dimanche 31 août 2008

KHẢ NĂNG CHUYỂN NGỮ TRONG DỊCH THUẬT VÀ DỊCH VĂN HỌC - TRƯỜNG HỢP CÁC BẢN DỊCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI TRONG NHÀ TRƯỜNG

(Tóm tắt tham luận «Traduisibilité vs intraduisibilité. Le cas des textes littéraires et de leur traduction en milieu scolaire.»)

Phạm Thị Anh Nga
ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế (Việt-Nam)



«Bài thơ là một văn bản như bất kỳ một văn bản nào khác; nhưng thoạt kỳ thuỷ, trong một đời người, trong cuộc đời, nó là một khoảnh khắc thi ca duy nhất, không thể tìm lại được, không thể làm sống lại được. Dịch một bài thơ là trải nghiệm một thời khắc thi ca trên một bài thơ, và làm cho nó hồi sinh.
Dịch chính là tháo gỡ và tái tạo một bài thơ.
Mọi thao tác dịch thơ đòi hỏi phải có một thi pháp dịch thuật, và tự đồng hoá mình với thi pháp dịch thuật đó.»
ĐẶNG TIẾN (Chant de la femme du combattant - Chinh phụ ngâm) (Phạm Thị Anh Nga trích dịch)


Xuất phát từ việc ghi nhận những độ chênh giữa các trích đoạn tác phẩm văn học Pháp được chọn đưa vào giảng dạy trong nhà trường ở Việt Nam và nguyên bản bằng tiếng Pháp, tham luận này thử điểm qua những quan điểm khác nhau về dịch thuật nói chung và dịch văn học nói riêng, phân tích những bản dịch văn học, và đề xuất những giải pháp về dịch văn học nước ngoài phục vụ cho giảng dạy và học tập trong nhà trường (phổ thông và đại học) ở Việt Nam.

1. Một vài thí dụ từ trong thực tế

- Sự chênh lệch của các bản dịch văn học so với nguyên bản

Đối chiếu một số bản dịch tác phẩm văn học Pháp được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường (phổ thông và đại học) với nguyên bản của chúng (các truyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa, Lão Nông và các con của La Fontaine, các bài thơ Dưới cầu Mirabeau của G.Apollinaire, Barbara của J.Prévert), có thể thấy một số điểm chênh lệch về mặt hình thức (cấu trúc văn bản, thể loại văn bản, cách trình bày các câu thơ, số lượng câu trong một bài thơ, số lượng âm tiết (chân) trong một câu thơ, ngụ ngôn của La Fontaine được dịch dưới dạng thơ song thất lục bát), và về mặt nội dung (thêm, bớt chi tiết về nội dung hoặc thay một chi tiết này bằng một chi tiết khác tương tự).

- Dịch văn học và việc dạy / học văn học nước ngoài

Các bản dịch văn học dùng để dạy / học văn học nước ngoài trong nhà trường thường được các nhà biên soạn sách giáo khoa và các giảng viên đại học chọn lựa từ các bản dịch của những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tên tuổi, hay trong khuôn khổ xuất bản của những nhà xuất bản đáng tin cậy. Ngoại trừ một thiểu số người thông thạo ngoại ngữ có thể tiếp cận với tác phẩm qua nguyên bản, còn thì các bản dịch văn học vẫn rất cần thiết và tiện dụng để dạy / học văn học nước ngoài, nhờ đó mọi người đều có thể tiếp cận với mọi nền văn học mà không cần biết ngôn ngữ gốc của các tác phẩm. Đặc biệt trong chương trình văn học của cấp PTTH và PTCS, liều lượng văn học nước ngoài là khá lớn (89 (trích đoạn) tác phẩm và 49 tác giả, trong đó có 15 (trích đoạn) tác phẩm văn học Pháp với 8 tác giả: A.Daudet, J-H. Fabre, La Fontaine, G.de Maupassant, Molière, L.Aragon, V.Hugo, H. de Balzac).

Tuy nhiên, trong cách khai thác các bản dịch văn học nước ngoài vẫn có nhiều khía cạnh rất đáng bàn, những lệch lạc đáng tiếc. Một số bản dịch có kèm những ghi chú về những điểm sai lệch so với nguyên bản, nhưng không phải bản dịch nào cũng được ghi chú như thế. Tham luận thử nêu một vài thí dụ khai thác lệch lạc, trích trong các nghiên cứu và sách hướng dẫn dạy học của một số nhà nghiên cứu dành cho giáo viên phổ thông. Do bám sát các đặc trưng của bản dịch lại không biết thực chất nguyên bản ra sao, các nhà nghiên cứu, thầy và trò có nguy cơ hiểu sai lệch tác phẩm và càng lúc càng xa rời các đặc trưng của nguyên bản.

Gần đây chương trình văn học nước ngoài ở phổ thông đã có nhiều cải thiện, nhưng nhìn chung, việc chọn và sử dụng các bản dịch trong dạy / học văn học nước ngoài vẫn là vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng.

2. Dịch là gì? Thế nào là dịch văn học?

- Dịch phải chăng là phản?

Giới nghiên cứu dịch thuật phân biệt giữa dịch ngôn ngữ (traduction linguistique) và dịch ý nghĩa (traduction interprétative) và đánh giá dịch ý nghĩa cao hơn dịch ngôn ngữ. Theo M.Lederer (1994, tr.11), dịch ý nghĩa chính là hiểu văn bản gốc, lột bỏ cái vỏ ngôn ngữ của nó và diễn đạt trong một ngôn ngữ khác những «ý» đã hiểu được và cái «tình» đã cảm nhận được. Nói cách khác, đó là dịch ở cấp độ văn bản chứ không ở cấp độ từ hay câu. Một cặp đối lập quan trọng khác là đối lập giữa dịch tương đương (traduction par correspondances) và dịch tương ứng (traduction par équivalences)
[1]. Nếu việc nắm bắt ý nghĩa của văn bản gốc có khó khăn do có những hàm ý gắn liền với ngôn ngữ-văn hoá gốc, thì việc diễn đạt lại trong ngôn ngữ-văn hoá đích cũng là một thử thách đối với người dịch nếu anh ta ý thức được nhiệm vụ tái hiện mặt hiển ngôn cũng như mặt hàm ngôn, và khía cạnh biểu cảm trong bản dịch của mình, bằng những phương tiện không phải bao giờ cũng tương đương với những phương tiện của ngôn ngữ-văn hoá gốc. Mặc dù dịch tương ứng được đề cao hơn dịch tương đương, cả hai đều có những khiếm khuyết riêng: do quá chú trọng đến sự tiếp nhận và việc diễn đạt tự nhiên trong bản dịch, dịch tương ứng thường hy sinh những khía cạnh độc đáo của văn bản gốc ; ngược lại, vì quá chú tâm đến tính lạ, tính ngoại lai mà dịch tương đương có nguy cơ sản sinh ra một bản dịch tối nghĩa. Thật ra, dịch thuật luôn gắn với một tình huống cụ thể và tuỳ nơi tuỳ lúc mà nên chọn lựa dịch tương đương hay dịch tương ứng. Tóm lại, «Tương đương và tương ứng gắn bó mật thiết với nhau trong quá trình dịch thuật. Không bao giờ cái này lại lấn lướt cái kia một cách trọn vẹn.» (M.Lederer 1994, tr.86)

Do đó, không chỉ có duy nhất một cách dịch đúng, trái lại, có thể có nhiều cách dịch khác nhau cho một văn bản gốc mà vẫn không «phản» lại nó. Chọn cách dịch nào là tốt tuỳ thuộc vào mỗi một ngữ cảnh, tình huống, mỗi một loại đối tượng, mỗi một mục tiêu sử dụng bản dịch.

- Văn học và dịch

Bàn về những người dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Pháp, Georges Mounin phân biệt hai loại chính: (1) những người chủ trương dịch sao cho văn bản được Pháp hoá và không còn một nét lạ nào của văn bản gốc, như thể nó được tư duy và viết ra trực tiếp bằng tiếng Pháp; (2) những người muốn lưu giữ trong bản dịch những đặc điểm của văn bản gốc (về ngữ nghĩa, hình thái, phong cách) và muốn tạo cho độc giả cảm giác lạ lùng, để không lúc nào anh ta quên rằng mình đang đọc bằng tiếng Pháp một văn bản ban đầu đã được nghĩ và viết trong một ngôn ngữ khác.

Về dịch thơ, theo I.Oseki-Dépré (1999, tr.87-91), Efim Etkind phân biệt sáu loại dịch thuật: Dịch-Thông tin (Traduction-Information), Dịch-Giải thích (Traduction-Interprétation), Dịch-Ám chỉ (Traduction-Allusion), Dịch-Phỏng chừng (Traduction-Approximation), Dịch-Tái tạo (Traduction-Recréation), và Dịch-Mô phỏng (Traduction-Imitation). Nhìn chung, dịch thuật là một công việc không đơn giản, và người dịch luôn phải đối mặt với những thử thách khi chuyển dịch một văn bản văn chương từ ngôn ngữ-văn hoá này sang ngôn ngữ-văn hoá khác. Có ba khía cạnh cần đặc biệt lưu ý ở đây: những khía cạnh văn hoá trong nguyên bản, bản thân ngôn ngữ (ngôn từ), và vai trò của người dịch (một kiểu sáng tạo văn học, từ đó dẫn đến việc cùng tồn tại hai văn bản: văn bản gốc và văn bản dịch).

3. Khả năng chuyển ngữ trong dịch văn học

Ý kiến thống nhất chung của rất nhiều nhà nghiên cứu là không thể dịch các tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm thơ. Khó có thể chuyển ngữ đặc điểm hình thức của câu thơ, các vần điệu, những nghĩa bao hàm, quan hệ giữa đặc điểm ngữ âm và ý nghĩa, là những yếu tố cấu thành đặc tính của bài thơ. Trong trường hợp này, chuyển ngữ thành công các đặc tính đó được hiểu như là một thành quả về «sáng tạo văn chương» của bản thân người dịch.

Quan sát một số tác phẩm Pháp đã được dịch sang tiếng Việt, ta thấy: một mặt, nhiều đặc điểm về diễn đạt trong văn bản gốc, có thể khai thác được trong tiếp cận văn bản văn chương, lại không được chuyển sang tiếng Việt; mặt khác, một số chuyển đổi trong bản dịch đã «phản» lại văn bản gốc. Ngoài ra, một số bài thơ Pháp hầu như chưa bao giờ được dịch sang tiếng Việt, do chúng được hình thành dựa vào mối tương quan chặt chẽ giữa những đặc điểm của văn bản gốc không thể chuyển ngữ sang ngôn ngữ-văn hoá Việt Nam.

4. Để việc sử dụng bản dịch văn học trong nhà trường được tốt hơn

- Bản dịch nào là phù hợp để sử dụng trong nhà trường?

Để đáp ứng nhu cầu về dạy / học văn học nước ngoài, bản dịch cần cho phép người đọc tiếp cận với càng nhiều đặc điểm của văn bản gốc (đặc điểm về ngôn từ, các hàm ý, ám chỉ hay đặc trưng văn hoá) càng tốt, vì vậy dịch tương đương (traduction par correspondances) là phù hợp hơn dịch tương ứng (traduction par équivalences), với điều kiện bản dịch phải rõ nghĩa, dễ đọc. Nếu không tìm được bản dịch đáp ứng yêu cầu đó, có thể sử dụng một bản dịch có sẵn, thường thuộc loại dịch tương ứng, và bổ sung bằng một bản dịch được «đặt hàng» nhằm đáp ứng cho dạy / học, tức theo hướng tương đương, càng gần văn bản gốc càng tốt. Trường hợp chỉ có thể sử dụng một bản dịch có sẵn (dịch tương ứng) thì cần kèm theo bản dịch đó nhiều ghi chú về các điểm chênh lệch giữa bản dịch và văn bản gốc (thêm, bớt, chuyển đổi). Các tư liệu này chỉ nên cung cấp cho học sinh phổ thông một cách chừng mực, vừa phải, nhưng các nhà nghiên cứu, các giáo viên và cả sinh viên ngành văn chương thì dứt khoát phải tiếp cận với chúng.

- Khai thác các bản dịch văn học trong nhà trường

Trong quá trình học sinh, sinh viên tiếp xúc với văn học nước ngoài, giáo viên đóng vai trò trung gian và có thể được xem là người tổ chức cuộc tiếp xúc, gặp gỡ đó. Giáo viên cần phân biệt những điểm chênh lệch, khác nhau giữa hai văn bản (văn bản gốc và bản dịch), tránh đánh đồng những đặc điểm của riêng bản dịch với đặc điểm của chính văn bản gốc, cố gắng tiếp cận càng gần càng tốt ý nghĩa và cách diễn đạt của văn bản gốc. Và tất cả những đặc điểm của văn bản gốc đã được chuyển ngữ trong bản dịch cần được tận dụng khai thác, về nội dung cũng như về hình thức.
-----------------
Ghi chú:
[1] Correspondanceséquivalences là những từ đồng nghĩa trong tiếng Pháp, cũng như tương đươngtương ứng là đồng nghĩa trong tiếng Việt. Có người dịch traduction par correspondancesdịch tương ứngtraduction par équivalencesdịch tương đương, nhưng theo tôi tương ứng có chứa hàm ý về nỗ lực chọn lọc (giữa một số khả năng diễn đạt) khả năng nào là phù hợp nhất, vì vậy nó thích hợp với traduction par équivalences hơn tương đương.
-
Kỷ yếu Hội thảo KH «Công tác dịch thuật và đào tạo cử nhân Phiên-Biên dịch» (ĐHNN-ĐH Huế - Trung tâm HT NCCA-ĐHQG HN) Huế 8/2007

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire