mercredi 8 octobre 2008

Đọc “Những điều hư thực” (P.N.Trác)

2003
Chữ nghĩa đến với tác giả thật dễ dàng. Như nhảy múa, như xoay tròn trên đôi chân mang đôi ballerine trong một đoản khúc ballet. Tự nhiên, trau chuốt, nhưng không làm dáng. “Những điều hư thực” thoáng nhiều nét thơ. Hãy để cho trái tim của mỗi một chúng ta vươn lên một đoá hồng nhung đỏ thắm mềm mại của Tình Yêu – dù Tình Yêu đó chỉ là “những điều hư thực”.

Chúng ta như được nghe những lời thủ thỉ tâm tình của người đàn ông trong truyện. Đang chơi vơi trong hạnh phúc, đang bềnh bồng nổi trôi trong Tình Yêu muộn màng nhưng cũng đang “đau khổ” vì không thể nào trả lời được những câu hỏi rất đổi đời thường của người đàn bà mình yêu. Giọng kể mềm dịu, đẹp và vô tư về một thuở yêu người. Có những thơ ngây rất đàn bà, rất Huế. “Tại sao anh không nói “iu” em như bao chàng trai đã không ngừng nói đi nói lại với người mình “iu”?” ... “Vì sao anh lại “iu” em? Ừ nhỉ, vì sao cơ chứ? Có biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đáng “iu” hơn, sao lại là em?” ... “Kiếp trước mình gặp nhau chưa anh? Và kiếp sau?...”.

Tuy nhiên vẫn thấy thấp thoáng đâu đó một PTAN không quên được vốn liếng tri thức tích tụ lâu năm ở tác giả... “mặc dù đã lâu em không còn tin vào tình yêu platonique kiểu Alissa và Jérôme trong “Khung cửa hẹp” của Gide...” Nhưng đó chỉ là một thoáng chốc vụt qua thật nhanh như một ánh flash, và như thế không đủ để được gọi là làm dáng với chữ nghĩa.

Tác phẩm, như ta biết, luôn luôn là tấm gương phản chiếu chân dung người sáng tạo. Mặc dầu lối kể chuyện tự nhiên không cầu kỳ, ta cũng thấy rõ tác giả là người giàu tình cảm. Tâm hồn PTAN mở cửa đại hội, tràn ngập yêu thương. Tình yêu dưới mọi hình thức. Linh hồn và thể xác... “Em cũng tin là tình yêu còn có cái khía cạnh vật chất nhục thể của nó, cái phần đam mê thậm chí là u mê phi lý của nó”. Nhưng tất cả đều còn nằm trong giới hạn, gợi ý nhiều hơn là nói thẳng... “được thốt ra giữa lúc em đang cuộn mình như con ốc lọt thỏm trong lòng đại dương là tôi” ... “và tôi chỉ thèm được cắn một cái vào làn da mềm mại nhung tơ của em, nuốt chửng em để có được cái ảm giác đê mê dịu vợi đang tan ra trong nhau, trong vòng tay nồng ấm, trong tình yêu si mê cuồng dại, bấu víu lấy nhau trong một cơn lốc xoáy, chờn vờn, chông chênh, và cùng bị cuốn phăng đi...” ... “trong giây phút thăng hoa, trong cơn mơ màng thần tiên chẳng còn biết đâu là trời đâu là đất như vậy...”... “tôi chỉ còn cách khoá kín miệng em bằng một nụ hôn dịu dàng nhưng cháy bỏng và dứt khoát”. Một số các cây bút nữ của chúng ta thường tỏ vẻ táo bạo, khiêu khích khi mô tả tình yêu sắc dục trên giấy trắng mực đen. PTAN thì không thế. Với tác giả, tất cả đều rất chừng mực. rất “đóng khung” như cuộc sống “em là cô giáo” của nàng. Nhưng qua tâm sự của chàng, thật ra là tác giả đã tự vẽ ra “cái khung đời quá ư chật hẹp không tài nào dung chứa nổi những tình cảm thăng hoa có tính vượt rào như giữa em và tôi” để làm một rào cản cho chính mình. để tự thấy chỗ nào nên ngừng lại, nên chấm dứt.

Tuy nhiên những trách nhiệm của đời thường không hẳn có thể bôi xoá trong ta những kỷ niệm chân thật và thơ mộng. Nếu có thể thỉnh thoảng được an trú trong những nơi chốn ấy trước những thô bạo và vô tình của cuộc sống thì có lẽ điều ấy cũng nên làm lắm. Đời sống, nhiều khi chỉ là nắng cháy hay lạnh băng, thì, như thế, ai nỡ trách chi khi con người có những lúc muốn nhớ về những mưa thơm nắng ngọt của ngày xưa kỷ niệm.

Tôi thích PTAN và những truyện ngắn của cô là vì thế. Văn chương PTAN duyên dáng dịu dàng, pha chút tinh nghịch thông minh, và đặc biệt có rất nhiều chất tươi mát như cỏ cây hoa lá của một nơi chốn quê nhà.


Phạm Ngọc Trác
CA 92708

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire