mardi 2 septembre 2008

TƯƠNG QUAN GIỮA VĂN HOÁ-VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ

Một số ứng dụng trong dạy / học các kỹ năng thực hành tiếng Pháp

Phạm thị Anh Nga
Khoa Tiếng Pháp ĐHNN - ĐHH

Xuất phát từ đặc trưng của văn hoá và văn học trong nhà trường và trong dạy / học ngoại ngữ, bài viết này đề cập đến mối tương quan giữa văn hoá-văn học và ngôn ngữ, và phân tích những đóng góp tích cực của văn hoá và văn học nước ngoài trong dạy / học ngoại ngữ, đặc biệt là dạy / học thực hành tiếng Pháp, về các khía cạnh kỹ năng ngôn ngữ, năng lực giao tiếp, năng lực văn hoá và liên văn hoá. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số định hướng trong việc khai thác văn hoá và văn học, nhằm góp phần thúc đẩy việc dạy / học ngoại ngữ đạt hiệu quả tốt hơn.

1. Văn hoá và văn học trong nhà trường

1.1. Đề cập về văn hoá và văn học trong nhà trường, R.Galisson (1998) phân biệt giữa một bên là văn hoá-ý niệm (culture-vision) hay văn hoá bác học, và một bên là văn hoá-hành động (culture-action) hay văn hoá thông dụng, hoặc là văn hoá nhân loại học. R.Galisson định nghĩa: văn hoá-ý niệm là «văn hoá như người ta tự biểu thị nó, một văn hoá trừu tượng thuộc phạm vi tri thức»; ngược lại, văn hoá-hành động là «văn hoá như người ta thực hành nó, một văn hoá cụ thể thuộc phạm vi savoir-faire, savoir-être, savoir être avec, savoir faire spontané
[1], tức thuộc phạm vi ứng xửcảm nhận».

Văn hoá-ý niệm bao gồm những tri thức về các lĩnh vực văn học, nghệ thuât, khoa học kỹ thuật... và được truyền đạt thông qua trí tuệ (l’esprit) với các môn học như xã hội học, dân tộc học, nhân loại học, lịch sử, địa lý..., theo phương pháp suy diễn (déductive); còn văn hoá-hành động thì được xây dựng thông qua cơ thể (le corps) theo phương pháp quy nạp (inductive), với những rèn luyện về ứng xử, trải nghiệm của bản thân người học, và những môn học như giảng văn, đóng kịch, hay xa hơn nữa là hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, tin học, mộc... Riêng về văn học, thì việc học văn học sử thuộc phạm vi tri thức, nằm trong văn hoá-ý niệm hay bác học, một văn hoá được xem là «trừu tượng» và được tiếp thu thông qua trí tuệ, trong khi việc học tập, phân tích, khai thác các tác phẩm văn học lại thuộc phạm vi savoir-faire, savoir-être, savoir-être avec, savoir faire spontané và là một phần của văn hoá-hành động hay thông dụng, được thể hiện và rèn luyện thông qua cơ thể, và một cách cụ thể. Nếu việc học văn hoá-ý niệm, văn học sử coi trọng những tri thức tường minh và năng lực hiểu và tiếp nhận, thì trong tiếp cận với văn hoá-hành động, tác phẩm văn học, người ta cần phát triển những năng lực liên quan đến sự thành thạo trong thao tác và phản xạ tự nhiên, năng lực cảm nhận và biểu đạt.

1.2. Trong dạy / học ngoại ngữ, ngoài vai trò là nội dung của chương trình đào tạo theo mục tiêu chung (đào tạo giáo viên ngoại ngữ, đào tạo chuyên viên biên-phiên-dịch...), thì văn hoá nước ngoài, thường được gọi là văn hoá-đích (culture-cible), cũng như văn học, còn có tư cách là Kẻ Khác văn hoá, hay đại diện cho Kẻ Khác văn hoá, nói theo ngôn từ của những nhà nghiên cứu lĩnh vực liên văn hoá (interculturel). Trong tình huống dạy / học đó, người học là Tôi (Je) được đặt trong thế giao tiếp, tương tác và ứng xử với Kẻ Khác (l’Autre), mà đại diện ở đây là một nội dung văn hoá, một tác phẩm văn học hay trích đoạn tác phẩm văn học được học.

Theo M.Abdallah-Pretceille và L.Porcher (1996), nếu sự gặp gỡ với Kẻ Khác văn hoá có thể diễn ra trực tiếp qua trao đổi, tiếp xúc hay đối thoại, nó cũng có thể được thực hiện dưới những dạng gián tiếp hơn, qua trung gian (médiation) của một tư liệu nghe hay nhìn hay nghe-nhìn (phim ảnh, sách, bài báo, nội dung của đài phát thanh, đài truyền hình...). Trong khuôn khổ đó, tác phẩm văn học «thể hiện một thể loại vô tận của bài tập nhân tạo về sự gặp gỡ VỚI Kẻ Khác : gặp gỡ dưới dạng uỷ quyền, thật vậy, nhưng dẫu sao cũng là gặp gỡ».

2. Mối quan hệ giữa văn hoá-văn học và ngôn ngữ

2.1. Trong dạy / học ngoại ngữ, văn hoá và văn học có hai tư cách song song tồn tại: thứ nhất, như một bộ môn của chương trình đào tạo, có tính độc lập tương đối, và, thứ hai, như một phương tiện phục vụ cho các bộ môn khác, góp phần tạo nên nội dung, cách tiếp cận, rèn luyện kỹ năng, cũng như tạo hứng thú. Văn hoá vừa có thể có vị trí bên ngoài nhưng gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ, vừa có thể là một bộ phận cấu thành tiềm ẩn bên trong bản thân một đơn vị ngôn ngữ, chẳng hạn một ngôn từ, như R.Galisson đã phân tích trong cuốn «Từ ngôn ngữ đến văn hoá thông qua ngôn từ» (De la langue à la culture par les mots), và đó cũng là đối tượng nghiên cứu của bộ môn ngữ dụng học từ vựng-văn hoá (pragmatique lexiculturelle).

Văn hoá ở đây không chỉ bao gồm những tri thức có tính bác học, mà cả những ứng xử văn hoá, những cảm nhận đối với ngôn ngữ và văn hoá được học. Vai trò của thầy cô giáo chính là vai trò người trung gian (médiateur), nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người học (Tôi, Je) trong quá trình tiếp cận và ứng xử với ngôn ngữ và văn hoá được học (Kẻ Khác, l’Autre). Học ngoại ngữ do đó không chỉ là tiếp thu một hệ thống ngôn ngữ với những qui ước của nó, mà còn là học cách sử dụng hiệu quả ngôn ngữ đó trong cuộc sống, để giao tiếp, tư duy, tự tổ chức cuộc sống và ứng xử thích đáng với bản thân và với tha nhân.

2.2. Riêng về vai trò của văn học và đặc biệt là tác phẩm văn học, các phương pháp giao tiếp đã hoàn toàn sáng suốt khi trả lại cho chúng vị trí xứng đáng trong dạy / học ngoại ngữ. Nếu trong quá khứ các phương pháp trực tiếp, nghe-nói, nghe-nhìn đã gần như loại bỏ văn học ra khỏi lớp học, thì hiện nay việc đưa văn học và tác phẩm văn học trở lại với lớp học không có nghĩa là lặp lại lịch sử, lùi lại với thời kỳ vàng son của văn học trong lớp học ngoại ngữ, thời của phương pháp truyền thống hay ngữ pháp-dịch. Cách tiếp cận, khai thác cũng như lựa chọn ngữ liệu văn học để dạy / học ngày nay được đặt trong một bối cảnh có tính liên ngành, liên kết và phối hợp những thành quả nghiên cứu mới nhất của các khoa học nhân văn và của lý luận dạy và học ngoại ngữ.

2.3. T.Todorov (1986) khẳng định: văn học nào cũng có tính quốc tế, tức là mọi người đều có thể đọc được. Ông dựa trên khái niệm «văn học phổ quát» (littérature universelle, Weltliteratur) của Goethe, ở khái niệm đó song song tồn tại hai khía cạnh phổ quát và đặc thù. Theo T.Todorov, các nhà văn đều bén rễ trong nền văn hoá của mình, nhưng đồng thời cũng thuộc về một di sản chung của cả nhân loại. Do đó, việc tiếp cận các tác phẩm hay trích đoạn văn học nước ngoài có thể được tiến hành một cách trực tiếp, khác với việc tiếp cận các tư liệu được gọi là «thực» (authentique): bản thân tư liệu thực thường nhắm đến những đối tượng là người bản ngữ sống bên trong nền văn hoá đó, và việc khai thác chúng trong lớp học ngoại ngữ giả định phải có một loại giao tiếp «nhập vai» (simulée). Trái lại, tác phẩm văn học cho phép thực hiện giao tiếp không cần nhập vai, và là điều kiện thuận lợi, tự nhiên để người học trao đổi, chia sẻ và rèn luyện về ứng xử liên văn hoá.

Với tác phẩm văn học, người học không bị buộc phải lãng quên, xoá bỏ văn hoá của mình, không cần phải «vờ vịt», «đóng vai», cố trở thành một người khác, mà có thể vẫn giữ văn hoá của mình, giữ bản sắc, đặc trưng của nền văn hoá đó trong lúc đọc, tiếp nhận, và tìm hiểu tác phẩm văn học nước ngoài. Xuất phát từ quan điểm của mình, với tính chủ quan và cảm quan riêng, người học thiết lập quan hệ với văn học nước ngoài, vừa với lịch sử văn học (văn hoá-ý niệm) vừa với tác phẩm văn học (văn hoá-hành động). Tình huống tiếp xúc, gặp gỡ giữa các đại diện của hai nền văn hoá khác nhau (một bên là người học và một bên là văn học nước ngoài) hoàn toàn phù hợp với các đặc trưng của giao tiếp liên văn hoá.

2.4. Cuối cùng, có thể khẳng định rằng tác phẩm văn học không phải là một loại linh vật, chỉ dành riêng cho một thiểu số người hoạt động trong lĩnh vực văn chương. Đó là một thế giới rộng mở cho tất cả mọi người, ở đó mỗi người có thể tìm đến khai thác những gì mà bản thân cảm thấy ưng ý. Ngoài ra, với tính cách đa thanh (polyphonique) và đa nghĩa (polysémique) của mình, tác phẩm văn học cho phép nhiều cách đọc đa dạng (lecture plurielle, lecture multiple), tuỳ thuộc vào ý thích, mục tiêu và đặc trưng của từng người.

3. Yếu tố văn học trong rèn luyện và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và nghe-nói-đọc-viết tiếng Pháp

3.1. Như thế, so với những tư liệu «thực» (documents «authentiques») được đưa vào sử dụng trong lớp học, tác phẩm văn học có ưu thế là không buộc người học phải giả vờ làm một người khác hơn là chính mình. Giao tiếp trong lớp học tựu trung có hai loại chính. Loại thứ nhất là loại giao tiếp thường được xem là thật nhưng thực ra lại là «giao tiếp đóng vai», giao tiếp giả định như thật: đọc hiểu, nghe hiểu một thông điệp (thật ra, có chỉ «thực» đối với người bản ngữ, trong tình huống thực của xã hội nơi nó thực sự được sử dụng trong cuộc sống, với những nhu cầu giao tiếp thực, còn trong tình huống của lớp học thì nó mất đi tính «thực» mà chỉ là «giao tiếp đóng vai»). Loại giao tiếp thứ hai là giao tiếp đặc trưng của lớp học, giữa thầy và trò, ở đó mỗi người đều có nhiệm vụ cụ thể (thầy dạy, kiểm tra, đánh giá năng lực của học trò, học trò tiếp thu, rèn luuyện, thể hiện năng lực...). Trường hợp người học nhập vai kẻ bản ngữ để giao tiếp, thì anh ta cũng không thể quên và không dại gì mà quên nhiệm vụ người học của mình, là cố gắng chứng minh năng lực của mình một cách hoàn thiện nhất, để được đáng giá một cách tốt nhất.

3.2. Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật của tác phẩm văn học so với các loại văn bản khác, là ở sự lựa chọn ngôn từ. Thơ văn không phải bao giờ cũng lãng đãng, mây mưa, thiếu thực tế, và một văn bản có tính văn học khi nó được đẻo gọt, mài giũa đến mức tinh vi. Từ ngữ ở đó thường được chọn lọc kỹ, và thường «đắt» hơn trong các loại văn bản khác. Đó là lĩnh vực mà ngôn ngữ được sử dụng với tính hiệu quả cao nhất, hơn cả các văn bản quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trên thực tế, sử dụng thơ, trích đoạn tác phẩm văn học để dạy và rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ hay giao tiếp đã được nhiều sách giáo khoa dạy tiếng Pháp cho người nước ngoài, thuộc thế hệ mới (từ hơn 20 năm nay) quan tâm thực hiện. Thơ văn có khi chỉ được xếp trong các phần phụ, mở rộng bài học như «Documents complémentaires», «Pour aller plus loin», hay «Pour le plaisir», nhưng cũng có nhiều tư liệu giáo khoa đưa thơ văn vào trong nội dung chính để dạy ngữ pháp, từ vựng : thí dụ cuốn «Le français au présent» (Rèn luyện ngữ pháp) của Annie Monnerie (1988) dạy về article défini (mạo từ xác định) qua bài thơ «Déjeuner du matin» của J.Prévert: “Il a mis le café dans la tasse / Il a mis le lait dans la tasse de café / Il a mis le sucre dans le café au lait / Avec la petite cuiller / Il a tourné...”. Nhiều bài thơ khác của J.Prévert cũng có thể được khai thác như thế, chẳng hạn bài «Le message» (La porte que quelqu’un a ouverte / La porte que quelqu’un a fermée / La chaise où quelqu’un est assis ... La rivière où quelqu’un se jette / L’hôpital où quelqu’un est mort) để dạy về pronom relatif (đại từ quan hệ), participe passé (quá khứ phân từ).

3.3. Không phải tác phẩm văn chương hay trích đoạn tác phẩm văn chương nào cũng khó hiểu, khó nắm bắt. Và việc tiếp cận với thơ văn trong tiếng nước ngoài hoàn toàn có thể được thực hiện ngay từ những thời điểm ban đầu của quá trình học ngoại ngữ. Vấn đề là phải lựa chọn thể loại nào, nội dung, chủ điểm nào cho phù hợp với từng giai đoạn, từng cấp độ của quá trình học.

3.4. Ngoài các kỹ năng ngữ pháp, từ vựng hay năng lực tiếp nhận (đọc hiểu, nghe hiểu một bài thơ, một trích đoạn văn sát với chủ điểm của bài học, hay một «sketch» (kịch ngắn một người diễn) của R.Devos), tác phẩm văn học còn có thể được khai thác theo những cách khác để tạo hứng thú và rèn luyện các kỹ năng phát âm, năng lực diễn đạt nói hoặc viết : chẳng hạn dựa trên một bài thơ của J.Prévert hay của R.Queneau, R.Desnos, J.Tardieu..., có thể cho sinh viên đọc diễn cảm, hay sáng tác một bài thơ tương tự, hoặc có thể khai thác một trích đoạn kịch hay một vở kịch ngắn để cho sinh viên đóng kịch trong sinh hoạt ngoại khoá. Có nghĩa là những sinh hoạt thông thường vẫn được thực hiện trong cuộc sống bằng tiếng mẹ đẻ, cũng có thể được thực hiên bằng tiếng nước ngoài để góp phần rèn luyện và nâng cao các kỹ năng ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, phát âm...) và các năng lực giao tiếp (nghe-nói-đọc-viết). Chưa kể là các năng lực văn hoá và liên văn hóa cũng có thể được nâng cao qua khai thác các tác phẩm hay trích đoạn tác phẩm văn học nước ngoài.

Kết luận

Thay vì dạy / học ngôn ngữ tiếng nước ngoài chỉ đơn thuần như một hệ thống, một công cụ khô khan, máy móc, ta cần quan tâm khai thác vai trò công cụ đó để ngôn ngữ có thể chuyển tải những nội dung phong phú góp phần mở mang và nâng cao hiểu biết về thế giới và con người, về vũ trụ bên ngoài cũng như những gì tiềm ẩn bên trong tâm thức con người. Văn hoá và văn học có thể cho phép thực hiện điều đó một cách tiết kiệm và hiệu quả, nếu ta thực sự nắm quyền chủ động để khai thác khía cạnh tích cực đó.

Trong những năm được phân công dạy một số giờ thực hành tiếng cho sinh viên các năm 1, 2, 3 khoa Tiếng Pháp ở các trường Đại học Sư Phạm Huế và Đại học Ngoại Ngữ Huế, tôi đã cố gắng lồng vào một số hoạt động liên quan đến văn hoá và văn học, thuộc văn hoá-hành động, thực hành, thông dụng, thông qua «cơ thể» và các giác quan, hơn là văn hoá-ý niệm, hàn lâm, thông qua «trí tuệ» và tri giác. Có thể nói, ít nhiều điều đó có tác dụng tích cực đến thái độ học tập của sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của họ. Tuy nhiên, do thời lượng hạn chế của các tiết học thực hành tiếng, do chủ điểm của các bài học thuộc các sách giáo khoa có khi không phù hợp, nên chưa thể nói đây là một giải pháp thực sự tối ưu để nâng cao việc dạy / học thực hành tiếng. Điều mà tôi nghĩ có thể đã phần nào đạt được trong nỗ lực đưa những yếu tố văn hoá và văn học vào phục vụ cho dạy / học thực hành tiếng này, là ít ra nó cũng giúp cho người học có điều kiện thuận lợi hơn để thực sự sống với ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài, để tiếp nhận, tự nguyện dấn thân, tự thể hiện chính mình trong tương quan với ngôn ngữ và văn hoá đó, và gắn bó hơn với nhiệm vụ học tập của mình.

----------------------------------
Thư mục chính:
- ABDALLAH-PRETCEILLE M., PORCHER L., Éducation et communication interculturelle, PUF L’Educateur, 1996, 192 tr.
- GALISSON R., «Le “Français langue étrangère” montera-t-il dans le train en marche de la “Didactique scolaire”?» in ELA, Revue de Didactologie des langues-cultures số 111, tháng 7 - 9 / 1998, tr. 265-286.
- PHẠM THỊ ANH NGA, «La littérature et le texte littéraire en classe de langue» in Contact des langues et des discours, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế tại Đại Học Hélouan (23-25 /11/2004), Le Caire, Ai Cập, 2005, tr. 217-222.
- TODOROV T., «Le croisement des cultures» in Le croisement des cultures, COMMUNICATIONS số 43, 1986, tr. 5-24.
-----------
THÔNG BÁO KHOA HỌC ĐH Ngoại Ngữ Huế số 2 / 2006

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire