Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

lundi 28 novembre 2011

NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ CỦA ĐOÀN THỊ KIM LOAN (ĐH KHOA HỌC - ĐẠI HỌC HUẾ 2011)


BẢN NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ

(Dành cho Cán bộ phản biện)


Tên đề tài: ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ALLER” TRONG TIẾNG PHÁP VÀ CÁCH CHUYỂN DỊCH SANG TIẾNG VIỆT

Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC Mã số: 60.22.01

Học viên thực hiện: ĐOÀN THỊ KIM LOAN

Họ và tên, chức danh khoa học, học vị của người phản biện: PGS.TS. PHẠM THỊ ANH NGA





NỘI DUNG NHẬN XÉT


1. Về hình thức của luận văn


Luận văn thạc sĩ của học viên Đoàn Thị Kim Loan gồm 98 trang (không kể phần Phụ lục), với Phần mở đầu (4 trang), Phần kết luận (3 trang). Nội dung chính (85 trang) được phân bố tương đối hợp lý cho 3 chương. Nhìn chung, luận văn được trình bày và phân bố mạch lạc, đúng qui định. Câu cú khá chặt chẽ, ý tưởng diễn đạt rõ ràng.


Một số chi tiết lẽ ra có thể làm tốt hơn:


- Khi trích, dẫn ngữ liệu (tiếng Việt và đặc biệt là tiếng Pháp), cần in nghiêng, đậm, in hoa hoặc sử dụng dấu ngoặc kép (VD: tr. 35-38, 76).

- Sau những trích dẫn về lý thuyết (khá dài) đã dịch sang tiếng Việt của các tác giả Pháp, nếu muốn chèn thêm nguyên văn tiếng nước ngoài, thì nên đưa xuống phần chú thích dưới trang, để mạch đọc của người đọc không bị gián đoạn. (VD: tr.6,20,21,24). Có chỗ trích dẫn thiếu chính xác (đầu tr.23).

- Trong chương 3, khi so sánh ngữ liệu tiếng Pháp và tiếng Việt, nên chia nội dung thành 2 cột hay sử dụng bảng đối chiếu.

- Trong thư mục tham khảo: (1) cần phân biệt giữa tài liệu tham khảo và ngữ liệu (từ điển được xếp vào mục Tài liệu tham khảo nhưng trong luận văn lại được khai thác như ngữ liệu), (2) cần ghi rõ trong các sách sách nào là sách song ngữ (VD: Les étoiles et autres contes…), (3) cần thống nhất cách ghi tác giả, tên sách, tên người dịch… (đặc biệt tr. 98, TL 80: ai dịch?).

- Một số sai sót về chính tả và diễn đạt trong tiếng Việt và tiếng Pháp (2 trường hợp cần nêu nhất: tr.42, 98, tên tác phẩm “Toutes les choses qu’on ne s’est pas dites” (viết là “n’est pas…”), tr.19, 21, tên tác giả Marianne Lederer (được viết thành Ledeler).

- Mục lục của Luận văn (ở những trang đầu) không nêu được một số đề mục nhỏ được đánh số trong luận văn (VD: 1.1.2.1.). Nên chăng có thêm 1 mục lục chi tiết ở cuối luận văn, ở đó tất cả các đề mục nhỏ nhất đều được liệt kê đủ, như cách làm của một số cơ sở đào tạo thạc sĩ nước ngoài mà chúng ta có học tập và áp dụng ở một số chuyên ngành đào tạo trong nước.


2. Về tính thời sự, ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận văn


Đề tài nằm ở vị trí giao thoa giữa một số chuyên ngành tiệm cận thuộc ngôn ngữ học (từ vựng học, ngữ nghĩa học, ngữ dụng học, ngôn ngữ học đối chiếu…), và một phần của từ điển học và lý thuyết dịch.


Luận văn góp phần giải quyết một khía cạnh hay, thú vị, chưa được khai thác trong nghiên cứu và đối chiếu ngôn ngữ. Nếu thực hiện tốt, luận văn có thể đóng góp vào việc nghiên cứu và đối chiếu những từ tương đương giữa các ngôn ngữ khác nhau, trong những ngữ cảnh và tình huống sinh động, đồng thời gợi mở những cách tiếp cận hiệu quả trong dạy và học tiếng Pháp.


3. Về phương pháp nghiên cứu, độ chính xác của các tính toán, độ tin cậy của các số liệu


Nhìn chung, hướng tiếp cận và giải quyết nhiệm vụ đề ra của luận văn là thoả đáng, khi cố gắng vận dụng cơ sở lý thuyết về từ vựng - ngữ nghĩa, các thao tác và qui trình biên dịch để khai thác ngữ liệu và rút ra những đặc trưng ngữ nghĩa của động từ “aller” trong tiếng Pháp và phân tích cách chuyển dịch ra tiếng Việt. Đó là hướng đi đúng, đáng ghi nhận và nên đánh giá cao.


Ngoài các phương pháp đã liệt kê, còn có thể kể thêm phương pháp tổng hợp và phương pháp so sánh, đối chiếu là những phương pháp được tác giả thực sự vận dụng trong luận văn này.


Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tác giả có một số lựa chọn chưa thực xác đáng ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, cụ thể là:


- Từ điển wikipedia trên internet chỉ nên là một đường dẫn, từ đó người nghiên cứu cần tiếp cận với những tư liệu đáng tin cậy hơn. Trong thư mục tham khảo, hơn một nửa số tư liệu tham khảo trên internet được nêu là từ wikipedia.

- Về cơ sở lý luận, tác giả hơi sa đà vào những nội dung ít liên quan đến nhiệm vụ của luận văn, trong khi không đề cập hoặc chỉ đề cập sơ sài đến một số nội dung khác. Chẳng hạn nên tập trung trình bày các phạm trù rất đặc trưng liên quan đến động từ “aller” trong tiếng Pháp, cần thiết cho một người không biết hoặc biết ít về tiếng Pháp, hơn là bỏ nhiều công để luận giải về định nghĩa của từ, cụm từ cố định, cụm từ tự do. Hoặc về lý thuyết dịch, nên đặt trọng tâm vào các thao tác và quy trình dịch, cách phân loại các kiểu dịch thuật, còn lịch sử dịch thuật (tr.21) thì so với vấn đề cần giải quyết lại không mấy liên quan. Nhu thế mới tránh được sự dàn trải.

- Khi phân tích đặc điểm ngữ nghĩa của động từ “aller” trong chương 2, tác giả chưa khai thác được nguồn thông tin đáng tin cậy của các mục từ trong Từ điển, đặc biệt là Từ điển đơn ngữ “Le Nouveau Petit Robert” (PR) của tiếng Pháp, là từ điển có độ tin cậy rất cao trong lĩnh vực ngôn ngữ học, xứng đáng có vai trò là tài liệu tham khảo chứ không chỉ là ngữ liệu. Các từ điển khác thì có thể tham khảo thêm, chứ không thể dàn đều các từ điển như nhau như trong luận văn. Trong từ điển PR này, các nghĩa của “aller” được đưa ra trong mục từ không phải là 28 nghĩa như trong luận văn (tr.31-32), mà được sắp xếp theo tầng bậc, tuỳ theo cấu trúc, như sau: nghĩa I – “aller” như nội động từ, nghĩa II – “aller” như trợ động từ, III – động từ phản thân “s’en aller”. Nội động từ “aller” gồm các nghĩa A, B, C, nghĩa A gồm 6 trường hợp, mỗi trường hợp là 1 cấu trúc riêng biệt; tương tự như thế nghĩa B cũng gồm 8 trường hợp hay cấu trúc… Tất cả các nghĩa này đều được xác lập dựa trên cấu trúc, ngữ cảnh xuất hiện của động từ “aller”. Tóm lại, con số 32 nghĩa của động từ “aller” như được xác định trong luận văn (tr.30, 64) là không ổn.

- Tác giả luận văn đã không phân biệt được giữa nghĩa của động từ “aller” và nghĩa của các cụm từ hay ngữ, như “aller contre” (đi ngược lại), “aller de soi” (hiển nhiên), “aller droit au cœur” (đi thẳng vào tim, làm cảm động)…, thậm chí “s’en aller” (ra đi), “laisser aller” (lơ là, chễnh mảng), “se laisser aller” (buông xuôi)… Bản thân “aller” thì không thể có những nghĩa đó. Ngoài ra, trong luận văn đã không thấy rõ sự khác nhau giữa nghĩa của từ (có tính quy ước trong một ngôn ngữ) và cách chuyển dịch qua một ngôn ngữ khác (thuộc một quy ước khác, trong một ngôn ngữ khác) (VD: tr.53-63). Từ những nhầm lẫn đó các bảng tổng hợp, kết quả nghiên cứu, kết luận đã không tránh được những sai lệch đáng tiếc. Lẽ ra, xuất phát từ nghĩa của các cụm từ được cấu tạo với “aller”, và từ những cách chuyển dịch khác nhau trong tiếng Việt của động từ “aller” và các cụm từ đó, tác giả có thể tìm hiểu và rút ra những đặc trưng ngữ nghĩa của động từ “aller” (chẳng hạn nghĩa biểu niệm hay nghĩa hệ thống của “aller”, hoặc trường nghĩa (champ sémique) của nó.


4. Về kết quả nghiên cứu và đóng góp của luận văn


Đây là một luận văn được dụng công rất nhiều, thu thập được nhiều ngữ liệu dồi dào, phong phú. Có lẽ do quá tham vọng và ôm đồm, cũng như có những định hướng chưa đúng mà kết quả đạt được chưa thật cao. Theo tôi, lẽ ra tác giả nên toàn tâm vào nhiệm vụ chính, không quá dàn trải với những chi tiết không thật sự cần thiết. Chẳng hạn việc xác định tỷ lệ xuất hiện của từng cách chuyển dịch từ tr.66, sau đó có chỗ lại thiếu, chỉ ghi “%” mà không có con số đi kèm (tr.77). Nhiều trích dẫn tài liệu tham khảo (TLTK) và ngữ liệu cũng chỉ ghi số trang, nhưng không ghi là TLTK hay ngữ liệu nào (VD: tr.2, 61, 62, 71, 76…).

Nên phối hợp các kết quả nghiên cứu về đặc trưng ngữ nghĩa của “aller” qua từ điển và qua văn bản thành một bảng tổng hợp chung, có thể kết hợp cả các cách chuyển dịch ra tiếng Việt. Ở bảng đó cần phân biệt rõ giữa từ và cụm từ, nếu là cụm từ thì ghi rõ từng cụm từ và nghĩa của nó, kèm thí dụ, và từ ngữ tương đương tiếng Việt.

Trong ba chương, theo đánh giá của tôi thì chương 3 là nổi trội nhất và có tính thuyết phục nhất, cũng như có thể xem là có đóng góp đáng ghi nhận nhất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung trùng lặp giữa chương 2 và chương 3, đặc biệt giữa phần 2.2. (Đặc điểm của động từ “aller” trong các văn bản) và chương 3.


Cũng tiếc là một đặc điểm ngữ nghĩa rất thú vị của “aller” gắn với vai trò của người phát ngôn (nói hay viết) đã không được khai thác trong luận văn: đó là “aller” trong thế đối lập với “venir” (đến). Chẳng hạn khi ta muốn bảo một người nào đó đến địa điểm A thì có 2 cái nói : “Viens.” (dùng ĐT “venir”) nếu ta đang ở địa điểm A đó, chỉ khi ta ở 1 nơi khác thì mới nói “Vas-y.” (dùng ĐT “aller”). Cũng như khi chuyển dịch “aller” thành “vào”, “ra”, “về”, “sang”… (tr.73…), chính là do người dịch đã vận dụng những thông tin từ trong ngữ cảnh, tình huống… mà thêm vào cho nghĩa của động từ “aller”. Cũng những trường hợp đó, nếu chuyện dịch ngược trở lại từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, thì hoàn toàn có khả năng sẽ không còn là động từ “aller” nữa, mà là “entrer” (vào), “sortir” (ra), “revenir” (về)…


Khá nhiều nội dung chưa chính xác, tôi chỉ nêu vài trường hợp:


- tr.49, bảng 2.5 (và phần triển khai sau đó) ® các cấu trúc 3 và 4 thật ra chỉ là 1, trong cấu trúc 15 không phải là “participe présent” (hiện tại phân từ) mà là “gérondif” (en + participe présent).


- tr.51, 2.2.2.9. Cấu trúc 9: Sujet (êtres vivants) + aller + avec / sans verbe, với thí dụ là … “…cela ne va pas donc?” ® sujet là “cela”, không phải “êtres vivants” (người).


- tr.52, 2.2.2.14. Cấu trúc 14: Sujet (êtres vivants) + aller + nom, với thí dụ “…de peur de faire en aller mon rêve® kỳ thực ở đây là cụm từ “faire aller”, và trong thí dụ thì “en” bị thừa (hoặc thiếu “s’” (s’en aller).


- tr.59, Nghĩa: marcher – Đi, bước đi, với thí dụ: “Elle ne sait marcher qu’à l’âge de 3 ans. Ba tuổi cô bé mới biết đi® hoàn toàn không có “aller” trong thí dụ này !


- tr.79, Chuyển dịch là Cút đi, xéo đi, với thí dụ : … “Va t’en! – Cút đi!® ở đây không còn là “aller” mà là động từ phản thân “s’en aller” (ra đi, bỏ đi), và phải ở thể mệnh lệnh (impératif), ngôi 2, mới có nghĩa là “đi đi” hoặc nặng hơn là “cút đi, xéo đi”.


5. Về khả năng ứng dụng và hướng phát triển của đề tài


Nếu được chỉnh sửa và bổ sung hợp lý, kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được ứng dụng trong nghiên cứu, đối chiếu các từ tương đương trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, về mặt ngữ nghĩa, cấu trúc, và đặc biệt có thể ứng dụng trong giảng dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam cũng như để đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Pháp với người nước ngoài, chẳng hạn trong khối Cộng đồng Pháp ngữ. Các hướng phát triển của đề tài mà luận văn có đề cập cũng tỏ ra khả thi và hợp lý.


6. Về nội dung và khối lượng của luận văn có đáp ứng được yêu cầu của một luận văn thạc sĩ hay không


Khối lượng công việc theo tôi là quá nhiều, quá nặng cho một luận văn Thạc sĩ, tác giả khó lòng giải quyết hết một cách thoả đáng. Nếu được chỉnh sửa và bổ sung những thiếu sót và sai lệch như đã phân tích ở trên, luận văn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với một luận văn thạc sĩ.


7. Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho học viên bảo vệ


Với những ý kiến và đánh giá như trên, tôi đồng ý để học viên bảo vệ luận văn của mình, và sau bảo vệ tiến hành chỉnh sửa và bổ sung những gì cần thiết.


Kính mong Hội đồng đánh giá luận văn Thạc sĩ đồng ý.


Huế, ngày 12 tháng 11 năm 2011

Người nhận xét

PGS.TS. Phạm Thị Anh Nga



Câu hỏi dành cho tác giả luận văn:


1. Trong phần Tư liệu (trang 97-98), danh mục các tư liệu được sắp xếp theo thứ tự nào? Các cuốn luận Pháp văn ở đây có vai trò gì, được khai thác ra sao?


2. So với những luận văn được thực hiện những năm trước và năm nay về loại đề tài này (Đặc điểm ngữ nghĩa của ĐT … trong tiếng Anh / Nga / Trung… và cách chuyển dịch sang tiếng Việt), tác giả LV tự đánh giá ra sao? Về cơ sở lý luận phải chăng là chỉ lấy lại cái đã có sẵn, và đem ứng dụng cho tiếng Pháp và cho động từ “aller”? Tác giả tự nhận thấy mình có đóng góp gì mới không?



NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ CỦA NGUYỄN THỊ BÍCH THUỶ (ĐH KHOA HỌC - ĐẠI HỌC HUẾ 2011)


BẢN NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ

(Dành cho Cán bộ phản biện)


Tên đề tài: ĐỐI SÁNH THÀNH NGỮ CÓ YẾU TỐ CHỈ LOÀI VẬT TRONG TIẾNG PHÁP VÀ TIẾNG VIỆT

Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC Mã số: 60.22.01

Học viên thực hiện: NGUYỄN THỊ BÍCH THUỶ

Họ và tên, chức danh khoa học, học vị của người phản biện: PGS.TS. PHẠM THỊ ANH NGA







NỘI DUNG NHẬN XÉT


1. Về hình thức của luận văn


Luận văn Thạc sĩ của học viên Nguyễn Thị Bích Thuỷ gồm 89 trang (không kể phần phụ lục). Ngoài các phần mở đầu (9 trang), kết luận (2 trang), danh mục tư liệu tham khảo (5 trang), nội dung chính bao gồm 3 chương, được phân bố tương đối hợp lý về số lượng trang và nhiệm vụ. Cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, mạch lạc, nhìn chung thể hiện được mức độ nắm bắt vấn đề một cách khái quát.


Một số vấp váp có thể tránh được nếu dụng công tốt hơn:


- Khi dùng cách viết tắt, (trước đó) cần ghi rõ từ nguyên dạng là gì (VD tr. 17: TNSS)


- Trích dẫn ngữ liệu (từ, cụm từ hay câu) cần in nghiêng, đậm, hay sử dụng dấu ngoặc kép để phân biệt với nội dung đang diễn giải (VD tr.17, 18…), đặc biệt khi trích dẫn tiếng Pháp trong văn bản tiếng Việt như trong luận văn, tuỳ trường hợp mà cần ghi thêm cách dịch sát nghĩa ra tiếng Việt là gì. Trong luận văn phần lớn các thành ngữ tiếng Pháp được dẫn ra, phân tích hay đối sánh đều không được dịch sát nghĩa (ngoại trừ vài trường hợp như tr. 53).


- Khá nhiều lỗi chính tả, lỗi đánh máy, hay do sử dụng từ không đúng trong tiếng Việt và tiếng Pháp. Một vài trường hợp cần lưu ý nhất: trong tiếng Việt như “ nhục” (tr.75), trung dung (tr.54), ‘mái tây trống’, ‘mái tây mái’ (tr.50), ‘Nguyễn Quan Tu’ (?) (tr.10), trong tiếng Pháp (rất nhiều, chủ yếu là ngữ liệu trích dẫn), các tr. 35, 50, 52, 56, 57, 58, 53, 74, 79…, đặc biệt là ‘Non d’un chien’ (tr.39, 68 thay vì ‘Nom d’un chien’), ‘Quel chien de temps (tr.39, 59, 68 thay vì ‘Quel temps de chien’).


- Khi diễn đạt lại thành câu một ý đã tham khảo, cần thay dấu “ð” trong tư liệu gốc bằng từ chuyển mạch và kết thúc câu cho hợp lý (tr.60).


- Về danh mục tư liệu tham khảo: thứ tự sắp xếp không rõ ràng, riêng tư liệu tiếng Pháp cần xếp theo thứ tự họ, được đặt ra trước (không phải thứ tự tên riêng). Cách ghi các thông tin (NXB, tác giả, tác phẩm…) chưa thống nhất, một số tư liệu thiếu năm xuất bản, chưa chuẩn về cách viết hoa (tên tạp chí, tên ĐH Quốc Gia HN…), về số của tạp chí (TC Ngôn Ngữ).


- Phần phụ lục trình bày khá lộn xộn, nhất là phần đầu, và cũng có rất nhiều lỗi chính tả trong tiếng Pháp và tiếng Việt.


2. Về tính thời sự, ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận văn


Tuy đề tài nghiên cứu nhìn chung không có gì mới mẻ, đã được cày xới khá nhiều trong đối sánh giữa tiếng Việt và các ngoại ngữ Anh, Nga, Trung, nhưng đối với tiếng Pháp thì theo tôi được biết vẫn chưa có công trình nào tầm cỡ được công bố về đối sánh thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật.


Đây là một khía cạnh hay, hấp dẫn, thỉnh thoảng vẫn được sinh viên khoa Tiếng Pháp chọn để làm bài tập lớn, niên luận, khoá luận tốt nghiệp, nhưng ở mức độ đơn giản hơn, kết quả cũng chưa có gì nổi bật. Cách tiếp cận của luận văn có những điểm mới mẻ, đáng ghi nhận, có tính thuyết phục hơn.


Kết quả nghiên cứu nếu hoàn thiện hơn sẽ thực sự có ích cho những người nghiên cứu ngôn ngữ học đối chiếu, những ai quan tâm đến tiếng Pháp (dạy và học tiếng Pháp, giao tiếp với người nước ngoài trong cộng đồng Pháp ngữ). Ngoài ra, nó còn góp phần giúp cho mọi người có cái nhìn rộng mở và hiểu biết đối với sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hoá giữa các cộng đồng người khác nhau trên thế giới.


3. Về phương pháp nghiên cứu, độ chính xác của các tính toán, độ tin cậy của các số liệu


Các phương pháp chung, chuyên ngành, mang tính thao tác như đã được trình bày trong phần mở đầu đã được lựa chọn hợp lý và vận dụng có hiệu quả trong nghiên cứu. Ngoài ra, còn có phương pháp phân tích được sử dụng dù không được nêu tên.


Về tư liệu tham khảo, nhìn chung luận văn đã có định hướng đúng và có danh mục tốt, đủ. Tuy nhiên cần dè dặt hơn với từ điển mở wikipedia (chỉ nên dùng với tính cách trung chuyển để tiếp cận với những tư liệu có độ tin cậy cao hơn). Trang 11 còn nêu 1 “trang mục” của từ điển này với lỗi chính tả (‘wiquiquote’). Ngoài ra, cũng có lúc việc lựa chọn tư liệu tham khảo chưa thật thuyết phục, chẳng hạn có 1 từ điển về thành ngữ tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học lại không được sử dụng ở đây là ‘Từ điển Giải thích Thành ngữ tiếng Việt’ (Nguyễn Như Ý (Cb), Viện NNH, Trung Tâm KHXH và Nhân văn QG 1998, 731 tr.).


Ngoài một vài sai sót, kết quả nghiên cứu nhìn chung là có tính thuyết phục.


4. Về kết quả nghiên cứu và đóng góp của luận văn


Nội dung chính của luận văn bao gồm 3 chương, trong đó chương 2 là chương trọng tâm và chương 3 là nội dung nối dài của chương 2. Chương 1: Tổng quan về thành ngữ (24 trang) – Chương 2: Miêu tả đặc điểm cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa và đặc trưng ngôn ngữ-văn hoá của thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Pháp và tiếng Việt (31 trang) – Chương 3: Đối chiếu cấu trúc, ngữ nghĩa và đặc trưng ngôn ngữ-văn hoá của thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Pháp và tiếng Việt (18 trang). Nội dung các chương được trình bày mạch lạc, hấp dẫn và nhìn chung là đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.


Một số nội dung được trình bày gãy gọn, đầy đủ, đặc sắc: như lịch sử vấn đề trong phần mở đầu (tr.2-6), đặc điểm của thành ngữ tiếng Pháp và tiếng Việt liên quan đến cách phân loại văn hoá của Trần Ngọc Thêm (tr.67…), tính đối ngẫu của thành ngữ tiếng Việt (tr.68).


Một số điểm cần lưu ý, nếu có thể (và tuỳ trường hợp) thì nên chỉnh sửa để hoàn thiện luận văn:


- Trong phần mở đầu, mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ nghiên cứu chưa rõ ràng, nhập nhằng, lẫn lộn với nhau, đặc biệt mục đích 3 thì thực ra chỉ là ý nghĩa, không phải mục đích nghiên cứu.


- Từ / ngữ (cụm từ): Thuật ngữ được sử dụng trong luận văn không rõ ràng, thống nhất, chẳng hạn khi thì ‘thành ngữ danh từ’, khi thì ‘thành ngữ danh ngữ’ (tr.42), với các từ loại khác cũng vậy, người đọc không thấy được là tác giả luận văn quan niệm chúng là giống hay khác nhau. Khi xác định cấu trúc thành ngữ, tác giả cũng thường nhầm lẫn danh từ và danh ngữ, động từ và đông ngữ…


- Trong đối chiếu giữa thành ngữ tiếng Pháp và thành ngữ tiếng Việt, liên quan đến các loài vật giả tưởng, chỉ nêu ‘rồng’ và ‘phượng’ là “thiếu công bằng”, lẽ ra phải khai thác thêm những hình tượng thú vật trong truyền thống văn hoá hay tâm linh của phương Tây, như các con ‘kỳ lân’ (licorne), ‘nhân sư’ (sphinx), ‘nhân ngư’ (sirène), ‘đầu người mình ngựa’ (centaure), ‘chó ba đầu canh ngục’ (cerbère), hay khai thác thêm trường hợp thành ngữ có yếu tố chỉ một số loài vật quen thuộc nhưng mang tính biểu trưng đặc biệt, như con gà trống đối với dân tộc Pháp.


- Một số chi tiết nhầm lẫn:


+ Về cấu trúc thành ngữ: do tác giả luận văn cố gắng chi tiết hoá và sơ đồ hoá các cấu trúc một cách chi ly quá mức cần thiết, nên mọi cái trở nên rắc rối và khó hiểu, khó nắm bắt, thậm chí là bị nhầm lẫn và sai lệch (VD tr. 31, 32 ® 41,42). Đặc biệt ở trang 33 tất cả các cấu trúc đều nhầm lẫn và không ổn. Thực ra cấu trúc thành ngữ tiếng Pháp cũng có nhiều điểm tương đồng với thành ngữ tiếng Việt nên có thể vận dụng cách phân chia trong tiếng Việt để miêu tả thành ngữ trong tiếng Pháp. Và một số cấu trúc thành ngữ đặc biệt như ‘être à cheval sur…’, ‘faire d’un … un …’ thì không nên sơ đồ hoá để tránh những rối rắm không cần thiết và thậm chí sai lệch, do không thể thay thế các từ trung tâm ở đây (‘cheval’, ‘faire’) bằng một từ nào khác.


+ Ý nghĩa thành ngữ có khi được xác định không đúng: tr.21 ‘bête comme âne’ (lì lợm khó bảo), tr.52 ‘thắt đáy lưng ong’ (chê bai), tr.55 ‘cưa sừng làm nghé’ (xu nịnh), tr.63 ‘một tiền gà ba tiền thóc’ (ăn hại), hay lệch lạc trong cách dịch, giải thích thành ngữ tiếng Pháp: tr.57 ‘être bête comme un(e) oie’ (dốt như con ngổng con), tr.58 ‘courir deux lièvres à la fois’ (hai chú thỏ cùng chạy).


+ Có những ví dụ minh hoạ không phù hợp: tr.52 ‘fier comme un coq’ để chỉ đặc điểm con người về sinh học, đặc biệt về xấu đẹp.


+ Trong phần đầu của phụ lục trình bày dưới dạng 2 cột, vừa có rất nhiều lỗi chính tả vừa có một số nhầm lẫn về nghĩa (VD: ‘réveiller un chat qui dort’ (đánh thức con mèo đang ngủ) được giải thích là ‘gợn đục khơi trong’, hoặc ‘prendre le taureau par les cornes’ (nắm con bò mộng ở ngay sừng, đối mặt với hiểm nguy): nắm dao đằng đuôi’)... Một số thành ngữ được kê ra 2, 3 lần, có khi mỗi lần là một nghĩa khác (‘enfermer le loup dans la bergerie’ (nhốt sói vào trong chuồng cừu): nuôi ong tay áo / mỡ treo miệng mèo), thậm chí là mỗi lần có một số lỗi khác: ‘ménager la chèvre et le chou’ được ghi thành ‘ménager la chèvre et la chou’, ‘menager le chevre et le chou’.


- Xác định thành ngữ tiếng Pháp không chú ý đến số lượng các thành tố, sự hài hoà vần điệu (tr.67), hay không có tính đối xứng (tr.69) là thiếu chính xác: có thể ở mức độ thấp hơn so với thành ngữ tiếng Việt, chứ hoàn toàn không thì không đúng. Bản thân tiếng Pháp là một ngôn ngữ phong phú về nhạc tính, người Pháp được xem là một cộng đồng người hiếm hoi có tai rất “nhạy” và “thính”, rất quan tâm đến hiệu ứng âm thanh (nhịp điệu, âm vận…) trong diễn đạt và giao tiếp. VD sự đối ngẫu, vần điệu hay sự trúc trắc cố tình trong các thành ngữ sau: ‘À bon chat bon rat’(mèo giỏi thì có chuột tài), ‘À petit oiseau petit nid’ (chim bé thì tổ bé), ‘À chair de loup dent de chien’(có thịt sói thì có răng chó), ‘sauter du coq à l’âne’ (nhảy từ gà sang lừa).


- Một vài khía cạnh lẽ ra nên được đề cập và khai thác trong luận văn:


+ nguồn gốc của thành ngữ (VD ‘(âne) vêtu de la peau du lion’ ( (lừa) đội lốt sư tử, bắt nguồn từ một chuyện ngụ ngôn của La Fontaine)


+ các biến thể của thành ngữ (‘chó chui gầm chạn’, ‘chó nằm gầm chạn


+ những thành ngữ ‘mới’ được sản sinh gần đây, do ngôn ngữ chuyển biến không ngừng (VD ‘(ngồi sau nải chuối) ngắm gà khoả thân’, ‘gà cãi nước sôi’, ‘chuyện nhỏ như con thỏ’, ‘chán như con gián’)


+ hiện tượng vay mượn giữa thành ngữ tiếng Pháp và thành ngữ tiếng Việt (chẳng hạn ‘chính sách đà điểu’ vay mượn từ thành ngữ tiếng Pháp ‘politique de l’autruche’, hay ‘nước mắt cá sấu’ từ ‘larmes de crocodile’).


- Ngoại trừ vài đoạn có nêu nguồn tư liệu tham khảo, luận văn nhìn chung chưa thể hiện được rõ ràng phần nào, nội dung nào là do bản thân tác giả luận văn tự phát hiện, tự viết, và phần nào, nội dung nào là do tham khảo, tiếp thu từ các tư liệu có sẵn (dùng ngoặc kép khi trích dẫn, ghi rõ nguồn trích dẫn, tham khảo…). Phần kết luận bắt đầu bằng (tr.83) “Luận văn đã chỉ ra rằng…” nhưng thật ra nội dung được nêu lại không phải là kết quả nghiên cứu của luận văn, mà chủ yếu là đúc kết từ những tư liệu tham khảo đã sử dụng. Kết luận cũng lủng củng, thiếu mạch lạc, chưa nêu bật được những đóng góp của bản thân luận văn, những đóng góp tuy không nhiều nhưng vẫn đáng được ghi nhận.


5. Về khả năng ứng dụng và hướng phát triển của đề tài


Đề tài vẫn còn nhiều khía cạnh chưa khai thác, có thể mở rộng nghiên cứu thêm. Ở đây, trong phạm vi nghiên cứu của một luận văn thạc sĩ, tác giả không thể quá ôm đồm và có quyền tự lượng sức mình, chọn những góc tiếp cận phù hợp.


Việc ứng dụng để tăng hiệu quả trong giảng dạy tiếng Pháp, trong giao tiếp với người nước ngoài sử dụng tiếng Pháp là hoàn toàn khả thi.


6. Về nội dung và khối lượng của luận văn có đáp ứng được yêu cầu của một luận văn thạc sĩ hay không


Nội dung và khối lượng công việc của luận văn là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của một luận văn thạc sĩ. Mặc dù có những điểm khiếm khuyết như đã nêu, kết quả cho thấy tác giả luận văn đã rất nỗ lực và có thể nói là thành công trong việc thực hiện luận văn này.


7. Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho học viên bảo vệ


Với những ý kiến và đánh giá như trên, tôi đồng ý để học viên bảo vệ luận văn của mình, và sau bảo vệ tiến hành chỉnh sửa và bổ sung những gì cần thiết.


Kính mong Hội đồng đánh giá luận văn Thạc sĩ đồng ý.


Huế, ngày 22 tháng 11 năm 2011

Người nhận xét

PGS.TS. Phạm Thị Anh Nga



Câu hỏi dành cho tác giả luận văn:


1. Ở chương 2, trang 55 (và trong phần phụ lục), tác giả LV có nêu thành ngữ tiếng Pháp ‘être rat với nghĩa là ‘buộc cổ mèo treo cổ chó’. Đề nghị giải thích rõ thêm nghĩa của thành ngữ này, và cho biết tác giả dựa trên nguồn tư liệu nào.


2. Trong câu “Les chiens aboient, la caravane passe” (Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi), hãy xác định đặc điểm cấu trúc và đặc điểm ngữ nghĩa của câu, vai trò và ý nghĩa của ‘con chó’ trong câu này. Theo tác giả luận văn, đây là tục ngữ hay thành ngữ, vì sao ?



* Cứ liệu để đặt câu hỏi (từ điển Le Nouveau Petit Robert 1993):


1. ‘c’est un rat’: personne avare, pingre (cf par crois. avec les mots de sens voisins radin, rapiat, rapace), ‘à bon chat, bon rat’, ‘petit rat de l’Opéra’, ‘rat de bibliothèque’ (pers. qui passe son temps à fouiller dans les bibliothèques)…


2. ‘Les chiens aboient…’: il faut laisser crier les envieux, les médisants.


samedi 26 novembre 2011

«Chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ ở Đại học Huế» (Thùy Hương, Thừa Thiên - Huế Online)


Đọc được sau gần 9 tháng 'gác kiếm ... qui ẩn'...
Không ngờ vẫn có người nhớ đến mình, dù là ... có nhầm lẫn cái họ.



« [...] Mục đích phấn đấu của cán bộ nữ ở ĐHH chủ yếu vẫn là tâm huyết với nghề. Nói như PGS-TS Phan Thị Anh Nga (Đại học Ngoại ngữ) thì: “Làm giảng viên, muốn dạy một, phải biết mười” nên phải gắng mà học, mà nghiên cứu khoa học. Tất cả những điều đó chính là điều đáng quý, đáng trân trọng ở đội ngũ cán bộ nữ. Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi vấn đề bình đẳng giới đang được đề cao, thì công tác cán bộ nữ ở ĐHH vẫn cần phải được quan tâm nhiều hơn. »
(Thùy Hương, Thừa Thiên - Huế Online)

http://www.baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=69&newsid=20110731093054

jeudi 24 novembre 2011

Thầy Âu : « Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị… » [Phần 4 : Phụ lục]


Nguyên bản bằng tiếng Pháp : Phạm Thị Anh Nga

– Người dịch sang Việt ngữ : Hoàng My


« Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị ; nhưng nếu tôi có thể lưu lại trong tâm trí các trò những tư tưởng đúng đắn và độ lượng thì, với tôi, đó sẽ là phần thưởng ngọt ngào nhất và điều vinh quang nhất.[…] » (Guyau, Thầy và trò)


Bài viết về người cha quá cố của tôi, Thầy Phạm Kiêm Âu, được viết « theo yêu cầu » của một nghiên cứu có chủ đề « Giáo dục nữ sinh và sự hình thành tầng lớp trí thức sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam từ năm 1920 đến năm 1945 ». Có nhiều nguồn tài liệu: các ý kiến thu được qua các bảng câu hỏi, trao đổi email với / giữa các cựu nữ sinh và / hoặc các cựu đồng nghiệp của Thầy Âu, những chuyện kể và các thư từ trao đổi liên quan đến Thầy,... và còn có nguồn tài liệu dồi dào của gia đình chúng tôi. Bài này chủ yếu nói đến hình ảnh Thầy Âu thông qua cái nhìn của các cựu nữ sinh của Thầy, và cũng nhấn mạnh một số nét chính trong cuộc đời Thầy lúc sinh thời.


(Tiếp theo và hết)



PHỤ LỤC


Phụ lục 1:

Danh sách (chưa đầy đủ) các chuyện kể, truyện ngắn, thơ… về Thầy Âu đã được xuất bản


toàn văn:


- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Điếu văn của môn sinh, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.

- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thầy tôi, báo Xuân Khuyến học và Dân Trí, 2005 & Lời tạ từ gửi một dòng sông, NXB Trẻ 2011.

- Hồ Thị Nam Trân, Thầy tôi, Nội san Quốc Học-Đồng Khánh, Tập 2, NXB Đà Nẵng, 2000.

- Lê Thị Hàn, Chi chi cũng tương đối, Lá Thư Phượng Vỹ, 1995

- Nguyễn Hữu Thứ, Huế! “Tôi chọn nơi này làm quê hương!”, Lá Thư Phượng Vỹ, 1995.

- Nguyễn Thị An Tâm, Khóc thầy, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.

- Nguyễn Thị Thu, Lời từ biệt, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.

- Phạm Thị Anh Nga, Mười lăm năm, thơ, Nhật Nguyệt Dấu Yêu, NXB Thuận Hoá 2010.

- Phan Mộng Hoàn, Thầy Phạm Kiêm Âu, Quốc Học-Đồng Khánh, Đặc san Xuân Ất Hợi 1995 & Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.

- Quế Hương, Khoảnh khắc bên ngưỡng lớp, Bài dự cuộc thi viết ngắn “Ơn Thầy”, Tuổi trẻ Chủ nhật, số 39-2002, ngày 6-10-2002.

- Trần Lạc Thư, Con đom đóm nhỏ.

- Trần Nguyên Vấn, Một lá thư đầy tình nghĩa, Đặc san kỷ niệm 105 năm Trường Quốc Học Huế (1896-2001), 2001

- Vương Thuý Nga, Thư của Nga, Lá Thư Phượng Vỹ, 1995.


một phần:


- Hoàng Mộng, Thư từ Bắc Cali, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.

- Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hai đoá hoa quỳnh, Tuyển tập Áo Trắng.

- Lê Bá Vận, Thầy Âu, Thầy Thứ, Lá Thư Phượng Vỹ 2008.

- Minh Lệ, Nhớ các Thày Cô, thơ, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.

- Ngô Thị Ấn, Thương nhớ Thầy Cô, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.

- Ngô Vũ Quỳnh Dung, Ơn thầy, nghĩa bạn, Nội san Quốc Học-Đồng Khánh, Tập 2, NXB Đà Nẵng, 2000.

- Nguyễn Thị An Tâm, Ơn thầy, Đồng Khánh Mái trường xưa, Đặc san kỷ niệm 77 năm thành lập trường, 1994.

- Quỳnh Anh, Đằng sau một số phận, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.

- Trần Thị Mỹ Nhật, Thầy…, Quốc Học-Đồng Khánh, Đặc san Xuân Ất Hợi 1995.

- Trần Thuỳ Mai, Ngày xưa Đồng Khánh, Đồng Khánh Mái trường xưa, Kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996.

- Vương Thuý Nga, Trong ký ức mù sương, Một thời Đồng Khánh, Kỷ yếu của các lớp 1951-1957, 2007.


***

Phụ lục 2:

Một vài bài viết mới về Thầy Âu:


(1) Nguyễn Thanh Trí

Đôi nét về thầy Phạm Kiêm Âu

















Thầy Phạm Kiêm Âu 1954







Thầy Phạm Kiêm Âu 1990 qua nét bút Thanh Trí



Hôm nay nhận được email của em Phạm Anh Nga (ái nữ của thầy Phạm Kiêm Âu), em có ý muốn nhờ chúng tôi ghi lai hình ảnh Thầy Phạm Kiêm Âu trong ký ức của chúng tôi, học trò cũ của thầy. Người thầy mà tôi rất kính, rất thương và cũng rất sợ, mặc dù thầy chỉ dạy tôi môn toán năm Đệ Tứ. Bạn học cùng lớp với tôi năm đó, lên Đệ Tam, Đệ Nhị học với thầy môn Pháp văn, Toán, Lý và Hóa, sẽ viết rất đầy đủ chi tiết những đức tính của nhà mô phạm Phạm Kiêm Âu thầy tôi.


Riêng tôi, xin kể lại một chuyện, tạm lấy đầu đề là "Già cười tươi khóc" vì tôi vừa cười lại vừa khóc, đã xảy ra chớp nhoáng trong lớp Đệ Tứ B1. Hình ảnh thầy còn rõ mồn một trong ký ức, như mới ngày nào thôi. Thế mà nhẩm tính đã hơn nửsa thế kỷ, 56 hay 57 năm trôi qua.


Tôi còn nhớ ngày ấy, nữ sinh các lớp từ Đệ Tứ B1 đến Đệ Tứ B4 mỗi sáng, mỗi chiều đều sắp hàng ngay thẳng ngoài hiên lớp học. Nghe trống điểm thùng ba tiếng, mới bước vào lớp. Vào chỗ ngồi yên, lấy sách vở môn mình sẽ học để trên bàn, im lặng đợi thầy cô giáo đến, đứng dậy chào, thầy cô giáo cho phép ngồi, mới được ngồi. Người bạn ngồi bàn đầu gần cửa lớn ra vào là Lê thị Phương Lan, học giỏi, giỏi nhất là môn toán, rất chăm chỉ. Vào lớp là cặm cụi ôn bài, đôi lúc quên cả đang ngồi trong lớp, quên cả hai cái giò đang duỗi thẳng ra đằng trước khỏi bàn. Tôi cũng đã bị một lần vấp phải xém té, xém bắt ếch trước lớp, trước mặt các bạn thật là dị!!!


Lần này người vấp phải cái chân duỗi ra ấy lại là thầy Phạm Kiêm Âu. Tiếng cười rộ lên từ các bàn phía trên trong đó có tôi. Nhưng rồi chúng tôi im phăng phắc ngay, vì nhìn thấy thầy giận đỏ cả mặt mày, còn Lan sợ tái xanh. Trong lòng mỗi chúng tôi đều thầm nghĩ: thầy thường đi rất nhanh, bước vào lớp quá nhẹ nhàng, nên Lan không kịp thu lại cái giò để đứng dậy chào thầy mới nên nông nỗi này! May thay, thầy không té, chi hơi chao đảo vài bước như người say thôi.


Một thoáng trôi qua. Thầy bước lên bục, miệng không mỉm cười như thường ngày. Đôi mắt trong sáng sau lớp kính cận thị, nghiêm khắc nhìn khắp lớp học. Rồi thầy gọi Lan và bảo "con gái phải có ý tứ, lần sau không được ngồi duỗi thẳng chân ra đằng trước như vậy nữa", có lẽ thấy Lan sợ, thầy thương cảm mà không nỡ lòng la nhiều hay phạt. Nhưng thầy lại nhìn qua hướng tôi và gọi “Thanh Trí đứng lại bị phạt vì tội cười". Rồi thầy cho cả lớp ngồi xuông, mở vở ra chép bài. Vài bạn ngồi bàn trước ngạc nhiên quay lại nhìn, thì quả thực Thanh Trí đang cố ngậm miệng để giấu đi cái cười còn dai dẳng chưa muốn rời khuôn mặt ... (nghịch thầm)!!!


Sau một hồi bị phạt đứng thẳng tại chỗ, tôi đã hết cười, nhưng đôi mắt bắt đầu giọt ngắn, giọt dài. Bỗng thầy nhìn xuống thấy tôi khóc, thầy cho ngồi. Và thầy phán một câu: "con gái mà ... mà ... mà cái gì cũng cười, bị phạt cũng cười thật là … là ... là ...", rồi thầy quay lên bảng viết tiếp. Tôi mừng húm, biết thầy đã hết giận, và thầm cám ơn thầy. Thầy đã mà...mà..., là...là... rồi thầy bỏ lửng lơ câu nói có ý tha cho mấy chữ "vô duyên hay già cười tươi khóc" như mẹ thường hay la, mỗi khi tôi cười giòn mà các chị thì không ai dám cười lớn. Thật tình mà xét xử thì oan cho tôi lắm, chỉ vì cái tánh hay cười, cười rồi khó ngưng lại được như các bạn. Như Thu Sương ngồi cạnh tôi có biệt tài kể chuyện rất có duyên … ai nghe cũng phải cười, nhưng mặt Sương tỉnh bơ, Sương lại biết tánh tôi hay cười, thế là... nhất quỷ nhì ma, có một hôm cô giáo vào lớp trễ, Sương kể nho nhỏ bên tai tôi chuyện gì đó, tôi bật cười ha ha … tôi bị trưởng lớp ghi vào sổ “Thanh Tri làm ồn”! oan ơi là oan mà không sao thanh minh thanh nga dược !


Những năm sau đó, tôi không còn gặp được thầy Phạm Kiêm Âu cũng không còn gặp bạn. Tôi đã xa trường vào Nam học, rồi về học Cao Đẳng Mỹ Thuât Huế. Tốt nghiệp xong, lai tiếp tục học khoa Sư Phạm Hội Họa tại Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Tốt nghiệp khoa này, tôi đi lấy chồng, vào Nha Trang dạy. Rồi biển đổi sao dời... Năm 1975 tôi vào Sài Gòn dạy tiếp. Thời điểm này cũng là lúc tôi trở lại với Hội Họa, với Nghệ Thuật duyên nghiêp của tôi. Cuộc đời vẫn tiếp tục nổi trôi theo vận nước, vận nhà, tôi qua Thái Lan đến Phi Luât Tân vào Bataan, năm 1987 đến định cư tại Mỹ. Nhưng dù ở nơi mô tôi cũng nhớ chuyện xảy ra ngày xưa ấy, để rồi ... nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ nụ cười thơ ngây vô tội hay vô tình của tôi của một thời son trẻ ít nhiều đã làm buồn lòng Thầy tôi! Và tôi không khỏi nở nụ cười giòn trên môi để thầm xin thầy tha lỗi.


Ôi, bao hình ảnh thân thương của quí thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt chúng tôi không những về văn hóa mà còn về đạo đức, từ thuở thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Cho chúng tôi một hành trang quí giá trên đường đời. Qui thầy cô là gương sáng cho tôi soi bóng trong suốt 24 năm đi dạy. Ôi, bao kỷ niệm của một thời trên ghế nhà trường còn đậm nét trong tâm hồn tôi. Giờ đây thầy Phạm Kiêm Âu cũng như một số quí thầy cô khác đã về cõi vĩnh hằng. Tôi xin thành kính đốt nén hương lòng nguyện cầu hương linh quí thầy cô viễn du Tiên Cảnh.


Thanh Trí, Sacramento,CA- USA 3/22/2010


http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/thanhtri.html


-


(2) Nguyễn Anh Phi

Reng reng reng


Giờ học đến rồi

Hãy chạy mau lên

Thầy đang đi trước

Bước sau nửa bước

Thầy cũng không cho

Vòng vo kiếm kế

Xô ngã xe Thầy

Để Thầy loay hoay

Dựng ngay xe lại

Chúng em thoát nạn

Vừa thở vừa cười

Ôi đẹp làm sao

Cái tuổi học trò

Với Thầy kính yêu

Đong đầy kỷ niệm...


-


(3) Nguyễn Thị Hoà

Trường Xưa Phượng Đỏ
- Lớp Đệ Nhất A1


(trích đoạn)


...Môn Pháp văn tôi học thầy Phạm Kiêm Âu. Thầy Âu có phương pháp lưu trữ tư liệu về học trò cũ rất độc đáo. Học trò đã ra trường mấy chục năm trở về vẫn còn dấu tích thầy đang cất giữ. Đầu năm thầy xin mỗi đứa một tấm ảnh 4 × 6 và yêu cầu điền một phiếu điều tra về lý lịch, sở thích và nguyện vọng cá nhân, trong năm học ai có điều gì đặc biệt thầy đều ghi chép và lưu lại. Năm 1982 tôi viết một lá thư thăm thầy và thầy đã hồi âm cho tôi một lá thư dài 12 trang giấy viết tay. Đọc thư thầy tôi xúc động thấy lại một thời tuổi nhỏ, tôi và bạn bè cả lớp qua ghi chép tỉ mỉ của thầy, không thiếu một ai:


Cô học tôi năm 1970 – 1971, ngồi bàn đầu phía lối đi, bên tay phải. Cô ghi thích văn Nguyễn thị Hoàng nhạc Trịnh Công Sơn. Ý thích: ngồi một mình trong phòng và không nói không làm gì cả. Nếu có thể thì thành một bác sĩ, nhưng có lẽ chỉ là mơ! Đệ nhất lục cá nguyệt thầy phê: Giỏi Chăm Cố gắng.” Đê nhị lục cá nguyêt thầy phê: Giỏi – Chăm – Cố gắng. Cô miệng mồm lanh lắm, đáng lẽ thành luật sư mới đúng. (Bởi một lần thầy giận lớp không dạy, tôi thay mặt lớp xin lỗi và năn nỉ hết lời, vả lại tôi là đứa sơ mi Triết của lớp mà!).”


Đây là tư liệu của các bạn tôi trong sổ, thầy chép lại vào thư:


“ Diệu Ái: Đầu hàng lại để ;

“ Minh Chi: Sáng 3/4/71 cùng với Thí dùng một cây viết . Thầy rầy, hỏi ra mới biết là viết của Diệu Hương

“ Bích Huê: Sáng 16/5/71: Béo , ngồi chịu đựng lâu không thấu gục cằm lên bàn.

“ Ngày 3/4/71 Viết La dame n’est pas l’home (dĩ nhiên rồi) .

“ Thanh Hương trong bài có vẽ thêm O để chơi, thầy trừ 1 điểm.

“ Minh Mão: 12/11/70 Viết Répondez. Nhờ thầy đừng gởi thư về mét.

“ Thuý Nga: 22 /12/70 thi, bạn nhắc: elle se dit bèn viết est ce dit.

“ Quảng: 22/12/70 làm analyse logique câu khác câu gs cho.

“ Nguyễn Thị Thanh: 29/12/70 nói với gs: Thầy giả vờ cho nghỉ một bữa. Ngày 6/4/71 giờ SV thực tập trò cắm lên tóc hoa hồng ( màu vàng) thật đẹp.

“ Hồ thị Thạnh: Đi lờ đờ suýt bị gs tung xe.

“ Mỹ Thiện: 9/3/71 Ghi lý do dài dòng thầy trừ 1 điểm.

“ Đỗ Thị Thí: 15/5/71: Trò nói xàm mãi. Gs hỏi: Thí điên hử? Trò đáp: Nắng quá, nắng quá! Nên điên!

“ Trương Thị Mỹ: Hứa cho thầy một con mèo con.

“ Đặng thị Thương: 9/1/71. Đang nói đúng, thấy gs nhìn, trò khựng lại, nói tại gs nhìn. Theo trò thà mất lòng thầy hơn là mất lòng bạn...”


Tôi nhìn lá thư giấy đã ngả màu vàng ố, di bút của thầy còn đây nhưng đâu còn thầy nữa! Tôi vẫn còn nhớ câu cửa miệng của thầy “Quên vẹc (verbe ) thầy quẹt" và nghe chừng như vẫn văng vẳng đâu đây giọng thầy đang dịch Eugénie Grandet, vẫn thấy như mới năm trước, tháng trước đây dáng thầy cao lớn xách cái cặp to đùng bước vào lớp. Trong cái cặp ấy là cả cửa hàng bách hoá, không thiếu thứ gì cho một người cẩn thận khi ra khỏi nhà!...



Huế (Việt Nam), ngày 20 tháng 5 năm 2011

Phạm Thị Anh Nga


Nguyên bản bằng tiếng Pháp – Người dịch sang Việt ngữ : Hoàng My



Tin Trung tâm Giới và Xã hội (ĐH Hoa Sen), số 5, tháng 9 năm 2011

http://gas.hoasen.edu.vn/bantingas/no5/vi/index.html

http://gas.hoasen.edu.vn/filepdf/READING%20Maitre%20Au%20VI%2020082011.pdf


Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú