05.02.2013
Kính thưa Quý vị Đại biểu,
Kính thưa các anh chị em Văn nghệ sĩ và
các
anh chị em trong Phong trào Đô thị
cùng
các bạn thanh niên, sinh viên học sinh Huế,
Trước hết chúng tôi
vô cùng cảm kích vì lời mở đầu đầy ân cần của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội
Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên - Huế về cuốn sách Ngô Kha này.
Đây là cuốn sách mà
qua đó chúng tôi, các nhà nghiên cứu, các bằng hữu, học trò và những người yêu
mến nhà thơ - nhà giáo Ngô Kha muốn bày tỏ tấm lòng mình với ông, một con người
đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng, trong sự nghiệp thơ ca và hành động dấn
thân. Chúng tôi còn coi đây là nén hương để tưởng nhớ một cách có ý nghĩa nhất
trong dịp lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất này của nhà thơ. Ở đây chúng tôi muốn
nói đôi lời về dụng đích của cấu trúc tập sách, cũng như quá trình thực hiện cuốn
sách.
Tập sách này gồm hơn
60 bài viết của các tác giả và một di sản thơ của Ngô Kha được sắp xếp theo một
cách khoa học có thể, cùng với các tư liệu, tranh ảnh.
So với hai tập sách về
Ngô Kha trước đây, cuốn thứ nhất ấn hành vào năm 1991 do Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ
Thuật Thừa Thiên - Huế xuất bản, Thái Ngọc San tuyển chọn, Hoàng Phủ Ngọc Tường
viết lời ngỏ, và cuốn sách “Ngô Kha, ngụ ngôn của một thế hệ” ra mắt năm 2005
do nhóm các anh Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Quốc Thái, Trần Thức, Trần Thanh Văn thực
hiện, thì cuốn sách này thứ nhất vừa kế thừa tất cả những giá trị của hai cuốn
trước, thứ hai vừa bổ sung, làm phong phú hóa với rất nhiều bài viết (gấp 3 lần
cuốn 2005), nhiều góc độ, nhiều cái nhìn khác nhau về con người, sự nghiệp và sự
tồn tại lâu bền của một giá trị Ngô Kha về thơ và mẫu hình của người trí thức dấn
thân, cũng như khí phách và nhân cách của một kẻ sĩ “Bần tiện bất năng di, Uy
vũ bất năng khuất”.
Đặc biệt cuốn này có
sự tham gia đông đảo của một đội ngũ phê bình, nghiên cứu nhiều thế hệ, ở cả ba
miền và các đại học lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế mà họa sĩ Đặng Mậu Tựu
đã có nhắc, trong đó có tên tuổi nhiều người nổi bật như Đỗ Lai Thúy, Huỳnh Như
Phương và một số nhà phê bình trẻ như Diêu Lan Phương, Trần Thị Mỹ Hiền (Nguyên
Hậu), Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Thanh Tâm …
Ở đây có sự đánh giá
lại về thơ Ngô Kha ở cả hai giai đoạn. Chẳng hạn dịch giả - nhà nghiên cứu thơ
Diễm Châu đánh giá Ngô Kha là nhà thơ siêu thực hay nhất, tiêu biểu nhất cả hai
miền trước 1975, Đỗ Lai Thúy cho rằng Ngô Kha có vị trí đặc biệt trong nền thơ
ca tìm tòi và cách tân của Việt Nam, Huỳnh Như Phương thì đánh giá Ngô Kha là
nhà thơ dấn thân đậm chất hiện đại nhất và có phong cách nhất. Đặc biệt là sự
đánh giá này được các nhà nghiên cứu như Trần Hữu Tá đồng tình. Tên tuổi Ngô
Kha còn được đưa lên Poster trong Festival Thơ lần thứ 5 được tổ chức ở Hà Nội.
Ở phần một của tập sách,
còn có nỗ lực giải mã tập thơ thành tựu nhất của Ngô Kha trong giai đoạn thứ nhất
là “Ngụ ngôn của người đãng trí” với cụm bài viết của PGS.TS. Phạm thị Anh Nga,
TS. Diêu Lan Phương, TS. Nguyễn Thanh Tâm, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh và nhà
văn Trần Thùy Mai dưới nhiều góc độ từ các thi ảnh, ngôn ngữ, phân tích trí tưởng
tượng sáng tạo lạ lùng với các ám ảnh và giá trị nhân bản cùng giá trị nghệ thuật
của ông.
Các chủ điểm về thơ
Ngô Kha như thơ siêu thực, chất hiện sinh, vấn đề trường ca và thơ tự do cũng đặc
biệt được lưu ý (như bài của Trần Thị Mỹ Hiền), sự ám ảnh về cái chết và dấu hiệu
dự cảm và tiên tri của nhà thơ trong bài đáng lưu ý của Trần Phá Nhạc.
Ở phần hai của tập sách, phần
“Hành trình dấn thân”, 12 bài viết ghi lại khí phách, sự dũng cảm, sự trung thực
của nhà thơ - nhà giáo Ngô Kha: dấn thân trong thơ, dấn thân trong hành động đấu
tranh cho ngày mai tươi sáng của dân tộc và đất nước, cho những giấc mơ nhân bản.
Nhiều bài viết như các bài của Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Phú
Yên, Lê Văn Lân, Hoàng Hòa, Hoàng Trọng Tấn là những bài viết cảm động. Hai bài
viết của Tiêu Dao Bảo Cự và Nguyễn Duy Hiền cho thấy cái nhìn tổng thể về mối
quan hệ biện chứng giữa hình tượng Ngô Kha và phong trào đô thị, phong trào báo
chí trước 1975.
Nguyễn Phú Yên ghi nhận:
“Chúng tôi luôn quý trọng và ngưỡng mộ anh. Anh mãi mãi rực rỡ là một nhà thơ của
nhân dân, một tượng đài trong trái tim của thế hệ chúng tôi, trong trái tim của
người dân Huế.” Còn Trần Thùy Mai viết: “Không ai được chứng kiến giờ phút cuối của
anh, nhưng chắc chắn anh đã ra đi trong tư thế của người chiến sĩ nhiệt thành bảo
vệ niềm tin của mình, dù phải trả giá bằng sinh mạng. Niềm tin ấy trong anh mãi
mãi Hài đồng, không phôi pha hay già đi, bởi vì anh đã chết.”
Trong tập sách còn phần
tư liệu quý hiếm của một thời kỳ mà chúng tôi cho in lại nguyên bản, số Đứng Dậy
64-65 mùa Giáng Sinh về vụ bắt bớ và cái chết Ngô Kha, gồm bảy bài viết, trong
đó hai bài rất hay là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà nghiên cứu Lê Khắc Cầm.
Phần tư liệu này còn cho thấy khí phách và lòng dũng cảm của giới trí thức văn
nghệ sĩ phản đối sự đàn áp bắt bớ của chính quyền Sài Gòn lúc đó. Ngoài ra có
hai bài của Nguyễn Đắc Xuân nhằm lý giải và bổ sung một số thông tin.
Phần ba “Ngôi nhà
vĩnh cửu” gồm 25 bài viết rất hay của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Trần
Kiêm Đoàn, Lê Văn Ngăn, Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Minh, Lê Viết Dũng, Phạm thị
Anh Nga … Đinh Cường ghi lại hai câu thơ: “tôi muốn cầm trái tim anh lay gọi / máu
thắm phục sinh trên cánh đồng”. Lê Văn Ngăn viết: “Như thể, cái chết của một
con người như anh chỉ là sự tái sinh trong lòng những người còn sống, còn tiếp
nhận sức mạnh và tình yêu nơi anh để bước tiếp những chặng đường đời.”
Phần bốn “Thơ Ngô
Kha” gồm những bài thơ của Ngô Kha được sắp xếp theo thứ tự thời gian thành hai
giai đoạn xoay quanh năm 1969, các bài thơ đều có đánh số câu để tiện cho việc
nghiên cứu.
Tập sách này còn có sự
đóng góp phụ bản trước tiên là tranh của hai họa sĩ Đinh Cường và Bửu Chỉ, cũng
là hai người rất thân với nhà thơ, ngoài ra có các phụ bản tranh của Trịnh Công
Sơn, Trịnh Cung, Rừng, Nguyên Khai.
Vai trò nổi bật trong
tập sách này là của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ba phần của tập sách đều có
các bài viết của anh và đều là những bài rất hay và có ý nghĩa.
Kính thưa quý vị,
Đây là tập sách được
gọi là truyền thống thứ ba mà nhóm chúng tôi thực hiện, chỉ trong một thời gian
kỷ lục là trong ba tháng. Đó là các tập “Hoàng Văn Trương – Đời & thơ”, “Bửu
Chỉ - Đường bay nghệ thuật & ký ức trần gian”, rồi đến tập “Ngô Kha – Hành
trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu”.
Một trong những người
có đóng góp lớn nhất mà vai trò mỗi ngày một quan trọng, đó là PGS.TS. Phạm thị
Anh Nga, người thiết kế bìa, làm tư liệu, kết cấu cả cuốn sách với sự công phu,
tỉ mỉ của người đã làm Tiến sĩ ở Pháp về. Chúng tôi muốn đề cao vai trò và sự
đóng góp của chị. Không có chị, hai tập sách Bửu Chỉ và Ngô Kha không thể có diện
mạo như đang có.
Ngoài ra, mục đích của
cuốn sách vừa là để tưởng niệm vừa là để phát hành gây quỹ cho Học bổng Ngô Kha,
dành cho trẻ em nghèo hiếu học.
Tập sách Ngô Kha gần
như ngốn hết thời gian của chúng tôi ngày và đêm, vừa tuyển, mời anh chị em viết
bài và huy động tài chính, “tay không bắt giặc”. Chúng tôi được sự động viên, cổ
vũ, giúp đỡ rất nhiều, đặc biệt của các anh Lê Văn Thuyên, Lê Văn Ngăn, Lê Văn
Lân, Nguyễn Công Thắng, Đinh Cường, Nguyễn Duy Hiền, Lê Công Cơ, Nguyễn Khoa Điềm
…
Chúng tôi cũng rất cảm
ơn các ông hiệu trưởng của các trường thuộc Đại Học Huế, Đại Học Đà Nẵng, đã có
sự đóng góp tài chính giúp đỡ cho cuốn sách hoàn thành, đặc biệt các ông Nguyễn
Thám, Trần Văn Phước, Trần Quang Tuyết, Phan Văn Hòa, Lê Viết Dũng …
Cuối cùng chúng tôi
xin cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đặc biệt các anh Thái Bá Lợi, Hồ Sĩ Bình, và
Công ty in Thuận Phát, đặc biệt các anh Trần Công Quốc, chị Phương Thy, anh
Linh đã giúp cho cuốn sách ra mắt kịp thời.
Trân trọng cảm ơn quý
vị đã đến dự buổi ra mắt tập sách vì lòng trọng vọng đối với nhà thơ - nhà giáo Ngô
Kha.
Nhân dịp Tết Quý Tỵ sắp
đến, kính chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều niềm vui, sức khỏe
dồi dào.
TM. Nhóm thực hiện
sách
Chủ
biên,
Bửu Nam
Bàn thờ Ngô Kha ở ngôi nhà Thế Lại Thượng (30 năm ngày mất - 2003)
Anh chị em Phong trào Đô thị Huế trong ngày giỗ thứ 30 của Ngô Kha ở Thế Lại Thượng (2003)
Anh chị em Phong trào SVHS Huế và Đà Nẵng trong ngày giỗ thứ 40 của Ngô Kha ở Thế Lại Thượng (2013), sau lễ ra mắt sách "Ngô Kha - Hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu"
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire