vendredi 12 novembre 2021

“Lời chào đầu tiên” (Sông Hương, Premier salut, La Gazette de Hué số đầu tiên, 01/03/1935) . ptan chuyển ngữ

 

“Premier salut”, La Gazette de Hué số đầu tiên, 01/03/1935 (Tư liệu của Trần Viết Ngạc) 

 

Lời chào đầu tiên

 

 

Cuối cùng, một tờ báo An Nam bằng Pháp ngữ ở Kinh đô xứ An Nam đã thành hình, và đó là tờ La Gazette de Hué[1]. Tên tờ báo vừa là một lời hứa lại vừa là một cương lĩnh.

 

 La Gazette de Hué phản ánh nhân cách dịu dàng và duyên dáng đến nhường nào của thành phố đế vương; là tiếng nói đáng yêu và khơi gợi cất lên từ bờ sông Hương Giang và sẽ lan tỏa ra khắp cả nước để truyền đến những vùng đất xa lời hiệu triệu của Kinh đô xứ An Nam. 

 

Huế! Huế! Âm vang cái tên đó nghe thật đằm thắm và lay động một cách tuyệt vời trái tim của những ai dẫu không biết đến thành phố này vẫn mường tượng ra nó trong trí tưởng mộng mơ của mình, hay những ai xa Huế khi nghe nhắc đến cái tên đó cảm thấy lòng cuồng nhiệt tan chảy dưới tác động nhiệm mầu của nỗi niềm hoài hương ám ảnh. 

 

Huế là sự tổng hòa tất cả những gì thơ mộng nhất và tuyệt tác nhất mà thiên nhiên đã thực hiện được. Huế tập hợp trong một khung cảnh quyến rũ mọi điều kỳ diệu có thể có của tạo hóa: một vùng biển nhung tơ, rực rỡ và mềm mại cạnh bên những ngọn đồi nhấp nhô và những khu rừng rậm rạp ở ngay lối ra vào thành phố; phía bên này là một vành đai núi non với dáng vẻ khắc kỷ, được sắp xếp như một khung cảnh bài trí vô cùng tuyệt diệu; phía bên kia là vùng nông thôn xanh tươi, đẹp như tranh vẽ, được tỉ mẩn vun trồng, và cuối cùng, vắt ngang qua nó như một tấm khăn quàng óng ánh, là dòng sông Hương tuyệt vời có một không hai này, với vẻ êm ả và trong veo lý tưởng, trải dài đầy gợi cảm dưới ánh mặt trời và phản chiếu trong những gợn sóng tinh khiết tựa pha lê của mình màu xanh vô nhiễm của các tầng trời.

 

Huế níu chân và làm say lòng mọi kẻ du hành và du khách thập phương. Các nhà văn, nhà thơ đã cố dát lên nó bao lời ngợi ca, bao câu từ tâng bốc chẳng câu từ nào thua kém câu từ nào: Huế cô nàng tuyệt diệu, cô nàng quyến rũ, cô nàng phù phép, khiến tôi chẳng còn biết nói gì hơn. Họ đã mô tả bằng mọi giọng điệu và trong tất cả các ngôn ngữ những vẻ đẹp đầy sức lay động và tinh tế của Huế, những cảnh quan thanh nhã và tươi vui của Huế. Nhưng dẫu họ có dùng những lời lẽ nồng nàn và thể hiện sự nhiệt tình đến thế nào đi nữa, họ cũng sẽ không bao giờ khiến cho đề tài bị cạn kiệt và sẽ không bao giờ nói lên hết chất thơ mãnh liệt trải khắp trong thiên nhiên phong phú và hào phóng này. 

 

Chính là vì Huế có nét quyến rũ kín đáo và huyền hoặc mà dẫu có nỗ lực thế nào đi nữa cũng không thể phân tích cho xuyên thấu và miêu tả cho chính xác được. Cùng lắm, người ta cũng chỉ có thể xác lập một vài khía cạnh thoáng qua và phác họa một số phạm vi quen thuộc của nó mà thôi.

 

Huế, đó là bình minh trên núi Ngự-bình, là ánh trăng dưới những rặng thông Nam-giao, là cuộc du thuyền trên sông Hương với những âm sắc thê lương của một khúc tình ca hòa quyện trong tiếng nhạc du dương, da diết; đó là những buổi dài trầm tư ở Tịnh-tâm, trên cây cầu mộc mạc bắc qua hồ sen rộ hoa, là nỗi u hoài trầm mặc của lăng tẩm, là nét duyên đa sắc và cổ kính của kiến ​​trúc đền đài và cung điện hoàng gia.

 

Huế là tất cả ngần ấy thứ và cả những điều khác nữa.

 

Là vị quan uy nghi trong bộ lễ phục màu xanh với tấm thẻ bài bằng ngà, đĩnh đạc mực thước trên chiếc xe kéo quyền lực mà người hầu bận quần bó chẽn xanh vận hành với một nhịp ngắt quãng đều đặn; đó là cô gái trẻ với chiếc vòng kiềng vàng, cái nón lá, dáng đi uyển chuyển thướt tha, thật dịu dàng, thật duyên dáng, thật “đàn bà” trong những chiếc áo dài nhiều màu gợn sóng. Đó là cô lái đò trẻ đứng đàng sau chiếc đò, mặc cho con đò lướt trên mặt nước, chèo hờ hững và cất tiếng hát nhịp theo tay chèo của mình với một khúc ca lê thê, buồn thảm và những đoạn chuyển nhịp được ngâm nga chậm rãi...

 

Nhưng làm sao có thể thực sự liệt kê, phân tích được cho bằng hết? 

 

Cái duyên của Huế, đó là một cảm giác phức hợp, miên man, lan tỏa trong không khí ta thở, trong ô đất nơi ta giẫm chân lên, trong ấn tượng về sự tươi mới, an lành, sung mãn mà ta cảm nhận ở mỗi bước đi. Nó được tạo nên từ hàng nghìn thứ nhỏ bé ấy, từ vô số những điều không lường được đó khiến cho thành phố có một nét riêng thân thuộc đến thế, quý tộc đến thế, quyến rũ đến thế, không giống bất kỳ một thành phố nào khác ở Đông Dương.

 

Chúng ta yêu Huế như yêu những cổ vật pháp lam Trung Quốc này với dáng vẻ tinh khiết và tinh xảo, sắc độ nhẹ nhàng, đa sắc màu quyến rũ và hài hòa hay như những ngôi nhà tranh bé nhỏ, yên tĩnh, kín đáo, thư thái, đầy cây xanh và ánh nắng kia, nơi chúng ta thích ẩn mình sau những nhọc nhằn lao lực triền miên.

 

Nhưng nay Huế đang tự chuyển mình, đang trở nên sống động, đang hiện đại hóa.

 

Thêm vào rất nhiều điểm thu hút về thẩm mỹ và du lịch vốn có từ trước đến nay, giờ đây Huế còn có cả sức hút của một Kinh đô đã trẻ hóa. Huế đã trở thành Kinh đô chính trị lớn của An Nam, là cực hấp dẫn đối với mọi hoạt động và tất cả những lực lượng nòng cốt của đất nước.

 

Việc một vị Vua trẻ tuổi được đào tạo trong nhà trường phương Tây trở về nước, sự hiện diện trên Ngai vàng của một Hoàng hậu trẻ tiến hóa, duyên dáng và thành đạt, những cải cách chính trị gần đây, những hoạt động và sự linh hoạt của Triều đình, các động thái quan trọng về hành chính, các sự kiện văn học nghệ thuật và kinh tế tầm cỡ mà đỉnh điểm xứng tầm là Hội chợ Huế cuối cùng đã thành công, điều ai ai cũng biết − tất cả những việc này góp phần đưa Kinh đô xứ An Nam lên hàng đầu trong các dòng thời sự về Đông Dương. 

 

Chúng ta lại một lần nữa hướng về Huế; chúng ta xem Huế như một lối thoát khả dĩ cho tầng lớp trí thức trẻ đang kiếm tìm một cương vị xã hội, như một suối nguồn màu mỡ, nơi ban phát bổng lộc của giới cầm quyền, những ân huệ và vinh quang.

 

Nếu trước đây Huế quyến rũ đến nhường nào nhờ nét đẹp nên thơ, vẻ tráng lệ quý giá và cổ kính của mình, thì nay Huế cũng gây kinh ngạc đến ngần ấy bởi sức sống, sự năng động và khả năng biến chuyển không ngừng của mình.

 

Nhưng dù xét ở góc cạnh này hay góc cạnh khác, Huế vẫn tiếp tục quyến rũ, được yêu thích, gây hứng thú, như một thành phố hài hòa và cân đối biết kết hợp dấu ấn quý tộc với một nội lực mạnh mẽ và một khuynh hướng hiện đại thực chất nhất.

 

Với tất cả những ai gắn bó với Thành phố-Kinh đô vì một vài mối ràng buộc nào đó, với tất cả những đứa con được quy tụ trong lòng Huế hay đang sống rải rác khắp nơi ở xứ An Nam và trên toàn thế giới, với những người bạn quen biết hoặc xa lạ với Huế, gần gũi hay xa xôi, với những người bạn luôn trung thành cũng như những vị khách vãng lai một hôm nào đó đã làm quen với Huế và luôn lưu giữ ký ức hoài niệm về Huế, chúng tôi xin gửi đến họ tờ Gazette de Hué này.

 

Hàng tuần, tờ báo sẽ chuyển đến họ âm vang cuộc sống yên bình hay náo động, nhộn nhịp hay ngột ngạt của Kinh đô mà nó sẽ là người sứ giả hết mực trung thành và tận tụy.

 

Cùng tất cả các bằng hữu và những ai có thiện cảm với tờ báo, đặt mua báo và là độc giả của báo, hôm nay La Gazette de Hué xin gửi đến quý vị lời chào đầu tiên.

 

SÔNG HƯƠNG

 

(Phạm thị Anh Nga chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp

“Premier salut”, La Gazette de Hué, số đầu tiên, 01/03/1935)

 



[1] Nghĩa là Công báo Huế, là phiên bản tiếng Pháp của tờ Tràng An. (Chú thích của người chuyển ngữ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire