samedi 28 février 2015

« Ngô Kha, người thầy cũ, người bạn » (Lê Văn Ngăn)

* Thay nén nhang tiễn biệt anh Lê Văn Ngăn 

Bài này anh Lê Văn Ngăn đã viết xong sau một đêm thức trắng, đầu năm 2013, để góp phần vào cuốn sách sắp ra đời về 30 năm ngày mất của Ngô Kha.






Trích từ « NGÔ KHA - HÀNH TRÌNH THƠ, HÀNH TRÌNH DẤN THÂN & NGÔI NHÀ VĨNH CỬU »
NXB Hội Nhà Văn 2013 

lundi 2 février 2015

« Thầy Phạm Kim Âu, một tấm gương mãi sáng » (Nguyễn Khắc Phê)



(Nhân đọc “Thầy Phạm Kim Âu - Có một người thầy như thế…” – Bửu Nam, Phạm Thị Anh Nga chủ biên, NXB Đại học Huế, tháng 8/2014) 
                                                                                 

 

Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp khai giảng năm học mới và nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của một người thầy nổi tiếng ở Huế. Một cuốn sách dày 600 trang khổ lớn, có sự góp mặt của trên 70 tác giả trong và ngoài nước, với hàng trăm ảnh tư liệu quý ghi lại hình ảnh thầy-trò từ những năm 1952-1953 ở Quảng Bình, cho đến ngày Thầy về hưu, đã khắc họa sinh động chân dung một nhà giáo dục tâm huyết với nghề, đồng thời gợi chúng ta nghĩ đến những bài học có thể vận dụng trong sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà hiện nay.

Xin được nói ngay đến một điều gần như là nghịch lý: Một thầy giáo được cả vạn học sinh - trong đó có các trí thức, các nhà văn tên tuổi như Nguyễn Lương Phán, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thùy Mai, Quế Hương, Trần Viết Ngạc… - hết lòng kính phục, lại không gắn với một học vị, một sự vinh danh nào! Có thể hiểu được điều đó khi đọc ở trang thứ nhất, trong một “cuốn sổ đặc biệt” dòng chữ được kẻ nét lớn, chân phương, trang trọng, có ý nghĩa thiêng liêng như một lời thề: TỔ QUỐC TRÊN HẾT. TẤT CẢ CHO TỔ QUỐC, VÌ TỔ QUỐC, CHỈ VÌ TỔ QUỐC.”… “Thế mà đáng tiếc thay, trước đây cũng như bây giờ, vì chỉ biết nghĩ đến lợi ích cục bộ của bản thân hay gia đình và phe nhóm, hoặc vì chịu ảnh hưởng quá sâu đậm của tư tưởng ngoại lai, không ít người đã hữu ý hay vô tình đặt lên trên Tổ Quốc một giá trị khác!” (Trích từ bài của Hà Thúc Hoan). Cũng trong bài viết này, chúng ta được biết, ngay sau “lời thề thiêng liêng” nói trên, thầy PKÂ đã ghi “năm điều nguyện ước sâu sắc và độc đáo”: 1) Tôi nguyện sẽ chịu có một thân hình không tráng kiện, rất có thể thường đau ốm, hoặc ho lao. 2) Tôi nguyện sẽ chịu cảnh giúp người, người lại vong ân, và người rất có thể lấy ân làm oán. 3) Tôi nguyện sẽ chịu sự bạc đãi ức hiếp. 4) Tôi nguyện sẽ chịu sự nghèo. 5) Tôi nguyện sẽ chịu sống tối tăm suốt đời.

