Kính thưa Ban Nữ công ĐH Huế,
Kính thưa các Đại biểu,
Cùng toàn thể các Nữ đồng nghiệp, là cán bộ, công nhân viên, giáo viên,
Nhân ngày Phụ Nữ VN 20/10, tôi được chị Mai Lan (Ban Nữ công ĐH Huế) và chị Thanh Hoa (phụ trách nữ công của trường ĐH Ngoại Ngữ Huế) đề nghị phát biểu về những thành tựu và kinh nghiệm của mình trong phong trào “Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Thú thật tôi rất lúng túng vì, như chị Mai Lan đã nói, tôi thường làm việc một cách âm thầm, và cũng rất ngại ngùng khi phải nói về mình. Do đó, tôi không có ý định báo cáo kinh nghiệm, mà chỉ xin bày tỏ cùng các Đại biểu và chị em một vài tâm sự nhỏ.
Kính thưa các Đại biểu,
Cùng toàn thể các Nữ đồng nghiệp, là cán bộ, công nhân viên, giáo viên,
Nhân ngày Phụ Nữ VN 20/10, tôi được chị Mai Lan (Ban Nữ công ĐH Huế) và chị Thanh Hoa (phụ trách nữ công của trường ĐH Ngoại Ngữ Huế) đề nghị phát biểu về những thành tựu và kinh nghiệm của mình trong phong trào “Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Thú thật tôi rất lúng túng vì, như chị Mai Lan đã nói, tôi thường làm việc một cách âm thầm, và cũng rất ngại ngùng khi phải nói về mình. Do đó, tôi không có ý định báo cáo kinh nghiệm, mà chỉ xin bày tỏ cùng các Đại biểu và chị em một vài tâm sự nhỏ.
Trước tiên, những gì tôi vẫn nỗ lực làm, thực hiện, và đã được ghi nhận, chẳng qua cũng chỉ là những điều thực sự thiết thân và thuộc tâm nguyện của tôi. Là giáo viên, tôi nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học, và tìm cách sẻ chia với đồng nghiệp, hay thể hiện qua những tham luận, bài báo, được trình bày hay công bố trong nước và ở nước ngoài. Là phụ nữ, tôi cố gắng chu toàn nhiệm vụ của người vợ, người mẹ trong gia đình, để có thể là người bạn đồng hành với chồng trên đường đời cũng như trong những đam mê khoa học và sáng tác văn chương, và là người dẫn đường và cùng đồng hành với các con trong cuộc sống, trong học tập, và trong những bước đầu tìm tòi nghiên cứu của các con. Những điều tâm niệm đó, nói cho cùng, cũng chỉ là những điều rất thường tình, rất bình thường, rất đời thường. Và sẽ là hạnh phúc nếu ít nhiều thực hiện được.
Tôi xin cảm ơn Ban Nữ công ĐH Huế và ĐH Ngoại Ngữ đã ghi nhận những gì gọi là thành công của tôi. Với tôi, đó có thể là độ chín muồi của những nỗ lực cá nhân cộng với những run rủi, may mắn mà cuộc đời đã dành cho tôi.
May mắn đầu tiên, là tôi được sinh ra trong một gia đình rất trọng cái chữ. Ba tôi là nhà giáo, cũng là người thầy đầu đời của tôi. Quyết tâm học hành đã được ba mẹ tôi hun đúc cho chúng tôi từ thuở còn thơ, và qua những thử thách sóng gió cuộc đời, gia đình tôi luôn quyết tâm giữ lấy cái chữ cho tất cả các con trong nhà, và tạo mọi điều kiện để chúng tôi luôn vươn lên trong học tập.
May mắn thứ hai, là trên đường học vấn, tôi đã gặp rất nhiều vị thầy thực sự là những tấm gương rạng ngời cho tôi về quyết tâm học tập và say mê nghiên cứu. Hầu như ở giai đoạn nào tôi cũng may mắn gặp được những vị thầy hiếm hoi như thế, từ tiểu học, trung học, rồi đại học, rồi thời gian là cán bộ trẻ ở trường ĐH Sư Phạm Huế, cho đến tận những tháng ngày làm nghiên cứu sinh, viết luận án ở Pháp.
May mắn tiếp theo, khi tôi lập gia đình, là số phận đã run rủi cho tôi gặp một người bạn đời rất quan tâm và luôn khuyến khích tôi đi xa hơn trong sự nghiệp. Những năm khốn khó, tôi đã muốn gạt bỏ mọi cơ hội học tập để tập trung vun vén cho gia đình, cho chồng, cho con. Chính anh đã thúc đẩy tôi tạm gác việc nhà để đi học thêm, lấy bằng Thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh ở Pháp. Bên cạnh chồng tôi, mẹ chồng của tôi cũng luôn sẵn sàng ghé vai gánh vác cho tôi những lo toan gia đình để tôi an tâm chuyện học hành. Một đời mẹ chồng tôi, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng để cho dâu con được học hành thêm thì bà sẵn sàng gánh thay tôi mọi việc.
May mắn nữa, là trong môi trường làm việc, tôi cũng được các đồng nghiệp và Lãnh đạo thương yêu và tin cậy, và tạo điều kiện cho tôi thực hiện sở nguyện của mình. Trong Khoa, trong Trường, hay vào những dịp làm việc với các đối tác bên ngoài, tôi đã được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp sức mình cho ngành nghề, cho xã hội, cho đất nước.
Nói chung, tôi đã may mắn có được sự đồng thuận và những tấm lòng tri âm ở gia đình, chồng con, đồng nghiệp.
Nhưng may mắn có khi cũng phải tự mình tạo ra. Tôi đã tạo ra cơ may cho mình khi tự xây dựng một cách sống và làm việc với một số nguyên tắc như sau:
1. Chọn một nghề nghiệp, một đường đời mà mình thực sự yêu thích, và sống hết lòng với nó
2. Sắp xếp những ưu tiên theo từng giai đoạn trong đời: có thời ưu tiên chuyện sinh con và bú mớm, nuôi con nhỏ, nhưng cũng có một thời ưu tiên cho việc làm đề tài NCKH cấp trường, cấp bộ, hay viết luận án...
3. Giữ thăng bằng cho đầu óc và cơ thể bằng những hoạt động khác mang tính giải trí như đi bộ thư giãn, đọc báo, xem phim, nghe nhạc, viết truyện, làm thơ, dịch thuật...
4. Lạc quan, và tìm cách biến đổi những trở lực thành những trợ thủ cho mình. Vài năm trở lại đây, tôi bị bệnh nhược cơ (myasthénie), mí mắt cứ sụp dần, nhìn lâu và đọc sách rất dễ mỏi mắt nên tôi vẫn hay phải đi nằm nghỉ và nhắm mắt. Tôi đã lạc quan nghĩ rằng: như thế tôi càng có cơ hội nhìn thấu bên trong, ở những chiều sâu ý nghĩa mà với mắt thường thì không thể nhìn thấy được, và tuy đọc ít, nhưng tôi càng có cơ hội để suy nghĩ, ngẫm nghĩ nhiều hơn.
5. Quan niệm về thế mạnh của phụ nữ như sau: nếu phụ nữ thiếu quyết đoán và thiếu mạnh mẽ trong công việc, thì khả năng nhạy cảm cộng với thời gian suy xét có thể giúp phụ nữ hành động đúng và thuyết phục, và thái độ mềm mỏng (nhưng không mềm yếu) có thể là chìa khoá thành công.
6. Niềm đam mê học hành và nghiên cứu mà tôi đã nhận được từ ba mẹ tôi và các thầy giáo ngày nào, và đã có thể chia sẻ với chồng tôi, bằng mọi cách tôi phải truyền lại cho các con tôi, cũng như cố gắng truyền đạt cho các thế hệ học trò, các đồng nghiệp trẻ.
Cuối cùng, bên cạnh những gì được xem là thành công của tôi trong sự nghiệp, trong gia đình, tôi nhận thấy mình vẫn có rất nhiều điểm thiếu sót cần hoàn thiện. Có lẽ trong cuộc đời, khó có ai đồng thời đáp ứng được mọi yêu cầu đặt ra, và tôi tự thấy vẫn còn nhiều mặt khiếm khuyết cần học tập ở những đồng nghiệp nam cũng như nữ của mình.
Phải chăng cuộc sống luôn là một cuốn sách với biết bao bài học quý giá, có thể “cũ người” nhưng vẫn “mới ta”, đang mời gọi chúng ta cùng quan tâm khám phá, để có thể cùng nhau hướng tới sự hoàn thiện và hạnh phúc lâu bền?
Tôi xin kính chào quý Đại biểu, các chị em, và xin chúc tất cả sức khoẻ, thành công, hạnh phúc.
Phạm Thị Anh Nga
Khoa Tiếng Pháp
ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế
Phạm Thị Anh Nga
Khoa Tiếng Pháp
ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire