vendredi 17 juillet 2009

Sông Nile trên trời... (9)


Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác

còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi

(Trường ca “Tụng ca mặt trời” của Ikhnaton, vị pharaon-đại thi hào của Ai Cập, vào khoảng năm 1380 trước CN)


9


Dù có những nét đặc thù riêng về mặt kiến trúc cũng như chức năng lịch sử, đền Louxor cũng chỉ là một bộ phận khiêm tốn của quần thể đền Karnak. Chúng tôi đến Karnak bằng một phương tiện thật đặc biệt với tôi nhưng vô cùng thông dụng đối với người dân Ai Cập, nhất là tầng lớp nghèo đô thị. Đó là những chiếc minibus xập xệ, di chuyển theo từng tuyến phố và đặc biệt là lộ trình của chúng không hoàn toàn cố định mà có thể linh động tuỳ theo nhu cầu của khách, với điều kiện nơi đến vẫn quẩn quanh khu vực của tuyến chính. Tôi thực sự ấn tượng với phương tiện đi lại này. Fadila cẩn thận hỏi đúng tuyến đi đến khu vực đền Karnak trước khi đề nghị tài xế ngừng lại cho chúng tôi lên. Xe có khoảng năm dãy ghế, có hai người khách cùng ngồi dãy trước cùng với tài xế. Khi chúng tôi bước lên xe, chỉ còn hai dãy cuối là còn trống. Fadila lấy tiền chìa ra dãy ghế ngay trước mặt, và những người đó lại chuyển dần số tiền đó lên cho tài xế. Bác tài chỉ việc mở cái hộp sắt đặt trên bệ trước, ngay cạnh chỗ ngồi, cho tiền vào và đậy nắp. Không có lơ xe. Cứ thề, khách mới lên chuyển tiền dần ra trước, nói chỗ cần xuống, và khách ngồi phía trước chuyển dần tiền lên cho tài xế.

(Lối vào khu đền Karnak, với Fadila, cậu bé Chadi và Mona Fathy)

Fadila nhất quyết không cho tôi trả tiền xe. Thật ra, với số tiền tương đương năm trăm đồng Việt Nam trên một chuyến đi cho mỗi người, thì chẳng đáng để tôi nằn nì trả lại tiền cho chị. Có điều ... vẫn biết đây là xứ dầu lửa, nhưng năm trăm đồng cho một tuyến đi dài vài cây số là điều vượt khỏi mọi sự tiên đoán của tôi. Hơn nữa, tôi để ý thấy tất cả khách lên xe đều tự giác trả tiền. Khi tôi thử hỏi Fadila có bao giờ chị gặp ai đó đi xe “chui” hay không, thì Fadila trố mắt ngạc nhiên: “Ồ không bao giờ chị ạ.”


(Những ngóc ngách riêng ở khu đền Karnak)

Lúc sáng trước đền Louxor Fadila đã tỏ ra vô cùng áy náy khi tôi mua vé vào cổng, dù với tôi đó là việc hoàn toàn bình thường, riêng chị thì tôi chẳng hiểu vì sao chị không cần mua vé vẫn có thể vào. Đến đền Karnak, dù tôi hết sức can ngăn nhưng Fadila vẫn quyết tìm cách đưa tôi vào mà không cần vé vào cửa. Có vẻ như chị rất bất bình khi thấy tôi bị “bóc lột” như thế và với chị đó là điều gì đó cực kỳ vô lý!

Xuống xe, chúng tôi chỉ đi một quãng ngắn là đến đền Karnak. So với đền Louxor, quả thật Karnak rộng lớn hơn rất nhiều và những công trình bằng đá cứ nhấp nhô theo nhiều phong cách và kiểu dáng rất khác nhau. Ở lối vào đền, chúng tôi đợi Mona Fathy là người đã hẹn trước với Fadila để đưa chúng tôi vào. Trong khi chờ đợi, Fadila và tôi tìm chỗ tránh nắng mặc cho cậu bé Chadi cứ thích thú nhày lò cò và chạy lăng quăng. Với Mona Fathy, giám đốc Bảo tàng Ướp xác của thành phố Louxor, những di tích lịch sử này cũng là một phần giang sơn của chị, và chị dễ dàng đưa chúng tôi trong vai “người nhà” qua mọi ải kiểm soát. Đều đó khiến Fadila rất hài lòng và hớn hở. Còn Mona Fathy thì không giấu sự tự hào. Chị chúc chúng tôi một buổi tham quan thú vị và hẹn đến chiều tối sẽ đón tôi đến Bảo tàng Ướp xác trên sông Nile.

Nếu với cấu trúc của đền Louxor những câu chuyện xưa có thể dễ dàng xâu chuỗi thành dòng chảy huyền thoại, truyền thuyết, thì ngược lại, đền Karnak với nhiều công trình đan xen chồng chéo, nhấp nhô, thậm chí “choãi” nhau lại minh chứng rằng đã có nhiều tính cách trái ngược nhau được thể hiện ở khu đền. Mấy nghìn năm về trước, Karnak vẫn luôn là “nhà” của thần Amon và ở thời kỳ nào người phục vụ chính cho Amon cũng chẳng ai khác hơn là bản thân vị pharaon đang trị vì, nhưng do mong muốn tên tuổi của chính mình đời đời gắn với thần Amon nên nhiều pharaon đã tìm cách vượt trội những pharaon tiền nhiệm bằng những công trình độc đáo riêng ở ngay khu đền Karnak này. Thậm chí giữa các pharaon còn có xu hướng phủ định lẫn nhau, khi kẻ đi sau phủ định người đi trước, đến mức phá huỷ và tìm cách xoá sạch dấu tích của tiền nhân, cũng có nghĩa là xoá bỏ cuộc sống ở thế giới bên kia của họ. Để rồi thái độ quá khích đó lại bị hậu thế trừng phạt. Thế là tàn phá, huỷ diệt lại chồng lên tàn phá, huỷ diệt, đời này sang đời khác... Và cuối cùng, tổng thể khu đền Karnak với ba khu vực chính dành cho thần Amon, thần Mout và thần chiến tranh Montou, vẫn luôn là một công trường xây dở. Dở dang không chỉ do quan niệm của người Ai Cập xưa là một ngôi đền chỉ được xem là có sự sống khi đang trong quá trình xây dựng, và một khi đã xây xong nó chỉ còn là một địa điểm chết. Mà dở dang còn do sự loại trừ, trừng phạt và huỷ diệt lẫn nhau giữa các pharaon. Xưa đã thế, mà nay, mấy nghìn năm sau, cảm giác về một công trường ngổn ngang và dang dở ấy dường như vẫn vẹn nguyên.

Thật đáng tiếc trước những sự tàn phá huỷ diệt này, bởi trong suốt nhiều thế kỷ, để vinh danh thần Amon, công cuộc xây dựng khu đền rộng lớn và lẽ ra là hoành tráng nhất Ai Cập này qua các thời kỳ đã huy động một nguồn nhân lực khổng lồ và biết bao thợ gốm, thợ đẻo đá và hoạ sĩ. Đó cũng là nơi thần Amon ngự trị với sự cận kề phục vụ hàng ngày của vị pharaon đương chức và sự hỗ trợ của tám nghìn tu sĩ. Buổi sáng, thần Amon thức dậy trong tiếng nhạc dập dìu, trong không gian thoang thoảng trầm hương, và tối đến, cũng chính pharaon là người khép cánh cửa cho thần Amon.

(Chạm khắc trên đá và chữ hiéroglyphe)

Lợi dụng những tia nắng đang chiếu từ một bên tôi đã chộp được một tấm ảnh ưng ý về một bức chạm khắc trên đá, ở giữa thể hiện một quang cảnh sinh hoạt của người xưa, và phía trên và dưới là những hàng chữ với những mẫu tự hiéroglyphe. Nắng chiếu từ một bên khiến những hình chạm khắc càng thêm đậm nét.

Dẫu cảnh huống và những tình tiết lịch sử đều rất khác, không hiểu sao bỗng dưng những câu thơ xưa cứ vang lên trong tôi như một liên tưởng lạ lùng:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

(Bà Huyện Thanh Quan)

Tôi bất chợt ngẩng đầu nhìn quanh như vừa nghe thấy tiếng ầm vang của những bức tượng và tường thành bị phá huỷ đang đổ sụp xuống, cả tiếng than khóc của đá, của những hình chạm khắc người và thú trên nền đá cổ.

Trước khi rời đền Karnak, tôi kịp vốc một nắm cát và gói ghém cẩn thận để cất giữ, như bảo vật của một chuyến hành hương đến vùng đất huyền thoại.

(Tháp bia trong khu đền Karnak)



(Còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire