samedi 24 janvier 2009

«Đông Hà: phía đông những ngọn núi» (Jean-Claude Guillebaud)



Jean-Claude Guillebaud là một nhà báo, nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm suốt đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên - Trở về Việt Nam” được viết sau chuyến đi Việt Nam của ông từ Nam chí Bắc năm 1992, được giải thưởng Astrolabe–Nhà văn du hành (Astrolabe-Écrivains voyageurs), NXB Points tải bản 2006. Hiện Guillebaud đang công tác tại nhà xuất bản Seuil (Paris).



Thoạt đầu tôi cứ ngỡ là tôi nằm mơ. Tối nay, ai đó đã cố cào mạnh vào cửa phòng tôi. Vẫn còn ngái ngủ, tôi chạy ra mở cửa. Người đàn bà làm công việc dọn dẹp ở khách sạn đứng trước cửa phòng tôi, vẻ hơi mệt mỏi. Một phụ nữ Việt Nam bốn mươi tuổi với những ngón tay đỏ tấy vì công việc giặt giũ. Cô ta xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau và nhìn tôi không nói gì. Lúc đó gần nửa đêm, tôi chẳng hiểu gì cả. Chúng tôi là những khách trọ duy nhất của khách sạn Đông Trường Sơn, cái tên có nghĩa là «Phía đông của những ngọn núi». Có ai đó bị bệnh chăng?

Người phụ nữ nhìn tôi chằm chằm. Cuối cùng cô ta lặp đi lặp lại một từ với giọng nói khàn đục: «Massage? Massage?» Trong lúc thì thầm như thế, cô ta làm một cách vụng về những điệu bộ mà cô cho là lả lơi hay cám dỗ. Tôi đứng nghi ngại một lúc. Hẳn là cô ta nghĩ tôi đang ngầm cân nhắc lời đề nghị của cô bởi cô lặp lại lần nữa những điệu bộ của mình một cách còn mạnh mẽ hơn trước. «Massage good. Massage...» Thực ra, tôi không thấy ngạc nhiên về bản thân hành động này: ngay từ khi ở Sài Gòn, mỗi ngày, chúng tôi đều được chào mời. Nếu cả nước Việt Nam lao ra gặp gỡ người nước ngoài, thì đám phụ nữ - là gái điếm chuyên nghiệp hay không - tất nhiên là những kẻ xông xáo nhất. Kẻ nào không - không khi nào! - nhạy cảm với điều đó thì thật quá giả dối. Nhưng cảnh tượng lần này lại không diễn ra bất kỳ nơi đâu cũng như bất kỳ như thế nào...

Bản thân khách sạn, ngôi nhà xây bằng bê tông được dựng trên một khoảng đất bỏ không này, một bệnh viện được cải tạo thành «khách sạn loại sang», toát ra một vẻ buồn bã mực thước với những cái bể nước lợ bỏ phế và những cô thu ngân uể oải. Thành phố Đông Hà, tâm ngoài của những vết thương chiến tranh, thành phố bấp bênh mọc lên từ những cuộc tàn sát và những cuộc di dân, bản thân nó đã biểu thị một kiểu cường điệu hoá thảm hoạ. Cơn lốc dài đi qua nó trong vòng ba mươi năm - cái «Lịch sử hợp nhất» mà Paul Mus đã đề cập đến - đã để lại nơi đây một ý tưởng về sự tàn phá mà thời gian không thể nào bôi xoá được. Cuối cùng, sự khốn cùng của người đàn bà có đôi má trũng sâu này, mảnh như một sợi chỉ trong bộ áo quần lao động, tất cả khiến cho cảnh tượng trở nên thảm khốc. Bị bứt khỏi giấc ngủ, đầu óc tôi cứ tù mù. Có lẽ tôi phải mỉm cười chăng?

Người phụ nữ vẻ cố nài bước dần vào phòng. Tôi cho cô ta một tờ 10 đô la và lắc đầu. Tôi mỉm cười để cô ta đi cho. Rõ ràng cô ta chẳng còn hiểu gì cả, và chúng tôi cứ đứng trước mặt nhau trong ánh đèn màu vàng của khách sạn Đông Trường Sơn, ở Đông Hà, ngay trung tâm của nước Việt Nam. Sự đợi chờ trở nên phi lý. Bên ngoài, một trận mưa to vì gió mùa vừa oà vỡ. Tiếng nước bắn lên từ những tấm đá lát phía ngoài như những dòng thác vọng vào. Người đàn bà nhìn tờ 10 đô la trên tay và nét mặt cô ta thể hiện nỗi đau buồn vì dẫu sao cô cũng đã bị khinh thường hơn là sự thoả mãn về một món lợi to lớn dễ dàng có được.

Tôi vừa nhẹ nhàng đẩy cô ta ra ngoài vừa nhắc đi nhắc lại: «Thank you... Thank you...» Thật chẳng vinh quang gì. Cho cô ta cũng như cho tôi.

Đã quá nửa đêm. Một sự im lặng dày đặc nhanh chóng rơi xuống khách sạn Đông Trường Sơn, hơi bị quấy nhiễu bởi những âm thanh lào xào của cơn mưa đang xa dần. Tôi đi ngủ trở lại trong căn phòng ẩm ướt có chiếc máy điều hoà đã hỏng từ lâu. Giấc ngủ đã bay biến đi mất. Tôi trăn qua trở lại trên một trong số hai chiếc giường đặt sóng đôi mà những tấm drap đã ướt đẫm mồ hôi. Cuộc ngã giá giả tạo với người phụ nữ trên tầng lầu đã khơi dậy một cảm giác khó chịu mà tôi đang cố gắng kìm nén kể từ khi chúng tôi đến trọ nơi đây. Chuyến trở về Đông Hà này không phải là chuyến trở về mà tôi mong đợi. Từ khi chúng tôi ở trong thành phố giả tạo này, được dồn tụ dần dần ở đoạn giao nhau của hai con đường chiến lược (đường đi Hà Nội và đường đi Savannakhet ở Lào, qua Khe Sanh), những kỷ niệm đã xâm chiếm lấy tôi. Bền bỉ hơn, ám ảnh hơn bất kỳ ở đâu khác. Ở đây không có gì giữ khoảng cách cho chúng nữa. Như thể có điều gì đó trong cảnh quang đã không đông đặc lại được; như thể đang bồng bềnh trong không khí cũng sự khẩn trương e ngại của hai mươi năm trước.

Tôi chồm dậy lần nữa để mở cánh cửa sổ trông xuống lối ra vào của khách sạn được bao quanh bằng một chắn rào bê tông. Một ngụm những mùi ẩm ướt - mùi nước biển và mùi đất nhão - tràn ngập căn phòng của tôi. Mặt trăng ló dạng từng lúc một đàng sau những đám mây đang bay đua. Một ánh sáng dè sẻn, vài ngọn đèn điện thấp thoáng vẽ nên những đường viền quanh thành phố. Chúng tôi đang trong mùa xuân. Chính xác là đúng hai mươi mốt năm kể từ khi tôi nhìn ngắm cũng thành phố này đắm mình trong đêm.

Đó là vào tháng năm 1971. Du kích cộng sản lại một lần nữa tấn công Đông Hà. Tôi đang trọ chỗ Jean-Baptiste Etcharren, giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai Paris và linh mục giáo xứ. Tôi leo lên mái nhà cùng với một giáo sĩ trẻ người Việt Nam. Chúng tôi đếm những quả pháo sáng đang rơi quanh chúng tôi, lơ lửng với những chiếc dù của chúng. Tiếng rền vang của những vũ khí tự động di chuyển lộn xộn về phía phải hay phía trái, theo chiều của trận đánh. Thỉnh thoảng, tiếng nổ đục hơn của một quả đạn súng cối khiến những tấm cửa kính của ngôi nhà rung lên. Sau đó, trong vòng một hay hai phút, một sự im lặng tuyệt đối quay trở lại. Cuộc đụng độ theo thông lệ, tiếng vỗ bập bềnh khó phân định của chiến tranh được người dân bình luận như đang kể về một cơn giông. «Tối nay, cuộc tấn công sẽ dài hơn lệ thường, vị giáo sĩ trẻ người Việt Nam ngồi xổm cạnh tôi trong bóng tối thì thầm. Hôm nay là ngày kỷ niệm đại chiến thắng Điện Biên Phủ.» (Ông nói «chiến thắng» không một giây ngập ngừng, ông ta, một người công giáo chống cộng ở miền Nam, vị giáo sĩ trẻ biết nói tiếng Pháp...) Ông nói thêm: «Những tối không có tấn công, người ta gọi đó là hoà bình. Đó là thứ hoà bình duy nhất mà họ biết được.»

Sáng hôm sau, chúng tôi ra ngoài phố với Etcharren. Những cửa hiệu bán lẻ đã mở cửa, thành phố đã trở lại với sinh hoạt bình thường. Trẻ con vừa chạy vừa cười dọc theo con đường chính, những cô thôn nữ bông đùa bên dưới những chiếc nón của mình cứ như trước đó chẳng có gì xảy ra. Ở trung tâm Đông Hà, những quân nhân thong dong của QL.VNCH [1] (quân đội miền Nam) đang trấn giữ nơi trước đây là tháp canh do người Pháp xây dựng. Tất cả có vẻ vô tư và thanh bình. Tất cả ngoại trừ một chi tiết: dưới chân cái tháp bằng đá tảng này, trên lớp bitum lấm bụi của đường phố, ba cái xác cộng quân được xếp thẳng hàng như những chiến tích trong một cuộc săn. Xác chết bẹp dí và vặn vẹo, tóc bết bùn tạo thành những túm như sợi gai. Dân chúng đến gần với một vẻ thản nhiên giả tạo và thỉnh thoảng dùng đầu bàn chân lật ngửa khuôn mặt của một trong những xác chết. Xác chết là của những đứa trẻ của vùng đất này đã đi bưng, do ý thích của riêng mình hoặc do áp lực. Người ta trưng bày xác của chúng để báo cho các gia đình biết. Và để hăm doạ họ.

Hôm đó, Etcharren chở tôi trên chiếc xe La Dalat của ông (xe Citroën chế tạo ở Việt Nam) đi thăm viếng nhiều ngôi làng trong vùng. Dân chúng trò chuyện với ông với thái độ tin cậy. Thỉnh thoảng ông gặp những người đại diện của Việt cộng, họ nói xa gần với ông về mối tương quan giữa chính trị và tôn giáo nhưng cuối cùng thì để yên cho ông. Ở đây, chiến tranh không giống chút nào thứ chiến tranh mà người ta «phủ lên» ở các căn cứ, các máy bay trực thăng hay các phân đội lục quân Mỹ. Nó không còn là cái bi kịch lớn lao và rền vang đó nữa. Tưởng chừng như nó đã vỡ tan thành vô vàn những câu chuyện nhỏ, một mớ bòng bong những thảm kịch gia đình mà có muốn cũng không thể nào làm sáng tỏ được. Có gia đình có hai đứa con ở trên bưng và một đứa trong QL.VNCH; một gia đình khác chứng kiến việc đứa con trai độc nhất của mình - giữa đêm khuya - bị buộc gia nhập hàng ngũ Việt cộng. Tôi còn nhớ nhận xét của một ông lão, ở một trong các ngôi làng bao quanh Đông Hà, nhận xét này nếu được thuật lại ở Paris hay ngay cả ở Sài Gòn, ắt hẳn sẽ có vẻ lạ lùng: «Chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Bây giờ, kẻ mạnh phải thắng thôi.»

Tất cả những con người ấy không biết tôi là nhà báo. Etcharren giới thiệu tôi như một người bà con đến từ Pháp. Khi chu du với ông trong một chuyến đi dài xuyên đất nước trong chiếc xe La Dalat của ông, rồi những ngày trải qua ở Đông Hà, tôi đột ngột bị bứt ra khỏi một khung cảnh quen thuộc: khung cảnh của những briefings [2], những chiến dịch quân sự, những bữa ăn giữa đám nhà báo và những chuyến kinh lý bằng trực thăng. Tôi đã rời khỏi cuộc chiến tranh thuần quân sự, cái đất nước-ghép được đặt cọc tiêu một cách khá rõ ràng kia, để bước vào một đất nước Việt Nam thực sự. Đất nước mà không bao giờ một GI [3] nào có thể gặp được. Trong nhiều ngày dài, tôi đã bị đẩy vào những lối đi quanh co vô tận đó, những ngập ngừng làng quê đó, những gia đình phân rẽ đó. Mỗi tối, tôi trở về tu viện, lòng càng rối rắm hơn so với ngày hôm trước. Không có điều gì giản dị giống như người ta nói; không gì có thể cứ đột ngột mà phán xét được; không gì trùng khớp với những điều được nói lên một cách đại khái bởi những nhà chiến lược và những phóng viên chiến trường, bởi tất cả chúng tôi.

Tôi đã biểu lộ một thứ tuyệt vọng về nghề nghiệp mà không bao giờ tôi hoàn toàn gột bỏ được. Một cảm giác tuyệt đối bất lực và kiêu hãnh. Viết gì đây? Làm sao thuật lại được tất cả những điều đó? Báo chí dùng để làm gì? Mỗi một yếu tố của những gì tôi biết được ở đây đòi hỏi - một cách lý tưởng - phải được tường thuật lại với hàng nghìn sự cẩn trọng, được dẫn dắt chậm rãi, được sửa chữa và diễn đạt một cách tinh tế. Chẳng hạn việc những đứa trẻ bị buộc nhập ngũ đã nói lên điều hoàn toàn ngược lại với hình ảnh mà ở bên ngoài người ta thường có về Việt cộng. Nhưng không vì thế mà có nghĩa là tất cả các du kích đều chiến đấu vì bị ép buộc. Tương tự như thế, cuộc sống bình thường vẫn trở lại sau mỗi cuộc tấn công này không khớp với cách nhìn về ngày tận thế mà người ta vẫn có, ngay cả ở Sài Gòn, về tỉnh lỵ bên bờ vĩ tuyến 17 này. Nhưng làm thế nào nói lên điều đó mà không giảm nhẹ một cách quá đáng tính cách man rợ của các trận đánh? Hàng nghìn thí dụ khác khiến cho tâm trạng rối rắm hỗn loạn của tôi càng trầm trọng thêm lên.

Chiến tranh Việt Nam nhìn từ nơi đây trở thành một chủ đề không thể nào chịu nổi, một thực tế đánh lừa thị giác. Trong căn phòng nhỏ bé ở tu viện mà người ta cấp cho tôi, tôi đã trải qua những buổi tối trọn vẹn phó mặc cho sự hoài nghi. Phải chăng tôi đang rèn luyện? Liệu tôi có lường hết được những giới hạn kinh hoàng của việc làm chứng nói chung và việc làm chứng của báo chí nói riêng?

Tháng sáu 1992: tôi nhìn những ánh sáng tội nghiệp của Đông Hà từ căn phòng của mình ở khách sạn Đông Trường Sơn. Cảm giác khó chịu vẫn còn vẹn nguyên. Cả câu hỏi về việc làm chứng cũng thế.

*

Nguyên bản tiếng Pháp: «Dông Ha: à l'est des montagnes» (La Colline des Anges - Retour au Vietnam, JC Guillebaud, Seuil 1992)

Người dịch và giới thiệu: Phạm Thị Anh Nga



[1] Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (ARVN trong nguyên bản)

[2] Tiếng Anh trong nguyên bản (có nghĩa là: những cuộc họp nhận chỉ thị trước khi bay)

[3] GI : Government Issue (tiếng Anh), từ dùng để chỉ lính Mỹ


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire