Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

mercredi 12 janvier 2011

«Người Hà Nội» 2 (Trương Quang Đệ)

Le présent texte figure dans la rubrique «Fenêtre», rubrique consacrée à ceux et à celles qui souhaiteraient y laisser quelques-unes de leurs traces...
Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...



(Tiếp theo)


Hai chị em Anh Đào và Thiên Tân làm việc ở nông trường thấm thoát được tròn một năm. Khi rời Hà Nội ra đi, họ nhận được bưu thiếp gửi từ miền Nam ra cho biết ông bà Văn Thành, các anh chị đều ổn cả. Thanh Thảo có lời hỏi thăm. Cô ấy rất buồn xa bạn. Cách đây vài hôm bác Thức chuyển cho Anh Đào thư ông Văn Thành từ Paris gửi về bằng đường bưu điện. Ông bà và cả nhà sang Paris làm việc, sinh sống nhờ ông Lévy bảo lãnh. Ông bà tiếp tục làm việc, các cô cậu thì học tiếp đại học bên đó. Thanh Thảo vào Nhạc viện Paris. Anh Đào đọc thư khi đang chân lấm tay bùn ngoài bờ ao nuôi cá rô phi. Cậu Thiên Tân thì dừng xe công nông lại cùng chị bàn luận vài câu, rồi mỗi người tiếp tục việc của mình.


Hai chị em được bác Trực, giám đốc nông trường yêu mến, kính nể. Bác nhận thấy người có học vấn học hỏi những điều mới nhanh hơn kẻ khác, họ còn lao động cần cù và có trách nhiệm cao, trái với giáo điều mà bác đã tiếp thu đâu đó. Chẳng bao lâu sau khi họ đến nông trường, bác Trực giao cho Anh Đào làm trưởng phòng kế hoạch, còn Thiên Tân thì phụ việc cho tổ cơ khí. Thiên Tân tìm kiếm sách vở, tìm hiểu thêm nghề nghiệp và nhanh chóng thành thợ lành nghề, hỏng cái gì là gọi anh ta đến chữa được ngay. Thiên Tân còn phụ trách hai lớp dạy bổ túc văn hoá cho công nhân nông trường, còn bản thân cậu thì đêm nào cũng đi năm cây số để học bổ túc văn hoá cho hết trung học. Nhờ thông minh nhanh nhẹn mà cậu nhảy lớp mấy lần, chỉ cần một năm là xong chương trình trung học, dự thi tốt nghiệp phổ thông với đám học sinh chính qui và đỗ vào loại cao.


Một hôm, giám đốc Trực cho gọi hai chị em lên ngay văn phòng có người cần gặp.


- Còn nhớ anh không? - người khách nói khi hai chị em rụt rè bước vào phòng.


- A, anh Tiến! – hai chị em reo lên cùng lúc.


- Anh cứ tưởng các em quên rồi. Hai năm rồi còn gì! Anh thành thực xin lỗi nhé!


- Lỗi gì mới được chứ? Anh Đào nói. Anh làm gì ở đâu trong suốt thời gian dài như thế? Anh vẫn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn thủ đô à?


- Ấy chết, bác Trực xen vào, Anh Đặng Tiến bây giờ là sư đoàn trưởng rồi, to lắm đó.


- Có quà cho các em đây! Đặng Tiến nói.


Thiên Tân đề nghị:


- Anh kể cho chúng em nghe làm sao mà anh lên to thế đi!


Chuyện của Đặng Tiến tuy li kì nhưng cũng ngắn gọn. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Tiến cùng đơn vị trong gần một năm trời tiếp quản các vùng còn lại theo đúng hiệp định Pháp-Việt. Nhờ thành tích xuất sắc mà Tiến lên cấp chỉ huy nhanh chóng. Tuần vừa rồi Tiến mới về Hà Nội để báo cáo công việc. Việc công xong xuôi, Tiến theo địa chỉ Anh Đào cho dạo trước mà lần đế tìm nhà hai chị em ở phố Đồn Thuỷ. Tiến chỉ gặp được mỗi bác Thức, ông già làm vườn cũ, hiện trông nhà cho hai chị em đi làm ở nông trường. Nghe bác Thức kể đầu đuôi sự tình, Tiến đùng đùng nổi giận, lệnh cho lái xe chở mình đến ngay phòng Tổ chức trường Y Khoa.


- Tôi đến đây vì trường hợp cô Anh Đào, chắc đồng chí còn nhớ? - Tiến vào đề như vậy trước mặt viên trưởng phòng tổ chức, người đã sắp xếp cho Anh Đào đi lao động ở nông trường.


- Vâng, tôi nhớ, thưa đồng chí sư trưởng. - Trưởng phòng đáp, không lộ sắc thái tình cảm gì.


- Đồng chí có nắm được hoàn cảnh cụ thể của cô ấy không và có biết cô ấy tham gia quân tiên phong vào thành phố như thế nào không?


Trưởng phòng bình tĩnh nói:


- Tôi biết vì hỏi cô ấy kĩ lắm trước khi quyết định gửi cô đi lao động ở nông trường.


Đặng Tiến cố kìm nén nỗi bất bình:


- Một người như vậy mà đồng chí không cho người ta học tập, lại buộc đi lao động cải tạo, thế hóa ra cách mạng vô ơn sao? Cách mạng không có tim có óc gì sao?


- Tôi biết đồng chí sẽ nói nhu thế. Nhiều vị còn to hơn đồng chí đến mắng tôi như tát nước vì một con em nhà trí thức tư sản bị từ chối vào đại học. Nhưng thưa đồng chí, tôi phải kiên định lập trường giai cấp.


- Lập trường thế nào? Hễ không phải thành phần cơ bản thì bịt hết cửa à? Văn bản đâu? Chủ trương đâu? Ai nói chuyện cấm đoán đó?


- Phải kiên định thôi, đồng chí ạ. Tôi có thằng cháu chăn trâu hôm qua suýt chết đuối khi đưa trâu qua suối nước lũ. Đồng chí có mủi lòng không? Đồng chí có tự mình về làng tôi hỏi thăm bố mẹ nó một câu không? Mà đồng chí cho việc tôi đưa Anh Đào đi lao động là thiếu tình cảm. Vậy ai đúng ai sai đây? Tình cảm như đồng chí để bọn tư sản địa chủ đời đời đè nén ta hay kiên định như tôi để tránh cho Đảng hậu hoạ khôn lường.


- Tôi chỉ là một anh lính, Đặng Tiến buồn bã nói. Tôi chỉ biết sống bằng lòng chung thuỷ và thương người. Thế thôi. Cái lập trường của đồng chí nghe đúng lắm, nhưng có chết tôi cũng không theo. Thôi chào đồng chí.


Đặng Tiến ngán ngẫm về nhà nghỉ bộ Quốc phòng, bỏ cả ăn trưa rồi chiều đó tức tốc đi nông trường Tân Sở vì còn được nghỉ phép thêm vài ba ngày nữa.


Giám đốc Trực và sư trưởng Tiến chuyện trò tâm đắc, nẩy ra sáng kiến kết nghĩa anh em đồng thời kí kết văn bản kết nghĩa giữa nông trường Tân Sở với sư đoàn do Tiến phụ trách. Tiến hứa sẽ hợp tác với nông trường đào tạo cán bộ cơ khí, hỗ trợ máy móc thiết bị về trồng trọt chăn nuôi. Về phía nông trường, giám đốc Trực hứa sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho bộ đội.


Việc kết nghĩa làm cho nông trường thay đổi ngoạn mục. Các đơn vị quân đội của Tiến giúp nông trường xây dựng hệ thống nước máy, vừa dùng để tưới cây vừa vệ sinh chuồng trại với năng suất cao. Tiến còn lắp đặt một trạm thuỷ điện nhỏ, thắp sáng nơi làm việc, nhà ở công nhân, hội trường, phòng thí nghiệm. Nhờ có điện mà ai cũng sắm máy thu thanh. Tiếng nhạc, tiếng ca văng vẳng đêm ngày. Sự việc vui vẻ như vậy được nửa năm thì thấy Tiến biệt tăm, không có tin tức gì. Giám đốc Trực cũng như chị em Anh Đào lo lắng, không biết thăm hỏi làm sao.


Bỗng một hôm Tiến lại ngồi xe com-măng-ca tiến về phía văn phòng nông trường. Chị em Anh Đào ngừng công việc chạy đến hỏi thăm tíu tít. Chuyện Đặng Tiến kể thực thú vị, ai nghe cũng thấy hồi hộp xen lẫn mừng vui.


Sau khi dự lễ khánh thành trạm thuỷ điện Tân Sở về được hai hôm thì Đặng Tiến được triệu tập khẩn cấp lên Tổng Cục Chính Trị có việc cần. Đích thân Tổng cục trưởng, một vị chỉ huy quân đội tính tình giản dị, chan hoà với mọi người nhưng rất nghiêm khắc với kẻ nào lôi thôi về đạo đức. Ông đã từng giáng cấp, cho đi cải tạo lao động một vị chỉ huy vì lăng nhăng bồ bịch mà bỏ rơi vợ con ở quê, một vị khác đi xem bói, một vị thứ ba đi nhảy đầm. Ông lạnh lùng bắt tay Đặng Tiến rồi đi thẳng vào đề:


- Mời ngồi. Có thư tố cáo cậu lăng nhăng với con cái tư sản. Cậu chớ thanh minh dài dòng. Nếu có thì nói có rồi cởi bỏ quân phục mà về đạp xích lô nuôi vợ con. Nếu không thì nói không rồi mình sẽ hỏi thêm vài câu. Thế thôi.


Đặng Tiến đã có linh tính mách bảo nên đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:


- Không, thưa anh.


- Cậu nói sao?


- Không, thưa anh.


- Mình cũng tin như vậy. Người như cậu mình biết chứ, mình có mù đâu. Bây giờ nói rõ đi.


- Anh còn nhớ anh giao cho đơn vị tôi tiến về thủ đô hôm đó và tiếp quản một loạt đồn bốt Tây dọc đường không? Đặng Tiến thong thả nói.


- Làm sao quên được?


- Anh quên một điều: tiếp quản tức là phải nói chuyện với Tây vì lúc đó đồn nào cũng chỉ còn Tây trắng, Tây đen và Tây Ả rập. Bọn lính Việt đào ngũ hết trọi.


- À, nhớ ra rồi. Đáng ra phải phái đến cho cậu vài tay phiên dịch. Thế cậu xoay xở ra sao?


- Tôi đang lúng túng thì dân chúng báo cho biết có một cô gái và một cu cậu người Hà Nội vừa ra vùng kháng chiến muốn đóng góp công sức cho sự nghiệp giái phóng Hà Nội. Cô gái tên là Anh Đào, cậu con trai tên là Thiên Tân…


- Chà, toàn là những cái tên đượm mùi tư sản. Nhưng rồi sao?


- Nhờ có hai chị em đó mà công việc quá thuận lợi. Đoàn quân ta đến bốt Tây đầu tiên, thấy hai hàng lính bồng súng nghiêm chỉnh chào đón. Tôi và Anh Đào bước lên trước, đồn trưởng Tây chào theo kiểu nhà binh rồi nói một hồi dài.


- Nói những gì?


- Đại loại họ chấp hành các điều khoản nghiêm chỉnh, thả hết tù binh, tù nhân và dân phu họ bắt từ trước để lao dịch cho họ. Họ nói họ đem khí giới đi còn các thứ khác thì để lại hết. Bên ta, Anh Đào cũng làm một bài dài do tôi gợi ý trước, giọng sang sảng như chuông khiến Tây lắc đầu lè lưỡi thán phục. Rồi làm lễ hạ cờ Tây, thượng cờ ta, nghiêm chỉnh lắm.


Tổng cục trưởng gật gù:


- Nghe cậu nói mà mình thấy vô cùng phấn chấn. Có đám chụp hình quay phim nào đi theo cậu không?


- Dứt khoát là có rồi. Tôi nghĩ đến việc ấy đầu tiên.


- Phải cho thế giới biết Việt Minh là thế đó: là một cô gái nói sang sảng như chuông chứ đâu phải là đám mọi rợ cù lần như tuyên truyền thực dân ra rả mấy năm qua.


Đặng Tiến nói tiếp:


- Rồi đoàn xe của Tây đi trước, mình chờ nó đi hơn trăm mét mới đi theo đến đồn khác. Lại diễn ra bài nói sang sảng của Anh Đào. Cứ mỗi đồn tôi để lại một tiểu đội đóng giữ chờ lệnh mới.


- Anh Đào nói những gì mà dài thế? -Tổng cục trưởng tò mò hỏi.


- Nói mỗi nơi một khác chứ không phải bài chuẩn bị thuộc lòng đâu. Nơi nào nghiêm chỉnh đón tiếp, thực hiện hiệp định đúng đắn thì cô ta khen để động viên họ tiếp tục nghiêm chỉnh. Nơi nào có phần luộm thuộm thì cô ta nhắc nhở. Nhưng bất cứ nơi nào cô cũng nói một câu mà bọn sĩ quan binh lính rất hoan hỉ, có đứa vui mừng quá hô to bằng tiếng Việt :Việt Nam muôn năm!”.


- Câu gì thế?


- Cô nói với họ: bây giờ hòa bình rồi, chúng ta là bạn bè với nhau. Nhân dân Việt Nam không thù oán gì các bạn cả, ngược lại coi các bạn là anh em trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, độc lập và bình đẳng dân tộc.


- Câu ấy cậu gà hay cô ta tự nghĩ ra?


- Em có trao đổi qua loa. Cô ấy thêm thắt cho hay.


- Tuyệt lắm, mình cũng thấy phục các cậu.


Ông suy nghĩ một lúc rồi như sực nhớ ra:


- Khi về Hà Nội hai chị em chia tay các cậu à?


- Tôi cấp cho họ giấy xác nhận đã tham gia đoàn quân tiếp quản và có đóng góp xuất sắc, mong họ được chính quyền mói đối xử tử tế.


- Gia đình họ ra sao?


- Đi Nam cả. Họ trốn cha mẹ để ở lại miền Bắc.


- Gia đình đó phải là gia đình tốt, cậu có biết tại sao họ đi không?


Đặng Tiến tần ngần một lúc rồi mới nói:


- Thiên Tân có tâm sự. Anh Đào thì không. Thiên Tân cho biết ông cụ định ở lại với cách mạng, vả lại cả đời ông gắn bó với bảo tàng. Nhưng hôm tiếp quản, trưởng phái đoàn ta muốn cụ cho biết Tây có gian dối gì không. Cụ bảo ông giám đốc là một thứ Yersin trong nghệ thuật, hết lòng vì xứ sở này. Trưởng phái đoàn ta không tin, nói rằng đã là thực dân thì ai cũng gian dối cả. Ông cụ buồn thấy tình hình khó sống với định kiến ấy. Ông đành ra đi.


Tổng cục trưởng cười buồn bã:


- Cậu thấy chưa? Trí thức là thế đó. Họ coi trọng chi tiết hơn tổng thể. Họ chỉ nhìn cách mạng qua cái ông trưởng đoàn vụng về kia mà suy ra cái chung. Cậu nên lấy đó làm kinh nghiệm. Đối xử với trí thức y hệt chuyện dỗ con nít, phải hết sức tế nhị, nhẹ nhàng. Vụng về một tí là đi toi. Thế là ta mất một chuyên gia bảo tàng danh tiếng. Còn hai chị em kia, cậu có biết họ làm gì sau này không?


- Cậu em học tiếp phổ thông trung học, cô chị thi vào Y Khoa đỗ thủ khoa nhưng bị loại vì lí lịch.


- Cậu nói sao? Bị loại à? Chẳng nhẽ trường đại học cứng nhắc vậy sao? Cậu ở đâu mà không can thiệp cho người ta?


Đặng Tiến thở dài ngán ngẩm:


- Tôi vì công việc mãi hai năm sau mới về Hà Nội. Biết chuyện tôi đến gặp ông trưởng phòng tổ chức Y Khoa. Không được gì anh ạ.


Tổng cục trưởng ngạc nhiên:


- Khó đến thế cơ à? Để mình xem, lúc nào rảnh…


- Không được đâu - Đặng Tiến khoát tay – Tôi nghĩ nếu Staline mà sống lại chưa chắc thuyết phục được ông ấy. Tôi đã từng gặp gian nguy nhưng không hề sợ hãi. Vậy mà ngồi trước mặt ông ấy tôi thấy ớn lạnh cả người.


Tổng cục trưởng trầm ngâm:


- Hoá ra trong Đảng có những phần tử ghê gớm như vậy. May mà hắn không làm thủ trưởng của mình.


- Nhưng ông ta là người tốt bụng anh ạ.


- Cậu nói gì kì thế? Vừa cứng nhắc vừa tốt bụng, nghe khó tin quá.


- Nhưng đó là sự thực. Tay trưởng phòng cho rằng lao động là phương thuốc tốt cho tương lai của Anh Đào. Ông ta suy nghĩ đến mấy ngày rồi mới tìm ra cách thuyết phục Anh Đào về làm việc cho nông trường. Anh còn nhớ anh Trực, chỉ huy pháo binh không?


- Có. Mà sao?


- Trực hiện là giám đốc nông trường Tân Sở, nơi Anh Đào làm việc. Trưởng phòng tổ chức phó thác Anh Đào cho Trực, tôi nghĩ cũng hay.


Tổng cục trưởng đứng dậy:


- Thế là mình hiểu rồi. Cậu vì chị em Anh Đào mà giúp đỡ nhiều cho nông trường của Trực. Nhưng nhớ phải vô tư đấy. Tuyệt đối không được lấy của công mà ban phát vô nguyên tắc. Tình cảm là tình cảm, tài chính là tài chính, cậu hiểu chưa? Việc của cậu thế là ổn với tổng cục. Nhưng cậu còn phải mất thời gian làm việc cho nội bộ thông hiểu. Chính nội bộ có vấn đề.


Đặng Tiến đi được vài bước thì tổng cục trưởng gọi giật lại:


- Cậu điện ngay cho đơn vị đem xe tải đến khuân một ít sách của mình về tặng nông trường. Mình nhiều sách lắm. Nhà xuất bản nào cũng biếu sách họ in, để đầy phòng mà không có thì giờ đọc. Cậu hiểu là mình tặng chị em Anh Đào đó.


- Thưa anh, rõ.



Bác sỹ - Phó Giám đốc phụ trách đời sống.


Khoảng cuối năm 49 đầu năm 50 của thế kỉ trước, bác sỹ Đoàn Chuyên, một bác sỹ ngoại khoa có tiếng, nâng cấp phòng mạch tư của mình thành một bệnh viện tư có tầm cỡ. Thoạt tiên chỉ có khoa Ngoại do chính bác sỹ Chuyên phụ trách với chừng hai mươi giường bệnh. Sau đó, con đầu của bác sỹ Chuyên là Đoàn Tuấn, tốt nghiệp y khoa ở Thuỵ Sỹ ngành Tim mạch giúp cha mở khoa Tim mạch. Chẳng bao lâu sau, Tuấn rủ bạn cùng tốt nghiệp ở Thuỵ sỹ mở khoa Da liễu. Bà Đoàn Chuyên, tuy chỉ là dược sỹ nhưng cũng xoay xở mở một khoa Sản từ thiện, do Nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế tài trợ. Tất cả bệnh viện có khoảng trăm giường bệnh. Vốn liếng xây dựng bệnh viện trước hết là của tích luỹ qua bao năm mở phòng mạch của bác sỹ Chuyên. Ngoài ra còn có cổ phần của ba bốn người Hoa, bạn gần gũi của gia đình. Những khoản tiền đóng góp của thân hữu hay tổ chức hội đoàn thường chỉ dùng cho việc chữa bệnh từ thiện. Bệnh viện nổi tiếng trước hết là nhờ những việc làm từ thiện không những trong phạm vi thành phố mà còn lan đến các tỉnh lân cận, thậm chí đến cả các xứ Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, nguyên tắc hoạt động nghiêm khắc do bác sỹ Chuyên đề xướng là thầy thuốc chỉ biết đến chất lượng chữa trị, không nghĩ đến tiền bạc, không suy nghĩ về tiền bạc. Thực ra nguyên tắc nghiêm ngặt đó chỉ cho phép bệnh viện sống được vài năm là cùng. Nhưng bà Đoàn Chuyên vốn con nhà doanh nghiệp, biết cách điều hoà các mâu thuẫn tưởng như không điều hoà được mà giữ cho bệnh viện vừa sống khoẻ vừa có tiếng tăm.


Khi nghe tin quân Pháp sắp rút khỏi Hà Nội và quân cách mạng vào tiếp quản thành phố, ý nghĩ đầu tiên của bác sỹ Chuyên là sẽ ở lại với cách mạng. Những thầy thuốc danh tiếng của cả Đông Dương, vốn là bạn bè thân mật của ông, đều tham gia kháng chiến. Nay họ trở về chắc việc hợp tác sẽ vô cùng thuận lợi. Nghe tên Đoàn Chuyên, thậm chí một anh bộ đội tầm thường cũng kính nể huống chi cấp chỉ huy của họ? Một sự việc bất ngờ xảy ra làm hoàn cảnh đột nhiên thay đổi. Sau khi hiệp định Genève được kí kết, một số người Hoa ở Hà Nội không biết xoay xở cách nào mà về thăm được Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu bên Trung Quốc. Họ quan sát cuộc sống bên đó dưới chế độ mới, tìm hiểu tâm tư tình cảm bạn bè, người thân và đi đến kết luận là không thể tiếp tục cuộc sống bình thường của họ trong chế độ mới, dầu ở Trung Hoa hay ở Việt Nam. Bạn bè, người thân của họ đều khuyên họ di cư vào Nam, trong đó có đến một triệu người Hoa làm ăn thịnh vượng bao đời nay. Trước ngày họ vào Nam, họ đến chào bác sỹ Chuyên và cũng thành thực khuyên nên suy nghĩ cho kỹ trước tình hình mới.


- Các vị nói là không làm ăn được gì hết à? – Bác sỹ Chuyên nửa tin nửa ngờ hỏi.


- Không.


- Hiệu thuốc, phòng mạch… dẹp hết cả à?


- Đúng thế.


- Vậy người dân lấy gì mà sống? Bác sỹ Chuyên vẫn cố gặng hỏi cho ra lẽ.


- Họ vẫn sống chứ sao? Thậm chí sống tốt hơn xưa nếu họ thuộc tầng lớp dưới.


- Lấy gì mà sống?


- Mọi người làm việc cho nhà nước, thế thôi. Trước đây anh có hiệu thuốc tư, nay vẫn hiệu thuốc đó nhưng anh là nhân viên. Trước đây anh cắt tóc ngoài phố, nay anh vẫn cắt tóc, có điều anh phải ngồi một chỗ do hợp tác xã qui định, khách trả tiền cho một thu ngân, buổi chiều anh về người ta phát cho anh tiền công trong ngày.


- Có lẽ tôi suy nghĩ thêm. Chúc các vị thượng lộ bình an.


Sau đó vài hôm, cả gia đình bác sỹ Chuyên di cư vào Nam, riêng bác sỹ Tuấn còn độc thân muốn ở lại xem thời cuộc ra sao.


Tuấn giải thích quyết định của mình cho bạn bè nghe:


- Mình vốn thích phiêu lưu, nay có dịp may làm sao lại bỏ lỡ?


Cuộc phiêu lưu của bác sỹ Tuấn không xảy ra li kì như anh tưởng tượng. Vì tình hình chưa ổn định, bệnh viện tư Đoàn Chuyên đóng cửa chờ đợi. Tuấn tranh thủ đi đây đó về các tỉnh lẻ thăm bạn bè, quan sát đất nước hoà bình. Khoảng tháng giêng năm 1955, Tuấn được ban cải tạo công thương của thành phố mời đến làm việc. Họ giải thích cho anh rõ qui chế mới của bệnh viện:


- Bây giờ là bệnh viện công tư hợp doanh, cán bộ tiếp bác sỹ Tuấn nói. Lẽ ra trong chế độ mới không tồn tại bệnh viện tư cũng như trường học tư. Những thứ này thuộc địa hạt cực kỳ quan trọng. Mà đã cực kỳ quan trọng thì phải do nhà nước nắm giữ. Tuy vậy, cấp trên muốn duy trì danh tiếng của bệnh viện cũ nên không quốc hữu hoá hoàn toàn mà cho công tư hợp doanh. Đã có quyết định cử ông làm phó giám đốc bệnh viện, còn giám đốc là người của Bộ Y tế. Đội ngũ nhân viên vẫn lưu dụng như thường.


- Hình như họ di cư hết rồi, bác sỹ Tuấn nói.


- Thế thì giám đốc mới sẽ tuyển dụng người khác. Việc ấy bác sỹ không phải lo.


- Tôi chỉ muốn làm chuyên môn thôi, trên nên cử phó giám đốc khác.


- Đâu được! Văn bản qui định rõ: chủ nhân cũ của xí nghiệp làm phó giám đốc, các chức danh trưởng cũ thành chức danh phó. Chẳng hạn nếu còn khoa trưởng nào ở lại thì sẽ là phó khoa. Vậy nhé!


Từ đó Tuấn làm phó giám đốc của bệnh viện mình, được chia một phòng nhỏ tầng trệt vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ngủ, có cửa sổ trông ra một cái vườn khá rộng. Văn phòng của bác sỹ Chuyên nay là văn phòng của giám đốc mới, một người Tuấn chưa hề quen biết nhưng cũng nhã nhặn, đôi khi rụt rè mặc cảm cho rằng mình ngồi vào chỗ của người khác. Giám đốc mới muốn hợp tác chặt chẽ với Tuấn về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng có lẽ qui chế ngăn cấm nên phải lãng tránh. Tuấn cũng biết thân phận dành cho mình nên không làm gì ngoài “phó giám đốc đời sống”, nghĩa là chỉ lo chuyện giao dịch mua lương thực, thực phẩm cho bệnh viện, cuốc đất trồng rau xanh trong vườn, nuôi lợn, gà, thỏ trong các chuồng xây tạm dọc bờ rào. Nghe nói đâu có nguồn thực phẩm gì là Tuấn đến quan sát, thương thảo, mua bán, đổi chác. Anh cũng không biết mình thành một thương lái tự lúc nào.


Một hôm Tuấn tình cờ gặp bác Thức ở chợ Đồng Xuân khi Tuấn đang thương lượng mua một chục kí đậu tương về làm sữa đậu nành cho bệnh nhân. Bác sỹ Đoàn Chuyên, cha của Tuấn vốn là bạn thân của ông bà Văn Thành. Khi ông bà Văn Thành hay con cái trong nhà đau ốm, ông Chuyên tự tay chữa cho họ. Tuấn vẫn lui tới chơi nhà và thân với chị Hồng Hà, người cùng tuổi và học trung học cùng nhau. Nghe chuyện bác Thức kể về Anh Đào và Thiên Tân, Tuấn nghĩ ngay đến chuyện sắp xếp công việc để đi thăm hai chị em vào ngày chủ nhật tới.


Chuyến thăm của Tuấn đem lại những kết quả không ngờ. Trước hết là nông trường và bệnh viện của Tuấn sẽ kết nghĩa, hợp tác nhiều mặt. Bệnh viện sẽ cử những đoàn công tác thường xuyên đến nông trường chăm lo sức khoẻ cho công nhân. Nông trường sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cần thiết cho bệnh viện và cùng nghiên cứu, sản xuất một số dược liệu thông dụng. Nhưng điều đáng kể nhất là Tuấn và Anh Đào, chưa ai nói điều gì, nhưng hiểu ngầm là họ sẽ thành bạn trăm năm. Khi Tuấn hỏi đùa sao Anh Đào quá kén chọn mà chưa chịu sống với ai thì Anh Đào cười thực thà:


- Em vì lí lịch quá tồi nên ai cũng lãng tránh. Biết làm sao được?


Về nhà được vài hôm, Tuấn gửi cho Anh Đào bức thư ngắn: “Anh cảm thấy số phận dành cho chúng ta cơ hội trở nên đôi lứa. Nếu em cũng thấy như vậy thì viết cho anh vài chữ. Một điều làm anh băn khoăn là anh hơn em những mười tuổi…”. Anh Đào trả lời ngay: ”Đồng ý”. Mấy tháng sau, họ làm lễ cưới tại nông trường, trong không khí cực kì vui vẻ đầm ấm. Anh Đào vẫn tiếp tục công việc của mình ở nông trường, Tuấn vẫn làm phó giám đốc đời sống ở bệnh viện. Điều mới là chủ nhật nào Tuấn cũng về nông trường, khi có việc công thì ở lại lâu hơn. Họ được nông trường làm cho một ngôi nhà nhỏ bé nhưng xinh xắn gần bờ suối. Ôi hai quả tim vàng bên bờ suối! Ai đến thăm họ đều thốt lên như vậy.


(Còn tiếp)

lundi 10 janvier 2011

«Người Hà Nội» 1 (Trương Quang Đệ)

Le présent texte figure dans la rubrique «Fenêtre», rubrique consacrée à ceux et à celles qui souhaiteraient y laisser quelques-unes de leurs traces...
Bài này được xếp vào cụm bài «Fenêtre» (Cửa sổ), nơi dành riêng cho những ai mong muốn lưu lại đây một vài vết tích...



Hai chị em



Vào khoảng tháng mười năm 1954, hơn một tuần lễ trước khi quân Pháp rút khỏi thủ đô, ông Văn Thành từ công sở về nhà, dáng người mệt mỏi. Từ hơn hai mươi năm nay, ông làm phụ tá cho một học giả người Pháp, ông André Lévy, phụ trách bảo tàng nghệ thuật phương Đông tại Hà Nội. Ông Văn Thành ở cùng vợ và mấy người con trong một biệt thự nhỏ có hai lầu và một gác xép tại ngã bảy nhà thương Đồn Thuỷ gần đê sông Hồng Hà. Bao quanh biệt thự là mộ cái vườn trồng cây theo kiểu Nhật, có hàng rào chắc chắn bao quanh làm chỗ cho các thứ cây leo bao phủ, đến mùa hoa khoe sắc rực rỡ. Trong vườn có hồ nước, bể cá vàng, cầu gỗ và những cây tùng lùn vùng ôn đới. Đó là một gia đình điển hình cho từng lớp khá giả ở Hà Nội, nhưng không ai tỏ ra đài các mà còn vui vẻ thân mật với mọi người. Ông Văn Thành năm đó gần sáu mươi tuổi, bà vợ cũng xấp xỉ tuổi ông. Bà vốn đỗ tú tài triết, biết các thứ tiếng cổ như La Tinh, Hy Lạp và Do Thái. Nhưng qua nhiều năm theo chồng đi đây đó để tìm hiểu nghệ thuật phương Đông, bà không dùng đến các cổ ngữ nói trên nữa. Ngược lại, bà nhờ chồng và cả ông Lévy dạy cho biết thêm chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn, chữ Khmer…để giúp các ông này xếp loại, đánh giá các cổ vật phương Đông tìm thấy. Ông bà Văn Thành có nhiều con. Đó là Lê thị Hồng Hà, sinh tại Hà nội, hiện theo học Đại học Văn Khoa; Lê Vĩnh Chân, có tên như vậy vì sinh ở Vientiane bên Lào, hiện học Đại học Khoa Học; Lê thị Hương Giang, sinh tại Huế, hiện là sinh viên ngành hoá học; Lê thị Anh Đào, sinh tại Nhật Bản vào mùa hoa anh đào, học xong trường Albert Sarraut năm đó và đỗ tú tài sinh ngữ; cậu út là Lê Thiên Tân, sinh tại Thiên Tân bên Trung Hoa, hiện đang học Albert Sarraut đầu cấp trung học chuyên khoa.


Bà Văn Thành định gọi chồng ra ăn trưa thì ông khoát tay ngăn lại, hỏi khẽ:


- Bọn trẻ không có nhà à?


- Chẳng biết chúng đi đâu, có lẽ sang nhà bác Phước nghe thời sự.


Ông Văn Thành nhìn quanh rồi nói:


- Thế càng hay. Tôi định bàn với mình một chuyện hệ trọng. Như mình biết, trước đây tôi có ý định ở lại Hà Nội, ở lại miền Bắc để làm việc cho cách mạng , cho anh em kháng chiến…


- Thế mình định đi sao? Bà vợ ngắt lời, mặt tái đi.


- Bà bình tĩnh nghe tôi nói đã. Ông Văn Thành mệt mỏi nói rồi lo lắng nhìn vợ như sắp làm một điều lỗi lầm nghiêm trọng.


Rồi ông thong thả kể lại chuyện ông tiếp xúc với phái đoàn kháng chiến sáng nay khi họ đến nhận bàn giao bảo tàng. Dẫn đầu đoàn là hoạ sỹ Nhật Tín, bạn cũ thời Mỹ thuật Đông Dương của ông Văn Thành. Phía bảo tàng có ông André Lévy, ông Văn Thành và vài ba công tác viên khác. Buổi bàn giao diễn ra êm thấm, ôn hoà. Ông Lévy trả lời thẳng thắn những câu hỏi của phía kháng chiến, có những cổ vật hiện các nơi khác mượn thì ông hứa sẽ đòi trả lại sớm, còn những thứ mượn tạm nơi khác để trưng bày thì ông yêu cầu bên tiếp quản sẽ trả cho chủ sở hữu đúng hạn. Ông Nhật Tín, trưởng phái đoàn kháng chiến, hứa sẽ tôn trọng những chủ sở hữu đồ vật cho mượn, chủ yếu đối với ngoại quốc. Còn nếu chủ sở hữu là người Việt Nam, dầu ở trong Nam hay ngoài Bắc, ông sẽ thương lượng để họ tự nguyện hiến cho Nhà nước. Ông Lévy tỏ ra đồng tình với suy nghĩ đó và chúc phái đoàn kháng chiến bào quản tốt tài sản quốc gia, những gì mà ông và các cộng sự suốt đời thu nhặt, sưu tầm, xếp loại chu đáo.


Trong suốt buồi thảo luận, hoạ sỹ Nhật Tín làm như không nhìn thấy ông Văn Thành. Các người đi theo Nhật Tín còn rất trẻ, họ chắc không biết là Văn Thành và Nhật Tín vốn là bạn tri kỉ. Sau buổi làm việc, khi ông Văn Thành còn đứng ngẫm nghĩ gì đó ngoài hành lang vắng của bảo tàng, Nhật Tín một mình nhẹ nhàng đi tới.


- Anh chị mạnh khoẻ chứ? Các cháu ra sao rồi?


- Cám ơn anh. Nhà tôi vẫn nhắc đến anh. Các cháu học hành làm việc bình thường. - Ông Văn Thành đáp.


Nhật Tín nói tiếp:


- Chắc anh chị và các cháu ở lại với chúng tôi chứ?


- Chúng tôi đã bàn bạc và cũng định như thế. Anh biết tôi và nhà tôi gắn bó cả đời với bảo tàng này…


- Tốt lắm…


Rồi Nhật Tín nói nhỏ đủ để Văn Thành nghe:


- Anh cố nhớ cho kỹ bọn Tây cất giấu cổ vật ở đâu, như thế nào… Cách mạng sẽ không quên công anh đâu.


Ông Văn Thành ngạc nhiên, lặng người đi một lúc rồi mới nói nên lời:


- Tôi nghĩ anh biết tính ông Lévy chứ? Cả đời ông chỉ biết Việt Nam, không nhớ ông là người Pháp nữa. Ông ấy không biết dối trá đâu!


- Tin sao được? Đã là thực dân thì vơ vét thuộc địa là đương nhiên… Lá ngọc cành vàng của vua chúa ở Huế chẳng phải bị đem về chính quốc đó sao?


- Nhưng người ta vẫn coi Lévy là một Yersin của nghệ thuật… Anh tin tôi đi.


Nhật Tín suy nghĩ một lúc rồi như nói một mình:


- Yersin…Ừ Yersin…Lãnh đạo nói là sẽ đổi hết tên cho đường phố Hà Nội nào còn tên Tây…trừ Yersin và Pasteur… Quả có thế thật. Thôi chào anh. Hẹn gặp nhau ngày mai.


Chuyện là như thế đó. Bà Văn Thành vốn thông minh sắc sảo nên không chờ ông giải thích gì thêm, vội chạy đi tìm các con về nhà gấp trong lúc ông Văn Thành ngồi ăn một mình, miệng đắng khó nuốt trôi miếng cơm đã nguội.


Một giờ sau khi các cô cậu đã tề tựu đông đủ, ông Văn Thành nói:


- Ba me gọi các con về để bàn chuyện ta nên đi hay nên ở lại…


Anh Đào cắt lời cha:


- Thấy ba me quyết tâm ở lại rồi kia mà?


- Để ba nói hết đã. Ông Văn Thành nhìn Anh Đào vừa thương yêu vừa nghiêm nghị. Hôm nay ba vừa tiếp xúc với phái đoàn kháng chiến do bác Nhật Tín dẫn đầu…


- Ba à, bác Nhật Tín là ai thế? Thiên Tân khẽ hỏi.


- Con không biết đâu nhưng bác ấy còn nhớ con đó. Khi bác ấy ra chiến khu, con vừa lên ba tuổi. Giờ hẵng nghe ba nói cho hết đã rồi đứa nào muốn nói gì thì nói. Bác Tín sẽ thay ông Lévy phụ trách bảo tàng. Thoạt tiên ba mừng lắm, nghĩ là sẽ được tiếp tục công việc với người anh em. Nhưng rồi ba thấy bác ấy đầu óc đầy định kiến, suy nghĩ thiếu khoan dung, đặc biệt là không tin người, không tin ai cả. Như vậy ba me sẽ không có cơ hội làm việc tiếp tực, sẽ bị sa thải mà thôi. Lấy gì mà sống khi các con chưa ai có công ăn việc làm rõ ràng. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai khiến ta phải đi là vì Hồng Hà, Vĩnh Chân và Hương Giang…


- Chúng con làm gì cũng được mà, kể cả cày cấy… Hồng Hà nói.


- Nghĩ vậy thôi chứ việc đời phức tạp lắm. Các con đang học dở đại học mà rồi đây hệ thống đại học không còn như trước nữa. Sinh viên và các giáo sư di tản gần hết, còn lớp đâu? Hệ thống mới khác lắm, người ta nói vậy. Các con phải bắt đầu lại từ đầu, chẳng biết tương lai ra sao. Nghe nói đất nước chỉ phân chia có hai năm, đến khi thống nhất thì các con đã ổn định công việc rồi, đúng không?


Mọi người yên lặng suy nghĩ trước bài toán cuộc đời hắc búa chưa hề thấy. Bỗng Thiên Tân lên tiếng:


- Chị Đào và con thì không vướng gì hết, chúng con ở lại được chứ?...


Bà Văn Thành hoảng hốt:


- Con nói thế mà nghe được sao? Ba me không có hai con thì thà chết còn hơn. Con phải biết thương ba me chứ?


Ông Văn Thành nhìn Thiên Tân âu yếm nói:


- Ba biết con sớm có tình yêu đất nước và ba me tự hào về điều đó. Ba biết con và Anh Đào mở máy thu thanh nghe đài kháng chiến suốt đêm. Ừ giá các con không có ba me phải lo thì cứ làm điều gì mình thích. Nam nhi hồ thỉ…mà nữ cũng thế chứ sao. Tuỳ các con, ba me…


Bà Văn Thành oà khóc:


- Thế thì ông đi còn tôi ở lại với chúng nó!


- Thôi ba đi nghỉ đây. Ông Văn Thành tuyên bố.


* *

*


Khoảng tám giờ sáng ngày 8 tháng 10 năm 1954 khi cả nhà chuẩn bị đầy đủ hành lí để lên đường đi Hải Phòng lên tàu thuỷ vào Nam thì có người đưa cho ông Văn Thành một mẩu giấy nhỏ. Đó là thư của Anh Đào và Thiên Tân báo cho gia đình biết hai chị em đã từ đêm khuya chạy ra vùng kháng chiến, trú tại nhà một người quen có chút bà con xa với bà Văn Thành. Thời còn là hướng đạo sinh, Anh Đào từng đến nhà người quen này nhiều lần. Trong tình huống cấp bách đó, gia đình Văn Thành buộc phải chia thành hai mảng, hy vọng mơ hồ hai năm sau sẽ đoàn tụ.


Vào Sài Gòn một thời gian, cả nhà ông Văn Thành được ông Lévy bảo lãnh sang Pháp. Ông bà tiếp tục làm việc cùng ông Lévy ở bảo tàng Albert Kahn, gần rừng Boulogne. Ba người con được sắp xếp tiếp tục học tại các đại học Paris. Nhờ học giỏi, họ nhanh chóng nhận được học bổng đi tiếp tục nghiên cưu và học thêm ở Anh, Tây Đức và Mỹ. Sau này Hồng Hà trở thành trợ lý cho Tổng Giám đốc UNESCO, Vĩnh Chân có vai vế trong ngành xây dựng cảng hàng không, Hương Giang thì không theo ngành hoá nữa mà theo học ngành báo chí, đã đi tu nghiệp và tác nghiệp nhiều nơi ở châu Âu, châu Phi. Hiện cô đang chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ quốc gia về đề tài “quyền lực báo chí trong xã hội hiện đại” ở Đại học Lille III. Đối với những người này số phận coi như được định đoạt hợp lý và đơn giản. Sau này ta sẽ có dịp nói tới họ.


Anh Đào và Thiên Tân thì cuộc đời không được suôn sẻ như các anh chị kia. Khi ra đến vùng kháng chiến, người bà con dẫn hai chị em đến trình diện chính quyền địa phương. Các vị chính quyền hoan nghênh tinh thần yêu nước của hai chị em và hứa sẽ tìm việc làm thích hợp cho họ một cách nhanh chóng. Tạm thời họ cứ ở lại nhà bà con và tham gia những việc vặt như viết khẩu hiệu, tập hát những bài ca kháng chiến, dự các buổi mít tinh chào mừng giải phóng miền Bắc, chào mừng hoà bình lập lại trên toàn đất nước…


Hai chị em không ngờ là chỉ một ngày sau đó họ được triệu tập khẩn cấp đến trụ sở chính quyền xã. Một viên chỉ huy quân kháng chiến rất trẻ, nghe đâu giữ chức tiểu đoàn trưởng (dạo ấy quân đội cách mạng chưa có quân hàm) tiếp hai chị em rất niềm nở. Anh nói:


- Chúng tôi gặp cô và chú đây như bắt được vàng vậy. Sáng mai, tiểu đoàn tôi đi đầu đoàn quân tiến về Hà nội… Anh ngừng lại và hát: Trùng trùng quân đi như sóng…; Thiến Tân hoà theo: Lớp lớp đoàn quân tiến về


Họ cười vang , ôm nhau thắm thiết. Không khí chiến thắng thật làm xúc động lòng người. Tiểu đoàn trưởng nói tiếp khi không khí rạo rực đã dịu đi phần nào:


- Tiểu đoàn của tôi phải tiếp quản lần lượt từng bốt Tây trên đường đi. Ta phải nói tiếng Pháp với họ. Cô chú hiểu chưa? Việc của cô chú là vậy, tức là giúp một tay trong việc phiên dịch. Tôi nói được tiếng Pháp, nói kém thôi nhưng nói được. Còn anh em khác thì chịu. Cô chú giúp họ một tay!


Hai chị em mỗi người nhận một bộ quân phục kháng chiến màu xanh lá mạ, rộng thùng thình phải nhờ chủ nhà chữa lại cho vừa, hai cái mũ cối vừa để đội lên đầu nhưng khi cần có thể làm đòn ngồi. Mỗi người được phân ngay về sống với một đại đội.


Mọi việc diễn ra suôn sẻ trên đường về thủ đô. Cờ xí ngất trời, nước mắt tuôn trào, lòng người phấn chấn, nét mặt ai cũng rạng rỡ pha đôi chút lo âu không rõ vì sao. Những người quen biết hai chị em đứng bên đường ngơ ngác thấy họ đứng oai nghiêm trên các xe chỉ huy. Đến cửa ô chợ Dừa một bà cụ rẽ đám đông xông tới nắm chặt tay Anh Đào và khóc nức nở:


- Cháu đi kháng chiến mà con Thanh Thảo nhà bà tưởng cháu đã vào Nam rồi! Cái con lú lẫn thiệt. Hắn vào Nam tìm cháu đó…Giá hắn biết cháu oai phong thế này thì hắn ở lại đây rồi!


Anh Đào giài thích cho viên chỉ huy biết Thanh Thảo là bạn thân của Anh Đào suốt thời tiểu học đến trung học còn bà cụ đây là bà ngoại cô ấy. Anh Đào ra vùng kháng chiến mà không báo cho Thanh Thảo biết nên mới có chuyện cô ấy vào Nam tìm bạn. Viên chỉ huy cũng buồn lây, bùi ngùi thông cảm. Rồi đoàn quân tiếp tục diễu hành trong tiếng nhạc rộn ràng khắp cả phố phường.


*


Khi Anh Đào và Thiên Tân được phép trút bỏ quân phục để trở lại cuộc sống đời thường, cả đơn vị quân đội tổ chức một bữa cơm liên hoan đầy tình lưu luyến. Viên tiểu đoàn trưởng hứa sẽ liên lạc thường xuyên với hai chị em và nếu họ cần giúp đỡ gì thì cứ đến thẳng đơn vị, hiện tạm đóng quân ở trường đua ngựa Thuỵ Khê. Anh Đào không quên ghi địa chỉ, tên họ viên chỉ huy và cũng ghi địa chỉ của hai chị em cho mấy người gần gũi trong đơn vị. Tiểu đoàn trưởng tên là Đặng Tiến, sau đó được phái đi tiếp quản Hải Phòng rồi Quảng Ninh, Hòn Gai…mãi hai năm sau mới gặp lại Anh Đào.


Về đến biệt thự khu ngả bảy, hai chị em ngạc nhiên thấy cửa ra vào mở rộng, trong nhà có tiếng người dọn dẹp bàn ghế, mở đóng cửa sổ. Họ thận trọng quan sát xung quanh trước khi đi vào phòng khách. Có chiếc xe đạp dựng bên bể nước. Thiên Tân suýt nữa thì hét to vì mừng rỡ:


- Chị Đào ơi, bác Thức đó mà!


- Bác Thức ơi, chúng cháu đây! Anh Đào kêu to.


Bác Thức vốn là người làm vườn cho gia đình Văn Thành có lẽ đã hơn ba mươi năm qua. Bác Thức gái bán nước sôi và chè xanh ở chợ Hôm. Gặp lại các vị tiểu chủ, bác Thức mừng rỡ quá chừng, khóc hu hu làm Thiên Tân cười bò ra:


- Bác tưởng chúng cháu mất tích rồi sao?


- Cậu chớ nói gỡ. Bác Thức vội vàng khoát tay nhắc nhở. Ông bà chủ trước khi đi có gọi vợ chồng tôi tới dặn dò hết mọi sự. Phải săn sóc cho cô Anh Đào và cậu Thiên Tân chu đáo. Dặn phải trông coi nhà cửa cẩn thận tránh kẻ gian đột nhập. Dặn phải đem đồ đạc quí giá mà không dùng đến bỏ xuống tầng hầm và khoá cho kĩ. Dặn phải bảo quản tốt sách vở giấy tờ mọi loại…Ông bà gửi chúng tôi cất giúp cho cô và cậu ít đồ trang sức có giá và một ít tiền Đông Dương cũ. Cô và cậu cần thì nói một tiếng là chúng tôi đưa ngay.


Bác Thức đi rồi, nhà vắng vẻ khiến hai chị em ngồi lặng đi một lúc. Anh Đào nói:


- Hai chị em minh đã lựa chọn như vậy rồi thì ta phải đi cho đến cùng. Có quyết tâm không nào?


- Chị biết tính em rồi đó, có bao giờ em bỏ cuộc cái gì đâu?


Những ngày kế tiếp quả thật là thử thách đầu tiên về tinh thần cho những người lãng mạn như Anh Đào và chú em nhỏ. Người dân lặng lẽ bỏ nhà cửa ra đi. Họ thậm chí không giao nhà cửa lại cho ai cả. Họ cứ để bề bộn từ nhà ra đường ngổn ngang tủ, bàn, thảm, vật dụng đủ loại. Bọn bất lương cũng không thấy bóng. Một sáng ngủ dậy, hai chị em thẫn thờ nhìn xung quanh thì thấy vắng ngắt, không còn một kẻ láng giềng. Anh Đào và Thiên Tân lấy xe đạp dạo một vòng quanh phố. Các trường không có bóng người. Các cửa hiệu mở nhưng không có khách. Vài bác đạp xe xích lô quen biết hỏi thăm hai chị em:


- Thế à? Họ ngạc nhiên. Hai chị em nên đến chỗ kia, có bàn giấy gì đó, hỏi thăm nên làm gì lúc này.


Khoảng nửa tháng sau thì mọi việc có vẻ ổn định trở lại. Chợ búa, cửa hàng hoạt động bình thường. Điều làm hai chị em thấy bất ngờ là trường Albert Sarraut vẫn hoạt động và vẫn do Pháp quản lí. Hình như nhiều cơ sở khác như bệnh viện Saint-Paul, Viện Pasteur, hãng xe điện vẫn do Pháp tiếp tục điều hành. Thiên Tân ghi tên học tiếp lớp seconde, Anh Đào thì được cấp giấy dự thi vào lớp dự bị SPCN (Lý-Hoá-Vạn vật) để chuẩn bị vào trường Y Khoa.


- Cháu thuộc chuyên khoa sinh ngữ, liệu có học nổi y khoa không? Anh Đào lo lắng nói.


Bác nhân viên giáo vụ Albert Sarraut giải thích:


- Bây giờ mọi loại tú tài coi ngang nhau, thi vào đại học nào cũng được. Hiện chỉ có hai truờng thôi, Y Dược và Khoa Học. Còn có Đại học Sư Phạm nhưng nghe đâu chưa có kế hoạch thi tuyển. Cô cứ học Y đi, chẳng sao đâu. Mà đất nước cần nhiều thầy thuốc – bác nói thêm hóm hỉnh – còn sinh ngữ xi-lô xi-là của cô nay khó mà có cơ hội thi thố!


- Đành vậy thôi, cháu vào học Y Khoa xem sao.


Thiên Tân học hành suôn sẻ. Khung cảnh vẫn như xưa: viên hiệu trưởng người Pháp từng làm việc mấy chục năm ở xứ này rồi. Ông già đi nhiều nhưng nhiệt tình giảng dạy không sa sút gì. Các thầy khác người Pháp thì có vẻ mới bên Pháp sang, họ chỉ biết dạy học, không bàn luân chính trị. Có một số giáo viên người Việt vừa cũ vừa mới, ai cũng nói tiếng Pháp trôi chảy, họ rất hoà thuận với đồng nghiệp nước ngoài. Ra khỏi trường là không gian khác: cuộc sống ở mức tối thiểu, mọi người ăn mặc xuềnh xoàng, đi bộ hay đi xe đạp lọc cọc, nét mặt khắc khổ. Thiên Tân và các bạn Albert Sarraut có một mẹo vặt nảy sinh trong tình hình mới: Ở phòng thay quần áo gần cổng, mỗi khi ra khỏi cổng trường, học sinh mang bộ quần áo “lao động chân chính” để về nhà. Khi vào trường, họ lại khoác vào người bộ cánh con nhà, dáng dấp”tư sản”.


Một năm trôi qua, Anh Đào mặc dầu là dân sinh ngữ vẫn đỗ thủ khoa lớp SPCN. Cô nhận được giấy hẹn đến phòng tổ chức trường Y Khoa ngày 15/10 để làm hồ sơ nhập học. Đúng ngày đó, Anh Đào cùng đông đảo bạn lớp SPCN tề tựu ở phòng đợi trường Y Khoa. Người ta gọi tên từng người vào một phòng hẹp. Anh Đào sốt ruột vì mãi không thấy mình được gọi. Cô đang nhấp nhổm như vậy thì một người đứng tuổi, mặc đại cán, ngực gắn huy hiệu thương binh vỗ nhẹ vào vai cô và nhã nhặn mời cô vào một phòng phía cuối hành lang.


- Xin lỗi cô là Anh Đào phải không? Ngươi thương binh hỏi.


- Vâng. Anh Đào lo lắng đáp.


Người thương binh nói tiếp:


- Tôi là trưởng phòng tổ chức xin được làm việc riêng với cô vì trường hợp cô phức tạp. Trước hết xin cô kể cho nghe hoàn cảnh gia đình.


- Hoàn cảnh gia đình là gì ạ? Anh Đào đỏ mặt vì không hiểu ý nghĩa cụm từ mới mẻ đó.


- Là cha mẹ, anh chị em làm gì, ở đâu, nghề nghiệp thế nào…


Anh Đào cứ một hơi nói về gia đình không đắn đo suy nghĩ gì.


Người thương binh nghe chăm chú, gật gật đầu và nói sau một hồi yên lặng:


- Cô Anh Đào rất thẳng thắn, tôi thành thực cảm động vì sự thẳng thắn ấy. Tôi tin li do hai chị em ở lại miền Bắc là hoàn toàn trong sáng, thể hiện tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Nhưng cô thông cảm cho rằng cách mạng có những nguyên tắc không do tình cảm chi phối. Chẳng hạn lí lịch, gốc gác giai cấp, thành phần xuất thân gia đình, bản thân v.v. Trường hợp của cô như vậy đã rõ: không ai được phép thu nhận cô vào bất cứ một đại học nào. Em cô cũng vậy. Hai chị em phải tính toán lại cho kĩ về cuộc sống tương lai.


Anh Đào lặng im không nói nên lời. Dầu hai chị em đã lường hết mọi khả năng xấu nhất khi quyết định ở lại Hà Nội nhưng việc này quả vượt khỏi óc tưởng tượng, kể cả óc tưởng tượng của người từng trải. Cuối cùng cô rụt rè hỏi:


- Em chấp nhận nguyên tắc cách mang thôi. Nhưng theo bác, chúng em, tức là bản thân em và em trai của em, phải làm gì cho phù hợp với những nguyên tắc mới?


Trưởng phòng tổ chức nói ngay:


- Tôi đã suy nghĩ về trường hợp của cô suốt mấy ngày nay. Tôi thấy cô cần có dũng khí từ bỏ giai cấp, hay theo cách nói mới là đầu hàng giai cấp, cô phải phấn đấu biến thành người lao động thực sự. Một khi thành người lao động thực sự đứng vào hàng ngũ của Đảng tiên phong rồi thì thành phần giai cấp là chuyện thứ yếu. Nhiều vị lãnh tụ của ta cũng xuất thân như cô thôi: con quan lại phong kiến, tư sản, địa chủ. Tôi có người bạn thân trước là tiểu đoàn trưởng pháo binh, bị thương phục viên về làm giám đốc nông trường Tân Sở cách đây chừng năm mươi cây số. Nếu cô đồng ý tôi sẽ giới thiệu cô về đó tham gia lao động thật sự…


- Thế cũng được bác ạ… chỉ có điều cháu có đứa em đang học Albert Sarraut, cháu phải tìm người gửi em cháu mới yên tâm đi được.


- Cô nói cậu em học ở đâu?


- Ở trường Albert Sarraut ạ!


- Thế thì gay rồi! Học chi cái trường thực dân ấy! Chà, cả ngày Vive la France! Vive Henri Quatre! Vive Louis Quatorze le Roi-Soleil! Tôi biết mà. Tôi khuyên chân tình nhé: Lôi cậu em đi nông trường luôn cho cậu có dịp thay da đổi thịt, tẩy rửa hết hơi hám thực dân đó đi.


- Ở trường họ cũng dạy Jeanne d’Arc, Cách mạng Pháp, Công xã Paris, cả Aragon và Éluard nữa – Anh Đào liều mạng cãi.


Người thương binh khoát tay:


- Vải thưa che mắt thánh! Họ bịp thế thôi để được yên thân chứ họ xảo trá lắm. Dây vào là khốn! Cô nghĩ xem, Aragon thơ hay thật. Éluard cũng vậy. “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” phải thế không? Tuyệt vời. Nhưng liệu thơ ca của mấy ông đó có giành được chính quyền từ tay bọn tư sản không? Mao chủ tịch đã khẳng định là chỉ có súng mới giành được chính quyền. Cô thấy chưa? Bây giờ cô ra ngoài chờ tôi một lát, tôi viết cho cô thư giới thiệu với tay giám đốc nông trường Tân Sở.


Chừng mười lăm phút sau, một cô thư kí ra gặp Anh Đào, đưa cho cô thư giới thiệu và một cuốn sách bọc trong một trang báo cũ:


- Sách này trưởng phòng bảo tặng cho cô để cô đọc khi rỗi rãi. Hình như sách bằng tiếng Pháp – cô thư kí nói.


Anh Đào mở ra xem thì thấy đó là cuốn “Thép đã tôi” của N. Ostrovski, bản tiếng Pháp in ở Nga.


- Chị làm ơn gửi lời tôi cám ơn bác trưởng phòng. Cuốn sách bác tặng quí lắm, tôi sẽ đọc kĩ. Chào chị.


* *

*

(Còn tiếp)


Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú