lundi 19 janvier 2009

BÁO CÁO KHOA HỌC TỔNG QUAN CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO

TRÍCH HỒ SƠ ĐĂNG KÝ
XÉT CÔNG NHẬN CHỨC DANH PHÓ GIÁO SƯ (2007)


TS. Phạm Thị Anh Nga

Trường Đại Học Ngoại Ngữ - Đại Học Huế


DẪN NHẬP


1. Lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ cho thấy tiếp cận ngôn ngữ có thể được tiến hành từ hai góc độ: ngôn ngữ như một hệ thống, với các khía cạnh âm vị học, từ vựng học, hình thái-cú pháp học..., hoặc, mở rộng hơn, ngôn ngữ như một công cụ, hay ngôn ngữ (trong) tình huống, với các bình diện ngữ dụng học, lý thuyết phát ngôn, lý thuyết tương tác ngôn ngữ... cũng như trong giao thoa với các ngành khác, thể hiện ở các bình diện xã hội-ngôn ngữ học, tâm lý-ngôn ngữ học... Bản thân tôi đặc biệt quan tâm đến chuyên ngành Ngữ nghĩa học, là một chuyên ngành của Ngôn ngữ học vừa nghiên cứu ngôn ngữ như một hệ thống vừa nghiên cứu ngôn ngữ như một công cụ hay ngôn ngữ (trong) tình huống. Nếu Ngữ nghĩa học từ vựng (Sémantique lexicale) gắn với nghĩa của từ hay các đơn vị từ vựng, thì Ngữ nghĩa học giải thích (Sémantique interprétative) gắn với nghĩa của các phát ngôn trong tình huống giao lời, nghĩa này ít nhiều mang dấu ấn chủ quan của những người tham thoại (người phát / người nhận).

2. Luận án Tiến sĩ của tôi, bảo vệ năm 2000 tại Đại Học Rouen (Pháp), với tựa đề «‘Những tương tác không hiển nhiên’. Nghiên cứu những giải trình siêu giao tiếp về những cuộc gặp Pháp-Việt trong những tiểu thuyết và truyện kể viết bằng tiếng Pháp» [1], vừa có tính kế thừa đối với những chặng đường nghiên cứu trước đó, vừa gợi ra cho bản thân tôi những hướng nghiên cứu, tìm tòi rộng mở, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu của bản thân và nhu cầu của ngành nghề, của xã hội:

- Kế thừa: Từ luận văn Cao học được bảo vệ thành công ở trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội năm 1982 («Thuyết nghĩa vị và việc giải thích hiện tượng từ ngữ đồng nghĩa trong tiếng Pháp», người hướng dẫn: TS.Trương Đông San), qua đào tạo của trường ĐH Rouen (Pháp) sự gắn bó của bản thân tôi với chuyên ngành Ngữ nghĩa học lại được bồi đắp thêm yếu tố liên văn hoá, thể hiện ở luận văn DEA (tương đương Thạc sĩ) bảo vệ năm 1997 với nhan đề: «Sự tính toán ngữ nghĩa trong giao tiếp liên văn hoá. Trường hợp gặp gỡ giữa người Pháp và người Việt Nam» [2]. Cuối cùng, luận án Tiến sĩ phát triển từ luận văn DEA có chủ điểm gắn với những vướng mắc và vấn đề thường gặp trong giao tiếp liên văn hoá, với góc độ nghiên cứu và công cụ phân tích là Ngữ nghĩa học giải thích, và ngữ liệu được chọn để phân tích là những (trích đoạn) tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp của Pháp và Việt Nam, nằm ở vị trí giao thoa giữa Khoa học ngôn ngữ, Liên văn hoá và Văn học.

- Gợi mở: Nhiệm vụ của một giảng viên Đại học ngành Tiếng Pháp (đặc biệt là Sư Phạm Pháp văn) là vừa giảng dạy chuyên môn Tiếng Pháp, vừa đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Pháp cho xã hội (đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao), vừa tiến hành nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác giảng dạy và đào tạo của mình. Trong bối cảnh đó, ý thức về nhiệm vụ của bản thân và về nhu cầu của xã hội, của đất nước, tôi đã rút ra từ quá trình hoàn thành luận án Tiến sĩ một kinh nghiệm có thể ứng dụng ở đây: đó là hướng nghiên cứu ngôn ngữ Pháp (đối chiếu với ngôn ngữ tiếng Việt) trong tình huống, và trong tương quan với văn hoá, liên văn hoá, văn học, và giáo học pháp ngoại ngữ (hay đào tạo giáo viên ngoại ngữ), vừa gắn với bản chất của ngôn ngữ (công cụ tư duy và giao tiếp) và các mặt hoạt động của nó, vừa gắn với những tình huống ngành nghề và tình huống thực trong cuộc sống của bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp khác.

3. Hướng nghiên cứu nói trên phù hợp với cách nhìn nhận đang được giới nghiên cứu các chuyên ngành khác nhau trên thế giới thừa nhận và đề cao: đó là hướng nghiên cứu mang tính liên ngành (interdisciplinarité), tạo cầu nối giữa các chuyên ngành, các ngành cùng quan tâm nghiên cứu một hay một loại đối tượng. Mỗi chuyên ngành có tính độc lập tương đối của nó, với mục tiêu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và các phương pháp nghiên cứu đặc thù, nhưng giữa những chuyên ngành khác nhau vẫn tồn tại một mối tương quan có tính bổ trợ, hỗ tương, thậm chí tương tác. Một hiện tượng khách quan có thể được tiếp cận, nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, bằng những công cụ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, và kết quả nhờ đó có thể đa dạng, phong phú và chính xác hơn.

Với những lý do trên, việc nghiên cứu và đào tạo của bản thân tôi, với xuất phát điểm là Ngôn ngữ Pháp, có những định hướng như sau: Ngôn ngữ tình huống, Ngôn ngữ trong tương quan với văn hoá và liên văn hoá, Ngôn ngữ trong tương quan với Giáo học pháp ngoại ngữ, Ngôn ngữ trong tương quan với Văn học. Báo cáo này xin tập trung trình bày giai đoạn từ năm 2000 (bảo vệ Tiến sĩ) đến nay.


CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO


Ngôn ngữ học (Khoa học ngôn ngữ) và Ngôn ngữ tình huống


Giới nghiên cứu Ngôn ngữ học ở Pháp thường sử dụng cách gọi Khoa học ngôn ngữ (Sciences du langage) để gọi tên ngành Ngôn ngữ học đã vượt khỏi những giới hạn ban đầu của mình (chỉ nghiên cứu ngôn ngữ như một hệ thống – la langue comme système) để tự mở rộng phạm vi nghiên cứu và quan tâm đến một khía cạnh khác của ngôn ngữ là ngôn ngữ như một công cụ (la langue comme outil). Chính trong chiều hướng này mà các nhà Ngôn ngữ học đã xác định và khai thác ngày càng chuyên sâu hơn các chức năng của ngôn ngữ (fonctions du langage), các hành động lời nói (actes de langage), phân biệt các bình diện phát ngôn và sự phát ngôn (énoncé et énonciation), các cấp độ ngôn ngữ (registres de langue)... Ngôn ngữ không còn được nghiên cứu giới hạn trong các hệ thống âm vị, từ vựng, cú pháp của nó, mà tất cả các yếu tố về âm, từ, ngữ, cú... đó còn được đặt trong ngữ cảnh, tình huống giao tiếp, giao lời, tham thoại, thực hiện đúng bản chất của ngôn ngữ là công cụ tư duy và giao tiếp của con người. Quả vậy, Đại Học Rouen (Pháp) đã xác định chuyên ngành đào tạo thạc sĩ về Khoa học ngôn ngữ của mình là Ngôn ngữ tình huống (Langage en situation), và chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ học ở các trường Đại học ở Việt Nam cũng đã có nhiều chuyên đề về Lý thuyết phát ngôn, Lý thuyết tương tác ngôn ngữ, Ngữ dụng học...

Với cương vị là giảng viên Tiếng Pháp, trên cơ sở các giáo trình tôi đã biên soạn và giảng dạy ở ngành Sư Phạm Pháp văn từ những năm 1983, 1984 (Ngôn ngữ Pháp, soạn chung với Trương Quang Đệ, và Giáo trình Từ vựng học tiếng Pháp, soạn một mình), tôi đã tinh lọc các kiến thức lý thuyết tối thiểu về từ vựng tiếng Pháp cần cho một giáo viên tiếng Pháp, ở các bình diện lịch sử (lịch đại) cũng như miêu tả (đồng đại), có tính đến tính tình huống của từ và nghĩa của từ, đồng thời kết nối với một số yếu tố bổ trợ thuộc các chuyên ngành khác của Ngôn ngữ học như Hình thái học, Cú pháp học, để biên soạn giáo trình rút gọn «Lexicologie française» [Từ vựng học tiếng Pháp], đã được nghiệm thu ở trường ĐH Sư Phạm Huế năm 2002. Giáo trình rút gọn này đã và đang được chính thức sử dụng cho các ngành đào tạo Sư Phạm và Phiên dịch Tiếng Pháp của Khoa Tiếng Pháp trường ĐH Ngoại Ngữ Huế. Ngoài ra, trong đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Pháp và Lý luận và phương pháp dạy học tiếng Pháp của các cơ sở đào tạo ĐH Sư Phạm và ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế, tôi đã đảm nhận trong nhiều năm (từ 2001) các chuyên đề Ngôn ngữ học đại cương, Ngữ nghĩa học, và gần đây nhất là Ngôn ngữ học văn bản (2007). Với tất cả các chuyên đề đó, tôi tiến hành giảng dạy theo phương thức lý thuyết kết hợp với thực hành, đặt trọng tâm vào năng lực khám phá, tư duy của người học, và hướng dẫn người học chủ động tìm tòi phát hiện quy luật hơn là giảng giải một chiều về lý thuyết.

Bên cạnh đó, tôi đã phát triển những thành tựu của luận án Tiến sĩ về nghiên cứu các giải trình siêu giao tiếp (gloses métacommunicationnelles) và sự tính toán ngữ nghĩa (calcul du sens) đúc kết từ những lý thuyết theo trường phái của H-P. Grice (nguyên tắc hợp tác – principe de coopération và nguyên tắc thích đáng – principe de pertinence), của O. Ducrot (các qui luật diễn ngôn - lois du discours), lý thuyết của J. Mœschler (các suy diễn hội thoại – inférences conversationnelles), của B-N. và R. Grunig (nghĩa bên trái / nghĩa bên phải - sens à gauche / sens à droite và sự thất thoát ngữ nghĩa – fuite du sens). Tôi đã ứng dụng những thành tựu đó để nghiên cứu hình ảnh thành phố Huế và con người Huế qua mắt nhìn của “kẻ khác”, bằng cách phân tích những văn bản trích từ ba tác phẩm văn học của Erik Orsenna (Triển lãm thuộc địa – Exposition coloniale, 1988), Jean-Luc Coatalem (Tổ khúc Đông Dương – Suite indochinoise, 1999) và Jean-Claude Guillebaud (Colline des Anges, Retour au Vietnam 1972-1992 – Cồn Tiên, Trở lại Việt Nam 1972-1992, 1992), và kết quả đã công bố trong bài báo :

- «Huế trong mắt ai», Tạp chí Sông Hương (Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên-Huế), Số 159 / 5.2002, trang 22-30

Bài báo này đã được bổ sung, hoàn thiện và bản thân tôi đã dịch toàn văn sang tiếng Pháp, để xuất bản thành một cuốn sách chuyên khảo :

- «Huế trong mắt ai - Hué dans les yeux de...» (Song ngữ), NXB Thuận Hoá 2002, 97 trang.

Cuốn sách này đã được nhiều ý kiến đánh giá tốt, từ phía Việt Nam cũng như từ phía Pháp, và được Jean de la Guérivière đề cập đến trong cuốn chuyên khảo «Indochine – L’envoûtement» [Đông Dương – Sự mê hoặc] (NXB Seuil, 2006, 409 trang). Cũng theo hướng nghiên cứu Ngôn ngữ tình huống đó, tôi đã công bố trên tạp chí Synergies (GERFLINT) của Pháp một công trình nghiên cứu được đánh giá rất tốt :

- «Le bien dire et le dire difficile. Essai de témoignage» [Nghệ thuật ngôn từ và khó khăn trong diễn đạt. Thử minh chứng một trường hợp.], Tạp chí Synergies France - GERFLINT số 5 / 2006 (Les enjeux sociaux du langage), trang 179-187

Ngoài ra, trong thời gian học tập tại Đại Học Rouen, tôi có thực hiện một nghiên cứu ứng dụng lý thuyết Cú pháp học và Ngữ nghĩa học về tính chất chỉ thời (Sémantique de la temporalité) của Laurent Gosselin [3] để phân tích các biểu hiện về thời và thời-thể trong tiếng Việt và các từ đã, đang, sẽ, kết quả thể hiện qua nghiên cứu đã được nghiệm thu và đánh giá cao :

- «Les marqueurs temporels et aspectuo-temporels de la langue vietnamienne» [Những biểu hiện về thời và thời-thể trong tiếng Việt], S.L.4621, Descilac, Khoa Ngữ văn và Nhân văn, ĐH Rouen, 1997, 14 trang.

Một số luận văn tốt nghiệp Đại học về Ngôn ngữ tình huống, viết bằng tiếng Pháp và do tôi hướng dẫn, đã được thực hiện và bảo vệ thành công là :

- «De la sémantique lexicale à l’enrichissement lexical dans l’apprentissage de l’expression écrite en français langue étrangère» [Từ ngữ nghĩa học từ vựng đến việc làm giàu vốn từ vựng phục vụ cho quá trình học diễn đạt viết ngoại ngữ Pháp], SV. Lê Quang Minh Triết, 2003.

- «Des activités pour enrichir le lexique dans l’expression écrite chez les étudiants de 2e année de français - École Supérieure de Langues Étrangères de Hué» [Những hoạt động nhằm làm giàu vốn từ vựng cho sinh viên năm thứ hai khoa Tiếng Pháp ĐH Ngoại Ngữ Huế], SV. Nguyễn Thị Kim Oanh, 2006.


Ngôn ngữ trong tương quan với văn hoá và liên văn hoá


Mặt khác, với vai trò là công cụ cấp cao của xã hội con người, ngôn ngữ được sử dụng luôn chuyển tải một nội dung gắn với ngoại giới, gắn với một hoàn cảnh, một tình huống xã hội, hay một tâm trạng, ý tưởng, tình cảm của con người. Những yếu tố thực tại đó thuộc về một nền văn hoá hay nhiều nền văn hoá, và có lúc ở trong thế tương quan, tiếp xúc, giao tiếp giữa hai nền văn hoá, hay hai chủ thể thuộc hai nền văn hoá khác nhau. Do đó, có thể nói ngôn ngữ luôn gắn với văn hoá, và khó có thể hình dung ra một ngôn ngữ tồn tại bên ngoài văn hoá. Bản thân ngôn ngữ cũng là một thể hiện của văn hoá, đại diện cho một nền văn hoá, một tộc người, một cộng đồng văn hoá, quan hệ giữa người và người. Mặt khác, các đơn vị từ vựng, từ hay ngữ, cũng có thể dung chứa ngay trong nghĩa nội hàm của mình những nét văn hoá gắn với cộng đồng người sử dụng. Nếu từ «kháng chiến» đối với người Việt Nam hàm chứa một trải nghiệm quá khứ kiêu hùng và đầy hy sinh trong sự nghiệp chống ngoại xâm là thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, thì từ «résistance» với người Pháp cũng hàm chứa một ý nghĩa tương tự, nhưng ở đó người Pháp là dân tộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược là quân La Mã, quân Phổ hay Đức quốc xã. Khác với từ «hợp tác» tiếng Việt, «collaborer» trong tiếng Pháp là một động từ rất nhạy cảm, ngoài ý nghĩa ban đầu nó còn gợi lên cho nhiều thế hệ người Pháp hình ảnh những kẻ phản quốc, bắt tay hợp tác với quân thù thời Đức chiếm đóng, đi ngược lại quyền lợi của đất nước Pháp. Đơn giản hơn, dù «famille» - «gia đình» hay «liberté» - «tự do» là những cặp từ tương đương Pháp-Việt, nhưng chúng không dung chứa những nội hàm hoàn toàn giống nhau, do phong tục tập quán, trải nghiệm của hai cộng đồng văn hoá có khác nhau. Tương tự như thế, trong giao tiếp giữa bố mẹ và con cái thì từ «merci» được người Pháp sử dụng nhiều hơn từ «cảm ơn» ở người Việt Nam. GS. Lê Quang Thiêm cũng đã khẳng định [4] rằng “việc nghiên cứu một ngôn ngữ nào đó không thể chỉ giới hạn trong cái hệ thống “tự nó” và “vì nó”. Ích lợi và hiệu quả hơn là nhìn nó trong mối quan hệ với các nhân tố ngôn ngữ-xã hội-lịch sử-văn hoá. Và hơn nữa vấn đề không chỉ giới hạn các hiện tượng và quan hệ đó ở một ngôn ngữ mà là xuyên ngôn ngữ, đối chiếu các ngôn ngữ với nhau.”

Trong tình huống lớp học ngoại ngữ, người học tiếp xúc với ngôn ngữ nước ngoài và đồng thời với cả văn hoá nước ngoài, và tình huống gặp gỡ giữa hai phía «đại diện» cho hai nền văn hoá đó còn là một tình huống giao tiếp liên văn hoá (interculturel). Ngôn ngữ Pháp không còn đơn giản là một hệ thống ký hiệu cố định với những quy luật hoạt động đặc thù của nó, những quy tắc về ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp..., mà những đơn vị cấp độ từ, ngữ, cú... được đặt trong thế tương quan, đối chiếu với các đơn vị tương ứng trong tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, đồng thời cũng hoá thân thành những thực thể sống và thực sự tham gia vào hoạt động của lớp học, phục vụ cho dạy và học, được khám phá và ứng dụng trong cuộc sống. Trong tình huống đó, văn hoá vừa có thể là một tác nhân hỗ trợ, vừa có thể là trở lực và gây phiền toái. Do dó yếu tố văn hoá và liên văn hoá cũng cần được xem xét để phục vụ cho việc tiếp cận với ngôn ngữ nước ngoài hiệu quả hơn.

Ý thức về mối tương quan ngôn ngữ-văn hoá này, từ góc độ một người Việt Nam tiếp xúc với ngoại ngữ Pháp, cũng như một giảng viên Đại học tham gia đào tạo giáo viên tiếng Pháp, một trong những mối quan tâm của tôi là nghiên cứu ngôn ngữ trong tương quan với văn hoá và liên văn hoá. Qua nghiên cứu đối chiếu tục ngữ ca dao của Pháp và Việt Nam về ngôn ngữ-văn hoá, dựa trên cách phân chia các dân tộc ngữ (ethnolectes) và đặc điểm giao tiếp ngôn ngữ của các cộng đồng người, đã được Catherine Kerbrat-Orecchioni tổng kết [5], tôi đã thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ và công bố một số bài báo sau :

- «Nghiên cứu đối chiếu văn hoá ứng xử Pháp-Việt qua tục ngữ ca dao», Đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ, Mã số B2003-09-20, 2003-2005, 97 trang

- «Liên ứng hay xung đột trong văn hoá ứng xử của Pháp và Việt Nam», Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 11(257) / 2005, trang 86-89

- «Vai vế hay quyền lợi của hai bên tương tác trong văn hoá ứng xử của Pháp và Việt Nam (qua ngữ liệu tục ngữ và ca dao)», Tạp chí Sông Hương (Hội LH-VHNT TTH) số 201 / 11.2005, trang 72-75

- «Thể diện nghịch và thể diện thuận trong văn hoá ứng xử của Pháp và Việt Nam (qua phân tích tục ngữ và ca dao)», Thông báo Khoa Học ĐH Sư Phạm Huế số 2(51) / 2005, trang 99-105

- «Tục ngữ ca dao Pháp nhìn từ góc độ ngôn ngữ-văn hoá», Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 3(273) / 2007 trang 73-78

- « Tục ngữ ca dao Pháp nhìn từ góc độ ngôn ngữ-văn hoá», Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Viện KHXH-Viện Nghiên cứu Châu Âu, số 3(78)/2007, trang 56-65

Mặt khác, tôi cũng nghiên cứu những vướng mắc, khó khăn trong tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài, ở bình diện rộng hơn chứ không chỉ là giữa Pháp và Việt Nam, cũng như những đặc điểm về đất nước, con người, ngôn ngữ. Kết quả được thể hiện qua những công trình và bài báo đã công bố sau :

- «Các stéréotype trong giao tiếp liên văn hoá», Đề tài NCKH cấp Trường, Mã số T99-GD-25, 1999-2000, 54 trang

- «Sự khám phá Châu Mỹ và tiếp xúc liên văn hoá», Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 3(261) / 2006, trang 12-17

- «Định hướng trong giao tiếp và nghiên cứu liên văn hoá (1)», Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 11(269) / 2006, trang 10-15

- «Định hướng trong giao tiếp và nghiên cứu liên văn hoá (2)», Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 12(270) / 2006, trang 12-15

- «Tản mạn về con gà ở phương trời Tây», Tạp chí Tia Sáng (Bộ KH-CN) số 5 / 5.2005, trang 53-55

- «Hành trình đi về thế giới bên kia», Tạp chí Tia Sáng (Bộ KH-CN) Số 16 / 8.2006, trang 46-50

Đặc biệt, một tham luận của tôi, viết bằng tiếng Pháp, cũng đã được chọn để trình bày trong Hội thảo quốc tế do ĐH Huế và ĐH Lille (Pháp) tổ chức năm 2005 về François Jullien, một triết gia Pháp đã có nhiều công trình và sách nghiên cứu về Trung Quốc và những ý nghĩa văn hoá của văn tự Trung Quốc (các chữ thời, thế, vô, đạm...). Ngoài ra, tôi đã công bố một nghiên cứu của mình trên tạp chí Hermès của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học của Pháp, trong số chuyên đề về « Pháp ngữ và toàn cầu hoá », đề cập đến vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ và trước xu thế toàn cầu hoá, và vai trò của ngôn ngữ Pháp trên phạm vi thế giới :

- «François Jullien: une lecture et un auto-questionnement », [François Jullien: một cách đọc và những điều tự vấn], Kỷ yếu Hội thảo quốc tế «François Jullien, passeur de pensée et concepteur de rencontres» [François Jullien, từ khơi nguồn tư tưởng đến khai hoa giao lưu] (2005 - ĐH Lille + ĐH Huế), đang in

- «Vivre son identité au Vietnam», [Trải nghiệm bản sắc của mình ở Việt Nam] in «Francophonie et mondialisation» [Pháp ngữ và toàn cầu hoá], Tạp chí Hermès-CNRS (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp) số 40 (2004), trang 62-65

Một số luận văn Thạc sĩ về ngôn ngữ trong tương quan với văn hoá, viết bằng tiếng Pháp và do tôi hướng dẫn, cũng đã được thực hiện và bảo vệ thành công :

- «L’enseignement du français au service du développement du tourisme à Thua Thien-Hué» [Giảng dạy tiếng Pháp gắn liền với phát triển du lịch ở Huế], HV. Võ Đình Lâm, 2002

- «Exploitation de l’aspect culturel en Français sur objectifs spécifiques. Le cas de la 2e année du Département de Cuisine – École d’Hôtellerie et de Tourisme de Hué» [Khai thác khía cạnh văn hoá trong dạy / học tiếng Pháp chuyên ngành của năm thứ hai Khoa Kỹ Thuật Chế biến món ăn Trường Trung học Nghiệp vụ Khách sạn và Du lịch Huế], HV. Hồ Thị Thuý Nga 2005


Ngôn ngữ và ngoại ngữ trong nhà trường (giáo học pháp tiếng Pháp và công tác bồi dưỡng giáo viên)


Một bình diện khác của ngôn ngữ là sự thủ đắc (hay tiếp thu) ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Là giảng viên Đại học có nhiệm vụ dạy ngoại ngữ và đào tạo giáo viên ngoại ngữ, một trong những mối quan tâm của tôi là vận dụng những tri thức của ngôn ngữ học cũng như những ngành khác để tạo hiệu quả cho việc dạy và học ngôn ngữ Pháp, và để đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Pháp có năng lực dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ ở cấp phổ thông. Đóng góp của tôi về khía cạnh này thể hiện trước hết ở những nghiên cứu cá nhân đã công bố trong các dịp Hội thảo khu vực châu Á Thái Bình dương, hay trong nội bộ ĐH Ngoại Ngữ Huế, cũng như trong việc tham gia xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Pháp ở Phổ thông, đặc biệt là góp phần biên soạn Giáo trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Pháp (NXB Giáo Dục) :

- «Perspectives interculturelles dans la formation des enseignants du FLE et pour une meilleure stratégie d’apprentissage des élèves-étudiants» [Quan điểm liên văn hoá trong đào tạo giáo viên ngoại ngữ tiếng Pháp và nhằm cải thiện chiến lược học tập của sinh viên học sinh], Kỷ yếu Hội thảo khu vực ĐNÁ về Giảng dạy tiếng Pháp (Phnom Penh-Campuchia 2002), trang 175-179

- «L’enseignant-chercheur francophone au Vietnam, ses atouts et ses défis», [Giáo viên-nhà nghiên cứu Pháp ngữ ở Việt Nam, những thế mạnh và những thách thức], Kỷ yếu Hội thảo khu vực ĐNÁ về Nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên nghiệp tiếng Pháp (Vũng Tàu 2006), đang in

- «Ranh giới và tính liên thông trong dạy và học ngoại ngữ», Hội thảo Khoa học lần 1 trường ĐH Ngoại Ngữ Huế, Thông báo Khoa Học ĐH Ngoại Ngữ Huế số 1 / 2005, trang 105-112

- «Tương quan giữa văn hoá-văn học và ngôn ngữ. Một số ứng dụng trong dạy / học các kỹ năng thực hành tiếng Pháp», Hội thảo Khoa học Khoa Tiếng Pháp, Thông báo Khoa Học ĐH Ngoại Ngữ Huế số 2 / 2006, trang 115-120

- «Le français continue... Formation continue - Livret pédagogique 1», Giáo trình Đào tạo từ xa dành cho giáo viên tiếng Pháp, NXB Giáo Dục 2004 (Đồng tác giả)

Một số luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, viết bằng tiếng Pháp và do tôi hướng dẫn, đã được thực hiện và bảo vệ thành công :

- «Les activités ludiques dans les classes bilingues à l’école primaire Lê Loi Hué» [Hoạt động vui chơi trong việc dạy và học tiếng Pháp của các lớp song ngữ trường tiểu học Lê Lợi], HV. Hoàng Xuân Diễm Trang, 2001

- «L’utilisation des images dans l’enseignement / apprentissage du français dans le cadre des classes bilingues du primaire» [Sử dụng hình ảnh trong dạy học tiếng Pháp ở các lớp song ngữ], HV. Lê Thị Phương Mỹ, 2001

- «L’enseignement / apprentissage de la culture à travers les documents authentiques de la méthode “Le Nouvel Espaces” à la Faculté des Sciences de Hué» [Việc dạy / học các yếu tố văn hoá qua các tài liệu thực trong giáo trình “Le Nouvel Espaces” tại trường ĐH Khoa Học Huế], HV. Huỳnh Diên Tường Thuỵ, 2002

- «L’évaluation de la compréhension écrite dans l’enseignement / apprentissage de FLE à la Faculté des Sciences de Hué» [Kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc hiểu trong dạy và học tiếng Pháp ở trường Đại Học Khoa Học Huế], HV. Trương Kiều Ngân, 2002

- «Exploitation pédagogique des faits divers pour un public d’étudiants de français langue étrangère de l’Université de Hué» [Khai thác tin vặt trong giảng dạy tiếng Pháp cho đối tượng sinh viên các khoa tiếng Pháp tại Đại Học Huế], HV. Trần Thị Khánh Phước 2003

Ngoài ra, tôi cũng đã hướng dẫn một số luận văn tốt nghiệp Đại học, cũng được viết bằng tiếng Pháp và bảo vệ thành công:

- «Le Q.C.M. en français langue étrangère» [Công cụ đánh giá trắc nghiệm khách quan trong khuôn khổ tiếng Pháp như một ngoại ngữ], SV. Nguyễn Thị Hương Giang, 2002

- «L’utilisation de l’image dans l’enseignement / apprentissage de l’expression orale en FLE» [Việc sử dụng hình ảnh trong dạy / học kỹ năng diễn đạt nói ngoại ngữ Pháp], SV. Nguyễn Thị Xuân, 2003

- «Difficultés en compréhension écrite chez les étudiants de français de 1ère année, Université de Langues Étrangères de Hué» [Những khó khăn trong Đọc hiểu ở sinh viên năm 1 khoa Tiếng Pháp, trường ĐH Ngoại Ngữ Huế], SV. Hoàng Thị Quỳnh Anh, 2005

- «Internet et auto-apprentissage du français chez les étudiants de 3e année de français, Section Pédagogique, École Supérieure de Langues Étrangères de Hué» [Internet và việc tự học của sinh viên năm thứ ba khoa Tiếng Pháp, khối Sư Phạm, trường ĐH Ngoại Ngữ Huế], SV. Hồ Thuỷ An, 2007

Ngoài việc nghiên cứu và hướng dẫn đề tài, năm 1993 tôi đã được Bộ Giáo Dục-Đào Tạo cử sang Trung tâm CIEP (Sèvres-Pháp) tham gia biên soạn Sách giáo khoa Tiếng Pháp cho các lớp 11 và 12 của Việt Nam, theo kế hoạch hợp tác của Bộ GD-ĐT với phía Pháp. Từ tháng 9/1994 đến tháng 5/1995, tôi chủ trì công việc về phía Việt Nam, do chủ biên đã hết hạn, về nước. Kết quả là 2 cuốn Sách giáo khoa (và 2 sách hướng dẫn giáo viên) cuối cùng của hệ 7 năm [6] đã được xuất bản (1995-1997) và chính thức đưa vào sử dụng trong nhiếu năm trên phạm vi toàn quốc, và nhiều lần được tái bản :

- «Tiếng Pháp 11», NXB Giáo Dục (VN) - NXB Hatier/Didier (Pháp), Paris 1995 (Đồng tác giả - Chủ biên: Trương Quang Đệ)

- «Sách giáo viên Tiếng Pháp 11», NXB Giáo Dục, Hà Nội 1995 (Đồng tác giả - Chủ biên: Trương Quang Đệ)

- «Tiếng Pháp 12», NXB Giáo Dục (VN) - NXB Hatier/Didier (Pháp), Paris 1997 (Đồng tác giả - Chủ biên: Trương Quang Đệ)

- «Sách giáo viên Tiếng Pháp 12», NXB Giáo Dục, Hà Nội 1997 (Đồng tác giả - Chủ biên: Trương Quang Đệ)

Từ 1992 đến nay (2007), tôi thường xuyên tham gia công tác bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Pháp ở Phổ thông (thuộc nhiều chương trình dạy tiếng Pháp: song ngữ, ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, chuyên ngữ...), với nhiều nội dung: nâng cao trình độ thực hành tiếng Pháp, tập huấn sách giáo khoa mới, bồi dưỡng về kiến thức ngôn ngữ và văn hoá, văn bản tự sự và thời thức của động từ tiếng Pháp, các kỹ năng Đọc hiểu, kiểm tra-đánh giá ngoại ngữ, đánh giá điều chỉnh ... Từ 2001 đến 2005, tôi là thành viên Nhóm Kỹ thuật của dự án Dạy thí điểm tiếng Pháp ngoại ngữ 2 ở cấp THPT do Bộ GD-ĐT điều động và tổ chức, với các nhiệm vụ: biên soạn và phân bố chương trình, nghiên cứu và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa ADO (NXB Cle International), biên soạn đề kiểm tra học kỳ, đề thi cuối năm, tổng kết về mặt khoa học việc triển khai thí điểm, hỗ trợ về mặt phương pháp, nội dung cho giáo viên trong giảng dạy, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên ... Việc thí điểm này đã được Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết vào tháng 1/2005, hiệu quả được Bộ GD-ĐT đánh giá tốt và quyết định cho nhân rộng việc dạy ngoại ngữ 2 tiếng Pháp cũng như những ngoại ngữ khác. Kinh nghiệm triển khai và tổ chức dạy tiếng Pháp ngoại ngữ 2 của nước ta đã được Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đánh giá cao: tháng 5/2007 OIF đã tổ chức một xê-mi-na và mời đại diện của Bộ GD-ĐT và một số thành viên của Nhóm Kỹ thuật (đã hết nhiệm vụ) báo cáo kinh nghiệm cho các đồng nghiệp hai nước Lào và Campuchia học tập.


Ngôn ngữ trong tương quan với văn học


Cuối cùng, do sự phân công của tổ chức và nhu cầu đào tạo của Khoa Tiếng Pháp trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế, từ vài năm nay tôi đảm nhận thêm môn Văn học Pháp thế kỷ 20, dành cho sinh viên năm 4 khối Sư Phạm (30 tiết) và Phiên dịch (60 tiết). Đây là dịp để tôi đẩy mạnh những suy nghĩ và mối quan tâm của mình về mối tương quan giữa ngôn ngữ và văn học. Thực tế giảng dạy ngoại ngữ Pháp cho thấy rất thường khi việc sử dụng một trích đoạn tác phẩm văn học (thơ Jacques Prévert, Robert Desnos, Paul Verlaine...) để dạy về quy tắc ngữ pháp hay cấu trúc câu sẽ hiệu quả hơn và gây hứng thú hơn rất nhiều cho sinh viên, so với việc dạy“chay” các quy tắc hay chỉ dựa vào những thí dụ ngoài tình huống. Chẳng hạn dạy article défini (mạo từ xác định) qua bài thơ «Déjeuner du matin» [Bữa ăn sáng] của J.Prévert, hay dạy participe passé (quá khứ phân từ) và pronom relatif (đại từ quan hệ) qua bài thơ «Le message» [Thông điệp] cũng của J.Prévert... Chính việc giảng dạy văn học đã tạo điều kiện cho tôi đi sâu phân tích đặc điểm về ngôn từ được sử dụng trong các tác phẩm, những đặc điểm về từ vựng, ngữ nghĩa, cũng như hình thái, cú pháp, và phần nào giúp sinh viên phát hiện và khai thác những đặc điểm đó trong tiếp cận với văn bản văn chương. Thuận lợi của việc tiếp xúc trực tiếp với nguyên bản tiếng Pháp của các tác phẩm là có thể thực hiện quá trình xây dựng nghĩa (construction du sens) trực tiếp với ngôn từ được sử dụng, chứ không qua bản dịch như trường hợp các sinh viên khoa Ngữ văn học văn học Pháp qua bản dịch tiếng Việt. Quá trình đi từ ngôn từ đến ý nghĩa này (sémasiologique) cũng là tái hiện lại quá trình của tác giả bài thơ hay bài văn, đi từ ý tưởng sáng tạo đến sử dụng ngôn từ (onomasiologique). Đây cũng là dịp để người đọc (sinh viên cũng như giáo viên) cảm thụ được tác phẩm qua các đặc điểm về âm thanh (điệp từ, điệp nguyên âm, phụ âm), cũng như thấm nhuần các đặc điểm về ngữ âm của tiếng Pháp: quy tắc đọc nối (liaison), giới hạn các âm tiết (syllabation), đặc biệt là âm tiết mở (syllabation ouverte) là một đặc trưng của tiếng Pháp. Tác phẩm văn chương chính là kết tinh từ lao động của nhà văn hay nhà thơ về ngôn ngữ và kết quả lao động này lại được thể hiện qua ngôn ngữ. Nói như M.Proust («Lettre à Madame Strauss» [Thư gửi Strauss Phu nhân], 1908), việc đọc tác phẩm giúp ta khám phá ra tác giả là người “tạo ra ngôn ngữ của mình”, không phải bằng cách lưu giữ nó, mà bằng cách “không tuân thủ” nó (theo Jean Peytard 1988 [7]). J.Peytard cũng khẳng định: “chiều sâu của một văn bản văn chương nhất thiết phải nằm ở bề mặt của nó”, tức là ở diễn ngôn, ngôn từ, câu cú, văn bản.

Những kinh nghiệm và suy nghĩ nói trên, cùng với nỗ lực nghiên cứu cá nhân đã cho phép tôi thực hiện một tham luận trình bày tại Hội thảo quốc tế tại Cairo (Ai Cập), mà tôi may mắn là đại diện duy nhất của các nước châu Á:

- «La littérature et le texte littéraire en classe de langue», [Văn học và tác phẩm văn học trong lớp học ngoại ngữ], Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Ngôn ngữ và Văn hoá (Cairo-Ai Cập 2004), trang 217-222

Một tham luận khác về dạy văn học Pháp cho người Việt Nam đã được trình bày trong Hội thảo khoa học của Khoa Tiếng Pháp ĐH Ngoại Ngữ Huế :

- «Để việc dạy / học [8] văn học Pháp trong đào tạo Tiếng Pháp ở Đại học thực sự hiệu quả. Một số định hướng và biện pháp cụ thể», Hội thảo Khoa học Khoa Tiếng Pháp, ĐHNN Huế, 6/2007

Gần đây nhất, một bài tham luận của tôi, viết bằng tiếng Pháp, về khả năng chuyển ngữ trong dịch thuật và dịch văn học, cũng đã được chọn báo cáo tại một Hội thảo khoa học. Trong tham luận, tôi so sánh một số nguyên bản các tác phẩm văn học Pháp và các bản dịch được sử dụng dạy ở Việt Nam cũng như phân tích những hiện tượng lệch lạc trong khai thác các bản dịch đó:

- «Traduisibilité vs intraduisibilité – Le cas des textes littéraires et de leur traduction en milieu scolaire» [Khả năng chuyển ngữ trong dịch thuật và dịch văn học – Trường hợp các bản dịch văn học nước ngoài trong nhà trường], Kỷ yếu Hội thảo KH «Công tác dịch thuật và đào tạo cử nhân Phiên-Biên dịch» lần thứ nhất (ĐHNN-ĐH Huế - Trung tâm Hỗ Trợ Nghiên cứu Châu Á-ĐHQG HN) Huế 8/2007, trang 141-171

Ngoài ra, tôi còn có một bài báo đã công bố, đề cập đến các hoạt động liên quan đến thơ và sáng tác thơ, đặc biệt là trong trường học của Pháp, ở những « xưởng sáng tác » nơi thầy và trò cùng đánh vật với ngôn từ, chữ nghĩa và tìm cách làm chủ nó :

- «Những hoạt động về thơ trên đất Pháp», Tạp chí Sông Hương (Hội LH-VHNT TTH) số 184 / 6.2004, trang 110-112

Cuối cùng, tôi đã nỗ lực chuyển ngữ sang tiếng Việt một số trích đoạn tác phẩm văn học hoặc bài viết bằng tiếng Pháp và giới thiệu về các tác giả và tác phẩm đó cho độc giả Việt Nam :

- Jean-Claude Guillebaud: «Bản Công-xéc-tô vĩnh biệt» (dịch và giới thiệu), Tạp chí Sông Hương (Hội LH-VHNT TTH) số 182 / 4.2004, trang 44-47

- Jean-Claude Guillebaud: «Điện Biên Phủ trong ký ức một ký giả Pháp» (dịch và giới thiệu), Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 3(239) / 2004, trang 124-125

- Jean-Claude Guillebaud: «Vị ân nhân được tôn kính» (dịch và giới thiệu), Người Đại biểu Nhân dân số 127(336) / 24.9.2004

- Raymond Queneau: «Một truyện kể theo cách của bạn» (dịch và giới thiệu), Tạp chí Sông Hương (Hội LH-VHNT TTH) số 214 / 12.2006, trang 41-43

- Quim Monzó: «Đừng tự tin đến thế» (dịch và giới thiệu), Tạp chí Sông Hương (Hội LH-VHNT TTH) số 214 / 12.2006, trang 44-47

- Nuno Júdice: «Thư gửi một độc giả thơ trẻ» (dịch và giới thiệu), Tạp chí Sông Hương (Hội LH-VHNT TTH) số 220/ 6.2007, trang 57-58

Một số luận văn Thạc sĩ về lĩnh vực ngôn ngữ-văn học, viết bằng tiếng Pháp và do tôi hướng dẫn, đã được thực hiện và bảo vệ thành công :

- «Les textes littéraires et l’enseignement / apprentissage du français langue étrangère. Le cas du manuel “Le Nouvel Espaces II” au Département de Français de l’École Normale Supérieure de Hué» [Văn bản văn chương và việc dạy / học tiếng Pháp như một ngoại ngữ - Trường hợp giáo trình “Le Nouvel Espaces II” tại Khoa Tiếng Pháp trường Đại Học Sư Phạm Huế], HV. Nguyễn thị Thanh Thuỷ, 2003

- «L’enseignement / apprentissage de la littérature dans le cadre du FLE. Le cas du Département de Français de l’École Normale Supérieure de Hué» [Dạy / học văn học trong khuôn khổ dạy / học ngoại ngữ tiếng Pháp - Trường hợp khoa Pháp văn trường ĐH Sư Phạm Huế], HV. Trần thị Thu Ba, 2004


KẾT LUẬN


Những thành tựu bước đầu nêu trên trong công tác giảng dạy, đào tạo và tự đào tạo và nghiên cứu khoa học của bản thân tôi đã phần nào được đồng nghiệp, lãnh đạo và xã hội thừa nhận và tin cậy. Năm 2007, theo đề nghị của Khoa Tiếng Pháp, Trường Đại Học Ngoại Ngữ Huế và Đại Học Huế, Bộ Giáo Dục-Đào Tạo đã cấp cho tôi Bằng khen do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ký, nhân dịp 50 năm thành lập Đại Học Huế. Tôi cũng đã được Sở Ngoại vụ Tỉnh Thừa Thiên-Huế và Trung tâm văn hoá Pháp tại Huế chọn để giới thiệu cho Đài Truyền thanh Pháp France-Info trực tiếp phỏng vấn (về các chủ điểm: làng quê, gia đình, phong tục tập quán, tuổi trẻ, giáo dục, văn hoá, y tế ...), trong chương trình «France Info ở Việt Nam» (France Info au Vietnam) thực hiện vào tháng 1 năm 2006. Ở Việt Nam, Đài France Info chỉ phỏng vấn 5 người 1 người ở Thành phố Hồ Chí Minh, 3 người ở Huế, và 1 người ở Hà Nội. Chương trình đã được phát trên sóng France Info tại Pháp, trên mạng internet và lưu giữ trên 5 dĩa CD.

Tôi tin rằng những gì đã đạt được trên đây vẫn chỉ là tiền đề để tôi càng nỗ lực nhiều hơn nữa trong nhiệm vụ của một giảng viên Đại học chuyên ngành Tiếng Pháp. Tôi mong mỏi có được nhiều cơ hội học hỏi thêm ở các chuyên gia trong nước cũng như ở nước ngoài thuộc ngành Ngôn ngữ học cũng như các ngành có quan hệ giao thoa với ngành Ngôn ngữ học, để càng ngày càng nâng cao hiệu quả giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu của mình, và thực sự hữu dụng cho xã hội, đất nước.


NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC TIÊU BIỂU NHẤT


TT

Tên tác giả

Tên sách, công trình khoa học

Loại

Tên tạp chí, Nhà xuất bản

Tập / số

Trang

Năm công bố

1

Phạm Thị Anh Nga

Huế trong mắt ai (Hué dans les yeux de...) (Song ngữ)

Sách chuyên khảo

NXB Thuận Hoá


97

2002

2

Phạm Thị Anh Nga

Vivre son identité au Vietnam [Trải nghiệm bản sắc của mình ở Việt Nam]

Bài báo KH

Tạp chí Hermès-CNRS (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp), «Pháp ngữ và toàn cầu hoá»

số 40

62-65

2004

3

Phạm Thị Anh Nga

La littérature et le texte littéraire en classe de langue [Văn học và tác phẩm văn học trong lớp học ngoại ngữ]

Tham luận Hội thảo quốc tế

Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Ngôn ngữ và Văn hoá (Cairo-Ai Cập 2004)


217-222

2004

4

Phạm Thị Anh Nga

Nghiên cứu đối chiếu văn hoá ứng xử Pháp-Việt qua tục ngữ ca dao

Công trình NCKH cấp Bộ

Mã số:

B 2003-09-10


85

2006

5

Phạm Thị Anh Nga

Le bien dire et le dire difficile. Essai de témoignage. [Nghệ thuật ngôn từ và khó khăn trong diễn đạt. Thử minh chứng một trường hợp.]

Bài báo KH

Tạp chí Synergies France - Gerflint (Les enjeux sociaux du langage)

số 5 / 2006

179-187

2006

6

Phạm Thị Anh Nga

Traduisibilité vs intraduisibilité – Le cas des textes littéraires et de leur traduction en milieu scolaire

[Khả năng chuyển ngữ trong dịch thuật và dịch văn học – Trường hợp các bản dịch văn học nước ngoài trong nhà trường]

Tham luận Hội thảo KH

Kỷ yếu Hội thảo KH «Công tác dịch thuật và đào tạo cử nhân Phiên-Biên dịch» (ĐHNN-ĐH Huế - Trung tâm HT NCCA-ĐHQG HN) Huế 8/2007


141-171

2007

[1] «‘Ces interactions qui ne vont pas de soi’. Etude des gloses métacommunicationnelles sur la rencontre Français-Vietnamiens dans des romans et récits d’expression française», Luận án Tiến sĩ ngành Khoa học ngôn ngữ, ĐH Rouen (Pháp) 2000, người hướng dẫn: GS. Bernard Gardin.

[2] «Le calcul du sens dans la communication interculturelle. La rencontre entre Français et Vietnamiens.», Luận văn Thạc sĩ ngành Khoa học Ngôn ngữ, chuyên ngành Ngôn ngữ Tình huống, ĐH Rouen (Pháp), người hướng dẫn: GS. Bernard Gardin.

[3] GOSSELIN Laurent, 1996, Sémantique de la temporalité en français. Un modèle calculatoire et cognitif du temps et de l'aspect [Ngữ nghĩa học về tính chất chỉ thời trong tiếng Pháp. Một mô hình ước tính và nhận thức về thời và thể] , Champs linguistiques, Duculot, Bỉ, 290 trang

[4] LÊ QUANG THIÊM, Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội, 358 trang, 2004 (1989)

[5] KERBRAT-ORECCHIONI Catherine, Les Interactions verbales [Những tương tác ngôn ngữ], Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994

[6] Chương trình biên soạn Sách giáo khoa bao gồm từ lớp 6 đến lớp 12, tôi chỉ tham gia biên soạn cho 2 lớp 11 và 12

[7] PEYTARD J., 1988, “Les usages de la littérature en classe de langue” [Những cách dùng của văn học trong lớp học ngoại ngữ] in BERTRAND D., PLOQUIN F. (Cb), Littérature et enseignement. La perspective du lecteur [Văn học và giảng dạy. Quan điểm của người đọc] , Le français dans le monde, số đặc biệt (tháng 2-3/1988), trang 8-17

[8] Cách ghi “dạy / học” này thể hiện sự thống nhất của hai mặt hoạt động không thể tách rời trong lớp học, giữa thầy và trò (theo quan điểm của R.Galisson), đối lập với các hoạt động “dạy”, “dạy và học”.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire