dimanche 3 décembre 2023

Trải nghiệm liên văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam xưa & nay (HỘI THẢO CHUYEN ĐỀ: “DI SẢN LIÊN VĂN HÓA QUA CÁC CÔNG TRÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐẦU THẾ KỶ 20”)

 

 

 

Hội thảo chuyên Đề:

“Di sản liÊn vĂn hÓA qua cÁc cÔng trÌnh vĂn học nghệ thuật Đầu thế kỷ 20”

Lan Viên Cố Tích 2, Điểm hẹn liên văn hoá, 94-96-98 Bạch Đằng, Huế -  Ngày 29/11/2023

 

 

Trải nghiệm liên văn hóa 

và bản sắc văn hóa Việt Nam xưa & nay

Phạm thị Anh Nga

Nguyên Giảng viên Ngôn ngữ, Văn hóa và Văn học Pháp

Trường ĐH Sư Phạm Huế và ĐH Ngoại Ngữ Huế

 

Dẫn nhập

Trong khoảng mười, hai mươi năm trở lại đây, thuật ngữ “liên văn hóa” được đề cập khá nhiều trong các hội thảo, trao đổi khoa học ở Việt Nam. Đó là diều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên bản thân tôi có cơ duyên tham dự một số dịp đó và nhận thấy khá đáng tiếc là dường như ý nghĩa và nội hàm “liên văn hóa” chưa được thẩm thấu ngọn ngành và chưa được khai thác đúng mức. Trong bài viết này tôi mạo muội trình bày một cách sơ lược về khái niệm liên văn hóa, những trải nghiệm liên văn hóa theo quan điểm của giới học thuật phương Tây và một số gợi ý về trải nghiệm liên văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Vào tháng 5/2005 ở ngay tại Huế, dịp Hội thảo khoa học quốc tế “François Jullien với độc giả Việt Nam” với sự hiện diện của bản thân triết gia người Pháp François Jullien, nếu như rất nhiều người trong giới đại học và học thuật ở Huế và các thành phố khác đã tỏ ra được khai mở, vỡ vạc về cách thức François Jullien tiếp cận và tìm hiểu văn hóa Trung Hoa, như thể đó là một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, có tính khai phá, phát hiện, chưa từng được biết, thì thực ra, từ năm 1986 (trước đó 19 năm), cách tiếp cận đó đã được chính François Jullien trình bày trong một bài viết đăng ở tạp chí Communications số 43 mà nhà nghiên cứu Tzvetan Todorov là chủ biên, và trong số đó T. Todovov cũng có bài viết với nhan đề “Le croisement des cultures” (Sự đan xen của các nền văn hóa)[1]. Nhan đề của bài viết đó đồng thời cũng là nhan đề số 43 của tạp chí đó. Ngoài ra, ngay từ những năm 1982 và 1989, những nghiên cứu về trải nghiệm liên văn hóa cũng đã được T. Todorov viết thành sách và in tại Pháp.[2]

Có nghĩa là ngay cả trong giới đại học và nghiên cứu của chúng ta nói chung, xem ra không ít người vẫn khá chậm chân trong tìm tòi và hiểu biết về lĩnh vực này, đi sau các đồng nghiệp phương Tây đến nhiều thập niên.

Tham luận này trong Hội thảo xem như là cơ hội để quí vị có một độ lùi, và nhìn xem giới học thuật phuong Tây quan niệm và nhận định ra sao về trải nghiệm liên văn hóa và bản sắc văn hóa, từ đó yên tâm hơn trong phân tích các khía cạnh của di sản liên văn hóa của Việt Nam đúng theo chủ đề của hội thảo.

1.    1. Liên văn hóa và trải nghiệm liên văn hóa

1.1.         Liên văn hóa

Vậy “liên văn hóa” (interculturel) có nghĩa là gì? Thuật ngữ “interculturel” trong tiếng Pháp theo cách giải thích của Hội Đồng Châu Âu có thể tóm lược như sau: với tiền tố “inter” (liên), từ “interculturel” bao hàm ý nghĩa tương tác, trao đổi, loại bỏ các rào cản, có tính hỗ tương và tình đoàn kết thực sự. Và “culture” (văn hóa) phải được hiểu là các giá trị, lối sống và những biểu tượng mà con người, cả cá nhân và xã hội, “vận dụng trong quan hệ với những người khác và trong quan niệm về thế giới” (L’Interculturalisme : de l’idée à la pratique didactique et de la pratique à la théorie, Strasbourg, 1986)

Truy nguyên nguồn gốc khái niệm thì tại Pháp, vào năm 1975, với việc gia tăng số người nhập cư và những vấn đề đặt ra trong việc giáo dục trẻ em nhập cư, khía cạnh liên văn hóa trong ngành Giáo dục đã rất được quan tâm nghiên cứu. Sau đó việc tiếp cận và nghiên cứu liên văn hóa được mở rộng sang các lĩnh vực khác (Quản lý, Kinh doanh, Giao tiếp…) và tạo ra xu thế ngày càng cởi mở. Năm 1986, nhờ Louis Porcher, liên văn hóa đã bước vào lĩnh vực Tiếng Pháp như một ngoại ngữ (FLE – Français Langue étrangère).

1.2.         Thuật ngữ “liên văn hóa” trong tiếng Việt

Có thể nói lĩnh vực Tiếng Pháp như một ngoại ngữ đó cũng đồng thời là chiếc cầu nối giúp cho các thầy giáo, cô giáo và sinh viên các khoa Tiếng Pháp của các trường Đại học ở nước ta được tiếp xúc với thuật ngữ “liên văn hóa” và ý thức về trải nghiệm liên văn hóa khá sớm.

Nhưng việc sử dụng thuật ngữ “liên văn hóa” nhìn chung vẫn chưa thống nhất và đồng bộ ngay. Mãi đến năm 2008, trong một Hội thảo Khoa học của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế với chủ đề “Giao thoa Văn hoá trong dạy-học ngoại ngữ" (tên tiếng Anh: “Cross-cultural Perspectives in Language Education”), thì cùng là những vấn đề chung được đề cập đến nhưng các đồng nghiệp Anh ngữ, cả Nga ngữ và Trung ngữ đều sử dụng những thuật ngữ khác thay vì “liên văn hóa”, như phần nào đã thể hiện trong nhan đề của hội thảo (Giao thoa văn hóa - Cross-cultural Perspectives).

Tháng 1/2016, tôi cũng có dịp tham dự một Hội nghị khoa học Ngữ văn do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội, về chủ đề “Văn học Việt Nam: bản sắc và hội nhập”. Một chủ đề rất hấp dẫn và rất gợi mở về liên văn hóa như thế nhưng tiếc thay trong suốt thời gian hội nghị, tuyệt nhiên không một ai quan tâm đến khía cạnh liên văn hóa này. Văn học và tác phẩm văn học chỉ được đề cập đến một cách chung chung, thậm chí “quốc tịch”[3] của các tác giả và các tác phẩm cũng không được xác định rõ ràng. Các khía cạnh “bản sắc” và “hội nhập” được xác định là chủ điểm của hội thảo tiếc thay cũng không được khai thác và khá mờ nhạt.

Trở lại với các đại học ở Huế, dường như thuật ngữ “liên văn hoá” bắt đầu được đề cập đến vào các thập niên cuối của thế kỷ trước và cũng dường như chính các giảng viên Pháp ngữ là những kẻ mào đầu. Và không biết có phải do không gian, sông nước và bề dày lịch sử và văn hóa của vùng đất cố đô này hay không, mà trong các dịp hội thảo Pháp ngữ của khu vực Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và cả Thái Lan, Vanuatu…, do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF tổ chức và tài trợ và Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á Thái Bình Dương CREFAP đứng ra tổ chức), qua các tham luận hội thảo cũng như các đề tài thạc sĩ và tiến sĩ đã thực hiện và bảo vệ, các thầy cô của các khoa Tiếng Pháp ĐH Sư Phạm Huế và ĐH Khoa Học Huế (về sau là ĐH Ngoại Ngữ Huế) đã được các đồng nghiệp khác nhận định là “chuyên” về văn hoá và liên văn hoá (!) (không biết “chuyên” ở đây có nghĩa là chuyên tâm hay chuyên nghiệp). Tiếc là ngay ở Huế, những dịp hội tụ trao đổi quanh một chủ đề như dịp này ở Lan Viên Cố Tích, giữa những người không thuộc một chuyên ngành nhưng có chung những mối quan tâm, để được trao đổi và học hỏi lẫn nhau xem ra là hiếm hoi, hoặc nếu có thì bản thân tôi chưa có nhiều cơ duyên tham dự.

Riêng bản thân tôi, từ lâu tôi đã tự xác định và đã đi theo hướng liên văn hóa này, từ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tại Đại học Rouen (Pháp) đến một số đề tài nghiên cứu cấp Trường, cấp Bộ, các tham luận Hội thảo khoa học trong nước và ở nước ngoài, cũng như không ít bài báo đăng trong nước và ở nước ngoài mà phần lớn đều thuộc lĩnh vực này. Riêng ba bài báo đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật năm 2006, thì năm 2009 (hoặc trước đó) đã được ưu ái chọn đưa vào danh mục Học liệu bắt buộc của Đề cương môn học “Tiếp xúc liên văn hóa”, Hệ Cử nhân chính qui, khoa Quốc Tế Học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội[4].

1.3.         Một vài khái niệm về trải nghiệm liên văn hóa

Nếu như nhiều tác giả, như Martine Abdallah-Pretceille, Louis Porcher, E.T. Hall khai thác và không ngừng sử dụng từ “liên văn hóa”, thì từ trước họ, người có công khai phá và mở đường cho lĩnh vực này phải là Tzvetan Todorov, một nhà nghiên cứu Pháp gốc Bungari, thường được biết đến và trích dẫn trong lĩnh vực lý thuyết phê bình và nghiên cứu văn học, trong khi những đóng góp to lớn có tính mở đường của ông về liên văn hóa, về những vấn đề xảy ra trong các cuộc gặp giữa những nền văn hóa khác nhau, thì ở Việt Nam hầu như rất ít người biết đến. Có thể nói ông là người tiền trạm, là người khởi phát, khai mở và nghiên cứu sâu sắc những vấn đề cốt lõi của trải nghiệm liên văn hóa, dù lạ thay ông không quan tâm và rất ít dùng từ “liên văn hóa”. Nhiều bài viết và nhiều cuốn sách của ông đến nay vẫn còn giá trị kinh điển cho lĩnh vực liên văn hóa.

Ở đây tôi chỉ xin đề cập rất sơ lược một vài khía cạnh cốt lõi nhất của trải nghiệm liên văn hóa.

1.3.1.     TôiKẻ Khác (le Moi / l’Autre)

Trong trải nghiệm liên văn hóa, tức là giao tiếp giữa những cá nhân hoặc nhóm người, cộng đồng thuộc các nền văn hóa khác nhau (ví dụ người Việt chúng ta với người Pháp, người Nhật, người Trung Hoa, người Hoa Kỳ…), thì đối tượng giao tiếp được gọi là Kẻ Khác.

Đối tượng đó tùy tình huống có thể là những cá nhân, hay một nhóm người, một cộng đồng, hoặc cả một nền văn hóa.

Kẻ Khác là một alter ego, phải được nhìn nhận là một cái tôi khác, tương tự như Tôi nhưng khác biệt, có tác dụng như tấm gương phản chiếu cho phép mỗi người xác định rõ hơn bản sắc của chính mình.

Giữa TôiKẻ Khác có mối quan hệ biện chứng, ở đó Kẻ Khác là tấm gương phản chiếu, là ánh nhìn. Nói theo M.Abdallah-Pretceille, “Kẻ Khác không để mặc cho ta hình dung ra họ”, đó là “cái nhìn” chứ không phải “vật để nhìn”.

Do đó thay vì tiêu diệt Kẻ Khác hay đồng hóa Kẻ Khác với chính mình hay đồng hóa mình với Kẻ Khác, thì thái độ cần có là trải nghiệm bản sắc của mình trong tình thế khác biệt và đa dạng, đối mặt với Kẻ Khác trong thế tương tác và thâm nhập lẫn nhau.

Quan hệ giữa Tôi và Kẻ Khác phải có tính bình đẳng, không xếp hạng trên dưới, không thứ bậc hơn thua. Ở đó cần loại bỏ những ứng xử cực đoan tôn sùng Kẻ Khác (malinchismo) hay hạ thấp đối phương.

1.3.2.     Sự thẩm thấu văn hóa (acculturation)

Trong giao tiếp liên văn hóa, Tôi và Kẻ Khác (cá nhân hay cộng đồng hay nền văn hóa) tác động tương hỗ lên nhau và đó là một hiện tượng liên quan đến bản sắc.

Và trong nỗ lực cải thiện mối giao hảo hai bên sẽ tìm cách hiểu nhau, dung hòa, thích nghi, và mỗi bên dần hồi tự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Kết quả sẽ là sự thẩm thấu và tiếp biến văn hóa.

Nhìn chung, bản sắc văn hóa không phải là cái gì cố định và bất biến. Nó có thể ứng biến theo hoàn cảnh nhưng vẫn duy trì cái cốt lõi của nó. Một giao tiếp liên văn hóa thành công là khi quá trình thẩm thấu văn hóa giúp cho bản sắc văn hóa phong phú thêm chứ không hủy hoại, tiêu diệt bản sắc văn hóa.

1.3.3.     Những ngộ nhận và xung đột

Tuy nhiên tình huống liên văn hóa không phải bao giờ cũng đạt được mức lý tưởng như thế và những nguy cơ đứt gãy do thiếu hiểu biết lẫn nhau sẽ dễ dàng xảy ra và thường xuyên dẫn đến những ngộ nhận, hiềm khích và xung đột, thậm chí chiến tranh, thù hận.

T. Todorov đã chỉ ra trong lịch sử nhân loại có ba kiểu, ba loại hình đối lập nhau về những tiếp xúc giữa những người khác văn hóa, liên quan đến chủ nghĩa nông nô (esclavagisme), chủ nghĩa thực dân (colonialisme) và Giao tiếp (Communication). Hiện nay, nhân loại tiến bộ gắn với loại hình thứ ba, và hai loại hình kia dù không còn tồn tại một cách công khai vẫn còn những tàn dư và đâu đó vẫn có lúc diễn ra.

Xét về nguyên cơ, thì mỗi cộng đồng văn hóa đều có cho mình một nền tảng đạo đức, thẩm mỹ, những quan niệm đúng sai, tốt xấu. Nhưng các thang giá trị của cộng đồng văn hóa này không phải bao giờ cùng đồng nhất với các thang giá trị của các cộng đồng văn hóa khác. Xét đoán Kẻ Khác chỉ dựa trên thang giá trị của chính mình, của cộng đồng mình là điều gần như tự phát và rất phổ biến. Xu hướng lấy mình làm trung tâm (égocentrisme) hay lấy dân tộc mình làm trung tâm (ethnocentrisme) là những trở lực và phần nào gây nhiễu cho việc hiểu biết lẫn nhau. Và trước những tình huống khúc mắc có vấn đề, để tự giải thích con người thường viện dẫn và “bê nguyên si” những hình ảnh mặc định có sẵn (stéréotype) để giải thích, như “Người Pháp thực dân”, “người Trung Hoa thâm thúy”, “người Anh lạnh lùng cứng nhắc”…

Tuy nhiên ngày nay các nhà nghiên cứu đã kêu gọi cần giải oan cho những stéréotype, những hình ảnh có sẵn có tính định kiến trong phán xét đó. Thái độ cần có là tỉnh táo đặt các stéréotype vào đúng vị trí và vai trò của chúng, như những gợi mở, hỗ trợ trong việc thông hiểu, thay vì xem đó là chân lý mặc nhiên đúng và là lời giải, là đáp án, là giải pháp duy nhất đúng.

1.3.4.     Văn hóa và quyền lực (sức mạnh quân sự, chính trị)

Văn hóa, bản sắc văn hóa không phải là cái gì dễ vỡ, dễ bị phá hủy trước những quyền lục, dù đó có là quyền lực của vũ trang quân sự, của chiến tranh hay bạo quyền.  

Lịch sử đã chứng minh rằng khi một dân tộc bị đô hộ, bị áp bức vẫn âm ỉ trong lòng nó một mầm mống, một mầm sống văn hóa không thể bị thui chột, bị bóp nghẹt. Ngược lại, văn hóa của tầng lớp bị trị đó còn có thể tác động trở ngược lại trên tầng lớp thống trị, trên kẻ bạo quyền, trên cộng đồng bạo quyền, và thậm chí còn có thể làm nảy sinh một hiện tượng thẩm thấu văn hóa của phía bị trị trên cá nhân hay cộng đồng thống trị. Câu chuyện được Vercors kể về một sĩ quan Đức trong đoàn quân Đức quốc xã chiếm đóng một vùng quê Pháp trong “Sự im lặng của biển cả” (Le silence de la mer, NXB. Minuit 1943) là một thí dụ. Hay với Việt Nam, có cả một thế hệ công dân Pháp từng tham chiến ở Đông Dương tự xưng là “Thế hệ Việt Nam” (Génération Vietnam), như Tướng Étienne Doussau trong tiểu thuyết tự thuật của ông về những trải nghiệm Đông Dương, có nhan đề “Tổ quốc bất khả” (L’impossible patrie, NXB. France-Empire 1985). Ngay nhà văn Marguerite Duras cũng đã từng tuyên bố và tâm sự (trong Les lieux de Marguerite Duras, NXB. Minuit 1977), rằng thời trẻ bà đã cảm thấy mình là người Việt Nam hơn là người Pháp, thích hợp với thức ăn Việt Nam hơn, thậm chí còn dị ứng với một số món ăn Pháp.

Gần gũi với chúng ta hơn, là trường hợp bác sĩ Alexandre Yersin ở Nha Trang, linh mục L-M. Cadière ở Huế, hay mới đây là linh mục J-B. Etcharren. Họ là người Pháp nhưng đều đã chọn sống phần lớn cuộc đời hay những năm tháng cuối đời ở Việt Nam và đã yên nghỉ tại Việt Nam. Đó là những thể hiện rõ ràng nhất về sự thẩm thấu văn hóa phía bị trị là Việt Nam lên bản thân họ thuộc giới thống trị, là những công dân của nước Pháp, một đất nước thực dân đi xâm chiếm và đô hộ Việt Nam.  

Tóm lại, có thể nói, đối đầu với những quyền lực dù có hung tàn và bạo ngược thế nào đi nữa, thì văn hóa với bản sắc văn hóa vẫn là một thứ quyền lực mềm, linh hoạt, bền bỉ và trường tồn.

1.3.5.     Phương pháp tiếp cận văn hóa / phương pháp tiếp cận liên văn hóa

Nếu trong thời gian gần đây, các nền văn hóa vẫn được quan niệm như những thực thể ổn định, độc lập, thì ngày nay các nhà nghiên cứu liên văn hóa thừa nhận rằng không có nền văn hóa nào là độc lập khi có những tiếp xúc, tương tác với các nền văn hóa khác.

Đối lập với phương pháp tiếp cận thuần túy văn hoá (hay chính xác hơn là phương pháp tiếp cận văn hoá chủ nghĩa) là phương pháp tiếp cận liên văn hoá gắn với tình huống. Trước một tình trạng bất hoà, xung đột, trước tiên cần phải xem xét, lục vấn môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, những nguyên nhân khả dĩ gây ra sự bất hòa đó, thay vì mặc định là chỉ do hai bên khác biệt nhau về văn hóa, chỉ do các đối tượng thuộc về những nền văn hoá khác nhau. Cách tiếp cận liên văn hoá do đó có tính đa ngành (pluridisciplinaire), tính liên ngành (interdisciplinaire), thể hiện qua việc vận dụng, bóc tách nhiều nguồn thông tin, ý nghĩa đa chiều, gắn với tính đa nghĩa, đa nguyên nhân, đa quan điểm. Vị thế giao thoa này không nhằm vô hiệu hoá sự phức tạp mà ngược lại có khả năng phân tích và lý giải nó.

Xét về mặt lịch đại, văn hóa có tính động, và mỗi cá nhân có thể thuộc về một nền văn hóa này nhưng đồng thời qua tiếp xúc hay do môi trường sống có thể thẩm thấu một nền văn hóa khác. Do dó mỗi cá nhân là một trường hợp riêng không trùng lặp với bất kỳ một cá nhân nào khác. Và bản thân một cá nhân trong hiện tại vẫn có thể khác so với chính cá nhân đó ở các thời điểm trước đây hay về sau này.

Cũng theo chiều hướng đó, văn hóa và bản sắc văn hóa của một cộng đồng, của một quốc gia không là những thực thể tĩnh, cứng nhắc, bất di bất dịch, mà cùng với thời gian và những biến động bên ngoài, có thể có những đổi thay và chuyển biến tích cực hoặc tiêu cực. Qua tiếp xúc, đối thoại hay đối đầu với một nền văn hóa khác, văn hóa của mỗi quốc gia, của mỗi cộng đồng, theo một cách nào đó, có những thẩm thấu, những tiếp biến và được tạo thành từ nhiều tầng, lớp. Những tầng, lớp đó không loại trừ lẫn nhau hoặc chồng chéo lên nhau một cách đứt gãy, gián đoạn, mà được thêm vào, tương tác và thâm nhập vào nhau.

Tóm lại, xem xét văn hóa và bản sắc văn hóa không thể chung chung. Về mặt đồng đại (synchronique), nhất là trong đối chiếu với một nền văn hóa khác, cần gắn với một thời điểm và tình huống cụ thể. Và về mặt lịch đại (diachronique), văn hóa đó và bản sắc của nó phải được xem xét ở thể động với những biến chuyển, thay đổi, những tầng, lớp được kiến tạo nên ở nhiều thời điểm.

 

2.    2. Bản sắc văn hóa Việt Nam qua trải nghiệm liên văn hóa xưa & nay

“Bản sắc” vốn là một từ Hán Việt: “bản” là của chính mình, “sắc” là dung mạo. Mở rộng ra, “bản sắc” có thể hiểu là những đặc trưng, nét đẹp tự thân, vốn có, gồm những tính chất đặc biệt tạo thành phẩm cách riêng. “Bản sắc văn hóa” là những sắc thái, đặc thù riêng về văn hóa tạo thành dung mạo, nét đẹp đặc trưng của một cá nhân, một cộng đồng, một dân tộc.

Bản sắc văn hóa có tính phân biệt bởi nó là yếu tố độc đáo, giúp phân định đâu là cá nhân này, văn hóa của cộng đồng này, dân tộc này, khác với cá nhân khác, cộng đồng khác, dân tộc khác. Chính trong tình huống tiếp xúc liên văn hóa, bản sắc văn hóa hiển lộ rõ ràng hơn cả.

Trong thời đại toàn cầu hóa và với xu hướng hội nhập hiện nay, Việt Nam cũng đã mở rộng cửa với các nước thuộc khắp năm châu. Có nhiều cách tiếp cận bản sắc văn hóa Việt Nam, riêng tôi xin mạo muội đề cập đến bản sắc đó và những trải nghiệm liên văn hóa từ xưa đến nay của Việt Nam dưới một góc nhìn vay mượn của Goethe, đã được T. Todorov trích dẫn và gợi ý khi phân tích những tình huống đan xen hay giao xuyên văn hóa.

2.1. Từ văn chương phổ quát của Goethe…

Ngay từ đầu thế kỷ 19, Goethe đã đưa ra và phát triển khái niệm “văn chương phổ quát” (Weltliteratur, Littérature universelle, World literature), một khái niệm cho đến nay vẫn có thể có giá trị gợi mở cho các nền văn chương của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Khái niệm đó thể hiện sự chuyển di của văn chương sang thế và tầm toàn cầu.

Thuật ngữ “văn chương phổ quát” của Goethe bao gồm: (1) toàn bộ những tác phẩm đã vượt khỏi biên giới đất nước sản sinh ra chúng và đã trở nên phổ quát, (2) việc nghiên cứu các tác phẩm đó, cũng như (3) những công trình nghiên cứu liên văn hóa trong lĩnh vực văn học.

Theo T. Todorov, người ta có thể hình dung rằng văn chương phổ quát chỉ là mẫu số chung bé nhất của các nền văn chương trên thế giới. Chẳng hạn với một người Pháp thì tên tuổi các tác giả như Dante, Shakespeare hay Cervantès không có gì xa lạ. Thậm chí anh ta cũng có thể biết một vài tác phẩm Trung Hoa, Nhật Bản, Ả Rập hay Ấn Độ. .Nhưng văn chương phổ quát của Goethe thì không phải thế. Điều Goethe quan tâm chính là những chuyển biến trong mỗi một nền văn chương của mỗi quốc gia khi có sự giao thoa, trao đổi, tác động lẫn nhau giữa các nền văn hóa và các nền văn chương.

Theo Goethe, một mặt, hoàn toàn không được từ bỏ bản sắc của mình, mà ngược lại phải đào sâu nó, để cuối cùng tìm được ở đó tính phổ quát. “Trong mỗi đặc trưng, dù đó là đặc trưng lịch sử, huyền thoại hay bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn, dù cho nó được dựng lên một cách ít nhiều võ đoán, càng ngày người ta càng thấy tính phổ quát rực sáng và thấu suốt xuyên qua tính chất quốc gia và cá thể.” (Goethe, T. Todorov trích dẫn). Mặt khác, đối diện với một nền văn hóa và văn chương khác, không được lệ thuộc vào nó mà phải nhìn thấy nó là một sự thể hiện khác của tính phổ quát, và từ đó tìm cách hòa nhập với nó. Theo T. Todorov, nếu tác phẩm “Trăm năm cô đơn” thuộc về nền văn chương phổ quát, chính là vì cuốn tiểu thuyết đó bám rễ thật sâu trong nền văn hóa của xứ sở Caribê, và ngược lại, nếu nó thành công trong việc thể hiện những đặc tính của thế giới đó, chính là vì nó không ngần ngại thu nhận những khám phá về văn chương của Rabelais hay của Faulkner.

Điều mà Goethe trông mong vào văn chương phổ quát không phải là mẫu số chung bé nhất, mà chính là tích số chung lớn nhất của các nền văn chương riêng lẻ.

 

2.2. … đến trải nghiệm liên văn hóa và bản sắc văn hóa của Việt Nam

2.2.1.     Những tình huống trải nghiệm liên văn hóa

Vận dụng những khai mở về trải nghiệm liên văn hóa và các luận giải về văn chương phổ quát của Goethe, có thể xem xét bản sắc văn hóa Việt Nam qua các trải nghiệm liên văn hóa ở một số tình huống như sau.

- Khi cánh cửa của đất nước mở ra, một cách tự nguyện (để giao thương, hợp tác, phát triển du lịch…) hay do áp lực quân sự từ bên ngoài (do chiến tranh, ngoại xâm, chiếm đóng, đô hộ…) và cả trong quá trình Việt Nam mở mang bờ cõi về phía Nam.

- Trong nhà trường: ảnh hưởng phương Tây trong giáo dục nhà trường ở Việt Nam thời Pháp thuộc và cả sau đó, và việc dạy và học các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung, Hàn và Nhật cũng như những dịp giao lưu văn hóa.

- Khi những công dân Việt Nam xuất ngoại (bang giao, du lịch, công tác, hay du học, định cư…)

- Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin và kỹ thuật số hiện nay, việc giao lưu, trao đổi, thậm chí hội nghị, hội thảo đều có thể thực hiện trực tuyến, khoảng cách không gian không còn là rào cản.

2.2.2.     Bản sắc văn hóa và di sản liên văn hóa Việt Nam xưa & nay

Qua trải nghiệm liên văn hóa, có thể nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay qua những trầm tích thể hiện ở con người, cảnh quan, các di sản đa dạng của cuộc sống hiện nay.

Nếu hiểu di sản liên văn hóa là những trầm tích, những tầng lớp tích tụ tạo thành bản sắc văn hóa kết tinh từ những tiếp xúc với Kẻ Khác (các cá thể hay các nền văn hóa khác) mang lại, thì di sản đó được thể hiện không chỉ ở trong nước, ngay tại Việt Nam, mà còn hiện diện ở những nơi khác, những nơi có thể nhận ra văn hóa Việt Nam và bản sắc văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn bộ đàn đá Việt Nam tại Bảo tàng Con Người (Musée de l’Homme) ở Paris (Pháp), được trân trọng đặt tại vị trí trung tâm, nơi gian trưng bày những nhạc cụ trên thế giới. Ở đó tất cả các nhạc cụ đều được xếp vào các ngăn tủ kính kê sát tường, chỉ riêng bộ đàn đá Việt Nam là ở trong một tủ kính riêng, đặt ngay giữa phòng. Hay bức tượng Nguyễn Trãi tại Phố cổ Québec, Canada, trên đường phố Auteuil là nơi thành phố Québec dành riêng để trưng bày các bức tượng của nhiều nhà thơ trên toàn thế giới. Bức tượng Nguyễn Trãi đó là tác phẩm của điêu khắc gia Trương Chánh Trung, một công dân Québec gốc Hoa từng sống tại Chợ Lớn (Việt Nam) và cuối cùng định cư tại Québec, và do cộng đồng người Québec gốc Việt Nam tặng thành phố Québec.

Trở lại với không gian của đất nước Việt Nam, có thể nhận thấy di sản liên văn hóa ở rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống hiện nay, từ những đền đài, tòa nhà, việc qui hoạch đô thị, đường sá, đến ngôn ngữ, chữ viết, văn chương (văn xuôi và thơ), báo chí, sân khấu kịch nghệ, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, phim ảnh… Cả trong tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, và trong đời sống thường nhật như trang phục, ẩm thực.

Trong từng mảng nói trên, khi phân tích có thể nhận ra những trầm tích do tiếp xúc liên văn hóa mang lại và còn lưu dấu đến ngày nay. Nếu bức tượng Nữ Thần Tự Do tại Hà Nội đã không còn, thì ngôi Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse hay Nhà Thờ Lớn vẫn còn đó và mỗi chủ nhật vẫn có Thánh lễ bằng tiếng Việt lúc 9 giỡ rưỡi và bằng tiếng Pháp lúc 10 giờ.

Di sản liên văn hóa còn có thể là con người. Thế hệ các họa sĩ được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội đã tạo được một chuyển biến đáng kể trong phong cách sáng tác và chất liệu sáng tác. Và vẫn còn đó rất nhiều công trình xây dựng của đầu thế kỷ 20 thời Pháp thuộc: các ngôi giáo đường, các ngôi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Đà Lạt, Huế…, dù ngày nay đã được thay đổi công năng và mục đích sử dụng. Khách sạn Morin ở vị trí trung tâm của Huế qua nhiều thăng trầm biến động và nhiều thập kỷ là cơ sở đào tạo của nhiều trường đại học, nay đã trở lại với chức năng ban đầu là khách sạn nhà hàng. Cầu Trường Tiền (tên ban đầu là cầu Thành Thái), chợ Đông Ba, trường Khải Định (nay là trường Quốc Học) … cũng là những di sản liên văn hóa của vùng đất cố đô.

Về văn học, việc tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm văn chương nước ngoài nhờ thông thạo ngoại ngữ, và việc dịch thuật, chuyển ngữ cũng tạo nhiều thuận lợi để những tác phẩm văn chương trên thế giới đến với đông đảo độc giả Việt Nam hơn, và tạo nên một sự tiếp biến mạnh mẽ và khởi sắc trong sáng tác văn học.

Trong phạm vi bài này, tôi xin phép không đi sâu phân tích các di sản liên văn hóa đó, và xin để phần việc này cho các học giả, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của từng lĩnh vực đào sâu khảo cứu.

 

Thay lời kết

Xin được kết thúc phần trình bày với ba ý chính:

Thứ nhất, trong trải nghiệm liên văn hóa giữa Tôi và Kẻ Khác, thì Kẻ Khác là một cái tôi khác, là tấm gương phản chiếu giúp mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa hiểu chính mình hơn, như T. Todorov đã từng khẳng định: “Hiểu biết những người khác không chỉ đơn giản là một con đường có thể dẫn đến hiểu biết bản thân: nó là con đường duy nhất”.

Thứ hai, đối với Việt Nam, những luồng gió mới đến từ phương Bắc hay từ phương Tây có tác dụng làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú thêm chứ không phá hủy nó. Chiến tranh, bạo quyền dù có tàn khốc đến thế nào cũng không thể hủy diệt văn hóa. Chúng ta hãy cùng nhau tạo điều kiện để những di sản liên văn hóa của chúng ta lên tiếng khẳng định chân lý đó.

Thứ ba, trải nghiệm liên văn hóa không phải là điều gì cao siêu, chẳng qua chỉ là một trải nghiệm hằng thường, ngày nay gần như ai ai cũng từng nếm trải. Tương tự như văn xuôi của ông Jourdain trong vở “Trưởng giả học làm sang” của Molière, chúng ta đều đã từng rất rất nhiều dịp trải nghiệm liên văn hóa, đã từng điều chỉnh, tiết chế các ứng xử, đã từng cảm nhận ý nghĩa của các di sản liên văn hóa, dù cho không phải bao giờ cũng ý thức đầy đủ về những trải nghiệm đó.

 

Thư mục tham khảo chính:

ABDALLAH-PRETCEILLE M., 1996 (1986), Vers une pédagogie  interculturelle, Anthropos, Paris 222 tr.

ABDALLAH-PRETCEILLE M., 1999, L’éducation interculturelle, Que Sais-Je, PUF Paris, 126 tr.

ABDALLAH-PRETCEILLE M., PORCHER L., 1996, Éducation et communication interculturelle, PUF l’Educateur, Paris, 192 tr.

TODOROV T., 1986, “Le croisement des cultures” in Le croisement des cultures, COMMUNICATIONS số 43, tr. 5-24.

TODOROV T., 1989, Nous et les autres, NXB Seuil, 452 tr.

TODOROV T., 1982, La conquête de l’Amérique, NXB Seuil, 339 tr.

 

Trải nghiệm cá nhân:

1997 “Le calcul du sens dans la communication interculturelle - La rencontre entre Français et Vietnamiens” (Sự tính toán ngữ nghĩa trong giao tiếp liên văn hóa – Sự gặp gỡ của người Pháp và người Việt Nam), Luận văn Thạc sĩ, Ngành Ngôn ngữ Tình huống, ĐH Rouen (Pháp)

2000 “ 'Ces interactions qui ne vont pas de soi'. Étude des gloses métacommunicationnelles de la rencontre Français-Vietnamiens dans des romans et récits d'expression française” ('Những tương tác không hiển nhiên'. Nghiên cứu những giải trình siêu giao tiếp về những cuộc gặp Pháp-Việt trong những tiểu thuyết và truyện kể viết bằng tiếng Pháp), Luận án Tiến sĩ, Ngành Khoa học Ngôn ngữ, ĐH Rouen (Pháp)

2001 “Những stéréotype trong giao tiêp liên văn hóa”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường

2002 Hué dans les yeux de… - Huế trong mắt ai, tản văn song ngữ Pháp-Việt, NXB Thuận Hóa.

2002 “Perspectives interculturelles dans la formation des enseignants du FLE et pour une meilleure stratégie d’apprentissage des élèves-étudiants” (Quan điểm liên văn hóa trong đào tạo giáo viên ngoại ngữ Pháp và chiến lược học tập của sinh viên), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Khu vực Đông Nam Á, Phnom Pênh 12/2002.

2004  “Vivre son identité au Vietnam” (Trải nghiệm bản sắc của mình ở Việt Nam), Tạp chí Hermès-CNRS (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp) số 40, tr. 62-65

2004 “La littérature et le texte littéraire en classe de langue” (Văn học và văn bản văn chương trong lớp học ngoại ngữ), Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Ngôn ngữ và Văn hóa (Cairo-Ai Cập)

2006 “Sự khám phá Châu Mỹ và tiếp xúc liên văn hoá”, Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 3(261) / 2006, tr. 12-17

2006 “Định hướng trong giao tiếp và nghiên cứu liên văn hoá (phần 1) ”, Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 11(269) / 2006, tr. 10-15

2006 “Định hướng trong giao tiếp và nghiên cứu liên văn hoá (phần 2) ”, Tạp chí Văn Hoá Nghệ Thuật (Bộ VH-TT) số 12(270) / 2006, tr. 12-15

2008 “François Jullien : une lecture et un auto-questionnement” (François Jullien: một cách đọc và những điều tự vấn), Tạp chí Synergies Monde – Gerflint số 3, 2008, tr. 111-119

2008 “Tính liên văn hoá trong dạy và học ngoại ngữ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Giao thoa văn hoá, Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế, tháng 11/2008

 

Chú thích

[1] TODOROV T., 1986, “Le croisement des cultures” (Sự đan xen của các nền văn hóa) in Le croisement des cultures, COMMUNICATIONS số 43, tr. 5-24.

[2] TODOROV T., 1989, Nous et les autres (Chúng ta và những người khác), NXB Seuil, 452 tr.

   TODOROV T., 1982, La conquête de l’Amérique (Cuộc chinh phục Châu Mỹ), NXB Seuil, 339 tr.

[3] Quốc tịch: Thế nào là một tác phẩm thuộc văn học Việt Nam?

1- Tác giả là người Việt Nam ? (Trường hợp sinh ở Việt Nam và cư trú ở nước ngoài, hoặc mang hai dòng máu VN và một nước khác thì sao? Người nước ngoài sống ở VN có được tính hay không?)

2- Là các tác phẩm xuất bản ở VN? (Trường hợp là của người gốc Việt và xuất bản ở nước ngoài thì sao? Ví dụ: Thuận, Mai Ninh, Nguyễn Văn Thọ...). Mai Ninh hiện đã về cư trú ở VN, vậy những tác phẩm hiện nay nếu có thì được xem là thuộc văn học VN không? Những tác phẩm trước đây thời chị còn ở Pháp thì sao? Hay trường hợp nhà văn Nguyễn Văn Thọ trước ở Đức, nay ở VN thì sao?

3- Ngôn ngữ sử dụng có nhất thiết là tiếng Việt không? (Trường hợp tác giả là người VN, nhưng viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga thì sao?) VD. Nam Kim (Nguyễn Duy Khiêm), Nguyễn Khắc Viện, Doan Bui...

[4] Đề cương môn học “Tiếp xúc liên văn hóa”do TSKH Lương Văn Kế biên soạn. Trích dẫn:

“Học liệu bắt buộc:

(…)

5. Phạm Thị Anh Nga: Định hướng trong giao tiếp và nghiên cứu liên văn hoá. Tc. Văn hoá nghệ thuật. Số 11 và 12 (269-270) – 2006.

6. Phạm Thị Anh Nga: Sự khám phá Châu Mỹ và tiếp xúc liên văn hoá. Tc. Văn hoá nghệ thuật. Số 3 (261) - 2006.

(…)”

 



 





 
 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire