jeudi 28 mai 2009

«Chuyện kể về một linh hồn phiêu bạt» (Trương Quang Đệ)

Le présent texte figure dans la rubrique «Fenêtre», rubrique consacrée à ceux et à celles qui souhaiteraient y laisser quelques-unes de leurs traces...
Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...


Năm 1945 gia đình tôi sống ở G., tỉnh lị của một tỉnh Miền Trung. Nhà chúng tôi nằm trong một khu phố yên tĩnh, về phía Đông một khu thành cổ.

Cha tôi có xe khách và xe tải chạy đường dài, mẹ tôi làm giáo viên sơ học. Chị Yến tôi mười sáu tuổi là nữ sinh nội trú của trường Sainte Marie. Tôi tên là Nam, lúc đó mới học xong năm cuối của trường tiểu học khu phố. Giống như các gia đình khá giả khác vào thời đó, cha mẹ tôi mời một gia sư dạy thêm cho chị Yến và tôi tại nhà các môn tiếng Pháp, tiếng Anh, toán và âm nhạc. Gia sư của chúng tôi là một anh học sinh trung học rất trẻ, vừa mới thi xong tú tài phần một. Anh đến dạy chúng tôi đều đặn hai lần trong tuần đồng thời chuẩn bị thi tú tài phần hai. Anh tên là Kim, dáng người thanh tú và đãng trí như một nhà bác học. Nhưng anh giảng dạy rất tốt. Anh hiểu biết sâu rộng và truyền đạt lại cho chúng tôi dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Chị Yến vốn yếu về toán và các môn khoa học hiểu ngay được bài anh giảng, trong khi đó ở lớp chị cứ ngẩn ra không nắm được gì. Chị say mê đọc tiểu thuyết Pháp, chị đọc đi đọc lại “Graziella” và “La porte étroite”, và mỗi lần đọc lại cứ ứa nước mắt khóc người đời xưa. Chị hát nghe rất hay và bài chị yêu thích là bài “Ma Normandie”. Bản thân tôi cũng yêu thích âm nhạc, nhưng tôi say mê hơn những chuyện thần tiên và việc tìm hiểu những ngôi sao trên bầu trời.Tôi thích dạo chơi với chị Yến và anh Kim ngoài thiên nhiên, bên bờ sông Thanh giang hay trên những ngọn đồi cây xanh che phủ quanh thành phố.

Cuộc đảo chính của quân Nhật đầu tháng ba kết thúc sự cai trị của chính quyền thuộc địa Pháp. Các trường học đều đóng cửa và học sinh sung sướng không phải đi học nữa. Cả nước lo lắng chờ ngày chiến tranh chấm dứt. Vào thời buổi đó Kim ngày nào cũng ghé thăm chúng tôi, đôi khi còn dẫn theo một anh bạn học cùng lớp có tên là Huy. Khác với Kim, Huy ăn vận chững chạc, ít nói và chỉ trả lời một cách dè dặt những câu hỏi về thời cuộc. Người ta đoán là anh ta đang chuẩn bị làm điều gì đó quan trọng, bí mật. Người ta cũng nhận thấy Huy rất ngưỡng mộ Kim, thường xuyên hỏi ý kiến Kim về mọi thứ, kiến thức cũng như kinh nghiệm. Nhưng Kim thì coi mọi thứ nhẹ như lông hồng. Chẳng có gì khiến anh ta quan tâm, đáng làm anh ta chú ý, có lẽ chỉ có một điều ngoại lệ khó nói ra được: đó là tình yêu thầm kín và tuyệt vọng đối với chị Yến tôi. Kim tiếp tục dạy chúng tôi ngay cả khi có mặt Huy bên cạnh. Đôi khi anh ta nhờ Huy giúp đọc cho chúing tôi viết chính tả tiếng Pháp hay chữa bài tập toán. Nhiều lần Huy đến tìm Kim ngay trong giờ học của chúng tôi, hăm hở kể cho Kim nghe nhiều tin giật gân mới lạ, thầm thì với Kim nhiều điều bí hiểm. Nhưng rồi Huy phát cáu thật sự khi thấy Kim thờ ơ để ngoài tai tất cả, vẻ mặt dửng dưng đáng ghét. Đôi lần thấy Huy giận đến mức cao giọng thề không muốn gặp Kim nữa, chán ngấy anh bạn này lắm rồi. Thế nhưng chỉ vài giờ sau lại thấy Huy dẫn xác đến, dáng ủ rũ tội nghiệp, tiếp tục hỏi Kim điều này điều nọ, y như không có chuyện gì mới xẩy ra cả. Chị Yến tôi tỏ ra có cảm tình với Huy, một người thuộc gia đình đáng kính nể. Đối với Kim chị không tỏ ra tình cảm gì rõ ràng. Chị khâm phục sự hiểu biết của Kim về văn chương, khoa học nhưng chị khiếp đảm cuộc sống thiếu ngăn nắp thiếu qui củ của kẻ du tử này. Ai cũng nghĩ rằng chị sinh ra để sống cuộc sống ngăn nắp, yên bình, thịnh vượng. Chị không có điểm gì gần gũi với một chàng nghệ sĩ phóng túng hoặc một người hoạt động cách mạng.

Một hôm, như thường lệ, chúng tôi đi dạo trên “núi” Thiên Hồng, ngọn đồi án ngữ phía Tây thành cổ, bỗng thấy Huy chạy đến, vẻ mặt vô cùng căng thẳng. Huy nói khẽ cho mình Kim nghe:

- Cậu biết hôm qua ở Hà nội xẩy ra chuyện gì chứ?

- Mình có biết, Kim trả lời cho qua chuyện.

- Ai nói cho cậu biết thế?

- Mình quên mất rồi.

Rõ ràng chúng tôi thấy Huy cố hết sức nén nhịn bực tức trong lòng. Cuối cùng Huy hỏi:

- Cậu nói nghe chuyện gì xẩy ra ở Hà nội vậy?

- Xin lỗi, Kim bình thản nói, mình có phải là kẻ tò mò đâu! Nào cô Yến , cậu Nam, tôi sẽ so sánh thiên nhiên ở đây với một bức tranh tĩnh vật…

Chị Yến thấy vẻ thất vọng cùng cực hiện trên mặt của Huy liền nói xen vào:

- Anh Kim này, có lẽ ta nên nghe anh Huy kể đầu đuôi câu chuyện xem sao, chắc phải có gì hay lắm đó.

- Được thôi, Kim tỏ vẻ ôn tồn nói, để tôi kể cho các bạn nghe…Hôm qua có chuyện thay đổi về chính trị ở Hà nội…khá hấp dẫn…Dân chúng nổi dậy giúp Liên Minh cướp chính quyền trong tay bọn Nhật. Hiện nay Liên Minh kêu gọi dân chúng cả nước lật đổ chính quyền do Nhật dựng lên…

- Thế ư? Nhưng Liên Minh là ai vậy? Chị Yến hỏi.

Huy vội giải thích:

- Liên Minh là tổ chức của những nhà ái quốc chống phát xít giành độc lập cho dân tộc…

- Hay là Đảng cộng sản dưới một tên khác, Kim nói, một người bạn cho tôi biết chi tiết sáng nay.

Lần này Huy không che giấu bực tức được nữa:

- Cả nước chấn động như vậy mà các người cứ thong dong đi dạo sao? Mình không thể nào hiểu nổi, Huy nói, giọng trách móc.

Kim cười đáp:

- Cậu muốn mình làm gì nào? Dầu sao đó cũng không phải việc của mình… Nếu cậu muốn thành anh hùng thì đây chính là dịp tốt. Còn mình… mình có thì giờ đâu!

- À ra thế!

Huy cố tìm những từ ngữ thật chua chát để đáp trả nhưng đầu óc anh quay cuồng khó tả. Anh bỗng thấy yếu đuối, bất lực, khốn khổ.

Anh nói như tự thú nhận:

- Ngay khi nghe tin, mình chạy đi tìm bạn bè nhưng chẳng gặp ai cả. Mình chẳng biết phải làm gì… Mình có cảm giác phải làm gì đó trước khi quá muộn… Kim này, ta phải làm gì đây? Mình luôn tin tưởng cậu mà!

- Cứ ngồi yên rồi mọi thứ sẽ xong xuôi. Cái gì phải đến sẽ đến…

- Mình không tin như vậy.

- Vậy cậu cứ làm cái gì cậu thấy cần làm, Kim nói, nhưng chắc chắn có người không muốn cậu cũng như tớ, kể cả cô Yến hay cậu Nam đây nữa xen vào chuyện của họ….

Kim rõ ràng là kẻ tiên tri, vì chỉ vài ngày sau sự việc diễn ra đúng như anh dự báo.

Theo lời chỉ bảo của “cố vấn kỹ thuật” Kim, đồng thời anh ta cũng tham gia trực tiếp nữa, Huy tập hợp được ngay ngày đầu đông đảo học sinh nam nữ của các trường ở G. cùng với nhiều thanh niên nông thôn quanh đó. Một cuộc mít tinh khổng lồ được tổ chức tại sân trường Sainte Marie. Huy trèo lên mái ngói tiền sảnh nhà trường và nói vắn tắt về cương lĩnh của Liên Minh, tiếp đó là chương trình hành động của mọi người tụ tập lúc đó. Một nhóm trẻ được phân công đi tập hát bài ca của Liên Minh do chị Yến phụ trách. Sở dĩ chị Yến biết hát bài này là do Kim thu được nó qua cái đài thu thanh do anh tự lắp lấy. Chị Yến phải bỏ ra cả một đêm để tập hát cho thành thục dựa vào bản nhạc Kim ghi lại chu đáo cả nhạc lẫn lời. Một nhóm thanh niên thứ hai được phân công đi may cờ đỏ sao vàng với các phương tiện tự họ xoay xở lấy. Kích thước cờ ra sao đều do Kim chỉ dẫn. Làm sao mà anh ta biết hết mọi cuyện như thế? Đến nay vẫn là điều bí mật. Nhóm thứ ba do Huy trực tiếp chỉ huy có nhiệm vụ thu nhặt súng ống do bọn Nhật đầu hàng để bừa bãi nhiều nới không ai trông coi, cùng với các loại vũ khí thô sơ khác.

Ngày hôm sau, Huy, Kim và chị Yến dẫn đầu một đoàn quân đông như một biển người miệng hát vang bài ca của Liên Minh, tay phất cờ đỏ sao vàng ào ào tiến về dinh tỉnh trưởng. Ba kẻ cầm đầu thanh niên được viên tỉnh trưởng hoảng hốt đón tiếp và xin bàn giao ngay lập tức chính quyền cho nhân dân. Ông ta còn kí lệnh (trên một tờ giấy trao cho Huy và Kim) cho các toán quân dưới quyền giao nộp vũ khí cho phía khởi nghĩa. Ngọn cờ của Liên Minh phấp phới bay trên nóc nhà Dinh tỉnh trưởng trong tiếng reo hò vang dội của quân khởi nghĩa. Tuy vậy mọi người vẫn lo lắng nhìn về phía thành cổ bên kia sông, nơi lá cờ của xứ mặt trời mọc vẫn tung bay bên cạnh cờ của chế độ phong kiến cũ. Thành cổ là nơi đóng quân của Nhật sau khi họ tiêu diệt đồn biên phòng lâu đời của Pháp. Huy và Kim hội ý chớp nhoáng và Kim nhiệt thành ủng hộ phương án của Huy. Quân khởi nghĩa theo lệnh Huy tiến vế phía cầu bắc qua sông và nhanh chóng bao vây thành cổ. Họ hô vang khẩu hiệu đòi quân Nhật hạ vũ khí và lập tức hạ các ngọn cờ biểu tượng cho đế quốc phong kiến xuống. Làn sóng nổi dậy trào dâng khó có gì ngăn chặn nổi. Trong chốc lát các cơ quan chính quyền bị quân khởi nghĩa chiếm lĩnh. Toàn phố xá treo cờ Liên Minh và một chính quyền lâm thời được thành lập do Huy đứng đầu.

Ba ngày sau, kể từ khi lên nắm chính quyền, Huy và Kim mới có dịp về nhà chúng tôi ăn tối. Mẹ tôi vồn vã đón tiếp họ, mời họ những món do tay bà làm lấy và chuyện trò vui vẻ với họ. Khoảng chín giờ tối, chúng tôi bỗng nghe có tiếng chó sủa trước nhà. Một bọn người cầm vũ khí gậy gộc xông vào sân nhà phía trước, lên tiếng đòi gặp chủ nhà để nói chuyện. Mẹ tôi đứng dậy tiến về phía họ.Chúng tôi ai nấy đều đứng lên đi theo mẹ tôi. Trong ánh sáng tù nù của ngọn đèn dầu lạc, tôi thoáng thấy những khuôn mặt khắc khổ và lạnh lùng. Một người trong bọn, có lẽ là người chỉ huy nói:

- Thưa bà, chúng tôi tìm các ông Huy, ông Kim và cô Yến, họ ở đây phải không?

- Tôi là Huy đây, Huy lên tiếng, các ông tìm chúng tôi có việc gì vậy?

- Yêu cầu các ông đi theo chúng tôi về căn cứ ngay lập tức.

- Có chuyện gì vậy? Các ông là ai? Mẹ tôi lo lắng hỏi.

- Rồi bà sẽ biết thôi.

- Nhưng ai phái các ông đến đây vậy?

- Tất nhiên là Liên Minh chứ còn ai nữa! Xin các ông và cô Yến ….

- Tại sao chúng tôi lại phải đi theo các ông? Nếu Liên Minh muốn liên hệ chuyện gì, mời họ sáng mai đến trụ sở Uỷ ban cách mạng lâm thời, tức là dinh tỉnh trưởng trước đây.

Viên chỉ huy lạnh lùng nói:

- Thế thì tôi được phép thông báo cho các người biết là có lệnh bắt các người và sẽ đem các người ra xử trước toà án Liên minh. Các người hiểu chưa?

Mẹ tôi chao đảo suýt ngã lăn ra đất may mà Kim nhanh tay đỡ và dìu bà ngồi xuống một cái ghế đặt ngoài hiên. Chị Yến, không biết trời xui đất đẩy thế nào, bỗng cười to một hồi làm mọi người ngơ ngác. Chị nói to:

- Các ông giỏi thật đó! Bắt chúng tôi à? Bắt những người đại biểu cho dân, những người cầm đầu khởi nghĩa à? Các ông là trời chắc?

Rồi chị chạy ra ngõ hét to:

- Bà con ơi! Bà con ơi, lại đây coi mấy ông….

- Cô Yến! Cô Yến! Viên chỉ huy hoảng hốt van nài. Chúng ta là bạn mà…Xin cô đừng la to như thế.

- Ông hiểu rồi chứ? Kim nói để tăng thêm trọng lượng cho cuộc phản công thông minh và kịp thời của chị Yến, nếu dân chúng thấy chúng tôi bị các ông giải đi với những vẻ mặt hung hãn như thế, các ông trả lời cho họ làm sao đây? Tôi khuyên các ông nên biết điều và rút lui thôi. Nhớ nói với cấp trên các ông là chúng tôi sẽ tiếp họ đúng bảy giờ ngày mai tại dinh uỷ ban lâm thời. Các ông nghe rõ chưa?

Yên lặng ngột ngạt. Bọn người của Liên minh lúng túng trước tình huống bất ngờ. Nhưng bỗng có tiếng chân người rầm rập. Người ta nhận ra đó là toán dân quân đi canh gác ban đêm.

Kim nói giọng chắc nịch:

- Xin các ông đi ngay cho! Hẹn ngày mai!

- Ngày mai ai đến đều phải có giấy tờ nghiêm chỉnh xác nhận thuộc Liên minh đó, Huy nói theo khi toán người lặng lẽ ra khỏi cổng.

Ngày hôm sau, đúng bảy giờ, Huy và Kim đến trụ sở để đón phái đoàn của Liên minh. Chị Yến ở nhà, chị không muốn dây vào những chuyện phiền hà này nữa. Phái đoàn Liên minh có bốn thành viên. Họ đi vào phòng khách với dáng tươi cười thân thiện. Họ chào Huy và Kim rồi viên trưởng đoàn tuyên bố:

- Hôm qua mấy chú được phái đi mời các anh đến để bàn công việc đã hiểu sai mệnh lệnh. Vì thế mà họ làm phiền các anh thật quá đáng. Mong các anh thông cảm cho…

Kim đứng dậy phát biểu luôn:

- Tôi tiếc không tham dự buổi gặp mặt này được, tôi có việc phải cáo từ. Một minh anh Huy sẽ làm việc với quí anh. Đích thân anh Huy đã yêu cầu tôi giúp anh ấy làm mấy việc mà mọi người chứng kiến hai hôm nay. Lúc đầu tôi can anh ấy, tôi nói rõ cho anh ấy biết rằng việc làm như vừa qua khiến cho một số người khó chịu. Đáng tiếc là Huy không tin tôi. Nay thì được rồi. Tôi nghĩ rằng anh Huy rất có ích cho quí anh. Anh Huy là người đáng được tin cậy, anh ấy tốt bụng và ngay thẳng. Chúc quí anh may mắn. Xin chào tạm biệt!

- Kim! Huy kêu lên trong tuyệt vọng.

Nhưng muộn quá rồi. Kim chào mọi người bằng tay trái, trong lúc tay phải đã nắm lấy cánh cửa ra vào và biến mất như có phép màu sau giàn hoa giấy. Huy và các vị khách ngẩn ngơ nhìn ra cửa trong năm phút. Không ai nói một lời. Tựa như một phần cơ thể họ đã ra đi.

Sau nhiều giờ đàm phán, bàn bạc, trao đổi mọi người đồng ý để Huy giữ chức vụ Phó thư ký của Liên minh tỉnh nhà. Các thành viên phái đoàn thoạt tiên lên án Huy là kẻ vô chính phủ, có thể là trốt-kít, hay bukharinít hay plê-khanôvít… những từ ngữ loạn xạ như tên bay đạn lạc. Nhưng rồi các ông chủ cũng công nhận những gì Huy, Kim và đồng đội đã làm là tốt… Chỉ có điều đáng ra họ phải chờ lệnh của Liên minh mới được hành động. Cuối cùng vì Huy và đồng đội tỏ ra ăn năn hối cải, tự nguyện nhận khuyết điểm, họ được cấp trên khoan dung tha thứ. Chị Yến nể lời thỉnh cầu của Huy, nhận chân phụ trách các lớp xoá nạn mù chữ. Kim thì biệt tăm, chẳng biết anh còn ở thành phố nữa hay không. Vài tuần sau, có người thấy anh lang thang trong vùng núi, vẽ vời phong cảnh gì đó. Cũng có người thấy anh tụ tập hát hò với đám trẻ chăn trâu hay học sinh bỏ học lang thang .

Hai hay ba tuần sau, Anh Huy đến tìm chị Yến và chuyện trò khá lâu với chị ấy. Sau khi anh về, chị Yến gọi tôi bảo:

- Anh Huy cho biết đã nhiều lần liên lạc với Kim, van nài anh ta về hợp tác với Liên minh, nhưng anh Kim khùng ấy cứ chối đây đẩy không chịu về. Em cũng biết là anh Kim không thích dây vào những chuyện rắc rối đó. Nhưng lúc này Liên minh và anh Huy rất cần anh Kim giúp một tay. Ngoài Kim ra không ai biết cách hướng dẫn đám trẻ hát các bài ca cách mạng, thậm chí bài ca chính thức của Liên minh. Ngoài Kim ra không ai biết dựng một vở kịch hay một buổi diễn văn nghệ cả. Điều túng quẫn nhất là chiều mai họ phải làm việc với một đoàn kiểm tra của các nước đồng minh.

- Các nước gì thế? Tôi hỏi.

- Các nước đồng minh, tức là các nước thắng trận trong chiến tranh vừa qua, gồm có Anh, Mỹ, Tàu, Pháp…Không biết có Pháp không? Nhưng chắc chắn có rất đông người Mỹ.

- Nói với họ thế nào? Tiếng Anh? Tiếng Pháp?

- Cả tiếng Nga lẫn tiếng Hoa nữa nếu có thể…Nhưng chắc chắn là tiếng Anh thôi.

- Anh Huy xoay xở được quá đi chứ?

- Theo chị biết thì ở đây chẳng ai nói được tiếng Anh cả. Anh Huy đọc lõm bõm thôi chứ nói năng gì được! Chỉ có anh Kim là thạo thôi…

- Vậy ta phải làm gì đây?

Anh Huy bảo chị em ta đi tìm anh Kim và cố thuyết phục anh ấy hiểu được đầu đuôi sự việc. Em biết anh Kim đang ở đâu chứ?

Vào lúc này Kim đang ở đâu? Tôi bùi ngùi nhớ lại cái nơi huyền ảo ấy. Cách thành phố khoảng mười lăm cây số, toạ lạc một ngôi chùa bao phủ bằng một rặng cây xanh rậm rạp và những đồi cát trắng mênh mông. Trước đây chùa gần như bị bỏ hoang phế, không ai trông coi. Một năm lại đây có một vị sư già về trụ trì và xây dựng lại cơ nghiệp nhà chùa. Vị sư thông thạo võ nghệ, mở ngay một lớp dạy võ cho trai tráng và trẻ con như tôi trong vùng.

Hôm chúng tôi đến chùa, một chú tiểu ra đón chị Yến và tôi ở cổng rồi dắt chúng tôi đi ngang qua một cái sân rộng có vườn bao bọc trồng đầy hoa mẫu đơn. Chúng tôi thấy Kim đang trò chuyện say sưa với vị sư già. Trên bàn ngổn ngang sách bằng chữ Hán. Nhác thấy chúng tôi, Kim đứng lên mừng rỡ rôi giới thiệu chúng tôi một cách trịnh trọng với nhà sư. Vị sư hoan hỉ thấy chúng tôi đến vãn cảnh chùa, trao đổi với chúng tôi vài câu rồi bảo chúng tôi cứ chuyện trò với Kim trong lúc sư đi ra bãi tập võ phía sau chùa luyện tập cho các học viên. Chờ vị sư đi khuất chị Yến nói với Kim:

- Chúng em tự động đến tìm anh, anh Huy không nài ép gì chúng em đâu… Anh ấy đến nhà chúng em nhiều lần, anh ấy hết sức buồn… nhưng…

- Tôi biết, tôi biết mà… Kim vội vàng nói. Việc các bạn đến đây… Thôi, chờ tôi vài phút, tôi sẽ về cùng các bạn mà…

Kim chạy đi tìm vị sư già để chào từ biệt, hứa với nhà sư anh sẽ trở lại khi mọi việc xong xuôi rồi ngoan ngoãn theo chúng tôi trở về, nom hiền lành như một trai làng quê.

Kim về làm việc trong văn phòng của Huy và tận tình giúp Huy và đồng đội của anh về mọi công việc trong mọi lĩnh vực hoạt động. Khi gặp các thành viên đoàn kiểm tra của đồng minh, Kim giới thiệu cho họ bằng tiếng Anh vắn tắt tình hình trong tỉnh, về nhiệm vụ chính quyền cách mạng nhất là về nguyện vọng của dân chúng muốn có độc lập thật sự cho đất nước. Các vị khách nước ngoài không tìm thấy điều gì đáng phàn nàn nên vui vẻ ra đi mang theo cảm tưởng dễ chịu khi tiếp xúc với chính quyền mới. Những hoạt động văn hoá được Kim trực tiếp hướng dẫn diễn ra sôi nổi chưa từng thấy. Các nhà chức trách của Liên minh phải thực tình khâm phục chàng trí thức trẻ bí ẩn, không hiểu sao mà nắm được mọi thứ, am hiểu mọi thứ. Để đền bù công lao cho Kim, họ gửi Kim đi học hai tuần chính trị ở Huế. Kim lợi dụng thời gian đó trở lại ngôi chùa của vị sư già để ngày đêm đàm đạo chuyện trời đất bao la.

Cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa do Pháp tiến hành đã bắt đầu ở Sài gòn, vào những tháng cuối năm 1945, đang có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh miền Trung. Một hôm chúng tôi bàng hoàng nghe tin cha tôi bị mắc kẹt cùng với nhiều xe khách xe tải của ông ngay tại thành phố Đà nẵng vừa mới bị quân Pháp đánh chiếm. Trên đường đi tìm cha tôi, mẹ tôi cũng mắc kẹt luôn ở Huế, nơi quân Pháp đánh chiếm ít ngày sau Đà nẵng. Chị Yến trở thành trụ cột gia đình, chăm lo mọi thứ cho đàn em và đông đảo người giúp việc trong nhà. Chị ra sức xoay xở để chúng tôi có cuộc sống không đảo lộn nhiều. Ngày nào Kim cũng đến thăm chúng tôi, ngồi im lặng hàng giờ liền nhìn chị Yến lo toan công việc.

Sáu tháng sau thành phố Huế, đến lượt thành phố nhỏ của chúng tôi, bây giờ vắng vẻ hoang vu không có bóng người, rơi vào tay quân Pháp. Dân chúng hầu hết tản cư về nông thôn. Những đơn vị kháng chiến được thành lập, lúc đầu rời rạc, sau liên kết lại dưới sự chỉ huy chung của Huy. Nhờ Kim giúp đỡ, gia đình chúng tôi đến lánh nạn tại chùa của vị sư già, bạn của anh Kim. Chị Yến mặc quần áo nâu sồng, tôi tập để tóc như chú tiểu. Khắp nơi dân chúng sống trong không khí chiến tranh. Chính quyền cách mạng mới được thành lập chưa bao lâu phải xoay xở đủ cách để tồn tại với dân chúng địa phương mà không trông cậy vào sự giúp đỡ nào từ trên hay từ bên ngoài. Mọi liên lạc với trung ương bị cắt cũng như với các tỉnh lân cận. Bộ đội của Huy ban ngày lẩn tránh va chạm với quân Pháp, ban đêm xuất hiện trong các thôn làng để tuyên truyền kháng chiến, tuyển mộ thêm người và quyên góp lương thực. Những toán quân Pháp ra sức lập lại trật tự cũ kiểu thuộc địa ngày trước, tàn sát không thương tiếc những xóm làng không chịu khuất phục. Những ngày đầu chiến tranh, ít khi có đụng độ lớn giữa quân Pháp và bộ đội Việt, những đơn vị còn nhỏ bé của địa phương tránh giao chiến trực diện với quân đối phương. Các đơn vị này chỉ có vũ khí thô sơ là chủ yếu, lại chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng chỉ một năm sau, tình hình được cải thiện đáng kể. Liên lạc với trung ương dần dần được tái lập và tỉnh bắt đầu nhận được chi viện vũ khí do các xưởng thủ công sản xuật ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đưa vào, hoặc thu được sau các trận đánh. Chính vào thời điểm đó Huy đến thăm chúng tôi ở chùa nhiều lần, một phần là thăm chúng tôi thực sự, một phần muốn chị Yến vận động Kim về lại với Huy. Lúc này Kim sống cuộc đời bô hê miêng không ai hiểu nổi. Chiến tranh khắc nghiệt là thế, chết chóc, loạn lạc là thế, nhưng anh ta không làm gì, không lo lắng gì hết. Anh ta chỉ có trên người một cuốn sổ tay, một cái bút chì…và đôi khi một cái đàn ghi ta cũ kỹ. Kim đến thăm chúng tôi thường xuyên, nhưng vào những giờ khác nhau trong ngày. Có những đêm anh xuất hiện như một bóng ma rồi biến đi lúc nào không rõ. Nhờ Kim mà chúng tôi biết được tin cha mẹ chúng tôi ở Đà nẵng và Huế cũng như tin các bà con khác. Anh ta còn chuyển cho chúng tôi tiền, thực phẩm, quần áo do cha mẹ chúng tôi và bà con bạn bè trong vùng Pháp chiếm đóng gửi ra. Huy thì khác. Mỗi lần anh đến thăm chúng tôi, anh mang theo cả một đại đội binh lính, vũ trang lỉnh kỉnh đủ thứ trên người. Huy nom ra vẻ một vị chỉ huy quân sự tầm cỡ. Tôi ngưỡng mộ Huy thật sự nhưng tôi yêu thích cánh binh lính của anh hơn, đó là những chiến sĩ trẻ, vui tính, có người học thức cao.

Chị Yến nhiều lần khuyên anh Kim tiếp xúc với Huy nhưng anh ta chỉ cười trừ. Huy rất cần một người hiểu biết kĩ thuật để huấn luyện cho binh lính sử dụng vũ khí hiện đại như bazooka hay lựu pháo chẳng hạn. Rõ ràng Kim thích hợp với yêu cầu đó. Nhưng chẳng ai thấy anh ta đâu cả.

Một hôm, thấy vẻ tuyệt vọng của Huy, chị Yến hứa sẽ thuyết phục Kim bằng mọi cách cho đến kết quả cuối cùng. Tối hôm đó tôi thấy chị Yến nói chuyện sôi nổi với Kim trong vườn, thình lình chị Yến quì xuống dưới chân Kim trong tư thế nhẫn nhục hết chỗ nói, điều chưa bao giờ xẩy ra trong thời gian dài quan hệ mơ hồ của bọn họ. Kim đứng yên như bị sét đánh. Cứ ngẩn ngơ như thế một lúc lâu, rồi bỗng thề to với chị tôi là anh sẽ làm mọi thứ chị yêu cầu… thề danh dự đó!

Như thế Kim từ một gã bô hê miêng trở thành trong chốc lát cán bộ phụ trách huấn luyện kỹ thuật cho đội quân của Huy. Chẳng bao lâu sau quân Pháp nghe đến tên Kim đã thấy rợn người. Không ngày nào trên quốc lộ không có boong-ke bị bazooka tiêu diệt, không ngày nào một vài tàu chiến nhỏ trên sông bị đánh chìm nghỉm xuống lòng sông sâu, trước mắt những người dân hoan hỉ. Tuần nào chúng tôi cũng được Huy và Kim ghé thăm. Họ đem lại cho chúng tôi những khoảnh khắc yên bình tuyệt vời. Chúng tôi hát những bài ca tiền chiến với nỗi nhớ nhung vô tận. Những bài hát ấy không ăn nhịp tí nào với thời khói lửa đang diễn ra. Chúng tôi như trở lại thời học sinh đùa vui trong cái ốc đảo thanh bình xa tiếng súng.

Cho đến thời điểm ấy quân Pháp còn chưa dám phiêu lưu vượt qua các dãy đồi cát trắng. Nhưng cuộc chiến ngày càng tiếp diễn dữ dội. Các cuộc đụng độ càng tăng thì quân Pháp càng khủng bố tàn sát dân lành ở qui mô to lớn hơn. Một hôm nhà chùa nơi chúng tôi trú ngụ bị một toán quân gồm lính Âu-Phi, lính Lào và lính địa phương bao vây lúc trời chưa sáng. Những tên lính sặc mùi thuốc súng tập hợp chúng tôi giữa sân chùa rồi châm lửa đốt hết những thứ còn lại: nhà thờ Phật, nhà ở, nhà kho chứa thóc… Chị Yến và tôi ngồi lẫn vào đám người bị gom giữa sân chùa, chúng tôi ước ao bộ đội của Huy đến giải vây cho chúng tôi, cứu chúng tôi khỏi cái chết gần như chắc chắn. Nhưng bộ đội của Huy đang chiến đấu ở đâu xa lắm, chỉ có phép màu mới đưa họ về đây được. Bỗng chúng tôi nghe một mệnh lệnh bằng tiếng Pháp. Ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi thấy một viên sĩ quan Pháp trẻ tuổi, có bộ tóc vàng hoe, dáng vẻ ôn hoà chứ không hung tợn như những tên khác. Thế nhưng mệnh lệnh thì kinh khủng: giết hết tù nhân trước khi đoàn quân rút về căn cứ.

Tôi bỗng nghe chị Yến thét to bằng tiếng Pháp:

- Tại sao lại giết chúng tôi? Chúng tôi có tội gì với các ông?

Mọi người ngơ ngác, kể cả đám lính canh gác chúng tôi. Viên sĩ quan nhìn kỹ chị Yến, hỏi:

- Thế nào, cô bé kia nói tiếng Pháp hả?

- Phải, thưa ông. Tôi muốn nói rằng các ông không có quyền giết hại người vô tội.

- À ra thế! Cô em nói tiếng Pháp để phản đối! Cô nói tôi nghe tại sao cô có mặt trong đám phiến loạn ở đây mà đáng ra cô phải đi học ở Trường nữ học Huế như bao nhiêu bạn của cô lúc này?

- Ông nói quân phiến loạn? Chị Yến giận dữ thật sự, nghiêm khắc nhìn viên sĩ quan hét lên. Ông không thấy tôi là kẻ tu hành sao? Những người khác đều là Phật tử đó sao?

Viên sĩ quan hơi nao núng nhưng vẫn tìm cách khống chế đối thủ:

- Người ta cho biết chùa này là nơi quân phiến loạn nương náu. Các cấp chỉ huy phiến loạn vẫn thường hội họp ở đây, đúng không nào? Cô chắc chắn là một cấp chỉ huy sộp đó!

- Nếu ông còn nói năng xúc phạm lòng tin của chúng tôi, ông nên coi chừng đó! Chúng tôi không sợ chết để bảo vệ tôn giáo chúng tôi!

- Xin cô em bình tĩnh. Tôi thành thực vui mừng thấy cô em nói tiếng Pháp. Tôi có thể trả tự do cho cô, lí do là chúng tôi trọng những người học thức. Nhưng những người khác thì không. Lệnh trên dứt khoát buộc chúng tôi coi họ như quân phiến loạn dưới mọi hình thức. Ít nhất họ phải bị giam giữ chờ lệnh mới.

Chị Yến cũng tỏ thái độ dứt khoát:

- Thế thì tôi ngồi với mọi người ở đây cho đến khi có lệnh mới vậy! Tôi sẽ gặp cấp trên của ông để nói cho họ hiểu!


(Còn 1 kỳ)


(Nguyên tác tiếng Pháp: Histoire d’un roseau non-pensant, trong tập “Les petits-bourgeois et autres nouvelles” - 1998)

2 commentaires:

  1. TRUONG QUANG DE28 mai 2009 à 20:46

    Anh Nga thuong,

    Cam on Anh Nga da gui cho toi bai khao cuu cua Ngo Kim Khoi ve Truong Cao dang My thuat Dong Duong. Bai khao cuu rat hay, nghiem tuc va co trach nhiem. Toi bong nho den Nguyet Minh, ban chung cua chung ta, khong biet bay gio chi ta dang o dau. Tu lau roi toi khong lien lac duoc voi chi ay nua, Anh Nga co tin gi khong? Nguyet Minh la mot nguoi ban tuyet voi. Nho Nguyet Minh ma sach giao khoa tieng Phap cua chung ta co but tich cua J. Tardieu cho mot bai tho rat doc dao cua ong. Toi doc nhieu bai tren cac tap chi my thuat ve coi nguon hoi hoa Viet Nam, nhung chua thay co bai nao day du chi tiet dang tin cay ve cac vi tien boi V. Tardieu va Nam son nhu bai cua Ngo Kim Khoi.

    Sau nam 1954, cu Nam son va gia dinh o lai Ha noi. Cu hien het nha cua, cua cai ke ca tranh hoa cho nha nuoc. Y thuc he thoi do khong cho phep ca ngoi cu, that dang tiec. Y thuc he ay khien dan toc mat mat nhieu thu, chac chan hien nay nhung nguoi co trach nhiem da phai tinh ngo. Cuoc doi Nguyet Minh cung kha gian nan. Hoc Albert Sarreaut, sau 1954 tro thanh cot can cua truong ve chinh tri (truong van tiep tuc la truong Tay cho den 1954 khi My ban pha mien Bac). Roi tu nguyen di chan bo o Cao Bang trong nhieu nam. Sau cung lay chong roi tro ve Ha noi.

    Khong hieu sao toi thay canh lam sach giao khoa chung ta gan bo nhieu voi V. Tardieu, J. Tardieu, cu Nam son, Nguyet Minh va ca Truong cao dang My thuat nua.

    Toi vua doc tren bao Tuoi tre tin nha nuoc gui nhieu can bo di hoc lam sach giao khoa o nuoc ngoai. Chang phai cach day 15 nam canh chung ta da lam chuyen do hay sao?

    Than ai, De.

    RépondreSupprimer
  2. TRUONG QUANG DE31 mai 2009 à 16:31

    TB. Khi hoc nam thu nhat dai hoc Ha noi, toi thuong ngoi o giang duong I noi co buc bich hoa lon do V. Tardieu ve. Ngay tu gio phut dau toi da lo cho so phan cua buc tranh. Buc tranh ve mot canh hoa binh hoa hop ki la, mot khong khi thanh binh den lanh nguoi. Toi nghi y thuc he lua do kho chap nhan canh thanh binh co tinh tieu tu san huu khuynh do. Qua nhien mot nam sau nguoi ta thoat tien lay vai che buc tranh, sau do xoa han di. Nghe noi nam ngoai nam kia gi do nguoi ta khoi phuc lai nho mọ buc anh nguoi chau Tardieu con giu.

    RépondreSupprimer