Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

vendredi 5 septembre 2008

TẢN MẠN VỀ CON GÀ Ở PHƯƠNG TRỜI TÂY

Áp phích kịch "Chantecler"

Ðầu năm Ất Dậu, nói chuyện gà trong tâm thức người phương Tây không phải là để lẩn tránh đại dịch cúm gà hiện đang có nguy cơ lan rộng trở lại trên đất nước chúng ta. Nhưng dường như từ trước đến nay, hình ảnh con gà trong cuộc sống và tâm thức người Việt chúng ta đã được đề cập khá nhiều, e chẳng còn góc cạnh nào mới mẻ để có thể khai thác bàn luận thêm. Vì thế ở đây, nhân đầu năm con gà, xin mời độc giả thử phóng tầm nhìn ra xa xa một tí, xem con gà trong cuộc sống của thiên hạ nó ra làm sao.

Trong hệ thống tử vi của người phương Ðông chúng ta, là loại tử vi được xác định dựa trên can chi, ngũ hành, mỗi năm tương ứng với một con vật, và theo thứ tự “gà” (dậu) là con giáp được xếp theo sau “khỉ” (thân) và đến trước “chó” (tuất). Anh sinh vào năm dậu tức là anh tuổi con gà, chị sinh năm Dần thì chị cầm tinh con hổ… Lá số tử vi của người phương Tây thì không như thế, nó được xác định tuỳ theo ngày sinh của mỗi người rơi vào tháng nào trong năm. Sinh từ khoảng giữa tháng mười hai đến khoảng giữa tháng giêng dương lịch là tuổi hay mạng “capricorne”, từ khoảng giữa tháng giêng đến khoảng giữa tháng hai là tuổi hay mạng “verseau”… Cứ thế mà tuần tự hết mười hai tháng trong năm. Trong hệ thống tử vi này, hình ảnh những con vật gần gũi với cuộc sống hàng ngày cũng như với tâm thức chúng ta hoàn toàn vắng bóng : chắng thấy đâu dấu tích các chú chó, mèo, lợn, gà, chuột, trâu, dê, ngựa…

Tuy vậy đối với người Pháp con gà có một vị trí hết sức đặc biệt trong suy nghĩ, tình cảm và tâm thức của họ, có thể nói còn đặc biệt hơn cả con gà đối với chúng ta.

Trước tiên cần nói rõ, trong tiếng Pháp không có từ thực sự tương đương với từ “gà”, với ý nghĩa chung chỉ chủng loại gà. Tiếng Pháp có từ “volaille” (gia cầm) bao gồm cả gà, vịt, ngan ngỗng…, và các từ như “coq” (gà trống), “poule” (gà mái), “poussin” (gà con), “poulet” (gà tơ, gà giò)… Chưa kể rất nhiều từ biệt loại dùng để chỉ các loại gà khác nhau. Cũng cần nói rõ thêm về “gà tây”, mà dựa vào tên gọi bằng từ ghép chính phụ này trong tiếng Việt, có thể thấy người Việt Nam chúng ta xem đó cũng là một tiểu loại hay một giống gà. Ðối với người Pháp gà tây lại là một loại gia cầm khác với gà, và cũng tuỳ theo con vật là trống hay mái mà được gọi là “dindon” (gà tây trống) hay “dinde” (gà tây mái), chứ không có từ gọi chung cho cả con trống và con mái. Khác với gà tây, chim cút và ngỗng trong tiếng Pháp được gọi là “caille”, “oie”, khác ở chỗ “caille” và “oie” là từ giống cái, và đồng thời cũng là từ chỉ chủng loại, dùng chung cho con trống và con mái ; và vì đó là từ giống cái nên muốn xác định đó là một chú chim cút trống hay một chú ngỗng trống thì phải thêm vào “caille” hay “oie” chữ “mâle” (đực).

Lan man như thế về từ “gà” trong tiếng Pháp để thấy rằng đối với người Pháp có hai hình ảnh gà rất khác nhau, gắn liền với hai từ “coq” và “poule” chỉ gà trống và gà mái, và vị trí của chúng trong tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của người Pháp cũng rất khác nhau. Giữa con trống và con mái, thì hình ảnh con trống đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều.

Ðầu tiên là hình ảnh chú gà trống Gô-loa vẫn bao đời nay là biểu trưng cho dân tộc Pháp. Khi đội bóng đá Pháp giành chiến thắng ở France 98 hay World Cup 2000, cả thế giới vang dậy những tiếng reo hò hoan hô chú gà trống Gô-loa, và cũng chú gà trống ấy đã chịu nhận bao mỉa mai chê trách khi suốt mùa bóng của Euro 2004 đội Pháp không ghi được một bàn thắng nào! Và bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất tôn vinh chú gà trống Gô-loa: trong các áp phích của nước Pháp về các cuộc tranh tài ở các môn quyền Anh, quần vợt…, hay trên các logo biểu trưng của các Hiệp hội thể thao Pháp, dường như bao giờ cũng có bóng dáng của chú gà trống, cùng với ba màu xanh trắng đỏ tượng trưng cho nước Pháp (hai màu xanh và đỏ là biểu tượng của thành phố Paris, và màu trắng tượng trưng cho nhà vua). Và hình ảnh gà trống cũng là biểu trưng cho các đội thể thao Pháp trong tất cả các cuộc đua tài quốc tế. Nhưng đặc biệt hơn các môn thể thao khác, ở Pháp môn thể thao vua đã lưu giữ và tiếp nối một truyền thống lạ lùng có một không hai từ cổ chí kim: trong các trận đấu quan trọng, bao giờ các cầu thủ Pháp cũng “ôm theo” đội bóng của mình một chú gà trống Gô-loa, một chú gà trống và cũng là một chú gà sống, sống thật sự chứ không chỉ là một hình nộm, một bức tượng hay tấm ảnh gà. Tất nhiên là ra đến sân cỏ thì họ không thể ôm chú gà theo, nhưng chú vẫn được cất giữ đâu đó không xa nơi diễn ra trận đấu. Chú gà trống đối với đội bóng đá Pháp chính là một linh vật (mascotte), một thứ bùa hộ mệnh thiêng liêng cho những cuộc ra quân của họ. Ai bảo rằng người phương Tây không “mê tín”?

Không chỉ có mặt trong những hoạt động về thể thao, con gà trống còn hiện diện một cách đặc biệt trong đời sống hàng ngày của người dân Pháp. Ðến thăm các ngôi làng quê, dường như càng ngày ta càng ít nhìn thấy trên những tháp chuông nhà thờ hình dáng con gà trống xoay chiều theo hướng gió, được dùng để xác định hướng gió, là hình ảnh rất quen thuộc của người Pháp trong một giai đoạn dài của lịch sử. Tuy nhiên vẫn còn rải rác ở một số làng mạc hình bóng chú gà trống thượng trên gác chuông nhà thờ, và nhiều tư liệu ảnh ngày nay vẫn còn lưu giữ hình ảnh chú ở vị trí đó, đôi khi có kèm cả bốn chữ N (Nord, Bắc) - S (Sud, Nam) - E (Est, Ðông) - O (Ouest, Tây) trên các thanh chéo nhau hướng về bốn phía, tương ứng với bốn phương. Thực ra hình ảnh chú gà trống trên gác chuông nhà thờ không hẳn là biểu tượng của dân tộc Pháp mà dường như tượng trưng cho sự mong chờ mặt trời mọc, thời điểm luôn được chào đón bằng tiếng gà gáy sáng. Thái độ sùng kính đối với Mặt Trời Mọc (Soleil levant) đã có từ thời kỳ tiền Cơ đốc (préchrétienne), về sau được Thánh Patrick biến đổi thành lòng sùng kính “Mặt Trời Chân Lý” (Soleil de Justice, tức là Ðức Ki-tô), và nó vẫn rất mạnh mẽ ở người Á Nhĩ Lan. Con gà trên gác chuông nhà thờ để xác định hướng gió chính là ý tưởng của các vị tu sĩ Á Nhĩ Lan, những người đã có công trong việc Cơ đốc hoá xứ sở Gaule từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX.

Nhưng ngoài nguồn gốc tâm linh trong hình ảnh gà trống trên gác chuông các nhà thờ như vừa đề cập ở trên, do dâu mà chú gà trống chiếm lĩnh vị trí đáng nể như thế trong tâm tư và sinh hoạt của người Pháp ? Có thể nói điểm khởi nguồn là từ rất xa xưa, thuở nước Pháp còn được gọi là “Gaule” và, cũng như bao xứ sở láng giềng, lúc đó dân Gaule hay Gaulois (Gô-loa) đang bị quân La Mã chiếm đóng. Chính người La Mã đã “có công đầu” trong việc kết hợp hình ảnh chú gà trống với xứ sở Gaule. Nguyên nhân chính là vì trong tiếng La tinh (ngôn ngữ của đội quân La Mã), những từ tương đương với từ “Gaulois” (Gô-loa) và từ “coq” (gà trống) là hai từ đồng âm, “galus” và “gallus” : [galus] vừa là người Gaulois (Gô-loa), cũng vừa là gà trống. Vào cuối thế kỷ XII, hình ảnh con gà trống còn được sử dụng để nhạo báng nhà vua Pháp và mang ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực: nó bao hàm những tố chất kiêu căng, hiếu chiến, ngu ngốc, thích phỉnh nịnh… Rõ ràng hình tượng chú gà trống thời ấy chẳng có gì là vẻ vang! Mãi về sau, hình ảnh chú gà trống dần dà mang ý nghĩa tích cực hơn và biểu trưng cho lòng dũng cảm và chiến thắng, và người Pháp rất tự hào khi gán cho chính mình hình ảnh chú gà trống hùng tráng đáng yêu. Mô típ gà trống thường xuyên được các nghệ sĩ sử dụng, nhất là từ năm 1659: nhằm tạo ra một phong cách đặc biệt Pháp trong điêu khắc phần mũ các cột trụ, Colbert đã phát động một cuộc thi về mô típ trang trí có sử dụng hình ảnh gà trống thay cho mô típ những cành lá ô rô theo phong cách của
thành Cô-ranh-tơ (Corinthe) của Hy Lạp: giành chiến thắng trong cuộc thi là Le Brun và những mũ cột bằng đồng mạ vàng của ông ngày nay vẫn còn được lưu giữ trong gian nhà kính của điện Versailles. Năm 1665, nước Pháp lại đúc một huy chương chính thức ghi lại cuộc giải phóng Quesnoy. Trên huy chương là hình ảnh chú gà trống Gô-loa đang đuổi con sư tử Tây Ban Nha chạy dài. Ngay sau đó, các lực lượng thù địch của người Pháp, đặc biệt là dân Hà Lan, đã sử dụng mô típ gà trống để ám chỉ nước Pháp trong những hình ảnh biếm hoạ và những câu chuyện ẩn dụ của mình.
Con gà trên mặt sau đồng 10 Francs (1986)

Tại nơi thiết triều của vua François đệ nhất, hình ảnh chú gà trống đã có mặt bên cạnh những hình ảnh thiêng liêng là cành hoa huệ, vương miện và con kỳ nhông. Cuộc Ðại Cách Mạng Pháp 1789 đã dành cho chú gà trống một vị trí còn vẻ vang hơn : chú hiện diện trên các đồng tiền của các nền Ðệ nhị và Ðệ tam Cộng Hoà. Thật vậy, hình ảnh chú gà trống đã thực sự trở thành biểu trưng cho nước Pháp dưới triều vua Louis-Philippe và nền Ðệ nhị Cộng Hoà (1830-52), và được khắc hoạ trên cán cờ của các trung đoàn. Ý tưởng thay thế cành hoa huệ bằng con gà trống được nhà thơ Pierre-Jean Béranger (1780-1857) đưa ra năm 1820 trong bài hát “Lá quốc kỳ cũ” (Le vieux drapeau). Và trên bức “Cuộc ra quân của các lực lượng quân đội của nền Cộng Hoà” của Rude (thường được biết đến dưới tên gọi “La Marseillaise” như tên bài quốc ca Pháp), bức khắc hoạ được thực hiện vào năm 1836 để trang trí cho Khải Hoàn Môn lớn nhất của Paris ngay đầu đại lộ Champs Élysées, ở đầu các lá cờ có hình ảnh một con gà trống, điều mà trước đó chưa hề có. Từ năm 1848, hình ảnh con gà trống lại hiện diện trên con dấu của nền Cộng Hoà (Nữ thần Tự Do cầm trên tay một bánh lái được trang trí với hình ảnh một con gà trống), và từ năm 1899, mô típ gà trống đã được sử dụng trên các đồng tiền vàng 20 frăng. Ngày nay, người ta còn bắt gặp bóng dáng của chú gà trống ở hàng rào điện Élysée, là nơi trú ngụ của bao đời Tổng thống Pháp.

Biểu tượng tổ quốc ghi công (1903)

So với đồng loại ở Việt Nam, xem ra chú gà trống Gô-loa đáng mặt anh hào hơn hẳn. Nhưng vị trí xứng đáng đó chỉ dành riêng cho chú chàng gà trống, chứ chị nàng gà mái thì chẳng dính dáng gì đến sự tôn vinh đó. Trong tâm tư suy nghĩ của người Pháp, hình ảnh gà mái gắn liền với vai trò của người mẹ tảo tần, tận tuỵ, chăm lo bảo bọc đàn con, đôi khi một cách quá đáng, như trong từ ngữ “mère poule” (mẹ gà) : mẹ gà chăm chút ấp trứng hay nâng niu bảo vệ gà con. Trong ngôn ngữ, hình ảnh gà mái cũng hiện diện cùng với quả trứng trong các thành ngữ có tính tư duy triết học, như “entre l’œuf et la poule” (giữa quả trứng và con gà mái … cái nào có trước ?), “tuer la poule aux œufs d’or” (giết con gà mái đẻ trứng vàng). Và “poule mouillée” (gà mái ướt) là một cách nói ẩn dụ dùng để chỉ một kẻ nhát gan hay sợ sệt. Cũng có khi người Pháp dùng từ “poule” với ý nghĩa âu yếm : “Viens, ma poule!” (Hãy đến đây nào cưng ơi !) hay thậm chí để chỉ một cô gái ăn sương, hay nhân tình của một đấng mày râu (“entretenir une poule”: nuôi nhân tình).

So với từ chỉ gà mái (poule), thì từ chỉ gà trống (coq) được sử dụng với những ý nghĩa rõ ràng là mạnh mẽ hơn, oai vệ hơn: “au chant du coq” (vào lúc gà gáy sáng), “c’est un vrai coq” (đó là một chú gà trống thực thụ, dùng để chỉ một đấng nam nhi có ngoại hình đẹp, hấp dẫn đối với nữ giới), “La poule ne doit pas chanter devant le coq” (gà mái không được lên tiếng trước (mặt) gà trống, ý nói vị thế người phụ nữ là thấp kém so với nam giới). Tuy thế, chú gà trống “vào nồi” cũng có thể tạo thành một món ăn cổ truyền khoái khẩu của người Pháp. Ðó là trường hợp của món gà nấu rượu (coq au vin). Và để chỉ ra cách nói năng không mạch lạc chặt chẽ, nhảy lóc cóc từ ý nọ sang ý kia hay chuyện nọ xọ chuyện kia thì người Pháp lại lôi anh gà trống vào thành ngữ “passer du coq à l’âne” (chuyển từ gà trống sang lừa).

Cuối cùng, gà trống và gà mái cũng có dịp cùng xuất hiện trong một khung cảnh như trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Deux coqs vivaient en paix, survint une poule…): chuyện kể về hai anh gà trống đang yên đang lành sống với nhau, thì bỗng xuất hiện một chị gà mái, đầu dây mối nhợ của bao phiền toái gãy đổ hiềm khích xung khắc giữa hai anh gà trống… Cứ như thể “con mái” bao giờ cũng tượng trưng cho cái sự lắm mồm, điêu ngoa, là ngọn nguồn gây chia rẽ, chiến tranh, thù hận…
Trong một dịp sang công tác ở Pháp, năm 1994 tôi có dịp đi xem ở nhà hát kịch Chaillot (Paris) một vở kịch của Edmond Rostand [1], tựa là “Chantecler”, được viết từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhân vật kịch là rất nhiều con vật, từ gà, mèo, chó, thỏ, cú cho đến nhện, gà tây, chim hoạ mi, công… Năm 1994, vở kịch được rút gọn và dàn dựng lại, gắn với tên tuổi của Jérôme Savary, nhà đạo diễn danh tiếng và hàng đầu của Pháp về bộ môn kịch nói. Các diễn viên được hoá trang thành các con vật đa dạng, nổi bật nhất vẫn là Chantecler, chú gà trống mang trên mình rất nhiều màu sắc của ánh sáng mặt trời. Chú gà trống Chantecler vẫn thường gáy sáng để báo hiệu mặt trời mọc, khiến tất cả (ngay cả bản thân chú gà) dần dà đều tin rằng Chantecler có thể điều khiển được mặt trời. Mãi đến khi một chị gà mái quyến rũ và tinh ranh xuất hiện, thì uy danh của chú gà trống bắt đầu lung lay. Cũng trong vở kịch, có một đoạn hội thoại như sau : Khi có một cô nàng gà mái mới lạ đi ngang qua, thì điều đó vượt quá sức anh, anh trở nên mất trí ! - Anh sẽ chạy quanh ... “Vâng, là tớ … chính tớ đây”. Và anh gáy lên : “Cô…” [2]

Hoá ra không chỉ ở loài người chúng ta, mà ngay cả trong thế giới loài vật, ở phương trời Ðông cũng như bên phương trời Tây, trước một “con mái” xinh đẹp, thì các đấng tu mi anh hào (cả người lẫn thú) dẫu có oai phuông lẫm liệt thế nào chăng nữa đều cứ phải luýnh quýnh và … nhũn như con chi chi … !

Tháng 2 / 2005
-
Ghi chú:
[1] Edmond Rostand: tác giả của các vở kịch nổi tiếng “Cyrano de Bergerac”, “L’Aiglon” (Chim ó nhỏ), Viện sĩ viện Hàn Lâm Pháp từ năm 1901.
[2] Trong tiếng Pháp, tiếng gà gáy được tượng thanh là “cocorico” (cô-cô-ri-cô)
-
Tạp chí TIA SÁNG số 5 / 5.2005

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú