jeudi 25 septembre 2008

Tháng năm cổ tích

° tặng mười năm cổ tích
và Misa thương yêu


Ngày ... tháng ... năm ...

Nhắm mắt lại, em vẫn nghe như lời nói ngày nào của Phi trở về thân quen. Khi đó, em không còn ưa thích mở to hai mắt ra nữa, cứ mặc cho những sách những vở vỗ về dịu êm. Cõi mơ, như khi lặng hồn và khép mắt, vẫn mang nét tuyệt vời của ngày tháng không phai. Phi ơi, Phi ơi. Có phải là những ngày tháng ấy đẹp quá hay không Phi. Phi có biết là giờ phút này em đang ngập chìm trong biển nhớ. Muôn đời chắc Phi cũng không trở về, và suốt kiếp em sẽ bơ vơ.

Không gian bắt đầu giao mùa rồi đó Phi. Những xác phượng vương vãi hai bên đường đã hoá thẫm và thay thế cho màu đỏ rực của những cánh phượng vươn cao, kiêu kỳ với ánh nắng. Những hạt mưa thời chuyển mùa cũng đã bắt đầu rủ xuống thành phố nhỏ êm này. Phi có nhớ cơn mưa năm nào đã đưa Phi đến phố nhỏ không. Có nhớ ngày mưa nào em ngồi ở yên sau và Phi ở yên trước chiếc xe đạp “trời ơi đất hỡi” ấy, mưa bay ướt cả mắt mũi và vỡ theo từng lời nói của Phi, của em. Chiếc áo mưa của Phi em vẫn giữ trong tay mà không mặc vào cho khỏi ướt. Em đã cười khi nói với Phi: “Ðể cùng ướt cả hai.” Và Phi đành lắc đầu chào thua: “Cô bé bướng thật.”

Ơi Phi. Ðôi lúc em tự hỏi: giây phút này Phi đang làm gì, có lặng người và chợt xót xa cho một câu chuyện nào xưa...

Ngày ... tháng ... năm ...

Buổi chiều em đi học về, mặt nước sông Hương đã dâng cao thêm, cứ vươn lên gần sát lề đường Phi ạ. Như thế là mực nước đã cao hơn nhiều so với lúc em đi học, khi trưa. Em vẫn thích thú thăm dò mực nước, đo bằng mắt từng khoảng cách lớn bé giữa mặt nước và cái vệ đường cát sỏi. Phải tình cảm có chiều dài chiều cao để em dùng thước đo từng ni tấc được Phi nhỉ.

Mùa đông ở Huế, mưa bay hoài huỹ. Phi vẫn chưa biết đến mùa đông ở nơi này đâu mà. Những ngày Phi đến đây, rong chơi trên những đỉnh đồi xa tít tắp, lăn lóc quanh những góc thành rêu cũ hay theo hộ vệ em hôm em đi ghi danh vào đại học, chỉ mới là đầu thu với những cơn mưa nhỏ nhoi đủ làm ướt tóc và khiến những dấu chân bỗng hoá buồn tênh. Những cơn mưa bây giờ thì hung hãn hơn nhiều và xoáy lạnh mắt môi em đến xanh xao, tội nghiệp.

Em muốn khóc ghê nơi, Phi ơi, nếu như Phi đã quên mất đường về lại Huế. Có lần đi học về, mưa to, một ông bạn chợt lạ chợt quen đã đồng hành với em một quãng đường ngắn, thì thầm: “Anh thích mùa đông ở thành phố này, lạnh khiếp nhưng thật thích hợp với những câu tình tự.” Em sợ quá Phi ơi. Ông bạn chợt quen chợt lạ đã giành yêu mất mùa đông của Huế. Ðến khi nào Phi mới bị cái lạnh của thành phố này thấm nhập vào tim óc và sẽ trở nên không quên được hở Phi. Hay đối với em rốt cuộc Phi cũng chỉ là người “trước quen sau lạ” như bao kẻ một lần ghé qua phố nhỏ.

Ngày ... tháng ... năm ...

Ðà Nẵng những ngày loạn lạc. Phòng bán vé máy bay đông đúc và bến tàu nghịt người... Tiếng kêu khóc, những lằn đạn sáng đỏ bay dọc ngang trong đêm tối và những toà nhà cao tầng bốc cháy. Và mưa. Mưa to, ào ạt, như cuốn phăng đi mọi thứ. Như trong cơn đại hồng thuỷ.

Hình như trong những phút giây cận kề cái chết, liêu xiêu trên bờ vực, em đã nhiều lần thầm gọi tên Phi. Và có lẽ từ bé đến lớn đó cũng là lần em đã khóc nhiều nhất.

Rồi em trở về Huế. Không còn một tin tức nào của Phi nữa cả sao.

Ngày ... tháng ... năm ...

Em nói với Ðông, khi Ðông cùng em đứng ở hiên trường và bên ngoài sân những vũng nước mưa đã bắt đầu lúp xúp ngập lối đi: “Em vẫn ưa thích làm một người bình thường nhất để khỏi có những vấn đề đặt ra bên ngoài cõi phúc, những lạ lẫm phiền toái rối rắm trong đời”. Ðông nói: “Những lúc trời lạnh như thế này bộ An chả thấy thiếu một làn hơi ấm hay sao”. Cõi phúc của em đó, chẳng đủ ấm lòng em sao Ðông. Ðông hét to: “Cõi phúc, cõi phúc... nếu cái cõi phúc đáng ghét đó của An là một cái gì sờ nắn được, tôi sẽ không ngần ngại đặt trái nổ phá huỷ nó đi tức thì.” Em thách thức: “Thử xem đi, Ðông”. Bởi chắc phải còn lâu lắm, em mới vén màn cõi phúc bước ra với những rối rắm của thế giới người lớn.

Nếu Ðông nói “gần như đã thành một nhu cầu của đời sống, viết cho An mỗi ngày”, thì em cũng thế, em vẫn chưa bỏ được những hàng chữ ghi cho Phi, dẫu càng ngày càng thưa thớt dần đi. Nhớ hôm Tuý trở về từ Sài Gòn sau cơn loạn lạc, có chép cho em mẩu địa chỉ của Phi ghi ở mục nhắn tin cho em trên báo, em thương cho Phi và cho em quá đỗi. Nhất là khi bạn bè về từ phố biển kể cứ nghe loa phóng thanh tìm thân nhân réo tên An miết. Phi ơi, sao thế hở Phi. Có phải chúng mình vẫn mải loanh quanh và rối rít tìm nhau, tìm mà không gặp, trong dòng đời cuộn chảy không thôi mà chúng mình thì đã mất đi mọi phương hướng.

Phi ơi, đôi lúc em cảm thấy như mình đang nhập cuộc vào một trò chơi bằng tim thật đau xót, nối kết bằng lắm chuyện bất ngờ. Chuyện giữa em và Phi chẳng phải đã bắt đầu bằng một run rủi tình cờ trong cuộc sống đó sao. Một tuần lễ ngắn ngủi Phi ghé qua phố nhỏ, rong chơi tận tình, rồi Phi lại trở về với phố lớn rộn ràng của Phi, quên khoấy đi cả lời hứa hôm nào, là từ xứ dừa xa xôi ra thăm em.

Phi ơi, mình đã lạc nhau mất rồi phải không.

Ngày ... tháng ... năm ...

Khi em ngồi đếm nhẩm lại những ngày tháng chia xa, em đã tự hỏi như thế là mình thực sự quên mất nhau rồi sao.

Quên, nghĩa là đã nhớ. Ðã có những vắt kỷ niệm khiến hồn lao xao, khiến lòng mãi nhớ. Ðiều này thì đã quá rõ ràng về phía em, với nhiều biểu hiện, nhiều chứng cớ trong cuộc sống. Ngồi ở phòng học, ở giảng đường, ở phòng thảo luận, lúc nhâm nhi cay chua mặn ngọt với bạn bè, cùng cười cùng nói, cùng hát cùng ca, lúc thênh thang trên đường ra viếng Cổ thành Quảng Trị, lúc tập tành làm cô giáo, lúc nhâm nhi nỗi buồn rồi khóc lơ ngơ, cười mếu máo... Ôi Phi ơi, sao Phi cứ “ám” em mãi thế này. Phi tàn ác quá, Phi xa xôi, Phi xa xăm, Phi xa tít mù đi rồi, sao Phi chẳng trả em về với cõi phúc dịu dàng mến thương.

Một đôi khi em nhớ điên cuồng, cái mặt trông u sầu ảm đạm giống y cành lá héo, ngó không ra chi cả. Và em đã cầu mong cho mau mau quên, lè lẹ đi kẻo rồi lại mếu máo khóc. Bởi vì khi em quên, thì cõi phúc thật sự ắp đầy yêu thương, ba mạ, bạn bè, người thân... là cả một núi tình thương, một trời hạnh phúc. Bởi vì khi em nhớ, là hồn em lao đao, bước chân xiêu vẹo tội tình, mắt môi là cả một bầu trời mây phủ. Phi ơi, em oán ông, em căm giận ông biết nhường nào.

Ngày ... tháng ... năm ...

Phi ơi, sao nhiều khi em cảm thấy ông bạn lớn ở xa em quá. Em linh cảm có điều gì sẽ đến, và chẳng còn hiểu mình mong muốn cái gì. Cái thư duy nhất em nhận được của Phi chỉ khiến em muốn khóc. Dường như em còn không nhận ra Phi nữa. Lời lẽ trong thư sao như của một ai khác, gởi từ một thế giới xa lạ nào khác.

Phi ơi, năm cuối ôm cặp đến giảng đường đại học, em sợ ra trường vì sợ đổi thay. Ðổi thay môi trường chỉ là điều nhỏ, nhưng còn những cái nó sẽ kéo theo sau... em vẫn sợ mình không đủ can đảm để vượt qua. Hình như trong những lời cuối gởi cho Phi, em đã bật lên điều đó.

Và hôm chị Thi đi Sài Gòn về, giữa những ngày em đang thi tốt nghiệp, em đã đón nhận sự đổi thay, một đổi thay bất ngờ, không hề mong đợi và quá khó tin. Dù cố nén, em cũng đã gục mặt khóc ngay trong phòng thi, trên trang giấy đang viết dở. Phi ơi, có thật Phi đang hạnh phúc hay không, trong bước rẽ ngoặt có tính quyết định trong đời mà không có em đi cùng đó. Thư Khôi chỉ viết: “Cả nhà ai cũng sửng sốt, nhất là má, khi anh Phi báo tin sắp cưới một cô đồng nghiệp cùng trường. Nhưng không biết anh Phi đáng thương hay đáng trách nữa...”.

Ngày ... tháng ... năm ...

Ðã mấy tháng rồi em là cô giáo. Ngôi trường với bao kỷ niệm thời sinh viên đã trở thành nhiệm sở đầu đời của em, dù cho nguyện vọng đăng ký khi ra trường là đồng bằng sông Cửu Long, như lòng em vẫn hằng mong muốn. Và ngày tháng cứ thế trôi qua, cho em quen dần với ý nghĩ đã xa rồi một tình thân cũ, mà chẳng đủ can đảm để tìm hiểu vì sao lại thế.

Phi ơi, có lẽ chỉ có những lúc lắng đọng nhất, người ta mới đủ điềm tĩnh để dễ dàng nhìn lại mình một cách rõ ràng và sáng suốt. Những hôm em đau, nằm vùi trong chăn, không còn phải bận tâm về nhiều thứ nên em đã suy nghĩ rất nhiều. Và có lẽ bây giờ em cũng đã trở thành người lớn, nên nhìn về đứa bé con ngày trước cũng đúng hơn.

Mười bảy tuổi. Em không tự trách mình vì sao ngày ấy em không tạo lấy cho mình một hạnh phúc nhỏ để bây giờ phải tiếc ngẩn ngơ. Hình như Phi và em, cả hai đều đã cố hết sức mình và chẳng ai đáng trách cả. Phi đã cố vun đắp cho cái cảm xúc rất chân thật của mình, em cũng đã cố gìn giữ một tình cảm nhẹ nhàng, dù chưa hiểu rõ đó là tình cảm gì đi nữa. Có điều, hình như ở hai thành phố cách xa nhau hơn ngàn cây số, Phi và em đã đòi hỏi ở nhau những điều không thể có. Nếu hiểu rằng không thể đòi hỏi ở một đứa bé con những cảm nhận bén nhạy và mau mắn như ở một người lớn, nhất là lúc đứa bé con đó vẫn đang khép nép bên trong khuôn phép gia đình, có lẽ Phi đã không “buồn ghê gớm” khi không được đáp ứng về một địa chỉ và một tấm hình (Phi ơi em nào đâu dám trước những điều cấm kỵ quá ư khắt khe của ba em). Và giá như em hiểu hết tình yêu thương của Phi, giá như em chẳng khư khư đòi hỏi một lần gặp lại để có thể xác định rõ hơn tình cảm của chính mình... Bởi làm sao từ ngàn cây số xa Phi có thể về lại Huế dù rất muốn. Riêng em, em chẳng biết làm sao hơn, những điều răn dạy của ba em đã không cho phép em được sống như em mơ ước. Dẫu là trong những điều nhỏ nhoi vụn vặt như nhận thư Phi ngay tại nhà, hay gửi cho Phi một tấm hình của em. Em không oán trách gia đình, oán giận ba em (có đứa con nào dám oán giận bố mình đâu). Những điều giáo huấn dù khe khắt đến đâu cũng xuất phát từ tình cha thương con. Nghĩ cho cùng, lẽ ra em phải có cách bảo vệ cho những điều rất riêng của mình, nhưng ngày ấy em còn quá nhỏ và cũng chưa hiểu rõ chính mình để có thể có quyết tâm hơn. Em có cam đảm vượt hết mọi khó khăn, bảo vệ cho tình cảm của mình, nhưng ngày ấy em chưa đủ sáng suốt để tự hiểu, em chưa dám xác định tình cảm của mình đối với người bạn xa, em sợ hãi với những gì đã vượt quá những “điều răn” của ba em và em không dám phạm thêm điều “cấm kỵ” nào nữa cả. Em không tự bênh vực đâu, em không nói như thế là em đúng, nhưng phải hiểu giùm em là trong những điều kiện như thế em không thể làm gì khác. Càng tội nghiệp hơn nữa, là những ý nghĩ, quan niệm của em vẫn còn bị bó buộc bên trong những vây bủa gia đình, trong giới hạn của những gì ba thường dặn dò em. Tội nghiệp cho em, khi không dám ước mơ và thực hiện ước mơ của mình. Phi ơi, không ai nỡ oán trách một chú chim từ nhỏ vẫn bị nhốt trong lồng, nếu nó không cất tiếng hót bình thường và sợ hãi khi phải bay xa. Phi có đồng ý với em không Phi?

Ngày ... tháng ... năm ...

Có những đêm khuya giữa hai giấc ngủ em chợt có ý nghĩ viết cho Phi một cái thư. Như để xoá hết những gì vẫn khiến em trĩu lòng. Rồi em lại thiếp đi cùng với ý tưởng ngọt ngào vừa thoáng qua. Sáng hôm sau tỉnh dậy, em nhớ đến điều “dự định” trong cơn mê màng khuya khoắt đó và rồi muốn khóc. Chỉ cần một chút lý trí cỏn con cũng đủ nhắc em nhiều điều. Em không thể trách mình sao ngày trước quá ngu ngơ để không cùng Phi gởi cho nhau một lời chung hứa. Em đã không dám, bởi bất cứ điều lạ lẫm nào cũng khiến em co người sợ hãi. Ðể rồi giờ đây, dù có thấy mình đáng thương bao nhiêu em cũng phải luôn nhớ một điều: hạnh phúc của Phi. Bởi đó chính là điều em đã từng mơ ước. Và dù cho bây giờ trong hạnh phúc của Phi không hề có cho em một chỗ đứng dù nhỏ.

Hạnh phúc. Hạnh phúc. Phi ơi, em vẫn chưa tạo nổi cho mình một hạnh phúc. Có nên trách Phi và tình thân ngày trước em dành cho Phi không. Sáu năm em “quen” Phi, mà em “khóc” cũng đã ngần ấy năm. Nhưng có phải lỗi ở em không nếu đời sống của riêng em vẫn xám xịt, u tối đến khiếp. Từ ngày em quen rồi em xa Phi, sao chẳng ai tạo được cho em ý nghĩ có thể thay vào một chỗ đứng... Có những người em quen, em thân, có người em chỉ biết, nhưng ai ai cũng khiến em cảm thấy thêm gắn bó với một người bạn cũ, dù trong một thời gian dài ơi là dài em chả gặp, cũng chả có thư, có tin gì của Phi, và Phi đã rẽ sang một lối đi khác không có em theo cùng.

Có phải em ngu, ngu, ngu và cuối cùng cũng chỉ là ngu? Em không nuôi nấng nổi một tình cảm, không giữ gìn nó nổi và cuối cùng thì khóc ngẩn ngơ. Rõ ràng là insupportable, intolérable et pourtant pitoyable [1]! Phi ơi, có lúc em tự hỏi Phi có xứng đáng với ý nghĩ trong lành em vẫn dành cho Phi không. Và em có nên sống mãi trong cái fidélité absurde [2] này. Bạn bè nói em ngu xuẩn. Chung tình đến ngu xuẩn. Em chỉ gật đầu và cười: Ừ, tau ngu. Mà lòng thì quá xót xa.

Ngày ... tháng ... năm ...

Hà Nội mùa này đã rét lắm chưa. Tối qua dù điện cúp em vẫn thắp đèn dầu để viết cho chị Nguyện một cái thư dài. Nhớ vô cùng Hà Nội tháng ngày này năm trước. Những buổi học bỡ ngỡ ban đầu và thân thiết hơn về sau. Những tối trăng sáng. Dãy nhà tập thể. Phòng ở bốn đứa. Phòng ăn cán bộ ngày hai bữa. Những hôm đau nằm vùi. Phố xá rộn ràng. Tàu điện. Xe buýt. Lao động ở ao cá nhà Bác, vết xước nhỏ ở tay mà khiến lao xao cả làng y tế Phủ Chủ tịch. Những hôm gan cùng mình đi xem phim về rất khuya. Buổi sáng cuối cùng phóng xe ra phố, đạp ngược chiều bị thổi còi. Sân ga. Những người đi tiễn. Bạn lớn, bạn nhỏ, những nắm tay không rời. Nước mắt... Tàu sắp chạy rồi. Hà Nội, Hà Nội, còn chi. Chị Nguyện ơi, tout a une fin
[3]. Em làm răng đòi thời gian trở lui để sống lại những phút đã qua. Hạt nước mắt đã rơi xuống, rồi nhiều hạt nước mắt nối tiếp nhau. Ơ, con bé hay khóc nhớ nhà lại mếu máo lúc sắp về với Huế. Tout a une fin, Phi biết không. Một chuyến công du kỳ thú, chuyến đi một tháng thôi, nhưng đủ để em nhận ra không nơi nào em có thể “quên”. Phi trách em ư? Em sống thật với em, và trong điều cảm nhận đó em vừa thấy ngọt ngào vừa nghe cay đắng. Tình cảm đầu đời... Inoubliable [4], Phi ơi. Dù nó muộn màng. Dù sinh sau đẻ muộn và thoi thóp vì bị chối bỏ. Dù không lúc nào em quên là “tu m’aimais” [5], “aimais” ở thì imparfait đúng với ý nghĩa của nó.

Hà Nội tháng 11 năm ngoái đã giúp em sống trọn vẹn và nhìn thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, ngay cả trong những khám phá về mình. Fidèle
[6] đến lì lợm, đến ngu xuẩn. Những tình cảm của Tr., của Ð. không xuyên nổi tim em. Hà Nội giúp em lớn nhiều lên nhưng hình như không giúp được em “quên”. Lì đến nước đó thì thôi, Phi ơi. Thì mong gì hai năm tới đi học xa em có thể xoá đi mọi thứ.

Ngày ... tháng ... năm ...

Hà Nội mùa thu.

Hôm nay là ngày 25 tháng 9. Giờ này em đang ngồi rất im, thèm cho mình một chốc thật yên tĩnh. Rồi em thèm khóc, thèm có những hạt nước mắt ứa ra, đơn sơ nhưng vô cùng thấm thía. Em muốn tất cả quanh em đều chìm lắng, khuất lấp. Những dãy nhà, lối đi, bạn bè thân sơ, những người quen biết. Và cả tiếng ếch nhái đứt đoạn ngoài đêm tối nữa. Hãy im đi hết thảy, hãy biến đi tất cả cho em được một mình, tha hồ mà nhớ.

Cây viết mới mua được ở căng tin (tiêu chuẩn cho ba người một) không đẹp lắm nhưng hôm nay em muốn dùng nó để trải hồn mình lên giấy. Ui chao, răng tối ni em đoảng vị ri. Lâu rồi em có như ri mô. Có lẽ tại ngày 25 tháng 9, nhưng tại sao cứ mỗi năm vào ngày này, tháng này em lại nhớ. Có ai ràng buôc, ép uổng chi em đâu. Có phải tại em đang tự làm khổ mình, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như vừa vuột mất một hạnh phúc mến yêu. Sáu năm rồi còn chi. Bảy năm rồi còn chi. Chẳng còn lại gì, ngoài hạt nước mắt chợt vương nhẹ mắt em lúc nãy. Còn chi...

Ðôi lúc trong đêm tối, giữa hai giấc ngủ mê em tự hỏi: tại sao lại phải xa nhau. Có lẽ chỉ trong trạng thái mê muội đó em mới ngớ ngẩn đến thế. Bởi thường khi, em vẫn tự trấn an chính em và chấp nhận mọi điều mất mát. Nhưng dù sao câu hỏi hiện ra trong bóng đêm yên tĩnh cũng khiến em nhíu mày và buồn hẳn đi. Em không tự trách mình được, dù em có cố khe khắt với chính mình bao nhiêu đi nữa. Không ai nỡ trách mắng một cô bé nếu cô cứ mãi tiếc nuối một câu chuyện tưởng đã chìm khuất, rồi bỗng chốc trổi dậy làm nhói một góc tim.

Em không biết giờ này em có quyền kể lể hay không, dù là kể cho riêng em và chỉ trong thoáng chốc. Cách đây ba hôm, trong giấc ngủ khuya khoắt em đã chiêm bao thấy một điều mà lúc choàng tỉnh dậy em vô cùng ngẩn ngơ và tiếc. Em thấy mình đang ở nhà, ở Huế. Chị Thi đến đưa cho em một xấp thư, nói có một cái thư của Phi. Thế mà em chẳng ngạc nhiên bao nhiêu, chỉ hai tay là run run khi lật tìm cái phong bì quen cũ. Em loay hoay tìm mãi. Không có nét chữ nào là của Phi cả. Cuối cùng em tìm ra một phong bì nhỏ, chữ của Khôi, bên trong là một lá thư ngắn, vợ chồng Khôi và Phương ghi. Những câu chuyện rất ngắn về ông anh, về một hạnh phúc đã không còn của Phi. Khôi hỏi: Không hiểu An dạo này ra sao, có còn mong gì được người bạn cũ níu chân… Em oà khóc. Oà khóc thật lòng. Còn một cái thư dài nữa mà em chỉ mới lướt qua mấy chữ đầu, không đọc tiếp được vì ba em tình cờ đến bên em, hỏi. Em vội giấu biến đi tất cả, chỉ đưa ba xem một tấm thiệp hoa của Phương và một trang thư “vô hại” của Khôi. Ba em không đọc mà đưa lại cho em, bảo đem cho mạ em đọc... Tự nhiên em bật khóc, như một điều riêng giữ vừa bị “chạm” đến. Em khóc hết sức, to và tức tưởi. Lúc đó có cả anh lớp trưởng lớp Cao học của em hiện nay. Em chỉ biết mắp máy: Ba An vẫn như thế... trước nay. Hai mắt tròn xoe và miệng há hốc, anh chẳng nói gì. Chỉ nhìn em khóc... Em chưa kịp đọc cái thư dài thì đã tỉnh giấc. Tỉnh giấc, để mà tiếc ngẩn ngơ. Thèm đắm mình lại trong cơn mê để lại đọc những điều mới mẻ. Nhưng giấc ngủ chưa kịp đến thì em đã hiểu ra: ích gì nữa đâu.

Em đang buồn ngủ lắm. Giờ này quanh em chỉ là giấc ngủ lan đầy. Cả lũ ếch nhái cũng chẳng buồn lên tiếng và có lẽ cũng đã ngủ say. Chỉ còn tiếng máy quạt quay đều ở phòng bên và thỉnh thoảng một tiếng ho từ đâu đó vọng lại. Em vẫn chưa muốn đi ngủ, dù hai mắt đã trĩu nặng làm sao. Ngày mai lên lớp cả ngày và những bài vở cần ôn thi. Em tung hê tất cả rồi à. Không ưng chi nữa cả à. Hộp phấn mở tung, nắp một đàng và hộp một nẻo. Cuốn sổ thời khắc biểu, sổ ghi trích đoạn thơ văn, cuốn nhật ký vẫn còn đây. Chiếc lược mới lúc nãy em gội đầu và vừa chải tóc. Cây thước dùng để đo chiều ngang chiều dọc chiếc áo len đang đan. Ống khoá nghiêng ngả. Chiếc gương tròn kỷ niệm của Nam Ðông. Mỗi thứ đều gắn liền với cuộc sống của riêng em, là chứng nhân của quá khứ xa và gần. Thế còn tình yêu, có hay không. Có gì chứng minh nó có hay không. Lúc nãy em nói: em muốn độc lập, một mình chơ vơ như cây thông reo trên ngọn đồi. Dù có phải gió cuốn trôi đi hay trôi theo làn nước. Trôi theo dòng đời. Em đã nói thế thật, nhưng rồi nước mắt đã ứa ra. Lạ quá...

Thôi em không tiếp tục nữa. Ðêm đã khuya và không còn dài. 25 tháng 9 rồi sẽ không còn. Em đang tiễn nó đi. Adieu
[7]. Em không thèm Au revoir [8] mà chỉ Adieu. Lại thêm một năm nữa trôi qua.

Ngày ... tháng ... năm ...

Căn phòng giờ này yên tĩnh như một lâu đài vắng. Trước mắt em là cái cặp sách, sách vở giấy bút xếp chồng. Cái lạnh đã bớt nhức buốt hơn hôm qua.

Nhiều lúc em cảm thấy trong em vô cùng mãnh liệt một nhu cầu suy ngẫm. Suy ngẫm, cảm nhận và khám phá. Nhu cầu như bùng lên rõ rệt sau thời gian im ắng. Ðể cuộc sống như hiện ra diệu kỳ và tuyệt vời hơn. Em muốn thu người lại, nép mình vào một xó nhỏ để có được cảm giác chứng kiến dòng đời đang trôi nhanh, đang trôi xa và cuốn phăng mọi thứ. Em chẳng hiểu do đâu mà những lúc sau này em hay lui về với ngày xưa. Ðó là một sự trốn chạy khỏi hiện tại u buồn hay do em đã hiểu ra rằng phần đời đã mất em vẫn không thể bôi xoá nó đi. Dù cuộc sống đã vùi lấp nó từ lâu lắm rồi.

Em có thế xoá đi chính mình để chấp nhận một đổi thay trong đời. Nhưng tại sao mỗi một cuộc thử thách mới đều khiến em thất vọng và lùi về một nỗi nhớ xưa. Không ai hiểu em hết. Nhịp tim không cùng tần số với một ai. Thế là em kiêu hãnh hay em “gỗ đá” hở Phi. Sao những chiều chuộng, những chăm sóc và tình cảm chân thành của ai ai cũng không khuất phục nổi em. Em tự hỏi không lẽ em kiêu kỳ quá thể đi à. Có phải em ao ước được “bao trùm”, được dẫn dắt và được hiểu, nhiệm vụ xưa Phi chẳng hoàn thành, Phi bỏ lửng và cho đến nay vẫn chưa ai đảm đương nổi.

Có lẽ em mơ mộng quá đáng, em nâng kỷ niệm lên một tầm cao và lý tưởng hoá nó. Ðể rồi em sẽ suốt đời tự làm khổ mình. Nhưng xin đừng trách cứ mắng mỏ gì em. Sự diệu kỳ trong nhịp tim không thể dễ dàng giải thích, dù nó đã nhiều năm và chưa biết lúc nào chấm dứt. Cũng có thể những năm tháng qua đã làm mỗi người đều đổi khác, Hoàng Phi của ngày xưa chỉ còn là một âm vang tội nghiệp, xa xăm và ngày nay ông đã vô cùng lạ lẫm. Em không biết, cũng chẳng cần biết. Ðã hơn tám năm, và tối qua em đã có ý định chép lại thành một tập những bài thơ viết từ hai nơi chốn, cho nhau.

Chẳng để làm gì. Nhưng có phải ít ra em cũng mong cảm thấy một điều: tâm hồn em được dâng tràn, được lấp đầy bằng âm hưởng một hạnh phúc đã xa.

Ngày ... tháng ... năm ...
Ánh sáng đã loé lên, thêm một ngọn nến cho ngày hai lăm tháng chín. Một ngày sinh nhật. Em đã mừng tuổi mới cho ngày cũ thế này đây sao. Ngọn nến trắng như một lời giã từ thân thiết, cây kẹo chocolate đẹp tuyệt và cái vỏ ốc ngậm kín miệng mang từ Huế ra. Và thêm một phong thư đựng những tấm ảnh ngày nào... Em chẳng dám bóc ra xem lại, dù là trong tối hai lăm tháng chín, Phi ơi.
Em vẫn thường tự hỏi: không biết mỗi lần đón ngày tháng này em có nên lặp lại một vài thủ tục nào đó, để ghi nhớ năm xưa. Năm tháng đã mờ phai và chuyện cũ chỉ còn là sương khói. Phi rất xa, đã từ lâu em chẳng còn mong gì khơi dậy một mẩu chuyện đã ngủ yên, đã chìm khuất. Mọi việc đều đã khác xa ngày trước và làm gì em quay ngược nổi bánh xe cuộc sống phải không Phi. Nhưng có lẽ Phi cũng chẳng lắc đầu từ chối, khi em xin được thêm một lần, dành trọn một tối để nghĩ về một chuyến công du tám năm về trước. Một lần gặp mặt, và một đời chia xa. Phải thế không Phi?

Em xin lỗi nếu lối gọi em dành cho Phi vẫn còn phần nào quá thân ái. Em hiểu giờ này chẳng còn rơi sót lại gì, tình yêu và nỗi nhớ. Nhưng hãy hiểu là em khó tỏ vẻ lạ xa. Mỗi một sự đổi thay dù chỉ trong cách gọi cũng dễ gợi lên nhiều điều, mà có phải tốt hơn cả là hãy lẳng lặng vùi chôn tất cả. Ðể chỉ nghĩ về trong mỗi một dịp hiếm hoi nào đó. Như hôm nay chẳng hạn.

Phi ơi hỡi. Em vẫn muốn lặp lại một hàng chữ em thường viết vào mỗi dịp 25/9: “ngày này, tháng này, năm xưa”. Ánh mắt đã chùng xuống, nhưng nước mắt không còn ứa ra dễ dàng như trước. Em ngẩng đầu đã cao. Ðôi khi người ta vẫn phải ngẩng cao đầu để ngăn kịp thời những hàng nước mắt. Sống trong đời sống, tất nhiên phải có một tấm lòng, như trong một lời hát quen, nhưng Phi ơi, có phải ta còn cần tập nó nín câm và vượt qua mọi nỗi. Em hiểu chẳng dễ dầu gì mà tự nhủ thôi hãy quên đi quên đi, nhưng đã tám năm rồi phải không. Tám năm, ngần ấy thời gian và những đổi dời, những biến động tiếp liền đã giúp em dần dà thoát khỏi cơn mê ngày cũ. Phi trước em sau, chúng ta đã nối gót nhau trong những bước đi vụng về để tìm quên. Em tự nhủ ngày rời Huế rằng ở thành phố lạ em sẽ chẳng phải nhớ nhung gì hết. Và em đã bắt đầu tập dứt bỏ những muộn phiền cũng từ lúc đó.

Hôm nay em viết những dòng này ở một nơi chốn rất chi là xa Huế, lại càng xa cái xứ sở của Phi. Ðã gần hai năm, cuộc sống xa lạ nơi đây với em cũng dần quen. Em lớn lên, rồi em “già” đi lúc nào chẳng biết. Nhưng hầu như chẳng bao giờ em dám quay về một nhịp tim xưa cũ, chỉ dám thi thoảng tự cho phép mình nhớ về. Em hết có quyền ấy rồi. Gần ba năm giã từ cuộc đời sinh viên, em tập tành làm cô giáo đại học, rồi đã gần hai năm “tu tiên” ở “cõi người ta” này, em vẫn tiếp tục tập sống một mình. Dẹp hẳn ông bạn ngày nào sang một bên, em tập tành kiêu hãnh. Em khép lòng mình lại, im thin thít trước những nhịp gõ rải rác từ nhiều phía. Hạnh phúc đã vỡ tan thành những hàng nước mắt, em chẳng còn mong mỏi cái gì nữa hết. Em vùi đầu vào công việc, giáo án và học tập choáng lấp ngày tháng giúp em chẳng yếu mềm. Cô giáo An ngày hai buổi lên lớp, với áo quần bleu blanc rouge
[9] những hôm mưa gió vẫn là một cô giáo ngoan. Nỗi niềm sâu kín vẫn chỉ là cõi riêng. Nếu bốn năm đại học em cố giữ tim mình yên ổn cho một niềm tin, một tia hạnh phúc mong manh, thì ngày ra trường, em đã giã từ cả tuổi nhỏ lẫn niềm tin tội nghiệp đó. Nỗi buồn không khiến em quỵ ngã, không khi nào đâu Phi, bởi em vẫn là một An chưa hề biết thua cuộc lần nào. Nhưng hạnh phúc phải chăng chỉ là bọt biển nên chỉ còn lại cho em một chút hơi nước mau chóng biến tan đi. Un souvenir heureux n'est-il pas, sur terre, plus vrai que le bonheur? [10] Cho đến ngày em bỏ Huế mà đi.

Ông bạn lớn đã xa. Mỗi con người lớn lên đều mong ước cho chính mình một hạnh phúc. Một hạnh phúc cùng chia. Khi em bắt đầu hiểu ra chẳng thể nào mong một bước chân xa quay về, em đã cầu mong cho Phi một hạnh phúc thật đầy, dù em chẳng thể góp phần vào. Mặc em nếu em có là người nhận chịu phần thua thiệt nhất. Cuộc sống phức tạp không chiều chuộng gì em nên có làm gì hơn thế được hở Phi. Em lỡ sinh ra là một con bé biết quên mình và bướng bĩnh nhất nhất kia mà. Em quên em, bóp nát tim mình và “tôi luyện” lòng càng rắn rỏi. Rồi em gặp Duy.

Nếu từ ngày Phi bỏ chẳng bao giờ về lại Huế nữa, bỏ em để hướng tới một hạnh phúc lạ xa, có một người duy nhất em mong có thể thay vào một chỗ đứng, thì đó chính là Duy. Sáu năm sau ngày Phi “bỏ” em, em quen Duy, và một năm sau đó, em như bắt gặp trong tim mình một nhịp đập mới. Ðó có phải là tình yêu? Em chưa rõ lắm. Nhưng vòng tay và ánh mắt đã thân quen không ngờ. Những cách xa và những gần lại. Khoảng cách nối liền... Em chưa dám xác nhận tình cảm của mình và cái hạnh phúc dường như mới chớm. Hình như có mà cũng hình như không. Em vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi Duy đặt ra cho em. Khoảng cách chia xa vẫn còn, khó vượt qua và chiến thắng. Nhưng không hiểu sao em đã nghĩ đến một điều: hạnh phúc.

Em đang tưởng tượng ra cùng lúc này ở xứ dừa xa xôi kia, nơi em chưa một lần đặt chân đến, Phi cũng đang trong một phút giây hồi tưởng. Phi có mong ước cho em một hạnh phúc dễ thương, một hạnh phúc muộn màng nhưng vẫn dài lâu?

Ngày ... tháng ... năm ...

Lá thư ngắn của Khôi báo tin sắp ra Hà Nội dự Hội nghị chuyên ngành toàn quốc, em nhận được một ngày trước hôm Khôi tìm đến gặp em ở căn phòng nhỏ bé thô sơ bằng phên lá của em, trong làng đại học “mái tranh vách đất”. Em run rẩy trước món quà Phi gửi Khôi mang ra: những thanh kẹo dừa, kèm với hai dòng chữ đơn sơ : “Gởi cô bạn nhỏ. - Ông bạn lớn.”. Không có lấy một chữ ký, nhưng em nhận ra nét chữ thân quen ngày nào, nét chữ nghiêng nghiêng của những lá thư, những bài thơ, của bao nhiêu là cánh hồng ép khô thời xưa cũ. Nét chữ bây giờ run run, như một nỗi niềm riêng không dễ gì tỏ lộ.

Khôi thú nhận ý định ban đầu của Khôi là sẽ không kể gì cho em về những nỗi niềm sâu kín hiện nay của Phi, nhưng khi Khôi hỏi em có muốn biết gì về cuộc sống của Phi không, và em đã trả lời bằng một yêu cầu nhỏ: “Ðừng nói dối An bất cứ điều gì. Nếu có gì không kể được, hãy cho An biết, An sẽ không hỏi thêm. Nhưng hãy hứa với An là tuyệt đối sẽ không nói điều gì sai sự thật”, thì Khôi biết không thể giấu gì em được nữa. Ðiều cả hai cùng không ngờ và thực sự không tin được là những gì em tự mình mường tượng ra về người bạn cũ lại hoàn toàn khớp với sự thật, kể cả những chi tiết nhỏ, tinh tế nhất mà ngay những người thân sống gần Phi cũng khó lòng đoán biết. Em cứ thế mà nói lên những gì mình hình dung về Phi, và Khôi cứ thế mà gật đầu xác nhận...

Phi ơi, điều gì đang xảy ra thế này. Vì sao lời em dẫu nhẹ như gió thoảng, lại có thể dứt khoát, rõ ràng đến thế, như thể em đang từ tốn kể về chính mình, về những cảm nhận của chính em chứ không phải những suy đoán về tâm trạng một người thân yêu đã nhiều năm không gặp...

Ngày ... tháng ... năm ...

Em sắp trở lại với những trang tiểu luận cao học rồi. Sách vở giấy bút bày đầy bàn học sắp cuốn hút lấy em. Một nguồn đam mê rất chi là dễ thương sẽ giúp em “qua khỏi” những ngày khốn khó này, phải vậy không Phi. Sáng nay thức dậy, em đã tung chăn với một nụ cười. Cũng phải vươn vai mà sống chứ.

Phi ơi, có lẽ em chẳng còn cách nào khác hơn là phải cố gắng. Khôi nói em fragile
[11] quá, nhưng đến nỗi gì phải không Phi. Ðã nhiều năm qua em không ngừng cố gắng, hai tay nắm chặt dù nước mắt thì vòng quanh. Ðôi khi em chẳng hiểu em cố như thế để đạt được cái gì, bởi hạnh phúc của em đã bay vù đi mất và em không bao giờ có can đảm giành giật hạnh phúc của một ai. Và đau đớn hơn cả, là em không thể quên, em luôn lẩn quẩn trong những suy nghĩ không có lối thoát.

Phi ơi, có phải mọi nỗ lực bây giờ phải nhằm tạo cho em một thế quân bình nào đó, dù nó chẳng dài lâu. Em biết làm sao hơn được. Hạnh phúc chẳng khi nào có phần cho em phải không Phi, và vì sao thì em nào biết. Em chỉ cần biết một điều: nếu cuộc sống cố dìm em xuống thì em càng phải ngoi và vươn lên. Tin em đi Phi, em sẽ không vấp ngã đâu. Tin em đi, như hôm chia tay ở sân ga, Khôi đã hứa sẽ mãi tin em.

Ngày ... tháng ... năm ...

Có lẽ bắt đầu chiều nay Khôi sẽ về đến Sài Gòn. Quang cảnh sân ga Bình Triệu có làm Khôi nhớ lại ga Hàng Cỏ với một bóng dáng thân quen. Không hiểu sao em vẫn cứ sống lại cái cảm giác hụt hẫng lúc tàu rời xa mà em chẳng dám nhìn theo một khung cửa. Hết mất rồi, hết mất chẳng còn gì. Một thoáng chốc và tất cả đều lùi xa, mất hút. Em đã quay đi. Con tàu trườn mình trên đường sắt, xa dần, xa dần và nhoè nhoẹt, lung linh. Hết thật rồi mà. Em bước theo đoàn người đi tiễn, ra phía cửa sắt, rồi vòng lui nhặt một mẩu vé tiễn lẩn trong đám bùn. Chẳng hiểu đó có phải là cái vé mới lúc nãy bạn thân trao cho không. Em ra nhận xe đạp, lầm lũi như một cái máy. Phóng đi. Ở một chỗ ngồi quen trong phòng đọc thư viện, em cứ ngẩn ra. Ðầu óc rối bời, những trang sách trơ trơ chẳng gợi lên được điều gì. Thật lâu, rồi em đứng dậy, bước đi... Em trở về trường, gậm nhấm cái bánh mì từ hôm trước, xong nằm vùi. On est seule, vraiment bien seule...
[12] Em vùi đầu trong chăn đến tối, bụng chắng thấy đói và đầu óc thì chao đảo. Những hạt cơm nóng của các bạn Cao học đã phần nào sưởi ấm cho em, giúp em khỏi quỵ xuống. Và giúp em đứng lên.

Ngày ... tháng ... năm ...

Tối qua trường vẫn mất điện. Bóng tối đầy tràn và ngọn đèn dầu leo lét trông đến là tội nghiệp. Sau bữa cơm tối (bữa cơm nấu toàn gạo Bến Tre Khôi mang ra), có tiếng gõ cửa. Ðông đến. Không, Khôi ơi, An không sợ đâu, An “mạnh” rồi, bởi An biết dù ở xa Khôi vẫn luôn che chở cho An.

Buổi tối dù co ro một mình, ngồi đối diện với Ðông em vẫn cố vững vàng. Em không sợ gì đâu, cả những mẩu chuyện của ông xoay quanh một tình cảm cũ mà trước kia ông đã dành cho em, cả lối nói chuyện lừng khừng, cả bao thuốc lá không ông vo tròn rồi ném ở góc bàn của em. Em bình thản, cũng như lúc chiều khi Duy từ Hà Nội đạp xe vào em đã bình thản. Hình như có cả một chút xíu lạnh lùng nữa. Một lúc, rồi Ðông ra về. Em không tiễn, nhưng cánh cửa khép được một lúc thì ông lại gọi em. (Một “keo” mới, phải không Khôi?) Chai dầu bé con ông cố đặt lên bàn của em, dù em từ chối không chịu nhận, và dù em gọi với theo khi ông quay đi. Em tức tối đến muốn bật khóc.

Ngày ... tháng ... năm ...

Mùa đông Hà Nội.

Em buồn ngủ lắm rồi. Sách vở bày biện đầy bàn và trang đầu tiên của cái tiểu luận đang viết dở. Thế mà đầu óc như đông đặc lại. Không nặn ra được một suy nghĩ nào nữa cả.

Ơi Phi. Lúc nãy ở trang nháp em đã ký tên loạn xạ rồi tự nhiên em viết: “Hoàng Phi ơi, nhiều khi em nhớ...” Em có lỗi gì khi nảy ra ý nghĩ đó và ghi nó lên giấy? Phi ơi. Ý nghĩ chân thành vụt thoát khỏi tim, bất ngờ mà chẳng lạ lẫm. Có lầm lỗi gì không Phi, khi em chẳng còn quyền gì đối với một câu chuyện đã xưa. Tám năm rồi còn gì. Mọi cái đều đã đổi thay, cả những nét vui buồn trong tia nhìn của em nữa... Một phút hụt hẫng và nỗi nhớ vỡ bờ. Em những tưởng nhìn thấy trong chiếc gương soi bé con hai mắt em đầm đìa nước mắt.

Em có thế xé tan, đốt cháy mẩu giấy nhỏ, nhưng xoá bỏ những ý nghĩ đang ngủ yên thì em không thể. Những điều tưởng đã chìm sâu, khuất lấp, đang âm ỉ dưới mớ tro cũ. Phi ơi Phi ơi, bây giờ ở một nơi chốn quá đỗi là xa, nơi xứ lạnh căm căm này bỗng dưng nỗi nhớ vùng dậy. Phi có bao giờ ngờ cô bạn nhỏ ngày nào “vừa lì vừa bướng” vẫn tiếp tục sống “lì lợm” với chuyện cũ. Lì lợm, nghĩa là không dứt bỏ dù cuộc sống đã buộc phải chia xa.

Phi ơi hỡi. Em cần phải thoát ra khỏi những vây bủa của mộng mơ, phải thế không Phi. Có lẽ Phi lắc đầu, nói con bé “hư” thật, phải sống thực tế và “người lớn” hơn. Em biết chứ, biết nhưng sao thật khó làm theo. Em đã cố, cố lắm rồi, lắm lúc gạt nước mắt mím môi bước tới thật tội nghiệp. Em cố sống vững vàng, cố quên bớt mặc cảm yếu đuối để vươn lên với đời. Mà đời nào phải bao giờ cũng bao dung đâu hở Phi. Nên em càng phải cố. Cố hoà vào một nhịp tim mới, để dứt khỏi chuyện cũ. Rồi cuối cùng em hiểu ra, hiểu ra với nhiều nước mắt, rằng em không thể.

Phi nghe chưa. Em chưa một lần thay thế một ai vào chỗ Phi được. Dù em đã cố. Phi ơi, tại sao Phi làm khổ em thế? Em đáng bị xử phạt nặng nề đến thế sao. Hạnh phúc lúc nào cũng xa tầm tay với. Em đã làm gì để phải nhận chịu mọi hình phạt khe khắt ấy.

Phi ơi, lắm lúc em thấy, đúng như lời bạn em nói, người bạn trong một cơn bạo bệnh đã bỏ em đi mất chẳng bao giờ về. Rằng em ngu. Thậm ngu. Em phí bỏ cả một quãng đời đẹp nhất cho một câu chuyện vẩn vơ. Rằng chuyện cũ chỉ dễ thương vì em đã tô hồng nó lên. Tại sao em phải tự đày ải để thuỷ chung với một người không chung thuỷ. Tại sao mọi người đến với em, cuối cùng em đều xem tất cả chỉ là bạn, để lại gọi Hoàng Phi ơi. Em điên phải không Phi. Em đang gọi Phi đây. Em đang khóc đây.

Ngày em bỏ Huế ra đây học, em tưởng hai năm sẽ giúp em quên hết. Bây giờ em mong được về, bởi ở nơi xa này rốt cuộc em cũng nhớ. Nỗi nhớ càng tội nghiệp hơn nhiều, bởi em càng đơn độc hơn giữa chung quanh.

Em không biết có nên mong hay không một sự đổi dời, như gia đình đang mong mỏi cho em. Một tấm chồng ở đất người... Hình như gia đình của H. lại tiếp tục đánh tiếng và thúc giục ba mạ em trả lời. Em chỉ cảm thấy mệt mỏi. Nhưng dù sao, cũng chỉ còn vài tuần nữa thôi, là em sẽ từ giã nơi này để trở về với Huế.

Em mới cắt tóc hôm qua.

Ngày ... tháng ... năm ...

Em choàng tỉnh. Bên ngoài bầu trời khô ráo, sáng trong, nhưng khoảng sân rộng trước nhà bác Năm vẫn còn ngập nước. Có phải những trận mưa dữ dội từ khuya đến cả buổi sáng nay đã tuôn xối xả xuống thành phố Sài Gòn những ẩn ức ngập tràn. Có phải buổi chiều em từ Bến Tre về đến thành phố, cũng như buổi sáng hôm nào Phi đi đều phải có những cơn mưa vỡ nhoà mắt mũi. Lúc trưa trong bữa cơm bác Năm đã nói: Mưa gió lụt lội như vậy tiễn đưa mới tình nghĩa. Em chỉ biết cười.

Phi ơi, mọi việc đã đến có thực là đã xảy ra không hở Phi. Những buổi rong chơi rẩt đỗi dễ thương ở phố lớn, chuyến về xứ dừa ngắn nhưng tràn đầy những nồng ấm, và giây phút tiễn nhau. Chín năm đã qua, nhưng sao phút giây gặp lại nhau em vẫn ngỡ như mới vừa hôm qua đây thôi. Ðôi mắt Phi vẫn man mác u buồn như ngày xưa, và Phi vẫn một màu áo xanh quen thuộc. Có khác chăng là chúng ta đang ở Sài Gòn chứ không ở Huế. Và sự chia xa đã là hiện thực.

Rồi Phi có việc phải về quê trước. Hôm sau em cùng Khôi, Phương và bé Mi mới khăn gói về Bến Tre. Và một đêm thao thức trong căn hộ của Khôi và Phương ở ngôi trường làng.

Ơi Phi, hãy cho em hạnh phúc tí xíu (đừng tội nghiệp em làm gì) khi gần trưa ở ngôi trường xa lạ, em đã bật cửa và bắt gặp Phi với một tia reo vui trong ánh mắt (không như hôm Phi cùng Khôi đến em ở Sài Gòn, đôi mắt cứ buồn bã xa xăm). Em đã chẳng ngạc nhiên dù Phi xuất hiện không hề báo trước. Hình như em đã linh cảm từ trước đó rằng Phi sẽ đến, em đã loay hoay trong căn phòng lạ, trong lúc mọi người vẫn ngủ say. Ðến khi có tiếng xe dừng trước cửa và có tiếng gõ cửa, em đã ra mở chốt. Cửa mở và Phi hiện ra... Em vẫn tưởng em đang mơ. Cả lúc Phi ngồi ăn bữa cơm vớt vát vì vội vã đến đây mà chưa kịp ăn, và em tẩn mẩn gắp từng chút thức ăn cho Phi. Cả lúc Phi phóng xe hết tốc lực chở em về Phong Mỹ thăm ba má Phi. Tại sao mọi điều đã không đến từ nhiều năm trước hở Phi. Phi có biết, ngay từ phút đầu đặt chân lên xứ dừa, em đã biết trước là em sẽ đi khỏi nơi đó với hai mắt nhoà ướt.

Nhưng em đã không tự ngăn cấm lòng mình có những xúc cảm dễ thương. Con đường lầy lội đầy bùn dẫn đến ngôi nhà thân quen của Phi (Phi đã sinh ra và lớn lên ở đó), cổng ra vào hun hút sâu. Phi bảo An đừng sợ, mà sao em quá đỗi là run. Em đã gặp má Phi, ba Phi. Những ngạc nhiên mừng rỡ, tình thương choáng ngợp. Em đã đến với gia đình Phi như thế đó, nửa ngần ngại nửa liều lĩnh, có đôi chút nào hoang mang trước những bất ngờ có thể xảy ra? Nhưng dù gì đi nữa, thì đã quá muộn màng. Muộn mất rồi, phải không Phi, một khi cuộc sống thực tế buộc phải vùi lấp những ước mơ trong sáng dễ thương.

Phi đi vào buổi chiều, sau khi đưa em đi quanh thăm những thứ cây cỏ và dê, gà, chó... Ðoạn đường ngắn tiễn nhau, tiễn tới tiễn lui. Rồi Phi ra đi. Không, Phi đang trở về. Cái tổ ấm nhỏ bao giờ lại chẳng là một nơi chốn để trở về, dù tim hồn có phải vắng xa.


Khôi, Phương và bé Mi đến sau đó một lúc lâu. Căn nhà rộn rã tiếng cười vui. Bữa cơm tối, rồi đêm cùng nằm một giường thủ thỉ chuyện trò với má Phi đến khuya. Nước mắt đã ứa ra nhiều lần cho những tiếc nuối. Từ chiều, má đã hỏi tại sao. Tại sao, tại sao, nào ai biết. Tại sao những tâm hồn đồng nhịp thì cuộc sống lại buộc phải chia xa... Em thưa má chắc tại cái số. Bởi chẳng còn biết phải giải thích ra làm sao. Cũng như em không thể giải thích vì sao ngay từ phút đầu, má đã nhận ra rằng em chính là phần đời đáng ra Phi đã phải có và nâng niu gìn giữ từ nhiều năm qua.

Cơn mưa ào ạt đến từ giữa khuya. Em nghe bàn tay của má nồng ấm luồn vào tóc em, và vòng tay má ôm lấy đầu em. Có phải đó là nơi em có thể nương tựa vào. Ơi cuộc sống, thế mà em chẳng bao giờ còn dám trở lại nơi này nữa. Lòng người thì rộng mở mà cánh cửa cuộc đời thì khép chặt vô tình. Giữa đêm trong vòng tay cúa má em đã thút thít khóc, và hình như má cũng đã ràn rụa nước mắt.

Khôi đưa em lên thị xã vào sáng hôm sau. Bữa ăn vội vàng, sớm sủa. Em bước ra khỏi nhà, líu ríu chào mọi người mà nước mắt thì vòng quanh. Suốt một đoạn đường dài, em nín câm, dù Khôi hỏi han và chăm lo. Sẽ chẳng bao giờ em còn trở lại nơi này nữa. Em có hứa sau này sẽ mang chồng con về trình diện với ba má, nhưng có phải như thế có nghĩa là sẽ không bao giờ. Em sẽ "hiện hồn" về, như em đã nói với Khôi và bạn thân bỗng hoảng hốt?

Trời vẫn cứ mưa. Ðến thị xã, Khôi đưa em đi quanh một vòng. Trường học cũ, bờ hồ, ty giáo dục... rồi từ xa, ngôi nhà mang biển số là cái địa chỉ đã in sâu trong ký ức em từ bao năm. Em những mong làm sao có thể đến đó, đến thăm cái tổ ấm bé nhỏ của Phi, nhưng tối qua má đã bảo đừng. Bởi dù lòng em trong sáng đến đâu đi nữa, với má đó vẫn là điều không nên.

Khôi đưa em về nhà chị Thảo. Căn nhà nhỏ, phía sau vươn ra một khúc sông và một quãng lớn toàn nước, mênh mông mênh mông. Bữa cơm tối, những mẩu chuyện cảm thông. Cái lọ hoa bé xíu và cái kẹp tóc chị Thảo tặng. Em tưởng tim mình đã nhảy ra khỏi lồng ngực. Em có gì đâu mà ai cũng thương yêu, chăm sóc ân cần. Có gì đâu mà anh Bân chị Thảo phải chiều chuộng chở đi một vòng thị xã, rồi ghé một quán bánh cuốn và một quán chè đặc biệt. Khôi nói tình thương của cả nhà sẽ bù đắp cho em một tình cảm đã thất thoát. Khôi ơi, trái lại nó càng làm cho An cảm thấy điều mất mát thêm lớn lao. Bởi An nào có quyền đến với những điều thân thương đó.

Giấc ngủ buổi tối êm đềm. Sáng thức giấc, em vẫn vùi mình trong chăn. Chị Thảo chỗi dậy đã lâu nhưng bao mệt mỏi dồn nén từ nhiều ngày khiến em muốn kéo dài giấc ngủ nướng. Khi em thức dậy hẳn, chị Thảo đã chuẩn bị đi đón Misa. Cô bé im lìm lúc mới đến, một tay còn ôm chiếc gối dài và tay kia cầm cái giỏ bé xíu đựng gói xôi. Con im lìm, có sợ hãi như cô An trước mọi điều sẽ đến?

Hai chị em đi “vỗ bụng” ở quán hủ tiếu gần nhà, xong về thu xếp các thứ để ra bến xe.

Chín giờ, xe chuyển bánh. Chị Thảo về trước với Misa, để còn kịp đạp xe đến trường buổi sáng. Thôi em đi đây chị Thảo, Ði khỏi xứ dừa bởi ở đây chẳng có cho em một chỗ đứng nào. Cô An đi đây Misa. Phải chi cô An được phép mang luôn con theo, đến sở thú Sài Gòn xem những đà điểu, cọp, beo, khỉ, gấu, voi, cá... như hôm nào, hay đi tìm cho con một ngọn cỏ non để con nói: “Cô An cầm bông cho em”. Cô An “cột ruồi bu” khi băng vết thương ở chân con để ruồi khỏi bu, cô An “cho con mèo”, cô An “cho con cam”... Tiếc là cô An chẳng thể cho con cả cuộc đời mình. Cô An chẳng có quyền, con có hiểu không Misa?

Xe chạy. Em lau khô hai hàng nước mắt. Những mẩu bánh mì Misa đút (“Cô An ăn bánh mì”) chẳng còn hương vị nào ngọt thơm ở đầu lưỡi. Cô An chẳng buồn ba con đâu, cô An cũng chẳng buồn mẹ con, cô An chẳng khóc nữa đâu. Buổi sáng ba con đã nán lại để chào cô An mà không kịp gặp, con có biết không. Rồi sau này lớn lên, liệu con có hiểu ba mẹ con, cô An của con tội nghiệp như thế nào không?

Phi ơi, có lẽ em phải nghỉ một lúc mới ghi tiếp được. Mệt quá. Em chỉ muốn chép lại đây những đoạn văn trích từ một câu chuyện đã đọc. Hình như của Từ Kế Tường.

“Có thể C. đã hiểu tình cảm của mình ra sao, nhưng giữa C. và chú đã có một khoảng cách. C. và chú chỉ có thể tới gần nhau, nhận ra người này cách người kia bằng một bức tường trong suốt, thấy nhau mà không thể bắt tay nhau được...

... Ngay trong chiều nay, C. sẽ tới một thành phố khác. Ở đó, chắc chắn những cơn mưa sẽ không giống những cơn mưa ở đây. C. sẽ chỉ còn lại bằng một hồi tưởng lạnh của mình, về những cơn mưa ào ạt tới trong thành phố này, cùng với những kỷ niệm ngậm ngùi vương theo mỗi bước chân đi. Adieu...”

Ngày ... tháng ... năm ...

Có thật là Phi đó không. Huế đang mùa trở rét. Và Phi.

Một chuyến đi lẽ ra Phi đã thực hiện từ chín năm trước.

Em chẳng nhớ nổi điều gì đã xảy ra. Hình như có một hy vọng nào đó về khả năng cứu vãn những mất mát. Nỗi niềm yêu thương từ lâu thoi thóp như được phà thêm sức sống.

Và nụ hôn đầu tiên, thực sự đầu tiên mà sao quá đỗi muộn màng...

Ngày ... tháng ... năm ...

Những ngày Tết đã hết. Cơn mưa phùn buổi sáng kéo dài, và cái lạnh vô cùng thấm thía. Cái Tết buồn, với những phút vui đùa hồn nhiên không át nổi những điều lo nghĩ. Nhưng dù sao em cũng đã thành công ở một điểm: em đã “thôi” viết, và những giây phút nhớ cũng đã ít hơn, đỡ “quay cuồng” hơn.

Em không phủ nhận là em đã khóc, đã có những hạt nước mắt âm thầm trong thinh lặng. Tối mồng một, viết cho Misa một cái thư ngắn, em cứ phân vân mãi không biết có nên gửi cho con...

Em đã “ăn” Tết với rất nhiều dự tính. lo toan cho chuyến đi công tác sắp tới ở Hà Nội. Và đón chào ngày sinh nhật của mình với rất nhiều quyết tâm, dù buồn nhiều hơn vui. Có phải em đang cố bám vào những công việc ở trường, ở nhà để bớt đau đầu về nỗi niềm riêng? Không, em không lẩn tránh, trốn chạy, trái lại em sẵn sàng đương đầu, dù có phải nhận chịu sự mất mát lớn lao nhất. Em không hề nhắc tới người bạn xa, dù trong những phút “tận cùng nỗi nhớ”. Chỉ thoáng nhắc đến một tình thân, khi mang gói kẹo của Phi mời cậu học trò cũ. Lạy trời em không phải nhắc đến nữa. Sẽ còn phải cố gắng nhiều lắm, phải thế không Phi.

Ngày sinh nhật thứ hai mươi bảy của em có là một cái mốc, một bước ngoặt hay không. Em đã mở to hai mắt trong đêm tối, trước ngày đó, để tự hỏi và nêu quyết tâm. Tối sinh nhật, em đã tự đốt cháy cổ họng bằng những giọt rượu của ngày vui. Không say, chỉ hơi buốt đầu và ê ẩm ở bụng. Em đi ngủ với tiếng cười lạ lẫm (để trấn an em gái của em) và những hạt nước mắt. Và em đã tự nhủ: em phải sống.

Em phải sống. Ðiều đó có nghĩa là gì nếu không phải là em phải tự làm chủ đời mình, đúng với ước mơ và khuôn phép. Em phải cố, dù có phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Em phải giữ đúng lời hứa với ba má Phi, cũng là ba má nuôi của em, rằng em sẽ luôn xứng đáng với tình thương và lòng tin của ba má. Có thể má sẽ hiểu em hơn bao người khác, nhưng má ơi, làm sao má hiểu hết điều mất mát lớn lao vô chừng mà con đang dọn mình để nhận chịu. Có phải đó là con đường mà cuối cùng cuộc sống sẽ dành cho con, sau nhiều ngày cho con nuôi nấng một tia hy vọng nhỏ nhoi? Những gì mà Phi đã phác hoạ ra trong chuyến về Huế muộn màng cách đây không lâu, sau những thăng trầm chìm nổi, để mớm cho con một tia sáng nhỏ về một hạnh phúc có thể níu kéo trong đạo hạnh và khuôn phép. Nhưng, Phi ơi, làm sao em có thể hy sinh mái ấm và tương lai của Misa để đạt được niềm vui cho chính mình? Bởi với em hình như điều cần nâng niu, chăm chút nhất bây giờ chính là con, đứa con tội nghiệp mà sẽ chẳng bao giờ em được phép gần gũi, đứa con chẳng bao giờ là của em...

Một năm mới, một tuổi mới. Em nhìn em trong gương để bắt gặp một nét buồn, u uẩn. Và một cái gì giống như hạt nước mắt. Nhưng em đã cố mỉm cười. Không, sẽ chẳng ai có thể bắt gặp em với những hạt nước mắt tiếc thương, dù ngày mai vẫn mịt mù và hạnh phúc có lẽ sẽ chẳng bao giờ trở về. Nếu em không thể tìm kiếm cho tim em một nhịp đập mới, và chẳng mong gì bắt gặp bất cứ một nhịp tim nào khác, thì có phải em cũng cần làm thế nào để người bạn xa không còn phải xót xa và tìm được bình an trong đời sống riêng.

Ngày ... tháng ... năm ...

Phi thân yêu, em vừa soạn xong giáo trình từ vựng học cho sinh viên năm bốn hệ năm năm. Ðúng ra có cả phần bài tập thực hành nữa, nhưng bài tập nhiều quá, có lẽ em không nhập chung với phần lý thuyết ni mô. Sáng mai em sẽ ghi lại các câu hỏi có sẵn sau mỗi bài và soạn thêm vài câu hỏi nữa. Như rứa là xong phần của em trong chương trình biên soạn giáo trình lý thuyết tiếng của tổ.

Có lẽ nhờ em mải chúi mũi vào bài vở nên lòng em cũng phần nào bớt quắt quay. Phi ơi, nhưng vẫn có rất nhiều khi, đang tập trung suy nghĩ về một phần giáo trình đang soạn em đã bỗng nhiên nhớ. Nỗi nhớ bùng dậy chiếm cứ lấy em. Cuốn sách tài liệu tham khảo rơi xuống mép giường, và em thì nhắm nghiền mắt, hai tay buông xuôi chẳng còn sức để nắm giữ bất cứ cái gì. Nhưng rồi em cũng vùng dậy, xua tan nỗi nhớ và vùi đầu vào những trang giấy chằng chịt những chữ. Như một tìm quên.

Em vẫn thường tự nhủ An ơi hãy cố gắng. Bao năm qua em đã cố gắng thì vì sao giờ đây em lại có ý định buông tay. Phi ơi, chẳng hiểu sao em cảm thấy khó lòng đạt được điều mơ ước xa xưa tưởng đã lịm tắt từ lâu mà Phi đã nhóm trở lại cho em. Ðã gần một năm kể từ ngày chúng mình gặp lại nhau sau chín năm chia xa. Và đã có một lối thoát nào chưa hở Phi? Mùa hè lại sắp sửa đến rồi đó. Trận mưa trắng xoá trời đất hôm qua đã dứt hẳn rồi, trả lại cho thành phố của em những sợi nắng ấm, dù nắng lúc này đã phần nào bớt dữ dằn hơn. Mùa hè. Bây giờ em không mong gì có được cho mình một chuyến đi nữa. Em không có quyền Phi ơi, dù Phi có nói gì đi nữa. Chúng mình chưa khẳng định được cái gì, chưa thuyết phục được ai về cái đúng của mình, thì em với Phi vẫn phải chịu chia xa nhau thôi. Phi ơi, có phải bây giờ em chỉ còn có một cách duy nhất là chờ đợi. Mùa hè sắp tới càng làm em thêm rối lòng Phi biết không. Nhưng không thể cứ thế này mãi. Hoặc sẽ có điều gì khác đi, hoặc chính em sẽ tạo ra sự chuyển biến. Em vẫn thường hy vọng, tự hứa từng quãng thời gian ngắn: đầu tháng em đợi đến cuối tháng và cứ thế đã bao tháng nay. Gần mười năm ngày hai lăm tháng chín rồi, Phi có nhớ không.

Phi có nhớ trong những ngày ngắn ngủi Phi trở lại Huế, có buổi sáng em dẫn Phi lên Ngự Bình thăm mộ bạn em, sau khi Phi đi đăng ký vé xe và chúng mình cùng đến Tổng Hội Sinh Viên uống cà phê? Ðó là tên bạn vô cùng thân của em, tên bạn đã bỏ cuộc chơi ở trần thế này mà ra đi sau những ngày dài đau đớn vật vã vì bệnh. Em vừa có thêm một cái tang nữa: một đứa học trò cũ khá thân, do sốt thương hàn. Em chẳng được gặp nó trước khi nó ra đi, cũng chẳng len nổi đám đông để vào nhìn mặt nó lần cuối trước giờ nhập quan. Em đã đến phúng điếu cùng với khoa của em ở nhà nó, và dự lễ ở nhà thờ rồi đưa nó đến nơi an nghỉ. Bây giờ em đã xếp đủ hai tập thư: một của bạn em và một của đứa học trò thân, để cất giữ vào một góc riêng. Không việc gì phải ngăn những hàng nước mắt phải không Phi.

Ngày ... tháng ... năm ...

Vậy là em đã xong một nửa thời gian của mùa hè. Tối nay em đã lôi những tấm ảnh của Phi ra nhìn và khóc. Nửa muốn viết cho Phi một cái thư, nửa không muốn vì chẳng biết viết cho Phi cái gì bây giờ. Ôi tháng tám. Có lẽ em không mong gì nhận được tin của người bạn xa đâu phải không. Dấu tích cuối cùng em nhận được của Phi là cái điện tín đến Huế ngày mười bảy tháng bảy. Ðã gần một tháng. Một tháng vắng tin em tưởng đâu đã nhiều năm. Dù chính em đã đề nghị Phi thôi viết thư.

Ðã bao lần em nghĩ đến việc viết cho Phi một cái thư mới, nhưng cố gạt đi, và vùi đầu vào bài vở và công việc đủ loại để khỏi phải nhớ đến nhịp tim tội nghiệp của mình. Tối nay thì em không tài nào yên ổn với sách vở vì lòng tự nhiên đã hẫng đi. Em yếu ớt chứ không cứng cỏi được như mong muốn đâu Phi.

Có lẽ tại cái phao cuối cùng cho em là lớp học ở nhà đã không còn. Nên em đã chao đi. Ðối với mọi người thì đây chỉ đơn giản là thời gian ngơi nghỉ trong hè nhưng với em thì lại là một mất mát lớn. Dù sao em cũng đã vin vào đó mà sống qua một đôi tuần. Một trách nhiệm cụ thể và sự tiếp xúc với lớp học vẫn dễ dàng giúp em quên hơn là những trang sách dày đặc chữ. Trời ơi, em đã đuối hơi, đã tệ tàn đến phải vin vào những điều nhỏ nhặt đó mới sống được hay sao. Rồi em sẽ vin vào đâu nữa để sống nốt trong thời gian sắp đến.

Tự nhiên em thèm một chuyến đi. Em biết là em không có quyền có mặt bên Phi lúc này, nhưng ý nghĩ chợt đến như một ước mơ chân thật nhất. Nhưng rồi có lẽ em cũng sẽ "tổng kết" về mùa hè cũng như đã tổng kết về năm học đã qua. Nghĩa là công việc được đúc kết bằng những kết quả, những con số, còn câu chuyện đau đầu bấy lâu vẫn là một dấu hỏi to. Biết làm sao hơn phải không Phi.

Tại sao chúng mình cứ mãi lặng câm để cho dòng đời trôi đi một cách oan uổng thế này hả Phi. Em gần hụt hơi với cuộc chiến đấu lặng lẽ và đơn độc này rồi. Và ngày tháng thì cứ qua đi qua đi. Liệu nếu “cửa vẫn khép và đời im ỉm khoá” mãi thế này thì em có còn đủ sức để sống đến ngày phán xét cuối cùng hay không. Một ngày qua đi là em có cảm tưởng càng tiến dần đến cái chết của mình. Và mất đi một ngày oan uổng. Liệu hạnh phúc có còn cho chúng mình một ngày mai tươi sáng không Phi. Em phải làm gì đây. Tiếp tục nuôi nấng tin yêu dù đáp lại chỉ là một bức tường không trong suốt? Và thời gian thì mãi cứ trôi qua trôi qua. Hay mím môi bôi xoá hết. Bôi xoá tất cả, ngay cả bản thân mình, cả lẽ sống cuối cùng của mình? Phải chi giờ này có Phi ở đây để em biết, em hiểu và được Phi hiểu. Rồi có phải nghìn trùng cũng can tâm.

Bóng trăng tối nay không sáng lắm. Một khoảng trời lờ mờ. Em như nhìn thấy một thế giới nào khác, lạ lùng, khó hiểu và xa xăm. Nhiều lần em nghĩ đến một lần xuôi tay nhắm mắt, và mọi suy nghĩ của em đều nhằm chuẩn bị cho một lần ra đi đó. Một chuyến đi thanh thản.

Ngày ... tháng ... năm ...

Cuối cùng thì ngày hai lăm tháng chín cũng đã đến. Mặc dù suốt cả ngày em xoay lơ theo công việc ở trường và ở nhà, và mãi đến tối khuya mới rỗi, không phút giây nào em quên rằng ngày hôm nay, cái ngày hai lăm tháng chín này, em chờ đợi đã lâu.

Buổi sáng ngồi ở bàn thư ký đại hội chi đoàn cán bộ khoa, em đã bắt gặp lẫn trong đám đông một người với cái nhìn, nét mặt gợi nhớ đến người bạn xa. Tim đã nhói lên một chút, rồi em đã gạt đi. Chiều nay cúng bà nội em, và tối cúng thêm chè, mang chè về thắp hương cho ông ngoại em, như vậy là xong một ngày...

Ôi hai lăm tháng chín. Em đã mong chờ từ lâu lắm rồi. Ðã mười năm còn gì. Bây giờ em không còn tự cho phép mình “ơi” người bạn xa nữa, cũng không gọi ông là “thân yêu” nữa. Hết thật rồi, hết chẳng còn gì. Mười năm trời chẳng thương mình, để anh làm kẻ bạc tình... Lời hát của ai hay của chính em...

Bây giờ thì em thực sự quyết tâm. Phải mím môi thôi bởi chẳng còn cách nào khác. Em đã mong đợi một chuyến đi, nhưng không có được dù cơ hội đã đến và em cũng vô cùng mong được đi... Và như thế là hai lăm tháng chín lại đến, lạnh lùng và tàn nhẫn, như một lời lẽ đanh thép nhắc nhở lòng tự trọng của em.

Có lẽ đây là những hàng chữ cuối cùng của em ở tập vở này. Em hết có quyền ghi tiếp. Em không ngại khi phải đấu tranh với thử thách để bảo vệ hạnh phúc, nhưng em không thể tự cho phép mình xen vào cuộc sống của bạn em một khi đời sống không cho phép và bạn em chỉ có thể nín câm. Ðừng cho là em oán giận trách cứ gì ai. Cuộc sống chẳng dành cho em cái quyền gì cả, ngay cả quyền trách. Dù nó đã tàn nhẫn với em vô cùng. Em chỉ xứng đáng đón nhận đắng cay như vậy thôi sao.

Em viết những điều này khi đầu đã rất nặng và hai mắt thì đầy trĩu giấc ngủ. Nhưng có lẽ chẳng còn lúc nào để em trở lại với cuốn nhật ký này, dù nó mới chỉ được viết có một nửa số trang. Em viết như vét cạn tất cả sự minh mẫn sáng suốt trong lúc này và ghi những suy nghĩ ra giấy. Rồi ngày mai em sẽ trở lại với sự nín câm và tự ép lòng mình. Nếu với nhiều cố gắng em không thể tìm thấy bình an. Em sẽ dẹp bỏ hết, từ những đồ vật gợi nhớ đến những lá thư, những lời nhắn tin..., dẹp bỏ cả ước mơ và hạnh phúc. Rồi công việc sẽ giúp em mau chóng đứng vững, mau chóng làm chủ đời mình. Tout a une fin kia mà. Tại sao cứ mãi níu kéo một câu chuyện đáng ra phải dứt khoát từ lâu. Tại sao em cứ chiều theo nhịp tim của mình mãi thế. Tại sao em có thể tin là hạnh phúc cuối cùng sẽ đến sau bao năm thử thách, và tin mọi người sẽ hiểu em... Ðể đến hôm nay mọi tình thân ngày nào đều xa lánh em, và người bạn xa cũng đã trở thành xưa cũ.

Mười năm. Ðã đủ cho em giữ trọn thuỷ chung hay chưa. Ðể giờ đây em có thể quẳng đi hết thảy và tập sống một mình, hoặc là nhẫn tâm với bao kỷ niệm cũ hơn, là mím môi bước tới... Mà có lẽ cuối cùng cũng phải thế thôi. Ðể gỡ cho nhau bao nỗi rối lòng.

Liệu em có cần tự nhắc nhủ lòng mình: một khi em đã quyết tâm, thì em sẽ quyết đến cùng?

Một ngày hai lăm tháng chín, sau mười năm thử thách và người bạn xa vẫn không thể gần lại, xin cho em được một lần cuối mím môi. Và nói Adieu.

Adieu.

Adios amor.
------------------------------------------

Hoàng Phi. Hôm nay 15 tháng 2. Ở một nơi xa, có lẽ Phi không còn nhớ những con số ngày tháng này đâu phải không. Điều đó đúng thôi, một khi cuộc sống đã ngăn chia và chúng ta đã từ lâu lui về hai phía.

Em viết những hàng chữ này trong ngày tuổi mới của em. Cũng như hồi em mới ra trường. Nhưng có khác là giờ này mọi cái xa xưa đã thật sự chìm khuất, tất cả chỉ còn là quá khứ, vừa đủ để thỉnh thoảng ôn lại, em có đôi phút ngẩn ngơ.

Hoàng Phi. Đã từ lâu em thôi cái trò chơi tự gợi nhớ và tưởng tượng ra cuộc sống của một người bạn xa. Em đã gạt ra khỏi lòng em một mơ ước, kể từ khi em hiểu và chấp nhận cho em phần thua thiệt nhất trong câu chuyện rối rắm. Có lúc em tưởng em khó lòng vượt qua những ngày khốn khó... Nhưng cuối cùng em đã vượt qua, đã tìm được cho em một lẽ sống mới. Những buồn vui của hiện tại giúp em thôi vọng tưởng về những năm xưa. Điều đó có khiến ông yên tâm hơn trong cuộc sống hay không.

Đôi khi em hình dung ra một cuộc gặp gỡ, em thấy em khóc và Phi thì đành trở về với đời sống nơi xa của Phi. Trong cuộc sống hiện tại của em, em không còn tự làm khổ mình bằng những ý nghĩ “phải chi...” nữa. Không phải em so sánh và lựa chọn hiện tại bởi nó sáng sủa hơn những năm xưa. Nhưng em phải thế. Và em không muốn làm buồn lòng bất kỳ ai, nhất là người bạn đã gắn bó với em trong một sự đồng cảm.

Hoàng Phi ơi. Cái truyện ngắn viết dở về một chuyến đi, về sự gặp lại sau bao năm xa và những diễn biến tiếp đó ... đã mất rồi. Em tưởng ra đến Hà Nội, em sẽ tìm được một chút cảm xúc để viết phần kết, nhưng ở Hà Nội em không tìm được điều gợi ý nào mới mẻ, và cuối cùng, trên đường về em đã mất toàn bộ bản thảo dở dang. Bây giờ em không muốn viết tiếp nữa, cũng không có hứng thú để viết lại những đoạn cũ, dù cố gắng thì em sẽ phần nào tái tạo lại được.

Tối qua em đã tổ chức sinh nhật của mình. Đột xuất và đơn sơ. Ngoài gia đình, chỉ có GN, người mà mạ em đã “bắt cóc” đến. Em đã không hề nghĩ gì đến Phi, cũng không hề nhớ, dù cái chỗ ngày nào Phi mong chiếm cứ thì ngày nay đã thuộc về một người khác. Phi có trách em không? Một đoạn đời hơn mười năm em đã dành cho Phi, cho những ngọt ngào cay đắng... thế cũng đủ để em chết đi một lần. Và em đã hồi sinh trở lại, với một niềm vui chắt lọc từ những rối rắm cuộc đời.

Có lẽ Phi muốn hỏi nhìn về tương lai, em có những điều gì hứa hẹn? Một sự chiến đấu mới, em nghĩ thế. Cũng chưa có gì đảm bảo cho sự bình an và hạnh phúc, nhưng em tin với những yêu thương và cố gắng, với niềm vui được nhân đôi và nỗi buồn phân hai, em sẽ chẳng dừng bước.

Và nếu hôm nay em không dành cho người bạn năm xưa một nỗi nhớ quay cuồng, thì điều đó là đáng mừng thôi phải không Phi. Có lẽ Phi không buồn lòng về em, phải không Phi. Phải đi tới, Phi ạ. Chẳng ai sống hoài với kỷ niệm được đâu. Huống hồ trong cuộc sống hiện nay chúng ta đã tìm được những buồn vui riêng.

Phi sẽ chúc cho em tình yêu, hạnh phúc và bao điều tốt đẹp khác nữa phải không. Em cũng muốn chúc Phi những điều tương tự, dù em vẫn chưa quên nỗi buồn của Phi, về một hạnh phúc ngậm ngùi.

-----------------------------------------

[1] không chấp nhận được, không tha thứ được, thế mà lại đáng thương
[2] sự chung thuỷ phi lý
[3] tất cả đều có kết thúc
[4] không quên được
[5] “anh đã yêu em”
[6] chung thuỷ
[7] vĩnh biệt
[8] tạm biệt
[9] xanh trắng đỏ
[10] Phải đâu một kỷ niệm hạnh phúc trên đời là không thực hơn hạnh phúc?
[11] mong manh dễ vỡ
[12] Mình đơn độc, thực sự đơn độc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire