lundi 9 février 2009

«TẠI SAO NGHĨ ĐẾN DESCARTES VÀO THỜI ĐIỂM NÀY?» (Phỏng vấn GS Trương Quang Đệ)

Le présent texte figure dans la rubrique «Fenêtre», rubrique consacrée à ceux et à celles qui souhaiteraient y laisser quelques-unes de leurs traces...
Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...

----------------------------

Báo Ngữ Văn Nước Ngoài (NVNN) phỏng vấn GS Trương Quang Đệ (TQĐ) năm 1987
Nguyên văn tiếng Pháp, do chính GS Đệ dịch lại cho ...


NVNN [1] - Theo chúng tôi biết, anh chuyên về ngôn ngữ Pháp. Thế mà anh vừa hoàn thành cuốn sách “Descartes và tư duy khoa học”, có phải là việc tay trái, chệch ra lối đi quen thuộc do bỗng dưng ham vui không?

TQĐ [2] - Quả thực chuyên ngành của tôi là ngôn ngữ Pháp. Không hơn không kém. Tôi không dính dáng đến văn chương cũng như triết học. Về nguyên tắc, tôi đáng ra không nên nói gì về Descartes, ngoại trừ văn phong của ông.

NVNN - Anh muốn nói là cuốn sách của anh thiên về phong cách của Descartes chăng?

TQĐ - Đáng tiếc là không phải vậy. Tôi muốn nói là đáng ra tôi có thể nghiên cứu Descartes về mặt phong cách. Như bạn biết đấy, Descartes cho ta nhiều hướng tiếp cận: văn học, triết học, khoa học vv. Lần này thì đúng là tôi đi chệch ra khỏi hướng quen thuộc, tôi giới thiệu Descartes với tư cách triết gia hay đúng hơn, tôi giới thiệu cuốn “Bàn về phương pháp” của ông. Tôi làm điều đó với nhiều lí do…

NVNN - Như vậy công trình của anh có tính triết học. Anh viết nó cho loại độc giả nào?

TQĐ - Trước hết tôi muốn dành cho giới trí thức nước ta, những người làm việc trong các ngành khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng. Nhưng nghĩ cho kỹ, tôi muốn cuốn sách có ích cho nhiều giới khác như học sinh, sinh viên, nhà giáo, nhà quản lí, tóm lại cho những người quan tâm thực sự đến triết học Descartes. Họ có thể chỉ là công nhân hay nông dân mà thôi.

NVNN - Chúng tôi thành thực hoan hỉ thấy một nhà nghiên cứu như anh nghĩ đến việc giới thiệu tư tưởng Descartes cho công chúng Việt Nam, tư tưởng của một triết gia luôn sống động với thời gian nhưng còn lu mờ ở nước ta.

TQĐ - Tôi tự nhận mình không có thế mạnh về triết học, thật đáng tiếc. Nhưng tôi nghĩ bạn có lí khi khẳng định rằng ở nước ta cho đến nay tư tưởng Descartes còn khá lu mờ, ít được quan tâm. Tôi nghĩ nay đã đến lúc phải giới thiệu tư tưởng này cho công chúng, dầu chỉ dưới dạng sơ lược. Nhà triết học Nga Y. Liatker, trong một cuốn sách nghiên cứu về Descartes có nói rằng Descartes là người đương thời với chúng ta, rằng ông không bao giờ già, đương nhiên về tư tưởng chứ không phải thể xác. Bản thân tôi nghiệm thấy tư tưởng Descartes luôn có tính thời sự một cách đáng ngạc nhiên.

NVNNVậy cái gì hiện nay thúc đẩy ta hướng về triết lí Descartes?

TQĐ – Triết học Descartes chứa đựng nhiều chủ đề khó tiếp cận đồng thời kèm theo nhiều thao tác phức tạp. Chẳng hạn suy ngẫm của ông về siêu hình. Cuốn sách của tôi chỉ giới hạn vào việc trình bày tác phẩm “Bàn về phương pháp” mà thôi. Tác phẩm này không bao hàm hết tư tưởng Descartes, nhưng nó là bề mặt của mọi vấn đề. Tác giả chỉ ra điều cần thiết phải đi ngược về cội nguồn của kiến thức khoa học. Chính điều đó làm cho Hegel phải thốt lên rằng “René Descartes là vị anh hùng dám xem xét sự việc ngay từ điểm xuất phát và ông cũng là người đầu tiên làm mới hoàn toàn môn triết học”.

NVNN - Vậy thì vấn đề hiện nay đối với ta cũng như đối với tất cả mọi người là xem xét sự việc từ thời điểm ban đầu?

TQĐ – Đúng vậy. Tôi tán thành ý kiến của nhà triết học Martin Heidegger cho rằng không có Descartes, “thì sẽ không thể nào có thế giới hiện đại”. Chúng ta đang xây dựng một thế giới hiện đại. Chúng ta nhất thiết phải hiểu biết những nền tảng của sự việc. Chúng ta nhất thiết phải xuất phát từ những dữ liệu chắc chắn để suy luận ra một loạt những vấn đề. Chúng ta phải dựa vào chủ nghĩa duy lý và đoạn tuyệt hẳn với mọi biểu hiện của sự cuồng tín, niềm tin mù quáng, kinh nghiệm chủ nghĩa, duy ý chí và cả sự phiêu lưu, những tật xấu đã hoành hành khá lâu trong xã hội chúng ta.

NVNN - Hiện nay người ta bắt đầu nói đến việc thay đổi tư duy… Điều này có liên quan gì đến việc anh làm? Cuốn sách của anh đóng góp ở mức độ nào cho sự thay đổi ấy?

TQĐ – Rõ ràng là có sự liên quan. Cũng gần như lý do duy nhất khiến tôi chọn chủ đề này hy vọng rằng cuốn sách mang lại sự sáng tỏ trong cách lập luận, tính logic trong suy nghĩ, sự sử dụng đúng đắn những quy tắc phương pháp luận. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta phải từ bỏ tác phong nghiên cứu triết học chập chững, tùy tiện trong đời sống tri thức, những tư biện được đâu hay đó, tóm lại phải từ bỏ thói xấu là nói năng sáo rỗng.

NVNNAnh có thể nói rõ hơn ý kiến của Martin Heidegger, ý kiến cho rằng không có Descartes thì không thể có thế giới hiện đại?

TQĐ – Ai cũng biết rằng những nước tiên tiến và những nước lạc hậu khác nhau ở chỗ nước tiên tiến phải thực hiện được ba cuộc cách mạng: xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Đường lối chính trị của chúng ta hiện nay chẳng hạn nói rằng cách mạng khoa học kỹ thuật là nhân tố quyết định trong việc đưa nước ta tiến lên hiện đại hoá và công nghiệp hóa. Nói cách khác năng suất cao trong sản xuất do nắm được khoa học từ công nghệ tiên tiến mà ra. Thế mà ta khó quan niệm được thành tựu khoa học kỹ thuật không dựa trên tư duy Descartes. Chính nhờ Descartes, ngay cả khi ông ta dành rất nhiều trang cho việc chứng minh sự tồn tại của thượng đế, chính nhờ Descartes mà ta có khả năng phân biệt cái đúng với cái sai, có khả năng đấu tranh chống lại sự cuồng tín dưới mọi hình thức tôn giáo, chính trị, học thuật và từ bỏ mọi định kiến. Một thế giới hiện đại theo đúng nghĩa được mọi người chấp nhận phải là một thế giới duy lý.

NVNN - Ở Phương Tây vào cuối những năm bảy mươi, một vài học giả chê trách Descartes, hoạ theo phong trào phê Lâm-phê Khổng ở Trung Quốc. Người ta đổ cho Descartes mọi tội vạ, mọi bất hạnh. Liệu sự phản kháng đó có chính đáng không?

TQĐ – Người Phương Tây đã trải qua một giai đoạn phát triển mạnh về kinh tế, văn hoá. Đỉnh cao phát triển nằm vào khoảng cuối những năm sáu mươi đầu những năm bảy mươi trước cuộc khủng hoảng năng lượng. Sự phát triển mạnh về văn hoá và kinh tế ấy kéo theo nhiều hậu quả không hay cho quan hệ giữa con người với nhau, chẳng hạn sự lu mờ về nhân cách, sự thiếu trí tưởng tượng, sự bần cùng về trí tuệ, sự sùng bái hàng tiêu dùng Mỹ - Nhật vân vân…Cuối cùng người ta tìm ra kẻ đưa đầu chịu báng, đó là chủ nghĩa duy lí! Trước tình hình đó người ta chê trách Descartes, gán cho ông đủ thứ tôi, kỳ thực người ta sai lầm to. Thực vậy, Descartes cũng như các nhà triết học tạo ra các hệ tư tưởng riêng chỉ đại diện cho một cách ứng xử giữa muôn vàn cách ứng xử khác nhau của nhân loại. Lối ứng xử kiểu Descartes là lối ứng xử quan trọng nhất nhưng không duy nhất. Bị bão hoà trong lối ứng xử Descartes, người Phương Tây có thể cho phép mình tản mạn đôi tí, hướng theo chủ nghĩa tình cảm hơn là lí trí, lãng mạn đôi tí, tóm lại là phản duy lí đôi tí. Một số kẻ muốn “lùi về với thiên nhiên”, trào lưu “xanh” vì môi trường phát triển mạnh. Nhưng ta chớ quên qui luật muôn đời đúng cho cả lĩnh vực tự nhiên lẫn xã hội: một xã hội con người giống như một cơ thể sống, luôn có nhu cầu tự điều chỉnh. Nơi nào có gì thái quá sẽ có cái hãm. Thế giới tiến hoá không tuỳ thuộc ý chí người này người nọ, thế giới tiến lên phía trước với những khúc quanh và những điểm dừng. Có người muốn thế giới tụt lùi nhưng sẽ toi công. Đối với xã hội chúng ta hiện nay, hướng đi là theo con đường duy lý. Người Phương Tây có thể chơi ngông một chút cũng chẳng sao, đó là sự tập luyện làm khoẻ tinh thần và thể chất của họ.

NVNNĐó là lí do đầu cho công trình của anh. Còn những lí do khác nữa chứ?

TQĐ – Nhiều lắm, khó mà nói hết trong buổi gặp gỡ này. Tôi cố gắng nêu một lí do chủ yếu mà tôi tạm gọi là lí do lịch sử. Chúng ta nhớ lại rằng ở mỗi bước ngoặt lịch sử trong đời sống trí tuệ, chẳng hạn một cuộc khủng hoảng về quan niệm nào đó, lập tức người ta quay về (đúng hơn là cầu viện) tư tưởng Descartes. Vào đầu thế kỷ [3] chúng ta, khi chuyển từ vật lí cổ điển sang vật lí hiện đại với sự xuất hiện của thuyết tương đối Einstein và vật lí lượng tử, khi người ta gặp phải tình huống rắc rối của sự đối ngẫu sóng – hạt, lúc đó những nghiên cứu về Descartes nhất loạt xuất hiện mà tiêu biểu là cuốn “Nhà thông thái Descartes” của G. Milhaut. Nhiều năm sau lương tri nhân loại lại đứng trước thử thách trước hết là vụ tàn sát Guernica rồi những tai hoạ do Đức quốc xã gây ra, rồi đến Hiroshima và Nagasaki… Ta chú ý một sự trùng hợp kì lạ mỗi lần người dậy lên nghiên cứu Descartes là đúng một dịp kỉ niệm nào đó thuộc về cuộc đời của nhà triết học.
- 1937: 300 ngày ra đời cuốn “Bàn về phương pháp”
- 1946: 350 năm ngày sinh của Descartes.
- 1950: 300 năm ngày Descartes tạ thế
và còn nhiều trùng hợp như vậy nữa. Nhà triết học Nga Y. Liatker bình luận như sau: “Giống như chim phượng hoàng huyền thoại, những tác phẩm của Descartes hồi sinh từ đống tro tàn trên các giàn lửa của những năm 30 và những đám cháy của thế chiến thứ 2”

NVNNTrong những năm 50 những sự kiện nào quan trọng nhất đã diễn ra với sự hồi sinh của tư tưởng Descartes?

TQĐ – Có ba sự kiện và cả ba đều đáng lưu ý. Trong đời sống chính trị đó là sự xem xét lại chủ nghĩa chuyên chế ở Liên Xô. Mọi người hiện nay đều biết chủ nghĩa chuyên chế đáng sợ đã làm lụn bại trí óc con người. Lần đầu tiên người ta nhận thấy rằng phương pháp chuyên chế không phải là điều kiện duy nhất để xây dựng xã hội mới, chưa nói đến việc nó hoàn toàn trái với lương tri con người. Sự lật ngược tình hình này được những kẻ bảo thủ quy là chủ nghĩa xét lại: đó là sự chung sống hoà bình, sự tôn trọng nhân phẩm con người, sự phục hồi những lý thuyết bị đánh giá là “tà thuyết”, sự phục hồi những người đi chệch hướng, “phản động”, chống đối…v…v… Tất cả cư dân của những nước ngoài phe XHCN không nhất thiết là kẻ địch! Và lịch sử… lịch sử của một dân tộc đâu phải chỉ là lịch sử của riêng người anh cả-Big Brother. Nhưng tình hình ở Liên Xô đang còn bấp bênh, mọi điều kiện đối nội và đối ngoại chưa cho phép cải tạo xã hội một cách cơ bản.
Chuyển sang sự kiện thứ hai, sự kiện liên quan đến toán học. Ở Pháp và ở một số nước khác hiện nay người ta không còn nhắc đến Nicolas Bourbaki nữa. Nicolas Bourbaki là tên gọi một nhóm nhà toán học táo bạo chủ trương hình thức hoá mọi hoạt động toán học. Hiện nay vì đã trải qua giai đoạn hình thức hoá thái quá mà người ta thấy cần trở lại với những điều ít hình thức hơn chẳng hạn với trực giác và trí tưởng tượng nhưng vào thời Bourbaki sự hiện đại hoá tư duy toán học, sự hiên đại hóa giảng dạy toán học trong các trường là một yêu cầu khách quan của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đó là nhu cầu dẫn đến việc sáng tạo ra ngành tin học và ngành máy tính. Tôi tin rằng ngày nay khi ta thấy bọn trẻ chơi đùa bằng cách lập ra các phần mềm cho máy tính, ta phải nhớ đến những người đi đầu trong việc hình thức hóa. Công lao họ khá rõ ràng.
Sự kiện thứ ba thuộc về ngôn ngữ học với công trình nổi tiếng của Noam Chomsky có tên là “Ngôn ngữ học theo xu hướng Descartes”. Chúng ta đã biết cuộc cách mạng của Saussure vào đầu thế kỷ 20 làm thay đổi phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học, từ chỗ nghiên cứu tản mạn dựa trên so sánh lịch sử đến chỗ trở thành một khoa học thực sự ngôn ngữ dựa trên chủ nghĩa cấu trúc. Cách tiếp cận mới về ngôn ngữ này cho phép tạo ra nhiều phát kiến. Nhưng rồi cũng bị bế tắc. Thay vào đó là môn tâm lý học hành vi. Với tư tưởng Descartes Chomsky nghiên cứu ngôn ngữ qua một số vấn đề khái quát trên cơ sở lý thuyết tạo sinh – chuyển đổi. Từ đó ông tìm tòi cái phổ quát của ngôn ngữ và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Chomsky tuyên bố “…Có một hố ngăn cách giữa một bên là hệ thống các ý niệm mà ta có được một cách đầy đủ và bên kia là bản chất trí tuệ con người… Nắm được một ý kiến tương tự là nhờ triết học Descartes. Descartes cũng sớm nhận ra rằng nghiên cúu tư duy đặt chúng ta đối mặt với tính chất phức tạp chứ không phải đối mặt với các mức độ phức tạp”.

NVNNLiệu có một mốc quan trọng cho năm 1987 đáng để ta kỉ niệm không? Nếu có mốc đó liên quan gì đến đời sống của Descartes theo anh sự hồi sinh của tư tưởng Descartes có ý nghĩa gì trong năm này?

TQĐ – Năm này là năm 1987. Cách đây đúng 350 năm, vào năm 1637 lần đầu tiên cuốn “Bàn về phương pháp” ra đời. Ta phải nói ngay rằng cuốn đó được coi như bản tuyên ngôn của chủ nghĩa duy lí. Mốc lịch sử này luôn làm ta ghi nhớ bởi lẽ nó là mốc quan trọng nhất của triết học Descartes. Chúng ta nhớ lại rằng vào thời Descartes do những cản trở về dân trí mọi mưu toan chủ trương thuyết duy lí được xem như thách thức trật tự xã hội, thách thức giáo hội. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Descaertes, đi vòng quanh trước khi đạt đến đích. Đằng sau câu nói nổi tiếng “Cogito ergo sum” (Tôi nghĩ. Vậy tôi tồn tại) và sự tồn tại của thượng đế ẩn chứa nhiều điều mà may thay những kẻ giáo điều không nhìn thấy. Về sự hồi sinh của tư tưởng Descartes trong năm nay hay đúng hơn là trong thời đại hiện nay, nó được biểu hiện bằng sự khôi phục mạnh mẽ phẩm chất con người. Những gì đang diễn ra ở Liên Xô trong công cuộc cải tổ và tính minh bạch, những gì đang diễn ra ở nước ta với sự thay đổi tư duy,… tất cả muốn nói lên rằng lương tri không hoàn toàn rời bỏ con người. Mọi việc có vẻ dần dần trở lại vị trí của chúng và ta hy vọng mọi thứ trở nên trật tự cho phép ta được lạc quan và ta bày tỏ lòng cám ơn đối với nhà triết học bất tử này.

*

Huế năm 1987

Bài phỏng vấn này được đăng ở tạp chí Ngữ văn Nước ngoài, ĐHSP Huế và Nội san khoa học, khoa Pháp, ĐHSP TPHCM năm 1987 (nguyên văn tiếng Pháp)

*

viet-studies.info
*

[1] NVNN – Ngữ văn nước ngoài – tạp san khoa học của Khoa ngoại ngữ trường ĐHSP Huế những năm 80 của thế kỷ trước.

[2] TQĐ – Trương Quang Đệ, giảng viên Đại Học Huế.

[3] Thế kỷ 20.

5 commentaires:

  1. Chau Nga than,
    Rat mung duoc biet "portfolio" cua Nga, rat day du.
    Toi tu lam "webmaster" cho vui nen chi tom tat thoi.
    Tren Google neu Nga tim www.ledinh-nguyentho.net
    se thay nhieu chi tiet hon
    ( duoi muc thu hai : autres resultats domaine led.. )
    Than men,
    LDT
    ledinhtue@bluewin.ch

    RépondreSupprimer
  2. Anh Nga thuong,
    Toi vao trang web cua Anh Nga thi thay bai phong van ca tieng Viet lan tieng Phap. Toi thay thu vi va cam on Anh Nga nhieu lam. Bai tieng Viet co may loi danh may va cham cau khien cho doc khong ro. Toi gui theo day bai da chua de Anh Nga tham khao.
    Nho Anh Nga nhieu.
    De
    truongquangde06@yahoo.fr

    RépondreSupprimer
  3. Thay oi,
    Em da sua lai nhung sai sot danh may bai phong van bang tieng Viet.
    Em cung chi dung lai bai da co san thoi, em cam on Thay da gui cho em bai da chua.
    Mong la Thay da hai long.
    ANga

    RépondreSupprimer
  4. Moi vao nha va phat hien mot abonne moi.
    Vua moi hoi Quynh Anh, roi cau sao lai Tuan oi. La sao ?
    Cung vua kip doc truyen ngan so 8.
    Rat nhieu chi tiet giup nhan ra nguyen mau cac nhan vat.
    Cam dong.
    10.2.2009
    S.
    sonthan2000@yahoo.com

    RépondreSupprimer
  5. Cảm ơn anh S.
    Kết nối có cái hay như rứa đó. N chuẩn bị thêm 1 kết nối khác.
    Quỳnh Anh hay Anh Tuấn chỉ là ... mon frère. Có cùng ngày SN với Che đó.
    Anh thêm commentaire vào blog cua P.Q.A.Tuấn cho vui.
    Gửi lại anh nội dung tin nhắn ngày nào (ngạc nhiên chưa). Không biết anh còn nhớ không:

    - Chuc mung sinh nhat Pham Anh Tuan va Che Guevara
    - Chuc PAN an tiec sinh nhat vui
    - SN ai ? Che Guevara a ?
    - 1 trong 2 nguoi se lam tiec, Che cang tot.
    - 1 la Che 2 la ai ?
    - Sn cua PATuan thi ong mo tiec kg thi PA Tu lam
    - N xin loi. Tin nhan trua ni ... nham dia chi.
    - Hen chi !

    Thân mến,
    ST
    10.2.2009

    RépondreSupprimer