mardi 14 juin 2022

Ngày 14 tháng 6 năm 2022 , một ngày đặc biệt của Tuấn …

* gửi p.a.t.


Từ lâu chị n ít , và tránh , chúc mừng sinh nhật ở nơi đông người , trên các trang nhóm lớn nhỏ … Một phần , là do có khi mình chúc người này mà không chúc người khác , khiến vô tình làm ai đó có thể chạnh lòng . Mặt khác , chưa hẳn người được chúc đã lấy đó làm vui . Tuổi mới chất chồng , tuổi càng cao thì nghĩ ngợi càng nhiều , ý nghĩ đôi khi xám xịt hơn là tươi sáng …

 

Nên thôi , có muốn chi thì thẹ thẹ chào nhau , chúc nhau , nghĩ đến nhau .

 

Tuấn 64 tuổi , nhưng với chị n thì Tuấn vẫn cứ như 46 tuổi , hehe , đảo ngược như rứa mới đúng cảm nhận chủ quan , không đúng thực tế bên ngoài nhưng đúng với cảm nghĩ bên trong của chị n .

 

Có nghĩa là , cách đây ngần ấy năm ( 64 ) , Mạ mình đã sinh Tuấn ra đời .

 

Cũng có nghĩa là , cách đây ngần ấy năm , chị n bắt đầu được đồng hành với Tuấn , không những trên đường đời , từ bé đến lớn và đến … già , khi xa khi gần , mà ý nghĩa nhất vẫn là cả hai cùng là con của Ba của Mạ như chị Th. và các em khác . Nhưng chị n và Tuấn thì kế tiếp nhau , nối liền nhau .

 

Nếu khi sinh ra chị n , là con gái , Mạ ít nhiều thất vọng , vì trước đó đã có chị Th. là con gái , và Ba Mạ đang mong muốn một đứa con trai , thì khi sinh Tuấn ra , niềm vui của Ba Mạ đã vỡ oà , đầy tràn , trọn vẹn .

 

Một đứa con trai , sáng sủa thông minh ngời ngời .

 

Rồi dòng đời với bao biến chuyển , bao thăng trầm … dạt xô đưa đẩy hai chị em mình khi xa khi gần , mỗi bên với những vui buồn riêng .

 

Nếu Tuấn cận kề với chuyện sinh tử những năm quân ngũ tự nguyện , nếm trải chiến tranh ngay sát sườn , thì chị n cũng lắm phen chưa hẳn thập tử nhất sinh nhưng cũng thấy cái chết gần kề : hai lần mổ sinh , và vài lần cấp cứu và dao kéo bệnh viện cho mắt , cho tai , cho mũi vì những rủi ro và tai nạn lạ lùng .

 

Rồi cuối cùng , Tuấn cũng bắt chước Mạ , tai biến do huyết áp , và bắt chước chị n , dao kéo bệnh viện do tiểu đường .

 

Và sau rốt , cái ải cam go cuối cùng may mắn thay Tuấn đã vượt qua . Một cách quyết tâm , dũng cảm , với sự chia sẻ , thương yêu và ghé vai giúp sức của gia đình …

 

Chúc mừng sinh nhật thứ 64 của Tuấn . Ừ , cứ 64 thôi , không là 46 , thêm 18 năm trải nghiệm cuộc đời , chiêm nghiệm , để tiến tới , hay có lúc dừng lại ngẫm ngợi để lùi một bước và tiến thêm ba bước , và nhiều bước nữa .

 

Sáu mươi bốn , đã đủ chín muồi , đã là tri thiên mệnh rồi phải không . Đã là chồng , là bố , cách đây hai ngày đã là bố chồng , ít nữa sẽ là ông nội , vân vân và mây mây …

 

Chúc mừng sinh nhật mà dài dòng ri , chắc do điểm chung giữa hai chị em mình . Không những cùng gánh vác việc thắp cho Ba , cho Minh một nén hương chung , nhân 20 năm của Ba , 10 năm của Minh … Mà đặc biệt hơn cả , là cái tật ( hay thói ? ) ưa trải lòng qua câu chữ, có khi là một truyện ngắn , có khi là một tản văn , một tùy bút hay những câu thơ . Để nhưng ai đồng tâm , tri âm , qua câu chữ và câu chuyện kể hay thậm chí giữa những dòng chữ ( entre les lignes ) , có thể ngẫm được , đọc được những thông điệp ngầm , những lời nhắn nhủ gói ghém , lặng lẽ , âm thầm , không dễ gì nói ra trực tiếp .

 

Rứa Tuấn hí .

 

Joyeux 64e Anniversaire !

1959 ( ? )

 

1962

 

mercredi 1 juin 2022

CHÚA NGUYỄN ÁNH - HOÀNG ĐẾ GIA LONG DƯỚI NHỮNG GÓC NHÌN (Phạm thị Anh Nga)

TỌA ĐÀM KHOA HỌC CÔNG LAO VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VỀ MẶT LỊCH SỬ CỦA HOÀNG ĐẾ GIA LONG, Huế 31.5.2022

 

 

ChÚa Nguyễn Ánh - HoÀng đế Gia Long dưới những gÓc nhÌN

Phạm thị Anh Nga *

 

1. Những góc nhìn khác

 

- Tại sao lại dưới những góc nhìn khác

 

110 năm trước, vào năm 1912, mở đầu cho một bài tổng hợp dài hơn 80 trang có nhan đề “Những tài liệu liên quan đến thời Gia Long” (Documents relatifs à l'époque de Gia-long) in trong Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ (Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient, B.E.F.E.O.) số 12, linh mục Léopold Cadière đã nhắn nhủ: “Lịch sử về Gia Long vẫn chưa được viết. Tuy nhiên đó là một nhiệm vụ cần phải thực thi. Với người nào muốn thử làm nhiệm vụ đó, tôi trao tặng những tài liệu này, tất cả đều chưa được xuất bản”. Ông giải thích: “Các biên niên kỷ thuộc địa mà Viện Viễn Đông Bác cổ đảm nhận công việc tập hợp và sử dụng là một nguồn thông tin rất quý. (…) Nhưng phải thừa nhận rằng các biên niên kỷ đó không tránh khỏi những sai sót. (…) May mắn là chúng ta có những nguồn thông tin khác.” 

 

Cũng trong tập san B.E.F.E.O., số 20 năm 1920, trong bài viết về cuốn sách của Charles B. Maybon “Lịch sử hiện đại nước An Nam (1592-1820)” (Histoire moderne du pays d'Annam (1592-1820)), một mặt,  Léonard Aurousseau ghi nhận những điểm son, chính xác, súc tích và mới mẻ ở các nội dung bàn về mối tương quan giữa người An Nam và người châu Âu, cũng như về lịch sử xứ An Nam từ thời Gia Long trở về sau. Mặt khác, L. Aurousseau nêu một số nhược điểm của Maybon, cụ thể như sau: “Ông Maybon đã không biết hoặc cố tình bỏ qua một khối lượng lớn các tư liệu của người An Nam và cũng như tất cả những ấn bản Trung Hoa về xứ An Nam. Ông Maybon không trực tiếp sử dụng bất kỳ một cuốn sách nào của Trung Hoa; ông chỉ trích dẫn nguồn từ những nghiên cứu của ba nhà Trung Hoa học người Pháp là Gaubil, Devéria và J. Beauvais. (…) Những nghiên cứu về lịch sử của Linh mục Cadière là vô cùng quan trọng đối với toàn bộ giai đoạn được ông Maybon nghiên cứu, và không ai có thể đem hai thứ đó ra so sánh, bởi rõ ràng những nghiên cứu đó đầy đủ hơn và chính xác hơn bản tóm tắt đơn giản mà ông Maybon thi thoảng làm và tự cho là thỏa đáng. Các nghiên cứu đó của Cadière đã được biết đến từ năm 1906, nghĩa là từ 15 năm trước. Nên chăng ông Maybon gửi đến cho chúng ta cái gì khác hơn, nếu không phải là cái gì hay hơn? Nói đúng ra, ông Maybon cảm thấy thỏa lòng, trong nhiều truyện kể của mình, với việc chép lại nguyên văn cuốn sách nhỏ tuyệt vời về lịch sử xứ An Nam mà ông đã cộng tác với ông Russier để viết và xuất bản năm 1909, nhưng lại không bổ sung gì cũng chẳng ghi nguồn.” 

 

Từ đó đến nay, không ít nhà biên khảo đã viết và in ấn về Chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long, về các Chúa Nguyễn và các Vua Nguyễn, từ những góc nhìn, đánh giá cá nhân hay từ việc tham khảo các nguồn tư liệu khác nhau. Tiếp thu bài học từ L. Cadière và L. Aurousseau về việc trong nghiên cứu nhất nhiết phải truy tìm nhiều nguồn tư liệu khác hơn những gì sẵn có, trong bài viết này, để góp phần bổ sung vào chân dung và công lao của vị chúa Nguyễn cuối cùng cũng là vị vua đầu tiên mở đầu Triều Nguyễn, tôi cố gắng lục tìm, tra cứu trong các ấn bản hoặc trên internet, sách hoặc bài báo, tư liệu từ nhiều nguồn, về những cách nhìn, cách đánh giá Chúa Nguyễn Ánh - Hoàng đế Gia Long, đặc biệt từ những góc độ bên ngoài, từ Kẻ Khác, từ những người vốn thuộc một đất nước khác, một lịch sử dân tộc khác, một nền văn hóa khác. 

 

- Những góc nhìn nào

 

Truy tìm những tư liệu có đề cập đến Chúa Nguyễn Ánh - Hoàng đế Gia Long, tôi có cơ duyên tìm ra và đọc được ngay trong nguyên bản tiếng Pháp các ấn bản hoặc dữ liệu trên internet (sách, bài báo, thư từ…) của những nhà nghiên cứu Pháp hay những người Pháp từng sống ở xứ An Nam thời bấy giờ, như Charles B. Maybon, Michel Đức Chaigneau (con), Jean-Baptiste Chaigneau (bố), Jean-Pierre Duteil, Philippe Le Failler, Léopold Cadière, hay Étienne Vo Duc Hanh (Strasbourg, Pháp), và cuốn tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng của Georges Bataille (“Annam”, 1993). Đáng kể nữa là một bài báo bằng tiếng Pháp của Nguyễn-Ái-Quốc đăng trên báo L’Humanité của Pháp (năm 1922) cũng như một số tư liệu của A.A.V.H., B.E.F.E.O.. 

 

Ngoài ra, cuốn sách về vua Gia Long của Marcel Gaultier do Đỗ Hữu Thạnh dịch và bản dịch bài tham luận súc tích của Choi Byung Wook dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội cũng cung cấp cho tôi nhiều thông tin quý. Tôi cũng tham khảo và tận dụng được những kết quả phân tích, tổng hợp của một số nhà nghiên cứu xưa và nay về chân dung và những dấu ấn lịch sử của Chúa Nguyễn Ánh - Hoàng đế Gia Long: các nhà nghiên cứu L. Cadière (thư từ của J.-B. Chaigneau, Le Labousse, Barisy, Vannier…), Thụy Khuê (góc nhìn của Shihõken Seishi, Le Labousse, Barrow, Sainte-Croix về vua Gia Long), Nguyễn Quang Trung Tiến (các bản đồ địa lý xưa của Đức, Italia, Scotland và Hoa Kỳ liên quan đến chủ quyền biển đảo), Trần Hưng (góc nhìn của MĐ. Chaigneau, Le Labousse, Barrow), và đặc biệt là bài trao đổi của Đào Hùng trên Xưa & Nay số 409 (về bài báo tiếng Pháp của Nguyễn-Ái-Quốc). 

 

2. Chúa Nguyễn Ánh - Hoàng đế Gia Long 

 

2.1. Hình ảnh và chân dung

 

Trước tiên, Chúa Nguyễn Ánh và về sau là Hoàng đế Gia Long luôn được người Pháp xưa và nay đề cập đến hay nhắc đến dưới những cách gọi, ngôn từ biểu thị sự tôn trọng, nể vì và thân thiện từ phía người viết: “Vương”, “Vua”, “Nhà vua”, “Vua nước Nam”, “Hoàng thượng”, “Ông hoàng”, “Hoàng đế” “Ông Chủng”…, ngược hẳn với cách gọi vua Quang Trung Nguyễn Huệ trong các văn bản thời đó (“giặc”, “kẻ nổi loạn”, thậm chí “bạo chúa”, “bạo chúa trẻ tuổi”). Cũng dễ hiểu bởi trong mọi tình huống vua  Trung Nguyễn Huệ luôn ở phía đối nghịch với người Pháp. Nhưng không chỉ trong cách gọi, nhắc đến, mà cũng có khi thái độ đánh giá còn rõ ràng hơn: “sự chuyên chế của những kẻ nổi loạn” (tyrannie des rebelles)[1] khi đề cập đến việc Tây Sơn tàn sát dân lành, và “ông vua Gia Long tốt của chúng ta” (notre bon roi Gia Long)[2].

 

Chân dung của Chúa Nguyễn Ánh - Hoàng đế Gia Long được một số tác giả mô tả khá chi tiết, cả về hình hài dáng dấp lẫn tính tình và phong cách làm việc:

 

“Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng, tướng đạo mạo đáng kính tương xứng với tầm vóc, nét mặt đầy trang nghiêm và có sắc diện, chứng tỏ một tâm hồn cao đẹp, dáng điệu rất sang trọng và tính tình rất hòa nhã, nhất là trong lúc trò chuyện thân mật; nhưng bản tính náo động tự nhiên cũng làm ông dễ chuyển từ sự điềm đạm tử tế sang sự giận dữ thái quá, khi mệnh lệnh không được thi hành đúng mức. Da trắng, mắt sáng, chòm râu hoàn toàn bạc và dày hơn râu của những người đàn ông khác trong xứ. Mỗi bên má của ông có một hột cơm đen, râu bọc chung quanh, làm thành một chòm râu nhỏ mỗi bên, cạnh chòm râu lớn ở chính giữa, nhưng không hoàn toàn pha trộn vào nhau. Gia Long là ngươi tài trí, có tư tưởng lón. Trải nghiệm gian khổ, ông biết cách đánh giá đúng mức người và vật và hiểu rõ guồng máy nhà nước hơn tất cả các Thượng thư trong triều, thường bị ông bắt lỗi. Ngoài những lúc bàn luận nghiêm chỉnh, ông là người vui tính nhất và dễ thương nhất trong triều (…).” (Michel Đức Chaigneau)[3]

 

Vua trạc 40 tuổi. (…) mặc áo gấm đen thêu rua với quần gấm đen và mang đai lưng. (…) Hoàng thượng đội khăn lụa quấn năm vòng, đầu chỉ để hở búi tóc cài lược vàng.” (Shihõken Seishi)[4]

 

Chân dung, tài trí và cách làm việc của vua Gia Long dưới góc nhìn của Le Labousse được Thụy Khuê tổng hợp như sau: Linh lợi, sâu sắc, thẳng thắn, nhìn thoáng qua là nắm bắt được trọng tâm của những sự thể phức tạp nhất. Có trí nhớ hơn người, ghi nhớ tất cả, dễ dàng thiên bẩm bắt chước được tất cả. Những công binh xưởng, và những bến tầu chiến của Nguyễn Vương làm cho người ngoại quốc thán phục. Thuyền tầu đếm không xuể. Những chiến hạm lớn lao, đủ loại hình thái, kiên cố. Tất cả đều là sản phẩm của ông hoàng này (…) Ông cực kỳ siêng năng. Ban đêm ngủ ít, đọc nhiều. Có tính hiếu kỳ và thích học hỏi. Trong cung có nhiều sách về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những giải thích bằng chữ Pháp vì ông không đọc được.[5]

 

Theo John Barrow, đó là một “(…) con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới”, “…câu chuyện về ông hoàng này, mà tôi đã phác họa sơ lược nêu lên một tấm gương sáng và một bài học bổ ích cho những ai có thể rơi vào những hoàn cảnh rủi ro tương tự, nó chỉ ra rằng nếu biết kết hợp tài năng, nghị lực và lòng dũng cảm theo một hướng chỉ đạo đúng đắn, người ta có thể làm được nhiều việc lớn lao đến như thế nào.”[6]

 

“Nguyễn Phúc Ánh (1762 - 1820, sau này có hiệu là Gia Long) là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm (một xạ thủ cừ khôi) người đã lăn lộn trên rất nhiều chiến trường từ thuở thiếu thời.” (Choi Byung Wook)[7]

 

“Vị vua trước đây là người thẳng tính, và người ta có thể tin vào những gì ông nói.” (Jean-Baptiste Chaigneau)[8]

 

“Một số tác giả đã trình bày triều đại Gia Long như một giai đoạn trật tự và cần lao. Chính vì họ đã rút ra những định kiến ấy trong việc đọc biên niên sử được viết - có thể nói như thế - theo lệnh của triều đình Huế. Những tài liệu được công bố gần đây của cha [Léopold] Cadière, ngược lại, chứng minh cho chúng ta thấy rằng nhà vua bị ngập lút đầu trong những sự kiện. Có vẻ như nhà vua đã hao mòn sức lực của mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ quân sự mà nhà vua đảm đương, sau đó còn phải gắng sức chịu đựng một tình trạng những sự vụ mà chỉ có thời gian mới mang lại sự lắng dịu thanh thản.” (Marcel Gaultier)[9]

 

2.2. Công cuộc thống nhất đất nước 

 

Theo Jean-Pierre Duteil, sau khi Giám mục Bá Đa Lộc qua đời, “cần có hai năm để lấy lại Huế, nơi vị tướng cuối cùng của Tây Sơn vẫn đang chiếm đóng, và kiểm soát toàn bộ nước Việt Nam. Năm 1802, Nguyễn Ánh tiến vào thành Hà Nội (…). Chiến thắng này cũng có nghĩa là sự kết thúc của ba mươi năm nội chiến đã tàn phá toàn bộ Đại-Việt. Tại kinh đô cũ của họ Trịnh và nhà Lê, người thừa kế các chúa Nguyễn đã tự xưng vua, xưng “hoàng đế”, và chọn niên hiệu cho mình là Gia Long, có nghĩa là “Khai quốc công thần”.”[10]

 

Trong tham luận của Choi Kyung Wook tại Hội thảo khoa học dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhà nghiên cứu Hàn quốc này đã nhận định rằng trong lịch sử Việt Nam, sự thống nhất Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau được tiến hành trong hai lần. Lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ XIX dưới thời vua Gia Long - người là hiện thân sự thống nhất miền Nam (Gia Định) và miền Bắc (Thăng Long). Lần thứ hai là vào thế kỷ XX. “Ông đã từng hiện diện ở 3 trung tâm chính trị gồm Sài Gòn, Huế và Thăng Long để cai trị đất nước. Ông ở Sài Gòn năm 1788 để chuẩn bị lên ngôi hoàng đế vào năm sau đó, đến Huế vào tháng 5/1801 và tiếp tục về Thăng Long trước khi ông chọn Huế là nơi trị vì lâu dài.”

 

“Gia Long vào thành Thăng Long vào ngày 21/6/1802 (âm lịch) và ông rời Thăng Long vào ngày 27/9 năm đó. Trong suốt 3 tháng giam mình trong điện Kính Thiên, Gia Long ban hành một loạt chính sách mới để cai trị lãnh thổ mới Việt Nam.”

 

“Sự hiện diện của Gia Long ở Thăng Long có ý nghĩa đáng kể mặc dù thời gian chỉ là 3 tháng. Trong suốt thời gian ông ở đây, ông đã minh chứng cho các luật quan trọng như việc cải tổ bộ máy hành chính nhà nước, thiết lập mối quan hệ ngoại giao, hệ thống thuế, quản lý giáo dục, cách thức đương đầu với quân thù…”

 

“Khi quân đội của mình tiến ra phía bắc để giành lại thành Thăng Long từ tay quân Tây Sơn, ông đã ngay lập tức theo sau đoàn bộ binh lãnh đạo bởi Tả tướng Lê Văn Duyệt, cùng lúc đó là lực lượng hải quân do tướng Nguyễn Văn Trương chỉ huy. Theo Đại  Nam  thực lục, Lê Văn Duyệt chiếm được thành Thăng Long vào ngày 17/6. Chỉ 4 ngày sau đó, Nguyễn Phúc Ánh đã làm chủ điện Kính Thiên, nơi ở của các hoàng đế triều Lê.”[11]

 

Từ điển bách khoa Encyclopaedia Universalis cũng tổng hợp về công cuộc thống nhất đất nước và tổ chức bộ máy của vua Gia Long (do Yvan BARBÉ viết) như sau:

 

“Triều đại của ông sẽ được đánh dấu bằng các công trình quy mô lớn và các biện pháp quan trọng được thực hiện để khuyến khích nông nghiệp: xây dựng cầu đường, đào kênh dẫn nước, phát triển các công trình công cộng, duy tu đê điều. Gia Long sẽ tập trung tối đa đất nước của mình để ngăn chặn mọi cuộc nổi dậy của các tỉnh; đứng đầu là một phủ tổng (Bắc Thành), cả nước sẽ có mười ba huyện (trấn); các tỉnh thuộc châu thổ do các quan cựu thần nhà Lê quản lý, đảm bảo việc kiểm soát thường xuyên các nông dân. Gia Long thiết lập mối quan hệ tuyệt vời với nước ngoài, tuy nhiên ông cẩn thận không ban cho họ những đặc quyền về kinh tế và lãnh thổ, để ngăn chặn việc họ có thể chiếm đoạt đế chế của mình.”[12]

 

2.3. Chủ quyền biển đảo 

 

Chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời Gia Long trị vì đã được thể hiện rõ trên các bản đồ địa lý và ấn bản của Dức, Italia và Scotland, cũng như của Hoa Kỳ. Trong các bài báo đăng trên tạp chí Phát triển Phát triển Kinh tế - Xã Hội của Đà Nẵng[13], nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đã dẫn ra nhiều chứng cứ xác đáng. 

 

Theo Nguyễn Quang Trung Tiến, vào thời vua Gia Long, ngoài sự kiện nhà nước Việt Nam đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa năm 1816, xác lập cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền quốc gia trước cộng đồng quốc tế, và được nhiều nước trên thế giới lần lượt công nhận; thì cũng có khá nhiều ấn bản quốc tế cùng thời gian đó đề cập và công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

“Các ấn bản quốc tế công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện khá nhiều dưới thời vua Gia Long trị vì đã góp phần chứng minh rằng: ngay từ trước sự kiện năm 1816, thế giới đã thừa nhận việc tiến hành tổ chức khai thác các nguồn lợi ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam và quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của các thực thể nhà nước ở Việt Nam đối với quần đảo này, bao gồm cả Trường Sa, đã diễn ra lâu đời, từ thời các chúa Nguyễn đầu thế kỷ XVII, trải qua triều Tây Sơn rồi đến vương triều Nguyễn.” (Nguyễn Quang Trung Tiến)

 

Có thể nêu vài thí dụ:

 

Paracels [Hoàng Sa], một số lượng lớn các đảo và đá nhỏ nằm trên biển China [Biển Trung Hoa/Biển Đông], và tạo thành một cụm dài gần 400 miles [dặm Anh], ngoài khơi bờ biển Cochin-china [Đàng Trong]”. (Richard Brookes, The General Gazetteer - Từ điển địa lý tổng quát)

 

 “Tại vương quốc này không có các thành phố có tòa thành bao quanh, nhưng có nhiều thị trấn nhỏ và làng mạc. Huế, hay Whay [Hóa], còn được gọi là Uzangues [Phú Xuân], Sin-hoa [Thuận Hóa], và thủ phủ Tchentchen [Đàng Trong], là một thị trấn lớn, được xây dựng kiên cố, có cung điện hoàng gia và một số chùa, cách Touron [Đà Nẵng] khoảng 40 dặm về phía bắc, gần một con sông lớn [sông Hương], trước đây đủ độ sâu cho tàu có trọng tải lớn; tuy nhiên, do một trận ngập lụt kinh hoàng cách đây vài năm, các bờ cát đã được hình thành ở cửa biển, do đó chỉ các tàu nhỏ có thể vào đó. Thị trấn này, theo tên gọi của người Hoa, được kết nối với các kênh rạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và thuận tiện cho cư dân. Vịnh Touron [Đà Nẵng] rộng lớn và an toàn, được đề cập ở trên, nơi ngài Macartney thả neo vào ngày 26 tháng 5 năm 1793, nằm gần một mỏm đất cao, được bao bọc bởi hai đỉnh núi cao. Ở đó có một hòn đảo nhỏ. Cửa sông [Hàn] ở cực nam của vịnh. Thị trấn, nằm sâu trong đất liền cách một mile [dặm Anh], bao gồm những ngôi nhà thấp, được xây dựng bằng tre và phủ cói hoặc rơm rạ. Trong các khu vực xung quanh là những vườn cam, chanh, chuối các loại và các thứ khác. Phía trên thị trấn có một thung lũng màu mỡ và thú vị lạ thường được cấp nước bởi dòng sông. Rặng núi Kamois [Kẻ Mọi, chỉ dãy Trường Sơn], kéo dài dọc theo ranh giới phía tây, ngăn cách vương quốc này với Lào và Cam Bốt; và về phía đông, ở một khoảng cách tương đối từ bờ biển, ở vĩ độ 15° vĩ độ Bắc, là một chuỗi các đảo nhỏ, hoặc đá và bãi ngầm, được gọi là Paracels [Quần đảo Hoàng Sa], kéo dài khoảng 100 leagues [dặm biển] chạy từ bắc xuống nam, và rộng 15 dặm biển; xa hơn có một nhóm bãi cạn gọi là Lunettes [Bán Nguyệt, tên cũ do người Bồ Đào Nha dùng gọi nhóm đảo An Vĩnh, tức Amphitrite group], ở vị trí gần 17° vĩ độ Bắc”. (James Playfair, A System of Geography, Ancient and Modern - Hệ thống Địa lý cổ và hiện đại], Edinburgh, Scotland 1813).[14]

 

2.4. Quan hệ đối nội và đối ngoại

 

Etienne Vo Duc Hanh đã nhận xét về chúa Nguyễn Ánh như sau: “Nguyễn-Phước-Ánh cai quản một mình và làm chủ một vùng lãnh thổ mà ông được thừa kế từ cha ông mình và người Âu Châu gọi là Nam Kỳ. Bất chấp những thăng trầm do chiến tranh gây ra, ông vẫn có thể ban tặng cho vùng lãnh thổ đó một bộ máy quản lý có thứ bậc và tổ chức cho nó được bảo vệ bởi một quân đội có kỷ luật. Trong suốt cuộc đời lang bạt của mình, ông luôn được xem là người cai trị đất nước và kẻ thù của ông như là một kẻ soán ngôi.”[15]

 

Đề cập đến thời gian 18 năm trị vì của vua Gia Long, Maybon xác định nhà vua là “người đầu tiên trị vì đất nước mà không phải chia sẻ với ai khác”,  rằng ông “sẽ mang bình yên và sự an toàn cần thiết cho đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh chết chóc. (…) Ngay từ năm 1779, trong khi cuộc chiến chống Tây Sơn vẫn đang diễn ra sôi động, việc ông tái chiếm các tỉnh phía Nam đã đi kèm với được những biện pháp đặc thù nhằm đảm bảo cho sự thịnh vượng trong tương lai. (…) Công việc quản lý đất nước của Gia Long rất đáng kể: đó là một nhiệm vụ không nhỏ, là tổ chức lại đất nước sau hai mươi lăm năm liên tục hỗn loạn. (…) Gia-long sắp xếp mọi thứ vào trật tự.”[16]

 

Về phía mình, dựa trên “Đại Nam Thực lục”, Choi Byung Wook đã phân tích và đánh giá hai khía cạnh tích cực của Hoàng đế Gia Long trong chính sách đối nội và đối ngoại: “Một là chính sách hoà giải đối với những quan lại thời Trịnh và Lê.  Hai là việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao với ngoại quốc.”[17]

 

Cụ thể tôi xin trích dẫn như sau:

 

“Chính sách hoà giải của ông tập trung vào những thành viên trong bộ máy chính quyền cai trị trước đây dưới thời Lê/Trịnh, và vào người nhà Tây Sơn. (…) Các quan lại dưới triều Lê trước đây có thể được tha nếu họ không nhận lời mời làm quan của quân Tây Sơn mặc dù trong thực tế những người này chính là người của nhà Trịnh[18], những kẻ đã tranh chấp với nhà Nguyễn[19] và đã đưa quân vào chiếm kinh đô của nhà Nguyễn (1775).”

 

“Ông ta không có đủ lòng thương để tha cho những tướng lĩnh hàng đầu trong bộ máy chính quyền Tây Sơn bởi đây là những người luôn muốn tiêu diệt cả gia đình ông cho đến người cuối cùng. Tuy nhiên, đối với những binh lính còn lại, ông muốn đưa họ gia nhập đội quân của mình.” Và “rất nhiều tướng sỹ của triều Lê/Trịnh trước đây và Tây Sơn đã quyết định phụng sự vương triều mới.”

 

“Những nhà trí thức nho giáo, những người được cho là trung quân, nhưng lại góp sức cho quân Tây Sơn cũng không tránh khỏi sự trừng phạt, mặc dù một vài người có chức quan thuộc hàng cao nhất trong triều Tây Sơn (…) đã được miễn tội chết để có thể phụng sự vương triều mới.”

 

Cũng theo nhận định của Choi Byung Wook, vua Gia Long đã tổ chức các buổi lễ dành cho các vị thần có liên quan tới Thăng Long, đến thăm lăng Lê Thái Tổ và tổ chức lễ ở Văn Miếu (được xây dựng vào triều Lý và được duy trì suốt thời Lê). 

 

 “Nhằm kết nối người dân ngoài Bắc, ngài tìm đến hậu duệ của họ Lê là Lê Duy Hoán và bổ nhiệm ông là Diên Tự Công cho ông 1.016 người hầu cận và 10.000 mẫu đất.” Vua Gia Long cũng cư xử khéo léo, đúng mực và bao dung đối với họ Trịnh. Việc hoà giải dàn xếp của vua Gia Long dành cho cả hậu duệ của những người có công được coi là khai quốc công thần và trung hưng công thần của triều Lê. 33 khai quốc công thần và 15 trung hưng công thần được đặt tên khiến cho con cháu họ được tôn vinh bởi những tước hiệu khác nhau.

 

Ngoài ra, chính sách hoà giải của Gia Long còn nhắm đến đối tượng là  các dân tộc thiểu số. Gia Long là hiện thân của một xã hội đa dân tộc, vì thế sức mạnh của người dựa vào sự đoàn kết đa tộc người.[20]

 

Jean-Baptiste Chaigneau đã chúng kiến cách ứng xử vua Gia Long với quân bại trận Tây Sơn:  Quân Tây Sơn phải hết sức phân vân; nhiều người muốn đầu hàng, nhưng họ bị từ chối. Nhà vua cho phép họ sống yên bình tại quê nhà mà không phải lo lắng về chiến tranh.[21]

 

Barisy cũng chứng kiến cảnh ba phạm nhân được dẫn giải đến trước vua Gia Long. Ông kể lại rằng nhà vua đã nói “Này tướng quân, nhà ngươi là một người tốt và trẫm tôn trọng nhà ngươi; nhưng sau tất cả, nhà ngươi là kẻ đã cầm vũ khí chống lại vua của mình, điều này ngăn cản trẫm đối xử với nhà ngươi theo cách mà trẫm mong muốn. Nhưng trẫm biết làm thế nào để thực thi công lý đối với sự dũng cảm của nhà ngươi: do đó trẫm muốn làm dịu bớt vận mạng của nhà ngươi.” Liền sau đó, nhà vua ra lệnh cởi bỏ cho phạm nhân những xiềng xích nặng nề của mình và chỉ cho ông mang những vòng xiềng rất nhẹ.”[22]

 

Về chính sách đối ngoại của vua Gia Long, J. Barrow nhận định: “Đối với người ngoại quốc, ông rất tử tế và ân cần. Ông quý mến những sĩ quan Pháp giúp ông: đối xử với họ lịch sự, thân tình và rất tốt. Không bao giờ ông đi săn hay dự cuộc vui nào mà không mời một người trong bọn họ tham dự. Ông tuyên bố công khai lòng kính trọng của ông đối với các tôn chỉ của đạo thiên chúa, ông dung đạo chúa như các đạo khác trong nước: ông cực kỳ tôn kính đạo nghĩa gia đình như Khổng Tử dạy trong kinh sách; đứng trước mẹ, khi bà hãy còn sống, ông tôn kính như đứa bé đứng trước mặt thầy. Ông thông thuộc những tác giả lớn của Trung Hoa.”

 

Tương tự, Choi Kyung Wook cũng viết về các mối quan hệ ngoại giao của vua Gia Long như sau: “Từ khi Gia Long định cư ở điện Kính Thiên thuộc thành Thăng Long, nhiều sứ giả nước ngoài đã lần lượt đến Thăng Long và tiếp kiến ông. Đầu tiên là vua Luang Prabang. Vị vua Lào này không phải là vua chính danh mà đang bị lưu vong ở tỉnh Hưng Hoá23. Tuy nhiên, sự hiện diện của vua ngoại quốc ở điện Kính Thiên đã góp phần nâng cao uy tín của Gia Long. Tiếp theo, các nước Cao Miên, Lào và Xiêm cũng gửi các sứ giả đến để trình quốc thư chúc mừng. (…) Từ đầu thế kỷ XIX, sự quan tâm của Việt Nam đối với Trung Quốc giảm mạnh.”[23]

 

Cuối cùng, là một góc nhìn vừa từ bên ngoài (từ trên một tờ báo Pháp) nhưng lại đồng thời cũng từ bên trong (do người Việt Nam viết) đáng để chúng ta xem và cùng suy ngẫm. Đó là bài báo “Lời than của bà Trưng Trắc” (Les lamentations de Trung-Trac) của Nguyễn-Ái-Quốc cách đây đúng 100 năm (năm 1922) trên báo L’Humanité của Pháp. Trong bài báo, có một đoạn nhắc đến công lao của vua Gia Long nhưng không biết vì lý do gì trong bản dịch tiếng Việt hiện nay đoạn văn đó đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Chính nhà nghiên cứu Đào Hùng, cùng tác giả Thủy Trường, năm 2012, đã nêu vấn đề này trong một bài báo đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 409 với nhan đề đồng thời cũng là câu hỏi: “Sao lại tự tiện cắt bỏ một đoạn văn của Nguyễn Ái Quốc?”. Đoạn văn trong nguyên bản tiếng Pháp của Nguyễn-Ái-Quốc bị cắt bỏ đó được Đào Hùng dịch lại nhu sau: “Với lòng quả cảm vô song và với đức hạnh trong sáng không tì vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ ngươi, vua Gia Long tôn kính và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và khổ đau vô bờ, đã để lại cho (các) ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được các kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng.”[24]

 

Phải chăng đoạn văn bị cắt bỏ này của Nguyễn-Ái-Quốc đã tổng hợp và nêu bật những nét chính về hình ảnh Chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long trong mắt người nước ngoài như trên chúng ta đã đề cập?

 

Kết luận

 

Những góc nhìn từ bên ngoài, từ những người không cùng dòng tộc, không cùng ngôn ngữ, không cùng lịch sử với chúng ta trên đây chỉ mới là một số ít trong muôn vàn góc nhìn về những khía cạnh khác mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn khó có thể tập hợp và khai thác đầy đủ. Nhưng dù ít, khi đặt trong một tổng thể chung chúng cũng phần nào nói lên bên ngoài đã nhìn nhận, đánh giá như thế nào về chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long và về những công lao của ông trong dựng nước và bảo vệ nước. Tập hợp tiếng nói của một số chứng nhân và nhà nghiên cứu nước ngoài góp phần cho phép chúng ta nhìn nhận đất nước mình, lịch sử của mình, dân tộc của mình một cách đa dạng hơn, toàn diện hơn. 

 

Thời gian qua, nhiều nhà sử học Việt Nam đã sáng suốt nhìn nhận lại một cách khách quan hơn về các chúa Nguyễn và các vua Nhà Nguyễn, đặc biệt trong Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”. Năm 2020, dịp 200 năm ngày vua Gia Long băng hà, Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam tổ chức một lễ kỷ niệm rất long trọng và ý nghĩa. Đài TRT cũng thực hiện một phim tư liệu phong phú, hay và quý về Hoàng đế Gia Long.  

 

Nhưng phải chăng sự thức tỉnh đó của nhiều nhà sử học và những người quan tâm đến sự thật khách quan lịch sử vẫn chưa lan tỏa được rộng khắp, và một số huyền thoại thiếu căn cứ thực tế và đầy ác ý của một thời bài phong vẫn còn tác dụng lên suy nghĩ của một bộ phận người Việt Nam chúng ta ? Câu hỏi mà nhà nghiên cứu Đào Hùng đã đặt ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và trong việc hướng dẫn du lịch, không ít hướng dẫn viên đã qua tập huấn, được cấp giấy phép hành nghề vẫn vô tư dựa vào các sách đầy chi tiết xuyên tạc được bán tràn lan khắp các quầy sách, vỉa hè… để giới thiệu với khách nước ngoài và khách trong nước về một Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà”, về một Khải Định “ăn chơi trác táng và vô sinh”… 

 

Đến bao giờ, môn học Lịch sử trong nhà trường mới cung cấp đầy đủ cho học sinh Sự thật Lịch sử, giúp cho các thế hệ trẻ có cái nhìn thựt sự đúng đắn, khách quan, không thiên kiến về những triều đại đã từng tồn tại ở Việt Nam, về công lao của những tiền nhân đối với đất nước ? 

 

5 / 2022

P.T.A.N.

 

Chú thích


 

* PGS. -TS., Nguyên Phó Trưởng khoa Tiếng Pháp Trường Đại học Sư Phạm Đại Học Huế, nguyên Giảng viên khoa Tiếng Pháp trường ĐH Ngoại Ngữ ĐH Huế


[1] Thư của Barisy in Léopold Cadière, “Documents relatifs à l'époque de Gia-long”, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 12, 1912

[2] Thư của La Bartette in Léopold Cadière 1912 (đã dẫn)

[3] Michel Duc Chaigneau, 1867, Souvenirs de Hué, Imprimerie Impériale, Paris

[4] Thụy Khuê, 2017, Vua Gia Long & người Pháp, Khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn

[5] Thụy Khuê, 2019, “Chân dung vua Gia Long”

[6] Trần Hưng (tổng hợp), 2021, “Người phương Tây thán phục vua Gia Long: ‘’Con người phi thường’’”

[7] Choi Byung Wook, 2010, “Gia Long ở Thăng Long (từ ngày 21/7 đến 27/9 âm lịch năm 1802) ”, Hội thảo Khoa học quốc tế Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, anh hùng, vì hòa bình

[8] Thư của Jean-Baptiste Chaigneau in Léopold Cadière 1912 (đã dẫn)

[9] Marcel Gaultier, 2020,  Vua Gia Long, Đỗ Hữu Thạnh dịch

[10] Duteil Jean-Pierre, 2002, “La première implantation française en Indochine (XVIIe-XIXe siècle)”

[11] Choi Byung Wook, 2010, “Gia Long ở Thăng Long (từ ngày 21/7 đến 27/9 âm lịch năm 1802)”, , Hội thảo Khoa học quốc tế Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, anh hùng, vì hòa bình

[12] Encyclopaedia Universalis, 2017, “GIA LONG”

[13] Nguyễn Quang Trung Tiến, 2022, “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các ấn bản về địa lý tại Scotland và Italia thời vua Gia Long trị vì”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã Hội, số 149

    Nguyễn Quang Trung Tiến, 2022, “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các ấn bản về địa lý tại Hoa Kỳ thời vua Gia Long trị vì”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã Hội, số 150

[14] Nguyễn Quang Trung Tiến, 2022, “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các ấn bản về địa lý tại Scotland và Italia thời vua Gia Long trị vì”

[15] Etienne Vo Duc Hanh, “Le traité de Versailles du 28 novembre 1787 entre Louis XVI et Nguyên-Phuoc-Anh”,

[16] Charles B. Maybon, Henri Russier, Notions d’Histoire d’Annam

[17] Choi Byung Wook, 2010 (đã dẫn)

[18] Ý là họ Trịnh

[19] Ý là dòng ng họ Nguyễn, các chúa Nguyễn

[20] Choi Byung Wook, 2010 (đã dẫn)

[21] Thư của Jean-Baptiste Chaigneau in Léopold Cadière 1912 (đã dẫn)

[22] Thư của Barisy in Léopold Cadière 1912 (đã dẫn)

[23] Choi Byung Wook, 2010 (đã dẫn)

[24] “Avec un courage invincible et une vertu immaculée, qui furent comme le vrai or qui brille avec mille éclairs après avoir subi mille épreuves du feu, ton aïeul Gia Long, plusieurs fois noble et valeureux, vous a laissé, après des péripéties  et des souffrances incalculables, un pays riche, un peuple indépendant, une nation respectée par les forts et aimée par les faibles, un avenir plein de vie et d’évolution.” (Nguyên-Ai-Quôc, 1922, “Les lamentations de Trung-Trac”, L‘Humanité, 24.6.1922)

 

 

Tư liệu khai thác chính

(1)

- A.A.V.H., “Mission Centenaire – Hué 1914-1918, Fonds iconographique” 

- Aurousseau L., 1920, “Charles B.-Maybon, Histoire moderne du pays d'Annam (1592-1820) ”, Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient. Tome 20, pp. 73-120

-  B.E.F.E.O., 1921, Indochine annamite : la connaissance du pays jusqu'en 1900. In: Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient, Tome 21, pp. 197-278

- Bataille Georges, Annam, roman, Arléa, 1993

- Cadière Léopold, 1912, “Documents relatifs à l'époque de Gia-long”, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 12, pp. 1-82

- Chaigneau Michel Duc, 1867, Souvenirs de Hué, Imprimerie Impériale, Paris

- Choi Byung Wook, 2021, “Vua Gia Long ở Thăng Long”, Phạm Quốc Thành dịch,Tạp chí Nghiên Cứu Huế, Tập 9, NXB Thuận Hóa

- Choi Byung Wook, 2010, “Gia Long ở Thăng Long (từ ngày 21/7 đến 27/9 âm lịch năm 1802)”, Hội thảo Khoa học quốc tế Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, 10/2010

- Duteil Jean-Pierre, 2002, “La première implantation française en Indochine (XVIIe-XIXe siècle)”, Copyright Clio

- Doumer Paul, 1905, L'Indo-Chine française (Souvenirs), Vuibert et Nony Éditeurs, 392 p.

- Etienne Vo Duc Hanh, 19 9, “Le traité de Versailles du 28 novembre 1787 entre Louis XVI et Nguyên-Phuoc-Anh”, Revue d’histoire moderne et contemporaine, tome 16 N°4, Octobre-décembre 1969. pp. 625-651

 - Encyclopaedia Universalis, 2017, “GIA LONG” (Yvan BARBÉ viết) & “Les NGUYEN” (Philippe DEVILLERS viết) & “VIETNAM” (Philippe DEVILLERS, Pierre-Bernard LAFONT, NGUYÊN TRÂN HUÂN… viết)

- Gaultier Marcel, 2020,  Vua Gia Long, Đỗ Hữu Thạnh dịch, NXB Thế Giới

- Maybon Charles B., Russier Henri, 1911, Notions d’Histoire d’Annam, Hanoi, IDEO

- Nguyên-Ai-Quôc, 1922, “Les lamentations de Trung-Trac”, L‘Humanité, 24.6.1922

(2)

- Đào Hùng, Thủy Trường, 2012, “Sao lại tự tiện cắt bỏ một đoạn văn của Nguyễn Ái Quốc”, Tạp chí Xưa & Nay, số 409, 8/2012

- Nguyễn Quang Trung Tiến, 2022, “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các ấn bản về địa lý tại Scotland và Italia thời vua Gia Long trị vì”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã Hội, số 149, Đà Nẵng 5.2022

- Nguyễn Quang Trung Tiến, 2022, “Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các ấn bản về địa lý tại Hoa Kỳ thời vua Gia Long trị vì”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã Hội, số 150, Đà Nẵng 6.2022

- Thụy Khuê, 2017, Vua Gia Long & người Pháp, Khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn, NXB Hồng Đức, 671 trang

- Thụy Khuê, 2019, “Chân dung vua Gia Long”, https://nghiencuulichsu.com/2019/01/08/chan-dung-vua-gia-long/amp/

- Trần Hưng (tổng hợp), 2021, “Người phương Tây thán phục vua Gia Long: ‘’Con người phi thường’’”, https://trithucvn.net)/van-hoa/nguoi-phuong-tay-than-phuc-vua-gia-long-con-nguoi-phi-thuong.html

 

Tư liệu tham khảo

- Fourniau Charles, Trinh Van Thao, Le Failler Philippe et al., Le contact franco-vietnamien, Presses universitaires de Provence, OpenEdition Books

- Nguyễn Nhã, “Các Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn xác lập & thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ XVII đến khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, NXB Thế Giới, Hà Nội 2008

- Phan Thuận An, “Từ sự thành lập vương triều Nguyễn  đến sự đảo lộn nhận thức về triều đại này  trong giai đoạn vừa qua”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, NXB Thế Giới, Hà Nội 2008

- Nguyễn Thị Phương Chi, “Chính sách của vua Gia Long  đối với các cựu thần triều Lê”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, NXB Thế Giới, Hà Nội 2008

- Võ Hương An, Từ điển Nhà Nguyễn, Nam Việt 2012, 756 trang

- Phan Huy Lê, “Báo cáo đề dẫn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, NXB Thế Giới, Hà Nội 2008 / Tạp chí Nghiên Cứu Huế, Tập 7, NXB Thuận Hóa, 2010

- Lê Thị An Hòa, “Nghĩ về Quốc hiệu Việt Nam nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Hoàng đế Gia Long (1820-2020)”, Tạp chí Văn Hóa Huế, số 41, 2020

- Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897) (nguyên bản tiếng Pháp, tác giả tự dịch)

- Đại Nam Nhất Thống Chí, NXB Thuận Hóa, Huế 2006 (những nội dung liên quan)

- Đại Nam Thực Lục (những nội dung liên quan)

- Đại Việt sử ký toàn thư (những nội dung liên quan)

 

P H Ụ . L Ụ C . 1



 

 

P H Ụ . L Ụ C . 2