mercredi 11 mars 2009

Sông Nile trên trời... (3)

(tiếp theo)
Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác
còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi
(Trường ca “Tụng ca mặt trời” của Ikhnaton, vị pharaon-đại thi hào của Ai Cập, vào khoảng năm 1380 trước CN)

3

Vào Bảo tàng Quốc gia Cairo, tôi phải trở ngược ra ngoài gửi máy ảnh ở cổng vì khách tham quan không ai được phép mang máy ảnh vào, dù có sử dụng hay không.
(Áo quan của Tutankhamun)
Bảo tàng lớn, uy nghi, gồm nhiều tầng, bên trong trông hao hao Bảo tàng Orsay của Pháp, với cấu trúc tổng thể giống một nhà ga chuyển thành bảo tàng. Các sản phảm trưng bày đặc biệt phong phú, hoành tráng với những gian nhà mồ của các scribe đồng thời là tu sĩ, những bản khắc trên đá (như tảng Palette de Narmer, hay Pierre de Rosette), những pho tượng đá, đồng hay gỗ, hay chi tiết tỉ mỉ như những vật dụng trong cuộc sống hàng ngày (dao, kim khâu, giày dép, mũ, găng tay, chén dĩa...) hoặc của các ngành nghề (cọ, kèn, cung tên, áo giáp...). Những sản phẩm ấy thuộc nhiều thời điểm khác nhau của nền văn minh cổ Ai Cập. Rất nhiều thứ liên quan đến các Pharaon: ngoài những ngai vàng với nhiều hoạ tiết thể hiện uy lực và chiến thắng, những bức tượng nửa người nửa thần linh, còn có những chiếc giường với bốn chân được chạm khắc với hình ảnh các linh vật, như bò với vòng hào quang của mặt trời, hà mã, báo, cá sấu, sư tử..., những bó hoa hay lá khô được đưa từ ngôi mộ của Tutankhamun về, cỗ quan nhỏ chứa một nhúm tóc của hoàng hậu Tyl...
Đặc biệt và ấn tượng với tôi hơn cả là chiếc Mặt nạ bằng vàng khối được đúc ngay trên khuôn mặt của vị pharaon trẻ Tutankhamun, các cỗ quan tài cũng của Tutankhamun, những tấm papyrus dài với nhiều hoạ tiết và mẫu tự hiéroglyphique là mẫu tự Ai Cập cổ trưng bày dọc các cầu thang. Tôi đứng lặng rất lâu vì xúc động trước những tấm papyrus là thuỷ tổ của các loại giấy ngày nay. Cuối cùng, môt xác ướp phụ nữ mà tôi không đủ can đảm nhìn lâu, bởi lúc đó chung quanh không còn thấy bóng người nào và chiều đã bắt đầu xuống thấp. Và cũng thật may mắn cho tôi, Bảo tàng Quốc gia Cairo có nhiều bản chỉ dẫn, giải thích cặn kẽ về các sản phẩm trưng bày, không chỉ bằng tiếng Ai Cập, mà có cả tiếng Anh và có khi cả tiếng Pháp, nhờ đó tôi có thể tự mình tìm hiểu.
(Cảnh thần Anubis cân linh hồn trên giấy papyrus)
Tôi rời bảo tàng lúc năm giờ mười lăm phút. Trời bắt đầu nhá nhem tối. Nhận lại máy ảnh, tôi tranh thủ nhờ một phụ nữ châu Âu bấm cho hai kiểu trước cửa bảo tàng. Những bức ảnh đầu tiên của tôi trên xứ sở Pharaon, lúc ánh dương đã tắt hẳn. Người tài xế taxi đến chậm mất hơn mười phút, khiến tôi sốt ruột và lo lo. Về sau, tôi được biết là khái niệm về thời gian ở Ai Cập cũng “giàn thun” như đối với dân Việt Nam, chứ không như ở Pháp, nơi sự chính xác về giờ giấc được xem là “phép lịch sự của vua chúa”.
(Trước Bảo tàng quốc gia Cairo)
Về đến trước khách sạn, tôi hơi băn khoăn khi người tài xế taxi tỏ vẻ không hài lòng với số tiền được trả không cao hơn số tiền cho lượt đi. Nhưng về sau Nathalie đã giải thích cho tôi là số tiền đó kể cũng đã cao hơn giá thông thường, và tài xế taxi vẫn hay kỳ kèo và càu nhàu với khách kiểu đó. “Phải biết lắc đầu từ chối”, Nathalie khuyên tôi như thế.
Tối, bạn của Hanaa đến đón tôi vào khoảng chín giờ tối thay vì tám giờ như đã hẹn. Amani người nhỏ nhắn, da ngâm đen, điệu đà, liến thoắng, trẻ hơn nhiều so với tuổi năm mươi của cô. Amani đến muộn do kẹt xe và loay hoay tìm đường. Ngay cả sau đó, cứ ở mỗi góc đường Amani lại quay đầu ra ngoài liến thoắng, và cô lại được những người ở ngoài nhiệt tình chỉ trỏ trả lời.
Nhà Hanaa là một căn hộ tầng ba hay bốn gì đó của một chung cư loại sang. Tiết mục khai vị kéo dài đến khoảng mười một giờ khuya mọi người mới vào bàn ăn. Gà nướng kiểu Ai Cập, bánh mì kiểu Ai Cập, rất ... ăn chắc mặc bền. Quả đúng là của những con người ăn to nói lớn, tôi nhủ thầm. Có cả cơm tẩm gia vị và một vài món lạ khác tôi không nhớ hết, bởi mắt đã bắt đầu hoa lên vì đói. Chung quanh tôi độ hai chục người, phần lớn là phụ nữ nhưng không ai trùm khăn kín đầu. Họ râm ran với những câu chuyện kể, những mẩu bình luận về thời sự quốc tế. Bush, chiến tranh, nhân quyền... Ai bảo phụ nữ Ả Rập chỉ biết kín cổng cao tường và thấp kém so với nam giới?
Khách phần lớn là những người quen cũ của Hanaa. Họ từ một số nước khác đến Ai Cập tham dự hội thảo. Nathalie đang không khoẻ, chỉ đến được một lúc khi mọi người đang khai vị. Cô ngồi độ nửa tiếng thì chào ra về. Trông Nathalie hơi xanh xao. Trước khi về, cô thì thầm vào tai tôi là dân Ai Cập ăn tối muộn lắm và cô đến cốt để gặp tôi. Giọng Nathalie nhẹ như gió thoảng: “Mình nhớ Việt Nam lắm...
(Còn tiếp)
Sông Nile trên trời (4) : http://phamthianhnga.blogspot.com/2009/03/song-nile-tren-troi-4.html

1 commentaire:

  1. Rất hào hứng theo dõi feuilleton này.
    ST có thể đăng dày hơn một chút được không, đăng sưa như ri người đọc hơi bị sốt ruột đó. Ít nhất cũng ráng kết thúc trước mùa hè ni, thời điểm mà sông Nil cạn nước, nếu những dự báo của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên Cứu " Pomme Ulcérée " là đúng ( theo tin của báo " Con Vịt Buộc " , số 8783 ra ngày 29.2.2009 ).
    Túm lại một túm, chúc mừng bút lực của ST, lặng lẽ mà dữ dội.
    Thân,
    S.

    RépondreSupprimer