lundi 29 juin 2009

PHẢN BIỆN BÀI BÁO GỬI ĐĂNG THÔNG BÁO KHOA HỌC (của Lê Lâm Thi)


ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ


PHIẾU PHẢN BIỆN BÀI BÁO

GỬI ĐĂNG THÔNG BÁO KHOA HỌC


Tên bài báo: Từ ngữ văn hoá trong giao tiếp và giảng dạy ngôn ngữ (Lê Lâm Thi)

Họ và tên người phản biện: Phạm Thị Anh Nga

Đơn vị: Khoa Tiếng Pháp



NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI PHẢN BIỆN


1. Về nội dung của bài báo (tính thời sự, tính chính xác…):


Bài báo đề cập đến một khía cạnh rất đặc trưng và hấp dẫn của ngôn ngữ, là sắc thái văn hoá ẩn dấu bên trong từ ngữ, và góp phần làm nên bản sắc riêng của mỗi ngôn ngữ. Đây là một vấn đề khá thời sự, trong tình hình hiện nay : đất nước mở cửa và hội nhập với thế giới, việc dạy và học ngoại ngữ gắn rất chặt với việc tiếp cận và trải nghiệm văn hoá nước ngoài. Nội dung của bài báo nhìn chung là chính xác, đáng tin cậy.

Một vài chi tiết cần bổ sung, xem lại:

- Tựa của bài báo: nên chăng chuyển thành «… giảng dạy ngôn ngữ-văn hoá»?

- Có những đoạn tác giả đi sâu phân tích tâm thức, quan niệm của cư dân, nhưng lại không nêu từ ngữ tương ứng, như thế là đã đi xa so với chủ đề chính là «từ ngữ văn hoá». Cần thêm những ví dụ từ ngữ tương ứng, trong tiếng Pháp hoặc tiếng Việt. Ngoài ra, Khi cho thí dụ từ ngữ tiếng Pháp cũng cần thêm vào dạng nguyên bản tiếng Pháp, thay vì chỉ nêu ra cũng từ ngữ đó nhưng đã được dịch sang tiếng Việt.

- Về hình ảnh con gà trống Gô-loa của người Pháp: nó không chỉ có nghĩa tích cực (tốt đẹp) không thôi, mà thực ra ban đầu lại mang hàm ý chê bai. (Có thể tham khảo ở http://phamthianhnga.blogspot.com/2008/09/tn-mn-v-con-g-phng-tri-ty.html)

- Về màu sắc, trong ngôn ngữ và văn hoá Pháp không thể không đề cập đến «le rouge» (màu đỏ) và «le noir» (mảu đen) với ý nghĩa là quân đội và tôn giáo (hay Nhà Thờ), thể hiện rất rõ qua tác phẩm của nhà văn Stendhal (TK.19): «Đỏ và đen» (Le Rouge et le Noir). Những ý nghĩa đó rất khác so với khái niệm và cách nói của người Việt Nam trong cặp đối lập «đỏ đen», để chỉ chuyện cờ bạc, hay may rủi như «đỏ bạc đen tình», «đen bạc đỏ tình» chẳng hạn.

- Ngoài những ý nghĩa của «rồng» đã được đề cập, còn có những hình ảnh và từ ngữ liên quan đến vua, với từ thuần Việt «rồng» hay từ Hán Nôm «long» (mình rồng, điện rồng, long bào, long thể…) cũng cần được nêu trong bài.

- Từ «hồng» trong tiếng Việt không chỉ tương ứng với màu hồng, mà có khi chỉ màu đỏ: chẳng hạn trong «cờ hồng», «ngọn lửa hồng».


2. Về ý nghĩa khoa học: Có kết quả mới trong bài báo không?


Có: X

Chỉ là tổng hợp:

Không:


Kết quả mới đó là gì?


Mặc dù kết quả chủ yếu là tổng hợp tư liệu nhưng cái mới ở đây là góc độ nhìn nhận trong tương quan ngôn ngữ và văn hoá và kiến giải trong khuôn khổ dạy và học một ngoại ngữ.


3. Về hình thức của bài báo (Cấu trúc; tài liệu tham khảo; tính chính xác về ngôn từ, ngữ pháp; lỗi đánh máy):


Cấu trúc hợp lý, tài liệu tham khảo tạm đủ. Ngôn từ sử dụng khá rõ ràng, nhiều đoạn hấp dẫn. Có khá nhiều lỗi đánh máy, có chỗ diễn đạt còn vụng (xin xem cụ thể những đề nghị chỉnh sửa trên bài báo).

Nên ghi chú rõ nguồn tư liệu tham khảo đối với một số thông tin hoặc chi tiết quan trọng trong bài báo.


4. Về phần tóm tắt bằng tiếng Anh:


Không đạt, cần sửa cho phù hợp với tóm tắt tiếng Việt:

Cần sửa:

Đạt:

Không có ý kiến: X


5. Kết luận (xin đánh dấu X vào ô thích hợp):


Nên đăng

Không nên đăng

X Nên đăng sau khi đã có cắt xén, bổ sung, hoặc sửa chữa:

Những điểm cần bổ sung, sửa chữa: xin xem những lưu ý ở phần nội dung (phần 1 ở trên)


Huế, ngày 28 tháng 6 năm 2009

Người phản biện

Phạm Thị Anh Nga


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire