dimanche 15 février 2009

NHẬN XÉT BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI KHCN CẤP TRƯỜNG CỦA TRẦN THỊ KIM TRÂM (2007)

Tên đề tài : NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MỘT SỐ TÀI LIỆU VÀ HOẠT ĐỘNG DIỄN ĐẠT NÓI - Sinh viên Tiếng Pháp năm I và II - Đại Học Huế

Mã số : T03-GD-80

Người chủ trì : ThS. TRẦN THỊ KIM TRÂM

Đơn vị công tác : Khoa Tiếng Pháp, Đai Học Ngoại Ngữ - ĐH Huế



Nội dung nhận xét



I. Về mục tiêu đề tài:

Đề tài nhằm phục vụ cho việc dạy / học môn diễn đạt nói ở hai năm đầu của Khoa Tiếng Pháp ĐH Ngoại Ngữ Huế, dựa vào việc ứng dụng một phương pháp tiên tiến với nhiều hoạt động tích cực có khả năng thúc đẩy sinh viên diễn đạt tốt hơn.


II. Về hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu:

Báo cáo tổng kết của đề tài được trình bày rõ ràng, hợp lý, cân đối, bao gồm 47 trang (không kể phần phụ lục), phân bố như sau: 2 trang dành cho phần mở đầu, phần nội dung gồm 39 trang (6 trang cho chương 1, 7 trang cho chương 2, 6 trang cho chương 3, 2 trang phần kết luận, 1 trang tư liệu tham khảo. Ngoài ra, trong phần phụ lục, có một bản tham luận của tác giả đã trình bày trong một hội thảo cấp khoa, có liên quan đến đề tài này.

Ngôn ngữ được sử dụng trong sáng, chặt chẽ, tuy thỉnh thoảng có hơi vụng về, lủng củng trong diễn đạt, sai sót trong chính tả (ngay tên đề tài cũng diễn đạt chưa rõ, dễ gây ngộ nhận về nội dung và mục tiêu nghiên cứu).Phần phụ lục có nhiều trang rời rạc, thiếu liên kết.

Tư liệu tham khảo về cơ bản là đủ, xử lý tốt. Cần chú ý trình bày đúng qui định hơn (thí dụ: trường hợp các mục 4 đến 8 cùng thuộc 1 tác giả và trích từ 1 cuốn sách như nhau).

Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu tỏ ra phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Xuất phát từ việc quan sát, điều tra xã hội học và đánh giá tình hình dạy / học môn nói ở năm 1 và năm 2 Khoa Tiếng Pháp, với những khó khăn khó khắc phục, tác giả đã cố gắng tiếp thu một phương pháp tiên tiến, tích cực để vận dụng vào dạy diễn đạt nói, tiến hành dạy thực nghiệm, và đánh giá kết quả.


III. Về nội dung và kết quả nghiên cứu:


Chương 1 với tựa đề “Tình hình dạy và học môn diễn đạt nói năm I và năm II khoa Tiêng Pháp ngành Sư Phạm” đề cập đến thực tiễn của việc dạy / học nói ở hai năm đầu khoa Tiếng Pháp. Tác giả đã trình bày khái quát và có chọn lọc về chương trình phân bố các môn Thực hành tiếng, giáo trình sử dụng, đối tượng học, đồng thời cũng là là đối tượng điều tra của đề tài. Việc lựa chọn các thông tin làm cơ sở để đánh giá thực trạng dạy / học như thế là hợp lý, không sa đà vào những chi tiết thừa. Đặc biệt khi trình bày và nhận xét về cấu trúc của giáo trình Le Nouvel Espaces 1 và 2, tác giả đã có những đánh giá khách quan, ngắn gọn, hợp lý về nội dung ngôn ngữ, mức độ khó, đề tài, và các hoạt động diễn đạt nói của giáo trình. Tuy nhiên có một số khía cạnh còn chưa thật thuyết phục: (1) Trình bày lại thông tin thiếu chính xác (số lượng tiết môn nói năm 1 năm học 2003-2004 là bằng môn nghe (150 tiết, theo bảng) chứ không nhiều hơn như báo cáo đã khẳng định (tr.6); (2) Sử dụng từ ngữ chưa đúng, dễ gây ngộ nhận (tr.8: “trình độ A”, “trình độ B”, tr.10: “ngoại ngữ không chuyên”; tr.12: “sao chép” thay vì “sao chụp”); (3) Câu cú có khi luộm thuôm, khó hiểu (tr.11: “Qua các … khó khăn”, câu hỏi 1 và câu trả lời của bảng điều tra); (4) Từ năm học 2005-2006 đến nay hai kỹ năng nói và nghe có thể dạy phối hợp (tr.26), lợi thế này lại không được nêu ở đây.


Chương 2 với tựa đề “Cơ sở lý luận” trình bày 2 tiêu đề: “Phương pháp thử nghiệm spirale” và “Đặc trưng hình ảnh và phương pháp khai thác hình ảnh của Roland Barthes”. Đây là giai đoạn tác giả tìm đến một công cụ lý thuyết để thử ứng dụng vào thực tế hầu giải quyết những khó khăn trong giảng dạy (đã trình bày trong chương 1). Cấu trúc báo cáo như vậy là hợp lý. Tiếc là ngay trong chương trọng tâm về phương pháp spirale này, người đọc cũng chưa thể thấy “chân dung” của phương pháp tiên tiến này một cách rõ rệt, cũng như chưa nhận ra những đặc trưng chủ yếu của phương pháp. Thay vì trình bày những nhận xét về thuận lợi và khó khăn của phương pháp, lẽ ra tác giả nên bắt đầu bằng việc định nghĩa, mô tả phương pháp (về hình thức, nội dung), nêu đặc điểm của phương pháp, rồi sau đó mới trình bày những thuận lợi, khó khăn khi vận dụng vào thực tế. Ngoài ra, cũng nên điều chỉnh một số thuật ngữ: “đánh giá thường xuyên” là “évaluation continue” chứ không phải “évaluation formative”, mặc dù hai khái niệm này có tương quan với nhau. Ngoài ra, ở chương lý thuyết này, kể cũng nên đề cập đến mối quan hệ giữa hình ảnh và văn bản viết (image et texte), và phân biệt các loại hình ảnh: hình ảnh độc lập, hình ảnh minh họa, hình ảnh kèm lời bình… Tất cả các khía cạnh này đều có thể khai thác ở phần ứng dụng trong lớp học, vì với từng loại hình ảnh đều có cách sử dụng riêng.


Chương 3 có tên là “Khai thác mẫu một số tài liệu nói - Đề nghị một số hoạt động nói” trình bày kết quả vận dụng phương pháp spirale vào trong lớp học để giải quyết những khó khăn trong diễn đạt nói của sinh viên (có tính thực nghiệm), và một số đề xuất cho lớp học. Bảng đối chiếu những khó khăn và các biện pháp khắc phục (tr.21) rất rõ ràng và thuyết phục. Tuy nhiên, cách trình bày nội dung của chương này không được rõ ràng, và không tuân thủ cách ghi chú các bảng, biểu và nguồn gốc của chúng (Phiếu đánh giá và tự đánh giá tr.25-26, các tranh vẽ, hình ảnh tr.29, 34…, các bước tiến hành trong hoạt động diễn đạt nói). Nhìn chung, người đọc không phân biệt được các nội dung được nêu là trích từ trong tư liệu gốc của phương pháp hay do tác giả đề tài đề xuất. Cũng nên tránh dùng những từ tiếng Pháp có thể diễn dịch sang tiếng Việt : “remue-méninges” nên thay bằng “động não”, “spirale” bằng “xoáy trôn ốc” chẳng hạn (nếu đó chỉ là đặc điểm, không phải tên gọi của phương pháp). Một số sai sót trong các câu hỏi của phiếu đánh giá và hoạt động diễn đạt nói nên điều chỉnh. Cuối cùng, về mặt khoa học, thường để đánh giá một chương trình thực nghiệm, thì phải có song song với nhóm thực nghiệm một nhóm khác không áp dụng phương pháp đó (gọi là “groupe-témoin”), và muốn đánh giá hiệu quả, phải so sánh kết quả của 2 nhóm. Thực nghiệm chỉ có kết quả là tốt khi nhóm thực nghiệm có kết quả vượt trội so với nhóm kia, có như thế mới tránh tính chủ quan trong nghiên cứu.


Tóm lại, nhìn chung đề tài đã đạt được mục tiêu đã đề ra, có hiệu quả tốt.


IV. Đánh giá chung:

- Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn

Đề tài đáp ứng một nhu cầu thực sự của nhiệm vụ dạy và học của thầy trò khoa Pháp ĐH Ngoại ngữ Huế.

- Tính khoa học

Kết quả nghiên cứu đề tài chứng tỏ tác giả có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, và có thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu.

- Khả năng ứng dụng vào thực tiễn

Những kết quả của đề tài nghiên cứu nếu áp dụng trong thực tế sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy / học môn nói ở năm 1 và năm 2 khoa Tiếng Pháp nói riêng, và cho tất cả các sinh viên học tiếng Pháp nói chung.

- Về hiệu quả kinh tế, giáo dục...

Báo cáo tổng kết này có thể là tư liệu tham khảo tốt cho giáo viên, và là cơ sở lý luận đáng tin cậy có thể áp dụng vào giảng dạy, và cũng là tư liệu tham khảo cho sinh viên để họ tự hoàn thiện trong việc học môn diễn đạt nói.

V. Những đề xuất:

- Về hình thức, nội dung và phương pháp nghiên cứu

Ngoài một vài sơ suất nhỏ trong sử dụng từ ngữ hay câu cú (đã nêu ở trên), không có sai phạm nào đáng kể, không cần sửa chữa.

- Câu hỏi thêm (nếu có)

1. Xin tác giả giới thiệu rõ hơn và cụ thể hơn về phương pháp spirale : tên gọi, định nghĩa, mô tả (về nội dung, hình thức), đặc trưng, tác giả hay những người đề xướng… “Spirale” là tên gọi hay chỉ là đặc điểm của phương pháp này?

2. Khi ứng dụng trong giảng dạy, tác giả có giới thiệu với sinh viên đó là phương pháp spirale không? Ngoài những đánh giá chủ quan của mình, có những yếu tố khách quan nào cho phép tác giả khẳng định thêm về hiệu quả của phương pháp này?

- Đề nghị đưa ra hội đồng khoa học để nghiệm thu (hoặc không)

Đề nghị đưa ra Hội đồng khoa học để tổ chức nghiệm thu.

- Xếp loại: Tốt.



Huế, ngày 22 tháng 2 năm 2007

Người nhận xét

Phạm thị Anh Nga


1 commentaire:

  1. Anh Nga thân mên,

    Bạn kiên nhẫn .
    Quyên sẽ dành thời gian để chọn lại những bài đăng trên diễn đàn của bạn để đọc kỹ hơn. Một dịp tìm hiểu quan điểm qua các bài viết dàn dưng trong nhiều dịp khác nhau. Và bên cạnh đó khai thác những khía cạnh gần gủi với chuyên đề LSGD của mình. Tuy mới thóang qua (do thời gian chưa cho phép) nhưng Quyên cũng nhận ra được một vài nội dung có thể "khai thác" được [sẽ xin phép tác giã khi có nhu cầu] Các bài viết của Anh Nga rất dễ đọc, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một vốn liếng chuyên môn và ngôn ngữ[tiếng Pháp và tiếng Việt] cần thiết để theo dõi lập luận và ý tưởng đề ra. Ngôn ngữ "lưu lảo" là một điều kiện tất yếu trong môi trường đại học VN ngày nay. Đây cũng là trách nhiệm và mục tiêu cơ bản của quá trình đào tạo chính khóa ở đại học (formation universitaire institutionnelle, tạm dịch như vậy). Cuộc tiếp xúc vừa qua với nhóm SV tình nguyện tham gia các buổi Ateliers về LSGD ở khoa Pháp DHSP SG cho thấy các em có năng lực huy động ngôn ngữ nhạy bén, nhưng chưa có dụng cụ và vật thể khoa hoc [outils et matières scientifiques] để có thể khai thác và đặt ỵêu cầu nâng cao việc học của cá nhân mình trong một môi trường đào tạo đặt biệt.
    Có một bài hát của nhạc sĩ Y Vân tên gọi "Từng bước, từng bước thầm"
    sáng tác trong những năm 60 ở thế kỷ 20.
    Tựa bài hát , theo Quyên, gom tụ ý nghĩa của công việc Anh Nga đang dàn dựng trên mang internet.
    Mạng lưới các họat động khoa học[réseau scientifique] ở VN trong thế ky
    21 sẽ có thể nhờ vào mang nhện [la Toile] để được tổ chức và kết nối chăng ?
    Và như vậy, cần phải có bàn tay chủ động.

    Vài hàng trao đổi,
    Thăm Anh Nga.

    Quyên.
    PTQ [quyen51@gmail.com]

    RépondreSupprimer