samedi 21 février 2009

NHẬN XÉT BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI KHCN CẤP TRƯỜNG CỦA TRƯƠNG HOÀNG LÊ (2005)

BẢN NHẬN XÉT BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI KHCN

CẤP TRƯỜNG


Tên đề tài : PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC SỬ DỤNG TỪ TIẾNG PHÁP TRONG VĂN VIẾT CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGỮ KHOA TIẾNG PHÁP

Mã số: T02-GD-62

Người chủ trì: Th.S. TRƯƠNG HOÀNG LÊ

Đơn vị công tác: Khoa Tiếng Pháp, Đai Học Ngoại Ngữ - ĐH Huế



Nội dung nhận xét




I. Về mục tiêu đề tài:


Mục tiêu của đề tài nhằm phục vụ cho thực tế dạy / học ở Khoa Tiếng Pháp ĐH Ngoại Ngữ Huế, góp phần giải quyết những khó khăn của sinh viên trong diễn đạt viết và gợi mở cho giáo viên những hướng giải quyết tích cực để giúp sinh viên phát triển năng lực sử dụng từ trong các bài viết của mình.


II. Về hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu:


Báo cáo tổng kết của đề tài được trình bày rõ ràng, hợp lý, cân đối, bao gồm 48 trang (không kể phần phụ lục), phân bố như sau : 1 trang dành cho phần mở đầu, 4 trang cho chương 1, 12 trang cho chương 2, 20 trang cho chương 3, 2 trang phần kết luận và đề xuất, 1 trang tư liệu tham khảo. Ngôn ngữ sử dụng chặt chẽ, tuy thỉnh thoảng có vụng về, lủng củng trong diễn đạt.

Tư liệu tham khảo về cơ bản là đủ, xử lý tốt, kết hợp với ngữ liệu thu thập về thực tế dạy / học viết ở Khoa Pháp cho phép tác giả có cái nhìn tổng quan sát với thực tế.

Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu tỏ ra phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Xuất phát từ các khái niệm lý thuyết cơ bản, và điều nghiên thực địa (tìm hiểu mục tiêu môn viết, phân tích giáo trình, lập phiếu điều tra thầy và trò...), tác giả đã đề ra những hướng giải quyết nhằm nâng cao năng lực sử dụng từ trong diễn đạt viết của sinh viên.


III. Về nội dung và kết quả nghiên cứu:


Chương 1 với nội dung “Một số khái niệm cơ bản về từ vựng” đề cập đến những đơn vị từ và trên từ, đặc điểm hình thái và ngữ nghĩa của từ, và quan hệ của từ với văn bản xuất hiện. Tác giả đã trình bày khái quát và có chọn lọc những khái niệm lý thuyết liên quan đến đề tài, không sa vào những chi tiết thừa, và tỏ ra nắm bắt các khái niệm. Phần 1.3. đặc biệt phong phú với sự phân loại các kiểu từ qui hồi (anaphore). Một vài điểm hạn chế tuy ít nhưng cần dược lưu ý. Chẳng hạn, tuy nắm vững các khái niệm, nhưng có lúc tác giả sử dụng các thuật ngữ tiếng Việt chưa thật phù hợp: “từ hoá” thay vì “từ vựng hoá” (lexicalisé) (tr.5), “trường ngữ nghĩa” để diễn đạt ý “réseau sémantique” (tr.8) (trường ngữ nghĩa là champ sémantique, là một khái niệm gần với réseau sémantique nhưng không trùng lặp), “từ vựng” thay vì “từ” hay “đơn vị từ” (lexique / mot hay unité lexicale) (tr.11), “túc từ” thay vì “bổ ngữ” (tr.6)... Một số khái niệm lý thuyết dường như chưa được tác giả nắm vững : registre de langue cũng như niveau de langue vẫn chỉ là cấp độ ngôn ngữ, nhưng thuật ngữ registre de langue thể hiện một thái độ cẩn trọng hơn, hợp lý hơn trong sự phân chia ngôn ngữ sử dụng thành các “registre” khác nhau chứ không phải thành các “niveau” (bao hàm sự cao thấp). Ở đây thuật ngữ tiếng Pháp là ưu việt hơn so với thuật ngữ tiếng Việt, bởi thuật ngữ “cấp độ ngôn ngữ” tự thân nó đã bao hàm ý cao thấp, trên dưới. Một điểm cần lưu ý nữa là trong sự phân loại các đoản ngữ ngữ pháp, “au lieu de” và “en raison de” phải thuộc về nhóm các đoản ngữ giới từ (locutions prépositionnelles) chứ không phải là đoản ngữ liên từ (locutions conjonctives) như đã được sắp xếp.


Chương 2 với tựa đề “Quan điểm dạy-học từ vựng” đã trình bày một cách rõ ràng những quan điểm của các nhà lý luận về cách phân loại kiến thức, các giai đoạn của quá trình học, phương pháp dạy từ vựng, nội dung và chương trình dạy từ vựng. Những nội dung này góp phần trang bị cho tác giả cơ sở lý luận cho việc phân tích thực tế ở chương 3 và đưa ra những đề xuất sư phạm ở phần kết luận.


Chương 3 có tên là “Khảo sát tình hình giảng dạy từ vựng ở khoa Pháp” trình bày kết quả khảo sát tình hình giảng dạy và học tập liên quan đến đề tài, bao gồm mục tiêu giảng dạy môn viết, khía cạnh từ vựng ở giáo trình Le Nouvel Espaces và kết quả điều tra qua phiếu câu hỏi. Việc khảo sát này giúp tác giả nắm đựoc nhiều khía cạnh của việc giảng dạy từ vựng phục vụ cho diễn đạt viết của sinh viên. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy môn Viết được khảo sát ở đây chỉ là chương trình áp dụng cho năm 2002-03 và do vài giáo viên trực tiếp giảng dạy đề ra, chưa phải là chương trình chính thống, ỉôn định, nên chỉ mang giá trị như một thí dụ. Phiếu điều tra được soạn thảo tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như bao gồm nhiều dạng câu hỏi, và nội dung đã bao quát được phần lớn các khía cạnh cần thiết cho đề tài. Kết quả điều tra được trình bày dưới dạng bảng đối chiếu, và phân tích đối sánh với kết quả khảo sát giáo trình. Tiếc là tác giả hầu như không quan tâm đến việc khảo sát việc dạy và học môn Từ vựng học tiếng Pháp (lĩnh vực lý thuyết tiếng) ở năm 3, và nghiên cứu xem nó có tác dụng gì hay không đối với diễn đạt viết của sinh viên, cũng như đề xuất những cải tiến cho môn lý thuyết này.


Những đề xuất sư phạm được trình bày ngắn gọn, kết hợp với phần kết luận. Giá như tác giả dày công khai thác thêm các tư liệu tham khảo (có trong phần phụ lục) để đề xuất những hoạt động hỗ trợ hay các bài tập bổ sung, nhằm phát triển khả năng sử dụng từ của sinh viên trong diễn đạt viết, đặc biệt là trước thực tế có sự chênh lệch rất lớn về trình độ tiếng giữa các sinh viên trong cùng một lớp, thì đóng góp của đề tài sẽ còn cụ thể và thuyết phục hơn.


IV. Đánh giá chung:


- Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn

Đề tài đáp ứng một nhu cầu thực sự của nhiệm vụ dạy và học của thầy trò khoa Pháp ĐH Ngoại ngữ Huế.

- Tính khoa học

Kết quả nghiên cứu đề tài chứng tỏ tác giả có khả năng nghiên cứu khoa học tốt, và có thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu.

- Khả năng ứng dụng vào thực tiễn

Những kết quả của đề tài nghiên cứu nếu áp dụng trong thực tế sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy / học môn viết ở các khoa tiếng Pháp.

- Về hiệu quả kinh tế, giáo dục...

Đề tài nghiên cứu này có thể là tư liệu tham khảo tốt cho giáo viên dạy các môn viết, từ vựng, và cho sinh viên để họ tự hoàn thiện trong dạy và học.


V. Những đề suất:


- Về hình thức, nội dung và phương pháp nghiên cứu

Những yếu tố có thể góp phần nâng cao tính thuyết phục của kết quả nghiên cứu:

- Nghiên cứu về nguyên nhân những khó khăn của sinh viên liên quan đến quá trình học ở các cấp phổ thông (có sinh viên chưa hề có điều kiện diễn đạt viết hay nói trong suốt những năm trung học).

- Đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn trong sử dụng từ ở môn viết, đặc biệt là trong tình hình chênh lệch về trình độ hiện nay ở các lớp.

- Câu hỏi thêm (nếu có)

1. Trong đề tài, tác giả không đề cập đến môn từ vựng tiếng Pháp (năm 3). Tác giả hãy cho biết quan niệm thế nào về mối quan hệ cần có giữa môn từ vựng học tiếng Pháp (lý thuyết) và việc dạy / học các yếu tố từ vựng trong thực hành tiếng nói chung và diễn đạt viết nói riêng.

2. Tác giả có đề xuất gì đặc biệt để giúp cho sinh viên sử dụng từ tốt nhất, trong tình trạng hiện nay là trình độ tiếng của sinh viên trong cùng một lớp rất là chênh lệch?

- Đề nghị đưa ra hội đồng khoa học để nghiệm thu (hoặc không): Đề nghị đưa ra Hội đồng khoa học để tổ chức nghiệm thu.

- Xếp loại: Tốt.



Huế, ngày 1 tháng 6 năm 2005

Người nhận xét

Phạm Thị Anh Nga


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire