samedi 14 mars 2015

Lê Bá Đảng, còn đó giấc mơ ...



Phạm thị Anh Nga

Chiều nay, nén nhang đã được thắp lên. Và khói hương đã quyện theo những lời khấn nguyện. *

Chân dung họa sĩ Lê Bá Đảng tươi cười, rạng rỡ với những cánh hoa trắng tuyệt đẹp bao quanh. Pha phất một vài sắc tím. Rất trang trọng. Rất thanh. Mắt ông hướng về một cõi xa.

Ở bàn ghi sổ lưu niệm, tôi hý hoáy những câu chữ.



 Nén nhang và lời tiễn biệt - 10.03.2015

* * *
Không hiểu sao, cuốn theo dòng hoài niệm tôi lại “gọi” ông là Anh. Ngày trước, mỗi dịp gặp, tôi vẫn gọi Bác xưng Em. Nhưng hệ trọng gì đâu, sinh thời Lê Bá Đảng đâu nề hà gì những tiểu tiết vụn vặt đó. Ước mơ và những ý tưởng sáng tạo đã choáng lấp hết tâm trí ông. Ông đã về đây, ước mơ một đời người phần nào gửi gắm nơi đây. Và những đi đi về về. Đâu cũng là quê hương. Một nơi là quê cha đất tổ, và một nơi là những bước đầu tiên đến với sáng tạo nghệ thuật. Và thoắt một cái, ông vụt xa tất cả. Pháp quốc những năm hình thành tên tuổi, tạo dựng một chỗ đứng trong Cõi con người. Việt Nam quê nhà, Bích La Quảng Trị nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Và Huế, nơi ông gửi gắm giấc mơ cả đời và cuối đời. Giấc mơ vẫn chưa tròn. 

Và những điều nhỏ nhặt có chăng, là những quan tâm tỉ mỉ, ân cần, chu đáo đối với những anh em làm nghệ thuật ở nhà. Ông từng hỏi han rất cặn kẽ về cuộc sống của từng người cầm cọ ở Huế, từ những người đứng tuổi, đến những kẻ tuổi vẫn còn ít: ông ấy, anh ấy sống ra sao, tranh bán được không, đủ sống không, có cần giúp đỡ hỗ trợ gì hay không ...

* * *
Viết về ông, phân tích tác phẩm của ông thì lâu nay đã rất rất nhiều. Toàn cả những tên tuổi lớn của làng văn, làng báo, và thế giới nghệ thuật. Từ Đặng Nhật Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Thị Trường, Đặng Tiến, Phạm Văn Hạng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, đến Đăng Bảy, Thụy Khuê, Kiến Văn, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Xuân Hoàng, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Ngô Minh ... 

Tôi chỉ dám rón rén đôi dòng tưởng nhớ ông. Và âm thầm hồi tưởng. 

Năm 2002, tháng 5, dịp Festival Huế. “Triển lãm Tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng” đã như một làn gió mới trong không gian nghệ thuật vẫn còn u tịch, trầm mặc của Huế. Bị mê hoặc bởi cái hồn của Không gian Lê Bá Đảng kết hợp nhiều chất liệu sáng tạo, chúng tôi còn được ông ân cần giới thiệu, và say sưa tâm sự về những giấc mơ, hoài bão đối với quê hương. Ấn tượng với tôi hơn cả là Bàn chân Giao Chỉ, mà ông cho biết được làm với nhiều khúc gỗ cháy thu nhặt được từ những đổ vỡ của quê hương Bích La ở Quảng Trị, một phần làng quê đã bị thiêu cháy. Và ông đã khá hài lòng với những bức ảnh về tác phẩm trưng bày dịp đó mà tôi mê mẩn chụp từ chiếc máy ảnh Canon với phim Kodak, và sau đó tôi scan lại gởi qua email cho ông. 

Một kỷ niệm dễ thương của dịp đó, là chúng tôi có tặng ông vài cuốn sách nho nhỏ đã thực hiện và xuất bản. Ít hôm sau, ở sảnh khách sạn Saigon Morin, vẫn đang trong không khí hội ngộ của Festival Huế, có người nhắn tôi là bà Dominique de Miscault hỏi tìm tôi vì muốn mua cuốn tản văn song ngữ “Huế trong mắt ai” (Hué dans les yeux de...). May là hôm đó tôi có mang theo cuốn sách nên luôn tiện tôi đã tặng luôn cho bà. Và tôi được biết, trước đó họa sĩ Lê Bá Đảng đã đưa cuốn sách cho phu nhân ông xem, và đọc xong chị Mytshu thích chí khoe luôn với bà De Miscault. “Huế trong mắt ai” là cuốn sách đầu tiên của tôi, vì vậy với tôi đó là một kỷ niệm vô cùng ý nghĩa. 

Cũng dịp triển lãm đó, họa sĩ Lê Bá Đảng hào hứng diễn giải cho chúng tôi về những ước nguyện của ông mang tên Mặc áo cho cây, Hạt gạo Trường Sơn và đặc biệt là về một Không gian Lê Bá Đảng, có thể ở đồi núi Thiên An, hay bên con sông Hương thơ mộng của Huế. Điều đã thành hiện thực bốn năm sau, 2006, với Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng ngay tại số 15 đường Lê Lợi của Huế, với một vọng gác có hình hài Hạt gạo Trường Sơn. Thời gian chuẩn bị khai trương Trung tâm, tôi được đề nghị dịch Việt - Pháp cuốn catalogue (lấy từ bài của Thụy Khuê), nhưng vì một lý do riêng nên rất tiếc tôi không nhận làm.



















Triển lãm Tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng – 05.2002

Mùa Festival Huế 2004, Lê Bá Đảng trở lại Huế với “Mùa Xanh Muôn Một”. Người đến xem triển lãm bắt đầu thấy hiển lộ ý tưởng “Mặc áo cho cây” của ông. Và màu xanh, mùa xanh tràn khắp. Cây đã nhẩn nha, tha thẩn bước vào phòng trưng bày. Mùa Xanh Muôn Một của Lê Bá Đảng như một tác phẩm sắp đặt lạ lùng, bí hiểm nhưng đồng thời lại gần gụi thân thương. Là Quê nhà. Tôi được ông tặng một phiên bản thu gọn của Mùa Xanh.







“Mùa Xanh Muôn Một” – 17.06.2004

Một dịp khác, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tặng cho chúng tôi một bức tranh Mèo của Lê Bá Đảng với tuyền một màu đen mực tàu. Không biết đó có phải là loại tranh về mèo của thuở xưa, cái thời ở Pháp ông bắt đầu bán được tranh và dần hồi đã thực sự thành một tên tuổi.

Và sau đó, thi thoảng chúng tôi lại nhận được thiệp chúc mừng năm mới của ông, những tấm thiệp độc đáo là sản phẩm vừa cắt giấy vừa họa hình, lung linh sóng sánh như giấc mơ diệu vợi.

Tuy khá mù mờ về hội họa và chỉ cảm nhận tranh qua những kiến thức thô sơ hạn hẹp của mình, và không có trình độ thẩm định về nghệ thuật, về tranh, tôi vẫn có một mẫn giác lạ lùng với những dấu ấn của Lê Bá Đảng. Nó xuất hiện nhiều nơi dưới nhiều hình thức. Những thân cây được ông “mặc áo”. Đặc biệt là những đoạn đường ở Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở Huế với những tác phẩm của ông ngay trên mặt đường. Dù cho có đôi chỗ, do thiếu ý thức các hàng quán cứ vô tư kê bàn ghế hay thùng nhựa, xe đẩy đè lên tác phẩm. Và người bộ hành cũng vô tâm giẫm lên mà đi. Trong lúc tôi mải mê nhìn những dấu ấn đó của ông. Những giẫm đạp cứ khiến tôi cảm thấy nhoi nhói trong tim. Hai hàng chữ dặn dò “Mời xem với mắt / Chớ nhìn bằng chân” với chữ ký của ông vẫn còn kia, không biết còn có ai lưu tâm nghĩ ngợi...



     




   Ở Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Huế – 03.08.2012

* * *
Nén hương thôi đã thắp. Những hồi tưởng luyến tiếc thôi cũng đã gom lại gửi đến người vừa ra đi. 

Kẻ trước, người sau. Bửu Chỉ. Dương Đình Sang. Tôn Thất Văn. Các anh đã lần lượt xa rời dương thế. Cả Điềm Phùng Thị, sau những năm tháng cuối đời ở Huế. Giờ thì đến ông, Lê Bá Đảng. Cõi ấy thế là đã nhiều lắm những bậc tài hoa. 

Nhưng sẽ có không một cuộc tao ngộ trùng phùng, để các vị ấy cùng trưng bày những tác phẩm mà biết đâu họ vẫn không ngừng say sưa sáng tạo. 

Vẫn mê mẩn. Vẫn miệt mài.

Để không đứt đoạn những ước mơ hoài bão từng ấp ủ hoài thai thuở sinh thời.

Ít ra là cho họa sĩ Lê Bá Đảng. Bởi dù đã có rồi ở quê hương một nơi chốn để ông gửi gắm những đứa con tinh thần, vẫn còn chưa tròn vành những ước nguyện đầy nghĩa tình của ông.

Trên trang web www.lebadang.org, vẫn nhiều lắm những mục còn chơ vơ để trống ...

3/2015

Phạm thị Anh Nga

Bài đăng trên Dân Trí Online 
http://dantri.com.vn/van-hoa/le-ba-dang-con-do-giac-mo-1044819.htm?mobile=true

* Họa sĩ Lê Bá Đảng từ trần ngày 07.03.2015 tại Paris, Pháp.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire