samedi 21 mars 2009

Sông Nile trên trời... (4)

(tiếp theo)

Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác
còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi
(Trường ca “Tụng ca mặt trời” của Ikhnaton, vị pharaon-đại thi hào của Ai Cập, vào khoảng năm 1380 trước CN)


4

Tôi bắt đầu dạn dĩ hơn nhờ những lời trấn an của Nathalie về phong cách sống và cách thể hiện của người Ai Cập. Họ “ăn to nói lớn”, ngôn ngữ phát ra thường mạnh mẽ, nghe như hung hãn, dữ dằn, nhưng thâm tâm lại rất lành, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí có thể đi cùng một đoạn dài chỉ để chỉ đường cho một người không quen. Họ cầu kinh nhiều lần trong ngày, và âm thanh tiếng kinh cầu vẫn thường vang lên như thế trên các đường phố. Họ cũng đã quen với sự hiện diện của người nước ngoài và thường tỏ ra hiếu khách. Về những cấm kỵ trong tiếp xúc, thì với họ có thể đề cập đến mọi chuyện, trừ vấn đề tôn giáo. Hôm sau, tôi còn được Éric, chồng Nathalie, cho biết thêm là ở Ai Cập tất cả những gì liên quan đến sex hay khoả thân cũng đặc biệt bị nghiêm cấm. Hôm đó về phòng, tôi lặng lẽ rút cất riêng bức “Ngày sinh thần Vệ Nữ” từ những bộ bưu ảnh tranh Bửu Chỉ mà tôi mang theo để làm quà tặng.
Sáng thứ hai của tôi ở Cairo, tôi lên tầng hai khách sạn, vào phòng ăn là một terrasse lớn để dùng bữa sáng. Không gian thoáng rộng, cách sắp xếp trang nhã và âm nhạc nhẹ nhàng tạo cảm giác rất dễ chịu. Bữa ăn sáng ở khách sạn ba sao này được phục vụ theo kiểu buffet, mỗi người tuỳ nghi chọn cho mình những món ưa thích. Tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ, để có thể vừa ăn chậm rãi vừa nhìn ngắm một góc thành phố bên dưới. Zamalek là một khu phố sang trọng của Cairo, một hòn đảo nhỏ nằm giữa hai nhánh nhỏ của sông Nile, như được dòng sông thương mến ôm gọn vào lòng. Từ bất kỳ nơi nào khác đến Zamalek đều phải đi qua những chiếc cầu vắt ngang sông.
(Terrasse khách sạn Président)
Tôi rời khách sạn, tìm đường đi dạo dọc theo bờ sông Nile.
Ôi sông Nile, “Thiết kế của Người thật tuyệt diệu - Vị Chúa vĩnh hằng ơi - Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác - Còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi...”. Tôi dừng lại ở một góc đường, lẩm nhẩm những câu thơ trích trong trường ca có tên “Tụng ca Mặt Trời” của vị Pharaon tên Ikhnaton. Tôi đọc lại một lần nữa những trang tư liệu mang theo, và tự dưng run run xúc động với mỗi một chi tiết liên quan đến dòng sông huyền thoại: Ikhnaton có nghĩa là “Niềm vui của mặt trời” - Người Ai Cập cho rằng sông Nile bắt nguồn từ trong lòng đất - Ai Cập hầu như không bao giờ có mưa nhưng có sông Nile thì như xứ khác có mưa vậy - Mưa xứ khác được gọi một cách hình tượng là “sông Nile trên trời”.
(Sông Nile huyền thoại)
Rác rưởi và mùi xú uế trên vệ đường Abu El Feda dọc bờ sông Nile tạo cảm giác trần tục nhưng không khiến cho dòng sông giảm đi sức cuốn hút. Chiếc cầu bắc ngang sông giữa một khung cảnh thiên nhiên êm ả tựa như cầu Tràng Tiền trên sông Hương quê tôi, tuy nhìn kỹ sẽ nhận ra hệ thực vật xứ sở này có khác.
Như có phép mầu, trên đường trở về khách sạn, cảm giác ươn ướt trên tóc trên má khiến tôi ngước nhìn lên. Những hạt mưa li ti đang bay bay, nhẹ nhàng rơi xuống. Ôi, “sông Nile trên trời” đây mà, không thể lẫn vào đâu được, nhưng sao lại là trên đất nuớc Ai Cập? Phải chăng đây là món quà chào mừng người khách lạ là tôi, “người xứ khác”? Sông Nile trên trời mưa cho người xứ khác... Đã bao lâu rồi xứ sở này vắng những hạt mưa, và ngay buổi dạo chơi đầu tiên của tôi, tôi đã bắt gặp những hạt mưa quý hiếm bay bay. Là ân sủng của đất trời hay của thần linh?
Cảm giác may mắn ấy còn được nhân lên vào tối đó, khi tôi đến nhà Nathalie và Éric và ăn tối cùng họ, và nó theo tôi trong suốt ba ngày hội thảo. Dù cho bữa ăn tối với hai người bạn Pháp thật đơn giản và Nathalie chỉ mua thức ăn làm sẵn từ tiệm về, và bài tham luận của tôi ở hội thảo kể cũng chẳng có gì là xuất sắc. Ngày tôi báo cáo, cảm giác ban đầu của tôi là vô cùng hoang mang trước một cử toạ mà đa số là khăn trùm đầu kín mít, chỉ một vài người là để đầu trần. Những khuôn mặt như vô cảm, tựa những bức tượng Ai Cập cổ. Hội thảo được tổ chức chia làm nhiều nhóm chuyên đề, ở các phòng khác nhau, và chẳng hiểu sao ở phòng tôi trình bày tham luận lại tập trung đông đảo khăn trùm áo chùng thế này. Amani và một số người hào hứng đặt câu hỏi và thảo luận. Cuối buổi, tôi thất thểu rời phòng, bỗng nhiên nhiều người ùa đến hỏi han, tiếc nuối vì không nghe được tham luận của tôi.
Hội thảo (tại Hội trường)
Có vẻ bài báo cáo của tôi đã được đánh giá tốt và thiên hạ “rỉ tai” nhau như thế. Nhưng tại sao lúc nãy nhìn xuống tôi chỉ bắt gặp những ánh mắt lạ lùng khó hiểu, không lộ cảm xúc gì rõ rệt. Lại một ngộ nhận về văn hoá chăng. Tôi khó lòng nhận ra mối tương quan giữa những cái nhìn vô cảm lúc nãy và những lời khen bất ngờ này.
Nhưng tiếng khen dành cho “đại biểu Việt Nam” cứ thế mà lan ra. Những hôm sau, dù không trình bày tham luận nữa, tôi vẫn được chủ toạ mời đích danh để cho ý kiến và tham gia thảo luận.
Tôi hoàn toàn không tài nào lý giải được vì sao. Tại tôi là đại biểu “da vàng mũi tẹt” duy nhất, là một oiseau rare? Hay đó chẳng qua là một “hội chứng Việt Nam”? Hay bởi tôi trình bày khó hiểu, mà vì muốn tỏ ra đã hiểu được nên thiên hạ xúm nhau khen, và tiếng khen cứ thế mà lan ra dần? Tôi thực sự không hiểu, nhưng ngạc nhiên và buồn cười đến mức tối về, chui vào chăn là cứ ... rúc rích cười.
Hội thảo (trong giờ giải lao)
Mà biết đâu đấy, cũng có thể hương hồn em tôi theo phò hộ cho tôi, bởi ngày còn sống em vẫn thường để lại dấu ấn khó phai ở những trường Đại học của nhiều nước, nơi em đã đặt chân đến dự hội nghị, nghiên cứu hay giảng dạy. Thậm chí có thể em đang “nhập” vào tôi để đón nhận những lời khen tặng nồng nhiệt của mọi người. Tôi quả tình không hiểu nổi chuyện gì đã và đang xảy ra.

(Còn tiếp)
Sông Nile trên trời... (5) : http://phamthianhnga.blogspot.com/2009/05/song-nile-tren-troi-5.html

1 commentaire: