lundi 29 juin 2009

PHẢN BIỆN BÀI BÁO GỬI ĐĂNG THÔNG BÁO KHOA HỌC (của Đặng Diễm Đông)


ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ


PHIẾU PHẢN BIỆN BÀI BÁO

GỬI ĐĂNG THÔNG BÁO KHOA HỌC


Tên bài báo: Đối chiếu từ chỉ quan hệ thân tộc Pháp-Việt dưới góc độ từ vựng-ngữ nghĩa - Ứng dụng vào việc dạy ngôn ngữ-văn hoá Việt cho người nước ngoài (Đặng Diễm Đông)

Họ và tên người phản biện: Phạm Thị Anh Nga

Đơn vị: Khoa Tiếng Pháp


NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI PHẢN BIỆN


1. Về nội dung của bài báo (tính thời sự, tính chính xác…):


Bài báo đề cập đến một khía cạnh từ vựng-ngữ nghĩa đối sánh giữa hai ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Pháp) nhằm phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt với đối tượng sinh viên là người nước ngoài. Việc đối chiếu này không mới mẻ, nhưng góc độ ứng dụng nhằm tăng hiệu quả dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế là một cách tiếp cận có tính thời sự.

Về tính chính xác, có một vài điểm cần xem lại :

- Ở trang 3, trong tiếng Việt không có các từ (hay cách nói) «anh trai họ», «em trai họ», «chị gái họ», «em gái họ», mà chỉ có «anh họ», «chị họ», «em họ», Ngoài ra còn có «anh em chú bác», «anh em bạn dì», «anh em cô cậu»… Cũng ở trang 3, ngoài từ «frère», tiếng Pháp còn có «grand frère» và «petit frère» tương ứng với «anh trai» và «em trai» trong tiếng Việt. Tương tự như thế, ngoài «sœur» còn có «grande sœur» (chị gái) và «petite sœur» (em gái).

- Ở bảng tổng hợp trang 4, «oncle» tương ứng với cả «chú», «cậu», «bác trai». Ngoài ra còn cần thêm 1 ô ghi «…» (vì còn có từ «dượng»). Với từ «tante» cũng cần thêm ô «…» vì còn có «mợ», «thím»…

- Bài báo chỉ mới đề cập đến những từ thân tộc thông dụng và gần gũi nhất trong tiếng Việt và tiếng Pháp, và chủ yếu trong ngôn ngữ toàn dân. Những quan hệ khác như dâu, rể, bố chồng, mẹ vợ… đều không được nhắc đến. Những biến thể vùng miền cũng không được đề cập đến, chẳng hạn «bác» ở các phương ngữ phía Bắc còn dùng để gọi chị của mẹ, và «cô» để gọi em của mẹ.

- Ngoài ra, những từ thân tộc dùng trong xưng hô cũng rất đa dạng phong phú, thể hiện bản sắc cũng như đặc trưng văn hoá các vùng miền, và lại khá cần thiết đối với người nước ngoài học ngôn ngữ và văn hoá Việt. Nhưng ở đây lại không được đề cập đến. Chẳng hạn: «bố» (là từ thuộc ngôn ngữ toàn dân) còn có những biến thể từ vựng hay ngữ âm là «cha» (có đề cập trong bài) hay «ba» (ở trang 3 được dùng thay cho «bố» là không đúng). Hay những từ «u», «bầm», «bọ», «bậu»… Tiếng Pháp trong cách nói năng thân mật (langage familier) còn có rất nhiều những cách gọi (appellatif) «papa», «maman», «papy», «mamy», «tata», «tonton»… Nếu so sánh đối chiếu từ thân tộc thì ít ra cũng phải đề cập đến.

- Ở trang 5 có đề cập đến số lượng nghĩa của các từ «père», «mère», «cha», «mẹ». Cần xác định ít ra là với 1 cặp từ Pháp-Việt («père / cha» chẳng hạn) những nghĩa cụ thể của mỗi từ.

- Ở bảng đối chiếu trang 6-7, cột Thế hệ (Già / Trung / Trẻ) (cột thứ 5 – 6 – 7) là chưa hợp lý. Những từ «anh», «chị», «cậu», «dì» hay «bố», «mẹ», «con» … bản thân chúng không có nghĩa là già, trung (?) hay trẻ, mà chỉ nói lên mối quan hệ thân tộc với ai đó. Chẳng hạn ông A là «con» của bà B, nhưng có thể đã có con, cháu, chắt… thì không thể là «trẻ» được.


2. Về ý nghĩa khoa học: Có kết quả mới trong bài báo không?


Có: X

Chỉ là tổng hợp:

Không:


Kết quả mới đó là gì?


Các bảng tổng hợp đối chiếu từ thân tộc Pháp-Việt và những kiến giải liên quan đến việc học tiếng Việt của người nước ngoài.


3. Về hình thức của bài báo (Cấu trúc; tài liệu tham khảo; tính chính xác về ngôn từ, ngữ pháp; lỗi đánh máy):



Cấu trúc hợp lý, tài liệu tham khảo tạm đủ. Ngôn từ sử dụng chính xác, rõ ràng. Có một vài lỗi đánh máy (xin xem cụ thể những ghi chú trên bài báo).


4. Về phần tóm tắt bằng tiếng Anh:


Không đạt, cần sửa cho phù hợp với tóm tắt tiếng Việt:

Cần sửa:

Đạt:

Không có ý kiến: X


5. Kết luận (xin đánh dấu X vào ô thích hợp):


Nên đăng

Không nên đăng

X Nên đăng sau khi đã có cắt xén, bổ sung, hoặc sửa chữa:

Những điểm cần bổ sung, sửa chữa: xin xem những lưu ý ở phần nội dung (phần 1 ở trên)


Huế, ngày 28 tháng 6 năm 2009

Người phản biện

Phạm Thị Anh Nga

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire