jeudi 19 février 2009

NHẬN XÉT BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI KHCN CẤP BỘ CỦA P.T.A.NGA (Lý Thị Hồng) 2005


BẢN NHẬN XÉT BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI KHCN CẤP BỘ


Tên đề tài: NGHIÊN CỨU ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA ỨNG XỬ PHÁP-VIỆT QUA TỤC NGỮ CA DAO

Mã số: B 2003-09-10

Người chủ trì: TS. PHẠM THỊ ANH NGA

Đơn vị công tác: Trường Đại Học Ngoại Ngữ Huế

Họ và tên người nhận xét: LÝ THỊ HỒNG

Học hàm học vị: Tiến sĩ – Giảng viên chính

Đơn vị công tác: Trường Đại Học Ngoại Ngữ Huế



Nội dung nhận xét

I. Mục tiêu đề tài

Như chúng ta đã biết, tục ngữ ca dao (TNCD) là một trong những loại hình văn học phản ánh một cách phong phú và sâu sắc nhất kho tàng văn học dân gian của các dân tộc trên thế giới, là nơi gởi gắm tâm tư tình cảm của các đôi trai gái, các cặp vợ chồng, đến cả tình yêu quê hương đất nước. TNCD còn là nơi gặp gỡ các nền văn hóa của các cộng đồng người không cùng chung tiếng nói, màu da nhưng ít nhiều đã hiểu được nhau thông qua việc đối chiếu và hiểu biết TNCD. Trong cái chung và cái tiêng, tương đồng và dị biệt của hai nền văn hóa Pháp-Việt, tác giả đề tài đã dày công tìm kiếm để muốn chứng minh rằng nghiên cứu hai nền văn hóa này là cầu nối cho việc hiểu nhau đúng đắn và đầy đủ hơn. Hơn thế nữa, trong xu hướng phát triển đất nước cần kể đến phần đóng góp quan trọng của mối bang giao với các nước bạn, hiểu biết văn hóa của nhau là điều kiện tất yếu để thúc đẩy sự phát triển đó. Riêng đối với giáo viên ngoại ngữ, đối chiếu văn hóa qua TNCD giúp hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ và văn hóa trong giảng dạy. Nói như Louis Porcher, giáo viên ngoại ngữ không ai khác là «médiateur culturel» (người trung gian văn hóa) có nhiệm vụ giới thiệu cho người học thói quen, tập tục của đất nước đang sử dụng ngoại ngữ đó, đồng thời đưa người học trở về với thói quen tập tục của mình mà lắm lúc không nhận ra và không hiểu thấu đáo. Thật vậy, hiểu hết ý nghĩa của các câu nói mộc mạc lưu truyền từ ngàn xưa không phải ai cũng làm được, chỉ khi tiếp xúc, đối chiếu, so sánh với một nền văn hóa chúng ta mới có dịp nhận ra bản sắc riêng của mình. Với những lý do nêu trên, mục tiêu đề ra của đề tài hoàn toàn hợp lý và thuyết phục.

II. Hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu

1. Hình thức: đề tài gồm 85 trang không kể phần Phụ lục, đảm bảo các phần phải có của một đề tài cấp Bộ. Các chương được trình bày rõ ràng, khoa học, đẹp mắt, độ dài của các chương hợp lý. Là giảng viên ngoại ngữ, nhưng tác giả sử dụng rất thành thạo tiếng Việt trong khi viết.

2. Tư liệu: gồm 47 tư liệu của các tác giả Việt nam và Pháp chuyên nghiên cứu lãnh vực TNCD. Tác giả đề tài đã sử dụng và vận dụng nguồn tư liệu một cách hợp lý vào đề tài. Tất cả các dẫn chứng đều có nguồn gốc đầy đủ. Nội dung các dẫn chứng được sử dụng khéo léo đã minh họa cho lập luận của đề tài thêm phần phong phú và vững chắc. Việc xử lý số lượng thông tin dồi dào như vậy đã nói lên khả năng tìm tòi và hấp thu một cách hiệu quả các tài liệu tham khảo của tác giả, nhờ vậy người đọc có cảm giác được dẫn dắt từ bên ngoài vào bên trong vấn đề và hiểu thấu đáo hơn.

III. Nội dung và kết quả nghiên cứu

1. Nội dung: xoáy quanh các chủ điểm sau:

- Chương 1 (12 trang): Tục ngữ ca dao và văn hóa ứng xử của một cộng đồng người.

Trong chương này các khái niệm về TNCD được định nghĩa rõ ràng và mối quan hệ chặt chẽ giữa TNCD và văn hóa được thiết lập, cụ thể là văn hóa ứng xử, mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài. Qua chương này, tác giả muốn chứng minh nghiên cứu VHƯX Pháp Việt góp phần nắm bắt tốt hơn đặc trưng riêng của VHƯX mỗi nước.

- Chương 2 (8 trang): Giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động xã hội.

Chương này đề cập đến vị trí của giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động xã hội thông qua việc phân tích TNCD Pháp Việt. Các cung bậc giao tiếp được miêu tả qua lời nói và im lặng và đưa ra được nét tiêu biểu của hai nền văn hóa Pháp Việt, đó là văn hóa Việt nam thiên về im lặng và văn hóa Pháp thiên về lời nói. Tác giả đã sử dụng nguồn ngữ liệu phong phú và đa dạng về TNCD để phân tích cặn kẽ vấn đề này.

- Chương 3 (22 trang): Quan niệm về mối quan hệ giữa người và người.

Chương này phân tích mối quan hệ giữa người và người dựa trên ba trục: trục ngang (khoảng cách giữa người này và người khác trong giao tiếp), trục dọc (quyền lực), trục liên ứng hay xung đột. Tác giả đã phân tích sâu sắc các quan niệm Pháp Việt về thứ bậc, đẳng cấp trong xã hội thông qua lời lẽ thâm thúy trong TNCD. Đặc biệt phương thức xưng (người nói) (người nghe) muôn màu muôn vẻ của văn hóa Việt nam trong quan hệ đẳng cấp nói lên sự giàu có của tiếng Việt, ngược lại, ngôn từ xưng hô của văn hóa Pháp không dồi dào bằng. Thông qua xưng hô tính đẳng cấp được thể hiện rõ rệt trong hai nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Việt nam chịu ảnh hưởng tư tưởng của Khổng giáo.

- Chương 4 (31 trang): Quan niệm về phép lịch sự.

Chương này đề cập đến sự tôn trọng lẫn nhau thông qua phép lịch sự để giữ thể diện cho nhau không những cho bản thân mình mà cho cả dân tộc. Phép lịch sự của người Việt nam đặt vị trí người đối thoại cao hơn và thường quên mình trong khi người Pháp có xu hướng giữ quan hệ bình đẳng trong giao tiếp.

2. Kết quả nghiên cứu

Bằng sự đối chiếu so sánh các nét giống nhau và khác nhau của TNCD Pháp Việt thông qua các mối quan hệ, tác giả đã chứng minh rạch ròi ranh giới của hai nền văn hóa và đã đi đến những kết quả nghiên cứu có giá trị và thuyết phục.

IV. Đánh giá chung

- Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn: so sánh đối chiếu văn hóa giữa các dân tộc luôn là việc làm cần thiết để tạo nên mối cảm thông và hiểu rõ nhau hơn, tránh được sự hiểu sai lệch giữa hai cá nhân và giữa hai cộng đồng người không cùng chung tiếng nói. Trong môi trường dạy/học, người dạy và người học cần nhận biết nét giống khác nhau giữa văn hóa mẹ đẻ và văn hóa nước ngoài để có phong cách dạy và học phù hợp hơn. Với mục đích đó, nội dung nghiên cứu của tác giả mang tính thiết thực cao.

- Tính khoa học: thể hiện rõ nét qua phương pháp nghiên cứu dựa trên đối chiếu so sánh, phân tích tổng hợp nguồn ngữ liệu phong phú TNCD. Số lượng trích dẫn TNCD Pháp-Việt luôn được phân tích song song giúp người đọc nắm bắt nội dung dễ dàng, ngoài ra các TNCD Pháp đều được dịch sang tiếng Việt càng giúp người đọc hiểu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do số lượng TNCD trích dẫn quá nhiều, đôi khi người đọc cảm thấy mất phương hướng và khó lòng ghi nhớ tất cả.

- Khả năng ứng dụng vào thực tiễn: nghiên cứu văn hóa ứng xử sẽ là tài liệu tham khảo có ích cho sinh viên, giảng viên đại học, các khoa ngoại ngữ và khoa ngữ văn trong công tác dạy/học. Riêng đối với sinh viên và giáo viên, đề tài còn mang tính giáo dục và rèn luyện nhân cách.

V. Những đề xuất

- Đề nghị giải thích: xung đột: conflit (tr.25) ; quan hệ xung đột: éthos confrontationnel (tr.40).

- Câu hỏi:

1. Như tác giả có đề cập trong phần mở đầu, một trong những động cơ thực hiện đề tài là mối quan tâm đến việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ trong việc hiểu biết văn hóa nước ngoài. Tuy nhiên tác giả đã không phát triển vấn đề này bên trong đề tài. Nên chăng, tác giả cần có những đề nghị cụ thể đối với giáo viên, sinh viên ngoại ngữ nói chung, và khoa tiếng Pháp nói riêng về văn hóa ứng xử Pháp Việt trong công tác dạy/học. Ngoài ra, có thể dùng TNCD Pháp Việt làm nội dung giảng dạy cho sinh viên tiếng Pháp được không? nếu có, nó sẽ thuộc bộ môn nào?

- Đề nghị: đề tài xứng đáng được đưa ra Hội đồng Khoa học thông qua để làm thủ tục nghiệm thu chính thức.


Huế, ngày 25 tháng 11 năm 2005

Người nhận xét

TS. LÝ THỊ HỒNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire