samedi 18 mai 2024

GỐM VIỆT NAM VÀ NHỮNG GÓC NHÌN (nhìn ra thế giới và nhìn từ thế giới)


HỘI THẢO KHOA HỌC

Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại

Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương 18.5.2024

 Aucune description disponible.

 GỐM VIỆT NAM VÀ NHỮNG GÓC NHÌN

(nhìn ra thế giới và nhìn từ thế giới)

Phạm thị Anh Nga

Nguyên Giảng viên ĐH Sư Phạm Huế và ĐH Ngoại Ngữ Huế

 

 

Tháng 11 năm 2004, cách đây gần đúng 20 năm, tôi có cơ duyên đi dự một Hội thảo khoa học quốc tế tại thủ đô Cairo của Ai Cập, và dịp đó tôi được đến tham quan một ngôi nhà cổ thế kỷ XVII của Ai Cập, tận mắt nhìn thấy nơi “kín cổng cao tường” của phụ nữ Ả Rập, nhìn tận mắt một số vật dụng trong gia đình bằng đồng, bằng gốm sứ.

   

Tôi đã chụp ảnh để lưu giữ, với nhiều băn khoăn và dấu hỏi.

Dường như Hội thảo hôm nay đã giúp tôi tìm tòi và hiểu ra một số chi tiết. Về gốm.



1.    Gốm

Gốm là vật dụng, nhưng cũng là chất liệu của những sản phẩm có được từ việc nung đất. Lịch sử của gốm khởi nguồn từ thời tiền sử, từ khoảng 20.000 năm trước Công nguyên.

Gốm cổ điển có hai loại: gốm xốp hay thô (céramiques poreuses) là đất nung, và gốm sứ tráng men (céramiques vitrifiées) gồm sành (grès) và sứ (porcelaine).

Gốm cổ điển bao gồm 5 công đoạn: (1) Chọn đất nguyên liệu (đất sét hay đất sình), (2) Tạo hình qua khuôn đúc, (3) Hong khô, (4) Nung, (5) Loại bỏ phế phẩm (cong vênh, bể vỡ do non lửa hay quá già lửa). Đất nung, đồ sành và đồ sứ có bề ngoài sần sùi có thể được sơn, tráng men, và phủ (đối với đồ sứ), có ít nhiều màu sắc, một màu hoặc có trang trí họa tiết.

Ngoài gốm cổ điển, còn có gốm kỹ thuật (céramique technique) xuất hiện ở thế kỷ XX. Đây là những loại gốm có đặc tính mới (chịu được nhiệt độ rất cao, ma sát, dẫn nhiệt, v.v.). Chúng được tìm thấy trong các ứng dụng y tế, sức khỏe hoặc công nghiệp. Gốm kỹ thuật sử dụng vật liệu dựa trên ôxit, cacbua, nitrua, v.v.

Ở đây chúng ta chủ yếu quan tâm đến gốm cổ điển và cuộc sống của nó xưa và nay.

 

2.    2.1. Gốm Việt Nam xưa và nay

2.1.        Gốm Việt Nam theo chiều dài lịch sử dân tộc

1. 10 thế kỷ đầu Công nguyên, nghề gốm Việt Nam sớm tiếp thu từ Trung Hoa những kỹ thuật mới trong chế tác đồ gốm, nắm vững và phát triển để tạo nên những sắc thái riêng, là một trong số ít các quốc gia có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm. Những thợ thủ công làm gốm thời kỳ này đã kết hợp được truyền thống gốm Đông Sơn với kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến đương thời của Trung Hoa để sản xuất ra dòng gốm mang sắc thái bản địa.

Từ thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ VI, sản xuất đồ gốm ở khu vực phương Nam có những bước phát triển vượt bậc, xuất hiện một dòng gốm mới, đó là gốm men trắng, men trắng xanh được nung với nhiệt độ cao, xương và men gốm cứng. Đây là một cuộc cách mạng trong sản xuất gốm sứ ở tầm mức thế giới.

Việc nghiên cứu khai quật các lò gốm cổ ở Cổ Loa (Hà Nội), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh), Thanh Lãng, Đồng Đậu, Lũng Hòa (Vĩnh Phúc), Tam Thọ (Thanh Hóa) cho thấy nhiều những mảnh gốm men trắng, men trắng xanh với loại hình phong phú.

Đồ gốm tk I-III

 

2. Giai đoạn 2, thế kỷ XI-XIV: Từ thế kỷ thứ X, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng các nhà nước phong kiến dân tộc độc lập. Nghề làm đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá, tạo thành bản sắc riêng, với loại hình phong phú, trang trí đa dạng, độc đáo về mỹ thuật. Xuất hiện những lò gốm chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ cung đình ngay tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Các lò gốm cũng đã được tìm thấy ở Thăng Long, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hoá, Ninh Bình.

Đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần đã phát triển mang tính độc lập, về đề tài trang trí mang tính bản địa của người Việt, tiếp biến những yếu tố kỹ thuật, hình dáng, hoa văn đặc trưng của truyền thống sản xuất gốm sứ Trung Quốc thời Đường, Tống. Thời kỳ này hình thành nhiều dòng gốm men (gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục và vàng, gốm men nâu, gốm hoa nâu) và cuối thế kỷ XIV là gốm hoa lam.

Gốm hoa lam, thế kỷ XIV

Gốm men ngọc. thế kỷ XIII –XIV

Gốm men trắng, thế kỷ XII-XIII


Gốm hoa nâu, thế kỷ XIII-XIV

3. Giai đoạn 3, thế kỷ XV-XVII: Với quan hệ giao lưu thương mại mạnh mẽ giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, và nghề gốm phát triển vượt bực về số lượng lẫn chất lượng, trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương), Cù Lao Chàm.

Gốm hoa lam, thế kỷ XV

4. Cuối cùng là Gốm Bát Tràng thế kỷ XVIII-XIX. Bát Tràng - một làng gốm truyền thống có từ thế kỷ XIV, thị trường gốm xuất khẩu không còn nhưng sản phẩm gốm vẫn được tiêu thụ rộng rãi trong nước (đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí…).

  

2.2. Các làng gốm ở Việt Nam

Theo trang web “Gốm Nghệ Thuật”, hiện Việt Nam có rất nhiều làng gốm nổi tiếng, và “vẫn giữ được những nét truyền thống của nghệ thuật gốm, tồn tại suốt hàng ngàn năm nay”, nổi bật hơn cả là 10 làng gốm sau:

-        Làng Gốm Bát Tràng (Hà Nội)

-        Làng Gốm Lái Thiêu (Bình Dương)

-        Làng Gốm Phù Lãng (Bắc Ninh)

-        Làng Gốm Chu Đậu (Hải Dương)

-        Làng Gốm Cây Mai (TP. Hồ Chí Mình)

-        Làng Gốm Biên Hòa (Đồng Nai)

-        Làng Gốm Vĩnh Long

-        Làng Gốm Phước Tích (Thừa Thiên-Huế)

-        Làng Gốm Thanh Hà (Quảng Nam)

-        Làng Gốm Bàu Trúc (Bình Thuận)


2.3.        Tượng gốm Việt Nam

Bức tượng gốm cổ nhất của Việt Nam được tìm thấy trong nền văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại từ 4000-3500 năm trước Công nguyên. Đến thời kỳ phong kiến ​​tự trị (từ tk X đến đầu tk XX) các tượng gốm xuất hiện ngày càng nhiều.

Panô về trưng bày tượng gốm cổ Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2014)

Tượng con mèo, gốm thời nhà Lý, thế kỷ XI-XIII

Tượng con chim két, gốm thời nhà Lý, thế kỷ XI-XIII

Tượng Bồ tát, gốm tráng men trắng, thời nhà Nguyễn, thế kỷ XIX (Bát Tràng).

Tượng Tam Đa (Phúc Lộc Thọ), gốm nhiều màu, thời nhà Nguyễn, cuối tk XIX đầu tk XX (Bát Tràng).

2.4.        Xuất khẩu Gốm Việt Nam

Hiện nay gốm Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu tại các thị trường tiềm năng lớn nhất: Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Indonesia...

Các mặt hàng khá đa dạng: chậu, ấm chén, bát đĩa…, với các sản phẩm có sẵn hoặc theo yêu cầu, đặt hàng, nhu cầu riêng về mẫu mã…

 

3.      Gốm VN nhìn ra thế giới và nhìn từ thế giới

3.1.        Gốm Việt Nam hiện diện như thế nào trong các bảo tàng, các bộ suu tập, các dịp đấu giá, các cuộc thẩm định, các kỷ lục trên thế giới, bên ngoài đất nước Việt Nam?

Chỉ riêng tại Pháp, đất nước có hệ thống bảo tàng qui mô, phong phú và được tổ chức rất chỉn chu, gốm Việt Nam đã có mặt cùng với gốm đến từ nhiều quốc gia và vùng đất khác trên thế giới. Tại Bảo tàng Gốm ở Sèvres, ngoại thành Paris, tôi đã có lần nhìn thấy một sản phẩm ghi “Bleu de Hué” (Men lam Huế) nhưng rất tiếc trên trang web hiện nay của Bảo tàng không còn thấy thông tin hay hình ảnh liên quan nào.

Bù lại, tại Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Châu Á-Guimet, Nhà khảo cổ học Henri Maspero, cựu thành viên của EFEO (École Française d'Extrême Orient) đã hiến tặng 1.630 đồ gốm Việt Nam mà ông đã sưu tầm được trong thời gian ở Đông Dương từ năm 1908 đến năm 1919. Bộ sưu tập cung cấp những ví dụ điển hình về từng loại hình gốm sản xuất từ thời nhà Lý và thời nhà Trần.

“Bleu de Hué”, thời chúa Trịnh (Bảo tàng Guimet)

Bảo tàng Cernuschi thì có đến 1800 sản phẩm nghệ thuật Việt Nam, được chia thành nhiều giai đoạn: thời tiền sử, thời Giao Chỉ, thời An Nam, thời Đại Việt và thời hiện đại. Trong số đó có các sản phẩm gốm sứ.

Thời An Nam (Bảo tàng Cernuschi)

Thời Đại Việt (Bảo tàng Cernuschi)

Năm 2006, tại Triển lãm quốc tế về Gốm (lần thứ 10) tại thành phố Andenne của Bỉ, nổi tiếng về các sản phẩm gốm, đại biểu Việt Nam đã tham dự với tư cách là quốc gia châu Á đầu tiên là khách mời danh dự.

Về trình bày trước công chúng, thì tháng 3/2022, Philippe Truong đã có 2 buổi diễn thuyết về Gốm men ngọc Việt Nam, với các sắc thái rất đa dạng của màu xanh lục.


Về gốm Việt Nam trên sàn đấu giá, Phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam của Nhà đấu giá Millon (Pháp) ngày 20.4.2024 có các tác phẩm gốm sứ sau:

    

(Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, một số sản phẩm gốm Việt Nam khác cũng đã được lên sàn giao dịch:

Với mô-típ kỳ lân, thời nhà Nguyễn, tk XIX. Giá ước chừng: 200 € / 300 € - Chốt giá 120 €



Bình Tỳ Bà, thời nhà Lê tk XV-XVI; Giá ước lượng: 2.000 - 3.000 USD (1.700 - 2.500 €). Chốt giá 1.250 USD (1.055 €)

“Bleu de Hué”, tk XIX. Giá ước chừng: 300 - 400 €, chốt giá: 6.900 €

Gốm Chu Đậu, thời nhà Lê, tk XV-XVI. Giá ước chừng: 150 € / 200 €



Bát có nắp đậy, thời nhà Nguyễn, đời Thiệu Trị (1841-1847). Giá ước chừng: 500 € / 1 000 €. Chốt giá: 4 894 €.
.

3 bộ bát đĩa “Bleu de Hué”, tk XIX-XX. Giá ước chừng: 600 € - 800 €. Chốt giá: 800 € - 1,200 €
 

Hàng tuần, tạp chí “La Gazette Drouot” đưa tin về các cuộc đấu giá đồ gỗ, tranh và tác phẩm nghệ thuật, đồng thời phân tích và thẩm định các sản phẩm đó.

Với chiếc hộp đời Thiệu Trị này, tạp chí đã đánh giá nó tượng trưng cho “Thời hoàng kim của men Huế”.

    


“Thời hoàng kim của men Huế

Được đăng ngày 21-2-2024, bởi Claire Papon và Sophie Reyssat

Bán vào ngày 1-3-2024 - 2 giờ chiều (CET) - Phòng 7 - Hôtel Drouot - 75009

Được chào bán từ 3.000 € đến 5.000 € vào ngày Thứ sáu 1-3, tại phòng 7, ở Drouot (…), chiếc hộp có nắp đậy ba chân này (cao 9 cm, đường kính 18,5 cm) thuộc về một bộ sưu tập đã được đề cập trên tạp chí. Nó được sản xuất dưới thời trị vì của Hoàng đế Thiệu Trị (1841-1847) (...).”

 

3.2.            Trường hợp Thừa Thiên-Huế

Nhìn từ thế giới bên ngoài, khi đề cập đến Gốm Việt Nam những cái tên thường được nhắc đến là các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Thanh Hà, Bàu Trúc, thì ngay ở Thừa Thiên-Huế, có một làng gốm cổ vào tháng 1/2006 đã được Đài France Info của Pháp chọn để thực hiện một trong bốn cuộc phỏng vấn thuộc chương trình “France Info ở Việt Nam”. Đó là Làng gốm cổ Phước Tích. Tôi có cơ duyên được mời để trả lời phỏng vấn hôm đó.

 
 

Một cơ duyên khác cho Huế và Thừa Thiên-Huế là Lan Viên Cố Tích của chị Thái Kim Lan đã được “lên” tạp chí GEO lừng danh của Pháp, số tháng 2/2024. Và nhà báo Sébastien Desurmont đã viết về chị và gốm của chị: “Bộ suu tập về gốm của bà là duy nhất trên đời.”

Ngôi nhà vườn đó đồng thời cũng là nơi an trú của chị Thái Kim Lan và cũng là Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, nơi có 5000 sản phẩm gốm được trục vớt từ sông Hương, và có cái có tuổi đời lên đến 3000 năm.

 



Thay lời kết

Trong bối cảnh đương đại, làm thế nào để phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam, đặc biệt trên vùng đất Thừa Thiên-Huế, cố đô Huế, xin dành cho các nhà nghiên cứu uyên bác và am hiểu vấn đề có ý kiến.

Riêng tôi xin cám ơn Hội thảo đã giúp tôi tìm hiểu để vỡ vạc ít nhiều về một chủ điểm mà tôi rất yêu thích nhưng không chuyên.

 

 

Tư liệu tham khảo:

-        Hồng Hà, 2021, “Hành trình lịch sử cùng Gốm Việt Nam- một truyền thống riêng biệt”, https://bvhttdl.gov.vn/hanh-trinh-lich-su-cung-gom-viet-nam-mot-truyen-thong-rieng-biet-20211117162607485.htm

-        2015, “Nghệ thuật Gốm Việt Nam: Tài hoa của những người thợ thủ công”, https://vietnamtourism.gov.vn/post/17292

-        Gốm Nghệ Thuật, 2020, “Làng Gốm Việt Nam | Top 10+ Làng Gốm Nổi Tiếng ở Việt Nam”, https://www.gomnghethuat.com/lang-gom-viet-nam-top-10-lang-gom-noi-tieng-o-viet-nam/

-        Trần Thức, 2023, “Gốm cổ Việt Nam chất tạo hình vẻ đẹp truyền thống – hiện đại”, https://tapchimythuat.vn/nhung-van-de-my-thuat/gom-co-viet-nam-chat-tao-hinh-ve-dep-truyen-thong-hien-dai/

-        Hoàng Phượng, 2021, “Gốm Việt, một mảnh văn hóa Việt”, https://suckhoedoisong.vn/gom-viet-mot-manh-van-hoa-viet-169211122162933378.htm

-        Sơn Minh, 2023, “ "Ngàn năm gốm Việt" và ước mong khôi phục lại dòng gốm hoa nâu”, https://vtv.vn/doi-song/ngan-nam-gom-viet-va-uoc-mong-khoi-phuc-lai-dong-gom-hoa-nau-20231114100437425.htm

-        Công ty Sứ Long Phương , “Sự ra đời và phát triển của gốm sứ việt nam qua các thời kỳ”, https://store.longphuong.vn/gom-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky/

-        Ban Thời sự VTV, 2023, “Mong muốn đưa sản phẩm gốm Việt Nam vươn tầm quốc tế”, https://vtv.vn/xa-hoi/mong-muon-dua-san-pham-gom-viet-nam-vuon-tam-quoc-te-20231112195346216.htm

-        Hương Giang, Chu Thanh , 2022, “Gốm Việt tiếp tục xác lập 2 kỷ lục thế giới Guinness”, https://vtv.vn/xa-hoi/gom-viet-tiep-tuc-xac-lap-2-ky-luc-the-gioi-guinness-20220630200525332.htm

-        Lan Hương, 2015, “Gốm men nâu – dòng gốm truyền thống riêng biệt của gốm cổ Việt Nam”, https://vietnamtourism.gov.vn/post/18858

-        Huu Vy, 2014, “L’ancienne statue en céramique du Vietnam » (bản dịch Nguyen Thuy), https://baotanglichsu.vn/fr/Articles/3276/16217/lancienne-statue-en-ceramique-du-vietnam.html

-        Guide culturel du Vietnam, “La céramique vietnamienne”, https://www.amica-travel.com/vietnam/guide/culture/ceramique-vietnamienne

-        Christophe Provot , 2022, “Les porcelaines et pierres dures de l’ancienne collection Nam Phuong, les derniers feux du Vietnam impérial”, https://www.gazette-drouot.com/article/les-porcelaines-et-pierres-dures-de-l-ancienne-collection-nam-phuong-les-derniers-feux-du-vietnam/35585

-        Philippe Truong, 2022, “Les Céramiques Vietnamiennes « à couverte de jade » (les Céladons Vietnamiens)”, Diễn thuyết, https://www.sfeco-asso.org/event/sfeco-conference-les-celadons-du-vietnam/

-        Philippe Truong, 2022, “Pièces en main des céramiques vietnamiennes « à couverte de jade »”, Diễn thuyết, https://www.sfeco-asso.org/event/sfeco-pieces-en-main-des-ceramiques-vietnamiennes-a-couverte-de-jade/

-        Alain Truong, “La céramique vietnamienne à l'honneur en Belgique”, http://www.alaintruong.com/archives/2006/06/07/2044052.html

-        Sébastien Desurmont, “L’invitation au voyage, VIETNAM - Retour de terrain” in VIETNAM, une immersion au pays du dragon, GEO 2/2024 


Aucune description disponible.