vendredi 17 octobre 2008

Tương lai nào cho văn học?

Phỏng vấn François Bégaudeau và Tzvetan Todorov

Sabine Audrerie thực hiện
(Les Dossiers de l’Actualité, tháng 2/2007)

- Văn chương thời nay đang gặp những hiểm hoạ nào?

TZVETAN TODOROV: Mối “hiểm hoạ” mà tôi đã đề cập đến trong “Nền văn chương đang lâm nguy” xuất phát từ nhiều nguồn nhưng tất cả những nguồn này đều gắn với quan niệm về văn chương. Nguồn thứ nhất là ở việc giảng dạy trong nhà trường, một nền giảng dạy đã có sự thay đổi đột biến ngay sau sự kiện 1968 và bản thân tôi đã tích cực tham gia vào đó. Chúng tôi mong muốn cân bằng những cách tiếp cận từ bên ngoài, từ tiểu sử và từ những giai thoại, bằng cách chú tâm hơn vào việc phân tích bản thân các tác phẩm. Nhưng rồi ta đã đi quá xa, và kết quả là ngày nay ta dạy những công cụ phân tích đó hơn là dạy bản thân các tác phẩm. Có thể nhận thấy quan niệm có tính khổ hạnh này ở phần lớn công tác phê bình văn chương trên các báo và ngay cả ở nhiều nhà văn, họ như bị tê liệt đi do mong muốn tự thích ứng với những lý thuyết mà họ tin là có tính thời thượng.

FRANÇOIS BÉGAUDEAU: Là giáo viên dạy tiếng Pháp [1] tôi phản bác nhận định của ông về việc dạy học. Chúng tôi buộc phải theo hướng thực dụng, đặc biệt ở các trường trung học cơ sở đang gặp khó khăn, và chúng tôi thực sự có toàn quyền hành xử trước những văn bản pháp quy mà theo ông là có khả năng dẫn đến chủ nghĩa hình thức, điều mà thực ra tôi không tin: tự hỏi Kafka thuộc dòng hài hay bi là một câu hỏi có thể dẫn dắt chúng ta đi rất xa, trên bình diện ý nghĩa chứ không chỉ trên bình diện hình thức.
Mặt khác, cần phải trả lại lẽ công bằng cho tinh thần cuộc cải cách và bước ngoặt hậu 68 đó. Điều đó có nghĩa là cần thích nghi việc giảng dạy với quá trình dân chủ hoá của nó. Việc trải qua những quy trình liên quan đến hình thức cho phép tạo dựng một sự kết nối, bao gồm cả kết nối với những ai mà thoạt tiên một áng văn hay thơ không gợi lên điều gì cả. Thử lấy thí dụ của sơ đồ tác nhân truyện kể (schéma actanciel) mà xem, là sơ đồ có tính hình thức dùng để phân tích cấu trúc của các vở kịch bằng cách nêu bật chủ thể, đối tượng, mục tiêu, đối thủ, trợ thủ. Có thể nói nó cho phép mỗi người đi vào vở kịch, vào những nơi mà rào cản ngôn ngữ có thể khiến anh ta nản lòng và câu chuyện chẳng gợi cho anh ta điều gì.

Và điều khiến tôi khá chú tâm đến khía cạnh hình thức là vì tôi tin chắc chắn trong một cuốn sách, chính hình thức của nó, ngôn ngữ của nó, nhạc điệu của nó là những trục trung chuyển thực sự tạo nên chuyển biến ở người đọc, nhiều hơn gấp bội so với chủ điểm và ý nghĩa, những thứ cuối cùng vẫn chẳng tạo ra được điều gì mới mẻ.

TZVETAN TODOROV: Việc những người thực thi kiểu giảng dạy đó bảo vệ cho nó là lẽ thường tình. Tôi tự đặt mình vào góc độ của học sinh thì đúng hơn. Ở cấp phổ thông trung học, chuyên ban văn chương không còn thu hút được ai nữa, với quan niệm về văn học như thế học sinh không hiểu được học chuyên ban đó có ích lợi gì. Tôi thấy thật đáng buồn khi nghĩ rằng muốn thu hút học sinh người ta phải nói với các em về những trợ thủ và đối thủ! Đúng ra chúng ta cần phải chỉ cho các em thấy những tác phẩm lớn của quá khứ nói về các em, rằng chúng tạo ý nghĩa cho cuộc sống bên trong của các em và giúp các em sống tốt hơn.

- Thưa ông François Bégaudeau, vấn đề ý nghĩa cũng gắn với vấn đề dấn thân của văn học mà ông đã đề cập đến và bảo vệ trong nội dung cuốn sách nhiều tác giả Những tiến triển của tiểu thuyết.

FRANÇOIS BÉGAUDEAU: Điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết của mình là tính yếu ớt mong manh của văn học Pháp trước chữ “dấn thân”. Các tiểu thuyết gia Pháp e ngại một cách chính đáng sẽ phải lệ thuộc vào một ý đồ chiến đấu, nhưng ở đây cần phải nhắc lại những gì Jean-Paul Sartre đã nói, đó là: dấn thân, thì người ta dấn thân bằng hành động thực. Và đó chính là điểm khiến tôi rất khác Tzvetan Todorov: tôi nghĩ rằng tất cả các tiểu thuyết hiện đại đều nói với chúng ta một điều gì đó của thế giới theo cách riêng của mình. Điều Tzvetan Todorov khó mà thiếu được là một nền văn học có dự tính tường thuật toàn bộ thế giới.
- Có phải tham vọng đó đã biến mất trong tiểu thuyết hiện đại như Tzvetan Todorov đã nhận định hay không?
FRANÇOIS BÉGAUDEAU: Tôi tin rằng tiểu thuyết hiện đại nhấn mạnh cái ý này: một thế giới duy nhất là điều không thể có! Tiểu thuyết hiện đại đề cập đến mọi việc dưới những góc độ nhỏ bé hơn, đó là điều tôi đã làm với tiểu thuyết “Giữa những bức tường[2] (NXB. Verticales, 2006, 272 trang, 16,90 €): thay vì xây dựng nên những lý thuyết cao siêu về nhà trường, tôi đã lựa chọn việc tự đặt mình vào một lớp học để quan sát những gỉ diễn ra ở đó. Từ đó mỗi người tự suy diễn những gì mình ưa thích về tình trạng của xã hội. Nhưng tôi không hề có ý định giải thích thế giới

TZVETAN TODOROV: Sự dấn thân theo nghĩa mà Sartre gán cho nó vẫn luôn hiện hữu, do đó ngưòi ta không thể lấy nó làm mục đích được. Dấn thân theo nghĩa thông dụng là gia nhập một đội ngũ để phục vụ cho một sự nghiệp là trái với bản thân tinh thần của tiểu thuyết, một thể loại không liên quan đến dạy học. Ngược lại người ta không thể mơ tưởng đến việc các tác giả cảm thấy có trách nhiệm, nghĩa là đảm bảo sự nối tiếp giữa thế giới họ đang sống và thế giới họ sáng tạo ra. Tôi và những kẻ khác, thực và ảo tạo nên một thế giới chung. Điều đó không có nghĩa rằng đó là một thế giới duy nhất. Nhưng tôi nhận thấy những yêu cầu đó được thể hiện một cách mờ nhạt trong tiểu thuyết đương thời.

- Trong cuốn sách của mình, Tzvetan Todorov nhấn mạnh về vai trò của văn học và về khái niệm khoái cảm, dường như đó không phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cuốn sách nhiều tác giả.

TZVETAN TODOROV: Đọc sách phải kết hợp với khoái cảm, ở đó ta không thể nào dẫn dắt được ai bằng cách cưỡng bức họ. Có thể kết hợp như vậy bởi vì có một niềm vui khi theo dõi một câu chuyện, khi hình dung ra những kẻ khác mình, khi nắm được ý nghĩa và khám phá vẻ đẹp.

FRANÇOIS BÉGAUDEAU: Chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm đó ít thôi trong cuốn sách của mình, đơn giản vì đó là điều đã được thông suốt. Một giáo viên tiếng Pháp chỉ mơ ước mỗi một việc: mong sao học sinh thích thú khi đọc các tác phẩm mà các em được đề nghị đọc, thế nhưng thực tế là với 80% học sinh niềm khoái cảm đó không tự dưng mà có được. Sắc lệnh về khoái cảm thậm chí có thể gây áp lực lớn, và tạo nên sự phân biệt khi đặt một số học sinh vào cái thế bị cả thế giới văn chương phỉ báng. Từ đó, chúng tôi có nhiệm vụ phát minh ra những cách tiếp cận để đi đến khoái cảm đó, và nghiên cứu về mặt hình thức là một cách tiếp cận trong số hàng nghìn cách tiếp cận có thể có.

--------------------------------------

Tzvetan Todorov là một tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu (văn học, triết học, văn hoá, sử học, nhân loại học...) trên phạm vi toàn thế giới. Xuất phát điểm của tác phẩm “Nền văn chương đang lâm nguy” (La littérature en péril, NXB Flammarion, 96 trang) của Tzvetan Todorov là một mối quan ngại: ông cho rằng văn chương Pháp có thể gặp hiểm nguy. Đó là một nền văn chương “bị giới hạn đến mức phi lý”, theo cách nói của Todorov, bị đe doạ từ bên trong bởi chính những kẻ hành nghề văn chương và bảo vệ nó. Là bố của ba đứa con, ông kinh ngạc khi thấy học sinh chán ngán và ngáp vắn ngáp dài trước những áng văn thơ đẹp nhất. Là độc giả, ông không còn nhận thấy sự phong phú và tham vọng đã tạo nên thời vàng son của tiểu thuyết châu Âu, và buồn lòng vì giới phê bình lại ủng hộ trào lưu đó. Ai là thủ phạm gây ra tình trạng này? Theo Todorov, thủ phạm chính là sự thống trị của một cách tiếp cận hình thức làm phương hại đến ý nghĩa. Todorov đấu tranh cho một nền văn chương được dành trọn vẹn cho sứ mệnh của nó, đó là giúp chúng ta khám phá một vẻ đẹp làm phong phú cho cuộc sống của chúng ta và cho phép chúng ta tự hiểu bản thân mình hơn.

Tzvetan Todorov


François Bégaudeau là nhà văn, đồng thời là giáo viên môn văn học của một trường trung học cơ sở tại Pháp. Tác phẩm “Những tiến triển của tiểu thuyết” (Devenirs du roman, NXB Inculte/Naïve, 360 trang) của nhiều tác giả, trong đó có François Bégaudeau, là một công trình tập thể quy tụ 30 tác giả phần lớn là nhà văn. Họ đều quan tâm đến văn chương ở mọi dạng thức, trạng thái, và hết lòng bảo vệ cho tính đa dạng đó. Bằng chứng là có rất nhiều thế giới và quan niệm khác nhau được thể hiện trong tuyển tập của họ, một tuyển tập bao gồm những tuyên
François Bégaudeau


.
ngôn, truyện ngắn, bài phỏng vấn... Tất cả những bài viết đó đều đặt dấu hỏi đối với những khả năng tiến triển cuả tiểu thuyết đương thời. Không một tác giả nào trong bọn họ quan ngại về sự tàn lụi của tác phẩm văn chương, họ đều mong muốn xuất phát từ những trải nghiệm riêng để nhận ra ở mọi cách tiếp cận mới dấu hiệu của sự phát lộ bản thân. Phim “Giữa những bức tường” (Entre les murs) của Laurent Cantet về học đường, được chuyển thể từ tiểu thuyết tự truyện cùng tên của François Bégaudeau (bản thân François Bégaudeau thủ vai chính trong phim), đã thành công vang dội, đạt giải Cành Cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes 2008. Theo dự báo, đó sẽ là phim được nước Pháp đề cử cho giải Oscar 2009 dành cho phim nước ngoài hay nhất.


Áp-phích phim “Giữa những bức tường” chuyển thể từ tiểu thuyết của François Bégaudeau


Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
Dịch và giới thiệu: Phạm thị Anh Nga

Ghi chú:
[1] Tiếng Pháp ở đây, trong bối cảnh trường học tại Pháp, là tiếng mẹ đẻ đối với những học sinh người Pháp (chú thích của người dịch)
[2] “Entre les murs”

Tạp chí VĂN NGHỆ (Hội Nhà văn Việt Nam) số 47 (22-11-2008)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire