mercredi 1 juillet 2009

Sông Nile trên trời... (8)




Sông Nile trên trời mưa cho xứ khác
còn sông Nile dưới đất riêng dành Ai Cập thôi
(Trường ca “Tụng ca mặt trời” của Ikhnaton, vị pharaon-đại thi hào của Ai Cập, vào khoảng năm 1380 trước CN)


8
Vị trí đền Louxor ở ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho du khách trong việc tham quan, nhất là với những ai lưu trú ở những khách sạn như khách sạn Nefertiti “của tôi”. Nhưng khi tôi đến đền Louxor đã là mười một giờ, hoàn toàn không phải là thời điểm lý tưởng để tham quan đền. Theo kinh nghiệm, phải là sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, hoặc buổi chiều khi ánh dương dần tắt, mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp huyền thoại của đền. Hoặc không nữa thì buổi tối, với những ánh đèn lung linh huyền ảo. Nhưng biết sao được, bởi thời gian của tôi trên đất nước pharaon được tính cặn kẽ từng giờ, thậm chí là từng phút.
(Vé vào cổng đền Louxor)
(Hai hàng nhân sư giữa đền Louxor và đền Karnak)
Hai hàng dài những bức tượng nhân sư, dài đến tận hai cây số rưỡi, tựa một đại lộ uy nghi và đầy ấn tượng, dù nhiều bức tượng nhân sư đã không còn vẹn nguyên, như một gạch nối biểu tượng giữa hai đền Louxor và Karnak. Ở lối vào đền Louxor, tôi lặng người xúc động trước bức tháp bia (obélisque) cao 23 mét và cũng là người anh em sinh đôi của tấm tháp bia hiện đang được đặt ngay giữa quảng trường Concorde ở Paris. Theo sử liệu, cả hai bức tháp bia đã được nhà vua Ai Cập Méhémet Ali tặng cho nhà Ai Cập học người Pháp Champollion vào năm 1831. Trong tâm tưởng của Champollion, đó là món quà sẽ có tác dụng khơi gợi cho người Pháp thời bấy giờ quan tâm đến nghệ thuật. Nhưng việc chuyên chở là cả một cuộc hành trình dài khó nhọc và đến 1833, một năm sau khi Champollion qua đời, cũng chỉ mới bức tháp bia bên phải là được chuyển về đến Pháp và được dựng lên ở quảng trường Concorde vào năm 1836. Và mãi đến năm 1980, nước Pháp mới chính thức từ chối bức tháp bia còn lại, và nhờ đó nó vẫn còn ở Louxor. Năm 1989, lần đầu tiên đến Paris, tôi đã được ngắm nhìn bức tháp bia “bên phải” và giờ này, trước mắt tôi là bức còn lại, bức “bên trái”, vẫn ở nguyên chỗ cũ. Cạnh đó, chỗ trước kia của bức tháp anh em chỉ còn lại mỗi một cái nền. Tôi đã đứng lặng rất lâu ở đó. Ôi tuyệt vời...
Khách tham quan hôm đó ít người đi riêng lẻ như chúng tôi. Phần lớn bọn họ đi thành đoàn, có hướng dẫn viên tiếng Anh hay tiếng Pháp. Với những câu chuyện góp nhặt được, và những gì đã đọc trước ở nhà và ở khách sạn, tôi lần bước theo huyền thoại và những câu chuyện cổ xưa của mấy nghìn năm trước. Này là đầu năm mới, đại lễ Opet, đúng vào ngày thứ mười chín của tháng thứ hai mùa lụt, tức là giữa tháng mười dương lịch. Trên thực tế đang là tuần cuối của tháng mười một, thôi cứ xem như tôi lùi về quá khứ hơn một tháng và ... hàng nghìn năm. Lễ hội tưng bừng rộn ràng khắp khu đền. Và đây, thời điểm hạnh ngộ của thần Amon và nữ thần Mout đã từ đền Karnak đến đây, chính trong không gian này, căn phòng hợp cẩn thuở nào của họ. Mỗi năm họ đều được rước đến đây với nhau như thế. Các vị thần đến với nhau, và thế giới cứ thế mà sinh sôi.
(Bức tháp bia (obélisque) "bên trái" tại đền Louxor ở Ai Cập
... và bức "bên phải" tại quảng trường Concorde ở Paris)
Tương truyền rằng thời gian hợp cẩn của hai vị thần Amon và Mout kéo
dài đến những ... hai mươi bốn ngày đêm! Dường như du khách nào, dù là nam hay nữ, cũng đều tỏ ra rất đắc ý với chi tiết này. Nhưng dù cố căng mắt nhìn và vận dụng mọi khả năng tưởng tượng của mình, trong không gian nay trống huơ trống hoác chỉ còn trơ những bức tường đá, những cột đá phế tích khổng lồ, những bức tượng hoành tráng và đám cỏ dại kia, tôi không tài nào hình dung nổi những cảnh tượng sinh động và ấn tượng đã diễn ra nơi này mấy nghìn năm về trước.
Theo tư liệu lưu truyền, lễ rước diễn ra chủ yếu trên sông Nile, và mỗi vị thần (Amon và Mout) được đặt trên một chiếc thuyền riêng, cả thần Khonsou là con trai của họ cũng thế. Đoàn rước đông nghịt. Nhiều hình thức lễ hội được tổ chức ở nơi những chiếc thuyền cập bến, với sự hiện diện của bức tượng biểu tượng cho [1] của chính vị pharaon đứng đầu vương quốc. Mãi cho đến ngày nay, mỗi năm người Ai Cập vẫn còn tổ chức khá linh đình lễ hội có nguồn gốc cổ đại này.
Với cái nắng chói chang và trước những bức tượng quá ư hùng vĩ, tôi loay hoay với chiếc máy ảnh cổ lổ sỉ để cuối cùng chẳng chụp được một góc ảnh nào thật ưng ý. Tấm ảnh với bức tháp bia duy nhất còn lại, ở bên trái cổng vào đền Louxor, cũng chỉ là một tấm ảnh chụp ngược chiều ánh sáng. Quả thật tôi đến Louxor không đúng vào thời điểm lý tưởng.
Ở đền Louxor ra, chương trình tham quan tạm gián đoạn vì đã đến giờ Fadila đi đón con. Thứ bảy, trường mẫu giáo chỉ có giờ học buổi sáng, và đến trưa phụ huynh phải đến trường đón con đúng giờ. Cổng trường đông nghịt. Trong lúc Fadila lóng ngóng bên cổng để tìm con trai, tôi nhìn không chớp mắt bóng dáng to cao sừng sững của một người đàn ông trông chẳng khác gì một bức tượng sống, với cái đầu trơn bóng và chiếc áo chùng nâu sẫm. Ngoài tướng mạo to lớn lạ thường, ông ta còn có một khuôn mặt cứng cỏi, nghiêm nghị và bộ dạng oai vệ, hai tay khoanh trước bụng, ở ngay một bên lối ra vào. Fadila giải thích đó là người gác cổng trường. Trường mẫu giáo không cho phép bất kỳ ai vào bên trong cổng, phụ huynh đưa đón con em cũng từ bên ngoài, và các cháu chỉ được trả đúng cho cha mẹ hoặc đại diện gia đình mà nhà trường đã nhận mặt. Tôi thầm nghĩ: với một người gác cổng oai phuông như vị thần giữ đền thế kia, thì phụ huynh nào cũng có thể an tâm về sự an toàn tuyệt đối của con em mình.
(Một góc đền Louxor)
Cậu bé Chadi quấn quít bên mẹ, ban đầu còn xa lạ rụt rè với tôi nhưng chỉ một lúc là cậu bé nhanh chóng làm quen và huyên thuyên cười nói với những câu chuyện vô cùng ngộ nghĩnh. Và cậu bé cũng là bạn đồng hành mới của tôi trong điểm tham quan tiếp theo: đền Karnak.


(Còn tiếp)

Sông Nile trên trời (9) : http://phamthianhnga.blogspot.com/2009/07/song-nile-tren-troi-9.html



[1] Người Ai Cập quan niệm rằng con người được tạo nên từ năm yếu tố, đó là thân xác, kâ (nguyên tắc tạo nên sự sống), linh hồn, bóng và tên.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire