vendredi 23 janvier 2015

« Tự hào về người con trai thứ của thầy tôi » (Nguyễn Đắc Xuân)


Tôi là người cầm bút xứ Huế, chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa triều Nguyễn và Huế. Đối tượng của tôi là các sự kiện lịch sử văn hóa, con số năm tháng, tên người, tên đất.v.v. Tôi hoàn toàn không biết gì về Toán học ngoài mấy phép tính cộng, trừ nhân, chia. Thế mà hôm nay tôi lại có mặt tại Đại học Khoa học nầy để tham dự Chương trình ra mắt và giới thiệu hai cuốn sách của một nhà toán học quốc tế.

- “Phạm Anh Minh – Toán-ngói và hoa thủy tinh

- “Phạm Anh Minh – Toàn tập các công trình Tôpô Đại số Đối đồng điều của p-nhóm, đặc biệt của p-nhóm quá đặc biêt






Được tham dự một hội nghị trái nghề giữa những ngày cuối năm mưa lạnh này đã là một bất ngờ. Và, lại bất ngờ hơn nữa là được ban tổ chức hội nghị mời phát biểu. Nhiều người bạn nghe tôi đi dự hội nghị nầy đã thắc mắc:

- “Nhà Huế học mà cũng biết Toán học à?”.

Tôi đã liều hỏi lại:

- “Ai bảo các bạn: Huế không có Toán học?”

Một bạn khác thuộc thế hệ của tôi đã “bênh” tôi bằng cách dẫn ra một vài ví dụ:

- “Giáo sư Hoàng Tuy thế hệ thầy của chúng tôi, Giáo sư Huỳnh Mùi cùng thế hệ với chúng tôi, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Hà Thúc Dương thuộc thế hệ em út con cháu chúng tôi đều xuất thân trường Quốc Học, trường Đại học Khoa học Huế là các nhà toán học quốc tế cả đấy chứ!”

Cám ơn ông bạn. Những chuyện khích bác nhau như thế ở quán cà-phê diễn ra hằng ngày. Nhiều khi chúng cũng trở thành những cơ hội tập sự để mỗi người biết mình là ai. Đó là trường hợp của tôi hôm nay.

Đáp lại sự quan tâm của Trường ĐHKH Huế, của vợ chồng hai TS Bửu Nam và Phạm thị Anh Nga, tôi xin phát biểu vài ý kiến nhỏ sau đây:

1. Tôi đến đây để được nghe giới khoa học vinh danh người con trai thứ ưu tú của thầy tôi – ông Phạm Kiêm Âu. Thầy tôi có nhiều người con, trong đó nhiều người là bạn, có người từng làm việc gần tôi, nhưng đối với Phạm Anh Minh tôi ít gặp, ít khi nói chuyện nhưng lại có một kỷ niệm sâu sắc. Năm  1960 tôi học lớp Đệ Nhất A3 trường Quốc Học, được học Pháp văn với thầy Phạm Kim Âu.  Năm ấy lại là năm nhà toán học quốc tế trong tương lai Phạm Anh Minh ra đời.  Hôm nay giới khoa học cám ơn những công trình toán học của Phạm Anh Minh. Với tư cách người yêu Huế, suốt đời vì sự nghiệp nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, tôi cám ơn Phạm Anh Minh là một đóa hoa quý hiếm nở trong môi trường Đại học Huế sau ngày đất nước thống nhất. Phạm Anh Minh tiếp tục minh chứng Huế là bệ phóng nhân tài. Huế không những là Cố đô - thủ phủ văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà còn là một trung tâm khoa học thuần lý.  

2. Tôi không đủ kiến thức và chữ nghĩa để vinh danh tài năng trí tuệ toán học của Phạm Anh Minh. Tôi nghĩ về Phạm Anh Minh với đầu óc của người nghiên cứu lịch sử văn hóa mang tính nhân văn. Một câu hỏi hiện lên trong tâm trí tôi: Những yếu tố nào đã giúp tạo nên nhà toán học quốc tế Phạm Anh Minh? Tôi chưa có dịp nghiền ngẫm về cuộc đời nghiên cứu  toán học của Phạm Anh Minh nên không dám xớ rớ vào lĩnh vực học toán của Minh. Trong lúc chờ đợi câu trả lời của các nhà nghiên cứu toán học, tôi tự trả lời cho tôi với những yếu tố sau đây:

Thứ nhất là Phạm Anh Mình nhờ gia đình. Điều nầy tôi đã viết trong bài “Tôi được thầy Phạm Kiêm Âu nhận làm học trò” đăng trong cuốn “Thầy Phạm Kiêm Âu - Có một Người Thầy như thế” (Nxb Đại học Huế - 2014).

Yếu tố thứ hai: Phạm Anh Minh rất đam mê toán học, mê  ngay từ buổi thiếu thời. Điều đó dễ hiểu, có cái thành quả nào mà không có một quá trình đam mê (!),

Yếu tố thứ ba: Phạm Anh Minh được học ngoại ngữ từ nhỏ. Cái khả năng ngoại ngữ chuẩn và không ngừng nâng cao đó đã giúp cho Phạm Anh Minh có thể cập nhật được những thành tựu mới về toán học của thế giới. Biết thế giới đã làm được những gì và mình sẽ tiếp tục khám phá thêm những gì mà thế giới chưa với tới. Nhờ cái khả năng ngoại ngữ ấy mà, mới:

“Ba mươi lăm tuổi, Minh được Hội Toán học Nhật Bản mời sang giảng dạy. Ba mươi bảy tuổi, Minh sang Anh rồi sau đó sang Pháp giảng chuyên đề của mình. Anh là người luôn được nhiều Hội Toán học trên thế giới mời phản biện những công trình quan trọng. Có thể nói, chính Minh là người đầu tiên cho thế giới biết ở trên trái đất này có trường Đại học Khoa học Huế!” [1] Vinh dự lắm thay.

Đây là một bài học không những đối với các bạn trẻ đang theo đuổi sự nghiệp khoa học mà ngay cả các vị đã có bằng Tiến sĩ trong tay cũng cần phải suy ngẫm phấn đấu để rồi mới mong có dịp đem chuông đi đánh xứ người.

Kính thưa quý vị,

Trước khi được độc giả biết tôi là một nhà nghiên cứu, tôi là một người làm báo. Tôi đã viết bài vinh danh nhiều người và cũng đã phản biện xem lại giá trị thực của nhiều “người tài” có bằng Tiến sĩ nước ngoài. Cho nên trong giờ phút nầy, được nghe các nhà toán học nói về tài năng và sự đóng góp vô cùng to lớn của Phạm Anh Minh cho Toan học, tôi tự thấy mình quá thiếu sót với người con trai ưu tú của thầy tôi. Nếu không có hai cuốn sách, không có cuộc giới thiệu sách này, chắc tôi cũng chỉ biết Tiến sĩ Phạm Anh Minh như cháu gọi tôi bằng ông là Tiến sĩ Nguyễn Đắc Liêm đang có mặt trong phòng hội hôm nay mà thôi. Lý do vì tôi không biết toán, hay vì chính Phạm Anh Minh khiêm tốn như cụ thân sinh không muốn nhiều người biết về mình hay vì Đại học Khoa học Huế có chủ trương giấu người tài của mình? Đến nay, Phạm Anh Minh đã giải nghiệp Toán mười năm rồi, với hai cuốn sách quan trọng vừa ra đời, với một chương trình giới thiệu long trọng như thế này Đại học Khoa học Huế không thể giấu thêm được nữa. Vậy thì những người được hưởng thành tựu trí tuệ của Phạm Anh Minh, những người Huế tự hào sông Hương núi Ngự có thơ văn âm nhạc ẩm thực và cũng có Toán quốc tế sẽ khắc tên Nhà toán học quốc tế Phạm Anh Minh chỗ nào đây? Ai có trách nhiệm trả lời câu hỏi này? Thưa ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế!

Kính thưa quý vị,

Tôi xin lỗi quý vị đã quá lạm dụng thời giờ của chương trình để phát biểu hơi dài. Để kết thúc tôi xin phép được nói thêm một ý kiến nhỏ: Phạm Anh Minh ra đi lúc mới 44 tuổi, để lại vợ con còn quá trẻ, để lại 36 công trình khoa học Toán, Đại học Khoa học Huế và ngành toán học Việt Nam mất đi một nhân tài. Khi biết mình không thể sống được nữa chắc Phạm Anh Minh đã rất đau khổ. Nhưng tôi nghĩ: Đối với đời một con người sống với nghề và được chết với nghề là một hạnh phúc.  Một cầu thủ lừng anh nào đó mà tôi quên tên đã từng ước vọng được chết trên sân cỏ, nhạc sĩ Phạm Duy nhiều lần nói với tôi hạnh phúc nhất của Anh là được chết trên phím đàn ở quê hương. Và điều ước ấy đã trở thành hiện thực với Anh vào ngày 27-1-2013. Nghệ sĩ Kim Cương cũng ước mong sẽ được chết trên sân khấu kịch nghệ. Không rõ Phạm Anh Minh có bao giờ ước mong mình sẽ được “chết trên trang toán” không, nhưng trong thực tế Minh đã chấm dấu chấm cuộc đời mình trên trang Toán. Sống cho những khám phá về Toán và chết trên trang Toán. Ngoài ra không có gì chen được vào đời Anh Minh cả: Minh Toán và Toán Minh. Theo tôi Minh được hạnh phúc. Năm nay tôi sắp vào tuổi 79, nghĩ về hạnh phúc của Phạm Anh Minh, tôi cũng ước mong được như Phạm Anh Minh, sẽ chết trên bàn phím nghiên cứu về lịch sử văn hóa Huế. Nhưng định mệnh có cho tôi được hưởng cái hạnh phúc đó hay không hay lại như số phận của những người “cầm đèn chạy trước ô-tô”! Biết ra sao ngày sau. Que sera sera !

Xin cám ơn quý vị đã cho phép tôi được có vài giòng về người con ưu tú Phạm Anh Minh của thầy tôi.

Kính chào quý vị.    

                                                 Huế, ngày 28-12-2014
 

[*]  Phát biểu trong buổi ra mắt và giới thiệu sách về cố PGS TSKH Phạm Anh Minh tại DHKH Huế, chiều ngày 28-12-2014
[1] Tô Vĩnh Hà, Vĩnh biệt một ánh sao, trong sách “Phạm Anh Minh, Toán, ngói & hoa thủy tiên”, tr. 21

mercredi 7 janvier 2015

Phải chi (thử nghiệm thơ tân hình thức)





Phải chi em có thể tan
biến vào hư không thành chập chùng sương
sớm thành khói chiều mênh mông
phải đường đời vạn nẻo vẫn rối rắm
khôn cùng còn cho em lối
thoát dẫu khúc khuỷu gập ghềnh những dây
mơ rễ má giăng chằng chịt
sớm khuya phải mà bứt bằng hết cho
em về với em nghiệp kiếp
này có nặng vai em nguyện gánh gồng
nhưng phải mà em sớm được
về với cõi âm về với cõi âm



1 / 2015