(Nhân đọc “Phạm Anh
Minh Toán, ngói & hoa thủy tiên” - NXB Đại học Huế, 2014)
Đã nói đến Huế, hầu như ai cũng nghĩ đến đây
là “đất Thơ”. Vậy nên có một “ngôi sao Toán” từng trưởng thành trên miền
sông Hương núi Ngự, nhưng chúng ta lại ít nhắc đến. Đó là PGS. Tiến sĩ
Phạm Anh Minh (PAM).
Nói cho công bằng, trên các vùng đất khác
cũng vậy, các nhà thơ, các nhạc sĩ thường được công chúng biết đến nhiều hơn
vì ngôn ngữ thơ ca dễ phổ biến - như “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ
Thanh Hải hay “Dòng sông ai đã đặt tên” của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp thì cả
ngàn vạn người thuộc lòng; còn “ngôn ngữ” của các nhà toán học là chuyên
môn hẹp, chỉ những người “cùng hội cùng thuyền” mới hiểu nhau; hơn nữa,
thành quả của môn “khoa học cơ bản” này không phải là thứ xã hội “tiêu dùng”
được ngay.
Chuyên ngành toán mà PAM đi sâu nghiên cứu
là “Tôpô đại số chuyên về lý thuyết
đối đồng điều của các nhóm hữu hạn”. Một đề tài mà có nhà khoa học
đã “khuyên nghiên cứu sinh của mình nên tránh xa việc nghiên cứu vì quá khó”,
nên tôi và hầu hết bạn đọc có lẽ đều
không hiểu, nhưng chỉ kể vài “cột mốc” trên con đường khoa học mà PAM đạt
tới trong quãng thời gian không dài thì chúng ta thấy ngay đây quả thực là
một “ngôi sao Toán” đặc biệt: Vào Đại học Tổng hợp Huế năm 1977, thì năm
1990, lúc mới 30 tuổi, PAM đã đạt học vị Tiến sĩ, rồi được phong học hàm
Phó giáo sư năm 42 tuổi (2002); đến năm 2004 bảo vệ thành công để lấy văn
bằng “Habilitation à diriger des recherches” của Pháp; năm 1997, PAM đã được tặng
Giải thưởng Khoa học của Viện Toán học về những đóng góp vào “p-nhóm và dãy phố”. Có lẽ có giá
trị hơn tất cả những “cột mốc” ấy là 38 công trình - trong đó có 35
công trình đã công bố trên các Tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, một
khối lượng rất ít nhà khoa học trẻ ở trong nước đạt đến. Vì vậy, GS.
Nguyễn Hữu Việt Hưng đã viết: “PAM là
một nhà nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế. Những công trình sâu sắc của anh
được biết tới và được đánh giá cao trong cộng đồng Tôpô đại số trên thế
giới”. Còn GS. David John Benson (Đại học
Georgia) nhận định về nghiên cứu đối đồng điều của p-nhóm quá đặc biệt: “Minh
đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này và có thể hiểu biết về lĩnh vực
này hơn bất kỳ ai đang theo đuổi đề tài này.” GS. Huỳnh Mùi, một
người con của Huế, thành tài trên đất Nhật Bản, nhưng với lòng yêu Tổ
Quốc, năm 1977, ông đã về dạy Khoa Toàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội,
nhiều lần về Huế giảng dạy và giúp đỡ nhóm nghiên cứu về toán, đồng thời
là người hướng dẫn PAM làm luận án tiến sĩ, đã viết: “Nhiều thành tựu của anh sẽ phải đưa vào sách giáo khoa…Những công trình
toán học của anh là một bộ tư liệu có ý nghĩa cho những ai muốn đi vào
lãnh vực nghiên cứu này, nói riêng là một bản di chúc quý giá cho giới
toán học trẻ Việt Nam về sau.”
Thật là xót xa khi viết về một nhà toán
học tài năng 44 tuổi mà GS. Huỳnh Mùi phải dùng từ “di chúc”.
Phải! PAM đã đột ngột “rời bỏ cuộc
chơi trần thế” (như PGS. Bửu Nam đã viết) ngày 23/10/2004, bỏ lỡ những
lời hẹn đến giảng dạy ở mấy trường đại học quốc tế! Tròn 10 năm đã qua
từ cái ngày tin PAM “Chết trên trang toán” (nhan đề một bài báo của nhà
văn Quế Hương) khiến giới toán học bàng
hoàng, đọc lại mấy câu thơ của Phạm Thị Anh Nga, lòng chúng ta vẫn quặn
thắt và cả ngơ ngác không sao hiểu nổi vì sao một tài năng như PAM lại
chịu một định mệnh khắc nghiệt như thế:
“Có lẽ suốt
đời em đắm say toán học / nên khi lìa bỏ dương gian em dứt khoát rạch
ròi / chóng vánh đến không kịp một lời trăng trối…/ trang file trên máy còn nguyên những công thức mới lúc
nãy thôi em đắm đuối / bài toán cuối cùng chưa kịp giải bỗng chốc hóa
thiêng liêng…”
Cho dù vậy, người thầy-người bạn yêu
thương PAM nhất mực - GS. Huỳnh Mùi, trong dịp kỷ niệm 10 năm PAM qua
đời, lại dồn tâm huyết viết một bài dài 60 trang khổ lớn gồm mấy vạn
chữ, với một “định hướng” thật là “đặc biệt” (một từ mà nhiều người dành cho
PAM): “Tôi phải viết những điều gì đó
thật tươi vui. Không vui không làm toán được…” Một bài viết công phu và
có thể nói là kỳ lạ với rất nhiều công thức toán học rất khó hiểu, nhưng
cũng gồm vô số chi tiết giúp chúng ta hình dung được chân dung và tâm hồn
PAM một cách thật sống động. Cuối bài viết, giáo sư kể lại một kỷ niệm: “Nếu ai hỏi trên đường đời làm toán, tôi đã
tìm được những bông hoa nào để mang về tặng mẹ, tôi sẽ không ngần ngại
trả lời đó là những bất biến modula của nhóm GLn,p mà tôi đã ký hiệu là Vn
với n = 1,2,3…” Chúng ta không hiểu “nhóm
GLn,p” là cái chi chi, nhưng thấy ngay “ký
hiệu Vn” chính là tình yêu Tổ Quốc Việt Nam, như là một ngọn cờ Việt
Nam được cắm trong “bản đồ” toán học quốc tế. Chính vì thế mà khi một
đồng nghiệp quốc tế đề nghị PAM thay đổi ký hiệu đó, PAM nhất định
không đồng ý. Và vì thế, giáo sư đã kết thúc bài viết như sau:
“Tình yêu
quê hương của chúng tôi là như thế. Minh còn đặc biệt hơn, dù Minh có đi đâu,
Huế là nơi Minh luôn trở về. Tôi hình dung nay em đang ngồi tĩnh lặng ở
một góc khuất làm toán với sông Hương núi
Ngự.”
Thật khó chuyển tải hết - dù là
vắn tắt nhất - những tình cảm, những đánh giá của giới toán học trong
nước và quốc tế, của người thân, bạn bè
về “ngôi sao” Toán PAM được in trong cuốn sách dày trên 500 trang khổ
lớn, chỉ xin dành vài dòng “lý giải” cái nhan đề cuốn sách khá là dài
dòng này vì lấy một ý từ bài viết của nhà văn Quế Hương: “Toán khô như ngói. Mà ngói vẫn nở
hoa…Loại toán thuần túy mà vẻ đẹp, mùi hương cốt cách như một giò thủy
tiên trang trọng, kiêu sa, khó tính…”
Còn tôi, viết về một “ngôi sao Toán” lại
gắn với “đất Thơ”, vì đọc thấy những kỷ niệm thật dễ thương của Công Huyền
Tôn nữ Thu Quỳ - bạn học với PAM thời tiểu học ở Trường Jeanne d’ Arc
(Huế) tròn nửa thế kỷ trước, với nhan đề: “Minh không làm toán, Minh làm
thơ!” Và trong bài viết của mình, GS. Huỳnh Mùi cũng đã viết: “Một người làm toán giống như một người làm
thơ. Tìm ra một ví dụ mới giống như tìm được một ý thơ, một vần thơ, hay
có thể cả một bài thơ…” và ông gọi thành công của PAM là “một trong những bài thơ tuyệt diệu.”
http://www.baothuathienhue.vn/?gd=4&cn=1&id=321&newsid=28-76-48303
Địa chỉ
liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT:054.828399. Mobile: 098.9965409;
Email: ngkphe@gmail.com
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire