mardi 30 juin 2009

PHẢN BIỆN BÀI BÁO GỬI ĐĂNG THÔNG BÁO KHOA HỌC (của Huỳnh Diên Tường Thuỵ, Thái Thị Hồng Phúc)


ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ



PHIẾU PHẢN BIỆN BÀI BÁO

GỬI ĐĂNG THÔNG BÁO KHOA HỌC



Tên bài báo: Dạy và học thành ngữ tiếng Pháp. Một số đề xuất và bài tập áp dụng (Huỳnh Diên Tường Thuỵ, Thái Thị Hồng Phúc)

Họ và tên người phản biện: Phạm Thị Anh Nga

Đơn vị: Khoa Tiếng Pháp



NHẬN XÉT CỦA NGƯỜI PHẢN BIỆN



1. Về nội dung của bài báo (tính thời sự, tính chính xác…):


Bài báo nhấn mạnh về vai trò của thành ngữ trong dạy / học ngoại ngữ, đặc điểm của thành ngữ tiếng Pháp, và tập trung đề xuất một số hoạt động và bài tập trong dạy / học thành ngữ tiếng Pháp. Đây là vấn đề không mới, song cách đặt vấn đề gắn với thực tế giảng dạy và học tập ở Khoa Tiếng Pháp hiện nay, và từ đó đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm tăng hiệu quả dạy / học và tăng hứng thú học tập là có tính tích cực, và có tính thời sự. Những kiến giải và nội dung trong bài báo là chính xác, đáng tin cậy.


Xin trao đổi một số điểm sau:


- Tựa đề của bài báo nên chăng chuyển thành «… Một số đề xuất giáo học pháp và bài tập ứng dụng (hay: bài tập thực hành)». Tựa của phần 2 cũng nên nên đổi «áp dụng» thành «thực hành». Ở đây từ «áp dụng» thực ra không có nghĩa gì, sử dụng không phù hợp.

- Các bài tập trang 2-3: cần xác định rõ là trích từ tư liệu nào (tác giả, nguồn…), hay do các tác giả tự biên soạn lấy.

- Cần lưu ý kỹ đối với loại bài tập điền khuyết kiểu «blanc comme …» (trắng như…), vì tuỳ từ được điền vào mà thành ngữ có nghĩa khác nhau, và có thể được sử dụng trong tình huống nào: nếu là «blanc comme un linge» (trắng như mốt tấm vải, hay trắng bệch) thì dùng cho người đang sợ hãi (tương đương với «blanc de peur»), trong khi «blanc comme neige» (trắng như tuyết) lại dùng cho người trong sạch, vô tội hoặc cho hồ sơ được xem là trắng án, không dính gì đến tội lỗi. Riêng «blanc comme le coton» phải chăng là được dịch từ «trắng như bông» của tiếng Việt? Cần chú ý là mỗi ngôn ngữ (cùng với nền văn hoá đi kèm) có một cách nhận định, và dụng ngôn, cách «so sánh» khác với những ngôn ngữ và văn hoá khác.

- Tương ứng với thành ngữ «châu chấu đá xe» của Việt Nam đúng ra là «le pot de terre contre le pot de fer» (chậu đất đấu chậu sắt) chứ không phải là «le pot de fer contre le pot de terre» (chậu sắt đấu chậu đất) như bài báo đã khẳng định, bởi vai vế của châu chấu là kẻ yếu chỉ tương ứng với chậu đất là vật dễ vỡ, chứ không phải với chậu sắt bền chắc. Vả lại, ngụ ngôn của La Fontaine có tựa là «Le pot de terre et le pot de fer», không có chữ «contre» (đá, hay đấu). Một khía cạnh tinh tế khác là trong «châu chấu đá xe», kết quả cuối cùng là «xe nghiêng» chứ không phải «chấu ngã» (yếu thắng mạnh), trong khi ở câu chuyện ngụ ngôn của Esope mà La Fontaine đã thuật lại, dù hứa lời ngon ngọt nhưng chậu sắt đã đập chậu đất vỡ tan tành, và bài học rút ra là ta chỉ nên liên kết với những kẻ ngang hàng phải lứa với mình, nếu không muốn gặp cảnh ngộ như chậu đất. Chính ý nghĩa sâu xa ẩn giấu đàng sau mỗi thành ngữ buộc chúng ta khi đề cập đến phải cẩn trọng, không gán ghép hai thành ngữ Pháp, Việt có vẻ như tương đương nhưng có ý nghĩa lại rất khác nhau.


2. Về ý nghĩa khoa học: Có kết quả mới trong bài báo không?


Có: X

Chỉ là tổng hợp:

Không:


Kết quả mới đó là gì?


Từ việc tổng hợp tư liệu, các tác giả đã dụng công để xác định và phân tích thoả đáng những đặc trưng của thành ngữ, đặc biệt là thành ngữ tiếng Pháp trong tương quan với thành ngữ Việt Nam, với góc nhìn giáo học pháp, và đưa ra những đề xuất cụ thể cho việc dạy / học.


3. Về hình thức của bài báo (Cấu trúc; tài liệu tham khảo; tính chính xác về ngôn từ, ngữ pháp; lỗi đánh máy):


Cấu trúc hợp lý, tài liệu tham khảo tạm đủ. Ngôn từ sử dụng khúc chiết, rõ ràng, một số đoạn còn vụng về. Có một số lỗi đánh máy (xin xem cụ thể những đề nghị chỉnh sửa trên bài báo).


4. Về phần tóm tắt bằng tiếng Anh:


Không đạt, cần sửa cho phù hợp với tóm tắt tiếng Việt:

Cần sửa:

Đạt:

Không có ý kiến:

Bài báo không có bản tóm tắt bằng tiếng Anh.


5. Kết luận (xin đánh dấu X vào ô thích hợp):


Nên đăng

Không nên đăng

X Nên đăng sau khi đã có cắt xén, bổ sung, hoặc sửa chữa:

Một vài điểm cần bổ sung, sửa chữa: xin xem những lưu ý ở phần nội dung (phần 1 ở trên).


Huế, ngày 29 tháng 6 năm 2009

Người phản biện


Phạm Thị Anh Nga


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire