lundi 25 février 2013

« Một cuốn sách mới về nhà thơ Ngô Kha » (Huỳnh Như Phương)


24-02-2013 06:26:17
PN - Ngày Thơ Việt Nam năm nay, NXB Hội Nhà văn ấn hành cuốn sách Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu. Khổ 16x24cm, dày 468 trang, là công trình giá trị nhất viết về con người và tác phẩm Ngô Kha (1935-1973), nhà thơ độc đáo và có số phận bi tráng ở miền Nam thời chiến tranh.
    Cuốn sách tập hợp đầy đủ bài viết của những người cùng thời, gần gũi và hiểu rõ hoàn cảnh cũng như sự chọn lựa của Ngô Kha: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Khắc Cầm, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Tiêu Dao Bảo Cự, Ngô Minh, Lê Văn Thuyên, Nguyễn Duy Hiền, Trần Kiêm Đoàn, Lê Văn Ngăn… Tác phẩm Ngô Kha lâu nay được phân tích nhiều từ góc độ văn học dấn thân, giờ được đi sâu khám phá thế giới siêu thực, tinh thần hiện sinh và cả ảnh hưởng phân tâm học, cho thấy đây là một tài năng đa dạng của thơ ca hiện đại.
    Cuốn sách kế thừa các tập Thơ Ngô Kha (Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, 1991) và Ngô Kha - ngụ ngôn của một thế hệ (NXB Thuận Hóa, 2005), đồng thời bổ sung nhiều tài liệu, hình ảnh quý hiếm. Đặc biệt, các soạn giả đã chụp lại nguyên vẹn 54 trang Hồ sơ Ngô Kha đăng trên tạp chí Đứng dậy số 65-66, in ronéo, phát hành bí mật tháng 12/1974 nhằm bày tỏ tình liên đới với nhà thơ đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam và mất tích gần hai năm trước đó. Đây là số báo công bố Thư đòi con của bà Cao Thị Uẩn, mẹ nhà thơ; Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha; đặc biệt là Lá thư gửi cho người ở trong tù hay đã bị thủ tiêu của Trịnh Công Sơn…
    Về sáng tác của Ngô Kha, có lẽ vẫn còn một số bản thảo bị thất lạc, nhưng từ trước đến nay, đây là lần tập hợp đầy đủ nhất, bao gồm các tập thơ Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình và những bài thơ rời. Ngô Kha, cũng như những người trẻ làm thơ phản kháng ở miền Nam, đã gánh trên vai một sứ mạng quá hiểm nguy trong một tình cảnh cực đoan của lịch sử, khi thơ ca không chỉ dẫn đến hành động mà còn chính là hành động.
    Trong những nhà thơ đó, theo chúng tôi, Ngô Kha là tác giả mà tác phẩm mang đậm hơi thở hiện đại hơn cả. Trong một thời gian ngắn ngủi chỉ hơn mười năm, nhà thơ vắn số này đã làm một cuộc hành trình nghệ thuật đi qua những miền địa ngục của thế giới siêu thực, đi qua tâm thức hoài nghi và cô độc, đến với cánh đồng ngôn ngữ mà thi sĩ là người gieo hạt cho tương lai.
    Đọc thơ Ngô Kha viết trước ngày hy sinh, ta thấy phảng phất hơi thơ hào sảng của Pablo Neruda ở châu Mỹ la-tinh dưới gót giày của các thế lực quân phiệt, của Agostino Neto ở châu Phi trong vòng kẽm gai của chủ nghĩa thực dân.
    Những người chủ biên cuốn sách này, hai nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Bửu Nam và Phạm Thị Anh Nga đã làm việc cẩn trọng để có một công trình phong phú về nội dung và đẹp về hình thức, xứng đáng với đóng góp của Ngô Kha, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ. Mới đây, hai soạn giả này cũng hoàn thành một công trình được đánh giá cao: Bửu Chỉ - đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian (NXB Hội Nhà văn, 2012). Cả hai cuốn sách đều được thực hiện theo tinh thần thiện nguyện, chi phí ấn loát do sự đóng góp của các thân hữu và những người yêu mến hai nghệ sĩ tài hoa của Huế. Toàn bộ tiền thu được từ việc phát hành hai cuốn sách được dành cho hai quỹ học bổng mang tên Ngô Kha và Bửu Chỉ.
    HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

    http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/mot-cuon-sach-moi-ve-nha-tho-ngo-kha/a87208.html

    Aucun commentaire:

    Enregistrer un commentaire