samedi 27 juin 2009

THẨM ĐỊNH KHỐI LƯỢNG GIAI ĐOẠN I - Đề tài NCKH: ĐỊA CHÍ VĂN HOÁ THỪA THIÊN HUẾ (Chương IV – NGÔN NGỮ)

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


PHIẾU THẨM ĐỊNH KHỐI LƯỢNG GIAI ĐOẠN I

Đề tài Nghiên cứu khoa học: ĐỊA CHÍ VĂN HOÁ THỪA THIÊN HUẾ

Người thực hiện: Trần Đại Vinh, TS. Nguyễn Thị Bạch Nhạn



1. Tên chương, mục thẩm định:

Chương IV – NGÔN NGỮ

2. Họ và tên người thẩm định: PHẠM THỊ ANH NGA

Học vị: Tiến sĩ Chức danh khoa học: Phó Giáo sư

Ngành chuyên môn: Ngôn ngữ



PHẦN Ý KIẾN THẨM ĐỊNH



1. Nhận xét về khối lượng, nội dung các vấn đề được đề cập so với đề cương được duyệt:


So với đề cương được duyệt bao gồm 3 nội dung chính (I. Sự hình thành và phát triển của phương ngữ Huế - II. Đặc điểm ngữ âm trong phương ngữ Huế - III. Đặc điểm ngữ vựng trong phương ngữ Huế), kết quả nghiên cứu (trên tổng số 30 trang, không kể 2 trang Tài liệu tham khảo) đã vừa bao quát được những nét chính vừa triển khai một cách hợp lý hơn, bao gồm những phần sau:

I – Giới thiệu khái quát về thổ ngữ Thừa Thiên Huế

1. Những nguyên tắc chung

2. Vấn đề cơ sở lý luận nghiên cứu phương ngữ địa lý và phương ngữ xã hội qua hình thức phương ngữ thành thị

3. Vị trí của thổ ngữ Thừa Thiên Huế và vấn đề phương ngữ đô thị Huế trong phương ngữ địa lý tiếng Việt và các phương ngữ thành thị khác ở Việt Nam

II – Đặc điểm ngữ âm của thổ ngữ Thừa Thiên Huế

1. Đặc điểm của hệ thống ngữ âm đầu

2. Đặc điểm phần vần

III – Một số đặc điểm ngữ âm đặc thù của tiếng Huế

IV – Đặc điểm từ vựng trong thổ ngữ Huế

IV.1. Hiện tượng bảo lưu vốn từ cổ trong thổ ngữ Huế

IV.1.1. Lớp từ chung trong phương ngữ Trung

IV.1.2. Lớp từ ngữ đặc thù cho thổ ngữ TTH

IV.2. Từ ngữ địa phương TTH

IV.3. Lớp từ thuộc biệt ngữ cung đình

IV.3.1 Đặc điểm cấu tạo

IV.3.2. Đặc điểm ngữ nghĩa

?????????

(Riêng phần liên quan đến ngôn ngữ các tộc người thiểu số miền núi, do tư liệu được chuyển cho tôi thiếu trang 27, nên tôi không thể xác định rõ phần này)

Nhìn chung, việc triển khai nghiên cứu và kết quả thu nhận được là thoả đáng, tuy giữa các phần chưa thật đồng đều, có nội dung được đầu tư khai thác kỹ, có phần thì còn ít.

Đánh giá nội dung này đạt: 90 %


2. Mức độ thành công trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra; cấu trúc và cách trình bày của chương mục trên; khối lượng tài liệu tham khảo và việc sử dụng, trích dẫn tài liệu; các nhận xét, kết luận rút ra trong chương mục này.


Các tác giả đã hoàn toàn có lý trong việc xác định quan điểm xem xét phương ngữ Thừa Thiên Huế trong tính động của nó, chứ không dừng lại ở trạng thái tĩnh, cũng như trong việc giới thiệu những cơ sở lý luận liên quan, và mối tương quan với các phương ngữ khác ở Việt Nam. Những kết luận nhìn chung là rất xác đáng, thú vị cho người quan tâm và đọc, có tính thuyết phục. Một số điểm cần điều chỉnh: từ phần IV.1.2. trở về sau (riêng IV.1.2. không có nội dung gì), các nội dung tiếp nối nhau không được lô-gic, hoặc do cách ghi các phần bị lệch, cần xem lại. Cách trình bày các chương mục cũng chưa rõ ràng, việc trình bày về mặt hình thức nói chung chưa được đầu tư kỹ lưỡng, gây ít nhiều khó khăn cho việc tiếp cận nội dung.


Một số trao đổi:

- tr.16: đối lập giữa «hoa hồng» và «bông hường» phải chăng không chỉ cho phương ngữ TT Huế mà là chung cho các phương ngữ miền Trung và miền Nam? (Thậm chí người Nam bộ có khi nói «màu hường» trong khi người Huế thì không) Ngoài đối lập «ông / ương» («hồng / hường»), phải chăng còn có đối lập «ang / ương» chung cho ngôn ngữ toàn dân (trong các từ «trang / trương», «đang / đương», «đàng / đường», «tràng / trường»…) : «lên đàng» hay «lên đường», «cầu Tràng Tiền» hay «cầu Trường Tiền»

- «heo / lợn» (tr.15), «oải ba sườn» (tr.18) được xếp vào phương ngữ (miền) Trung, phải chăng cũng thuộc phương ngữ miền Nam?

- một số biến thể (do phát âm) của vần («yêng», «eng» thay cho «anh», «đấy» thay cho «đái»…) có thể xếp vào đâu?

- «lời» được xem là biến thể của «nhời» (tr.6). Theo tôi (và cũng dựa vào Từ điển Tiếng Việt của NXB KHXH, và Trung tâm Từ điển học tái bản 1996), thì «nhời» là từ phương ngữ chứ không phải «lời». Ngược lại «lạt» là từ phương ngữ TT Huế tương ứng với từ toàn dân «nhạt», cũng như «lạt lẽo» và «nhạt nhẽo».

- Ngoài ra, một số cách nói rất đặc trưng của cư dân Huế như «(đừng có) mơợc» (= đừng có hòng), «mược» (mặc) (VD : mược kệ, mược sức, mược áo quần), «côi» (= trên), «trốt» (= đầu) và «trốt cúi» (= đầu gối), «tập tàng» (rau tập tàng)… cũng cần được đề cập đến. Cũng như trong lớp từ thuộc biệt ngữ cung đình, những từ «mụ» (dành để gọi hàng Bửu theo Đế hệ thi, cả đàn ông lẫn đàn bà), «mệ» (tương tự, để gọi hàng Ưng) đã được sử dụng rộng rãi trong dân gian mà không mang nghĩa chê bai, nhưng khác với dân hoàng phái là chỉ để gọi đàn bà còn đàn ông thì không.

- Từ «bưa» (tr.20) cũng có thể có nghĩa là ‘’đã đời’’ và không có sắc thái tiêu cực, chê bai (VD: ăn bưa thôi)

- Các tác giả quan niệm thế nào về nguồn ngữ liệu của «Từ điển Tiếng Huế» của tác giả bác sĩ Bùi Minh Đức (Việt kiều Mỹ)? (Không nói đến giá trị khoa học của một từ điển đúng nghĩa, mà chỉ với tư cách một tài liệu sưu tầm và giải thích đặc điểm lời ăn tiếng nói của cư dân TT Huế).

- Xin giải thích vì sao các tác giả đã gọi «thổ ngữ Huế» thay vì «phương ngữ Huế». Gọi «phương ngữ Trung» (tr.15) hay «phương ngữ miền Trung» thì chuẩn xác hơn?

Đánh giá nội dung này đạt: 95 %


3. Về giá trị sử dụng, ứng dụng của kết quả nghiên cứu (nhận xét về ý nghĩa; khả năng , triển vọng của việc ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu):


Lịch sử biên soạn địa chí ở nước ta đã bắt đầu từ rất sớm, vào thế kỷ XV với «Dư địa chí» của Nguyễn Trãi. Công trình địa chí của cả nước hay của một vùng đất từ lâu cũng đã được quan tâm thực hiện, dù có khi thăng khi trầm. Nhưng dù là địa chí có tính tổng hợp hay chuyên ngành, nó đều góp phần tổng hợp những đặc trưng làm nên bản sắc của một đất nước, một vùng đất và giới thiệu với bên ngoài cũng như với bản thân cư dân của nó. Trong xu hướng hội nhập hiện nay của đất nước, công trình biên soạn địa chí văn hoá Huế này sẽ góp phần đáng kể trong gặp gỡ liên văn hoá, một mặt giúp Kẻ khác hiểu biết Huế và cư dân Huế một cách thấu suốt, mặt khác, nó còn giúp cư dân Huế tự soi mình và chủ động hơn trong tương quan với Kẻ khác.

Mặc dù Thừa Thiên Huế đã có «Dư địa chí Thừa Thiên Huế» (tư liệu điện tử, với đường dẫn là http://www1.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook/Default.aspx), nhưng tư liệu đó còn cần đầu tư thêm và cũng chỉ mới đặt trọng tâm về một vài khía cạnh địa dư.

Riêng chương về Ngôn ngữ là một thế mạnh của công trình biên soạn Địa chí văn hoá Huế mà chúng ta đang xem xét. Một mặt do việc dụng ngôn của cư dân vùng đất này có những đặc trưng rất khác với những vùng khác, đồng thời vẫn có một số nét tương đồng, mặt khác khía cạnh ngôn ngữ rất nhiều khi không được quan tâm khai thác hoặc không được khai thác đúng mức trong các công trình biên soạn địa chí khác.

Đánh giá nội dung này đạt: 100 % (khả năng sử dụng được)


4. Đánh giá chung và các đề xuất chỉnh sửa cụ thể:


Đây là một công trình rất có ý nghĩa, có giá trị sử dụng cao và có thể góp phần đáng kể trong việc kiến giải và khẳng định bản sắc và hình ảnh của Thừa Thiên Huế một cách thuyết phục. Phần về Ngôn ngữ có tính công phu và thoả đáng.


Một số đề nghị chỉnh sửa để công trình được hoàn thiện hơn:

- Trong cách ghi ngữ liệu, nên thêm ngoặc kép, chẳng hạn: từ «tin» và từ «tinh» (thay vì: từ tin và từ tinh)

- Qui luật hoà phối thanh (tr.16): nên thêm thí dụ

- Cần chỉnh sửa một số lỗi đánh máy khiến câu hoàn toàn đổi thành ý khác (VD. tr.24: «những nổi gian vất vả»)

- Cần chỉnh sửa chính tả tiếng Pháp: A. de Rhodes (tr.3-4), Syntaxe de la langue vietnamienne (tr.3), Phonétique Annamite (Dialecte du Haut-Annam)

- Cách ghi tài liệu tham khảo cần đồng nhất hơn (bài báo, sách, họ tên tác giả, năm …)

- Bảng tổng hợp: nên đánh số thứ tự các bảng này theo đúng qui định

- Cần xem lại cách phân bố nội dung các phần IV.1.2., IV.2 và IV.3

Đánh giá chung cho chương, mục thẩm định đạt: 100 %



Huế, ngày 26 tháng 6 năm 2009

Người nhận xét

Phạm Thị Anh Nga



(Đánh giá về khối lượng công việc đã thực hiện so với đề cương đã được xét duyệt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire