dimanche 28 novembre 2021

“Huế có một “cặp đôi hoàn hảo” như thế !” ( Nguyễn Khắc Phê )

 
HUẾ CÓ MỘT “CẶP ĐÔI HOÀN HẢO” NHƯ THẾ!

Nguyễn Khắc Phê

 

“Cặp đôi hoàn hảo” là danh hiệu mà nhà phê bình nổi tiếng Đỗ Lai Thúy tặng vợ chồng Bửu Nam-Phạm Thị Anh Nga. 

 

Cả hai đều là Phó giáo sư-Tiến sĩ và đều có thể gọi là chuyên gia về văn học phương Tây, tuy chàng thuộc Khoa Văn Đại học Sư phạm Huế, còn nàng là Đại học Ngoại ngữ. Đã gọi là “cặp đôi” thì gọi là “chàng” với “nàng” có lẽ không thất lễ; cũng dễ gợi nhớ một thời thanh xuân. Chàng (sinh năm 1953) nổi tiếng sớm hơn, từng hăng hái tham gia phong trào đấu tranh sinh viên Huế trước 1975, các tập thơ của chàng với bút danh Trần Hoàng Phố được nhiều tác giả tên tuổi công nhận có giọng điệu riêng khá độc đáo. Trong tập san “Quán văn” 82 đã giới thiệu một loạt bài phê bình thơ chàng của các tác giả Văn Giá, Ý Nhi, Trần Đình Sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Hoài Anh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Cao Thị Hồng, Trần Thùy Mai, Hoàng Thụy Anh… Nhà phê bình Văn Giá nhận xét “vai trò chỉ đạo” thơ chàng là “mối quan hệ giữa thực tại và siêu hình, thực tại hướng tới siêu hình, lẫn vào siêu hình […] thực tại và siêu hình trở thành nhất thể…” Nhà phê bình Lã Nguyên (PGS. La khắc Hòa) cho rằng “không gian mỹ cảm được tạo ra trong thơ Trần Hoàng Phố là hiện thân của phong cách cao nhã, sang trọng…”

 

“Xếp hạng” thơ chàng có thể còn có ý kiến khác, nhưng mới  đây, Bửu Nam được đặt vào một vị thế “đầu bảng” không ai giành được, ít nhất là hết năm 2024. Đó là chức Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2024! Tuy vậy, gặp tôi, chàng không tỏ ra “sung sướng” với vị thế đó mà hình như là ngược lại, khi nhắc đến những buổi giỗ long trọng khá liên tục trong Hoàng Cung mà chàng phải khăn đóng áo dài vái lạy sao cho đúng lễ. 

 

Liên quan đến vị thế này bỗng nhớ đến một danh hiệu cũng thuộc hạng nhất mà chàng được gắn từ hơn nửa thế kỷ trước, thời chàng còn là sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Người ta gọi chàng là “Grand N. vì vóc dáng vượt người […] giữa một đám đông nghìn nghịt người, tôi có thể dễ dàng nhận ngay ra anh…” Người nhắc danh hiệu này không ai khác là nàng Anh Nga. Vậy là chưa hết chuyện về chàng thì nàng đã xuất hiện. Theo tôi, hình như nàng là một người ưa đứng sau hậu trường, cống hiến thầm lặng, có thể là theo gương thân phụ nàng là thầy Phạm Kiêm Âu (1919-1994). Thầy dạy Trường Quốc Học, Đồng Khánh, rồi Đại học Sư phạm Huế, được cả vạn học sinh ngưỡng mộ (trong đó có những nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thùy Mai, Quế Hương…) nhưng không nhận một danh hiệu, một sự khen thưởng nào! Năm 2014, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Thầy, một cuốn sách dày 600 trang đã tập hợp bài viết của hơn 70 tác giả trong và ngoài nước tôn vinh và nhắc lại những bài học vô giá mà Thầy để lại. Có lẽ đó là phần thưởng quý giá nhất của Thầy Phạm Kiêm Âu.

 

Nàng tuy có vẻ thầm lặng, nhưng công việc nghiên cứu khoa học và biên soạn sách giáo khoa tiếng Pháp khiến nàng phải giao tiếp rộng cả trong và ngoài nước. Và “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhóm làm phim “Lê Bá Đảng – từ Bích La đến Paris” do Đặng Nhật Minh đạo diễn, đã mời nàng tham gia dịch Pháp-Việt. Đỗ Lai Thúy gọi nàng là “trí thức hiện đại […] là một nhà khoa học đáng nể. Luận án tiến sĩ của chị bảo vệ ở Pháp năm 2000 về liên văn hoá […] Nhờ đề tài này, chị đã được mời đi dự nhiều Hội thảo quốc tế.”

 

Tôi quen biết cặp đôi này cũng đã khá lâu, vậy mà gần đây đọc 10 tác phẩm văn xuôi của nàng được công bố trong “QUÁN VĂN” 82 (NXB Hội Nhà văn, 2021) mới biết Anh Nga viết văn xuôi hay như thế! Văn xuôi của nàng khó xếp thể loại. Nghe đâu có nhà văn đọc“Một thuở Paris” đã “băn khoăn” hỏi tác giả rằng đó là ký hay truyện. Trong văn chương, cái “khung thể loại” đã từ lâu bị phá vỡ. Tôi chỉ biết đó là một tác phẩm văn xuôi rất hay. Nàng kể lại cuộc sống những năm tháng nghiên cứu ở Pháp, không ngại chàng “ghen”, tường thuật chuyện một cậu theo đuổi thật lòng, nàng cũng… thương nhưng sao có thể… Tác phẩm rất thực mà cũng rất… mơ màng, rất… Tây mà vẫn giữ cốt cách Huế. Riêng về cốt cách Huế thì hai ký chân dung “O Theo” – người giúp việc trong gia đình và “Mạ chồng tôi” đầy ắp những chi tiết rất… Huế. Bài ký chân dung về chàng (“Chuyện về một người”) gồm 10 tiểu mục, còn đặc sắc hơn nữa. Đã đành, vợ thì hiểu kỹ chồng, nhưng tôi đoan chắc ít người có thể viết về “nửa cuộc đời” của mình chi tiết, chân thực và cả giễu nhại, vui vẻ như nàng đã viết về chàng. Chỉ xin trích dẫn 2 chi tiết. Đó là đám cưới của họ, gia đình chọn theo ngày tốt âm lịch, không ngờ trùng ngày truyền thống của sinh viên học sinh! Thế là “đám cưới mà chú rể lại hoàn toàn quên mất cô dâu để chỉ say sưa gào đến khản cổ những câu ca […] hào hùng đã một thời theo anh em xuống đường tranh đấu…, thậm chí chú rể ấy còn hứng chí nắm tay một cô bạn trong phong trào để cùng bắt nhịp hát […] Thế là tôi đánh liều, xin mọi người một phút im lặng, để tự giới thiệu mình chính là cô dâu của tiệc cưới này…” 

 

Một đám cưới vô tiền khoáng hậu, có thể đã làm bạn đọc cười đến chảy nước mắt phải không các bạn. Vậy mà nàng còn dám “công bố” nhiều “vụ” kỳ lạ hơn nữa. Vào thời “bao cấp”, bữa ăn không dễ có thịt, hôm con chó “sinh hạ” mấy cún con, trước khi ăn, chàng lấy ít cơm rồi xắn miếng thịt trong soong, “thủng thỉnh nói, vẻ nghiêm nghị, giảng giải: “Chó đẻ cũng như em đẻ…” Tôi lạnh gáy […] tim thắt lại, nhưng vẫn im không nói gì, hai mắt hình như đã rơm rớm nước mắt. Lòng tự hỏi có thật là anh đó không, cái con người tế nhị, dịu dàng, bao dung, đôn hậu và dễ thương mà tôi đã vô cùng thương yêu…” Nếu không phải nàng kể thì tôi cũng cho là “hư cấu”. Chàng quả đáng yêu thật, khi mới cưới nhau về, chàng “săm soi chải tóc, chăm chú ngắm mình hơi lâu trong gương, rồi đột ngột hỏi tôi: “Anh hỏi thiệt, em đừng cười. Em thấy anh có… đẹp trai không”…

 

Làm sao mà có thể nhịn cười được! Thôi, kể chuyện tương tự về chàng thì hết… trang báo. Xin dẫn phân tích về góc độ khoa học tâm lý & văn hoá của Đỗ Lai Thúy: “Bửu Nam là người đa văn hoá. Một mặt, người của văn hoá hoàng tộc, người của văn hoá đô thị trầm tích kia, mặt khác, người của văn hoá đương đại. Ba văn hoá đó có những đối lập với nhau. Sự rối loạn đa văn hoá này khiến anh nhiều khi ngơ ngác, lạc lõng giữa cuộc đời, như thơ anh…” (Đỗ Lai Thúy quan niệm lớp người hoạt động “phong trào” như Ngô Kha, Bửu Chỉ, Bửu Nam…, sau 1975, có một trữ lượng “văn hoá đô thị trầm tích”) Nàng thì chỉ viết đơn giản, đại ý: Có thế mới là… Bửu Nam! 

 

Bên cạnh chàng “đa văn hoá”, tôi không e ngại khi gọi nàng là một nhà văn đa giọng điệu. Sau những chuyện về chàng khiến bạn đọc “cười chảy nước mắt”, nàng rất “nghiêm chỉnh” rút ra những “bài học” mà các bạn chưa kết hôn hay gia đình đang có chút “trục trặc” nên tham khảo. Bài “Dịch giả Bửu Ý và những chuyến du hành chữ nghĩa” dài đến 15 trang lại đầy chất trí tuệ, đúng là trang viết của “nhà khoa học đáng nể”… 

 

Chuyện “đáng nể” của “cặp đôi” này không thể quên là hai người đã bỏ nhiều - rất nhiều công sức, trí tuệ biên soạn, in ấn ba công trình khá đồ sộ về 3 người bạn thân thiết “Ngô Kha - Hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu”; “Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật & ký ức trần gian”; “Đinh Cường - Ra đi mới biết lòng vô tận”. Ba cuốn sách xứng đáng gọi là “Bảo tàng văn tự” về ba nhân vật được giới trí thức cả nước kính nể. Tôi nghĩ là không quá lời nếu nói rằng: Phải có tình bạn và tình yêu CÁI ĐẸP đủ lớn mới làm được ba công trình để đời như thế!

 

N.K.P.

 

 


 

   
BửuÝ ĐặngTiến BửuNam BùiThịChín AnhNga , Huế 1.2020


     
ĐỗLaiThúy BửuNam AnhNga , Huế 10.2019

BửuNam AnhNga ThùyMai BùiDuyTâm , Huế 4.2019

Nguyễn Khắc Phê (thứ 5 từ trái, hàng đứng) cùng các văn nhân xứ Huế và hải ngoại tham gia thả thơ trên sông Hương, Huế 2.2009 (Ảnh: Bùi Duy Tâm)

AnhNga BửuNam ĐặngNhậtMinh , Huế 9.2017

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire