samedi 30 mai 2009

Làm gì để tăng tính chủ động sáng tạo của sinh viên trong học tập


HỘI NGHỊ KHOA HỌC VỀ PPGD – KHOA TIẾNG PHÁP ĐHNN HUẾ 30.5.2009



Tóm tắt: Xuất phát từ một vài tình huống dạy học thực hành tiếng Pháp mà bản thân tôi đã ít nhiều huy động được tính chủ động sáng tạo của sinh viên, trong bài tham luận này tôi sẽ đề cập đến một số khía cạnh giáo học pháp liên quan đến cách dạy và học này : vai trò trung tâm của người học và sự hỗ trợ của giáo viên, những hình thức tự học nói chung và trong học ngoại ngữ nói riêng, đặc biệt với học chế tín chỉ, lợi ích của việc tận dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, của việc khai thác năng lực, ý thích, sự say mê của giới trẻ đối với những phương tiện công nghệ cao, với thế giới ảo, cũng như việc tạo nhu cầu trao đổi, kết nối của sinh viên và giúp sinh viên thực hiện việc kết nối này.


1. Một số tình huống học tập


(Các sản phẩm của sinh viên dưới dạng tư liệu Power-point, Word và Website (blog) )

1. Word «Disons non aux sacs en nylon» (4e année)



2. Power-point «Le monde professionnel» (4e année)



3. Blog «Voyage au cœur du Vietnam» (2e année)

http://phapk4.blogspot.com/


4. Blog «Toujours plus vite, toujours plus loin, toujours plus haut …» (2e année)

http://vuthanhphapk4.blogspot.com/



http://nhungconangnoitieng.blogspot.com/



5. Blog «Apprendre en plein air» (2e année)

http://hoanghue.blogspot.com/2009/04/apprendre-en-plein-air.html




2. Miêu tả những tình huống học tập

Chú thích:

năm 2 – blog: bài tập theo nhóm / cá nhân nạp theo nhóm

năm 4 – texte déclencheur (SV tự tìm), exposé (power point), điều hành thảo luận


3. Cơ sở lý luận và thực tiễn


o Vai trò trung tâm của người học với sự hỗ trợ của giáo viên

Việc đặt trọng tâm vào người học (centration sur l’apprenant) từ 30 năm nay đã được đề cập đến trong Giáo học pháp ngoại ngữ, chứ không chỉ từ vài năm trở lại đây như trong yêu cầu «đổi mới» của ngành Giáo dục Việt Nam.

Người học có vai trò quyết định trong sự thành bại của việc học, thầy cô giáo chỉ là yếu tố phụ trợ, như sách giáo khoa, phương tiện kỹ thuật…, tuy đóng vai trò tích cực hơn do đó là một chủ thể hoạt động tương tác với người học và tác động trực tiếp đến quá trình học, là người đồng hành (accompagnateur), hướng dẫn (guide), nhưng không vì thế mà có tính quyết định trong việc học. Nói như L.Porcher thì: «Không ai có thể học thay cho ai.» (Personne n’apprend à la place de personne). Trong tình huống đó, nhiệm vụ của thầy cô giáo là đồng hành, hỗ trợ, giúp người học đạt kết quả tốt nhất, đạt mục tiêu ở mức cao nhất có thể. Giảng dạy hiệu quả, chính là tác động sao cho người học chủ động cao nhất, học hành hiệu quả nhất.

Ở bậc Đại học, điều này còn rõ rệt hơn, bởi ngoài nhiệm vụ học tập, sinh viên còn phải độc lập tư duy và bước đầu nghiên cứu khoa học.

o Những hình thức tự học nói chung và trong học ngoại ngữ nói riêng

Tự học với nhiều kiểu dạng và nhiều tên gọi khác nhau (auto-apprentissage, autodidactie (autodidaxie?), apprentissage autodirigé hay apprentissage autonome, autoformation…) đã được nhiều đồng nghiệp, sinh viên nghiên cứu và khai thác trong nhiều luận văn, đề tài nghiên cứu KHCN các cấp. Dù ở dạng nào, thì tính chủ động sáng tạo của người học cũng là điểm mấu chốt trong cách học này. Ở đó vai trò của thầy cô giáo hoặc là không có (autodidactie, apprentissage autodirigé hay apprentissage autonome) hoặc chỉ là phụ trợ (adjuvant) như trong trường hợp của những sinh viên tự mày mò tìm hiểu và trau dồi thêm trên cơ sở bài vở đã (hoặc sẽ) tiếp thu ở lớp. Riêng trong hoạt động của lớp học, người học còn phải đóng vai trò chủ động, tự lực và thực sự làm chủ, với sự hướng dẫn, giúp đỡ tích cực và thiết thực của thầy cô giáo.

Riêng đối với ngoại ngữ, việc tự học và chủ động trong học tập có những đặc thù riêng rất thuận lợi vì có thể khai thác khía cạnh «trò chơi» (ludique) của các nhiệm vụ học tập, để vừa học vừa chơi hay giải trí, thư giãn. Ngoài ra, cũng cần tận dụng mối quan hệ khăng khít giữa ngôn ngữ và văn hoá, giữa ngôn ngữ và văn học (thể hiện qua tác phẩm văn học). Một khía cạnh đặc thù khác, là trong học ngoại ngữ ngôn ngữ được học vừa đóng vai trò ngôn ngữ đích (langue-cible) vừa đóng vai trò ngôn ngữ công cụ (langue-outil), điều này vừa có thể là thuận lợi lại vừa có thể là khó khăn cho người học trong việc tự học. Khó khăn hay thuận lợi chính là do phương thức tiếp cận và giải quyết vấn đề, mà qua trải nghiệm cụ thể thì mỗi người sẽ tự học được.

o Học chế tín chỉ (HCTC) với yêu cầu tự học và chủ động trong học tập

Với học chế tín chỉ, tự học và chủ động trong học tập là điều kiện tiên quyết trong hoạt động của người học. Tôi xin trích dẫn 3 ý đã được ghi lại từ buổi giao lưu mà VietNamNet đã phối hợp với VTV2 để tổ chức năm 2006 nhằm giới thiệu về HCTC và những giải pháp để phát huy hiệu quả hình thức đào tạo này:

+ Theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp [1] , để chuyển đổi sang học chế tín chỉ, yêu cầu hàng đầu lúc này là phải đổi mới phương pháp dạy, học theo 3C: Giáo viên chỉ hướng dẫn SV cách học, tăng cường hơn nữa quyền chủ động của SV và khai thác tối đa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nhà trường” (Lan Hương ghi).

+ GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cũng nhấn mạnh: “Đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) kết hợp được cả hai triết lý của giáo dục đại học, đó là: giáo dục cho số đông và cá nhân hoá đào tạo đại học.”

+ Ông Nguyễn Văn Hùng [2] cho rằng: “Hình thức đào tạo niên chế nặng tính bao cấp khiến SV bị “ì”. Ngược lại, với hình thức đào tạo tín chỉ, SV được đặt vào trung tâm, và được phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn và sắp xếp lịch học, có trách nhiệm với quá trình học của mình hơn.


4. Những ý nghĩa rút ra


+ Lợi ích của việc tận dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ việc học (NTIC, power-point, internet, blog…)

+ Lợi ích của việc tận dụng những đặc thù của sinh viên và cố gắng hội nhập với môi trường sinh viên:

o khai thác năng lực, ý thích, sự say mê của giới trẻ đối với những phương tiện công nghệ cao, với thế giới ảo

o kết hợp đánh giá (cho điểm) những hoạt động sáng tạo này của sinh viên, tạo thêm phấn khích cho các em trong việc «học mà chơi, chơi mà học» này

o khai thác nhu cầu tự khẳng định, tự thể hiện mình của tuổi trẻ

o tạo nhu cầu trao đổi, kết nối giữa các sinh viên cùng lớp và khác lớp, và giúp sinh viên thực hiện việc kết nối này


Thay lời kết


Có thể nói, làm thế nào để kết hợp thiên thời, địa lợi, nhân hoà một cách hữu hiệu chính là chìa khoá dẫn đến thành công, dù trước mắt tôi chỉ mới có thể ghi nhận một vài dấu hiệu khả quan ban đầu.



Tư liệu tham khảo :

- Porcher Louis (Dir.), 1992, Les auto-apprentissages, Le français dans le monde, Recherches et applications, Hachette FLE, 159 tr.

- Hồ Thuỷ An, 2007, Internet et auto-apprentissage du français chez les étudiants de 3e année de français, Section pédagogique, ESLE de Hué, Khoá luận tốt nghiệp Đại học, ĐH Ngoại Ngữ ĐH Huế. 96 tr.

- Lan Hương, 2006, «Chuyển sang học chế tín chỉ: Đổi mới theo "3C"» in VietNamNet, 29/8/2006, http://vietnamnet.vn/giaoduc/chuyengiangduong/2006/08/607005/





[1] Nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), tác giả đề án đào tạo theo HCTC của Bộ GD-ĐT

[2] Hiệu trưởng ĐH Xây Dựng, Hà Nội


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire