lundi 15 juin 2009

Sông Nile trên trời... (7)



Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác
còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi
(Trường ca “Tụng ca mặt trời” của Ikhnaton, vị pharaon-đại thi hào của Ai Cập, vào khoảng năm 1380 trước CN)


7

Xế chiều, Nathalie lái xe đưa tôi đến nhà ga, vào tận đường ray xe lửa sắp có chuyến đi Louxor, tần ngần một lúc lâu và tôi phải bảo cô cứ an tâm cô mới chịu ra về. Ắt hẳn cô bạn lo ngại tôi lớ ngớ dám lạc đường, và cô cẩn thận đến mức dẫn tôi đến một đoạn sân ga và dặn cứ đứng nơi ấy là đúng chỗ ngừng của toa tàu tôi sẽ lên: toa 5, số ghế 44.
Quả đúng như vậy. Tôi vừa bước lên tàu vừa thầm cảm ơn cô bạn của mình. Toa tàu sạch sẽ, thoáng đãng. Ghế của tôi ở ngay đầu toa, chỗ ngồi rộng rãi, có nệm êm, tựa lưng ra sau dễ chịu không khác gì ghế hạng thương gia trên các chuyến bay VN Airlines hay Air France. Tôi mỉm cười với người hành khách ngồi bên, một phụ nữ châu Âu có vẻ mặt háo hức cố ghìm, chắc cũng lần đầu phiêu lưu đến xứ sở pharaon.
Con tàu lướt đi êm ả trong đêm, tôi chỉ thức giấc hai ba lần gì đó, ban đầu do người soát vé đến làm nhiệm vụ khi tàu vừa chuyển bánh trong lúc tôi đã ngủ thiếp đi sau một ngày dài mệt nhọc, và về sau những khi tôi nửa tỉnh nửa mê với tiếng còi tàu rền vang trong đêm tối. Khoảng tám giờ sáng, tàu đến Louxor. Tôi theo đoàn người bước ra cổng, không còn hoảng sợ như lúc đến sân bay Cairo. Fadila thấp thỏm từ bên ngoài chờ đón tôi. “Phải chị là bạn của madame Nathalie không?” Tôi mừng rỡ gật đầu, chào Fadila. Người phụ nữ quấn khăn kín đầu chỉ chừa khuôn mặt khả ái ló ra ngoài, xăng xái đi trước tôi, cố gạt sang một bên những tài xế taxi đang tranh nhau mời mọc khách. “Chị không thể lên xe chúng nó đâu, chúng nó sẽ cứa cổ chị ngay đấy. Chị nhớ nhé, không bao giờ tin lời chúng nó nhé.” Fadila ân cần và hớn hở, như với người đã quen thân từ lâu. “Madame Nathalie dặn tôi kỹ lắm, vì chị lần đầu đến đây. Chị đưa tôi ra một xe taxi đang đợi sẵn bên ngoài và cùng leo lên.
(Khách sạn Nefertiti)
Khách sạn Nefertiti thuộc loại phổ cập cho dân du lịch ba lô, là khách sạn mà tôi đã cùng Nathalie chọn hôm nọ từ danh mục các địa chỉ được giới thiệu trong cuốn “Guide du Routard” về Ai Cập. Căn phòng tôi đã đặt trước ở tầng hai, không có cửa sổ nhưng có một cửa ra vào và một cửa lớn khác dẫn ra ban công riêng, một khoảng không gian vừa đủ cho hai người đứng sát vào nhau. Khoá cửa lối ra vào khá tốt, có vẻ chắc chắn, nhưng chốt cửa phía ban công thì đã mòn vẹt, dù có cố cài chặt cách nào thì chỉ cần đưa chân đạp, thậm chí xô nhẹ bằng tay nó cũng bật ra đễ dàng. Nhưng không sao, tôi cũng chẳng có gì để lo lắng. Đồ đạc mang theo vừa đủ những gì cần thiết cho ba ngày, quý giá nhất chỉ là cái máy ảnh cũ Canon và mấy cuộn phim Kodak, nếu không kể cái mạng sống của mình mà tôi tin là vẫn chưa đến lúc gặp điều bất trắc. Buồng vệ sinh, góc để tắm có vòi sen, nước chảy yếu ớt, nhỏ nhẹ nhưng vẫn còn khá hơn điều Nathalie đã dự báo về tình huống không có giọt nước nào vào mùa khô hạn. Chiếc giường đơn khá rộng, một cái bàn nhỏ đầu giường, bức tranh lập thể treo ở tường với những hoạ tiết và màu sắc đặc thù của xứ sở pharaon.
Dù đã ngủ trên suốt chặng đường xe lửa từ Cairo đến Louxor, tôi vẫn chui vào chăn thiếp đi một lúc ngon lành. Tỉnh dậy, tôi loay hoay tìm cách đun nước để làm ngay tô mì ăn liền, nhưng không tìm đâu ra chỗ cắm điện vì thật bất ngờ, tất cả các ổ cắm đều bị bứng mất cả tuy vẫn còn dấu vết. Cuối cùng, tôi cũng khéo léo nối được dây điện của cái đun nước Tefal vào múi dây trong phòng và gật gù thích chí vì “cái khó” đã kịp thời làm “ló cái khôn” và tôi có được một bữa ăn sáng muộn màng nhưng khá tươm, với hương vị rất chi là Việt Nam, có cả cà phê Trung Nguyên đậm đà.
Ở Trung tâm Tiếng Pháp thành phố Louxor, cuối buổi giao lưu với các học trò của Fadila, tôi đã phân phát cho các em nhưng đồng xu Việt Nam để làm kỷ niệm. Ban đầu, các em sợ tôi hết tiền tiêu nên không chịu nhận, nhưng khi thấy tôi cũng vui vẻ hào hứng nhận lại những đồng xu của một em đưa ra trao đổi, cả bọn khoái chí chia nhau những đồng bạc cắc Việt Nam, cả những bưu ảnh mà tôi đã mang theo, sau khi hỏi thật kỹ càng: “Thật chứ, cô nói thật chứ? Chúng cháu được phép giữ những thứ này thật chứ?”
(Hướng đến đền Louxor)
Chia tay bọn trẻ, Fadila đưa tôi đến đền Louxor, không xa Trung tâm Tiếng Pháp lắm, chỉ chừng mươi phút đi bộ là tới. Chương trình tham quan đã được Fadila hoạch định sẵn, và tôi hoàn toàn tán đồng một cách vừa mừng rỡ vừa thán phục. “Madame Nathalie là người tốt lắm, madame Nathalie đã giúp đỡ tôi rất nhiều, nhờ madame mà tôi có công việc làm tốt ở đây. Chị là bạn của madame mà... Fadila hồn nhiên bộc bạch. Và do chị là người Ma-rốc chứ không phải là người Ai Cập như chồng mình, nên trong chuyện công ăn việc làm cũng như những chuyện lặt vặt khác chị thường gặp không ít khó khăn. “Bọn nó rất phân biệt chị ạ. Chúng nhận ra ngay tôi không phải là người Ai Cập. Tôi đã viết thư nhờ madame Nathalie và madame đã tận tình giúp đỡ tôi.

(Còn tiếp)

Sông Nile trên trời (8) : http://phamthianhnga.blogspot.com/2009/07/song-nile-tren-troi-8.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire