mercredi 27 mai 2009

QUAN HỆ HÀNG NGANG VÀ HÀNG DỌC TRONG VĂN HOÁ ỨNG XỬ CỦA PHÁP VÀ VIỆT NAM

(phân tích đối chiếu qua ngữ liệu tục ngữ và ca dao)

Phạm Thị Anh Nga

Để đối lập ứng xử trong giao tiếp giữa những cộng đồng khác nhau, ngoài những khía cạnh liên quan đến vai trò của «lời nói» hay «thinh lặng», một khía cạnh đáng quan tâm khác cũng được các nhà nghiên cứu đề suất là: các cộng đồng quan niệm ra sao và thể hiện như thế nào mối quan hệ giữa người và người (relation interpersonnelle). Mối quan hệ này có thể được xét dưới ba góc độ (C.Kerbrat-Orecchioni 1994, tr. 71): (1) mối quan hệ "hàng ngang" ("horizontale") liên quan đến khoảng cách giữa người này và người khác trong giao tiếp; (2) mối quan hệ "hàng dọc" ("verticale") liên quan đến quyền lực; (3) trục liên ứng (consensus) đối lập với xung đột (conflit). Trong giao tiếp, xác định được các góc độ quan hệ này là cơ sở để ứng xử một cách phù hợp với từng tình huống. Điều này cũng được thể hiện qua câu tục ngữ Pháp: "Selon son rôle on doit jouer son personnage" (Tuỳ theo vai trò mà người ta phải diễn đúng vai nhân vật).

Bài này đề cập đến hai góc độ đầu tiên của mối quan hệ giữa người và người: quan hệ hàng ngang và qian hệ hàng dọc.


1. Quan hệ "hàng ngang": gần gũi hay xa cách

Tuỳ theo quan niệm và cách thể hiện của các cộng đồng người trong mối quan hệ "hàng ngang" (relation "horizontale"), người ta phân biệt những xã hội thiên về quan hệ gần gũi (éthos de proximité) và những xã hội thiên về quan hệ xa cách (éthos de distance).

1.1. Những chuẩn mực về khoảng cách trong giao tiếp

Dấu hiệu đầu tiên của mối quan hệ "hàng ngang" này là những chuẩn mực về khoảng cách trong giao tiếp (normes proxémiques), nghĩa là trong ứng xử có những thông lệ, cấm đoán về khoảng cách không gian giữa người này và người kia hay không.

Đối với người Pháp, mặc dù trong tục ngữ ca dao (TNCD) không ghi nhận điều này, nhưng C. Kerbrat-Orecchioni (1994, tr. 73) đã nhận xét: «Trong số những ứng xử có tính quan hệ của người Pháp, việc "hôn má" (bise) được người nước ngoài xem như rất đặc trưng (và đối với một số người là đáng kinh ngạc) ; nhưng ngoại trừ cách ứng xử này [...], người Pháp hầu như không phát ra những cử chỉ sờ mó - dù sao cũng ít hơn nhiều so với người Nga, là những người không biết đến hôn má, nhưng chẳng ngại ngần quấn lấy nhau, ghì chặt nhau, nắm lấy bàn tay, cánh tay, eo lưng của nhau...»

Về điểm này, trong quan hệ nam nữ, tức là giữa những người khác giới, người Việt Nam thường có những qui định chặt chẽ từ nghìn xưa mà đến nay vẫn còn ít nhiều được gìn giữ, tuy không còn quá nghiệt ngã như trước: "Nam nữ thọ thọ bất tương thân" ; "Thương anh hãy đứng cho xa - Đừng có đứng cận người ta nghi ngờ". Và cũng bởi "Miếng trầu nên dâu nhà người", cho nên: "Em đà ăn miếng trầu người - Đi ra không dám nói cười với ai". Tương tự như thế là đối thoại nam nữ trong bài ca dao sau: "Nam: Đi đâu cho đổ mồ hôi - Chiếu trải không ngồi trầu bổ không ăn - Nữ: Thưa rằng bác mẹ tôi răn - Làm thân con gái chớ ăn trầu người".

1.2. Phương thức xưng hô

Quan niệm về mối quan hệ "hàng ngang" còn được thể hiện qua các cách xưng hô trong giao tiếp. Về khía cạnh này, C. Kerbrat-Orecchioni đưa ra khái niệm "relationèmes" (tạm dịch là "quan hệ vị", tức là những đơn vị về quan hệ), thí dụ như những danh từ, đại từ xưng hô, những từ tôn vinh đủ loại và đa dạng, dường như luôn luôn xuất hiện trong nói năng của một số dân tộc và vắng bóng trong giao tiếp của một số dân tộc khác.

Xét về từ xưng hô, trong vốn từ tiếng Pháp chỉ có từ "moi (je)" (= tôi) dành cho ngôi thứ nhất, dùng để "xưng" hay chỉ người nói (câu 2 sau đây), và ở ngôi thứ hai, cũng chỉ có hai từ "toi (tu)" (câu 3 sau đây) và "vous" (câu 1 sau đây) để sử dụng trong "hô" hay chỉ người nghe: (1) "Maître André, faites des perruques!" (Bác André, bác hãy (cứ chuyên tâm) làm tóc giả! [1]; (2) "Je me suis repenti d'avoir parlé, mais jamais de n'avoir pas parlé" (Tôi có ân hận vì đã nói, nhưng không bao giờ vì đã không nói); (3) "Fais ce que je dis, ne fais pas ce que je fais" (Hãy làm điều tôi nói, đừng làm điều tôi làm).

Trong bài ca dao Pháp sau, ban đầu người phụ nữ gọi chàng trai đáng thương là "toi (tu)" (tạm dịch là "cậu"), với thái độ ân cần bảo bọc, như với một người bé nhỏ hơn mình. Nhưng về sau, cô chuyển cách gọi thành "vous" ("ông"), vì chàng trai đã trân trọng gọi cô là "vous" và cũng do cô muốn tỏ thái độ kính trọng hơn với anh (tôi chọn cách ghi chú trong ngoặc đơn các cặp từ xưng hô, trong đó từ đầu là từ xưng và từ sau là từ hô):

Quand le marin revient de guerre

Tout mal chaussé, tout mal vêtu,

- Pauvre marin, d'où reviens-tu? ( - / tu-toi )

[...]

- Qu'avez-vous, la belle hôtesse?

Regrettez-vous votre vin blanc ( le marin / vous )

Que le marin boit en passant?

- Ce n'est pas le vin que je regrette

Mais c'est la mort de mon mari,

Monsieur, vous ressemblez à lui.[...] ( je / vous )

(Khi người lính thuỷ từ chiến trận trở về / Giày rách bươm, quần áo tả tơi,

- Chàng trai đáng thương, cậu từ đâu về? [...]

- Bà sao thế, thưa bà chủ xinh đẹp? Phải chăng bà tiếc phần rượu trắng / Mà người lính thuỷ đã uống khi ghé ngang qua?

- Tôi không tiếc rượu / Mà thương tiếc chồng, Thưa ông, trông ông thật giống anh ấy. [...] )

Có thể nói trong bài ca dao trên, có lúc chàng trai đã nhắc về mình với cách gọi "le marin" (người lính thuỷ), ở ngôi thứ ba. Đây cũng là một khả năng trong tiếng Pháp để tự xưng trong giao tiếp, nhưng không thông dụng. Và trong câu nói của Voltaire đã trở thành tục ngữ ở trên (Maître André, faites des perruques!), "Maître ..." cũng là một cách để gọi người nghe (apostrophe). (Từ "maître" được dùng cho những người được xem là ông chủ, hay là bậc thầy, thợ cả, thuộc các nghề luật sư, hội hoạ, điêu khắc...).

Nhìn chung, trong tiếng Pháp, thường chỉ có sự chuyển đổi qua lại giữa "toi" và "vous" khi chỉ ngôi thứ hai. Cũng có khi từ "on" (nghĩa gốc là "người ta") được sử dụng để "xưng" hay "hô", nhưng những trường hợp này kể ra rất hiếm.

Về phía Việt Nam, TNCD Việt Nam lại thể hiện một cách đậm nét những cách xưng hô đa dạng của người Việt Nam trong giao tiếp. Những từ xưng hô này thay đổi tuỳ theo quan hệ giữa hai người đối thoại, nhưng cũng tuỳ vào hoàn cảnh, tình huống, tâm trạng...: "Chú khi ni, mi khi khác"; "Thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh, lên thác xuống ghềnh, mày tao chi tớ".

Hay trong đối thoại ở những câu ca dao sau:

- Cái cò y đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. ( - / mày )

Ông ơi ông vớt tôi nao ( tôi / ông )

Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng...

- Thầy thiếpthầy thiếp ơi ( tôi / thầy thiếp )

Nay chuông mai trống cho tôi động lòng

Bốn con tôi bỏ cho chồng

Tôi theo thầy thiếp cực lòng tôi thay

- Ở đâu mà chẳng biết ta ( ta / - )

Ta con ông sấm cháu bà thiên lôi...

- Kim Long gái đẹp mỹ miều ( trẫm / - )

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi

Trong quan hệ nam nữ, cũng có lắm từ ngữ xưng hô. Cách xưng hô của người con gái với người con trai có thể là:

- Ai về cầu ngói Thanh Toàn ( em / ai )

Cho em về với một đoàn cho vui

Ai về cầu ngói Dạ Lê

Cho em về với thăm quê bên chồng ( em / ai, chồng ?)

- Đi mô cho thiếp theo cùng ( thiếp / - )

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

- Nghe lời bạn nói đậm đà ( em / bạn )

Chồng con chẳng phải, rứa mà em thương

- Nhác trông lên mái tam quan ( em / mình )

Thấy người lịch sự khôn ngoan có tài

Cho nên em chả lấy ai

Dốc lòng chờ đợi một hai lấy mình

- Rồi mùa rạ mục rơm khô ( thiếp / chàng )

Chàng xa thiếp cách, biết nơi mô mà tìm

- Anh nghiêng tai cho em hỏi nhỏ, không dám hỏi to

Hỏi anh tang chế cho ai ( em / anh )

Bịt cho thân phụ thì xé hai cho em bịt cùng

- Anh ở trong ấy anh ra ( chị / anh )

Cớ sao anh biết vườn hoa chị tàn

Hoa tàn nhưng nhuỵ không tàn

Muốn xem chị vén bức màn cho xem

Ngược lại, các từ xưng hô của con trai đối với con gái cũng không kém phong phú:

- Mình ơi ta hỏi thực mình ( ta / mình )

Còn không hay đã chung tình với ai?

- Mình về mình nhớ ta chăng ( ta / mình )

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

- Tình cờ anh gặp mình đây ( anh / mình )

Như cá gặp nước, như mây gặp rồng

- Gặp đây anh hỏi thực nàng ( anh / nàng )

Tre non đủ lá đan sàng được chăng?

- Hỡi cô yếm thắm loà loà ( anh / cô )

Sao không bảo mẹ già nhuộm thâm

Ước gì anh được ở gần

Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh

- Hỡi cô tát nước bên đàng ( - / cô )

Sao múc ánh trăng vàng đổ đi

- Khăn trắng em chít cho ai ( - / em )

Có phải chít cho phụ mẫu thì xé hai ta chít cùng

- Con rắn không chân nó lượn năm rừng bảy rú

Con gà không vú nuôi được chín mười con

Qua tưởng rằng em má phấn môi son ( qua / em )

Ai ngờ má mỏng, môi mòn hỡi em!

- Đấy đông thì đây bên tây ( đây / đấy )

Đây chưa có vợ, đấy nay chưa chồng

Khuyên cho đó vợ đây chồng ( đây / đó )

Đó bế con gái đây bồng con trai

Còn với những câu ca dao sau, thì có thể là lời của cô gái nói với chàng trai, hoặc ngược lại:

- Ước gì đường cái là đây ( đây / đấy )

Để ta xe lại đấy đây cho gần

- Biển có nước, đâu đâu cũng có ( đây / đó )

Non có cây, xưa xứ cũng cây

Hiềm vì ý đó phụ đây

Non nhơm nước trí vui vầy mới xuê (=thoả)

- Khoan khoan xin đó bớt chèo ( đây / đó )

Đợi đây theo với, nước bèo hợp nhau

- Tôi thương mình thiệt mình nờ ( tôi / mình )

Mình đừng nói chuyện đưa đò lôi thôi

- Ăn chanh ngồi gốc cây chanh

Khuyên cội, khuyên cành, khuyên , khuyên bông ( - / cội, cành, lá, bông )

Xưng hô cũng có thể mang dấu ấn của một vùng đất, chẳng hạn ở những câu ca dao Quảng Nam sau:

- Tui về mà lòng chẳng được vui ( tui / - )

Tui thương đứt ruột, nhưng cha mẹ tui biểu về

- Đồng tiền chiếc đũa phân ly ( ba / bốn ) hay ( bốn / ba )

Thôi ba về kiếm vợ để bốn đi kiếm chồng...

Trong tình huống giận hờn, trách móc, hay xa cách nhớ nhung, từ ngữ xưng hô có những sắc thái riêng:

- Trách ai vặn khoá bẻ chìa ( - / ai )

Khi thương thương vội khi lìa lìa xa

- Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng ( - / người dưng )

Hơi đâu mà giận người dưng thêm gầy

- Chiều chiều mây phủ Sơn Trà ( ta / bạn )

Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm

- Thuyền ơi, có nhớ bến không ( bến / thuyền )

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Ở câu ca dao trên, "bến" chỉ người con gái đang nói với "thuyền" hay chàng trai, do trong văn hoá Việt Nam cô gái thường được ví với bến nước, luôn ở một nơi, và chàng trai thì như chiếc thuyền, lênh đênh đây đó.

Đặc biệt trong mẩu đối thoại sau đây, đáp lời cô gái xưng "tôi" là lời chàng trai xưng "anh", thì sắc thái biểu cảm của từ xưng hô càng rõ: nếu trong cảnh phân ly, cô gái có thái độ "xa cách", thì chàng trai vẫn tỏ ra "gần gũi", quyến luyến:

Nữ: Anh đi lấy vợ cách sông ( tôi / anh )

Để tôi lấy chồng giữa ngõ anh ra

Nam: Có lấy thì lấy xa xa ( anh / - )

Đừng lấy trước ngõ, anh ra anh buồn

Nói năng giữa đôi vợ chồng cũng có thể xưng hô nhiều cách và tuỳ tình huống, tâm trạng:

- [...] Anh lấy em từ thuở mười ba ( em, thiếp / anh, chàng )

Đến năm mười tám thiếp đà năm con

Ra đường em vẫn còn son

Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng

- Chàng ơi phụ thiếp làm chi ( thiếp / chàng )

Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng

- Từ ngày tôi ở với anh ( tôi / anh )

Anh đánh anh chửi anh tình phụ tôi

- Chồng gì anh, vợ gì tôi ( tôi / anh )

- Nhà mày lắm đất lắm ao ( tao / mày )

Lắm trâu lắm ruộng con tao ăn gì ?

- Năm ngoái anh mới sang Tây ( anh / nhà )

Đồn anh buôn bán năm nay phát tài

Lòng anh muốn lấy vợ hai

Rằng: Nhà có thuận nay mai nó về...

Những câu ca dao trên chủ yếu phản ánh cách xưng hô của một thời xa xưa. Có thể nói, trong xã hội Việt Nam ngày nay, còn rất nhiều cách xưng hô khác, tiếc là vốn ngữ liệu TNCD (cũ và mới) mà tôi thu nhặt được lại không thể hiện điều này.

Như vậy, qua quan sát, chúng ta có thể nhận ra rằng trong quan hệ "hàng ngang", quả thật người Pháp có ít từ có thể dùng để xưng hô với nhau trong giao tiếp, trong khi người Việt Nam lại có rất nhiều từ xưng hô. Điều này càng thể hiện rõ trong tục ngữ ca dao. Xưng hô của người Việt Nam lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (nghề nghiệp, địa vị xã hội, tuổi tác, giới tính, quan hệ giữa hai bên tham thoại...). Ngoài ra, những từ xưng hô trong quan hệ thân tộc cũng thường được sử dụng một cách rộng rãi bên ngoài xã hội: xã hội được quan niệm như một gia đình mở rộng.


2. Quan hệ "hàng dọc": thứ bậc hay bình đẳng

Ngoài những đặc trưng về quan hệ "hàng ngang", quan niệm về mối quan hệ giữa người và người còn được thể hiện qua những đặc điểm liên quan đến quan hệ "hàng dọc" (relation "verticale"). Về quan hệ "hàng dọc" này, người ta phân biệt những xã hội thiên về quan hệ thứ bậc (sociétés à éthos hiérarchique) và những xã hội thiên về quan hệ bình đẳng (sociétés à éthos égalitaire).

2.1. Đối lập giữa quan hệ thứ bậc và quan hệ bình đẳng

Đối với những xã hội thiên về quan hệ thứ bậc, trong giao tiếp giữa người và người thường có những dấu hiệu chỉ ra thứ bậc của những người tham gia giao tiếp. C. Kerbrat-Orecchioni gọi chúng là những "taxème": «Chúng tôi gọi là "taxème" mọi ứng xử, bằng lời hoặc không qua lời, có khả năng đánh dấu mối quan hệ thứ bậc giữa những người tương tác, dù đó là phương thức phân bố lời nói hay những dạng khác của ngôi thứ, những ứng xử về chào hỏi (vận hành trong nhiều xã hội như những công cụ mạnh mẽ đánh dấu vị trí), những quy tắc về hướng nhìn (chẳng hạn cấm nhìn người lớn tuổi hơn mình hoặc kẻ bề trên), việc phân bố được mã hoá một cách chặt chẽ về các cấp độ ngôn ngữ, các phương thức xưng hô, hay sự vận hành của những từ tôn vinh» (1994 tr. 74)

Theo hướng suy nghĩ đó, ứng xử của những người tham gia giao tiếp càng ít đối xứng, thì giữa họ càng có sự khác nhau về vai vế. Ngược lại, ứng xử của họ càng đối xứng thì điều đó càng nói lên sự bình đẳng trong tương tác. C. Kerbrat-Orecchioni cũng kể ra, trong số những dân tộc thiên về quan hệ thứ bậc có các dân tộc Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam...

Quả vậy, cũng như tại nhiều nước châu Á khác, ở Việt Nam ảnh hưởng của đạo Khổng đã tạo ra trong cuộc sống cộng đồng một tôn ti trật tự, và phân định rõ ràng thứ bậc giữa người này và người khác, làm nền tảng đạo lý cho ứng xử xã hội: "Quân sư phụ"; "Công cha nghĩa mẹ ơn thầy".

Dù cho cuộc sống đã có nhiều biến đổi về mặt lịch sử, tập tục, nhưng đạo lý của người xưa vẫn còn giá trị, tuy không còn quá nghiệt ngã như trước. Đạo lý này được thể hiện qua tam cương (quân sư phụ) và ngũ thường (nhân lễ nghĩa trí tín) và đạo nghĩa trong những mối quan hệ chính giữa người và người (vua / tôi, cha / con, anh / em, chồng / vợ, bằng hữu).

Ngoài những từ xưng hô qua đó thể hiện khá rõ vai vế của kẻ trên người dưới, để nói lên mối quan hệ thứ bậc, trong tiếng Việt còn có những từ tôn vinh như dạ, vâng, bẩm, trình, thưa... của người dưới dùng với kẻ bề trên: "Gọi dạ bảo vâng"; "Đi thưa về trình"; "Làm trai rửa bát quét nhà - Vợ gọi thì dạ: bẩm bà con đây". Đặc biệt trong câu ca dao cuối này, là tình huống oái oăm, ngược đời, trong đó người chồng xưng "con" (người dưới) và gọi vợ là "" (được tôn vinh như kẻ bề trên).

Đối với các dân tộc có văn hoá ứng xử (VHƯX) thiên về quan hệ thứ bậc, mỗi người đều có vị trí của mình, và việc tôn trọng vị trí của nhau tạo ra một "giá trị tối cao": nó đảm bảo cho trật tự xã hội, "tạo hình dạng" cho xã hội, đối lập với những dân tộc thiên về quan hệ bình đẳng, được xem là "không có hình dạng" và hỗn loạn (C.Kerbrat-Orecchioni 1994, tr. 79). "Mỗi một mối quan hệ bất bình đẳng kéo theo (về nguyên tắc) những nghĩa vụ hỗ tương, và những nghĩa vụ được minh định rõ ràng hơn so với một hệ thống quan hệ giữa những người bình đẳng" (Billeter, trích dẫn trong C.Kerbrat-Orecchioni sđd, tr. 79).

Một đặc trưng khác của các xã hội thiên về quan hệ thứ bậc là quan niệm về mối tương quan giữa "trục dọc" và "trục ngang" trong quan hệ giữa người và người. Trong các xã hội đó, hệ thống thứ bậc và sự đoàn kết là hai yếu tố hoàn toàn tương hợp với nhau, và sự phối hợp đó tạo nên một mối quan hệ có tính "phụ thuộc", "đùm bọc" như giữa mẹ và con hay có tính gia trưởng: "Con khóc thì mẹ mới cho bú" (để nói lên mối quan hệ giữa kẻ dưới và người trên trong xã hội, giữa nhân dân với quan, người lãnh đạo...).

Đối lập với những xã hội thiên về quan hệ thứ bậc là những xã hội thiên về quan hệ bình đẳng. Nói là bình đẳng, nhưng như vậy không có nghĩa là các xã hội này trên thực tế là hoàn toàn bình đẳng và trong các xã hội đó vắng bóng mọi quan hệ quyền lực hay thứ bậc, mà chỉ có nghĩa là ở đó sự bình đẳng được xem như là một loại lý tưởng tương tác (idéal interactionnel), và những ứng xử bất bình đẳng một cách quá công khai bị lên án.

Về lý tưởng tương tác, C. Kerbrat-Orecchioni cũng đã nhận định: những thí dụ điển hình của loại xã hội thiên về quan hệ bình đẳng này là những xã hội phương Tây, nơi mà, kể từ thế kỷ XIX, đã có một hệ tư tưởng mạnh mẽ về quyền bình đẳng, nhằm xoá bỏ mọi thể hiện có tính quy ước của một tình trạng bất đối xứng về mặt quyền lực. Trong việc sử dụng đại từ ngôi thứ hai để chỉ người đối thoại, những tình huống mà chỉ một bên tham thoại có quyền sử dụng "toi (tu)" (nghĩa là người nói có vị thế ngang hoặc cao hơn so với người nghe) ngày càng hiếm, và cách dùng "toi (tu)" càng ngày càng phổ biến hơn. Mặt khác, các chức tước, danh hiệu cũng càng ngày càng ít xuất hiện trong nói năng thường ngày, và trong giao lời ngày nay có nhiều phát ngôn không mang dấu (non marqué) về mặt quan hệ thứ bậc (C.Kerbrat-Orecchioni 1994, tr. 79-80).

Ở đây chúng ta thử quan sát qua TNCD Pháp xem những biểu hiện chính của hệ tư tưởng bình đẳng này được thể hiện như thế nào. Ứng xử nhìn chung là có tính đối xứng hơn, chẳng hạn về trật tự chào hỏi, hay về các quyền ưu tiên: "Le soleil luit pour tout le monde" (Mặt trời chiếu sáng cho mọi người; "Un chien regarde bien un évêque" (Một con chó cũng nhìn thẳng được một vị giám mục = Mỗi người, và ngay cả người tầm thường nhất, đều có quyền nói chuyện với những nhân vật quan trọng); "Le premier venu engrène" (Kẻ nào đến trước tiên là người đầu tiên đổ thóc vào máy). Thậm chí có quan niệm cho rằng vị thế được xếp cao hơn người khác không hẳn là điều may mắn: "Toute supériorité est un exil" (Mọi ưu thế đều là một sự lưu đày).

Tuy nhiên mối quan hệ bình đẳng này vẫn có giới hạn và gặp trở lực: "Ce qui rend l'égalité difficile, c'est que nous la désirons seulement avec nos supérieurs" (Điều khiến chúng ta khó mà có được sự bình đẳng, là do chúng ta chỉ mong muốn nó trong quan hệ với những kẻ bề trên); "Un homme peut n'être pas l'égal d'un autre homme, mais il est toujours son semblable" (Một người có thể không phải là kẻ bình đẳng với một người khác, nhưng anh ta luôn là đồng loại của người đó); "L’égalité, c'est l'utopie des indignes" (Sự bình đẳng là điều không tưởng của những kẻ bất xứng); "L'aigle seul a le droit de fixer le soleil" (Chỉ có chim đại bàng mới có quyền nhìn thẳng mặt trời).

Nhưng như C.Kerbrat-Orecchioni đã nhận định, từ thế kỷ XIX một ngọn gió mới về quyền bình đẳng đã thổi vào cuộc sống tư tưởng người Pháp, và từ đó quyền lực được phân phát một cách công bằng hơn, đối xứng hơn, thể hiện trong cuộc sống ngày nay qua việc phân bố các lượt lời, hay việc mọi người đều phải tuần tự đợi đến lượt mình khi xếp hàng ở các nơi công cộng...: "Que le premier arrivé soit le premier servi" (Người đến đầu tiên phải được phục vụ đầu tiên); "Faites la queue comme tout le monde" (Hãy xếp hàng như mọi người).

Như vậy, có thể khẳng định xu hướng nói chung của xã hội Việt Nam quả có thiên về quan hệ thứ bậc, trong khi xu hướng của xã hội Pháp lại thiên về quan hệ bình đẳng. Tuy nhiên, nếu quan sát một cách sâu sát hơn, chúng ta có thể nhận ra những điểm tương đồng trong quan niệm của hai cộng đồng Pháp và Việt Nam, về quan hệ xét trên trục dọc này. Tôi sẽ trình bày kỹ hơn khía cạnh này ở phần tiếp sau.

Ngoài ra, ở đây, cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các chuẩn mực về giao tiếp (normes communicatives) và những thói quen ứng xử thực sự của số đông (habitudes comportementales), bởi không phải bao giờ hai khía cạnh này cũng tương ứng với nhau: "Gái làm chi, trai làm chi, Sinh ra có nghĩa có nghì là hơn."; "Dù gái hay trai chỉ hai là đủ"; "Gái có ân hơn nam nhân bội bạc"; "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Bốn câu tục ngữ Việt Nam này nói về việc sinh con và so sánh con trai và con gái trong gia đình và ngoài xã hội, nhưng ba câu đầu nói lên chuẩn mực đạo đức của xã hội, đối lập với câu thứ tư nói lên quan niệm, lề thói đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức người Việt Nam, về thứ bậc, đẳng cấp giữa trai và gái.