  “Năm điều nguyện” nghe qua cũng… khá ngược đời, nhưng ngẫm kỹ, đây là  một lẽ sống cao cả. “Bình luận” về điều nguyện thứ ba, tác giả Hà Thúc Hoan cho rằng “thầy PKÂ đã nguyện sống theo tâm từ bi, theo hạnh nhẫn nhục của một vị Bồ Tát!” Còn với điều nguyện thứ 5, nghe như “vô lý”, ông viết: “… Tôi nghĩ ở đây thầy dùng cách nói có vẻ nghịch lý để buộc người nghe phải động não, phải suy nghĩ kỹ để tìm chỉ ra ý tưởng ở dạng tiềm năng, như viên ngọc đẹp ẩn giấu ở bên trong viên đá thô cứng, xấu xí… Thầy đã thể hiện sâu sắc ý nghĩa của chữ “VÔ” của triết Đông… Cam “chịu sống tối tăm suốt đời”, có nghĩa là nhà giáo PKÂ mong ước mãi hoài làm con đom đóm nhỏ bay trong đêm den, bị bóng tối rộng lớn, dày đặc vây phủ mà không chịu để tắt ánh sáng mong manh, bé nhỏ của riêng mình…” Cũng về điều nguyện này, tác giả Trần Lạc Thư đã viết: “Ôi, những con đom đóm nhỏ mà ánh sáng khiêm tốn mãi lập lòe trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người! Nơi ấy, ngay cả mặt trời chói chang cũng không soi thấu được!”

Chỉ cần ngẫm “lời thề thiêng liêng” và “Năm điều nguyện” của thầy PKÂ, chúng ta đã có thể hiểu vì sao khi chàng học sinh quê Sa Đéc mới 17 tuổi đã tham gia cách mạng, bị giam cầm, được thả ra lại sung vào phong trào “Thanh niên tiền phong” do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu hồi 1945, rồi biểu tình đòi trả tự do cho Trần Văn Ơn, khiến thầy lại bị bắt, và buộc rời Nam Bộ năm 1950 rồi bị đẩy ra Đồng Hới - một thị xã cực bắc vùng đất tạm bị chiếm; chúng ta cũng có thể hiểu vì sao thầy PKÂ không hề nhắc đến “thành tích kháng chiến”, không hề “khiếu kiện” ngay lúc tổ chức (do “sơ suất” nào đó!) bố trí thầy làm tạp vụ ở trường phổ thông năm 1976! Cũng dễ hiểu vì sao một người thầy mô phạm vào hạng nhất vùng “đất học” xứ Huế, đứng lớp nhiều năm tại các ngôi trường danh tiếng như Quốc học, Đồng Khánh, Đại học Sư phạm Huế, lại không nhận một danh hiệu, một sự khen thưởng nào! Trước sau thầy Âu vẫn chỉ là thầy Âu! Mà suy cho cùng, nếu sống cho thật xứng đáng chữ “Thầy” thì đó là danh hiệu cao quý nhất, mọi sự “bổ sung” đều vô ích!

Nhắc lại lẽ sống của thầy PKÂ, chợt nghĩ đến những kẻ đang ngự trị nơi này nơi kia, những kẻ coi tiền tài, danh vọng, học vị trên hết, sẵn sàng làm mọi thứ để tranh đoạt lấy chúng - mà “nhân”nào thì “quả” ấy; lẽ đương nhiên, những nhà trường ấy phải xảy ra đủ thứ chuyện lùm xùm, các thang giá trị hỗn loạn!

Với lẽ sống mô phạm của thầy PKÂ như thế, nhắc “thành tích” hay những lời tán tụng của học trò đối với thầy, hẳn không làm thầy hài lòng. Chỉ xin kể một việc cụ thể mà thầy kiên trì làm trong suốt mấy chục năm dạy học rất đáng được ghi vào sách “Kỷ lục Việt Nam” và có lẽ các thầy cô giáo ngày nay cũng nên noi gương: mỗi lớp học, thầy dành một cuốn sổ, có dán ảnh học sinh theo sơ đồ trong lớp và ghi chép riêng những nhận xét của thầy đối với mỗi học sinh. Có tất cả 64 cuốn sổ như thế. Để “quản lý” và hiểu học sinh kỹ lưỡng, đầu năm học, thầy còn làm “phiếu lí lịch” để mỗi học sinh cho thầy biết hoàn cảnh của mình, không chỉ tên cha mẹ, chỗ ở, nghề nghiệp… mà còn có các mục “Đi học bằng gì? / Từ nhà đến trường độ mấy phút? / Họ và tên người bạn cùng lớp ở gần nhà? / Họ và tên bạn thân, lớp nào? Trường nào?...” Với sự tôn trọng sự riêng tư của học sinh, tất cả phiếu được thầy giữ bí mật, rồi trả lại cho từng học sinh, sau khi ghi lại những lưu ý cần thiết.

Chỉ với mấy chục “cuốn sổ đặc biệt” ấy, đến cuối đời, thầy PKÂ có hạnh phúc có lẽ ít có thầy giáo nào sánh được: thầy luôn có hình ảnh mấy ngàn học sinh bên cạnh mình; và ngược lại, mấy ngàn con người từng học với thầy Âu sẽ có may mắn hơn người - dù ở mọi phương trời, dù đã thành ông nọ bà kia, nếu muốn tìm lại hình ảnh tuổi thanh xuân trong trẻo của mình cùng với bạn bè, chỉ việc trở lại căn nhà của thầy bên sông Hương, cho dù thầy đã “đi xa” tròn hai chục năm…   

 http://baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=371&newsid=28-76-48303

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT:054.828399. Mobile: 098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com


« Một vài cảm nghĩ nhân đọc « Thầy Phạm Kiêm Âu, Có một người thầy như thế... » » (Nguyễn Xuân Hoa)







Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975. Lúc bấy giờ, thầy Phạm Kiêm Âu đã là vị “giáo sư” cao niên, là người thầy lớn tuổi nhất trường và tôi là người trẻ nhất, vừa “chân ướt chân ráo” từ một trường huyện được chuyển về dạy các môn văn chương và triết ở trường Đồng Khánh. Có thể nói, thầy đã đứng trên bục giảng khi tôi chưa mở mắt chào đời. Dù cùng dạy một trường, nhưng thầy Phạm Kiêm Âu đã là “đại sư phụ”, là thầy của một số thầy từng dạy tôi.
Ở Đồng Khánh, thầy Phạm Kiêm Âu nổi tiếng là “cuốn tự điển sống” của trường với phương pháp quản lý và lưu trữ tư liệu về học sinh bằng sơ đồ ảnh và phiếu trích ngang đặc điểm của mỗi học sinh, duy trì liên tục qua nhiều thế hệ; nổi tiếng là người thầy rất nghiêm khắc, luôn đặt yêu cầu tối đa với học sinh, cả trong học tập và trau dồi đức hạnh, nhưng lại rất “bênh” học sinh, ưu ái dìu dắt học sinh. Thầy còn được biết là người từng tham gia biểu tình chống Pháp bắt học sinh Trần Văn Ơn, bị thực dân Pháp trục xuất khỏi Sài Gòn, nhưng lại là người dạy Pháp văn rất hấp dẫn, là người gieo mầm cho học sinh say mê học ngôn ngữ và văn hóa   Pháp… Đại thể, trong chừng ấy năm tháng, hình ảnh thầy Phạm Kiêm Âu đọng lại trong ký ức của tôi là một mẫu hình người thầy mẫn cán, một nhà giáo bản lĩnh, hiểu biết sâu rộng và … rất được nữ sinh Đồng Khánh ngưỡng mộ.
Những năm không còn đứng trên bục giảng, bận rộn với trăm thứ đa đoan của cuộc đời, mỗi lần có dịp ngồi lại với đám nữ sinh Đồng Khánh cũ của mình, trong những lúc nhắc lại “Đồng Khánh mái trường xưa”, bao giờ tôi cũng nghe học sinh say sưa nói về thầy Phạm Kiêm Âu như một hiện tượng. Đặc biệt, những câu chuyện về  thầy Phạm Kiêm Âu của các học sinh Đồng Khánh lại chứa đựng rất nhiều chi tiết vừa dí dõm, vừa cảm động, thể hiện tình cảm rất sâu đậm của học trò dành cho thầy.
Và trong những trang hồi ức viết về Quốc Học - Đồng Khánh, về thuở học trò ở Huế, từ các nhóm Quốc Học – Đồng Khánh, Lá thư Phượng Vỹ… ở hải ngoại, đến một số tạp chí, tập san, đặc san ở trong nước, những bài viết về kỷ niệm một thời niên thiếu ở Huế đều thấp thoáng hình ảnh rất đặc biệt của thầy Phạm Kiêm Âu.
 Nhưng đến khi đọc xong cuốn sách “Thầy Phạm Kiêm Âu – Có một Người Thầy như thế…”, với hơn 60 bài viết tỏ lòng hoài nhớ của học trò, đồng nghiệp, bạn bè, người thân và cả những trang thư, bài viết của chính thầy, được xuất bản nhân 20 năm ngày mất của thầy, hình ảnh thầy Phạm Kiêm Âu lại hiện ra qua nhiều góc độ, tạo nên một tổng hợp đa dạng, đa chiều hơn, không chỉ dừng lại trong những hồi ức kỷ niệm, mà còn soi rọi đến những góc khuất rất sâu trong tận cùng những cảm xúc, suy nghĩ và ước nguyện của chính thầy Phạm Kiêm Âu, phản chiếu rõ hơn nữa, đặc biệt hơn nữa về thầy Phạm Kiêm Âu, đặc biệt như hiện tượng độc đáo của Huế vào một thời rất xa, như hiện tượng - hay đúng hơn là huyền thoại trường Đồng Khánh -  đã bị đánh mất một cách oan uổng của Huế.
Ở đây, hình ảnh thầy Phạm Kim Âu đôi lúc rất lạ. Đúng là khó ai có thể hình dung một thầy Phạm Kim Âu sau năm 1950 ở trường Chơn Phước Phượng - Đồng Hới, với hai chai bia lùn đặt trên bàn, vừa uống bia vừa giảng bài; nhưng từ hồi đó, bản sơ đồ ảnh của lớp học cũng đã xuất hiện và được thầy gìn giữ đến sau năm 1975, qua bài viết thú vị của người học trò Nguyễn Lương Phán.
Ngoài các bài viết quen thuộc của những nữ sinh Đồng Khánh, lần nầy chúng ta còn đọc thấy nhiều bài viết của các nam sinh như Trần Viết Ngạc, Nguyễn Đình Niên, Hà Thúc Hoan, Trần Nguyên Vấn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Tự Hỷ, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Minh Đức…với những nhận định mới: “Thầy Phạm Kiêm Âu là ngoại lệ” (Trần Viết Ngạc), “Thầy Phạm Kiêm Âu là nhà mô phạm hiếm có” (Lê Tự Hỷ), “Thầy yêu đến tận tụy thiên chức cao cả của Thầy” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), “Thầy bất lực nhìn bao nhiêu điều đẹp đẽ về cuộc sống Thầy đã ươm vào đầu chúng tôi trong thời gian chúng tôi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học đã không trở thành thực tế”…
Nhưng những bài viết dạt dào tình cảm với thầy Phạm Kiêm Âu bao giờ cũng là những bài của nữ sinh Đồng Khánh. Với họ, tiếng gọi “Thầy ơi!” vừa rất trìu mến, rất da diết và tràn đầy nữ tính. Họ không chỉ nhớ thương thầy của mình, mà còn thường xuyên giữ mối liên lạc, nối kết thầy với bạn bè Đồng Khánh, tâm sự với thầy, chăm sóc giúp đỡ thầy những lúc khó khăn, bàng hoàng tiếp nhận tin thầy qua đời như nhận hung tin của gia đình, cùng nhau đóng góp tiền để xây lăng mộ cho thầy và rồi cùng nhất trí chuyển tiền định xây lăng mộ thầy thành quỹ học bổng Phạm Kiêm Âu…Đúng như nhận định của người học trò Phan Bội Hoàn “Hiếm có một vị thầy nào trên đời này lại được môn sinh kính trọng và luôn nhắc nhở đến như Thầy Âu đã từng được”. Với con mắt tinh tế của một nhà văn, Trần Thùy Mai còn đưa ra một nhận xét sắc sảo “Thầy là một con người rất ấn tượng, một “nghệ sĩ” trong ngành giáo dục. Cách dạy và cách sống của Thầy rất độc sáng, không ai có thể giống Thầy”. Nhà giáo Thái Thị Ngọc Dư  lại nhận ra “Thầy thể hiện lý tưởng giáo dục qua hành động hàng ngày của mình”; ở thầy có “một tình yêu văn hóa Pháp hòa quyện với tình yêu Tổ quốc”…
Giữa vô vàn những lời xưng tụng của các thế hệ học trò, và cả những bạn bè, người thân quen như các thầy Phan Văn Dật, Nguyễn Hữu Thứ, Võ Đình Nam, bác sĩ Lê Bá Vận…, thầy Phạm Kiêm Âu vẫn một mực khiêm cung, chỉ tự nhận mình là “con đom đóm nhỏ” giữa cuộc đời. Đọc những di cảo là thư từ của thầy gởi cho học trò, cho người thân và bằng hữu, phần lớn được viết trong những năm tháng buồn và nghiệt ngả ở cuối đời, giữa những tình cảnh oái ăm “thấy bao nhiêu sự thật chán chường về công bằng, lẽ phải, tình đời..”, giữa những điều ngang trái về nhân tình thế sự dễ làm cay đắng lòng người, nhưng nhiều bức thư của thầy vẫn được mở đầu bằng dòng địa chỉ hóm hĩnh “Cố Đô - muôn thuở buồn, trầm lặng, cổ kính và… đại kẹt!”, “Cố Đô - muôn thuở trầm lặng, mơ buồn, cổ kính và ….nghèo!” theo đúng phong cách rất Phạm Kiêm Âu.
Chừng như cả cuộc đời thầy Phạm Kiêm Âu đã vận vào khá đúng với “năm điều nguyện” độc đáo mà thầy đã tự đặt ra cho chính mình khi chọn làm người thầy giáo:
1.    Tôi nguyện sẽ chịu có thân hình không tráng kiện, rất có thể thường đau ốm hoặc ho lao.
2.    Tôi nguyện sẽ chịu cảnh giúp người, người lại vong ân, và người rất có thể lấy ân làm oán.
3.    Tôi nguyện sẽ chịu sự bạc đãi ức hiếp.
4.    Tôi nguyện sẽ chịu sự nghèo.
5.    Tôi nguyện sẽ chịu sống tối tăm suốt đời.
Những lời thệ nguyện phảng phất hơi hướm của một tu sĩ thuộc dòng tu khổ hạnh, nhưng thật ra, như Trần Lạc Thư đã  nhận xét khi nghe thầy tự ví “Tôi chỉ là con đom đóm nhỏ”. Con đom đóm nhỏ Phạm Kim Âu chưa bao giờ “sống tối tăm” mà ngược lại: “con đom đóm nhỏ mà ánh sáng khiêm tốn lập lòe trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người! Nơi ấy, ngay cả mặt trời chói chang cũng không soi thấu được”.
Con người đó đôi lúc đã hóa thân trở thành một hình tượng văn học, làm nền cho một số truyện ngắn rất thú vị. Hai truyện ngắn “Đằng sau một số phận” của Quỳnh Anh và “Hai đóa hoa Quỳnh” của Hoàng Phủ Ngọc Phan được chuyển tải trong tập sách  Thầy Phạm Kiêm Âu - Có một Người Thầy như thế…” càng làm cho hình ảnh Phạm Kiêm Âu thêm một lần nữa trở thành biểu tượng đẹp, lung linh  trong lòng người đọc
Viết về thầy của mình, Nguyễn Lương Phán - người học trò từ năm 1950 ở trường Chơn Phước Phượng - Đồng Hới đã ước ao “có cách chi để Thầy tôi cũng có một đoạn đường mang tên Phạm Kiêm Âu! Và còn nhiều thầy giáo, cô giáo xứng đáng lắm…. đáng được đặt tên cho những con đường mà họ từng gắn bó…”. Tôi cũng nghĩ, theo một cách nhỏ nhoi hơn, giá như ở ngay trong ngôi trường Hai Bà Trưng - “Đồng Khánh xưa” có một thư viện, một sân chơi, một phòng thí nghiệm… mang tên cô giáo Hiệu trưởng Đào Thị Xuân Yến (Bà Nguyễn Đình Chi), tên thầy Phạm Kiêm Âu thì hay biết mấy, tình nghĩa biết mấy!
Thật tình, tôi cũng nghĩ đề nghị của mình chắc gì đã được ai để mắt tới, nhưng với những điều đáng nói, tại sao chúng ta lại ngại ngùng không nói.


Buổi ra mắt sách (Ảnh TĐT)

 Buổi ra mắt sách (Ảnh TVN) 

http://tapchisonghuong.com.vn/hue/p0/c107/n17414/Mot-vai-cam-nghi-nhan-doc-Thay-Pham-Kiem-Au-co-mot-nguoi-thay-nhu-the.html

« Ngôi sao Toán trên đất Thơ » (Nguyễn Khắc Phê)



(Nhân đọc “Phạm Anh Minh Toán, ngói & hoa thủy tiên” - NXB Đại học Huế, 2014)
                                        
                              
Đã nói đến Huế, hầu như ai cũng nghĩ đến đây là “đất Thơ”. Vậy nên có một “ngôi sao Toán” từng trưởng thành trên miền sông Hương núi Ngự, nhưng chúng ta lại ít nhắc đến. Đó là PGS. Tiến sĩ Phạm Anh Minh (PAM).

Nói cho công bằng, trên các vùng đất khác cũng vậy, các nhà thơ, các nhạc sĩ thường được công chúng biết đến nhiều hơn vì ngôn ngữ thơ ca dễ phổ biến - như “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải hay “Dòng sông ai đã đặt tên” của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp thì cả ngàn vạn người thuộc lòng; còn “ngôn ngữ” của các nhà toán học là chuyên môn hẹp, chỉ những người “cùng hội cùng thuyền” mới hiểu nhau; hơn nữa, thành quả của môn “khoa học cơ bản” này không phải là thứ xã hội “tiêu dùng” được ngay.

Chuyên ngành toán mà PAM đi sâu nghiên cứu là “Tôpô đại số chuyên về lý thuyết đối đồng điều của các nhóm hữu hạn”. Một đề tài mà có nhà khoa học đã “khuyên nghiên cứu sinh của mình nên tránh xa việc nghiên cứu vì quá khó”, nên  tôi và hầu hết bạn đọc có lẽ đều không hiểu, nhưng chỉ kể vài “cột mốc” trên con đường khoa học mà PAM đạt tới trong quãng thời gian không dài thì chúng ta thấy ngay đây quả thực là một “ngôi sao Toán” đặc biệt: Vào Đại học Tổng hợp Huế năm 1977, thì năm 1990, lúc mới 30 tuổi, PAM đã đạt học vị Tiến sĩ, rồi được phong học hàm Phó giáo sư năm 42 tuổi (2002); đến năm 2004 bảo vệ thành công để lấy văn bằng “Habilitation à diriger des recherches” của Pháp; năm 1997, PAM đã được tặng Giải thưởng Khoa học của Viện Toán học về những đóng góp vào “p-nhóm và dãy phố”. Có lẽ có giá trị hơn tất cả những “cột mốc” ấy là 38 công trình - trong đó có 35 công trình đã công bố trên các Tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, một khối lượng rất ít nhà khoa học trẻ ở trong nước đạt đến. Vì vậy, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng đã viết: “PAM là một nhà nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế. Những công trình sâu sắc của anh được biết tới và được đánh giá cao trong cộng đồng Tôpô đại số trên thế giới”. Còn GS. David John Benson (Đại học Georgia) nhận định về nghiên cứu đối đồng điều của p-nhóm quá đặc biệt: “Minh đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này và có thể hiểu biết về lĩnh vực này hơn bất kỳ ai đang theo đuổi đề tài này.” GS. Huỳnh Mùi, một người con của Huế, thành tài trên đất Nhật Bản, nhưng với lòng yêu Tổ Quốc, năm 1977, ông đã về dạy Khoa Toàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều lần về Huế giảng dạy và giúp đỡ nhóm nghiên cứu về toán, đồng thời là người hướng dẫn PAM làm luận án tiến sĩ, đã viết: “Nhiều thành tựu của anh sẽ phải đưa vào sách giáo khoa…Những công trình toán học của anh là một bộ tư liệu có ý nghĩa cho những ai muốn đi vào lãnh vực nghiên cứu này, nói riêng là một bản di chúc quý giá cho giới toán học trẻ Việt Nam về sau.”

Thật là xót xa khi viết về một nhà toán học tài năng 44 tuổi mà  GS. Huỳnh Mùi phải dùng từ “di chúc”. Phải! PAM đã đột ngột “rời bỏ cuộc chơi trần thế” (như PGS. Bửu Nam đã viết) ngày 23/10/2004, bỏ lỡ những lời hẹn đến giảng dạy ở mấy trường đại học quốc tế! Tròn 10 năm đã qua từ cái ngày tin PAM “Chết trên trang toán” (nhan đề một bài báo của nhà văn Quế Hương) khiến giới toán học  bàng hoàng, đọc lại mấy câu thơ của Phạm Thị Anh Nga, lòng chúng ta vẫn quặn thắt và cả ngơ ngác không sao hiểu nổi vì sao một tài năng như PAM lại chịu một định mệnh khắc nghiệt như thế:

“Có lẽ suốt đời em đắm say toán học / nên khi lìa bỏ dương gian em dứt khoát rạch ròi / chóng vánh đến không kịp một lời trăng trối…/ trang file trên máy còn nguyên những công thức mới lúc nãy thôi em đắm đuối / bài toán cuối cùng chưa kịp giải bỗng chốc hóa thiêng liêng…”

Cho dù vậy, người thầy-người bạn yêu thương PAM nhất mực - GS. Huỳnh Mùi, trong dịp kỷ niệm 10 năm PAM qua đời, lại dồn tâm huyết viết một bài dài 60 trang khổ lớn gồm mấy vạn chữ, với một “định hướng” thật là “đặc biệt” (một từ mà nhiều người dành cho PAM): “Tôi phải viết những điều gì đó thật tươi vui. Không vui không làm toán được…” Một bài viết công phu và có thể nói là kỳ lạ với rất nhiều công thức toán học rất khó hiểu, nhưng cũng gồm vô số chi tiết giúp chúng ta hình dung được chân dung và tâm hồn PAM một cách thật sống động. Cuối bài viết, giáo sư kể lại một kỷ niệm: “Nếu ai hỏi trên đường đời làm toán, tôi đã tìm được những bông hoa nào để mang về tặng mẹ, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là những bất biến modula của nhóm GLn,p mà tôi đã ký hiệu là Vn với n = 1,2,3…” Chúng ta không hiểu “nhóm GLn,p” là cái chi chi, nhưng thấy ngay “ký hiệu Vn” chính là tình yêu Tổ Quốc Việt Nam, như là một ngọn cờ Việt Nam được cắm trong “bản đồ” toán học quốc tế. Chính vì thế mà khi một đồng nghiệp quốc tế đề nghị PAM thay đổi ký hiệu đó, PAM nhất định không đồng ý. Và vì thế, giáo sư đã kết thúc bài viết như sau:

“Tình yêu quê hương của chúng tôi là như thế. Minh còn đặc biệt hơn, dù Minh có đi đâu, Huế là nơi Minh luôn trở về. Tôi hình dung nay em đang ngồi tĩnh lặng ở một góc khuất làm toán với sông Hương núi Ngự.”

 Thật khó chuyển tải hết - dù là vắn tắt nhất - những tình cảm, những đánh giá của giới toán học trong nước và quốc tế, của người thân, bạn bè  về “ngôi sao” Toán PAM được in trong cuốn sách dày trên 500 trang khổ lớn, chỉ xin dành vài dòng “lý giải” cái nhan đề cuốn sách khá là dài dòng này vì lấy một ý từ bài viết của nhà văn Quế Hương: “Toán khô như ngói. Mà ngói vẫn nở hoa…Loại toán thuần túy mà vẻ đẹp, mùi hương cốt cách như một giò thủy tiên trang trọng, kiêu sa, khó tính…”

Còn tôi, viết về một “ngôi sao Toán” lại gắn với “đất Thơ”, vì đọc thấy những kỷ niệm thật dễ thương của Công Huyền Tôn nữ Thu Quỳ - bạn học với PAM thời tiểu học ở Trường Jeanne d’ Arc (Huế) tròn nửa thế kỷ trước, với nhan đề: “Minh không làm toán, Minh làm thơ!” Và trong bài viết của mình, GS. Huỳnh Mùi cũng đã viết: “Một người làm toán giống như một người làm thơ. Tìm ra một ví dụ mới giống như tìm được một ý thơ, một vần thơ, hay có thể cả một bài thơ…” và ông gọi thành công của PAM là “một trong những bài thơ tuyệt diệu.”

http://www.baothuathienhue.vn/?gd=4&cn=1&id=321&newsid=28-76-48303

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT:054.828399. Mobile: 098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com