mardi 16 mai 2017

Thì thôi chị ơi


Quầng mặt trời sau Lễ thỉnh linh yết tổ đường , ngày 14 tháng 4 Đinh Dậu , nhằm 09.05.2017
* thương tiếc chị Công Tằng Tôn nữ Ngọc Vân

phút giây giã từ cõi trần gian
nơi sáu mươi tám năm chị nương náu
chị không nhắm mắt xuôi tay
mà ấp hai tay lên ngực
hai mắt mở to thao láo ngước nhìn
thản nhiên
hướng về cõi nghìn trùng
hai em trai chị phải vuốt mắt tiễn đưa
nhiều lần mắt chị mới khép hẳn

thì thôi chị
ngần ấy năm gửi thân cõi tạm
chị sống nhọc nhằn với những xót xa
mà chị ngu ngơ không nhận biết
chỉ người thân cảm thấy đau và thương
chăm chị như chăm đứa trẻ non tơ
còn cần bầu sữa mẹ
nhưng nào khỏa lấp được kiếp nạn vẫn đè lên vai chị
đôi vai tôn nữ
với thời gian
ngày càng nặng trĩu

kiếp này của chị
mộng hơn là thực
một cõi riêng
với những ưa thích lạ lùng
về màu sắc
về coca
cà phê
về mùi dầu hỏa
nhưng trí nhớ không mảy may giảm suy theo năm tháng
anh chị em cháu trai cháu gái bà con gần xa họ hàng
ai ai chị cũng nhớ tên
phải chăng
cái nghĩa tình được níu giữ
bằng sợi dây yêu thương chân thực
không bị những bộn bề cơm áo chen đua thói thường khỏa lấp
ôi cái tình
chị đã ngơ ngác đón nhận và lưu trong ký ức
mà nào hay biết

với tháng năm
hương sắc tôn nữ phôi pha và dần biến đổi
nhưng những oái oăm đời thường
chẳng mảy may chạm vào tâm chị
vào khuôn mặt hồn nhiên
vào cái nhìn hồn nhiên
vào nụ cười hồn nhiên
ngu ngơ trống vắng xa xăm
vào cõi riêng không ai tài nào nắm bắt
vào những cảm thán bất chừng ngày cũng như đêm khuya khoắt
khi chị độc thoại và nói năng đối đáp
như từ một cõi khác
nhưng dẫu gì
chị cũng cười nhiều hơn là khóc
cũng nhẹ lòng
phải không chị ơi

ngày chị ra đi
vợ chồng người em gái từ phương xa tất tả về bên chị
trước khi rời nhà
còn kịp tìm ra bức ảnh đẹp hiền hòa
đủ nền nã để làm ảnh thờ chị
như thể chị linh thiêng về mách bảo
rồi các cháu gọi bằng dì cũng về chịu tang
và người chị cả
vẫn luôn đùm bọc các em ở những đoạn đời khốn khó
nay do sức khỏe không được phép bay ra
vẫn dõi tin Huế tin nhà tin chị
với những dòng nước mắt quạnh hiu

chị ơi
nghiệp chướng nào đâu vương từ kiếp trước
nhưng kiếp này chị đã trả thật tròn
giờ đây
chị thực sự vượt thoát kiếp trầm luân
và trước khi đi
hương linh chị đã được thỉnh ra Phủ yết tổ đường  
rất đường hoàng trang trọng
ở nơi vẫn thờ Tùng Thiện Vương và cả Đức Minh Mạng
thỏa nguyện cuối đời
nàng tôn nữ

thì thôi chị ơi
hãy thanh thản trở về với đất
với cát bụi
với mây trời gió núi
với thiên thu
như cái tên khai sinh ngọc vân
như pháp danh quảng hương
cuộc đời này đã dành cho chị
hãy tan trong khói sương
nhẹ nhàng bay
bay
và bay
nghe chị

và chị sẽ mừng rỡ tươi vui hớn hở khi gặp lại mạ
ở bến bờ lạc quốc
nơi mạ vẫn trông mong chị suốt gần mười hai năm nay
ôi cuộc hội ngộ mạ từng ngóng chờ
để khi chị vượt khỏi bến mê
được trùng phùng
có hạnh phúc nào bằng
chị ơi

tháng chay tịnh
4 – 5 Đinh Dậu

jeudi 11 mai 2017

ĐINH CƯỜNG – ra đi mới biết lòng vô hạn ( Diễn Đàn - Paris )

( Diễn Đàn Paris đưa tin, Mục Sách, Văn hóa phẩm )

ĐINH CƯỜNG – ra đi mới biết lòng vô hạn

Ra đi mới biết lòng vô hạn
Sương có mờ thêm trên sông Hương
(Đinh Cường)

ĐC_bìa sách

Câu thơ "rất Huế" của hoạ sĩ/thi sĩ Đinh Cường đã được bốn người bạn thân của ông, các nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu Bửu Nam (chủ biên), Phạm Thị Anh Nga (chủ biên), Nguyễn Quốc Thái, Bửu Ý đưa vào nhan đề cuốn sách đồ sộ (746 trang khổ 16x24, Nxb Hội Nhà văn) vừa được giới thiệu với bạn đọc trong nước đúng ngày 7.1 năm nay, nhân ngày giỗ lần thứ nhất của hoạ sĩ.

Sách in đẹp, trên giấy pho trắng Nhật Bản, với 136 trang màu trên giấy couché mat / mờ (tranh, ảnh, tư liệu hình ảnh), viết về cuộc đời sáng tạo và thế giới nghệ thuật của Đinh Cường, gồm cả di cảo của ông (cả phần hội họa và phần thơ, ghi chép, tùy bút, tiểu luận hội họa, thư từ với bạn bè ...). 

Phần chính, “Thế giới nghệ thuật của Đinh Cường”, giới thiệu hành trình sáng tạo của Đinh Cường trong vẽ và viết, cho thấy một Đinh Cường tài năng đa dạng, phong phú, nổi bật trong cả vẽ tranh, làm thơ, viết tùy bút, tiểu luận hội họa và những đam mê sáng tạo của ông, nhất là vào những năm cuối đời, khi ông phải chạy đua với thời gian và chiến đấu với căn bệnh ung thư.

* Ở mục một, phần Hội họa , giới thiệu thế giới tranh đa sắc, đa phong cách của ĐC với 6 dòng tranh, hai thời kỳ, thời trẻ và thời kỳ chín muồi và xế chiều, gồm 57 bức tranh với nhiều thể tài / chủ điểm, bút pháp như các dòng tranh trừu tượng, thiếu nữ, phong cảnh-tĩnh vật, âm nhạc, Thiền - Phật. Đặc biệt, thể tài chân dung gồm 234 bức vẽ bạn bè, văn nghệ sĩ, người thân và tự họa.

* Ở mục hai, ba và bốn, là các bài viết của ĐC, gồm có thơ (50 bài), đoạn ghi / thơ nhật ký (29 bài), 8 tùy bút, hơn 20 thư từ tâm tình viết cho bạn thân, 3 phỏng vấn, 6 tiểu luận hội họa.



Không kém phần quan trọng là phần đóng góp của bạn bè. Dưới tiêu đề chung “Đinh Cường dưới các góc nhìn đa dạng”, phần này gồm 86 bài viết của các văn nghệ sĩ tên tuổi và bằng hữu, như Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Đỗ Long Vân, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đặng Tiến, Vĩnh Phối, Phạm Văn Hạng, Doãn Quốc Sỹ , Hoài Khanh, Đỗ Lai Thúy, Phạm Cao Hoàng, Du Tử Lê, Luân Hoán, Thái Bá Vân, Huỳnh Hữu Ủy, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Quốc Thái, Lê Khắc Cầm, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Nguyễn Đức Tùng, Trần Kiêm Đoàn, Tiêu Dao Bảo Cự, Chu Sơn, Mang Viên Long, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Xuân Thiệp, Chân Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Vũ, Khuất Đẩu, Nguyễn Lương Vỵ, Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Lữ Quỳnh, Elena Pucillo Trương, Nguyên Minh, Nguyễn Quang Chơn, Nguyễn Hàng Tình, Đỗ Hồng Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Phan Anh Dũng, Cao Đông Khánh, Nguyễn Tường Giang, Nguyệt Cầm, Phạm Thành Châu, Trần Thị Nguyệt Mai, Đinh Ý Nhi, Ngô Thế Vinh, Đỗ Xuân Tê, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Mạnh Hùng, Đặng Kim Côn, Duyên, Nguyễn Lân, Nguyễn Quang, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Thị Tuyết Lộc, Phạm Thị Anh Nga, Ưng Lang, Lãm Thúy, Hải Phương, Lê Huỳnh Lâm, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Thiện Đức , Hải Phương, Bửu Nam, Nguyễn Việt Hùng…
được chia thành các mục riêng về tranh, thơ, tiểu luận hội hoạ của Đinh Cường, bên cạnh những hoài niệm về ông.

Ngoài ra, sách còn có một phần “Tư liệu hình ảnh”, một sưu tập công phu, với nhiều tài liệu quý về cuộc đời, các cuộc triển lãm, các chân dung bạn bè vẽ ĐC, các ảnh quý qua các thời kỳ…, và một phần Phi lộ gồm 5 bài viết là chìa khóa khai mở để cảm nhận thế giới tranh Đinh Cường và tâm hồn Đinh Cường, là các bài của Trịnh Công Sơn, Đỗ Long Vân, Hoàng Phủ Ngọc Tường và hai con trai của họa sĩ ĐC, cũng là họa sĩ, là Đinh Trường Giang và Đinh Trường Chinh.
Sách không ghi giá, được thực hiện như một nén hương chung của bằng hữu, người thân, dành cho người họa sĩ/thi sĩ quá cố. Tiền bán sách nhằm gây quỹ làm tặng thưởng Đinh Cường dành cho các tài năng hoạ sĩ trẻ và in các di cảo của ông.  


Thể lệ đặt mua sách :

- Gởi các thông tin sau : địa chỉ cụ thể ở Việt Nam kèm 1 số điện thoại để gửi sách bảo đảm qua Bưu điện (ở Huế thì có thể đến nhận trực tiếp) về địa chỉ của Bửu Nam - Phạm Thị Anh Nga (dưới đây).

- Chuyển khoản tiền sách và cước phí gửi. Tiền sách: giá khởi điểm là 300 ngàn vnd/cuốn. Cước gửi BĐ (nếu ở TP.HCM hay Hà Nội, hoặc các tỉnh phía Bắc & phía Nam) là 40 ngàn vnd, ở các tỉnh miền Trung thì 30 ngàn vnd. Nếu mua ủng hộ với số tiền trên 300 ngàn vnd (từ 400, 500 ngàn vnd) và sách gửi đến 1 địa chỉ ở VN thì không cần phải chi trả cước gửi BĐ nữa. 

Chuyển khoản : chuyển đến 1 trong 2 tài khoản sau (thuộc Vietcombank Huế) :
- Bửu Nam : 0161 000 228 039
- Phạm thị Anh Nga: 0161 000 001 419

Cần thông tin gì thêm, xin liên lạc :
Bửu Nam – Phạm thị Anh Nga
317/3 Điện Biên Phủ Huế
DĐ. 0918333052 (Bửu Nam) – 0914173632 (Phạm thị Anh Nga)
Email : buunamthp@gmail.com - hectordetroie56@gmail.com
Facebook: Phamthi AnhNga - BửuNam NguyễnPhước (Trần Hoàng Phố)


Đinh Cường trên Diễn Đàn : Diễn Đàn đã nhiều lần đăng các bài viết về Đinh Cường hoặc do hoạ sĩ gửi cho báo. Xin giới thiệu một số bài gần đây:

- Đinh Cường, tấm lòng vô hạn, bài Đặng Tiến ;
- Nhẹ nhàng Đinh Cường, Trần Doãn Nho ;

 https://www.diendan.org/Doc-sach/dinh-cuong-ra-di-moi-biet-long-vo-han

vendredi 5 mai 2017

« TRONG MƯA / THƠ THYAN Phamthi AnhNga » ( Đinh Tiến Luyện )

( về một thời Tuổi Ngọc - và Thy An sau khi được anh Đ.T.L. gọi tên lại là An Thy đã được anh gọi lại là Thy An . rất cám ơn anh về cuộc trải nghiệm dễ thương này . )


( designed by Đinh Tiến Luyện )



( designed by Đinh Tiến Luyện )


TRONG MƯA / THƠ THYAN Phamthi AnhNga
( Facebook Dinh Tien Luyen )

Số lượng bài gửi về TN bao giờ thơ cũng nhiều hơn văn. Anh Từ Kế Tường chọn thơ và rất ưu tư về chuyện này. Có những bài thơ rất hay nhưng chỉ dăm ba câu, hoặc một nửa. Bỏ thì tiếc mà đăng cả bài thì không xong. Bởi thế mới có mục như vườn thơ, giới thiệu những câu thơ hay. Thơ Thy An là trường hợp ngoại lệ. Thơ hay cả bài nên TKT đắc ý khi giới thiệu và làm đẹp vườn thơ chọn nguyên bài luôn. Tôi cũng xúc động với tác giả khi tìm lại góc kỷ niệm của mình rất bất ngờ trong số báo TN cuối cùng. Chia tay không từ giã sao cứ vương theo ngậm ngùi mãi. Thú vị hơn là trong phần giới thiệu của anh TKT lại duyên dáng như in theo bước những dòng thơ mà chúng ta vừa được giới thiệu. Tôi xin trích luôn / 

Gần đây hơn ta có những bài thơ tình yêu của Nguyên Sa , Hoàng Anh Tuấn , Nhã Ca , Trần Dạ Từ , Hoàng Trúc Ly ... Những bài thơ tình yêu đó đã ở lại và ở lại mãi đâu phải vì một tư tưởng vĩ đại nào . Và Thy An , một người làm thơ mới của Tuổi Ngọc đã gửi tới một bài thơ thật bình dị thật thiết tha mà cũng thật dễ thương đến độ gây xúc động . Thy An , có lẽ là con gái . Một cô bé đúng nghĩa với những lời lẽ hờn trách cho một tình yêu đầu đời còn vụng dại . Chỉ là một cuộc tình nuôi dưỡng trong một thành phố . Chỉ là một lời hứa sẽ quay về khi ra đi . Vậy thôi . Vậy mà Thy An đã làm người đọc cảm động bằng những câu thơ bình dị nhỏ nhoi và rất con gái của mình . Đọc thơ cô bé ta thấy ngay diễn biến của «câu chuyện» . Và ở đây là chuyện của hai người . Bài thơ như một khúc hát từ một cuộn băng của kỷ niệm . Hôm nay chúng ta đóng chặt cửa phòng , nằm trong bóng tối mở lại cuộn băng xưa , mở nhỏ thôi , và nghe một mình bài hát của kỷ niệm trong cơn mưa đầu mùa nào đó và nếu là con gái chắc ta khóc phải không , hỡi những tình nhân đã lạc mất nhau ?


Bài thơ này tôi copy lại nguyên văn trong trang nhà của Phamthi AnhNga nhưng vẫn giữ lại tựa cũ đã đăng trên TN, như một kỷ niệm .


đinh tiến luyện
05.05.2017