2.2. Những đẳng cấp trong giao tiếp

Thứ bậc được thể hiện qua nhiều mặt cuộc sống xã hội, đặc biệt qua giao tiếp: sự phân đẳng cấp giữa người và người, tạo ra vị thế kẻ trên người dưới, và tình trạng bất đối xứng trong quyền hạn và ứng xử. Ngoài những câu tục ngữ vay mượn của nhau như: "La raison du plus fort est toujours la meilleure" / "Lý của kẻ mạnh thường đúng"; "Le grand poisson mange le petit" / "Cá lớn nuốt cá bé", Pháp và Việt Nam còn có những câu tục ngữ khác, tuy hình ảnh ẩn dụ có khác, nhưng ý nghĩa vẫn tương ứng, về nghĩa vụ, sự thuỷ chung của kẻ dưới với người trên:

"Tôi trung không thờ hai chúa - Gái chính chuyên chỉ có một chồng" / "Nul ne peut servir deux maîtres" (theo Kinh Thánh, Matthieu 6) (Không ai có thể phụng sự hai chủ) ;

"Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" / "Les mulâtres se battent, ce sont les cabris qui meurent" (Người lai đánh nhau, dê con chết) ;

"Hay làm thì đói, hay nói thì no" / "Souvent celui qui travaille mange la paille, celui qui ne travaille pas mange le foin." (Thường người làm thì ăn khổ, kẻ không làm thì ăn sướng).

Một số câu tục ngữ khác, tuy đề cập đến những chi tiết rất khác nhau nhưng cùng nói lên tình trạng bất bình đẳng giữa những người không cùng đẳng cấp:

Việt Nam: "Bầu dục đâu đến bàn thứ năm"; "Chè đâu đến chú, chú lăm ăn chè"; "Kẻ cả ngả mặt lên"; "Cóc làm tội nhái, nhái làm tội ễnh ương"; "Quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa"; "Chim chích mày ở cành tre - Được bao lông cánh mà ve phượng hoàng";

Pháp: "Il vaut mieux être cheval que charrette" (Nên làm ngựa hơn là làm xe bò = Làm người chỉ huy tốt hơn là làm kẻ tuân lệnh); "Plus le clocher est élevé - Plus la sonnerie est haute" (Tháp chuông càng nâng cao thì tiếng vang càng cao vút); "Les paroles des grands ne tombent jamais à terre" (Lời kẻ mạnh không bao giờ rơi xuống đất = Những điều ngu ngốc của kẻ bề trên là châm ngôn); "Chez les grands quiconque voudra plaire - Doit d'abord cacher son esprit" (Ai muốn làm vui lòng bề trên thì trước tiên phải giấu trí tuệ của mình đi); "Les grands vendent trop cher leur protection pour qu'on se croie obligé à aucune reconnaissance" (Kẻ bề trên bán quá đắt sự bảo bọc của họ khiến cho người ta tin là mình không phải mang ơn nghĩa gì); "Les grands ne pardonnent pas aux petits de les avoir sauvés" (Người trên không tha thứ cho kẻ dưới đã cứu thoát mình); "Ne jouez pas avec les grands, le plus doux a toujours les griffes à la patte" (Đừng chơi với kẻ bề trên, (đến) người hiền nhất (cũng) luôn có móng vuốt ở chân); "Le droit est l'épée des grands, le devoir le bouclier des petits" (Quyền lợi là thanh kiếm của bề trên, bổn phận là tấm chắn của kẻ dưới); "Aux chevaux maigres vont les mouches" (Ruồi bu ngựa gầy = số phận đánh vào những kẻ cạn kiệt nhất); "Le mouton boit, c'est le cabri qui est saoûl" (Cừu uống rượu, nhưng dê con lại là kẻ say = có những kẻ luôn bị lên án); "Le chien attaque toujours celui qui a les pantalons déchirés" (Chó luôn tấn công kẻ khố rách).


2.2.1. Địa vị xã hội

Về tiêu chí để xác định thứ bậc và vị trí của mỗi người trong hệ thống thứ bậc đó, trước tiên có thể kể địa vị xã hội. Tục ngữ Pháp và Việt Nam đều có đề cập đến khía cạnh này:

Việt Nam: "Cả đời khốn khổ chua cay - Ước sao chỉ được một ngày làm vua"; "Miệng của quan có gang có thép"; "Miệng ông cai, vai đầy tớ"; "Thủ trưởng nào phong trào ấy";

Pháp: "Les rois ont les mains longues" (Vua có tay dài); "Si veut le roi, si veut la loi" (Vua muốn sao, luật làm vậy); "Les hommes sont comme des chiffres: ils n'acquièrent de valeur que par leur position" (Con người giống như những con số: họ chỉ đạt được giá trị nhờ vị trí của mình).

Xưa nay, quyền lực giữa những người có địa vị và không có địa vị rõ ràng là không đối xứng, và quan hệ giữa hai bên là bất bình đẳng và có tính cách bên trọng bên khinh:

Việt Nam: "Tậu voi chung với đức ông - Vừa phải đánh cồng, vừa phải hót phân"; "Chẳng ngon cũng bánh lá dong - Tuy rằng xấu xí cũng dòng con quan"; "Giếng trong mà nước hôi phèn - Tuy rằng em đẹp nhưng hèn mẹ cha"; "Con thím xã đánh nhả cơm ra, con ông con bà thì tha không đánh"; "Cuốc xẻng chia dưới chia lên - Đường sữa chia trên chia xuống";

Pháp: "Qui avec son seigneur mange poires, il ne choisit pas les meilleures." (Ai ăn lê với chúa thì không chọn những quả ngon nhất); "À passage et à rivière: Laquais devant, maître derrière" (Qua đèo qua sông, tớ trước chủ sau).

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đạo lý xã hội yêu cầu ở người có chức có quyền thái độ tôn trọng nhân dân: "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân"; "Trung với nước, hiếu với dân, ..." (Lời dạy của Bác Hồ). Nhưng địa vị xã hội có khi cũng bị lợi dụng để phục vụ cho những mục tiêu xấu và tư lợi, có hại cho xã hội, và bị lên án, dè bỉu: "Con ơi, nhớ lấy câu này - Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"; "Có khó mới ló bao thơ - Dễ dãi giấy tờ đừng mơ cây chỉ"; "Nhất quyền, nhị ô, tam đô, tứ luỵ".


2.2.2. Tuổi tác

Trong xã hội Việt Nam, tuổi tác là một tiêu chí mạnh mẽ để xác định người trên kẻ dưới: "Bảy mươi còn học bảy mươi mốt"; "Sống lâu lên lão làng"; "Kính lão đắc thọ"; "Kính già già để tuổi cho"; "Đừng đẻ sau khôn trước". Nhưng tuổi tác không phải bao giờ cũng tạo nên thế thuận lợi: "Già mọi sự mọi hèn"; "Khôn trẻ bẽ già"; "Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già".

Tương quan già-trẻ này cũng được thể hiện qua tục ngữ Pháp, dù lời lẽ có hơi khác: "Si jeunesse savait, si vieillesse pouvait" (Giá như tuổi trẻ biết, giá như tuổi già có thể = Người trẻ thiếu hiểu biết, người già thiếu sức khoẻ và thời gian). Đặc biệt ở hai câu tục ngữ Pháp sau, câu 1 đề cao tuổi trẻ và câu 2 đề cao tuổi già, cũng với những ngôn từ như nhau nhưng ý nghĩa thì khác: "Il n'est feu que de bois vert" (Rực lửa củi tươi: ám chỉ nhiệt huyết tuổi trẻ); "Il n'est feu que de gros bois" (Rực lửa củi già: ám chỉ sự rắn rỏi của tuổi già).

Xét về những yếu tố được coi là tiêu chí cho quan hệ thứ bậc (tuổi tác, giới tính, địa vị...), thì, theo nhận định của C. Kerbrat-Orecchioni, do xã hội Pháp ngày nay không còn đề cao các giá trị truyền thống như trước kia nữa, và những người luống tuổi lại chính là những người đã được ký thác về những giá trị truyền thống đó, bởi vậy tuổi già không được đánh giá cao. Ngược lại, xã hội Pháp ngày nay rất coi trọng sự tiến bộ và sự đổi mới, mà hiện thân của những ưu điểm này là tuổi trẻ hơn là tuổi già: "L'âge n'est que pour les chevaux" (Tuổi tác chỉ được coi trọng ở loài ngựa (ở loài người thì không) ).


2.2.3. Giới tính

Về giới tính, trong xã hội Việt Nam ngày xưa, nam giới thường được xem như có vị trí cao hơn và vai trò quan trọng hơn nữ giới: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"; "Dẫu khôn cũng thể đàn bà - Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông"; "Vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn"; "Trên trời băm sáu vì sao - Vì thấp là vợ, vì cao là chồng"; "Lấy chồng cũng phải gọi chồng bằng anh"; "Chồng lớn vợ bé thì xinh - Chồng bé vợ lớn ra tình chị em".

Bổn phận của người phụ nữ được thể hiện qua đạo nghĩa tam tòng, giữ vị thế luôn thấp kém so với nam giới: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"; "Phu xướng, phụ tuỳ"; "Thuyền theo lái, gái theo chồng"; "Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê".

Mặc dù ngay từ xưa vẫn có những quan niệm tiến bộ và "bình đẳng về giới tính" hơn: "Gái làm chi, trai làm chi, Sinh ra có nghĩa có nghì là hơn."; "Gái có ân hơn nam nhân bội bạc"; "Ruộng sâu, trâu nái, con gái đầu lòng". Và cũng có những thực tế ngoại lệ, nhất là trong xã hội ngày nay: "Lệnh ông không bằng cồng bà"; "Vợ ở mô thủ đô ở đó".

Tục ngữ Pháp cũng đề cập đến tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ này, đặc biệt trong xã hội xưa: "Homme de paille vaut une femme d'or" (Đàn ông bằng rơm giá trị như đàn bà bằng vàng: không gì có thể khiến phụ nữ ngang hàng được với nam giới); "Cheval fait et femme à faire" (Ngựa đã thuần và đàn bà cần thuần hoá, nghĩa là có thể dạy bảo tuỳ thích); "Du côté de la barbe est la toute-puissance" (Phía (mày) râu là quyền lực tối cao = đàn ông là người chủ trong nhà); "Le fuseau doit suivre le garreau" (Con thoi phải theo con khẳng: gái phải theo chồng) [2]; "La poule ne doit pas chanter devant le coq" (Gà mái không được gáy trước (mặt) gà trống: ám chỉ vị thế của người chồng trong gia đình là cao hơn người vợ); "Le ménage est à l'envers lorsque la poule chante aussi haut que le coq" (Gia đình bị đảo ngược khi gà mái cũng gáy to như gà trống); "Les femmes sont comme les omelettes, elles ne sont jamais assez battues" (Đàn bà giống như món chả trứng, đánh bao nhiêu cũng chẳng vừa).

Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn có quyền lực đối với nam giới, và quyền lực này gắn liền với "gót chân Achille" của người đàn ông: "Femmes couchées et bois debout - Homme n'en voit jamais le bout" (Khi đàn bà nằm và gỗ đứng, thì người đàn ông không nhìn thấu hết = Sức mạnh của phụ nữ được thể hiện trên giường, qua chuyện gối chăn); "Ce que femme veut, Dieu le veut." (Điều mà phụ nữ muốn là Chúa trời muốn).

Ngoài ra, trong xã hội Pháp ngày nay, thói trọng nam khinh nữ rất bị lên án, và so với nam giới, phụ nữ thậm chí còn được biệt đãi hơn: "Après vous !" (Lời người đàn ông nói với phụ nữ: Tôi xin đi sau = Xin nhường bà / cô đi trước); "L'homme propose, la femme dispose" (Đàn ông đề xuất, đàn bà tuỳ nghi: quyền quyết định thuộc về người đàn bà) [3].


2.2.4. Sự giàu nghèo

Một tiêu chí khác để có thể phân thứ bậc trong xã hội là sự giàu nghèo, hoặc những hình ảnh tượng trưng cho tình trạng giàu nghèo (đồng tiền, vàng bạc, cơm gạo, thóc lúa...): "Giàu làm chị, khó luỵ làm em"; "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền"; "Hung chi hơn gạo, bạo chi hơn tiền.".

Đồng tiền thậm chí còn làm đảo lộn mọi giá trị xã hội và lay chuyển tình người: "Tiền bạc đi trước, mực thước đi sau"; "Vai mang túi bạc kè kè - Nói quấy nói quá, người nghe ầm ầm"; "Trong lưng chẳng có một đồng - Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe"; "Khôn như tiên, không tiền cũng dại"; "Mặt mũi méo mó thì có đồng tiền - Mặt vuông chữ điền thì tiền không có"; "Có cơm thì vạn người hầu - Có bấc có dầu thì vạn người khêu"; "Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi xe"; "Cha đời cái áo rách này - Mất chúng, mất bạn vì mày, áo ơi!"; "Kẻ đầy thưng khinh người lưng bát"; "Tiền là sức bật của tuổi trẻ, sức khoẻ của tuổi già, cái đà của danh vọng, cái lọng để che thân"; "Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già...".

Đối với người Việt Nam, giàu thường đi đôi với sang, và nghèo thì đi đôi với hèn: "Vừa giàu vừa sang nở nang mày mặt"; "Hèn mà làm bạn với sang, Chỗ ngồi chỗ đứng có ngang bao giờ"; "Miệng kẻ sang có gang có thép - Đồ kẻ khó, vừa nhọ vừa thâm"; "Giếng trong mà nước hôi phèn - Tuy rằng em đẹp nhưng hèn mẹ cha".

Cũng do bên trọng bên khinh, mà khi rơi vào hoàn cảnh tương tự như nhau, kẻ giàu người nghèo ứng xử rất khác nhau: "Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột"; "Nhà giàu dẫm phải gai, cũng bằng nhà khó gẫy hai xương sườn".

Tục ngữ Pháp cũng có những câu tương tự: "Les pauvres ont la santé et les riches les remèdes" (Người nghèo có sức khoẻ và người giàu có thuốc thang = Khi đau ốm, chỉ nhà giàu là được chữa trị); "Le riche a la vengeance, et le pauvre a la mort" (Kẻ giàu có quyền trả thù, người nghèo chỉ có quyền chết); "Quand on est pauvre, on n'a que la ressource d'être sage" (Khi nghèo,chỉ còn trông cậy vào sự hiền triết của mình).

Kho tàng tục ngữ Pháp cũng rất phong phú trong việc diễn đạt quyền lực do sự giàu có tạo ra, và những thua thiệt của kẻ khốn cùng: "Or qui a or vaut" (Kẻ có vàng có giá trị bằng vàng); "Gouverne ta bouche selon ta bourse" (Hãy điều khiển mồm miệng của ngươi tuỳ theo hầu bao của ngươi = Hãy tiêu tiền tuỳ khả năng, hãy ứng xử trong xã hội, đặc biệt trong lời ăn tiếng nói, tuỳ hoàn cảnh, vị thế của mình); "Argent fait perdre et prendre gens" (Tiền bạc khiến mất người và có thêm người); "Âne convié à noces, eau et bois y doit apporter" (Lừa được mời dự tiệc cưới phải mang theo nuớc và củi = người ta chỉ mời người nghèo để lợi dụng công sức lao động của họ).

Thậm chí sự giàu nghèo có khi còn được coi trọng hơn cả địa vị xã hội: "Riche vilain vaut mieux que pauvre gentilhomme" (Phú nông còn có giá hơn nhà quý tộc nghèo).

Tuy nhiên, người Pháp và người Việt Nam đều có thái độ triết nhân, trào phúng tương tự như nhau về sự giàu nghèo:

Việt Nam: "Giàu ngày ăn ba bữa, khó cũng đỏ lửa ba lần"; "Nghèo ngáy sâu, giàu lâu ngáy"; "Giàu sang không mang lại hạnh phúc";

Pháp: "Que le riche dîne deux fois!" (Người giàu (có giỏi thì) hãy ăn tối hai lần đi!); "Pauvreté n'est pas vice" (Nghèo không phải là thói xấu); "L'argent ne fait pas le bonheur... mais il y contribue" (Tiền bạc không làm nên hạnh phúc... nhưng có góp phần vào).

Trong cuộc sống, đối với những mối quan hệ xã hội có liên quan đến đồng tiền, con người cũng được phân cấp tuỳ thuộc vào vai trò đối với đồng tiền. Thông thường, kẻ chi tiền là người có quyền lực:

Việt Nam: "Khách hàng là thượng đế";

Pháp: "C'est celui qui paie qui commande" (Kẻ trả tiền là người ra lệnh); "Le bon payeur est de bourse d'autrui seigneur" (Kẻ trả hậu là chúa tể của hầu bao thiên hạ).


2.3. Tính phê phán và đạo lý trong ứng xử

Qua phân tích ở trên, có thể nói quan hệ thứ bậc ít nhiều có tồn tại trong các xã hội Pháp và Việt Nam, thể hiện qua các câu tục ngữ ca dao của hai nước. Rất nhiều khi, lý giải cho sự bất bình đẳng này là những nguyên nhân gắn với số phận:

Việt Nam: "Trứng rồng lại nở ra rồng - Liu điu lại nở ra dòng liu điu"; "Con vua thì lại làm vua - Con nhà kẻ khó bắt cua tối ngày"; "Con quan thì lại làm quan - Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày"; "Giàu từ trong trứng giàu ra - Khó từ ngã bảy ngã ba khó về"; "Cây khô xuống nước cũng khô - Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo"; "Thắp đuốc tìm giàu giàu chẳng thấy - Cầm gươm chém khó khó theo sau"; "Trời sao trời ở chẳng cân - Kẻ ăn không hết, người lần không ra"; "Cực lòng nên phải biến dời - Biến dời lại gặp phải nơi cực lòng"; "Làm quan có mả, kẻ cả có dòng";

Pháp: "Au riche homme souvent sa vache vèle - Et au pauvre le loup veau emmène" (Bò nhà giàu hay đẻ, bê người nghèo sói cắp tha đi = Của cải ưu đãi người giàu có và vận rủi dồn dập đến với người nghèo); "Au gueux la besace" (Bị ăn mày dành cho kẻ khó = Người nghèo bao giờ cũng nghèo); "Chacun porte sa croix" (Mỗi người đều mang thập giá của mình).

Ứng xử với tình trạng bất bình đẳng đó, có khi là một thái độ phản kháng:

"Vua cũng phải thua thằng liều"; "Quan cần nhưng dân không vội, quan có vội quan lội quan sang"; "Quan sang thì cũng bởi làng mà ra"; "Vắng chúa nhà, gà bới bếp"; "Vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm"; "Vì sông nên phải luỵ thuyền - Chứ như đường liền ai phải luỵ ai"; "Ba đồng một mớ đàn ông - Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha - Ba trăm một mụ đàn bà - Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi".

Phản ứng cũng có khi là ước vọng đổi thay thời thế:

Việt Nam: "Con vua thì lại làm vua - Con sãi ở chùa thì quét lá đa - Bao giờ trời nổi can qua - Con vua thất thế lại ra quét chùa"; "Quan nhất thời, dân vạn đại"; "Thân em như cái sập vàng - Chúng anh như manh chiếu rách giữa đàng bỏ quên - Lạy trời cho cả gió lên - Cho manh chiếu rách trải trên sập vàng"; "Thân chị như cánh hoa sen - Chúng em như bèo như bọt chẳng chen được vào - Lạy trời cho cả mưa rào - Cho sấm cho chớp cho bão to gió lớn - Cho sen chìm xuống cho bèo trèo lên"; "Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời"; "Chớ thấy em bé nhà nghèo - Đến khi nước lụt bèo trèo lên trên"; "Công danh bánh vẽ, sang giàu chiêm bao"; "Giàu đầu hôm, khó sớm mai"; "Giàu đâu ba họ, khó đâu ba đời"; "Giàu ba mươi tuổi chớ mừng - Khó ba mươi tuổi em đừng vội lo"; "Giàu giờ ngọ, khó giờ mùi"; "Nực cười châu chấu đá xe - Tưởng là chấu ngã ai ngờ xe nghiêng";

Pháp: "Hier vacher, huy (aujourd'hui) chevalier" (Hôm qua chăn bò, hôm nay hiệp sĩ) ; "Aujourd'hui roi, demain rien" (Nay là vua, mai chẳng là gì); "Quand le loup est pris, tous les chiens lui lardent les fesses." (Khi sói bị bắt, cả bầy chó đâm vào mông nó); "Le coup de pied de l'âne va au lion devenu vieux" (Cú đá của lừa nhằm vào con sư tử đã già nua); "Mieux vaut goujat (valet d'armes) vivant qu'empereur enterré" (Làm kẻ hầu sống còn hơn làm hoàng đế đã chôn (chết) ).

Tục ngữ Việt Nam và Pháp cũng nói lên lời phê phán kẻ bề trên bất xứng và thực trạng bất công :

Việt Nam: "Bề trên ở chẳng chính ngôi - Để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào"; "Người trên ở chẳng kỷ cương - Khiến cho người dưới lập trường mây mưa"; "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" ;

Pháp: "Le despote coupe l'arbre pour avoir le fruit" (Bạo chúa chặt cây để lấy quả) ; "Le gouvernement despotique est un ordre de choses où le supérieur est vil et l'inférieur avili" (Chính quyền chuyên chế là một trật tự ở đó bề trên thì hèn hạ và người dưới cũng trở nên đáng khinh); "Selon que vous serez puissant ou misérable - Les jugements de cour vous rendront blanc ou noir" (La Fontaine) (Tuỳ theo ngươi quyền thế hay khốn cùng, mà những lời phán xét của toà án sẽ khiến ngươi thành trắng hay đen); "Haine du populaire, Supplice gref (pénible) et aigre" (Mối hận của nhân dân là nhục hình khó nhọc và chua chát).

Cũng có khi ứng xử của người thua thiệt chỉ là những ý tưởng đậm màu triết lý:

Việt Nam: "Hơn nhau tấm áo manh quần - Thả ra bóc trần, ai cũng như ai"; "Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng - Thác xuống âm phủ, chẳng mang được gì";

Pháp: "Le plus riche n'emporte que son linceul" (Kẻ giàu nhất (khi chết) cũng chỉ mang theo quan tài của mình); "Chien enterré vaut mieux que lion mort" (Chó đã chôn vẫn hơn sư tử chết).

Trong một xã hội mà thứ bậc và bất bình đẳng là thực tế, điều cần thiết cho cả kẻ trên lẫn người dưới chính là đạo lý. Điều này được thể hiện qua TNCD cả Pháp lẫn Việt Nam:

Pháp: "La violence fait les tyrans, la douce autorité les rois" (Sự hung bạo tạo ra bạo chúa, uy lực hiền hoà tạo ra vua); "Il n'y a que ceux qui ont appris à commander qui sachent obéir" (Chỉ những người đã học cách chỉ huy mới biết tuân lệnh); "On a souvent besoin d'un plus petit que soi" (Người ta thường cần đến một kẻ nhỏ bé hơn mình); "La raison du meilleur est toujours la plus forte" (Lý của kẻ giỏi nhất bao giờ cũng là lý lẽ mạnh nhất); "On fait tout avec de l'argent, excepté les hommes" (Với đồng tiền có thể làm nên tất cả, ngoại trừ con người); "L'âge d'or est l'âge où l'or ne régnait pas" (Tuổi vàng là tuổi mà vàng không ngự trị); "Ni la pauvreté ne peut avilir les âmes fortes, ni la richesse ne peut élever les âmes basses" (Nghèo khó không thể làm những tâm hồn mạnh mẽ trở nên hèn hạ, giàu có cũng không thể nâng cao những tâm hồn thấp kém);

Việt Nam: "Có câu "tích đức tu thân" - "Hoạn nạn tương cứu", "phú bần tương tri" "; "Bề trên lượng cả bao dong - Khiến cho kẻ dưới đem lòng kính yêu"; "Ý dân là ý trời"; "Quan bất phiến, dân bất nhiễu"; "Nghèo tiền nghèo của không nghèo - Nghèo nhân nghèo ngãi, oán theo có ngày"; "Trên kính dưới nhường"; "Trên thuận dưới hoà"; "(Hỏi) Một bên quần rộng áo dài - Một bên cày cấy, lấy khoai đổ bồ - Hai bên em chọn bên mô - (Đáp) Hai bên em chuộng bên bồ khoai lang".


Tư liệu tham khảo

- Hall E-T., La dimension cachée, Points, NXB Seuil, Paris, 254 trang, 1971.

- Hall E-T., Le langage silencieux, Points, NXB Seuil, Paris, 237 trang, 1984.

- Hall E-T., La danse de la vie, Points, NXB Seuil, Paris, 282 trang, 1984.

- Kerbrat-Orecchioni C., Les Interactions verbales, Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994.

- Maloux M., Dictionnaire des proverbes, sentences et maximes, NXB Larousse, 628 trang, 1960.

- Montreynaud F., Dictionnaire de proverbes et dictons, Les Usuels du Robert, 638 trang, 1986.

- Nguyễn Văn Khang (Cb), Ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình người Việt, NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 188 trang, 1996.

- Phạm Minh Thảo, Nghệ thuật ứng xử của người Việt Nam, NXB Văn Hoá Thông Tin, 162 trang, 1996.

- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB TP Hồ Chí Minh, 374 trang, 1992 (1915).

- Roy C., Trésor de la Poésie populaire, NXB Seghers, Paris, 392 trang.

- Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, in lần thứ 10, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 831 trang, 1994 (1956).




[1] Một người thợ chuyên làm những bộ tóc giả, Charles André, thường được gọi là Maître André, viết một vở bi kịch bằng thơ gồm 5 cảnh. Năm 1670, ông ta gửi vở kịch cho Voltaire, kèm với một bức thư viết: "Đồng nghiệp thân mến...". Voltaire trả lời bằng một lá thư dài 4 trang, chỉ với những chữ sau, nhưng lặp đi lặp lại đến một trăm lần: "Maître André, faites des perruques!". Câu trả lời này đã trở thành tục ngữ... [M.Maloux 1960, tr. 98]

[2] Thoi (fuseau) và khẳng (garreau hay garrot) cùng là những mẩu gỗ, nhưng thoi dược dành cho phụ nữ trong việc dệt, còn khẳng là mẩu gỗ được xoắn dây cho chặt, để cột vào xe bò, gắn với nam giới.

[3] Câu tục ngữ này được sáng tạo ra dựa vào một câu tục ngữ đã có trước đó là "L'homme propose, Dieu dispose" (Con người đề xuất, Chúa trời tuỳ nghi).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire