samedi 12 janvier 2013

« Tuyển tập Giới và xã hội » (*) (Huỳnh Như Phương)


Ở TP Hồ Chí Minh có hai cơ quan nghiên cứu chuyên về phụ nữ học là Khoa Xã hội học – trước đây mang tên Khoa Phụ nữ học – của Trường Đại học Mở và Trung tâm Nghiên cứu Giới và xã hội của Trường Đại học Hoa Sen. Cả hai nơi đều có sự đóng góp tích cực của TS Thái Thị Ngọc Dư.
         Được thành lập tháng 5-2010, sau hai năm hoạt động, Trung tâm Giới và xã hội đã làm được một số việc có ý nghĩa: xây dựng trang web, phát hành bản tin điện tử bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp để phổ biến thông tin nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới không chỉ cho công chúng phụ nữ mà cho cả xã hội. Đặc biệt, Trung tâm đã tổ chức các đề tài nghiên cứu có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn như giới và giáo dục, giới và lịch sử, giới và các khía cạnh bạo lực.
         Những kết quả nghiên cứu đó bước đầu được tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu trong Tuyển tập Giới và xã hội vừa phát hành. Trong phần nghiên cứu, cuốn sách công bố hai công trình nghiên cứu công phu về lịch sử phụ nữ VN của Bùi Trân Phượng (Việt Nam 1918-1945, giới và hiện đại: sự trỗi dậy những nhận thức và trải nghiệm mớiPhụ nữ và giới trong truyền thống Việt Nam), được trích từ luận án tiến sĩ đã bảo vệ tại Đại học Lyon II. Cuốn sách đăng ba tiểu luận sâu sắc của ba nhà nghiên cứu nữ ở nước ngoài: Cynthia Enloe (Mỹ) với Thắc mắc về tính thiếu hiếu kỳ về nữ quyền; Marguerite Rolline (Pháp) với Giới và xung đột vũ trang. Phụ nữ là nạn nhân, phụ nữ là tác nhân; Tine Gammeltoft (Đan Mạch) với Bên ngoài giới hạn của sự tồn tại: những chuyện kể đáng chú ý về nỗi đau ở Việt Nam. Đóng góp của hai nhà nghiên cứu VN khác cũng hết sức thú vị. Qua việc khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa của nền giáo dục phổ thông ở VN, Trần Hữu Quang đã phát hiện và lý giải những định kiến về giới, xu hướng thiên vị giới và tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại như một vô thức tập thể nơi những người biên soạn. Từ những câu chuyện về thầy giáo Phạm Kiêm Âu ở trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế), Phạm Thị Anh Nga cho thấy sự tận tâm, tài năng sư phạm và tính nghiêm khắc nơi người thầy đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của những thế hệ học trò như thế nào.
          Bên cạnh những bài nghiên cứu dày dặn, tuyển tập cũng dành chỗ giới thiệu những cuốn sách đáng đọc viết về phụ nữ: Nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Những hủ tục bất công trong vòng đời người phụ nữ Việt Nam của Lê Thị Nhâm Tuyết,Ru của Kim Thúy, Hảo nữ Trung Hoa của Hân Nhiên, Xu hướng giới ở Đông Nam Á – phụ nữ ngày nay và phụ nữ trong tương lai, của Theresa W. Devasahayam, Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh của Karen Gottschang Turner và Phan Thanh Hảo. Nội dung tuyển tập càng trở nên sinh động với những ý kiến trao đổi về những vấn đề liên quan đến cuộc sống phụ nữ: Từ “nụ tầm xuân…” đến “tiếc cho cả một giới” (Vũ Đức Vượng); Với nhiều người, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc(Sonya Schoenberger); Tìm cách đưa môn giới vào các chương trình giảng dạy đại học (Thái Thị Ngọc Dư)…
         Đọc Tuyển tập Giới và xã hội, có thể nhận thấy rằng giới và bình đẳng không chỉ là một vấn đề xã hội có tính phong trào mà thực sự là vấn đề học thuật có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, trong nghiên cứu văn học đã hình thành cả một trường phái có tên là phê bình nữ quyền (Feminist Criticism). Cuốn sách này thật sự có ích cho những nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, người cầm bút nữ và nhà hoạt động trên lĩnh vực công tác nữ, vì nó “gợi ra những suy tư mới về những vấn đề xã hội khi được nhìn qua lăng kính giới”. Thật đáng tiếc là sách chỉ in có 300 bản.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
 (*) NXB Thời Đại – Trường Đại học Hoa Sen phát hành quý II – 2012. 

http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/tuyen-tap-gioi-va-xa-hoi-/a70634.html
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=3386%3Atuyn-tp-gii-va-xa-hi-&catid=96%3Agii-thiu-sach-bao&Itemid=126&lang=vi

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire