mardi 24 février 2009

NHẬN XÉT THUYẾT MINH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHCN CẤP BỘ CỦA PHAN THỊ KIM LIÊN (2007)

BẢN NHẬN XÉT

THUYẾT MINH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHCN CẤP BỘ


Tên đề tài : «Công cụ đánh giá trong dạy-học Thực Hành Tiếng Pháp»

Người chủ trì: Th.S. Phan Thị Kim Liên

Đơn vị công tác: Khoa Tiếng Pháp, Đại Học Ngoại Ngữ - ĐH Huế


Nội dung nhận xét

I. Mục tiêu đề tài:


Lựa chọn công cụ phù hợp để đánh giá kết quả học tập luôn là một nhu cầu cấp thiết và có tính thời sự của nhà trường, của thầy cô giáo. Do đó vấn đề được chọn để nghiên cứu ở đây là hoàn toàn hợp lý. So với thuyết minh đề tài đã trình này trước đây, bản thuyết mình này đã có những điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên cần lưu ý thêm hai diểm :

- Nên phân biệt rõ mục tiêu chính và các mục tiêu bổ trợ hay trung gian (intermédiaire),

- Mục tiêu 3 (Giáo trình) không phù hợp với tên đề tài (Công cụ đánh giá), mặc dù ít nhiều có liên quan.

Mặt khác, chỉ trên cơ sở có một chương trình, giáo trình ổn định mới xây dựng được công cụ đánh giá, nếu giáo trình, chương tình chưa ổn định thì chỉ có thể xây dựng phương hướng đánh giá đề ra tiêu chí đánh giá, chứ không thể biên soạn công cụ đánh giá. Mà ở đây, mục tiêu lại vừa “xây dựng lại kỹ năng thực hành tiếng”, vừa là “lựa chọn phương pháp và công cụ đánh giá” (mục 2), “xây dựng hệ thống công cụ đánh giá” (mục 1) và cuối cùng (mục 3), “Giáo trình THT - Luyện nghe”, như thế mục tiêu vẫn lan man chưa rõ. Nên lựa chọn giữa soạn giáo trình hay xây dựng công cụ đánh giá, không nên đánh đồng làm một.


II. Phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu:


- Phương pháp dự định áp dụng cho nghiên cứu là hợp lý, toàn diện. Tuy nhiên để có tính khả thi hơn, nên giới hạn phạm vị khảo sát, hoặc chọn một phạm vi (ví dụ: Huế và Đà Nẵng) để tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện, và đối với các nơi khác thì chỉ tập trung tìm hiểu tình hình qua một số đối tượng (entretien) và ngữ liệu (corpus, ví dụ: đề thi, bài kiểm tra).


- Về nội dung nghiên cứu, bản thuyết minh đã cơ bản đề ra những điểm chính cần thiết, và có một số điểm bổ sung, điều chỉnh theo ý kiến phản biện trước đây. Cần lưu ý một số yếu tố sau:

+ Phần II: không nên chỉ chú trọng đến những công cụ “thời thượng” mà cần xem xét toàn diện các loại công cụ đánh giá, từ tự luận đến công cụ đánh giá khách quan (ví dụ QCM), nhằm tìm ra những công cụ nào là thích hợp với từng loại đánh giá, và xem nên phối hợp chúng ra sao. Ngoài ra, cần nghiên cứu về mục tiêu đánh giá, nội dung đánh giá, đối tượng đánh giá, các loại hình đánh giá, và đặc biệt là các tiêu chí định chuẩn của công việc đánh giá. Đó là những khái niệm nền tảng trong nghiên cứu về kiểm tra đánh giá, và trong ứng dụng đối với lớp học.

+ Phần IV: nên đề xuất một hệ thống khung về công cụ đánh giá, thay vì đề xuất chương trình đào tạo (là một vần đề khác, thuộc phạm vi nghiên cứu khác), đồng thời xác định các dạng công cụ cho từng trường hợp cụ thể : đánh giá riêng từng kỹ năng (nghe-nói-đọc-viết) (compétences dissociées) hay kết hợp các kỹ năng (nghe + viết, đọc + viết, đọc + nói...) (compétences associées). Tuỳ theo cách đánh giá kết hợp hay riêng lẻ các kỹ năng, mà chọn các công cụ thích hợp.

+ Phần V: Hoàn toàn không phù hợp với đề tài.


III. Dự kiến kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài:


Nếu thực hiện tốt, kết quả có thể được ứng dụng trong phạm vị khoa Tiếng Pháp - ĐHNN Huế hoặc các cơ sở đào tạo khác về tiếng Pháp.


IV. Đánh giá của phản biện:


- Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn

Đề tài đáp ứng một nhu cầu thực sự của khoa Tiếng Pháp ĐH Ngoại ngữ Huế.

- Tính khoa học

Bước tiến hành dự trù như thế là có tính khoa học: đi từ tìm hiểu thực tiễn, thông qua nghiên cứu các mô hình lý thuyết và đưa vào áp dụng thực nghiệm.

- Khả năng triển khai nghiên cứu

Trong số 3 công trình của cá nhân được nêu trong bản thuyết minh, có 1 công trình có liên quan đến đề tài. Bản thân người đăng ký thực hiện đề tài là tổ trưởng bộ môn Thực hành tiếng, có thể có tầm nhìn bao quát về môn học. Nếu nỗ lực nghiên cứu một cách nghiêm túc, sẽ có khả năng mang lại kết quả tốt.

- Đề nghị đưa ra hội đồng khoa học tuyển chọn để xét duyệt (hoặc không): Đề nghị đưa ra hội đồng khoa học tuyển chọn để xét duyệt .


Huế, ngày 3 tháng 4 năm 2007

Người nhận xét


Phạm Thị Anh Nga

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire