(qua phân tích tục ngữ và ca dao)
Phạm thị Anh Nga
Trường Đại Học Ngoại Ngữ
Đại Học Huế
Quan niệm về phép lịch sự trong văn hoá ứng xử xuất phát từ lý thuyết của Brown và Levinson, là lý thuyết đầu tiên có tính hệ thống về phép lịch sự, đặt nền tảng trên các khái niệm "thể diện" (face), "FTA" (Face Threatening Act, hành động có tính đe doạ đối với thể diện) và "giữ thể diện" (face-want). Ở đây phép lịch sự được quan niệm như một tập hợp các cách thức cho phép dung hoà ý muốn của mỗi bên tương tác về việc giữ gìn thể diện, do phần lớn các hành động diễn ra trong quá trình tương tác có nguy cơ làm phương hại thể diện của người này hay người kia, và các cách thức đó có thể được gói gọn trong một nguyên tắc chung là: "Ménagez-vous les uns les autres" (Hãy đối xử khéo léo với nhau) [C. Kerbrat-Orecchioni 1994, tr. 88]. Một khía cạnh đáng quan tâm trong quan niệm về phép lịch sự này là sự đối lập giữa "thể diện nghịch" (face négative) hay lãnh thổ (territoire) của mỗi cá nhân, với "thể diện thuận" (face positive) hay thể diện hiểu theo nghĩa thông thường nhất, như khi ta nói "mất thể diện", "giữ thể diện".
Theo C. Kerbrat-Orecchioni, trong những xã hội hiện đại phương Tây, con người lo ngại và quan tâm giữ gìn thể diện nghịch, hay lãnh thổ của mình, rõ rệt hơn so với những xã hội khác, dù đó là lãnh thổ về thân thể, về không gian, thời gian, hay về nhận thức [1994, tr. 101-103]. Ý thức đối với lãnh thổ về thân thể được thể hiện ở chỗ ghét bị đụng chạm, xô đẩy, lục lọi... Lãnh thổ về không gian tương ứng với một không gian được xem là của riêng cá nhân (un chez-soi), mà những người khác không được quyền tự ý xâm phạm. Lãnh thổ về thời gian liên quan đến quỹ thời gian riêng, hay vốn thời gian của mỗi người. Cuối cùng, lãnh thổ về nhận thức liên quan đến những tình cảm tâm tư, tạo nên cuộc sống tinh thần riêng của mỗi cá nhân. Trái hẳn với sự quan tâm đặc biệt đối với thể diện nghịch, đối với thể diện thuận (liên quan đến khái niệm vinh nhục) thì các xã hội hiện đại phương Tây tương đối ít nhạy cảm hơn.
Thể diện nghịch (face négative)
Thử quan sát ngữ liệu tục ngữ ca dao (TNCD), chúng ta nhận thấy người Pháp quả là rất quan tâm đến lãnh thổ về không gian và cả thời gian. Lãnh thổ về không gian (territoire spatial) có thể là không gian sống, chỗ ngồi, nơi ở, được xem như không gian riêng của mỗi người, và phải được những người khác tôn trọng, không xâm phạm vào nếu không được sự đồng thuận của chủ nhân. Đó cũng là nơi mỗi người cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất trong cuộc sống: "Un petit chez soi vaut mieux qu'un grand chez les autres" (Góc nhỏ của nhà mình hơn không gian rộng của người); "À chaque oiseau son nid semble beau" (Chim nào cũng thấy tổ mình đẹp); "Charbonnier est maître en sa maison" (Người bán than là chủ ở nhà mình: ý nói dù nghèo con người cũng làm chủ được nhà mình). Lãnh thổ về thời gian (territoire temporel) chính là quỹ thời gian mà mỗi người có được, và cũng không ai khác được tự ý xâm phạm. Quả thật, người Pháp rất chặt chẽ về thời gian, mọi bê trễ hay việc làm mất thời gian của nhau là những điều tối kỵ: "L'exactitude est la politesse des rois" (Louis XVIII) (Chính xác về giờ giấc là phép lịch sự của vua chúa); "L'heure c'est l'heure" (Giờ đúng thật là giờ, không khác được: ý nói giờ giấc phải chính xác); "Avant l'heure, ce n'est pas l'heure, et après l'heure ce n'est plus l'heure" (Trước giờ không phải là giờ, và sau giờ không còn là giờ nữa: ý nghĩa như câu trên); "Le temps est comme l'argent, n'en perdez pas et vous en aurez assez" (Thời gian giống như tiền bạc, đừng để mất và anh sẽ có đủ). Mặc dù có những giới hạn hợp lý giúp họ tránh được thái độ cực đoan: "L'extrême exactitude est le sublime des sots" (Cực kỳ chính xác về giờ giấc là cái tuyệt vời của người ngu xuẩn); "Mieux vaut tard que jamais" (Muộn còn hơn là chẳng bao giờ); "Il vaut mieux tard que mal, et cela en tout genre" (Voltaire) (Muộn còn hơn là xấu, và với việc gì cũng thế).
Đối với lãnh thổ về nhận thức (territoire cognitif), người Pháp rất coi trọng việc giữ gìn những gì là riêng tư nhất của mỗi người về cuộc sống tinh thần, tình cảm. Không ai được quyền tự ý xâm phạm vào thế giới tinh thần riêng (thường được gọi là "khu vườn kín", jardin secret) của người khác. Để bảo vệ cho khu vườn kín ấy của bản thân, trước hết mỗi người đều phải kín tiếng về mình: "Comment prétendons-nous qu'un autre puisse garder notre secret, si nous ne pouvons le garder nous-même" (Làm sao chúng ta có tham vọng một người khác giữ được bí mật cho mình, nếu chính chúng ta không thể giữ được nó); "Plus on découvre, plus on a froid" (Càng để hở thì càng lạnh : ý nói kể lể những nỗi khổ của mình chẳng có ích gì); "Secret de deux, secret de Dieu ; secret de trois, secret de tous" (Bí mật hai người, bí mật của Chúa; bí mật ba người, bí mật của mọi người); "Dire le secret d'autrui est une trahison, dire le sien est une sottise" (Voltaire) (Nói điều bí mật của kẻ khác là phản bội, nói điều bí mật của mình là ngu xuẩn). Mặc dù cũng có lúc những đau buồn khốn khó cần được chia sẻ: "À raconter ses maux, souvent on les soulage" (Kể về những nỗi đau thường làm chúng nhẹ bớt); "L'ami qui souffre seul fait une injure à l'autre" (Một người bạn đau khổ một mình là điều lăng nhục đối với người bạn khác); "Il n'y a que la main d'un ami qui arrache l'épine du cœur" (Chỉ có bàn tay của một người bạn mới gỡ được gai nhọn từ trái tim). Riêng về lãnh thổ về thân thể (territoire corporel), mà C. Kerbrat-Orecchioni miêu tả là: "[...] ngoài những quan hệ riêng tư, con người ghét bị sờ mó, xô đẩy, lục lọi ... và ở đây người ta thấy lại vấn đề khoảng cách" [1994, tr. 101], thì dường như TNCD Pháp không đề cập đến một cách trực tiếp.
Về phía Việt Nam, xã hội Việt Nam không được C. Kerbrat-Orecchioni xếp trong số những xã hội điển hình của xu hướng chuộng thể diện nghịch. Tuy nhiên ở đây chúng ta thử xem TNCD Việt Nam đề cập ra sao về những khía cạnh đặc trưng của xu hướng này. Liên quan đến lãnh thổ về không gian, tục ngữ Việt Nam có những câu: "Ta về ta tắm ao ta - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"; "Trâu ta ăn cỏ đồng ta - Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm". Nhưng không gian ở đây không hẳn là lãnh thổ của cá nhân mà có thể vẫn chỉ là lãnh thổ chung của cả cộng đồng (gia đình, xóm làng...). Về thời gian, TNCD Việt Nam thường chỉ đề cập đến thời gian một cách mơ hồ, không chính xác, là thời gian tương đối, dù có kèm những con số thì những con số này cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng: "Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen"; "Vợ chồng nay giận mai hờn - Vào ra gác tía lầu son cũng buồn"; "Nhanh chân thì được, chậm chân thì trượt"; "Cho anh một miếng trầu vàng - Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm"; "Điều nói dối, sám hối bảy ngày"; "Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường"; "Đàn ông quan tắt thì chầy - Đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan".
Thật ra, khái niệm về thời gian có thể thay đổi tuỳ theo mỗi nền văn hoá. Về điểm này, Hall & Hall phân biệt: (1) Những nền văn hoá đơn thời (monochronique), ở đó thời gian được quan niệm là có tính hình tuyến. Con người tổ chức và sắp xếp mọi sinh hoạt theo một thứ tự nhất định, cứ việc nào thì thời gian ấy. Sự chính xác về thời gian do đó rất cần thiết và mọi trễ nãi được xem như vi phạm nguyên tắc ứng xử và tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà có những hình thức xin lỗi tương ứng. (2) Những nền văn hoá đa thời (polychronique), ở đó con người thường không hoạch định hay ít hoạch định những hoạt động của mình. Nhiều việc có thể được tiến hành đồng thời, khái niệm về thời gian tính, về sự đúng giờ trở nên mơ hồ, và những trường hợp đến muộn giờ hẹn, bắt người khác phải đợi mình là rất thường gặp, mà người vi phạm có thể không hề cảm thấy áy náy. [C. Kerbrat Orecchioni 1994, tr. 102]
Thông thường, thời gian được đề cập trong TNCD Việt Nam chính là để làm rõ nét thêm những tình cảm đậm đà: "Một chờ hai đợi ba trông - Bốn thương năm nhớ bảy tám chín mong mười tìm". Nhưng cũng có một số câu tục ngữ Việt Nam có nhắc và phê phán những hạn chế của sự mơ hồ về thời gian trong thói quen ứng xử của người Việt Nam: "Không ăn cắp không phải người Mễ, không đi trễ không phải người Việt" [1]; "Người đi không bực bằng người chực mâm cơm"; "Đau đẻ còn chờ sáng trăng "; "Nước ngập tới mồm còn ôm đủ thứ". Đặc biệt vẫn có một câu tục ngữ nêu yêu cầu về cách ứng xử mà, theo cách nói của Hall & Hall, là có tính "đơn thời" (monochronique), giống như người Pháp: "Giờ nào việc ấy".
Thật ra, trong cuộc sống hiện nay ở Việt Nam, việc tuân thủ một thời gian biểu cố định và tổ chức cuộc sống hợp lý về mặt thời gian, không gây phiền nhiễu cho người khác, được xem là văn minh và cần thiết: "Tám giờ vàng ngọc".
Đối với lãnh thổ về thân thể, thì ngoài những quy định trong quan hệ giữa nam và nữ (Nam nữ thọ thọ bất tương thân), dường như TNCD Việt Nam cũng không đề cập đến một cách trực tiếp, rõ ràng. Riêng hai câu tục ngữ sau thì đề cập đến cả lãnh thổ về thân thể lẫn lãnh thổ về nhận thức. Theo tinh thần của hai câu tục ngữ, thì việc bị trêu ghẹo phải được các cô gái xem là chuyện thường tình, bởi đối tượng được coi như có "quyền" trêu ghẹo: "Làm hoa cho người ta hái - Làm gái cho người ta trêu"; "Qua chợ còn tiền, không duyên khỏi nhẵn má".
Thể diện thuận (face positive)
Nếu thể diện nghịch đóng vai trò quan trọng chi phối mọi ứng xử của người Pháp, thì trái lại, thể diện thuận lại không được người Pháp thực sự quan tâm. "Hẳn người phương Tây không phải là vô cảm trước nỗi nhục, và thật phi lý khi không thừa nhận ở họ mọi biểu hiện của lòng tự ái và ý thức về danh dự - khái niệm "thể diện" chắc chắn là có tính phổ quát, và cũng một ẩn dụ đó (lòng tự ái kết hợp với khuôn mặt) được nhận ra ở hầu hết các ngôn ngữ. Nhưng một lần nữa, tất cả đều là tương đối" [C. Kerbrat-Orecchioni 1994, tr. 104].
Trong quan niệm về thể diện thuận, khái niệm danh dự đi đôi với khái niệm mất danh dự hay nhục nhã. Cũng như nhiều dân tộc châu Á khác, dân tộc Việt Nam rất nhạy cảm với khía cạnh này: "Một miếng giữa làng bằng (hơn) một sàng xó bếp"; "Tốt danh hơn lành áo"; "Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng"; "Người ta hữu tử hữu sinh - Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm"; "Đem chuông đi đấm xứ người - Chẳng kêu, cũng đấm một hồi lấy danh". Tục ngữ Việt Nam cũng phản ánh những thực tế cực đoan hay oái oăm liên quan đến danh và tiếng, và phê phán những ứng xử thiếu chân thực, chuộng hư danh: "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại"; "Khi lành không gặp khách, khi rách gặp lắm người quen"; "Đẹp mặt thắt lòng"; "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; "Công danh bánh vẽ, sang giàu chiêm bao". Danh dự là vấn đề sống còn của mỗi người, và mất danh dự được xem như trầm trọng hơn cả cái chết: "Chết trong hơn sống nhục"; "Trăm năm bia đá thì mòn - Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"; "Thèm đến chết, chẳng thết chẳng ăn"; "Trâu (Báo) chết để da, người ta chết để tiếng"; "Hổ chết vì da, người ta chết vì tiếng"; "Giấy rách phải giữ lấy lề"; "Đói cho sạch, rách cho thơm". Trong ứng xử, người Việt Nam tuyệt đối tránh để cho bản thân bị mất thể diện hay mất mặt, đồng thời cũng bằng mọi cách tránh làm cho người khác mất thể diện: "Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly"; "Ăn một miếng, tiếng để đời"; "Chết đứng hơn sống quỳ"; "Mẹ sống bằng hai bàn tay, con ăn mày bằng hai đầu gối"; "Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi - Người khôn ai nỡ nặng lời đến ai"; "Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Về phía người Pháp, dẫu xu hướng trong ứng xử là không đề cao thể diện thuận, nhưng như thế không có nghĩa là họ hoàn toàn không màng đến vinh nhục, danh thơm. Có điều, dường như người Pháp không quá luỵ vì thể diện mà hướng đến thực chất của mối quan hệ giữa người và người hơn: "L'estime vaut mieux que la célébrité, la considération vaut mieux que la renommée" (Lòng quý mến tốt hơn là danh tiếng, sự kính trọng tốt hơn là tiếng tăm); "Pour obtenir l'estime des hommes, il faut en être bien plus digne qu'eux" (Muốn có được lòng quý mến của con người, thì phải thật sự xứng đáng hơn họ); "Il est souvent plus grand d'avouer sa faute que de n'en pas commettre" (Thông thường thú nhận lỗi lầm vẫn cao cả hơn là không mắc lỗi). Tuy không quá chú trọng đến việc mất thể diện, người Pháp vẫn quan tâm đến việc tạo ra một hình ảnh đẹp về mình với người khác: "Voulez-vous que l'on croie du bien de vous? N'en dites pas." (Pascal) (Anh có muốn người ta tin vào một điều tốt lành của anh không? Hãy đừng nhắc đến nó.).
Tục ngữ Pháp cũng đề cập đến khả năng lời nói hay hành động có thể làm phật lòng người khác, do tự ái bị tổn thương, hay do sự nhạy cảm trước những lời phê bình: "On ne pardonne point à qui nous fait rougir" (Người ta không tha thứ cho kẻ đã khiến cho mình phải đỏ mặt); "L'amour-propre offensé ne pardonne jamais" (Tự ái bị xúc phạm thì không bao giờ tha thứ); "Une simple critique nous blesse plus - Que vingt éloges ne nous flattent" (Một lời phê bình làm tổn thương hơn cả mức độ vuốt ve của hai mươi lời ca tụng); "La critique est une brosse qui ne peut s'employer sur les étoffes légères, où elle emporterait tout" (Phê phán là một thứ bàn chải không thể dùng cho những loại vải mỏng nhẹ, nơi nó sẽ lôi tuột đi cả).
Khái niệm danh dự cũng được đề cập đến trong tương quan với danh giá, danh phận: "Mieux vaut trésor d'honneur que d'or" (Kho tàng danh dự có giá trị hơn kho tàng bằng vàng); "Certaines gens échangent l'honneur contre les honneurs" (Một số người đánh đổi danh dự để lấy danh phận); "Mieux vaut honneur que ventre" (Danh dự hơn là no bụng). Tai tiếng, nỗi nhục cũng có tính cộng hưởng, lan xa, trong không gian và thời gian: "Mauvaise réputation va jusqu'à la mer; bonne réputation reste au seuil de la maison" (Tiếng xấu lan đến tận biển cả, tiếng tốt vẫn quanh quẩn ở cửa nhà); "Une fois en mauvais renom, jamais puits n'a été estimé bon" (Một khi mang tiếng xấu, thì chẳng bao giờ giếng được xem là phù hợp : ý nói không gì gột rửa được).
Về thái độ khiêm cung, khác với xu hướng ứng xử của Việt Nam, người Pháp không chống đối sự nhún nhường, tự hạ mình, nhưng cũng không đánh giá cao: "L'humilité est un artifice de l'orgueil" (Tự hạ mình là mẹo của lòng kiêu hãnh); "Le monde est bossu quand il se baisse" (Thế giới sẽ gù lưng khi cúi xuống = Tự hạ mình có thể đi đến chỗ tự làm mất thể diện).
***
Qua phân tích, có thể thấy người Pháp coi trọng thể diện nghịch (face négative) hay lãnh thổ (territoire) hơn, trong khi người Việt Nam chú trọng đến thể diện thuận (face positive) hay việc giữ gìn thể diện hơn. Điều này cũng tương ứng với những đặc trưng khác của hai nền văn hoá ứng xử Pháp và Việt Nam : ứng xử của người Pháp thiên về tính cá nhân chủ nghĩa (éthos individualiste) hơn và chuộng cách nói năng trực tiếp, rõ ràng, còn ứng xử Việt Nam lại thiên về tính cộng đồng chủ nghĩa (éthos communautaire), cách nói năng thì thường vòng vo, gián tiếp, ám chỉ. Nắm được những đặc điểm ứng xử này có thể góp phần hành xử thích nghi và tránh những ngộ nhận và mâu thuẫn đáng tiếc trong giao tiếp liên văn hoá.
Qua phân tích, có thể thấy người Pháp coi trọng thể diện nghịch (face négative) hay lãnh thổ (territoire) hơn, trong khi người Việt Nam chú trọng đến thể diện thuận (face positive) hay việc giữ gìn thể diện hơn. Điều này cũng tương ứng với những đặc trưng khác của hai nền văn hoá ứng xử Pháp và Việt Nam : ứng xử của người Pháp thiên về tính cá nhân chủ nghĩa (éthos individualiste) hơn và chuộng cách nói năng trực tiếp, rõ ràng, còn ứng xử Việt Nam lại thiên về tính cộng đồng chủ nghĩa (éthos communautaire), cách nói năng thì thường vòng vo, gián tiếp, ám chỉ. Nắm được những đặc điểm ứng xử này có thể góp phần hành xử thích nghi và tránh những ngộ nhận và mâu thuẫn đáng tiếc trong giao tiếp liên văn hoá.
Ở đây đối chiếu văn hoá ứng xử không phải là (và cũng không thể là) tìm hiểu xem nền văn hoá nào là "lịch sự hơn", càng không thể đi đến kết quả xếp chúng theo thứ bậc cao thấp trên "thang giá trị của các nền văn hoá" ( ! ). Có một chân lý đã được các nhà nghiên cứu liên văn hoá xác định : văn hoá này không thể cao hơn hay thấp hơn văn hoá kia, mà giữa chúng chỉ có thể có sự khác nhau. Do mỗi nền văn hoá có những điểm chung, giống các nền văn hoá khác, đồng thời cũng có những nét đặc thù tạo nên bản sắc, ta không thể đứng từ một góc độ chủ quan (của dân tộc mình) để đánh giá và phê phán một nền văn hoá khác, bởi vô hình trung sẽ rơi vào căn bệnh đã bị các nhà dân tộc học cực lực lên án, là luôn lấy dân tộc mình làm trung tâm (ethnocentrisme).
Tư liệu tham khảo và ngữ liệu
Kerbrat-Orecchioni C., Les Interactions verbales, Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994.
Maloux M., Dictionnaire des proverbes, sentences et maximes, NXB Larousse, 628 trang, 1960.
Montreynaud F., Dictionnaire de proverbes et dictons, Les Usuels du Robert, 638 trang, 1986
Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, in lần thứ 10, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 831 trang, 1994 (1956).
Ghi chú:
[1] Câu "tục ngữ mới" này được phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Mỹ (Theo "Thế Giới" số 40 (105), 6.10.2003)
------------------------
Thể diện nghịch và thể diện thuận trong văn hóa ứng xử của Pháp và Việt Nam
Phạm Thị Anh Nga
Khoa Tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Huế
Khoa Tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Huế
Tục ngữ ca dao là một bộ phận quan trọng trong vốn văn hoá dân gian của mỗi một dân tộc, gắn liền với cuộc sống của cộng đồng dân tộc đó. Nó được sáng tác, điều chỉnh và lưu truyền từ đời này sang đời khác, và phản ánh những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế sống của nhân dân, cũng như tâm tư tình cảm của những con người thuộc về cộng đồng đó. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thử tiến hành một “cách đọc” tục ngữ ca dao Pháp và Việt Nam, nhằm khai thác một góc cạnh nhỏ trong văn hoá ứng xử của các dân tộc Pháp và Việt Nam, liên quan đến thể diện nghịch và thể diện thuận, là một khía cạnh của phép lịch sự, mà các nhà nghiên cứu đã dựa vào để phân loại các dân tộc ngữ (ethnolecte) khác nhau
The article focuses on analysing France’s and Vietnam’s folk songs and proverbs so as to study a small aspect of the behavioural culture; that is the negative and positive face, a respect of the rule of etiquette
-
THÔNG BÁO KHOA HỌC Đại học Sư Phạm Huế Số 2(51)/ 2005
-
Cho em post lại bài này bên vietnamhoc.multiply.com. Merci chị nhiều. Đặng Thái Minh
RépondreSupprimer