lundi 10 novembre 2008

«Vĩnh biệt Bessie» (Bernard Clavel)

* Thay lời chào mừng thắng lợi gửi Barack Obama (PT Anh Nga).

Đây là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng với những ai nghĩ rằng nó không giống sự thật thì họ có thể nhớ lại câu chuyện của Bessie Smith, mất ngày 28-09-1937, là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. (B.C.)

Trước tiên, cần phải nói tôi là người da đen. Da đen và quốc tịch Mỹ. Đối với tôi dường như chỉ bấy nhiêu đó cũng đã nói nên khá nhiều. Tôi tên Teddy và anh bạn tôi là Harry. Đã nhiều tuần nay chúng tôi làm việc trong cùng một công xưởng. Chủ xưởng là người da trắng, tên Palmer, một tay tồi tệ chẳng ưa gì người da đen. Ở xưởng của lão, cùng làm một việc nhưng người da trắng hưởng thù lao gấp đôi so với người da đen. Lẽ tất nhiên chuyện ấy bị cấm đoán, nhưng Palmer biết cách thu xếp với những khoản phụ cấp nên đồng lương căn bản vẫn như nhau. Khi anh bạn tôi nêu vấn đề ấy với lão chủ, lão đã cười vào mũi anh mà hét lên:

 - Có lẽ mày không muốn người ta quẳng cho mày một khoản phụ cấp dơ bẩn chứ nhỉ. Mày sẽ không nói là mày ưa nhuộm trắng cái thân của mày chứ?

Khi Palmer nói thế, cả bọn da trắng phá lên cười. Vì chúng đông hơn nên chúng tôi chỉ còn cách im lặng. Nhưng đó chỉ mới là những nỗi khổ quá ư bé nhỏ so với những gì đã xảy đến cho một số người. Những chuyện đó, chúng tôi vẫn còn nhắc đến tối hôm nọ, ở quán rượu của Stang, lúc cảnh sát đến bắt Bob Silver dẫn đi. Anh là một người da trắng đấy chứ, có điều là anh không như những tay da trắng khác.

Khi cảnh sát ập vào quán, lúc đầu tôi cứ tưởng họ đến để vây ráp và rồi chúng tôi lại bị tống giam trong nhiều tiếng đồng hồ, nhưng không, họ xông ngay đến chỗ Bob. Một tên cớm la lên:

 - Coi chừng, có thể nó có vũ khí đấy!

Nhưng hai tên khác đã tóm lấy anh chàng đáng thương, chúng bẻ quặt tay anh ra sau lưng. Tôi nhìn thấy mặt anh nhăn nhó vì đau đớn và nghe anh hét to như người điên:

 - Buông tao ta!... quân khốn nạn, giết người!... Lũ hèn hạ!

Chúng lôi anh đi, và ngay sau đó Stang ra dấu cho các nhạc công tiếp tục. [...] Nhưng riêng tôi, tôi hoàn toàn bị chấn động vì câu chuyện đó của Bob, chẳng phải là chuyện vừa xảy ra đâu, tôi muốn nói đến Bessie kia, cô nàng Bessie đã hát trong quán này cách đây một năm, cô nàng Bessie đã quen với Bob ngay ở bàn tôi và Harry đang ngồi.

[...] Và suốt trong nhiều tháng, đêm nào Bob cũng đến, mỗi lần đến anh đều lặp đi lặp lại không biết mệt rằng anh yêu nàng, anh sẵn sàng chấp nhận tất cả để cưới được nàng. Bessie cười chế giễu anh. Nàng không ưa anh chàng con nhà đó, cái anh chàng đã khước từ cả một cơ nghiệp vì một cô gái da đen. Nhưng Bob kiên trì. Anh biết cách nói chuyện. Anh lại thuộc loại người có đôi mắt biết nhìn. Nhìn mắt anh, người ta thấy được là anh yêu nàng. Chẳng ai nói gì, nhưng mọi người biết thế nào nàng cũng sẽ hiểu điều đó. Và cuối cùng, một tối nọ nàng nói:

 - Bob, em sẵn sàng làm vợ anh, nhưng với một điều kiện.

 - Em nói đi, Bessie.

 - Anh phải để cho em tiếp tục hát.

 - Tất nhiên em sẽ tiếp tục hát. Em sẽ hát cho anh, và cho cả họ nữa, bởi vì không có em, có lẽ họ sẽ không còn nhìn đời như trước được nữa đâu. 

Và cả hai ra đi. Ông bố Silver chửi rủa con trai, ông nói anh có thể dùng bạc tiền mua tất cả bọn con gái da đen trên thế giới nhưng anh không được quyền cưới bất kỳ một đứa nào trong chúng nó. Bob không muốn nghe gì hết thảy: anh để lại cho ông bố Silver những nhà máy, cơ nghiệp và sự khinh miệt của ông đối với dân da màu.

Họ cưới nhau, và Bob tìm được một chỗ làm tốt, đó là nghề chào hàng. Đến tối, cả hai cùng đến đây và Bessie lại tiếp tục hát. Bob thường nhắc đi nhắc lại:

 - Bọn tôi sống thật hạnh phúc. Tôi kiếm được nhiều tiền, từ đây đến một năm nữa bọn tôi đã có thể thuê một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành. Chỉ mong có đủ ba phòng và một ngôi vườn nhỏ. Một mảnh vườn với chiều dài đủ để có thể nằm duỗi người trên cỏ, và chiều ngang đủ chỗ cho cả hai chúng tôi.

Và cuối cùng thì họ có nhà, một ngôi nhà nhỏ. Có cả một căn phòng để tiếp bạn bè. Tôi đến đó đã ba lần. Tôi đến cùng với họ, trên chiếc xe Bob vẫn dùng để di chuyển mỗi lần đi làm... Ba lần... Và chính vào cái ngày chủ nhật thứ ba, lúc chiều tối, trên đường về tai hoạ đã xảy ra.

Suốt ngày hôm đó chúng tôi quay quần bên bếp lửa vì trời không ngớt mưa. Bessie hát cho mỗi chúng tôi. Mưa vẫn không dứt. Bob lái xe không nhanh lắm nhưng con đường lại trơn ướt. Đến một góc đường, anh tránh một người đi xe đạp, thế là anh không điều khiển tay lái được nữa và xe đã đâm vào một cọc tiêu. Hai chúng tôi chẳng việc gì nhưng Bessie thì bị thương. Nàng bị một vết thương lớn ở chân, và máu cứ thế tuôn ra. Trời ơi là máu chảy! Bob như điên lên. Tuy thế anh cũng giúp tôi mang nàng ra khỏi nơi đó, rồi anh bắt đầu ra dấu cho những chiếc xe chạy ngang qua dừng lại. Còn tôi, tôi ở cạnh Bessie, nàng được đặt nằm trên cỏ, mình quấn trong một tấm vải bọc xe. Tôi thấy tấm vải thấm đầy máu. Tôi cầm lấy tay Bessie và tìm cách che mưa cho nàng. Nàng rên rỉ:

 - Cái chân... Tôi cảm thấy máu đang chảy... Đừng bỏ tôi.

Nhiều chiếc xe đã dừng lại. Sáu chiếc, tám chiếc rồi hình như là mười chiếc. Những tay lái xe đưa mắt nhìn và nói:

 - Nhưng đó là một ả da đen, các ông khinh thường tôi quá. Tôi chẳng đi dây bẩn xe mình vì một ả da đen đâu.

Tôi nghe Bob chửi rủa bọn chúng:

 - Nhưng cô ấy là vợ tôi kia mà! Khốn nạn, chúng mày toàn là bọn khốn nạn!

Chúng tôi ở đó suốt nửa tiếng. Sau cùng, một người bộ hành đã gọi xe cứu thương giúp chúng tôi. Bênh viện tư của bác sỉ Stanley gẩn chỗ chúng tôi hơn cả. Khi Bob yêu cầu anh lái xe chở chúng tôi đến đó, người y tá đi cùng nói:

 - Họ không nhận cô ta đâu. Đó là một bệnh viên tư dành cho người da trắng.

 - Họ sẽ nhận mà, Bob khẳng định. Bố tôi với bác sĩ Stanley là bạn thân thiết. Tôi có quen Stanley. Ông ta đã chăm sóc cho tôi hồi tôi còn bé. Bố tôi lại còn có cổ phần trong bệnh viện của ông ta nữa. 

Khi chúng tôi đến nơi, bà giám đốc đã kêu thét lên. Cả bà ta cũng không muốn nghe nhắc đến lũ mọi đen trong cơ ngơi của mình. Bệnh viện có đầy đủ những gì cần thiết để tiếp máu, người phụ tá của Stanley cũng có mặt, nhưng họ không được phép săn sóc bất kỳ một người da màu nào, đó là nguyên tắc.

Người ta đồng ý để Bob gọi điện thoại cho Stanley. Giờ này đây, tôi có cảm tưởng vẫn còn nhìn thấy hình ảnh anh lúc đó, với gương mặt tái nhợt như một xác chết... Thoạt đầu anh còn bình tĩnh, rồi anh hét to vào ống nghe:

 - A lô, bác sĩ Stanlay phải không ạ? ... Bob Silver đây... Ông nhớ chứ. Không, thưa bác sĩ, nhưng cần kíp lắm... Một tai nạn. Nhà tôi ạ, cô ấy mất rất nhiều máu. Tất nhiên... Nhưng họ trả lời là không thể tiếp nhận cô ấy... Vâng... Không được à?... Nhưng đó là điều phải làm mà... Nhưng... Stanlay, ông là một tên khốn nạn... Một tên khốn nạn như bao tên khốn nạn khác.

Bessie đã bất tỉnh. Chúng tôi lại mang băng ca đi và xe cứu thương lại lên đường. Phải mất đến một tiếng đồng hồ mới đến được bệnh viện của Người da đen. Người y tá đã làm tất cả những gì anh ta có thể làm, nhưng quãng đường quá dài. Tất cả là do vấn đề thời gian. Bessie đã tắt thở từ lâu trước khi chúng tôi đến nơi. Mũi nhúm lại, môi mím chặt, người lái xe đã phóng nhanh đến mức có thể. Anh chàng Bob đáng thương thì run rẩy như một chiếc lá. 

Nàng đã chết như thế đấy, mắt nàng không bao giờ còn mở ra nữa, và tay nàng nằm trong tay Bob. 

Nàng được chôn cất thật chu đáo, với sự hiện diện của tất cả những nhạc công ngày nào đã đệm đàn cho nàng hát, tất cả những người da đen đã từng được nàng hát cho nghe, tất cả những ai đã nhờ nàng mà có được đôi chút hy vọng và niềm vui. 

Sau đó Bob biến mất suốt trong bốn ngày. 

Rồi một tối nọ, anh quay trở lại. Không còn nhận ra anh được nữa. Anh ngồi vào bàn của chúng tôi, và anh chỉ nói: 

 - Thế là xong. Stanley đã đền tội.
 

* * * * * * *

Nhà văn Pháp Bernard Clavel sinh năm 1923 trong một gia đình nghèo, bắt đầu viết năm 15 tuổi. Đã đoạt hơn 20 giải thưởng văn chương, trong đó có giải Goncourt năm 1968 với «Những trái cây mùa đông» (Les Fruits de l’hiver). Ông có gần 90 đầu sách được dịch qua 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Tác phẩm của Bernard Clavel phản ánh rất trung thực cuộc sống của ông, một cuộc sống thật, lương thiện và chân tình. Ông đặc biệt quan tâm đến số phận của những con người hèn mọn, khốn khổ, và lên án bạo lực, chiến tranh và những tội ác đối với con người. Tác phẩm của ông có tính nhân văn sâu sắc, với những câu chuyện kể vừa mạnh mẽ vừa giản dị thích ứng với quảng đại quần chúng. Ông có nhiều hoạt động trong các giới báo chí và văn chương Pháp.
 


Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp "Adieu Bessie" của Bernard Clavel
Dịch và giới thiệu: Phạm thị Anh Nga

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire