Ce portfolio se veut un objet de recherche et de découverte, un lieu de partage et d’échanges entre « alter » et « ego ». Tous les commentaires seront donc les bienvenus. J’en remercie par avance leurs auteurs.

« Sẽ có một ngày trên hành trình đến với những cánh đồng Abydos của Osiris dương trần tục luỵ em bỏ lại đàng sau cả những thân sơ giận thương yêu ghét... »


Chers collègues,


Après une assez longue période de tâtonnements, voici enfin le fruit de mes efforts continus.

J’ai le grand plaisir de mettre à votre disposition un e-portfolio que j’ai conçu comme outil d’accompagnement à mon auto-formation, et en tant qu’enseignante-chercheur-formateur (ou ... chercheuse-formatrice ?), ceci dans le but de favoriser des échanges et contacts avec des collègues d’ici et d’ailleurs.

J’aurais aimé un outil plus approprié (pour plus de facilité dans la conception et dans la lecture), mais je n’en ai pas trouvé. Je compte donc sur votre compréhension.

Si les jeunes collègues y trouvent quelque utilité pour leurs réflexions, ou pour alimenter et enrichir leur vécu professionnel, ce sera à ma très grande joie, et j’en serai bien honorée.

Je compte aussi sur vos remarques, suggestions et propositions (qui seront ajoutées en fin de chaque article ou en bas de la page) pour pouvoir améliorer cet outil. Vous pourriez de même me les communiquer par email (phamthi.anhnga@yahoo.fr).

Avec mes sincères remerciements,

Et Bonne Année du Buffle !


Anh Nga

mardi 22 novembre 2011

Thầy Âu : « Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị… » [Phần 2]


Nguyên bản bằng tiếng Pháp : Phạm Thị Anh Nga

– Người dịch sang Việt ngữ : Hoàng My


« Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị ; nhưng nếu tôi có thể lưu lại trong tâm trí các trò những tư tưởng đúng đắn và độ lượng thì, với tôi, đó sẽ là phần thưởng ngọt ngào nhất và điều vinh quang nhất.[…] » (Guyau, Thầy và trò)


Bài viết về người cha quá cố của tôi, Thầy Phạm Kiêm Âu, được viết « theo yêu cầu » của một nghiên cứu có chủ đề « Giáo dục nữ sinh và sự hình thành tầng lớp trí thức sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam từ năm 1920 đến năm 1945 ». Có nhiều nguồn tài liệu: các ý kiến thu được qua các bảng câu hỏi, trao đổi email với / giữa các cựu nữ sinh và / hoặc các cựu đồng nghiệp của Thầy Âu, những chuyện kể và các thư từ trao đổi liên quan đến Thầy,... và còn có nguồn tài liệu dồi dào của gia đình chúng tôi. Bài này chủ yếu nói đến hình ảnh Thầy Âu thông qua cái nhìn của các cựu nữ sinh của Thầy, và cũng nhấn mạnh một số nét chính trong cuộc đời Thầy lúc sinh thời.


(Tiếp theo)


3. Những gì còn lại…


3.1. Những bài học của Thầy


Chúng ta hãy xem học sinh học được gì từ Thầy Âu thông qua câu trả lời của họ cho câu hỏi sau: « Theo Chị, ngoài những kiến thức liên quan đến các môn Thầy dạy, Thầy có truyền đạt thêm cho Chị và các bạn những bài học nào khác về cuộc đời không ? »


« Thầy không những dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy chúng tôi về đạo đức, về triết lý của cuộc sống. » (Vương Thuý Nga) – « Với tôi, Thầy là một hình mẫu nổi bật, không chỉ với tư cách là một người thầy mà còn là một con người rất có lương tâm, tận tâm, giàu đức hy sinh và giàu tình cảm. » (Vương Thuý Loan) – « Thầy đã dạy cho chúng tôi một bài học ý nghĩa về sự khéo léo trong suy nghĩ, và những phương pháp để nhớ lâu. Theo tôi, Thầy là một trong những giáo viên tài năng nhất đã cống hiến hết mình cho công việc mà sau này khó có thể tìm thấy ai như vậy. » (Trần Thuỳ Mai) – « Thầy đã dạy chúng tôi những bài học quý báu về tình cảm giữa thầy và trò, về tình yêu với con trẻ và yêu nghề. Tôi nghĩ rằng với Thầy, để dạy tốt, ta không chỉ đặt vào đó tấm lòng mà còn có cả tâm hồn. Thầy có khi vui hay buồn với từng kỷ niệm đối với mỗi đứa học trò, Thầy không phân biệt ai học giỏi hay dở, ai ngoan hay không ngoan. […] Tôi tôn trọng cách làm của Thầy, mặc dù có lúc Thầy hơi đi vào chi tiết. Nhưng đó lại là đặc trưng riêng của Thầy, nó nói lên lòng yêu nghề và sự quan tâm của Thầy đối với sự tiến bộ của mỗi học sinh. » (Đoàn Phương Mai). – « Những đức tính tốt của Thầy là tấm gương để chúng tôi noi theo. Trong mọi tình huống, chúng ta phải luôn nghiêm túc, lễ độ trong lời nói và hành động, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, nhiệt tình dạy bảo các thế hệ về sau. » (Đặng Ngọc Lệ Khánh) – « Thầy và cuộc đời Thầy là một bài học đối với chúng tôi, bài học về cách làm người : biết sống có đạo đức, nhân đạo, trung thực, biết yêu thương và biết hy sinh. » (Trương Thị Huệ) – « Bản thân tôi học được rất nhiều điều từ Thầy. Thầy đã dạy tôi tôn trọng chính bản thân mình, sự trung thực, lòng dũng cảm, sự khoan dung với mọi người, sự yêu thương và chia sẻ đối với những người gặp khó khăn. Những bài học này xuất phát từ tận đáy lòng của Thầy nên càng in sâu trong tôi. » (Nguyễn Thị Thuý Loan) – « Thầy đã từng nói với tôi : Cố mà học đi, không là sau này không theo kịp các bạn đâu. » (Hồng Hạnh Luguern).


Khi được hỏi về những phát biểu của Thầy Âu về mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, và về bình đẳng, bất bình đẳng giới lúc bấy giờ, các cựu học sinh cho biết rằng không thấy gì đặc biệt ở Thầy. « Không bao giờ », Hồng Hạnh Luguern khẳng định. « Có thể nói Thầy rất công bằng trong vấn đề này », Vương Thuý Nga cho hay. Với Đặng Ngọc Lệ Khánh, « Thầy không bao giờ phân biệt trai hay gái. Với Thầy, chỉ có học trò, thế thôi ». Trương Thị Huệ et Trần Thuỳ Mai khẳng định chưa từng nghe hay không nghe nói tới vấn đề này. Nguyễn Thị Thuý Loan thì phát biểu rất độc đáo trước câu hỏi đặt ra ở trên: « Không bao giờ. Tôi không hiểu câu hỏi này. Tôi là nữ nhưng tôi nghĩ mình nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thầy. Có thể vì tôi là một học sinh giỏi chăng ? ».


3.2. Công lao của Thầy


Lúc sinh thời, Thầy Âu rất khiêm tốn tự nhận mình là một « con đom đóm nhỏ ». Trong số những tác phẩm của các tác giả quen thuộc với Thầy, có một đoạn trích của Guyau mà tôi xem đó là lời giới thiệu cho chân dung của Thầy, và các bạn sẽ thấy trong phần 4 « Khía cạnh ít ai biết ».


Nhưng công lý cần được thực thi! Các cựu nữ sinh của Thầy nói gì về điều này ? Chúng ta hãy cùng xem.


Sau đây là một số câu trả lời của họ cho câu hỏi: « Theo Chị, đối với nền giáo dục của nước nhà Thầy có phần đóng góp nào đáng được ghi nhận không ? Có điều gì của Thầy có thể được xem là giá trị cuộc sống để làm gương cho các thế hệ sau không ? » :


« Tôi cho rằng tất cả các giáo viên ít nhiều đều là những người có vai trò giáo dục, bởi vì họ đào tạo nên những con người có ích cho xã hội. Giáo viên trung học chỉ dạy một vài môn trong chương trình, do đó sự thành công hay thất bại của học sinh không phải hoàn toàn do họ. Tuy vậy, mỗi giáo viên ít nhiều đều có ảnh hưởng đến học sinh. Với Thầy Âu, Thầy là một giáo viên có rất nhiều ưu điểm, là một tấm gương sáng, một hình mẫu để học sinh noi theo (còn những người mà hành động không đi đôi với lời nói không thể coi là hình mẫu cho học sinh). » (Vương Thuý Nga) – « Vâng, tất nhiên. Thầy đã dạy nhiều thế hệ và cũng có nhiều cựu học sinh của Thầy đã trở thành giáo viên, bởi vì họ ngưỡng mộ Thầy, muốn giống Thầy và muốn đi theo con đường của Thầy. » (Vương Thuý Loan) – « Tất nhiên, theo tôi, Thầy đã đóng góp rất nhiều cho nền giáo dục nước nhà, Thầy đã dạy nhiều thế hệ liên tiếp, và họ đã trở thành những công dân tốt được xã hội công nhận. […] Thầy là một tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau. » (Mai Băng Thanh) – « Thầy giỏi về chuyên môn, dạy dỗ hết mình và đã cống hiến hết cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Cách dạy và cách sống của Thầy là độc nhất vô nhị và nổi bật, không một ai có thể giống Thầy. » (Trần Thuỳ Mai)« Thầy rất nổi tiếng, tất cả các học sinh của Thầy đều khẳng định như vậy. Bởi vì Thầy dạy giỏi, và cũng có thể vì Thầy là một điển hình của một người giáo viên dạy dỗ hết mình. ». (Công Huyền Tôn Nữ Thu Quỳ) – « Theo tôi, Thầy có nhiều đóng góp đáng kể cho nền giáo dục của đất nước. Không cần những gì lớn lao, chính cuộc đời Thầy, những bài học, hoạt động của Thầy trên lớp đã đào tạo nên những con người tuyệt vời, về mặt đạo đức lẫn trình độ. Trong giờ học của Thầy, sự trung thực được đặt lên hàng đầu. » (Kiều Hạnh) – « Thầy truyền đạt kiến thức nhiều nhất có thể để học trò có kết quả tốt. » (Nguyễn Anh Phi) – « Có chứ. Thầy đã đào tạo nên những thế hệ trẻ biết yêu trường lớp, giỏi và có trái tim nhân đạo. Với những học trò gần gũi với Thầy hơn, họ còn được giáo dục lòng yêu nước nồng nàn. » (Đặng Ngọc Lệ Khánh) – « Theo tôi, Thầy không chỉ trang bị cho học sinh những kỹ năng, những kiến thức khoa học, mà Thầy còn là một hình tượng nổi bật về đạo đức, sự trung thành, nhân đạo và lòng khoan dung vô hạn. » (Trương Thị Huệ) – « Những đóng góp của Thầy cho nền giáo dục nước nhà là không nhỏ. Giá trị sống lớn nhất mà Thầy để lại cho chúng tôi chính là bản thân Thầy, một hình mẫu trong sáng về lương tâm nghề nghiệp, về lòng nhân đạo và đạo đức nghề nghiệp, sự bao dung, trung thành, tình cảm thầy trò. » (Nguyễn Thị Thuý Loan) – « Tôi không biết Thầy đã đóng góp gì cho nền giáo dục của đất nước, nhưng trong lĩnh vực văn học Pháp thì Thầy đã giúp đỡ học sinh rất nhiều. Một thiếu nữ trở về từ vùng bưng biền, chỉ sau vài năm học với Thầy, đã có một vốn hiểu biết rộng lớn về văn học Pháp. » (Hồng Hạnh Luguern).



Các giáo viên trường Đồng Khánh (1973-1974)

Chữ viết của Thầy Âu, phía dưới tấm hình : « Trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế / Niên khoá 1973-1974 / 5 giờ chiều thứ ba 15 tháng 1 năm 1974 / (23 tháng chạp năm Quý-Sửu) / Dãy nhà phía trái / (từ ngoài đi vào) »

(Đồng Khánh Mái trường xưa 1997)



4. Khía cạnh ít ai biết


4.1. « Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị » (Guyau)


Trường cấp II-III Đồng Khánh, nơi Thầy Âu làm việc trong suốt hơn 20 năm, không phải là ngôi trường duy nhất Thầy từng dạy. Nơi Thầy dạy đầu tiên là trường cấp III Bassac ở Cần Thơ (1944). Tiếp đó là một vài trường ở Sài Gòn, rồi trường Chơn Phước Phượng ở Đồng Hới trước khi Thầy về Huế.























Thầy Âu ở Đồng Hới

Bên trái : Trường Chơn-Phước-Phượng – Bên phải : Chữ viết của Thầy « Non sông nào phải buổi bình thời » (của Nguyễn Bỉnh Khiêm)


Chỉ riêng ở Huế (từ năm 1954 tới năm 1982), Thầy đã dạy rất nhiều trường: trung học có trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Du, Nông Lâm Súc, Bồ Đề, Bán Công, Jeanne d’Arc[1], và ở đại học thì có các trường Đại học Văn khoa, Đại Học Sư Phạm, thuộc Đại học Huế. Năm 1982, ở tuổi 63, Thầy kết thúc sự nghiệp giáo viên của mình ở trường Đại học Sư phạm Huế.


trung học, Thầy dạy chủ yếu môn Pháp văn, nhưng Thầy cũng có dạy Toán và Vật lý (nhất là trong những năm đầu, khoảng những năm 50 của thế kỷ XX). Ở đại học, tại khoa Pháp - nơi đào tạo những giáo viên và cử nhân tiếng Pháp, Thầy dạy nhiều môn khác nhau: Đọc hiểu, Nghiên cứu tác phẩm, Ngữ pháp thực hành, Văn học Pháp, Phương pháp giảng dạy (Thực hành giảng dạy)…


Khía cạnh đầu tiên ít người biết về cuộc đời Thầy ( hay phần ẩn kín) giải thích được vì sao Thầy vô cùng tận tâm đối với học trò. Tôi muốn nhắc đến đoạn văn của Guyau, được xem là châm ngôn của Thầy và cũng là món tài sản tinh thần mà Thầy lưu lại cho thế hệ giáo viên thứ hai trong gia đình:


« Tôi sống giản dị, chết cũng giản dị ; nhưng nếu tôi có thể lưu lại trong tâm trí các trò những tư tưởng đúng đắn và độ lượng thì, với tôi, đó sẽ là phần thưởng ngọt ngào nhất và điều vinh quang nhất. Khi tôi không còn nữa, khi các trò lớn lên, có thể các trò sẽ quên đi người thầy hồi còn nhỏ, nhưng sẽ có cái gì đó của thầy vẫn còn lại trong các trò. Khi đọc sách, nguời dạy cho các trò đọc sẽ hiện diện một nửa trong các trò; khi các trò viết, người đầu tiên cầm tay chỉ cho các trò viết cũng hiện diện như vậy; khi nghĩ về công việc của mình, về Tổ quốc mình, người thầy của các trò sẽ hiện diện trong những tư tưởng bao dung mà thầy đã dạy cho các trò lúc còn đi học. Không, tôi sẽ không chết hẳn, bởi vì tôi sẽ sống lại trong các trò.


Các trò, Thầy rất yêu các trò và sẽ luôn như thế. Đổi lại, Thầy muốn các trò làm gì ? Không gì cả ngoài sự cân nhắc trong lời nói, sự coi trọng các bài học của Thầy, và nếu có lòng, thì hãy dành một chút tình cảm cho Thầy. »


Guyau, « Thầy và trò »


Mỗi năm Thầy Âu đều có một cuốn sổ dạy học, trong đó Thầy ghi lại danh sách lớp, sơ đồ ngồi trong lớp kèm theo ảnh của mỗi học sinh, và thông tin của từng người : lý lịch tóm tắt, những kết quả đạt được, những kỷ niệm đáng chú ý, vv... Trang đầu tiên của mỗi cuốn sổ luôn có dòng khẩu hiệu (là dòng chữ in hoa bằng tiếng Việt được Thầy viết rất nắn nót), có khi kèm theo hình vẽ một cái lư hương được đặt một cách nghiêm trang như trên bàn thờ : « TỔ QUỐC TRÊN HẾT – TẤT CẢ CHO TỔ QUỐC – VÌ TỔ QUỐC, CHỈ VÌ TỔ QUỐC ». Thầy là người không hề có năng khiếu về mỹ thuật….nhưng hình vẽ ấy đã tác động rất mạnh đến đứa trẻ là tôi lúc bấy giờ.


Phải đến một tuổi nào đó tôi mới bắt đầu hiểu dần dần về người bố của mình.


Và tôi biết được rằng, từ nhỏ, ngay từ lúc ra đời, định mệnh đã khó khăn với ông. Được Ông Nội tôi đặt cho cái tên « Kim Âu », nhưng kém may mắn thay, Ba tôi không được hưởng gì từ cái tên mang ý nghĩa thiêng liêng này.


Xin được nói về ý nghĩa của « kim âu ». Theo truyền thống Việt Nam xưa, từ ghép Hán-Việt « kim âu » có nghĩa là cái bồn bằng vàng (hoặc bằng đồng), biểu tượng của một vùng đất thống nhất và vững chắc. Sau này, từ này dùng để chỉ một đất nước. Từ này xuất hiện trong một bài thơ rất nổi tiếng :« Chiêu Dương mộ bạc »[2] của Ninh Tốn (1734-1790), một nhà văn lớn của Việt Nam thời nhà Tây Sơn. Một giai thoại khác liên quan tới từ « kim âu » : theo truyền thuyết xưa, sau chiến thắng quân Nguyên xâm lược, một hôm, người dân thấy những cái chân của mấy con ngựa đá phía trước đền thờ vua Trần Thái Tông dính đầy bùn. Họ nói rằng đó là do mấy con ngựa đá (chỉ là những con vật vô tri) đã tham gia vào trận chiến. Tin đồn cuối cùng cũng đến tai vua Trần Nhân Tông. Trong lúc hào hứng, nhà vua đã ứng khẩu thành hai câu thơ : « Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu » [3].


Một cái tên rất ý nghĩa. Tuy nhiên, do cách đọc trại của người dân địa phương ở Sa-đéc (nơi Thầy Âu sinh ra), người ta không phân biệt được giữa « im » và « iêm », « kim » và « kiêm » ; và do người thân đi lo việc ấy không biết chữ, nên giấy khai sinh của cậu bé Âu lại ghi là Phạm Kiêm Âu (thay vì Phạm Kim Âu), cái tên mà Ba tôi phải mang theo từ đó cho đến cuối đời.


Sinh năm 1919, là con út của một gia đình nghèo gồm chín anh chị em, chàng trai Phạm Kiêm Âu được giáo dục kỹ lưỡng từ một người mẹ hiền từ và một người cha là nghệ nhân làm đồ bạc, phải làm việc cật lực để nuôi cả gia đình. Chàng thanh niên Âu đã thừa hưởng từ cha những tư chất mà sau này ông xác định sẽ dạy lại cho các con của mình : trung thực, thật thà, hiếu thảo, trung thành và danh dự. Giống như cha của mình, ông đã sống rất trong sáng và luôn như vậy trong suốt cuộc đời.























Bên trái: Thầy Âu ở Sài Gòn, năm 1948 – Bên phải: Thầy Âu cùng với thân phụ (ngồi), vợ và các con ở Sài Gòn, năm 1961


Những giá trị mà Ba tôi đã để lại cho con cháu (trong đó có tôi) có thể được tóm tắt qua những câu thành ngữ, châm ngôn... mà từ lâu ông đã coi đó là phương châm sống của mình và cũng là của tôi sau này:


« Tự lực cánh sinh. »« Tài năng là thứ bảo vệ chúng ta tốt nhất. »« Hãy lao động, biết chịu khổ, tiền là thứ ta ít thiếu nhất. » (La Fontaine) – « Anh em là người bạn mà tạo hóa đã ban cho chúng ta. »« Con cái hòa thuận là niềm vui của mỗi gia đình. »« Hãy biết yêu thương lẫn nhau. »« Con người không tốt và cũng không xấu, và nỗi bất hạnh là do con người ta muốn tự cho mình là người tốt hoá ra lại thành kẻ xấu. » (Pascal) – « Nên làm việc với người Chúa hơn là với các thánh »« Đừng trông chờ vào sự biết ơn của người khác. » – « Các trò, làm tròn nhiệm vụ là mục đích thực sự của sống. »


… một số câu trong văn học dân gian Việt Nam:


« Người ta đi cấy lấy công / Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề »« Ai ơi chí giữ cho bền / Dù ai xoay hướng xoay chiều mặc ai »« Cát bay vàng lại ra vàng. / Những người quân tử dạ càng đinh ninh »« Dù ai nói ngả nói nghiêng, / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân »


… hay là những câu của các nhà văn, đặc biệt là của Victor Hugo trong những đoạn trích của tác phẩm « Những người khốn khổ » mà Ba tôi đã chép lại và gửi cho chúng tôi (tháng 3-tháng 4 năm 1994), không lâu trước khi ông mất (tháng 9 năm 1994) :


« Các con, Ba nhìn không được rõ nữa, Ba có nhiều điều muốn nói với các con, nhưng thôi, cũng thế thôi. Hãy nhớ về Ba. »« Đừng khóc nhé, các con của Ba. Ba không đi xa đâu. Ba vẫn nhìn thấy các con từ trên kia. Cứ nhìn vào bầu trời đêm, các con sẽ thấy Ba cười. […] Các con của Ba, Ba đi đây. Hãy luôn thương yêu nhau nhé. Không có gì khác hơn tình yêu thương lẫn nhau trên đời này. Thỉnh thoảng các con hãy nghĩ tới con người khốn khổ đang chết đây.... » (Victor Hugo, Những người khốn khổ).


Sau cơn tái phát bệnh lao, do tuổi cao sức yếu, Ba tôi đã qua đời ngày 10 tháng 9 năm 1994, thọ 75 tuổi.


Các học trò cũ của Ba tôi ở nước ngoài đã quyên góp tiền và ngỏ ý với gia đình việc xây lăng cho ông, nhưng Mẹ và các anh chị em tôi tôn trọng ước nguyện của Ba tôi (khiêm tốn, giản dị,, lúc còn sống cũng như sau khi qua đời), và chúng tôi đã xây cho ông một ngôi mộ thật giản dị, nằm ngay trong nghĩa trang của gia đình bên họ ngoại cùng với Ông Bà Ngoại và những người quá cố khác. Sau đó, với sự đồng thuận của các cựu học sinh, số tiền dự kiến xây lăng nói trên đã được để dành cho quỹ học bổng thường niên để trao các học sinh vượt khó học giỏi. Thế là Thầy vẫn có thể chăm lo cho các thế hệ tương lai cũng như lúc sinh thời.


Ngoài ra, tinh thần giúp đỡ các học sinh trong học tập cũng được nhân rộng : ngoài học bổng Phạm Kiêm Âu, một mặt, một trong các con của Thầy (Phạm Anh Tuấn), cùng với các tình nguyện viên khác đã thành lập quỹ HHF (Hope for Hue Foundation, hay Quỹ Hy Vọng cho Huế), và đã nâng đỡ các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung Ương Huế và giúp đỡ các học sinh nghèo trong học tập từ nhiều năm nay ; và mặt khác, từ hai năm nay, vợ của Phạm Anh Minh (một trong những ngươi con trai của Thầy, đã mất năm 2004 ở tuổi 44 !) đã liên kết với khoa Toán của các trường Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm Huế, và đặc biệt là với trường THCS Nguyễn Tri Phương, để trao phần thưởng cho các sinh viên, học sinh học tốt môn Toán nhân danh « Quỹ Khuyến học Phạm Anh Minh ». Lúc sinh thời, Phạm Anh Minh là một nhà toán học trẻ tuổi được khẳng định ở Việt Nam cũng như trên thế giới về chuyên ngành Tô-pô.

















Tinh thần khuyến học, xưa và nay…

Bên trái: Chứng nhận sử dụng học bổng Phạm Kiêm Âu của trường Hai Bà Trưng (Huế), năm học 1995-1996 – Bên phải: Giấy khen những học sinh giỏi môn Toán (Trường Nguyễn Tri Phương, & Quỹ Khuyến học Phạm Anh Minh), năm 2009


(Còn tiếp)



Huế (Việt Nam), ngày 20 tháng 5 năm 2011

Phạm Thị Anh Nga

Nguyên bản bằng tiếng Pháp – Người dịch sang Việt ngữ : Hoàng My



Tin Trung tâm Giới và Xã hội (ĐH Hoa Sen), số 5, tháng 9 năm 2011

http://gas.hoasen.edu.vn/bantingas/no5/vi/index.html

http://gas.hoasen.edu.vn/filepdf/READING%20Maitre%20Au%20VI%2020082011.pdf




[1] Năm 1973: Một trong những cựu học sinh (Thu Quỳ) đã nhắc cho tôi (trong khi tôi không nhớ gì về điều này).

[2] “[…].Nguyên binh tự phong vũ / Tức Mặc kim âu thương […].


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Jeanne d'Arc 1960-1973

Jeanne d'Arc 1960-1973
classes de 7e et de 8e

classe de 4e

ENS de Hué 1973-1977

ENS de Hué 1973-1977
4e année

Université de Rouen 1996-1997

Université de Rouen 1996-1997
salle de documentation DESCILAC - le 9 janvier 1997

dernier cours de méthodologie 1997

Université de Rouen 1999-2000

Université de Rouen 1999-2000
soutenance de thèse

avec Anh Hai

... et les copains copines

ENS de Hué 2003-2004

ENS de Hué 2003-2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Université d'Hélouan - Égypte 2004

Bangkok 2006

Bangkok 2006

ESLE de Hué 2006-2007

ESLE de Hué 2006-2007

Siem Reap 2007

Siem Reap 2007
anciens Rouennais

chez Minh 2008

chez Minh 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Pagode Từ Lâm (Hué) 2008

Vientiane 2008

Vientiane 2008
Avenue Lane Xang

Université Nationale du Laos

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008

Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) 2008


đăng quang 2008

đăng quang 2008

kỷ sửu 2009

kỷ sửu 2009
đền huyền trân

trúc lâm thiền viện

chez phan thuận an 2009

chez phan thuận an 2009

dans le soleil et dans le vent

thả thơ 2009

thả thơ 2009
trên sông Hương

tiến vào chung kết

Fai Fo 2009

Fai Fo 2009

canh dần 2010

canh dần 2010
chùa Từ Lâm

phật tử Quảng Viên

phật tử Quảng Viên
chùa Tịnh Giác

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)

Huý nhật lần 7 của em Minh (5.10.2011 - 9.9 ÂL)
Nam-Nga Tuấn-Hà Phượng Chôm Bư Nin Hề + Tùng Tú