
tôi đã vẽ bức tranh Người ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ
với chiếc áo lam ở Huế
những chiếc áo lam ngày mùng một
hay ngày rằm đi về phía chùa Bảo Quốc
nơi chúng tôi đã có lần trò chuyện
cùng Thầy Nhất Hạnh về thuyết Hiện Sinh
đầu những năm sáu mươi

bây giờ Tôn Nữ Kim Phượng, pháp danh Nguyên Nghi
thường được gọi kính cẩn là ni cô Diệu Trang,
đã nằm yên nghỉ trong cái tháp đẹp phía sau chùa Bảo Quốc
Tôn Nữ Kim Phượng bạn học ở Trường Mỹ Thuật Huế [2]
sau này ở Đàlạt, sau này nữa, sau 1975
vào trú ở chùa Già Lam - Gia Định cùng mẹ ,
rồi về tu ở chùa Diệu Hỉ bên Gia Hội, có sư cô Như Minh.

tôi muốn thắp cây hương cho Phượng, cho Sơn chiều nay
Sơn mất 12 năm, Phượng mất cũng đã 13 năm.

Và lạ kỳ chưa có con bướm màu nâu
bay vào đậu trên má rồi trên tay áo Hồ Đăng Thanh Ngọc [3], Anh Nga nói
ai cũng ồ lên như có anh Sơn về
và lạ kỳ chưa ôi chiếc ghế nâu, được nhìn thấy lại
chiếc ghế chúng tôi hay giành nhau ngồi vẽ
những đêm men say của thời tuổi trẻ
bên chiếc vách hẹp nối liền  phòng trước ra phòng sau
dán lên đó bao nhiêu là chân dung, có cả Thái Bá Vân lần đầu tiên từ Hànội vào

Chiếc ghế tìm thấy lại như đã nối liền chúng ta âm dương chiều nay
như đã nối liền những tình bạn đẹp xây dựng nên Gác Trịnh ở Huế…

  
Virginia, April 2, 2013
Đinh Cường

 --------------------------------------------------

[1] Gác Trịnh, được xem như một nhà lưu niệm nhỏ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,
là không gian văn hóa, thuyết trình, tọa đàm, trình bày nhạc, bày tranh, ảnh…

[2] Tôn Nữ Kim Phượng sinh năm 1941 tại Phú Cát, Huế
tốt nghiệp khóa 2  ban sơn dầu Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế ( 1959 -1962 )
được Thầy Giám Đốc Tôn Thất Đào chọn cùng vài sinh viên học những giờ lụa với họa sĩ Mai Thứ nổi tiếng từ Pháp về ghé thăm trường mùa hè năm 1962

Huy chương danh dự Viện Đại Học Huế 1963
Triển lãm chung Tôn Nữ Kim Phượng - Đinh Cường - Trịnh Cung, Sàigòn 1964

[3]  Hồ Đăng Thanh Ngọc, bút danh Hạ Nguyên, nhà thơ, nhà văn, sinh năm 1966 tại Huế,  hiện là tổng biên tập Tạp chí Sông Hương - Huế,  đã cùng bạn bè làm Gác Trịnh  



 
Ảnh Thái Lộc (Báo Tuổi Trẻ)