lundi 22 septembre 2008

NHẬN XÉT ĐỀ TÀI VỀ NGÔN NGỮ HỌC VĂN BẢN CỦA TRƯƠNG QUANG ĐỆ

BẢN NHẬN XÉT ĐỀ TÀI
«Recherches sur la linguistique textuelle du français»
của TRƯƠNG QUANG ĐỆ
ĐH Sư Phạm Huế - Thứ bảy 16.03.1985
Người nhận xét:
Phạm thị Anh Nga

1. Công trình «Nghiên cứu về Ngôn ngữ học văn bản tiếng Pháp» của Trương Quang Đệ bao gồm 92 trang đánh máy, viết bằng tiếng Pháp, là một công trình có giá trị về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Tác giả đã mạnh dạn đi vào một lĩnh vực mũi nhọn của ngành ngôn ngữ học hiện đại mà ở Việt Nam hiện nay, có thể nói là chưa có một công trình có tầm cở nào.

2. Về mặt lý luận, tác giả trình bày tổng quan về ngôn ngữ học văn bản nói chung và đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ học văn bản tiếng Pháp. Công trình có thể làm mẫu cho những công trình ngôn ngữ học văn bản của các ngôn ngữ khác, mặc dù nó đề cập rất cụ thể và chi tiết đến các đặc điểm của văn bản tiếng Pháp.

3. Về mặt thực tiễn, qua việc phân tích văn bản tiếng Pháp và vận dụng vào giảng dạy ngoại ngữ, tác giả đã có những gợi ý đáng kể về mặt phương pháp luận và lý thuyết ngôn ngữ cho việc dạy ngoại ngữ (về lý thuyết tiếng cũng như thực hành tiếng), đặc biệt là dạy tiếng Pháp.

4. Tác giả đã có đóng góp lớn và rất sáng tạo trong việc dựa vào những thành tựu đã đạt được của ngôn ngữ học văn bản để vận dụng tìm ra những đơn vị trong nghiên cứu các văn bản viết, đàm thoại và truyện kể (chương 2, 3, 4), cũng như đồ thị hoá quan hệ của các đơn vị trong văn bản (chương 5).

5. Vì đề tài khá rộng và bao quát, có một số mặt không được tác giả đề cập đến một cách thoả đáng. Trong khi phân chia các loại quan hệ giữa các phát ngôn trong văn bản và sắp xếp các từ liên kết, tác giả chưa trình bày rõ các tiêu chí phân chia, sắp xếp của mình, do đó giảm bớt mức độ thuyết phục. Ngoài ra, còn có một số thuật ngữ khá mới được sử dụng, để giúp người đọc dễ dàng tiếp thu, nên có chú thích, đặc biệt là các thuật ngữ có tính cách chuyên sâu.

6. Công trình này được hoàn thành đúng kỳ hạn là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc, say mê khoa học của người nghiên cứu. Mặc dù có nhiều hạn chế trong điều kiện thực hiện (về thời gian, về thông tin, tư liệu...), tác giả đã xác định và đi đúng hướng theo đà phát triển của ngôn ngữ học hiện nay.

7. Công trình này có thể được trình bày và bảo vệ ở những hội đồng khoa học cấp cao hơn, và nếu được bổ khuyết những thiếu sót nhỏ (đặc biệt là các phần mục lục, tư liệu tham khảo, ngữ liệu trích dẫn cần trình bày đúng quy cách hơn), thì công trình này có thể được đề nghị công bố trong và ngoài nước.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire