Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

lundi 25 février 2013

« Một cuốn sách mới về nhà thơ Ngô Kha » (Huỳnh Như Phương)


24-02-2013 06:26:17
PN - Ngày Thơ Việt Nam năm nay, NXB Hội Nhà văn ấn hành cuốn sách Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu. Khổ 16x24cm, dày 468 trang, là công trình giá trị nhất viết về con người và tác phẩm Ngô Kha (1935-1973), nhà thơ độc đáo và có số phận bi tráng ở miền Nam thời chiến tranh.
    Cuốn sách tập hợp đầy đủ bài viết của những người cùng thời, gần gũi và hiểu rõ hoàn cảnh cũng như sự chọn lựa của Ngô Kha: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Khắc Cầm, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Tiêu Dao Bảo Cự, Ngô Minh, Lê Văn Thuyên, Nguyễn Duy Hiền, Trần Kiêm Đoàn, Lê Văn Ngăn… Tác phẩm Ngô Kha lâu nay được phân tích nhiều từ góc độ văn học dấn thân, giờ được đi sâu khám phá thế giới siêu thực, tinh thần hiện sinh và cả ảnh hưởng phân tâm học, cho thấy đây là một tài năng đa dạng của thơ ca hiện đại.
    Cuốn sách kế thừa các tập Thơ Ngô Kha (Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, 1991) và Ngô Kha - ngụ ngôn của một thế hệ (NXB Thuận Hóa, 2005), đồng thời bổ sung nhiều tài liệu, hình ảnh quý hiếm. Đặc biệt, các soạn giả đã chụp lại nguyên vẹn 54 trang Hồ sơ Ngô Kha đăng trên tạp chí Đứng dậy số 65-66, in ronéo, phát hành bí mật tháng 12/1974 nhằm bày tỏ tình liên đới với nhà thơ đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam và mất tích gần hai năm trước đó. Đây là số báo công bố Thư đòi con của bà Cao Thị Uẩn, mẹ nhà thơ; Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha; đặc biệt là Lá thư gửi cho người ở trong tù hay đã bị thủ tiêu của Trịnh Công Sơn…
    Về sáng tác của Ngô Kha, có lẽ vẫn còn một số bản thảo bị thất lạc, nhưng từ trước đến nay, đây là lần tập hợp đầy đủ nhất, bao gồm các tập thơ Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình và những bài thơ rời. Ngô Kha, cũng như những người trẻ làm thơ phản kháng ở miền Nam, đã gánh trên vai một sứ mạng quá hiểm nguy trong một tình cảnh cực đoan của lịch sử, khi thơ ca không chỉ dẫn đến hành động mà còn chính là hành động.
    Trong những nhà thơ đó, theo chúng tôi, Ngô Kha là tác giả mà tác phẩm mang đậm hơi thở hiện đại hơn cả. Trong một thời gian ngắn ngủi chỉ hơn mười năm, nhà thơ vắn số này đã làm một cuộc hành trình nghệ thuật đi qua những miền địa ngục của thế giới siêu thực, đi qua tâm thức hoài nghi và cô độc, đến với cánh đồng ngôn ngữ mà thi sĩ là người gieo hạt cho tương lai.
    Đọc thơ Ngô Kha viết trước ngày hy sinh, ta thấy phảng phất hơi thơ hào sảng của Pablo Neruda ở châu Mỹ la-tinh dưới gót giày của các thế lực quân phiệt, của Agostino Neto ở châu Phi trong vòng kẽm gai của chủ nghĩa thực dân.
    Những người chủ biên cuốn sách này, hai nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Bửu Nam và Phạm Thị Anh Nga đã làm việc cẩn trọng để có một công trình phong phú về nội dung và đẹp về hình thức, xứng đáng với đóng góp của Ngô Kha, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ. Mới đây, hai soạn giả này cũng hoàn thành một công trình được đánh giá cao: Bửu Chỉ - đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian (NXB Hội Nhà văn, 2012). Cả hai cuốn sách đều được thực hiện theo tinh thần thiện nguyện, chi phí ấn loát do sự đóng góp của các thân hữu và những người yêu mến hai nghệ sĩ tài hoa của Huế. Toàn bộ tiền thu được từ việc phát hành hai cuốn sách được dành cho hai quỹ học bổng mang tên Ngô Kha và Bửu Chỉ.
    HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

    http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/mot-cuon-sach-moi-ve-nha-tho-ngo-kha/a87208.html

    lundi 18 février 2013

    Anh Ngô Kha





















    Phạm thị Anh Nga qua
    nét vẽ Đinh Cường

    Đều đặn tháng Chạp hằng năm
    kể từ ngày về làm dâu Phong trào
    em vẫn cùng các anh chị về Thế Lại Thượng
    thắp nén hương
    tưởng nhớ
    người anh – người thầy – người đồng chí thân thương
    người muôn thuở vẫn là
    ngọn đuốc soi đường cho đàn em nhiều thế hệ
    khúc bi hùng ca khốc liệt
    giọt máu kiên cường đã đổ xuống cho quê hương
    như lời thơ xưa
    anh từng dự cảm

    Trên di ảnh của anh
    ánh mắt trung kiên vẫn đậm đà sắc nét
    cái mím môi hiền từ như vẫn tươi mươi
    đôi kính gọng đen một thời vang vọng
    hai tay khoanh bình dị ôn hòa
    một chân dung mãi hoài
    bừng sáng lung linh

    Hai lăm tháng Chạp
    từ bao năm đã là ngày anh chị em tề tựu về đây hương khói
    ở ngôi nhà rường xưa
    nơi anh sinh ra khôn lớn trưởng thành
    làm thơ
    và chiến đấu
    và cuối cùng quay về
    chỉ bằng hồn phách …
    Hai lăm tháng Chạp
    dẫu chẳng ai biết đích xác anh nhắm mắt ngày giờ nào
    có không một nấm mồ ghi dấu
    thân xác mủn dần ở nơi đâu trong lòng đất mẹ …

    Ơi Ngô Kha
    anh chẳng còn là cánh Hoa Cô độc
    u uẩn những đêm mưa
    lạc lối trong những mê cung tăm tối mịt mù
    Vĩnh viễn
    anh đã trở thành nguồn sáng
    ngụ ngôn thiêng liêng của nhiều thế hệ tiếp liền
    và những lời thơ anh để lại
    ngập tràn những hoa
    trong ngôi vườn thần tiên mơ ước
    những cánh hoa đồng thảo
    hoa lys
    hoa immortel
    hoa lài
    hoa quỳ
    hoa phù dung
    và những bài thơ
     “Cho những người nằm xuống”
    “Bài ca tự quyết”
    “Hành trình”
    “Mai có hòa bình”
    mãi âm vang
    như những điều tâm huyết anh ân cần nhắn nhủ
    thay cho lời trăn trối

    Lẽ ra
    em gọi anh là Thầy
    như bao anh chị đã là học trò anh thời trung học
    hay có thể là Chú
    như với các đồng nghiệp trẻ của ba em
    (ông từng là thầy giáo của hai trường Quốc Học và Đồng Khánh)
    Nhưng khi em biết đến cái tên Ngô Kha
    thì anh đã từ lâu thiên cổ
    Ngô Kha
    cái tên với nhiều dấu ấn cho lịch sử vùng đất này
    với số phận bi tráng hào hùng
    và cái kết
    ghim vào tim anh em bằng hữu học trò
    luôn đau nhói

    Và thế là với em
    anh là anh Ngô Kha
    người huynh trưởng
    bậc đàn anh
    trên những chặng đời chông gai nghề giáo
    hình mẫu người trí thức dấn thân
    vì niềm tin và công lý
    không khoan nhượng
    trong máu lửa
    và trong cả thời bình
    tấm gương sống
    lẫm liệt
    rạng ngời khí tiết

    Anh đã vĩnh viễn dừng chân
    ở thời tuổi trẻ
    nhưng là một tuổi trẻ đã vươn đến đỉnh cao kỳ vĩ
    hiến tế thân mình
    cho niềm tin và tổ quốc mến yêu

    Dù có khi
    ở phút cuối đời
    anh chỉ còn hình hài đau đớn tả tơi dưới những đòn thù hiểm ác
    xác thân vùi chẳng biết nơi nao
    Nhưng mãi mãi
    anh vẫn là anh
    hiện hữu trong lòng bao thế hệ
    nguyên vẹn hình hài
    lớn lao
    hùng vĩ
    một Ngô Kha
    một khí phách


    Nhân ngày giỗ thứ 40 của Nhà thơ - Thầy giáo Ngô Kha
    Tháng Chạp năm Nhâm Thìn (2013)
    P.T.A.N.

    Bài đăng trong tập sách « Ngô Kha, Hành trình thơ - hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu », NXB Hội Nhà Văn 2013, tr. 301-303.

    samedi 9 février 2013

    « Hôm nay giỗ nhà thơ Ngô Kha » (Ngô Minh)




    9 giờ sáng ngày hôm nay, 5-02-2013, tức ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thìn là ngày giỗ nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha. Giỗ có 2 phần: Ra mắt tập sách NGÔ KHA - HÀNH TRÌNH THƠ - HÀNH TRÌNH DẤN THÂN & NGÔI NHÀ VĨNH CỬU do NXB Hội Nhà văn ấn hành 2-2013 do Liên hiệp các HVHNT - Hội Nhà văn TTH - Thành đoàn Huế và nhóm bầu bạn Ngô Kha tổ chức thực hiện. Cuốn sách dày 468 trang khổ lớn 16 x 20 cm, mà chỉ thực hiện trong vòng hơn tháng rưỡi, là một kỳ công về làm sách. Phần thứ 2 là cúng giỗ nhà thơ do bà Ngô Thị Huân, chị gái nấu ở nhà riêng ở Thế Lại Thượng Huế. Đến dự có các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đắc Xuân, họa sĩ Vĩnh Phối, nhà văn Tô Nhuận Vỹ,...


    Thực ra, cho đến nay không ai biết nhà thơ Ngô Kha mất ngày nào trong  những ngày đầu năm 1973. Lúc đó,  khi Hiệp định Paris ký kết chưa ráo mực, chính quyền Sài Gòn ra mặt đàn áp ráo riết những người nằm trong lực lượng thứ ba có quá trình đấu tranh đòi tự do và dân sinh dân chủ tại các đô thị miền Nam, trong số đó anh Kha là một trong những nhân vật nổi bật và "nguy hiểm". Chính vì thế, cảnh sát Thừa Thiên - Huế vội vã bắt anh. Ngô Vũ, cháu gọi Ngô Kha là chú ruột kể: "Bữa đó là 27 Tết. Có hai người tới đòi giải chú đi. Mạ em hỏi có lệnh không - vì mạ em làm tòa hành chánh mà (cười); rứa là một ở lại, một người đi xin lệnh. Có lệnh rồi, dạ, em không biết ai ký, cái đó hỏi lại mạ em, nhưng mạ em chấp nhận, có điều phải để chú ăn uống đàng hoàng rồi đi. Họ đồng ý chờ. Ra sau nhà, mạ em hối chú trèo tường qua phủ ông Khánh mà thoát đi.


    Chú không chịu, nói là mình không tội tình chi mà phải trèo tường thoát thân; hơn nữa cứ đường lớn cửa chính mà đi đàng hoàng, em không can chi mô, chị đừng lo! Nói cho vững bụng nhau thôi, ai ngờ đó là lời cuối cùng: Chú đi không trở về nữa! Chẳng biết chú mất ngày nào chỉ biết kỵ ngày cuối năm. Sau giải phóng, có anh P.K.N, con vợ trước của chồng o em, là phó ty cảnh sát Thừa Thiên cũ, cải tạo về, tới thăm nhà, thắp hương cho chú. Anh nói, biết mà không cứu được! 


    Từ đó, gia đình lấy ngày kỵ là 27 Tết. Nhưng anh em bạn bè cùng tranh đấu với Ngô Kha ở Huế thống nhất lấy nấu giỗ vào ngày 25 Tết hàng năm, vì đây là ngày bạn bè gặp anh lần cuối cùng. Hồi đó gia đình cũng có đi tìm xem Ngô Kha ở đâu. Nhưng thời buổi ấy ai gan ruột mà chỉ chỗ, sợ liên lụy rắc rối; phần nữa có ai quan tâm mà phụ lực dù chỉ là nghĩa cử với người đã khuất. À cũng có người cho biết, một cách tế nhị - là 27 Tết năm ấy có thủ tiêu một người không biết phải chú không. Người đó mặc áo da rất đẹp. Đúng rồi! Cái áo da nớ do một người bạn mua ở Pháp về tặng chú mà ngày bị bắt, chú mặc vì trời lạnh. Người ta chỉ biết rứa thôi, không biết chôn nơi đâu trên đồng An Cựu". Lúc đó Liên Thành là Trưởng Ty cảnh sát Huế. Có lẽ chính hắn đã ra lệnh thủ tiêu Ngô Kha, vì đây là việc quan trọng phải có cấp trên ra lệnh, cấp dưới mới thực hiện một cách dã man như thế.


    Ngô Kha là một nhà thơ siêu thực nổi tiếng với trường ca NGỤ NGÔN NGƯỜI ĐẢNG TRÍ. Theo tôi anh là một trong ít nhà thơ hàng đầu ở miền Nam thời đó. Thơ Ngô Kha hiện đại, đương đại, có một lối viết độc đáo và hồn nhiên, từ trong tim trào ra, cái mà hiện nay (40 năm sau) các thế hệ nhà thơ trẻ Việt Nam đang học theo một cách khiên cưỡng.


    Giỗ nhà thơ Ngô Kha, trong tuyển tập sách NGÔ KHA - HÀNH TRÌNH THƠ - HÀNH TRÌNH DẤN THÂN & NGÔI NHÀ VĨNH CỬU mà vợ chồng PGS-TS Bửu Nam và PGS-TS Phạm Thị Anh Nga chủ biên, Ngô Minh có 2 bài: Bài viết chân dung Ngô Kha NGÔ KHA - MỘT CÕI TANG BỒNG và bài thơ NGÔ KHA, CHÀO ANH. Trước đó Ngô Minh, nhờ sự hỗ trợ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã in trên báo NGHỆ THUẬT MỚI số 11 (12-2013) bài viết NGÔ KHA - MỘT CÕI TANG BỒNG và chùm thơ Ngô Kha 5 bài do Ngô Minh chọn và đánh máy gửi.


    Tại buổi ra mắt tập sách Ngô Mihn đã đọc bài thơ trướng đông đảo người nghe là bạn bè và những người hâm mộ nhà thơ Ngô Kha. Xin in lại trên QUÀ TẶNG XỨ MƯA để bạn đọc cùng chia sẻ. 


    [...]

     Ngô Minh                                    


    http://ngominh.vnweblogs.com/post/2246/403096 

    « Ra mắt sách "Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu" » (Tạp chí Sông Hương)



    15:00 | 05/02/2013
    Sáng 05/02,  nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ, liệt sỹ Ngô Kha, Liên hiệp các Hội VHNT, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế, Thành đoàn Huế cùng bạn bè thân hữu và gia đình của Ngô Kha đã tổ chức buổi ra mắt tập sách Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu tại hội trường của Thành đoàn Huế. 


    Cuốn sách là một bức tranh khắc họa hành trình thơ ca của Ngô Kha. Cuốn sách tập hợp những bài viết công phu, đánh giá lại những cống hiến của Ngô Kha đối với văn học Viêt Nam hiện đại và đặc biệt đó sự khơi mở những giá trị thực sự trong lối viết siêu thực của nhà thơ tài hoa này. Bên cạnh đó cuốn sách cũng đưa người đọc đi vào tìm hiểu hành trình dấn thân của Ngô Kha để từ đó nhận thấy thái độ và sự kiên trinh của một người nghệ sỹ lớn đối với vận mệnh của dân tộc. 


    Khán phòng chật kín người tham dự

    Những kỷ niệm của Ngô Kha đối với bạn bè thân hữu cũng được nhắc lại trong tập sách và đặc biệt là sự tuyển chọn những sáng tác của Ngô Kha theo trật tự thời gian để bạn đọc có thể nắm được những chuyển biến trong hành trình đến với cái đẹp của ông.


    Nhà thơ, nhà giáo Bửu Nam phát biểu tại buổi giới thiệu

    Được biết, để có được tập sách quý này, nhóm thực hiện gồm nhà thơ - nhà giáo Bửu Nam, cô Phạm Thị Anh Nga cùng bạn bè thân hữu và gia đình đã  nỗ lực sưu tầm, đặt bài, biên soạn. Tính đến nay, đây là một công trình tiêu biểu, toàn diện về Ngô Kha. Cuốn sách như là một minh chứng để thấy rằng giá trị thực sự của nghệ thuật luôn luôn là vĩnh cửu. 

    Chị của nhà thơ, liệt sĩ Ngô Kha cũng có mặt trong buổi ra mắt sách

    MP

    http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p1/c12/n11395/Ra-mat-sach-Ngo-Kha-hanh-trinh-tho-hanh-trinh-dan-than-ngoi-nha-vinh-cuu.html

    « Ngô Kha, Hành trình thơ - hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu »






     
     
     


    Thiết kế bìa cho cuốn « Ngô Kha, Hành trình thơ - hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu »


    « Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật & ký ức trần gian »


     
     




    « Ra mắt sách "Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian" » (Tạp chí Sông Hương)


    10:21 | 24/12/2012


    Chiều 23/12, Liên hiệp các Hội VHNT cùng nhóm bạn hữu và gia đình Cố họa sĩ Bửu chỉ tổ chức bế mạc triển lãm tác phẩm của Bửu Chỉ và giới thiệu tập sách “Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian” tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT, 26 Lê Lợi thành phố Huế.


    Cuốn sách là tập hợp bài viết của chính Cố họa sĩ lúc sinh thời về hội họa, văn hóa và hàng chục bài viết về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của Cố họa sĩ Bửu Chỉ qua những góc nhìn của bạn bè bằng hữu, người thân, các nhà nghiên cứu mỹ thuật, báo chí...


    Họa sỹ Đặng Mậu Tựu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phát biểu

    Sách dày dặn gần 400 trang, chia làm ba phần chính: Phần thứ nhất “Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời”, là các bài viết của Cố họa sĩ Bửu Chỉ; Phần thứ hai: Bửu chỉ qua các lăng kính gồm các bài viết phê bình, giới thiệu, khảo cứu về tranh Bửu Chỉ, và những “kí ức trần gian” của những ai yêu quý họa sĩ tài hoa này; Cuối cùng là một số tác phẩm và ảnh tư liệu của Cố họa sĩ Bửu Chỉ.


    Nhà thơ - nhà giáo Bửu Nam nói về Cố họa sĩ Bửu Chỉ và tập sách

    Được biết, để có được tập sách quý này, nhóm thực hiện gồm nhà thơ - nhà giáo Bửu Nam, cô Phạm Thị Anh Nga và gia đình nỗ lực sưu tầm, đặt bài, biên soạn trong thời gian ngắn. Đây là một công trình tiêu biểu, toàn diện về Cố họa sĩ Bửu Chỉ, ra đời đúng dịp kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông.


    Đông đảo bằng hữu, anh em văn nghệ sĩ tham dự buổi ra mắt tập sách

    TG


    mardi 5 février 2013

    Thế giới siêu thực trong “Ngụ ngôn của người đãng trí” của Ngô Kha


    PHẠM THỊ ANH NGA

    Tiếp xúc với trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí” (1969) của Ngô Kha, bên cạnh sự khâm phục và ít nhiều đồng cảm, người đọc dễ dàng có cảm giác từng bước lạc vào một mê cung rối rắm, một thế giới lạ lùng tựa như mê hồn trận, đan xen giữa thực và mơ, hiện thực và ảo giác. Trường ca “Ngụ ngôn…” khá dài, gồm tất cả 788 câu thơ. Ngoại trừ sự phân chia thành tám trường đoạn, được đánh số La Mã (từ I đến VIII) nhưng không có nhan đề riêng, độc giả không tìm được ở đâu một dấu hiệu hay mốc cụ thể nào hầu có thể bấu víu vào mà giải mã: hầu hết các câu thơ đều không có dấu chấm câu, chữ đầu câu không viết hoa, câu từ nối kết với nhau như xâu chuỗi những hình ảnh, câu chuyện dường như núm níu nhau một cách lạ lùng nhưng liền mạch.

    Vận những đặc trưng của thơ siêu thực như đã được André Breton định nghĩa năm 1924 vào việc quan sát “Ngụ ngôn…”, có thể nhận ra trong suốt chiều dài của bản trường ca sự hiện diện ở nhiều chiều kích của thơ siêu thực, và điều này phần nào giúp chúng ta tìm được cho mình một mạch đọc tương thích với bản trường ca.
    Chủ nghĩa siêu thực (Surréalisme) là một trường phái nghệ thuật cách tân phát triển ở Pháp vào giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20, mà nhà thơ André Breton là người đề xướng và giương ngọn cờ đầu. Nhà thơ Guillaume Apollinaire đặt tên cho trường phái mới đó là “siêu thực”, và chủ trương của nó thì được A.Breton nêu rõ trong “Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực” (1924). Theo đó, lời nói, văn bản hay một hình thức thể hiện nào khác cũng đều phản ánh quá trình hoạt động thực sự của duy. Tư duy thế nào thì thể hiện ra thế ấy, mà lý trí không hề kiểm soát hay can thiệp, cũng như không có bất kỳ mối quan tâm nào về mặt mỹ quan hay đạo lý. Dấu hiệu để nhận biết thơ siêu thực là lối viết tự động, những hình ảnh vụt lóe lên bất ngờ, từ ngữ va đập nhau một cách sáng tạo, những kết hợp ngôn từ quái lạ… Trào lưu nghệ thuật này tập hợp không chỉ những nhà thơ, mà cả các họa sĩ cùng thời. Trong các họa phẩm của họ, hiện thực và giấc mơ được đặt chồng lên nhau, đan xen lấy nhau với nhiều hình ảnh bất ngờ, đáng kinh ngạc về thực tại. 
    Xem xét “Ngụ ngôn…”, có thể thấy trường ca này thể hiện rất nhiều đặc trưng của thơ siêu thực, tập trung vào hai mảng chính là sự khước từ thực tại và tính lô-gic, sự hiện diện của những giấc mơ, của vô thức trí tưởng tượng

    1. Sự khước từ thực tại và tính lô-gic
    Trong “Ngụ ngôn…”, thực tại chỉ thi thoảng hiện ra và len, lẫn giữa muôn vàn những ngôn từ, câu cú, hình ảnh kỳ dị, những liên tưởng bí ẩn và xâu chuỗi lạ lùng khiến nó ít nhiều bị che lấp.
    Từ “nét mặt hiền hòa bất động của em là một chi tiết thuộc về thực tại, đến “tôi thấy nốt ruồi son chói lọi” dường như đã là một sự vượt thoát, để sau đó những hình ảnh tiếp theo lại hiện ra như trong giấc chiêm bao huyền ảo, thậm chí kỳ quặc:
    trên nét mặt hiền hòa bất động của em
             tôi thấy nốt ruồi son chói lọi
    tiếng chim sành hót trong tiềm thức người say rượu
    vỏ cây nứt một loài hoa vô sắc                                       (c.79-82)
    Những hành động, sự kiện tưởng như bình thường trong dòng tự sự cũng đã thoát ra khỏi khung cảnh thực tại và có vẻ phi lô-gic:
    người say rượu cắm hoa immortel lên vết thương
    và vết thương nẩy lộc
             trong tấm áo cỏ khô mùa hạ
    người say rượu đắp bùn lên trái tim                                 (c.68-71)
    Rất nhiều những hành động dị kỳ, những hình ảnh dị kỳ, đặc biệt là nhiều trường hợp ngôn từ và hình ảnh được kết hợp một cách bất ngờ, tạo nên hiệu ứng và sức hút bí ẩn:
    người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ        (c.85)
             người say rượu uống hỏa châu
    đội mũ triều thiên
    người say rượu bước vào công viên dã tràng
    mây hồng hoang mở ngõ
    giữa khu rừng mộng mị của người thiếu nữ da đen          (c.30-34)
    Cách sử dụng ngôn từ bằng cách đặt cạnh nhau những từ ngữ tưởng chừng như rất “chỏi nhau, không thể nào tương thích cũng là đặc trưng của thơ siêu thực. Bởi câu thơ không còn tuân thủ những lề luật cứng nhắc mà được chính mạch suy tư, cảm quan của nhà thơ vạch đường, gợi ra thành những xâu chuỗi ngôn từ, hình ảnh đầy ấn tượng (“tuyết đen”, “những dòng chữ chảy từng hàng não sống”, “khoảng vô hình nhìn tôi”…):
    mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp                                        (c.74)
    tôi hay nói chuyện về những dòng chữ ngụ ngôn
             những dòng chữ chảy từng hàng não sống
    trên chiếc máy in hùng hồn của thác nước
    những dòng chữ khai sinh                                              (c.99-102)
             tuổi thơ của tôi
    chỉ là những đốt xương trắng                                          (c.145-146)
             tôi bẻ nhánh xương rồng quơ lên hư không
    người con gái ho khúc khắc rất đau đớn
    tôi chạy theo cánh sao cỏ mùa
    người con gái biến đi mất
    bây giờ chỉ còn sa mạc
             và khoảng vô hình nhìn tôi vĩnh viễn                               (c.155-160)
    Bản thân nhà thơ cũng phân thân thành hai, ba thực thể, nhân vật: không chỉ ở chỗ vừa là “tôi” vừa là “người đãng trí”, vừa là “người say rượu” hay “đứa con trai”…, mà những nhân vật được tách chiết ra từ chính nhà thơ cũng tiếp xúc, đối thoại với nhau, tương tác với nhau như thể đang cùng tồn tại trong một thế giới huyền thoại nào đó:
    Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
    đọc diễn văn truy tặng người đãng trí                              (c.1-2)
             tôi và người say rượu hát bài ngụ ngôn                           (c.20)
    tôi cầm tay người say rượu nói về trái đam mê              (c.43)
             người say rượu cầm tay đứa con trai
    gọi tên ngày ra đời
    đứa con trai giằng co với người say rượu
    cả hai đi khỏi vùng ảnh hưởng của dòng sông              (c.50-53)
             tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
    không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
    chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh         (c.75-77)
    Bản thân “tôi” cũng có th  ể là hai thực thể tách lìa:
    tôi bỏ một mình tôi ở lại                                                    (c.110)
    tôi đuổi bắt tôi
             chập chờn cơn ác mộng                                                   (c.149-150)
    Không - thời gian cũng không còn đơn thuần của thực tại mà được bóc tách thành không - thời gian của hiện thực và không - thời gian của ảo giác. Ở đó con người dịch chuyển qua lại dễ dàng giữa không - thời gian thực tại và không - thời gian huyền ảo:
    cây đàn thủy tinh chở tôi qua dãy núi
    đi thăm kỷ niệm                                                             (c.123-124)
    tôi cỡi lạc đà qua rừng gió                                              (c.126)
    tôi biền biệt trôi đi
             trong hoàng hà tĩnh vật                                                   (c.219-220)
    Và cùng với hiện tại, trái với lẽ thường, còn có sự đồng hiện của tương lai và quá khứ, ở đó thực tại của hiện tại và thực tại của tương lai và của quá khứ hòa lẫn vào nhau như trong giấc chiêm bao hay trong trí tưởng tượng:
             người say rượu hát bài trần tấu kẻ bán than
    những tiếng trầm dấu tích thời đá cũ                               (c.40-41)
    chiều đóng cổng giam cầm năm đứa con trai
             trong khu vườn tiền sử                                                   (c.44-45)
    dòng sông đen bắc cầu qua núi
    với con voi ngà thời thượng cổ
    hai chiếc sừng tráng lệ                                                   (c.242-244)
             mạch đất quê hương giờ lạnh rồi
    sao mắt mẹ còn mở
    sách trên án thư cũng ngủ khuây
    nhưng hồn mẹ vẫn thao thức
    con đã đi bao năm
             mẹ không rời ngưỡng cửa
    và nay
    gió cũng tang bồng
    nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu.             (c.780-788) 

    2. Sự hiện diện của những giấc mơ, của vô thức và trí tưởng tượng
    Câu thơ nối câu thơ, từ nối từ như tuôn chảy từ một mạch nguồn vô tận những ngôn từ, hình ảnh, từ ảo mộng đa chiều, đa sắc màu, đa hình tượng và lung linh huyền thoại, là cái bóng hắt trực tiếp từ thế giới vô thức của một kẻ mộng du hay người bị thôi miên. Và ở đó lý trí, tính lô-gic thông thường hoàn toàn vắng bóng:
    nhà mọi người giờ nầy đã úp mái
    chỉ có bầy gà hoang đẻ trứng vàng trên tàng cau             (c.111-112)
    ôi hỏa mù và trái sáng
    cơn mưa hồng trên thịt da người
    đêm đêm căn phần đóng ngõ
    chỉ có khúc ai từ mọc trên cánh đồng quê                          (c.266-269)
    con sư tử đá nửa khuya thức dậy khoác áo ngũ hành
             đi thăm miền tĩnh vật                                                               (c.394-395)
             người hành khất già nua
    trên cằm mang một chùm sao Bắc đẩu                           (c.555-556)
             nước mắt chỉ là vị cường toan
    phòng thí nghiệm chiến tranh chứa đầy thức ăn
    cho người yếm thế                                                         (c.620-622)
    nếu bể không có những đứa con ngang tàng
             như con sao biển đã đi qua nhiều đại lục
    nếu bóng tối chẳng hiểu gì
    tiểu sử về mái tóc em
    thì quả đồng hồ
    chỉ là một trái cam
             dành cho người bệnh
    thôi
    em hãy châm lửa đâm mù mắt tôi
    xin đừng căng dây đàn trái đất nầy                                 (c.714-723)
             tôi chỉ còn hồn tôi trong gió lốc cuồng si
    với vần thơ hoang đường cưu mang nhục thể
    như khúc hát độc huyền của kẻ câm
    xin đừng trách tôi là người phù thủy                                (c.760-763)
             tôi đi qua khu rừng không dấu tích
    ba vành khăn tang lơ lửng ngó cành cây
    dòng sông đen bắc cầu qua núi
    với con voi ngà thời thượng cổ
    hai chiếc sừng tráng lệ
             và hai chiếc lưỡi lê
    tôi bước xuống tầng cấp cuối cùng
    cơn say đã thức dậy
    không thấy nàng thơ khổ hạnh
    chỉ có người con gái cài trâm lên đầu cho giấc mơ (c.240-249)
    Không còn những rào cản của lề luật thi ca, những câu thơ trở nên tiếng nói bộc bạch của giấc mơ, trí tưởng tượng, của hoang tưởng, của giấc chiêm bao mộng mị mà chính nhà thơ cũng phần nào ý thức:
    giữa khu rừng mộng mị của người thiếu nữ da đen      (c.34)
    người con gái mộng mị chiến tranh                                 (c.57)
    thời khắc dài như đường bay ác mộng                            (c.150)
    tôi đuổi bắt tôi
             chập chờn cơn ác mộng                                                     (c.149-150)
             tôi ăn quả trứng vàng mộng mị                                         (c.185)
    giữa tuần trăng  
    cây sầu đông bỏ lại
    cơn mộng du của người đãng trí dưới mưa rào              (c.222-224)
    Ở đó thực tại thi thoảng lại vụt lóe lên (“chiếc nhẫn hỏi không còn”, “chiếc nhẫn cưới bay mất”, “tôi cũng không còn cuộc hôn nhân kỳ dị”):
             cơn hạn hán dẫn tôi đi khỏi vùng cấm địa này
    chiếc nhẫn hỏi không còn
    người con gái móc mắt tôi ném xuống hồ thủy ngân        (c.170-172)
             con đà điểu cắp cánh tay người yêu tôi đi
    chiếc nhẫn cưới bay mất
    tôi cũng không còn cuộc hôn nhân kỳ dị
    người con gái đâm mù mắt tôi
    bằng hai quả trứng vàng                                                 (c.180-184)
    cuộc hôn phối đa đoan của đời mình                               (c.712)
    … hay thấp thoáng mơ hồ nhưng đoán định được (“cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần”):
             cuộc giang hồ có ngàn lần ái ân
    nhưng con đà điểu đã che mất huyền thoại
    cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần
    con đà điểu đập cánh ăn năn
    nỗi vô vọng hồi sinh trong gió                                         (c.190-194) 

    3. Cái chết, nỗi ám ảnh khôn nguôi
    Trong dòng tuôn chảy liền mạch của ngôn từ và ý tưởng, với những liên tưởng lạ lùng và bất ngờ đó, hình ảnh cái chết cứ khi ẩn khi hiện, trở tới trở lui và rải khắp trong suốt chiều dài của bản trường ca. Những từ “chết”, “cái chết”, “tử thần” và những ngôn từ liên quan xuất hiện tương đối dày trong bản trường ca lột tả được nỗi ám ảnh thường trực về cái chết, những âu lo sâu kín và liên tưởng mộng mị từ trong vô thức của nhà thơ.
    Từ “chết” xuất hiện khá nhiều, phần lớn tập trung ở nửa sau bản trường ca:
    người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ      (c.85)
    tấm bảng chỉ đường có hình con ngựa ô
    mang tên em nằm chết trên bụi cỏ                                  (c.236-237)
    đứa con trai khoác áo chim hồng bay qua đỉnh núi
    với cái chết từ bi như thạch cao                                     (c.313-314)
    tình yêu là xác chết                                                          (c.383)
    bây giờ em chết đi                                                           (c.421)
    tôi sẽ chết như mùa đông trút lá cây hờn tủi                (c.431)
    nhiều cô gái ẩn ức đã chết đi                                          (c.488)
    Trong mỹ từ của người đã chết
    người đang chết
    và những người sắp đi vào cõi chết                                (c.582-584)
    tổ tiên ta chết đi làm phân bón                                         (c.592)
             tự sát bằng cô đơn nên chẳng bao giờ chết                   (c.600)
             người lính bồng súng chào cái chết của một ngày        (c.619)
             kiểm điểm chuyện thần thoại của bể dâu
    bao nhiêu trùng dương đã chết rồi                                   (c.650-651)
    cái chết lạc quan không được mọi người nhắc nhở      (c.704)
    Về những từ ngữ khác liên quan đến cái chết, nếu cụm từ “đoàn tử tù” được nhắc đi nhắc lại đến 14 lần trong trường đoạn VII (c.479-586 (*)), thì những từ ngữ còn lại (“truy tặng”, “chúc thư”, “tuẫn tiết”, “chiến tranh”, “tử thần”, mộ phần”, “tử thi”, “vành khăn tang”, “căn phần”…)  đã xuất hiện từ những câu thơ đầu tiên và trải dài trong suốt bản trường ca:
    Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
    đọc diễn văn truy tặng người đãng trí                              (c.1-2)
    tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu              (c.8)
    tiếng dương cầm của hoa lài
    tuẫn tiết                                                                         (c.48-49)
    người đàn bà ngồi trên công viên
    tay cầm con sư tử đá
             ra lệnh chiến tranh
    cơn say đến giáp mặt tử thần                                         (c.63-66)
    người con gái lặng im nghe chúc thư                              (c.88)
    cánh tay người yêu tôi đã xây mộ phần                           (c.192)
    bầy quạ vàng là tử thi của hai người bạn                                     (c.204)
             tôi đi qua khu rừng không dấu tích
    ba vành khăn tang lơ lửng ngó cành cây                         (c.240-241)
    đêm đêm căn phần đóng ngõ
    chỉ có khúc ai từ mọc trên cánh đồng quê                       (c.268-269)
             cỏ còn xanh như ánh mắt tử thần
             nhạc giáo đường trôi trên thi thể của hoàng hôn
    của hư vô của niềm tuyệt vọng cháy sáng                      (c.290-291)
    con muỗi mắt tuyệt mệnh trên cánh hoa phù dung        (c.306)
    tôi lớn lên để tiễn đưa bạn bè từ giã cuộc sống              (c.310)
    bốn bức tường tuyệt mệnh chôn vùi vết chân chim
    khi trăng non rụng trên tấm hình hài rã mục
    em ôm vành khăn tang
    cúi đầu làm người con gái Việt Nam                                (c.316-319)
    tên em trên tảng bia                                                             (c.341)
    đêm đêm
    tiếng chó tru linh hồn                                                          (c.371-372)
    có ai gọi hồn trong tiếng hú khuya                                   (c.379)
    những nến trắng tiễn chân người chiến sĩ về hư vô      (c.401)
             nấm đất ải khô dành riêng cho bè bạn
    nhỡ mai nầy từ giã cuộc đời
    với bàn tay vôi đá…                                                           (c.405-407)
    tiếng trống não nùng vang động bờ vĩnh cửu
    mưa đá nhẹ nhàng rơi vào cõi vô biên                           (c.563-564)
    nhạc giáo đường đưa vòng hoa tiễn chân                     (c.597)
    trên con tàu của người tử tội                                            (c.607)
    hằng đêm thèm tự sát                                                    (c.610)
    những con sông chảy qua cánh đồng mang thây người    (c.612)
    hai mươi bốn giờ đi qua những tử thi còn mở mắt
    có những người lính âm thầm đưa chân dung mình đến huyệt (c.616)
    than đá thao thức đọc kinh cầu nguyện
             cho những người khuất mặt                                            (c.639-640)
    mắt hư vô lạc vào khu nghĩa địa
    con chó sói sợ hãi linh hồn trên đọt cây                          (c.663-664)
    trên cánh đồng không có hoa
             không có người
    chỉ có chim ác là đậu trên những đốt xương                    (c.674-676)
    mặt trời thổ huyết giữa rạng đông
    chiếc xe tang chở cánh sao ban mai vĩnh biệt                 (c.684-685)
    ngày ngày mặt trời giết ta
    bằng con dao tự sát của hoàng hôn                                (c.691-692)
    tên mọi người đã ghi vào viên đạn
    quê hương lầm than chỉ có chiến tranh                            (c.697-698)
    làn nước bạc kia chỉ là con dao của người tự sát
    đã bỏ quên                                                                            (c.746-747)
    v.v..
    Và cứ thế, những u uẩn bên trong vô thức, những giấc mơ, ảo giác và những ám ảnh nối nhau hiển lộ trong bản trường ca của nhà thơ, một người đãng trí tự nguyện, có chủ ý, trước những bế tắc của vận nước và tình riêng mà chính mình chưa tìm ra lối thoát. 



    *
    Với trường ca “Ngụ ngôn…”, đọc và thử giải mã nó trước nay vẫn là một thách đố cam go, một thử thách không dễ gì vượt nổi. Như trước một trận đồ bát quái, mỗi người tự vạch lối đi cho chính mình. Nếu đối với nhà thơ siêu thực, bài thơ là kết quả của một cách viết tự động, của sự tuôn trào liền mạch do tư duy trực tiếp sai khiến, điều khiển, thì với người đọc, lần tìm dấu vết những mạch ý tưởng đó là một quá trình nhẫn nại mày mò nhằm nhận diện, bóc tách, tập hợp… đầy gian nan và run rủi.
    Vạch được một lối đi trong thế giới hỗn mang đó, dù một cách mơ hồ, cũng đã là bước đầu khám phá, thấu thị, dẫu có khi đó chỉ tuyền là ảo ảnh.
    Nhưng ngay trong cuộc đời này, giữa thật và ảo, giữa thực và mơ, có phải bao giờ cũng có thể tách bạch, rạch ròi… Và có phải bao giờ cũng cần phải thế hay không.

    P.T.A.N.
    ------------------------------------------
    (*) Cụ thể là các câu thơ 479, 482, 501, 511, 518, 551, 560, 562, 565, 566, 575, 576, 585, 586

    Bài đăng trong tập sách « Ngô Kha, Hành trình thơ - hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu », NXB Hội Nhà Văn 2013, tr. 44-51

    Jeanne d'Arc 1960-1973

    Jeanne d'Arc 1960-1973
    classes de 7e et de 8e

    classe de 4e

    ENS de Hué 1973-1977

    ENS de Hué 1973-1977
    4e année

    Université de Rouen 1996-1997

    Université de Rouen 1996-1997
    salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

    dernier cours de méthodologie 1997

    Université de Rouen 1999-2000

    Université de Rouen 1999-2000
    soutenance de thèse

    avec Anh Hai

    ... et les copains copines

    ENS de Hué 2003-2004

    ENS de Hué 2003-2004

    Université d'Hélouan - Égypte 2004

    Université d'Hélouan - Égypte 2004

    Bangkok 2006

    Bangkok 2006

    ESLE de Hué 2006-2007

    ESLE de Hué 2006-2007

    Siem Reap 2007

    Siem Reap 2007
    anciens Rouennais

    chez Minh 2008

    chez Minh 2008

    Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

    Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

    Vientiane 2008

    Vientiane 2008
    Avenue Lane Xang

    Université Nationale du Laos

    Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

    Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


    đăng quang 2008

    đăng quang 2008

    kỷ sửu 2009

    kỷ sửu 2009
    đền huyền trân

    trúc lâm thiền viện

    chez phan thuận an 2009

    chez phan thuận an 2009

    dans le soleil et dans le vent

    thả thơ 2009

    thả thơ 2009
    trên sông Hương

    tiến vào chung kết

    Fai Fo 2009

    Fai Fo 2009

    canh dần 2010

    canh dần 2010
    chùa Từ Lâm

    phật tử Quảng Viên

    phật tử Quảng Viên
    chùa Tịnh Giác

    Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

    Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
    Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú